Hôm nay chúng ta học một đề tài quan trọng trong Phật Giáo. Đó là thuyết
Vô Ngã Anatta. Thuyết Vô Ngã chỉ tìm thấy trong Phật Giáo. Thuyết Vô Ngã khiến
cho Phật Giáo khác hẳn các tôn giáo khác. Bởi vì hầu hết các tôn giáo khác đều
có sự tin tưởng ngược hẳn với thuyết Vô Ngã (Anatta). Thuyết Vô Ngã là thuyết
nòng cốt hay thuyết cốt yếu của Phật Giáo. Điều quan trọng trước tiên là chúng
ta phải hiểu thuyết Vô Ngã bằng lý thuyết. Sau đó phài thực hành Thiền Minh Sát
mới hiểu thấu đáo hơn. Đức Phật thuyết bài pháp Vô Ngã cho năm người học trò đầu
tiên. Sau khi thuyết bài pháp đầu tiên "Chuyển Pháp Luân" cho các thầy
Kiều Trần Như, năm ngày sau Đức Phật mới thuyết bài pháp Vô Ngã Tướng. Sau khi
nghe và thực hành, năm thầy Kiều Trần Như đắc quả A La Hán.
Trong bài Kinh Vô Ngã Tướng (AnattaLak-khana). Đức
Phật tuyên bố Năm Uẩn là Vô Ngã. Thật ra, Đức Phật lấy từng uẩn một mà nói rằng:
Vật Chất là Vô Ngã, Thọ là vô Ngã, Tưởng là Vô Ngã, Hành là Vô Ngã, Thức là Vô
Ngã. Như vậy, Đức Phật dạy rằng: Tất cả Năm Uẩn là Vô Ngã.
Anatta là Vô Ngã, có nghĩa không phải là Ngã (Atta). Chữ Anatta trong tiếng
Pāḷi có hai phần: Na và Atta. Na có nghĩa là không, Atta có hai nghĩa:
Một nghĩa để chỉ cho
chính ta, đó là dùng chữ Atta như một đại danh từ.
Một nghĩa khác là tôi, ta, linh hồn, tự ngã,
một thực thể vĩnh cửu. Ý niệm này được rất nhiều người trong quá khứ và ngày
nay chủ trương. Theo những người này, Atta có nghĩa là cốt lõi của tất cả chúng
sinh.
Như vậy chữ Atta có ít nhất hai nghĩa. Nghĩa
thứ nhất chỉ là một Đại danh từ ngôi thứ nhắt, như: Tôi ăn, tôi uống… Nghĩa thứ
hai là “thực thể vĩnh cửu” như: Linh hồn, tự ngã v.v… Đây là điều được mọi người
chấp nhận vào thời kỳ Đức Phật.
Đức Phật đã từ chối Ngã (Atta) theo nghĩa thứ
hai này như tôi đã nói trước đây. Ngày xưa cũng như ngày nay, người ta tin tưởng
có một linh hồn vĩnh cữu hiện diện thường xuyên trong cơ thể con người. Khi cơ
thể bị già đi, bị hủy hoại từ từ và chết thì Ngã (Atta) sẽ rời khỏi cơ thể này
đến nhận một cơ thể khác.
Cũng vậy, họ tin tưởng rằng: Có một cái Ngã (Atta) hoàn toàn vĩnh cửu.
Ngã (Atta)là một “thực thể trọn vẹn” làm nhiệm vụ một kẻ tạo ra tác động, và
cũng là một kẻ nhận chịu đau khổ hay hạnh phúc. Họ cho rằng: cái “thực thể trọn
vẹn” hay cái “thực thể hoàn toàn” này là chúa tể. Vị này có quyền năng điều khiển
mọi hoạt động của cơ thể v.v...
Khi Đức Phật ra đời,
Ngài tuyên bố rằng: Năm Uẩn không phải là Ngã (Atta),
Năm
Uẩn không thể được xem như là một thực thể trọn vẹn. Trong Kinh Vô ngã Tướng Đức
Phật nói Vật Chất không phải là Ngã (Atta). Đức Phật phân tích toàn thế giới
thành ra Năm Uẩn, ngoài Năm Uẩn ra không có gì cả. Như vậy, Khi Đức Phật nói
Năm Uẩn là Vô Ngãtức là Đức Phật muốn nói rằng: chẳng có Ngã (Atta) nào trên thế
gian này. Mặc dầu Đức Phật chẳng nói rằng: không có Ngã (Atta). Nhưng khi Ngài
nói Năm Uẩn không phải là Ngã (Atta) thì có nghĩa là không có Ngã (Atta).
Ngã (Atta) là gì? Vô Ngã (Anatta) là gì? Tôi vừa
nói với bạn rằng: Đức Phật tuyên bố Ngũ Uẩn không phải là Ngã (Atta).
Có ba câu nói nổi tiếng
trong Phật Giáo:
“Tất cả Pháp Hữu Vi” đều Vô Thường.
“Tất cả Pháp Hữu Vi” đều Khổ.
“Tất cả Các Pháp” đều Vô Ngã.
Như vậy hai câu đầu tiên Đức Phật nói rằng: Tất cả Pháp Hữu Vi hay tất cả
các Pháp có điều kiện hay Vật Chất và Tâm đều Vô Thường và Khổ. Nhưng câu thứ
ba Đức Phật không dùng “Tất cả Pháp Hữu Vi” mà Ngài dùng “Tất cả các Pháp”
(Dhamma). Như vậy, theo câu thứ ba thì tất cả các pháp đều là Vô Ngã. “Tất cả
các Pháp” có nghĩa là cả Ngũ Uẩn và Niết Bàn. Như vậy, chúng ta phải hiểu rằng:
không những chỉ có Ngũ Uẩn mới Vô Ngã mà Niết Bàn cũng Vô Ngã. Đôi lúc chúng ta
có thể nghĩ rằng: bởi vì Niết Bàn là đối tượng của thế gian, nên Niết Bàn phải
có ngã, nhưng ở đây Đức Phật nói rằng: tất cả các pháp đều Vô Ngã. Mà các pháp ở
đây bao gồm cả Niết Bàn. Như vậy, khi nói đến Vô Ngã (Anatta) ta phải hiểu rằng:
Tất cả Năm Uẩn lẫn Niết Bàn đều Vô Ngã. Bởi vậy, chúng ta phải hiểu câu thứ ba:
“Tất cả các pháp đều Vô Ngã” một cách đúng nghĩa tùy theo bản kinh. Khi nói một
cách tổng quát thì chúng ta phải hiểu tất cả Các pháp (Dhamma) ở đây là Năm Uẩn
và Niết Bàn. Nhưng khi nói đến Vipassana thì Các Pháp ở đây chỉ là Năm Uẩn mà
thôi, bởi vì không thể lấy Niết Bàn làm đối tượng của Thiền Minh Sát.
Trong Kinh Vô Ngã Tướng, Đức Phật không nói
Niết Bàn là Vô ngã. Tại sao Đức Phật không nói Niết Bàn là Vô Ngã trong bản
kinh này. Tôi nghĩ rằng: bởi vì Đức Phật muốn hướng dẫn năm học trò trực tiếp
hướng đến sự thực tập Thiền Minh Sát. Đối với những người hành Thiền Minh Sát
chỉ có Năm Uẩn mới là đối tượng để hành thiền. Đó là lý do tại sao Đức Phật không
nói đến Niết Bàn là Vô Ngã trong Kinh Vô Ngã Tướng.
Theo nguyên nghĩa Anatta (Vô Ngã) tức là
không có Ngã. Nhưng Chú Giải đưa ra một nghĩa nữa, Vô Ngã (Anatta) có nghĩa là
không có cốt lõi, hay không có một thẩm quyền nào trên nó. Như vậy, chúng ta có
thể hiểu chữ Vô Ngã ít nhất hai nghĩa: Vô Ngã có nghĩa là không có cốt lõi và
không có thẩm quyền trên nó. Do Đó,
Đức Phật nói Vật Chất hay Sắc là Vô Ngã, có nghĩa là Vật Chất không có cốt
lõi hay không có chủ quyền. Không có quyền lực nào có thể hành xử chủ quyền hay
làm chủ Vật Chất được.
Theo hai lời giảng giải trên thì Vô Ngã có nghĩa là “không có cốt lõi”
và “không ai có thẩm quyền trên nó”, nhưng nghĩa thích hợp nhất khi nói về Vô
Ngã là “không có cốt lõi”. Nhưng khi ta nói: Vật Chất là
Vô Ngã (Anatta) bởi vì nó không có cốt lõi
thì người ta có thể lý luận rằng: Đồng ý Vật Chất không có cốt lõi, nhưng
phải có một cái có cốt lõi ở đâu đó; chỉ có Vật Chất không có cốt lõi mà thôi.
Theo lời dạy của Đức Phật thì luận cứ đưa ra đó không đúng.
Chữ “cốt lõi” hay “bản chất” hoặc “cốt tủy” ở đây có nghĩa là gì? Theo
Chú Giải thì đây là một quan niệm sai lầm: cho rằng: có một cái ngã, một cái
tôi, một thực thể trường tồn, vĩnh viễn. Chữ không có cốt lõi ở đây muốn nói đến
không có thực thể trọn vẹn, không có một linh hồn. Trước đây tôi cũng có nói với
các bạn rằng: Người ta thường có quan niệm sai lầm cho rằng: có một linh hồn hay một thực thể trọn
vẹn nằm trong cơ thể của chúng sinh, và thực thể này là một thực thể hằng cửu.
Khi cơ thể một người trở nên già và chết thì linh hồn hay thực thể này chuyển
qua một thân thể mới.
Cốt lõi ở đây cũng là "kẻ tạo tác", có nghĩa là một kẻ nào đó
đã thể hiện hành động. Người ta có quan niệm sai lầm rằng: “Mặc dầu chúng ta nghĩ rằng: chúng ta đang làm một hành động theo ý muốn của chúng ta, nhưng thật ra đó là
cái “Ngã” (Atta) đã làm ra hành động này chứ không phải chính chúng ta làm”. Như
vậy, “Ngã” (Atta) thể hiện hành động
hay tác động, chúng ta chỉ là dụng cụ hay phương tiện của “Ngã”. Cũng vậy, mỗi khi chúng ta kinh nghiệm điều
gì, hạnh phúc hay đau khổ thì cũng
không phải chúng ta kinh nghiệm mà cái “Ngã” (Atta) đã kinh nghiệm, và chúng ta
cũng chỉ là dụng cụ hay phương tiện của cái Ngã thôi. Ngã (Atta) này là chủ
nhân ông”.
Một người làm chủ chính mình, đó mới là điều
quan trọng. Không thể làm chủ chính mình có nghĩa là không có cốt lõi. Như vậy,Vật
Chất (Rūpa) không có cốt lõi, bởi vì là Vật Chất (Rūpa) không có những đặc tính
trên. Vật Chất không phải là kẻ thực hành, Vật Chất cũng không phải là kẻ kinh
nghiệm. Vật Chất (Rūpa) cũng không phải là kẻ làm chủ chính mình. Khi chúng ta
hiểu Ngã (Atta) theo cách này thì chúng ta có thể biết được Vật Chất (Rūpa) là
Vô Ngã hay không có linh hồn, không có tự ngã, không phải là kẻ sống trong cơ
thể này, không phải là người tác động, không phải là người kinh nghiệm, và
không phải là kẻ làm chủ chính mình. Chú Giải đã giải thích rằng: Trước tiên
chúng ta thấy Vật Chất là Vô Thường, vậy nó là Khổ. Hai điều đó chúng ta đã hiểu,
nếu Vật Chất là Vô Thường thì nó phải Khổ, nó sẽ
không có cốt lõi, không có bản chất, và tất nhiên là không có chủ quyền,
bởi vì nó không thể ngăn cản cho mình khỏi bị Vô Thường, khỏi bị Khổ.
Đây là luận cứ được dạy trong Chú Giải: Cái gì bị Vô Thường, Khổ thì không thể ngăn cản chính mình không bị sự Vô Thường và sự Khổ chi phối.
Còn về vấn đề kẻ tác động, kẻ kinh nghiệm thì sao? Có nghĩa là một vật
gì đang Vô Thường thì không thể nào
trở thành Thường được. Nếu cái khổ không tự mình ngăn cản trở thành không khổ được, thì làm sao nó có thể
làm chủ được chính nó để làm kẻ tác động hay kẻ kinh nghiệm. Như vậy, cái gì là
Vô Thường, cái gì là Khổ, thì chắc chắn cái đó là Vô Ngã hay có thể nói chúng
là Vô Ngã trong ý nghĩa là không có cốt lõi, không có bản chất.
Điều này đưa đến sự giải thích khác về chữ
Vô Ngã (Anatta). Đó là không thể hành xử chủ quyền được. Đơn giản có nghĩa là
không thể theo ý muốn của chúng ta được. Tất cả Năm Uẩn đều là Anatta; bởi vì Đức
Phật đã nói rằng: Cái gì Dukkha thì cái đó là Anatta. Anatta không nhận chịu
quyền hành xử của kẻ khác. Nếu chính nó không thể ngăn cản mình trở thành Vô
Thường, Khổ thì nó là Anatta, Vô Ngã.
Đức Phật đã đưa ra một tiêu chuẩn để ta dựa
vào đó mà phán đoán; như vậy chúng ta có hai mô thức ở đây:
Cái gì Vô Thường là Khổ,
Cái gì Khổ là Vô Ngã.
Vậy cái gì là tiêu chuẩn để dựa vào đó, ta có thể đoán định một vật là
Vô Thường. Nói một cách nôm na thì đó là: nó
“biến mất” sau khi “khởi sinh”. Như vậy, biến mất sau khi khởi sinh đó là dấu
hiệu của Vô Thường. Bất kỳ cái gì khởi sinh và biến mất là Vô Thường. Cái gì Vô
Thường thì cái đó là “Dukkha” hay đau khổ. Cái gì “Dukkha” thì “Anatta”. Chúng
ta đã biết Năm Uẩn tức Sắc, Thọ Tưởng, Hành, Thức khởi sinh rồi hoại diệt hay
hoại diệt sau khi khởi sinh. Khi chính ta thấy chúng khởi sinh rồi hoại diệt,
ta biết chúng Vô Thường. Khi chúng ta biết chúng Vô Thường, thì chúng ta cũng
biết chúng “Dukkha”. Chúng Dukkha hay Khổ
không có nghĩa là
Khổ về phương diện vật lý nhưng có nghĩa là
bị đàn áp, bị áp chế bởi sự sinh diệt. Như vậy, nghĩa của
Dukkha ở đây là bị đàn áp, bị áp chế bởi sự sinh diệt. Điều này có nghĩa là một vật gì bị định luật sinh diệt chi phối là
Dukkha. Bất kỳ cái gì có sự sinh diệt đều gọi là Dukkha. Nếu bạn thấy cái gì có
bản chất Vô Thường thì bạn biết rằng:, bạn không thể làm cho nó trở thành Thường Còn được. Nếu bạn thấy cái gì đó
là Dukkha thì bạn không thể chuyển nó thành Sukha được. Như vậy, bạn không thể
hành xử gì trên chúng được. Do đó, chúng không có Tự Ngã hay
chúng
là Anatta (Vô ngã), trong ý nghĩa là chúng không tuân theo nghe theo ý muốn của
bạn. Có nghĩa là chúng khởi sinh và hoại diệt theo ý của chúng, chứ không theo
ý của
bạn. Như vậy, Vật Chất và Tâm khởi sinh rồi hoại diệt, tùy theo điều kiện. Dầu
ta có muốn chúng khởi sinh hay không, chúng cũng tùy thuộc vào điều kiện của
chúng. Chúng khởi sinh rồi chúng hoại diệt. Như vậy, chúng ta không thể điều
khiển hay kiểm soát sự sinh diệt của chúng được. Đó là lý do tại sao chúng ta
không có thẩm quyền, không thể kiểm soát điều khiển được chúng. Đó là biểu hiện
của Vô Ngã. Nếu chúng ta muốn biết chúng Vô Ngã hay không, chúng ta phải tìm
xem những dấu hiệu đó, đó là chúng không chìu theo quyền điều khiển của một ai.
Theo Chú Giải thì đặc tính hay dấu hiệu của Anatta là không chịu dưới quyền điều
khiển của ai cả.
Chúng ta cần phải hiểu rằng: không có cốt
lõi là một đặc tính của Anatta. Vậy khi chúng ta muốn biết xem một vật nào đó
có Anatta không thì chúng ta có thể nhìn vào một trong hai dấu hiệu: không có cốt
lõi, không có bản chất hay không chìu theo ý muốn của chúng ta.
Phần lớn không thể thấy được Anatta của sự vật. Bởi vì bản chất Anatta
hay Vô Ngã bị che lấp bởi ý niệm “toàn khối”. Chúng ta xem một vật dưới cái
nhìn toàn khối. Bởi vì chúng ta nhìn sự vật dưới cái nhìn toàn khối, nên chúng
ta không thấy được bản chất Vô Ngã (Anatta) của sự vật.
Sự vật bị che lấp bởi “toàn khối” có nghĩa là chúng bị che lấp bởi “ý niệm
toàn khối”. Chúng ta tưởng rằng: chúng ta là một khối: Vật Chất này là toàn khối
và Tâm này cũng toàn khối. Bao lâu chúng ta còn nghĩ rằng: chúng ta là toàn khối
thì chúng ta chưa thể thấy được sự không có bản chất của chúng ta.
Bởi vì chúng ta không chú ý đến sự tan vỡ của
các yếu tố nên bị ý niệm toàn khối che lấp bản chất của các yếu tố. Bao lâu
chúng ta còn thấy Vật Chất và Tâm là toàn khối bấy lâu chúng ta chưa thấy được
bản chất Vô Ngã. Nhưng khi chúng ta đập vỡ Thân và Tâm này thành những yếu tố.
Đó là những yếu tố đã kết hợp lại thân tâm này thì chúng ta sẽ thấy sự không có
cốt lõi hay không có bản chất của sự vật.
Nhiều người, ngay cả Vật Chất và Tâm là hai chuyện riêng biệt mà họ cũng
không thấy được. Đôi lúc họ nghĩ Vật Chất và Tâm chỉ là một. Bao lâu chúng ta
chưa thấy được sự tách rời hay sự riêng rẽ của “Vật Chất và Tâm” (cùng“những yếu
tố khác tạo nên Vật Chất”, và “những yếu tố khác tạo nên tâm”) thì bấy lâu
chúng ta chưa thể thấy rõ được chúng; chúng ta chưa thể phá vỡ ý niệm về sự
toàn khối. Nếu chúng ta không thể phá vỡ ý niệm về sự toàn khối thì chúng ta sẽ
không thấy được
bản
chất của Vô Ngã (Anatta). Khi chúng ta chú tâm quán sát vào những gì đang xảy
ra đối với chúng ta, những gì xảy ra trong thân chúng ta, hoặc những sự vật
trong hiện tại thì chúng ta sẽ thấy rõ ràng những gì trước đây chúng ta nghĩ là
toàn khối thật ra là sự kết hợp của những thành phần rất nhỏ. Nếu chúng ta không hành Thiền Minh Sát thì chúng ta sẽ nghĩ rằng: chỉ
có một cái tâm làm tất cả các nhiệm vụ thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy
nghĩ. Nhưng khi chúng ta quán sát kỹ càng tâm mình thì sẽ thấy và hiểu rõ rằng:
Ta thấy với một cái tâm khác; ta nghe với một cái tâm khác; ta ngữi với một tâm
khác, ta nếm với một cái tâm khác, ta suy nghĩ với một tâm khác... Chúng là những
tâm riêng biệt, chúng là những yếu tố riêng biệt. Nhiều yếu tố kết hợp vào
trong đó. Có bốn yếu tố chính là đất, nước, gió, lửa. Khi chúng ta thấy rõ ràng
những yếu tố này tách rời hẵn nhau thì chúng ta sẽ phá vỡ ý niệm về toàn khối.
Chúng ta có thể phá vỡ ý niệm toàn khối của sự vật vì chúng ta hiểu rõ rằng:,
những cái mà chúng ta tưởng rằng: có cốt lõi, có bản chất thật ra chẳng có cốt
lõi hay bản chất gì cả. Như vậy, ta thấy được chúng là Vô Ngã. Khi ta thấy những
yếu tố tách rời hẳn nhau, cái này khác cái kia, và khi chúng ta thấy rõ chúng
khởi sinh rồi biến mất tùy thuộc vào những điều kiện thì chúng ta sẽ hiểu rõ rằng:
chẳng có một thẩm quyền nào có thể hành xử chúng. Chẳng hạn như trường hợp Tâm
Thấy hay Thức Thấy: Khi có một vật thấy, và khi vật ấy đi vào lộ trình của mắt
thì sẽ có Thức Thấy. Bạn không thể nào ngăn trở hay kiểm soát Thức Thấy khi có
đủ điều kiện để thấy. Dầu cho bạn có mong muốn Thức Thấy đừng khởi sinh thì Thức
Thấy cũng sinh khởi bởi vì có những điều kiện để Thức Thấy khởi sinh. Như vậy,
chẳng có một thẩm quyền nào hành xử hay kiểm soát của Thức Thấy. Thức Thấy tùy
thuộc vào những điều kiện. Bao lâu có đủ điều kiện, thì bấy lâu Thức Thấy khởi
sinh. Bạn không có thẩm quyền trên chúng. Không có thẩm quyền trên chúng là một
biểu hiện của sự Vô Ngã. Khi thực hành, chúng ta có thấy thật sự, thấy rõ bản
chất Vô Ngã của sự vật. Chỉ khi nào chúng ta hành Thiền Minh Sát (Vipassana),
chỉ khi nào chúng ta chú tâm chánh niệm vào sự vật thì mới thấy rõ chúng không
có bản chất, không có cốt lõi và không bị sai khiến, không nhận chịu một sự
hành xử hay chủ quyền nào. Không thực hành Thiền Minh Sát, chúng ta không thể
nào thấy được bản chất Vô Ngã một cách rõ ràng. Chúng ta có thể đọc sách, chúng
ta có thể nghe nói, và chúng ta nghĩ rằng: chúng ta đã hiểu bản chất của Vô Ngã
nhưng thật ra sự hiểu biết này không phải là sự hiểu biết của chúng ta. Sự hiểu
biết này chỉ là một sự hiểu biết vay mượn. Chỉ khi nào chúng ta hành Thiền Minh
Sát, chỉ khi nào chúng ta chú tâm chánh niệm một cách chặt chẽ vào sự vật trong
giây phút hiện tại, chúng ta mới thấy được bản chất Vô Ngã của sự vật cùng với
bản chất Vô Thường và bản chất Đau Khổ. Như vậy, bản chất Vô Ngã chỉ có thể chứng
nghiệm xuyên qua việc hành Thiền Minh Sát. Bởi vì, khi hành Thiền Minh Sát
chúng ta thấy chẳng có
cái gì là bản chất, chẳng có cái gì chúng ta có thể hành xử quyền hành
trên chúng thì chúng ta sẽ hiểu rõ rằng: Chỉ có sự đau khổ mà không có ai đau
khổ. Bởi vì những cái mà chúng ta gọi là người, tôi, ta chỉ là sự kết hợp của Vật
Chất và Tâm. Chẳng có gì vượt qua hay nằm trên Vật Chất và Tâm. Như vậy xuyên
qua việc hành Thiền Minh Sát, chúng ta sẽ thấy rằng: chỉ có đau khổ mà thôi. Chỉ
có sự sinh và sự diệt mà chẳng có cái gì sinh diệt. Khi chúng ta quán sát những
tác động, chúng ta sẽ thấy tác động chỉ là tác động, chẳng có ai thể hiện tác động
cả.
Cũng vậy, khi nói rằng: Có sự chấm dứt của đau khổ hay Niết Bàn nhưng
không có người nào kinh nghiệm Niết Bàn. Chỉ có Vật Chất và Tâm mà không có ai
cả. Cũng vậy khi nói rằng: Có Bát Chánh Đạo, hay có Đạo, nhưng không có ai đi
trên Đạo này. Ngoài tám yếu tố của Đạo chẳng có cái gì gọi là Đạo cả. Như vậy,
Đạo chỉ là tám tâm sở, bởi vì trong sự phân tích tuyệt đối (chân đế) chúng chỉ
là Vật Chất và Tâm. Ngoài Vật Chất và Tâm chẳng có gì có thể gọi là người hay
cá nhân nào cả. Bản chất Vô Ngã của Vật Chất và Tâm hay của Ngũ Uẩn không phải
là đoạn cuối của việc thực hành Thiền Minh Sát mà thật ra chỉ là sự khởi đầu của
thiền Thiền Minh Sát. Chúng ta phải cần nhiều cố gắng để đạt được những tầng mức
cao hơn cho đến khi đạt được tầng mức thấy rõ được Tứ Diệu Đế. Sự chứng ngộ Tứ
Diệu Đế không thể có được nếu không có sự hiểu biết bản chất Vô Ngã. Thật ra,
không phải chỉ bản chất Vô Ngã mà còn bản chất Vô Thường, bản chất Khổ của Vật
Chất và Tâm hay hay của Ngũ Uẩn.
Như vậy, điều rất quan trọng khi chúng ta
hành Thiền Minh Sát là chúng ta phải, qua kinh nghiệm của chính mình hay tự
mình, thấy rõ bản chất Vô Thường, Khổ, Vô Ngã của Vật Chất và Tâm để chúng ta
có thể đi trên Đạo, tiến đến những tầng mức cao hơn của Thiền Minh Sát cho đến
khi chúng ta đạt được mục đích tối hậu.
Tóm lại, Đức Phật dạy cho chúng ta biết không có Atta (Ngã) trong Ngũ Uẩn.
Nhưng trên thế gian này chỉ có Ngũ Uẩn mà thôi, vậy không có Atta (Ngã) trên thế
gian này. Đặc tính Vô Ngã (Anatta) là một trong ba đặc tính phổ thông của Vật
Chất và Tâm hay của mọi hiện tượng có điều kiện. Thấy được đặc tính của Vật Chất
và Tâm (hiện tượng có điều kiện) cuối cùng sẽ đưa ta đến Giác Ngộ.
(Trích Phật Pháp Căn Bản, tác giả Sīlānanda, Khánh Hỷ dịch)
Xem thêm thứ tự:
1. Nền tảng Phật Pháp - hiểu Phật Pháp Tăng - TK Sīlānanda
2. Nền tảng Phật Pháp - Lịch sử Đức Phật Gotama (Thích Ca) - TK Sīlānanda
3. Nền tảng Phật Pháp - Tứ Diệu Đế - TK Sīlānanda
4. Nền tảng Phật Pháp - Bát Chánh Đạo - TK Sīlānanda
5. Nền tảng Phật Pháp - Nghiên cứu về Nghiệp - TK Sīlānanda
6. Nền tảng Phật Pháp - Lý Duyên Sinh = 12 Nhân Duyên - TK Sīlānanda
7. Nền tảng Phật Pháp - Lý Duyên Hệ = 24 Hệ Nhân Duyên - TK Sīlānanda
8. Nền tảng Phật Pháp - CÁC HẠNG CHÚNG SINH TRÊN ĐƯỜNG GIẢI THOÁT -TK Sīlānanda
9. Nền tảng Phật pháp - Những giới luật quan trọng nhất - Tỳ kheo Silananda
10. Nền tảng Phật pháp - THIỀN ĐỊNH (SAMATHA) - Tỳ kheo Silananda
11. Nền tảng Phật pháp - THIỀN MINH SÁT (VIPASSANĀ)) - Tỳ kheo Silananda
12. Nền tảng Phật pháp - Giải thích sự giác ngộ - Tỳ kheo Silananda
13. Nền tảng Phật pháp - Các kỳ kết tập Kinh điển lịch sử - Tỳ kheo Silananda
14. Nền tảng Phật pháp - Hiểu vê Vô Ngã - Tỳ kheo Silananda
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét