Hôm
nay, chúng ta đi đến phần thứ ba của Luật Nhân Quả. Luật Nhân Quả có ba phần:
Trước tiên là Luật Nghiệp Báo, thứ hai là Luật Duyên Sinh, thứ ba là Luật Duyên
Hệ Duyên (bài này). Hai Luật đầu chúng ta đã nghiên cứu rồi. Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu
tiếp Luật Duyên Hệ Duyên (Paṭṭhāna).
Paṭṭhāna
có nghĩa là điều kiện, thāna có nghĩa là chỗ hay xứ, nhưng nghĩa rốt ráo của nó
là đứng, “đứng” ở đây có nghĩa là: một chỗ mà những vật khác có thể đặt hay để
lên đó hay “nền tảng”. Luật Paṭṭhāna hay Duyên Hệ Duyên giống như Luật Nghiệp
Báo và Luật Duyên Sinh. Đó là một “Luật Tự Nhiên”. Luật này không phải được
sáng tạo ra bởi một người nào hay do Đức Phật sáng tạo ra. Luật này được ẩn
tàng hay có sẵn ngay khi không có Đức Phật trên thế gian này. Khi một vị Phật
xuất hiện trên thế gian, Ngài khám phá ra luật ẩn tàng đó. Sau khi khám phá ra
luật này, Đức Phật làm hiển lộ hay dạy cho chúng sinh biết. Trong kinh điển có
ghi một câu nói về Luật Duyên Sinh như sau:
“Dầu cho có Chư Phật ra đời hay không thì vẫn
có những yếu tố này, những sự liên hệ của các yếu tố, những sự điều hòa các yếu
tố, sự liên hệ lẫn nhau của các yếu tố”. Có nghĩa là Luật Duyên Sinh. Như vậy, dầu cho Chư Phật
có ra đời hay không thì Luật Duyên Sinh vẫn có sẵn. Đức Phật ra đời khám phá ra
Luật đó, xuyên thấu qua luật đó. Sau khi tìm ra xuyên thấu, hiểu biết trọn vẹn
luật đó, Đức Phật tuyên bố, dạy luật đó cho toàn thể chúng sinh.
Giống
như Luật Duyên Sinh, Luật Duyên Hệ Duyên cũng là luật thiên nhiên được Đức Phật
khám phá ra, và sau khi khám phá ra Ngài làm hiển lộ bằng cách giảng giải cho
chúng sinh biết. Luật Duyên Hệ Duyên là luật tinh vi, chi ly hơn hai Luật Nghiệp
Báo và Luật Duyên Sinh. Luật Nghiệp Báo chỉ giải thích nguyên nhân và áp dụng
cho chúng sinh chứ không áp dụng cho các vật vô tri. Luật Duyên Sinh cũng áp dụng
cho chúng sinh chứ không áp dụng cho các vật vô tri. Luật Duyên Hệ Duyên bao
trùm cả chúng sinh và vật vô tri. Như vậy, luật Duyên Hệ Duyên còn giải thích Vật
Chất này liên hệ đến Vật Chất kia như thế nào chứ không phải chỉ nói sự liên hệ
giữa chúng sinh mà thôi.
Giống như Luật Nghiệp Báo và Luật Duyên Sinh, Luật Duyên Hệ Duyên giải
thích sự liên hệ giữa các chúng sinh. Ngoài ra Luật Duyên Hệ Duyên còn giải
thích Vật Chất và Tâm liên hệ với chúng sinh như thế nào?
Không
những giải thích Vật Chất, mà Luật Duyên Hệ Duyên còn nói đến cách thức mà
chúng liên hệ với nhau. Trong Luật Duyên Sinh, chúng ta chỉ biết một số hiện tượng
này liên hệ hay chịu điều kiện của một số hiện tượng kia; nhưng Luật Duyên Sinh
không chỉ cho chúng ta biết chúng liên hệ với nhau như thế nào? Theo cách nào?
Theo đường lối nào? Trong khi luật Duyên Hệ Duyên giải thích cho biết chúng
liên hệ nhau như thế nào. Như trước đây nhiều lần tôi đã nói: “Luật Duyên Sinh
nói rằng: “Hai người này liên hệ nhau”, nhưng trong Luật Duyên Hệ Duyên nói: “Họ
liên hệ với nhau như thế nào”. Liên hệ cha con, liên hệ anh em, liên hệ vợ chồng
hay liên hệ bạn bè”. Như vậy, trong liên hệ Duyên Hệ Duyên người ta hay dùng chữ
Paccaya Satti (Lực của Duyên). Chữ này chỉ có nghĩa đơn thuần là chúng liên hệ
với nhau như thế nào? Như vậy, Luật Duyên Hệ Duyên không những giải thích hai sự
vật liên hệ nhau mà còn giải thích chúng liên hệ với nhau như thế nào. Như vậy,
Luật Duyên Hệ Duyên chỉ cho ta thấy nhiều điều thích thú và chi tiết trong
phương pháp nghiên cứu hơn hai Luật Nghiệp Báo và Duyên Sinh.
Luật
Duyên Hệ Duyên là một luật rất thâm sâu trong Abhidhamma (Vi Diệu Pháp). Về
phương diện số lượng thì Paṭṭhāna là cuốn sách có số lượng đồ sộ trong
Abhidhamma. Có bảy bộ sách trong Abhidhamma. Trong thời kỳ kết tập tam tạng lần
thứ sáu, Bộ Abhidhamma được chia thành mười hai cuốn, và năm cuốn dày nhất thuộc
về Paṭṭhāna. Trong khi đó bảy cuốn mỏng hơn nói đến sáu bộ sách kia. Như vậy về
số lượng thì Paṭṭhāna có số lượng nhiều nhất trong Abhidhamma. Thêm vào đó Bộ
Paṭṭhāna là bộ khó nhất, sâu xa nhất trong Vi Diệu Pháp.
Bốn
tuần sau khi Đức Phật thành đạo, Đức Phật quán xét Abhidhamma. Sau khi Giác Ngộ,
Đức Phật đã trải qua tám tuần dưới cây Bồ Đề và những vùng chung quanh cây Bồ Đề.
Trong tám tuần này Đức Phật không giảng dạy cho ai cả. Suốt tuần thứ tư Đức Phật
quán sát Vi Diệu Pháp. Có bảy bộ sách trong Vi Diệu Pháp, Ngài tuần tự quán sát
từ bộ này đến bộ kia. Trong khi quán sát sáu bộ đầu tiên, không có chuyện gì đặc
biệt xảy ra. Nhưng khi quán sát đến bộ
thứ bảy về
Luật Duyên Hệ Duyên thì hào quang sáu màu
phát ra từ cơ thể Ngài, tỏa rộng đến tận cùng Thế Giới.
Đó
là vì khi quán sát sáu bộ Abhidhamma đầu tiên trí tuệ siêu việt, trí tuệ Chánh
Biến Tri của Ngài không đủ chỗ để hoạt động. Đối với chúng ta, ngay bộ Vi Diệu
Pháp đầu tiên cũng đã thật thâm sâu, khó hiểu, nhưng đối với trí tuệ của Đức Phật
những bộ đầu tiên này vẫn chưa thâm sâu. Bởi vậy, khi quán xét về sáu bộ đầu
tiên này trí tuệ của Đức Phật chưa đủ chỗ để lưu chuyển. Nhưng khi Ngài xét đến
bộ thứ bảy, Bộ Paṭṭhāna, thật thâm sâu, làm thỏa mãn sự hiểu biết nên trí tuệ
siêu việt của Ngài đủ chỗ để hoạt động. Khi Đức Phật có thể quán sát tùy thích
trên Paṭṭhāna, thì Ngài rất hoan hỉ. Khi Ngài hoan hỉ, hạnh phúc thì tâm Ngài
cũng hoan hỷ hạnh phúc. Lúc đó cơ thể Ngài - là nền tảng của Tâm - trở nên
trong sáng, đưa đến kết quả là những hào quang phát ra từ cơ thể Ngài và trải rộng
đến tận cùng thế giới.
Như
vậy, có thể nói rằng: khi Đức Phật quán sát sáu bộ sách đầu, tâm của Ngài như
con cá voi được đặt trong một cái hồ quá nhỏ. Mặc dầu được đặt trong hồ nước
nhưng hồ nước quá nhỏ không đủ chỗ cho cá voi bơi lội, vui đùa. Nhưng khi Đức
Phật xét đến bộ thứ bảy là bộ Paṭṭhāna thì giống như con cá voi đã được đưa vào
đại dương. Khi cá voi được ở trong đại dương, cá có thể bơi đi bất kỳ nơi đâu cá
thích, nên cá rất hoan hỷ hạnh phúc. Cũng vậy, khi Đức Phật quán sát bộ sách thứ
bảy Paṭṭhāna của tạng Vi Diệu Pháp thì trí tuệ siêu việt của Ngài đủ chỗ để hoạt
động, bởi thế nên hào quang sáu màu phát sinh từ cơ thể Ngài. Bây giờ chúng ta
đã biết rằng: Paṭṭhāna đã giải thích những duyên hay điều kiện của hiện tượng Vật
Chất và Tâm một cách chi li, thích thú hơn Luật Nghiệp Báo và Duyên Sinh. Trong
Paṭṭhāna có hai mươi bốn Duyên hay điều kiện hay hai mươi bốn cách thức sự vật
liên hệ với nhau hay điều kiện với nhau. Đó là:
1. Hetu: Nhân Duyên.
2. Ārammaṇa: Cảnh Duyên (Sở Duyên Duyên)
3. Adhipati: Trưởng Duyên.
4. Anantara: Vô Gián Duyên.
5. Samanantara: Đẳng Vô Gián Duyên (Liên Tục Duyên)
6. Sahajāta: Câu Sinh Duyên (cùng khởi sinh, cùng thời)
7. Aññamañña: Hỗ Tương Duyên.
8. Nissaya: Y Chỉ Duyên (Hỗ Trợ Duyên,)
9. Upanissaya: Thân Y Duyên (Hỗ trợ tích cực, cận y duyên)
10. Purejāta: Tiền Sinh Duyên (Duyên trước)
11. Pacchājāta: Hậu Sinh Duyên (Duyên sau)
12. Āsevana: Tập Hành Duyên (Thường Cận Y Duyên, lập đi lập
lại nhiều lần)
13. Kamma: Nghiệp
Duyên.
14. Vipāka: Quả Duyên.
15. Āhāra: Vật Thực Duyên.
16. Indriya: Căn Duyên (Quyền Duyên)
17. Jhāna: Thiền Duyên.
18. Magga: Đạo Duyên.
19. Sampayutta: Tương Ưng Duyên (phối hợp, đi kèm)
20. Vipayutta: Bất Tương Ưng Duyên (không phối hợp, không đi
kèm)
21. Atthi: Hữu Duyên.
(Có mặt, hiện hữu duyên)
22. Natthi: Vô Hữu Duyên (Vắng mặt)
23. Vigata: Ly Khứ Duyên (Biến mất)
24. Avigata: Bất Ly Khứ Duyên (Không biến mất).
Bởi
loạt bài này chỉ là Phật Pháp Căn Bản nên tôi sẽ không xét từng duyên một, nếu
bạn cảm thấy muốn tìm hiểu thêm thì bạn có thể tìm đọc một số sách, nhưng đối với
những người chưa biết chút ít về Vi Diệu Pháp thì khó mà hiểu thấu đáo được.
Có
tất cả hai mươi bốn Duyên. Ta có thể chia chúng thành nhiều nhóm, nhưng bài giảng
này chỉ nói đến một hiện tượng “tạo điều kiện” và một hiện tượng khác “nhận điều
kiện”. Cái “tạo điều kiện” có thể gọi là “nhân” và cái “nhận điều kiện” gọi là
“quả”. Đôi lúc chữ nhân có nghĩa là cái tạo ra hay sản xuất ra một số cái khác.
Bởi vậy, tôi muốn bỏ chữ nhân và quả khi tôi giảng về Paṭṭhāna. Tôi dùng chữ “yếu
tố tạo điều kiện” và “yếu tố chịu điều kiện”. Nhóm tạo điều kiện nghĩa là nhóm
giúp cho những cái khác khởi sinh, và nhóm chịu điều kiện có nghĩa là nhóm bị
điều kiện. Như vậy, có hai nhóm. Trong Paṭṭhāna giải thích sự liên hệ giữa
“nhóm tạo điều kiện” và “nhóm bị điều kiện”. Chúng liên hệ theo nhiều cách, chẳng
hạn như liên hệ theo “Nhân Duyên”, liên hệ theo “Hỗ Tương Duyên” v.v…
1. Nhóm
một, Nhóm tạo điều kiện: Nhóm
này tạo ra những yếu tố chịu điều kiện. Đó là sự liên hệ theo Nhân và Quả.
Trong
trường hợp này Nghiệp hay Luật Nghiệp Báo là một ví dụ điển hình. Giả sử bạn tạo
Nghiệp Bất Thiện thì khi nào bạn sẽ nhận chịu Quả của Nghiệp Bất Thiện đó?
Bạn
sẽ nhận chịu Quả của Nghiệp Bất Thiện trong kiếp này, trong kiếp tới hay trong
những kiếp sau kiếp đó nữa. Như vậy, “Kamma” là “yếu tố tạo điều kiện”, tạo
duyên, đó là Nhân; và “Quả của Kamma” là cái nhận điều kiện, đó là Quả. Nghiệp
thuộc về thời gian này và Quả thuộc thời gian khác: Quả có thể trả trong kiếp sống
này hoặc trong những kiếp sống sau. Như vậy, Nghiệp và Quả của Nghiệp liên hệ
theo Nghiệp Duyên. Ở đây là sự liên hệ giữa kẻ tạo tác và kẻ bị tạo tác.
2.
Nhóm thứ hai là sự
liên hệ giữa “yếu tố tạo điều kiện” khởi sinh trước
“yếu tố chịu điều kiện”,
có nghĩa là “yếu tố tạo điều kiện” khởi sinh rồi hiện hữu một thời gian sau đó yếu tố chịu điều kiện mới khởi sinh. Đây
là sự liên hệ theo Tiền Duyên giữa “yếu tố tạo điều kiện” và “yếu tố bị điều kiện”.
Bây giờ tôi sẽ nói với bạn thêm một chút, chẳng hạn như bạn thấy một vật gì đó.
Có vật thấy, rồi có Thức Thấy khởi sinh. Trước tiên, vật thấy phải khởi sinh ít
nhất ba sát na trước khi Thức Thấy khởi sinh. Có nhiều chi tiết rất tỉ mỉ trong
Vi Diệu Pháp. Khi bạn thấy một vật gì thì Thức Thấy khởi sinh, nhưng trước khi
Thức Thấy khởi sinh thì vật thấy phải khỏi sinh trước. Vật thấy khởi sinh vào
khoảng ba sát na trước khi Thức Thấy khởi sinh. Như vậy, khi Thức Thấy khởi
sinh thì Thức Thấy liên hệ với vật thấy theo Tiền Duyên. Ở đây “yếu tố tạo điều
kiện” không có tạo
ra
“yếu tố nhận điều kiện”, nhưng “yếu tố tạo điều kiện” đã hỗ trợ cho “yếu tố bị
điều kiện” khởi sinh và có mặt trong một thời gian.
Khi
chúng ta thấy một vật gì thì Thức Thấy khởi sinh, nhưng Thức Thấy này lại tùy
thuộc vào vật thấy, nhưng Thức Thấy cũng tùy thuộc vào một sự vật khác đó là mắt.
Nếu không có mắt thì bạn sẽ không thấy. Như vậy mắt cũng là một điều kiện cho
Thức Thấy khởi sinh. Bây giờ mắt đã có mặt với bạn trước khi Thức Thấy khởi
sinh. Trong trường hợp này cũng có sự liên hệ giữa Thức Thấy và mắt,
ở đây
là mắt Vật Chất. Sự liên hệ này là liên hệ Tiền Duyên. Điều này có nghĩa là mắt
khởi sinh trước khi có Thức Thấy, và khi Thức Thấy khởi sinh con mắt đã có sẵn.
Như vậy sự liên hệ được gọi là liên hệ theo Tiền Duyên.
Nếu
bạn biết được sự liên hệ giữa Thức Thấy và vật thấy thì bạn cũng hiểu được sự
liên hệ giữa thức nghe và âm thanh, giữa thức ngửi và mùi v.v… Khi bạn nghe một
âm thanh, vào lúc bạn nghe thì âm thanh đã có mặt ba sát na tâm trước đó. Bạn
có thể nghĩ rằng: bạn nghe âm thanh ngay lúc âm thanh khởi sinh, nhưng thật ra
đã có ba sát na trôi qua rồi bạn mới thực sự nghe. Như vậy, âm thanh liên hệ với
thức nghe theo Tiền Duyên. Cũng vậy, sự liên hệ giữa Tai và Thức Nghe cũng theo
Tiền Duyên.
3.
Nhóm thứ ba là “yếu
tố chịu điều kiện” xảy ra trước khi “yếu tố tạo
điều kiện” khởi sinh. Điều
này thật lạ lùng. Trong sự liên hệ giữa “yếu tố bị điều kiện” khởi sinh
trước khi “yếu tố tạo điều kiện” khởi sinh này. Sự liên hệ khởi sinh khi cả hai
yếu tố này đều hiện diện, không phải “yếu tố chịu điều kiện” khởi sinh trước “yếu
tố tạo điều kiện”. Sự liên hệ này chỉ khởi sinh và có mặt một lúc thôi.
Sự
biểu hiện trên gương mặt của bạn khi bạn vui, khi bạn buồn khác nhau. Tùy theo
bạn vui hay buồn mà sự biểu hiện hay những yếu tố Vật Chất trên mặt bạn thay đổi.
Ở đây, vật chịu điều kiện bởi tâm khởi sinh ra sau. Vật Chất trên gương mặt của
bạn đã hiện diện trong một khoảng thời gian rồi tâm bạn khởi sinh, rồi tâm bạn
tạo điều kiện khiến cho mặt bạn trở thành vui hay buồn. Trong trường hợp này, yếu
tố chịu điều kiện khởi sinh trước “yếu tố tạo điều kiện”. Ở đây Tâm là “yếu tố
tạo điều kiện” và Vật Chất là yếu tố chịu điều kiện. Không phải “yếu tố vật chất
trên khuôn mặt” khởi sinh trước khi “tâm buồn vui” khởi sinh. Nhưng khi tâm khởi
sinh, tâm tạo điều kiện cho Vật Chất khởi sinh. Đây là sự liên hệ theo Hậu
Duyên.
4. Sự
liên hệ thứ tư là sự liên hệ giữa những yếu tố khởi sinh đồng thời. Trong trường
hợp này, cả hai “yếu tố tạo điều kiện” và “yếu tố nhận điều kiện” khởi sinh
cùng lúc, nhưng một cái được gọi là “tạo điều kiện” và cái kia được gọi là “bị
điều kiện”. Đây là Duyên Đồng Thời hay Câu Sinh Duyên.
Chẳng
hạn, bạn có Tham Ái về một vật gì đó thì vào lúc đó sẽ có Thức và những tâm sở
khác khởi sinh. Tham Ái là một tâm sở. Đi kèm với tâm sở Tham Ái này có những
tâm sở khác và đi kèm với những tâm sở này là Thức. Đồng thời Tâm cũng có thể tạo
nên những yếu tố Vật Chất. Như vậy, vào lúc có sự Tham Ái này một số yếu tố Vật
Chất được tạo ra. Tóm lại, vào lúc có Tham Ái thì có tâm sở Tham Ái và những
tâm sở khác, có Thức và những yếu tố Vật Chất do thức tạo ra.
Ở đây,
Tham Ái liên hệ với những yếu tố khác theo lối khởi sinh cùng thời hay Câu Sinh
Duyên (Sahajāta Paccayo). Chúng khởi sinh cùng lúc, nhưng một yếu tố được gọi là
“yếu tố tạo điều kiện” và những yếu tố khác là “yếu tố bị điều kiện”. Như vậy,
sự liên hệ của chúng theo Câu Sinh Duyên hay cùng khởi sinh. Một số Thức khác,
một số tâm sở khác và một số vật chất khác sự liên hệ như thế này cũng xảy ra.
Bây
giờ Khi Jhāna khởi sinh sẽ như thế nào. Jhāna có nghĩa là gì? Jhāna có nghĩa là
một nhóm tâm sở, và Thức Jhāna, rồi những tâm sở khác và những yếu tố Vật Chất
gây nên bởi Thức Jhāna. Trong trường hợp này, những yếu tố của Jhāna được gọi
là “yếu tố tạo điều kiện” và những yếu tố phối hợp hay kèm theo là những “yếu tố
bị điều kiện”. Jhāna liên hệ với Thức, những tâm sở khác, và yếu tố Vật Chất
theo Câu Sinh Duyên. Trong cách liên hệ này thì “yếu tố tạo điều kiện” và “yếu
tố bị điều kiện” phải hiện diện cùng lúc. Nếu một trong những yếu tố đó không
khởi sinh thì sẽ không có sự liên hệ theo cách này.
Vào
lúc Giác Ngộ Đạo Quả cũng vậy, lúc này thức khởi sinh được gọi là Đạo Tâm. Cùng
với Đạo Tâm có tám yếu tố của Đạo, những tâm sở khác, và những yếu tố Vật Chất
tạo ra bởi Đạo Tâm khởi sinh. Trong trường hợp này, tám yếu tố của Bát Chánh Đạo
là những “yếu tố tạo điều kiện” và những yếu tố khác là những “yếu tố chịu điều
kiện”. Chúng liên hệ theo cách khởi sinh cùng lúc hay Câu Sinh Duyên.
5. Một
sự liên hệ khác cũng là “yếu tố tạo điều kiện” và “yếu tố bị điều kiện” cùng khởi sinh, và chúng điều kiện với
nhau. Đây là trường hợp điều kiện hỗ
tương. Chúng cùng khởi sinh rồi hỗ trợ cho nhau. Cũng vậy, khi Tham
Ái
khởi sinh thì sẽ khởi sinh cùng với một số tâm sở khác và Thức, đồng thời chúng
bị điều kiện lẫn nhau. Khi bạn lấy một yếu tố này làm “yếu tố tạo ra điều kiện”
thì những yếu tố kia là “yếu tố bị điều kiện”. Như vậy, Thức và những tâm sở
liên hệ theo cách hỗ tương.
*Trong loại liên hệ
thứ tư:
Câu sinh duyên - một cái luôn luôn “tạo điều kiện”,
hoặc - một cái thì luôn
luôn “bị điều kiện” và cái kia thì luôn luôn “tạo điều kiện”.
**Nhưng
trong loại liên hệ thứ năm là loại liên hệ Hỗ Tương, mỗi cái đều có thể “tạo điều
kiện” có thể là “bị điều kiện’. Liên hệ theo điều kiện hỗ tương có thể so sánh
như ba cái cây cột lại với nhau tạo thành cái thế ba chân. Chúng phối hợp với
nhau và cái này hỗ trợ cho cái kia để có thể đứng được.
6. Loại
liên hệ thứ sáu là liên hệ theo Cảnh Duyên (liên hệ theo chủ thể và khách thể).
Ở đây, “yếu tố tạo điều kiện” là đối tượng hay cảnh của các “yếu tố bị điều kiện”.
Khi chúng ta nhìn thấy vật gì, vật ta nhìn thấy được là đối tượng hay cảnh
duyên. Thức Thấy được gọi là yếu tố chủ thể và vật thấy gọi là yếu tố khách thể.
Ở đây có sự liên hệ chủ thể và khách thể. Khi chúng ta thấy vật gì, thì vật thấy
liên hệ với Thức Thấy theo đường lối khách thể hay Cảnh Duyên. Tương tợ như vậy
đối với sự nghe sự ngữi v.v… âm thanh liên hệ đến thức nghe theo Cảnh Duyên.
7. Loại
thứ bảy là “yếu tố tạo điều kiện” biến mất. Đôi lúc vật này mất đi để cho vật
khác có thể chiếm chỗ nó. Đó cũng gọi là Duyên. Sự để trống chỗ của tôi là điều
kiện cho vị sư khác ngồi. Sự nhường chỗ như thế cũng được gọi là một điều kiện
hay duyên. Khi một vật gì nhường chỗ cho một vật khác tới thì vật trước đó đã
biến mất rồi, đó là liên hệ theo nhiều duyên, có thể theo loại thứ tư và thứ bảy.
Khi sự nhường chỗ này là một loại hiện tượng giống nhau thì sự “lập đi, lập lại
nhiều lần” được gọi là Trùng Dụng Duyên. Loại này khởi sinh rồi diệt mất, rồi một
loại khác cùng loại khởi sinh rồi biến mất, rồi một loại thức khác khởi sinh rồi
biến mất. Trong trường hợp này chúng ta gọi là những điều kiện lập đi lập lại
là Vô Gián (không gián đoạn), Ly Khứ (Biến mất) và Trùng Dụng (lập đi lập lại).
Nếu bạn hiểu Abhidhamma thì bạn sẽ hiều rằng: khi bạn kinh nghiệm một Thức Thiện
hay Thức Bất Thiện thì thức này sẽ xảy ra liên tiếp bảy lần. Chúng khởi sinh rồi
hoại diệt bảy lần liên tiếp. Khi chúng lập lại bảy lần thì Thức trước liên hệ
với
thức sau theo Trùng Dụng Duyên. Thức thứ hai cũng liên hệ với thức thứ ba theo
Trùng Dụng Duyên v.v…
Bây
giờ chúng ta hãy trở về với loại thứ nhất, trong loại thứ nhất “yếu tố tạo điều
kiện”, tạo ra “yếu tố bị điều kiện”. Thật sự là sự liên hệ theo nhân và quả. Những
yếu tố khác không phải là liên hệ theo nhân quả, những yếu tố khác không phải
là tạo điều kiện và bị điều kiện. Nhiều yếu tố khởi sinh trước đó, một số khởi
sinh sau đó, một số khởi sinh cùng lúc rồi chúng hỗ trợ lẫn nhau. Như vậy ở đây
tạo điều kiện chỉ có nghĩa là hỗ trợ với tư cách là một sự lệ thuộc. Rồi trong
loại cuối chỉ là sự nhường chỗ, chỉ là sự biến mất của một số hiện tượng tạo cơ
hội cho những hiện tượng khác khởi sinh.
Trong
Paṭṭhāna có nhiều loại liên hệ khác nhau được đề cập đến. Với sự hiểu biết về
Luật Duyên Hệ Duyên, chúng ta có thể hiểu được Luật Nhân Quả một cách đầy đủ
hơn, và đúng đắn hơn.
Sự
liên hệ cuối cùng, sự liên hệ bằng cách nhường chỗ hay biến mất rất là quan trọng để tìm
hiểu. Nhiều tác giả viết rằng: Tử Thức tạo điều kiện cho Thức Tái Sinh hay Thức
Tái Sinh bị điều kiện bởi Tử Thức.
Theo bạn điều này đúng hay sai?
Tôi nhắc lại: “Tử Thức tạo điều kiện cho Thức Tái Sinh,
đúng hay sai?”
Chúng
ta phải cẩn thận ở chỗ này, chữ “tạo điều kiện” ở đây chỉ có nghĩa là làm trống
chỗ hay Ly Khứ chứ không phải là tạo nhân cho Thức Tái Sinh. Như vậy nói Thức
Tái Sinh chịu điều kiện của Tử Thức chỉ có nghĩa là Tử Thức biến mất và Thức
Tái Sinh khởi sinh. Thức Tái Sinh này không phải là hậu quả hay được tạo ra bởi
Tử Thức, Thức Tái Sinh là Thức quả, Thức Tái Sinh là quả của một số Nghiệp
trong quá khứ. Như vậy, sự liên hệ giữa Tử Thức và Thức Tái sinh ở đây là sự
liên hệ theo cách nhường chỗ hay là Ly Khứ chứ không phải là tạo nhân hay tạo
ra gì cả. Nếu chúng ta hiều câu này có nghĩa là tạo nhân hay Duyên Tạo Tác thì
chúng ta sẽ hiểu sai. Như vậy, hiểu biết những loại liên hệ khác nhau là một điều
rất quan trọng; nếu không, bạn sẽ không hiểu được sự liên hệ Duyên Hệ Duyên một
cách đúng đắn.
Vậy Luật Duyên Hệ Duyên (Paṭṭhāna) đã dạy
chúng ta những gì?
Luật
Duyên Hệ Duyên dạy chúng ta rằng: Tất cả chúng sinh và tất cả vật vô tri trên
thế gian này khởi sinh tùy thuộc vào điều kiện, không có cái gì khởi sinh mà
không điều kiện. Bất kỳ cái gì khởi sinh, Vật Chất hay Tâm, phải có điều kiện
cho nó khởi sinh. Trong Giáo Pháp của Đức Phật không có gì khởi sinh từ cái
không, không có gì khởi sinh mà không có điều kiện. Đó là trên thế gian, nhưng
có một cái được Đức Phật dạy là không có điều kiện đó là Niết Bàn. Niết Bàn không có điều kiện.
Trên
thế gian, luôn luôn có hai sự kiện là “yếu tố tạo điều kiện” và “yếu tố chịu điều
kiện”. Đôi khi chúng khác thời, đôi khi chúng đồng thời. Chỉ có hai Duyên “yếu
tố tạo điều kiện” và “yếu tố chịu điều kiện”. Chúng ta chỉ là sự phối hộp của
hai điều kiện này. Ngoài hai điều kiện này chẳng có gì là Atta, Ngã, linh hồn,
tác nhân, Thượng Đế, đấng tạo hóa nào tạo ra chúng cả. Phật Giáo dạy Luật Nhân
Quả rằng: luôn luôn lúc nào sự vật cũng phải có điều kiện xảy ra dầu cho đó là
chúng sinh hay vật vô tri. Luôn luôn có điều kiện hay nguyên nhân cho một sự vật
gì đó khởi sinh. Không có cái gì khởi sinh mà không có nhân. Nhân hay điều kiện
này không phải là một cái Atta (Ngã, linh hồn) tưởng tượng, cũng không phải là
Thượng Đế hay đấng tạo hóa gì cả mà chỉ là các điều kiện Vật Chất và Tâm. Do
đó, Đức Phật thấy rõ rằng: tất cả mọi sự vật trên thế gian này đều bị điều kiện;
những điều kiện này không phài là một tác nhân, linh hồn, tự ngã, thượng đế, đấng
sáng tạo v.v…
“yếu tố tạo điều kiện” và “yếu tố chịu điều
kiện” khởi sinh rồi biến mất, sinh rồi diệt, sinh rồi diệt theo cách thức của
chúng, theo lực của chúng. Không có cách nào để hành sử, kiểm soát chúng được.
Như vậy, cuối cùng cái mà Paṭṭhāna dạy cho chúng ta là không có Atta. Các hiện
tượng trên thế gian chỉ khởi sinh rồi hoại diệt theo điều kiện. Khi không còn
điều kiện nữa thì sẽ không có gì khởi sinh nữa.
Bạn nhìn thấy tôi, bởi vì tôi đang ở đây. Nếu tôi không ở đây thì bạn
không thể thấy tôi. Thức Thấy của bạn bị điều kiện bởi tôi, Thức Thấy không được
tạo ra bởi một ai cả, không có Thánh, Thần, Thượng Đế tạo ra Thức Thấy. Như tôi
đang tạo ra tiếng động bằng cách nói đây. Bởi vì có tiếng động nên bạn mới
nghe. Như vậy, Thức Nghe của các bạn bị điều kiện bởi giọng nói của tôi. Khi
tôi ngừng nói, thì bạn không nghe thấy tiếng nói của tôi nữa.
Tất
cả mọi sự vật đều bị điều kiện, chỉ khi nào có “cái tạo ra điều kiện” thì khi
đó mới có “cái nhận điều kiện”. Luôn luôn có sự liên hệ giữa “cái tạo ra điều
kiện” và “cái bị điều kiện” dưới nhiều cách thức khác nhau. Theo Paṭṭhāna có
hai mươi cách thức hay hai mươi bốn sự liên hệ.
Bây giờ các bạn đã hiểu tầm quan trọng của sự hiểu biết các loại duyên
khác nhau theo “cái tạo ra điều kiện” và “cái bị điều kiện”.
Chỉ
khi nào bạn hiểu rõ sự liên hệ theo Duyên Hệ Duyên bạn mới có thể hiểu được Luật
Duyên Sinh một cách đúng đắn và đầy đủ. Như vậy, điều quan trọng khi các bạn học
Luật Duyên Sinh thì đừng quên học luật Duyên Hệ Duyên bởi vì các bạn luôn luôn
áp dụng luật Duyên Hệ Duyên để hiểu Luật Duyên Sinh.
Thực
vậy, hai luật này không thể tách rời nhau, phải hiểu hết cả hai. Chẳng hạn như,
tùy thuộc vào Thức mà Vật Chất và Tâm khởi sinh (viññaṇā paccayā nāma-rūpaṁ).
Đó là một liên kết trong luật Duyên Sinh, dựa vào Thức mà Vật Chất và Tâm khởi
sinh. Thức ở đây có nghĩa là Thức Tái Sinh, Tâm ở đây là những yếu tố khởi sinh
cùng lúc với Thức Tái Sinh. Và Vật Chất ở đây có nghĩa là Vật Chất sinh ra bởi
Nghiệp. Chúng khởi sinh cùng lúc, nhưng theo mô thức thì chúng ta nói: “Tùy thuộc
vào Thức mà ‘Vật Chất và Tâm’ khởi sinh”. Nếu không áp dụng Luật Duyên Hệ Duyên
vào mắc xích này thì bạn sẽ hiểu lầm rằng: Thức tạo ra Vật Chất và Tâm. Đây là
sự hiểu lầm tai hại. Chúng khởi sinh cùng lúc, như vậy chúng có sự Liên Hệ Đồng
Thời hay cùng Lúc, còn gọi là Câu Sinh Duyên. Bạn chỉ có thể hiểu Luật Duyên
Sinh một cách đúng đắn khi bạn hiểu luật Duyên Hệ Duyên. Bởi vậy, một điều quan
trọng cần phải biết là khi bạn học về Duyên Sinh thì bạn cũng phải học về Duyên
Hệ Duyên. Học cả hai không phải là điều dễ dàng bởi vì bạn cần phải có sự hiểu
biết về Vi Diệu Pháp, nhưng đó chẳng qua cũng chỉ là phần thưởng. Gọi là phần
thưởng bởi vì nếu bạn kiên nhẫn để học Abhidhamma, và khi bạn đã hiểu
Abhidhamma thì bạn sẽ dễ dàng hiểu được Luật Duyên Sinh và Duyên Hệ Duyên một
cách rõ ràng không sai lầm. Như vậy, điều quan trọng là bạn phải học cả hai Luật
Duyên Sinh và Luật Duyên Hệ Duyên cùng với nhau.
Tôi
sẽ đưa cho quí vị thêm một ví dụ nữa. Đây là một sự liên hệ: Do ở Xúc, Thọ khởi
sinh (Phassa paccayā Vedanā). Bạn hiểu sự liên hệ ở đây như thế nào? Xúc khởi
sinh trước rồi Thọ khởi sinh. Hiểu như vậy có đúng không. Xúc và Thọ khởi sinh đồng thời,
nhưng một cái gọi là “tạo điều kiện” và cái kia gọi là “bị điều kiện”. Như
vậy, Xúc được gọi là tạo điều kiện, Thọ được gọi là bị điều
kiện.
Gọi như thế bởi vì chúng liên hệ theo cách “khởi sinh đồng thời” (Câu Sinh
Duyên). Như vậy, ngay cả khi hai sự vật cùng phát sinh một lúc, nhưng chúng có
liên hệ theo đường lối “cái tạo điều kiện và cái nhận điều kiện”. Do đó, chỉ
khi áp dụng Luật Duyên Hệ Duyên vào Luật Duyên Sinh thì bạn mới có thể hiểu một
cách đúng đắn Luật Duyên Sinh. Bởi vậy, bạn phải học Luật Duyên Hệ Duyên cùng với
Luật Duyên Sinh. Đây là điều rất quan trọng.
Tôi nghĩ rằng: cho đến bây giờ các bạn đã hiểu Luật Nhân Quả một cách rõ
ràng sau khi các bạn đã học Luật Nghiệp Báo, Luật Duyên Sinh, và Luật Duyên Hệ
Duyên.
(Trích Phật Pháp Căn Bản, tác giả Sīlānanda, Khánh Hỷ dịch)
Xem thêm thứ tự:
1. Nền tảng Phật Pháp - hiểu Phật Pháp Tăng - TK Sīlānanda
2. Nền tảng Phật Pháp - Lịch sử Đức Phật Gotama (Thích Ca) - TK Sīlānanda
3. Nền tảng Phật Pháp - Tứ Diệu Đế - TK Sīlānanda
4. Nền tảng Phật Pháp - Bát Chánh Đạo - TK Sīlānanda
5. Nền tảng Phật Pháp - Nghiên cứu về Nghiệp - TK Sīlānanda
6. Nền tảng Phật Pháp - Lý Duyên Sinh = 12 Nhân Duyên - TK Sīlānanda
7. Nền tảng Phật Pháp - Lý Duyên Hệ = 24 Hệ Nhân Duyên - TK Sīlānanda
8. Nền tảng Phật Pháp - CÁC HẠNG CHÚNG SINH TRÊN ĐƯỜNG GIẢI THOÁT -TK Sīlānanda
9. Nền tảng Phật pháp - Những giới luật quan trọng nhất - Tỳ kheo Silananda
10. Nền tảng Phật pháp - THIỀN ĐỊNH (SAMATHA) - Tỳ kheo Silananda
11. Nền tảng Phật pháp - THIỀN MINH SÁT (VIPASSANĀ)) - Tỳ kheo Silananda
12. Nền tảng Phật pháp - Giải thích sự giác ngộ - Tỳ kheo Silananda
13. Nền tảng Phật pháp - Các kỳ kết tập Kinh điển lịch sử - Tỳ kheo Silananda
14. Nền tảng Phật pháp - Hiểu vê Vô Ngã - Tỳ kheo Silananda
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét