Nền tảng Phật Pháp - Nghiên cứu về Nghiệp - TK Sīlānanda



Trong bài này sẽ nói rõ:
  1. Nghiệp là gì?
  2. Nguyên nhân tại sao?
  3. NGHIỆP CHỨA Ở ĐÂU?
  4. NHỮNG GÌ KHÔNG PHẢI LÀ NGHIỆP?
  5. CÓ THỂ BIẾN CẢI QUẢ CỦA NGHIỆP KHÔNG?
  6. NHỮNG HIỂU BIẾT SAI LẦM HAY TÀ KIẾN VỀ KAMMA (NGHIỆP)
  7. MỘT SỐ CÂU HỎI LIÊN QUAN ĐẾN NGHIỆP
  8. LỢI ÍCH CỦA SỰ HIỂU BIẾT LUẬT NGHIỆP BÁO
  9. CÁC LOẠI NGHIỆP (Phân loại nghiệp) 





Bài giảng hôm nay nói về luật Nghiệp Báo. Nhiều người không sinh ra trong gia đình Phật Giáo, nhưng đã tìm học về Phật Giáo nhờ nghe luật Nghiệp Báo; bởi vì luật Nghiệp Báo đã giải thích cho họ thấy rõ lý do của sự bất đồng của các cá nhân trong xã hội con người, đồng thời cũng giải thích cho họ biết tại sao những người rất tốt trên cõi đời này lại gặp cảnh đau khổ.

Tôi có quen một người Ý Đại Lợi. Người này rất băn khoăn thắc mắc về vấn đề bất đồng của các cá nhân trong xã hội. Ông ta suy nghĩ về vấn đề này rất nhiều. Ông tìm hỏi nhiều người về vấn đề này, nhưng không tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Một ngày nọ ông đọc được một cuốn sách về Phật Giáo trong đó có nói đến luật Nghiệp Báo. Khi đọc về luật Nghiệp Báo ông ta rất thỏa mãn với những lời giải thích của luật Nghiệp Báo. Ông quyết định tìm hiểu thêm về đạo Phật. Ông sang

Á  Châu trở thành một nhà sư, và mất ở tuổi tám mươi. Luật Nghiệp Báo là động lực đầu tiên khiến ông trở thành một nhà sư Phật Giáo.

Bài giảng về Nghiệp Báo hôm nay căn cứ vào Kinh Cūlakamma bhanga trong Trung Bộ Kinh. Đây là bài kinh Đức Phật giảng cho chàng thanh niên Bà La Môn Subha.

Chàng thanh niên Bà La Môn Subha hỏi Đức Phật:

1.    Tại sao có người chết yểu, có người sống lâu?

2.    Tại sao có những người thường hay bị bịnh, có những người đầy đủ sức khỏe?

3.    Tại sao có những người mặt mày xấu xí, có những người đẹp đẽ?

4.    Tại sao có những người cô thế, có người đầy quyền uy.

5.    Tại sao có người nghèo nàn đói khổ, có người giàu sang sung túc?

6.     Tại sao có người sinh ra trong gia đình thấp kém, hạ liệt, trong giai cấp bần cùng, có người sinh ra trong gia đình quyền quí, trong giai cấp cao sang?

7.    Tại sao có người ngu dốt (những người thiếu trí tuệ), có người thông minh?


62

Đức Phật đã trả lời cho Subha một cách ngắn gọn về mười bốn hạng người trên.

Đức Phật nói:

"Này người thanh niên. Chúng sinh có Nghiệp là tài sản của mình. Chúng sinh là kẻ thừa tự của Nghiệp của mình. Chúng sinh có nguồn gốc từ Nghiệp của mình. Chúng sinh sinh ra từ Nghiệp của mình hay chúng sinh là thân bằng quyến thuộc của Nghiệp mà mình đã tạo. Chúng sinh có Nghiệp là nơi nương nhờ. Ḍo Nghiệp mà có sự khác nhau giữa các chúng sinh hay Nghiệp đã tạo ra sự khác nhau giữa chúng sinh, Nghiệp đã tạo ra sự khác nhau giữa người và người"

Đức Phật đã trả lời cho Subha một cách ngắn gọn như vậy.

Subha bạch với Đức Phật rằng: anh ta không hiểu rõ những lời giải thích ngắn gọn của Đức Phật. Subha nói:

"Bạch Ngài, con không hiểu rõ những lời giải thích ngắn gọn của Ngài. Xin Ngài giảng giải rộng rãi, nhiều chi tiết hơn”.

Đức Phật bèn giảng giải cho Subha nhiều chi tiết hơn. Sở dĩ Đức Phật trả lời cho Subha một cách ngắn gọn như vậy bởi vì Ngài biết rằng: Subha là một người đầy cao ngạo. Subha nghĩ rằng:mình là người thông minh sáng láng có thể hiểu tất cả những gì Đức Phật dạy dầu đó là những lời ngắn gọn. Đức Phật muốn làm cho tâm cao ngạo của Subha giảm xuống để Subha có thể khiêm nhường nghe những lời giảng giải của Ngài, nên Đức Phật chỉ trả lời một cách ngắn gọn. Khi Subha thỉnh cầu Đức Phật giảng giải chi tiết, Đức Phật mới giảng giải chi tiết cho ông ta.

Mặc dầu, những câu hỏi này được Subha hỏi, nhưng đây là những câu hỏi thường được mọi người thắc mắc và muốn được trả lời, bởi vì họ đã từng gặp những vấn đề này trong cuộc sống của con người. Có những người mặc dầu được sinh ra trong cùng một gia đình, có cùng cha cùng mẹ, được nuôi dưỡng dưới cùng hoàn cảnh và điều kiện giống nhau, nhưng họ khác nhau; có người thông minh, có người ngu đần; có người sống lâu, có người chết sớm, người giàu, kẻ nghèo v.v... Đây là những câu hỏi người ta thường đặt ra và muốn được trả lời thỏa đáng.


Nếu bạn đặt những câu hỏi này cho người tin tưởng vào Thượng Đế, vào ông Trời hay vào Đấng Sáng Tạo thì bạn sẽ được trả lời rằng:


63

"Bởi vì Thượng Đế, Chúa Trời đã tạo ra như vậy”.

Câu trả lời này chắc chắn không làm bạn thỏa mãn. Sẽ có nhiều câu hỏi tiếp theo khi bạn được nghe câu trả lời như vậy. Chỉ có những lời giải đáp của Đức Phật mới làm cho người ta thỏa mãn bởi vì những câu trả lời của Đức Phật không vô lý. Đức Phật trả lời từng câu hỏi một của chàng thanh niên Subha.

Mặc dầu được sinh ra cùng cha cùng mẹ, được nuôi dưỡng cùng hoàn cảnh và điều kiện giống nhau, nhưng chúng ta không thể lấy những điều kiện và hoàn cảnh này làm nguyên nhân của sự bất đồng của họ, cũng không thể lấy lý do họ có cùng cha, cùng mẹ nên nói sự di truyền là nguyên nhân. Cùng được nuôi dưỡng dưới những điều kiện và hoàn cảnh giống nhau nhưng họ khác nhau. Như vậy, lý do của sự khác nhau của những người trong cùng một gia đình phải là cái gì nằm ngoài di truyền, và hoàn cảnh. Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy rõ rằng: Có cái gì đó trong quá khứ đã làm cho chúng ta, và đời sống của chúng ta khác nhau.


Đức Phật đã giải thích cho Subha từng câu hỏi một:

1.    Tại sao có người chết yểu, có người sống lâu?

"Một số người giết hại chúng sinh khác, không phải chỉ giết hại chúng sinh một lần mà nhiều lần họ giết hại chúng sinh. Do hậu quả của sự giết hại này, họ tái sinh vào bốn đường ác. Họ bị tái sinh vào cảnh Súc Sinh, Ngạ Quỷ, A Tu La, Điạ Ngục. Sau khi ở các cảnh khổ này, nếu được tái sinh làm người trong kiếp hiện tại thì họ bị chết yểu (đoản thọ). Bởi vì họ đã giết hại chúng sinh, nghĩa là họ đã có ý muốn làm cho đời sống của chúng sinh bị ngắn lại, muốn chấm dứt mạng sống của chúng sinh sớm hơn, làm cho tuổi thọ của chúng sinh ngắn lại. Thay vì chúng sinh được sống lâu hơn, họ làm cho chúng sinh chết sớm. Do có ý muốn làm cho tuổi thọ của chúng sinh ngắn đi nên họ nhận hậu quả là đời sống của họ cũng bị ngắn đi hay bị chết yểu.

Có những người không bao giờ giết hại chúng sinh. Họ giữ giới sát sinh. Họ ngăn ngừa sự giết hại chúng sinh. Những người này sau khi chết sẽ được tái sinh vào cõi trời. Khi họ tái sinh làm người họ sẽ trường thọ. Những người chết sớm là những người đã giết hại chúng sinh trong những kiếp sống trước đây. Và những người trường thọ là những người giữ giới không sát sinh trong những kiếp trước đây. Khi họ ngăn ngừa hành động giết hại chúng sinh thì tâm họ có lòng mong


64

muốn chúng sinh được sống lâu. Lòng mong muốn chúng sinh được sống lâu là nguyên nhân khiến họ được trường thọ khi họ tái sinh làm người.



2.    Tại sao có người thường hay bị bệnh hoạn, có người đầy đủ sức khỏe?

Có những người hay bị bệnh hoạn, hết bệnh này lại đến bệnh kia, hoặc sức khỏe họ luôn luôn yếu kém. Những người này, theo lời dạy của Đức Phật, là những người đã làm những chúng sinh khác bị thương. Họ không giết hại người hay chúng sinh khác, nhưng họ hành hạ đánh đập làm cho người khác, chúng sinh khác đau đớn, khổ sở, làm cho cơ thể chúng sinh khác bị tổn thương. Do hành động độc ác, hành hạ, đánh đập, làm hại cơ thể chúng sinh, làm cho chúng sinh bị thương nên họ bị tái sinh vào bốn ác đạo. Khi họ tái sinh làm người, họ luôn luôn bị đau ốm, bị tật nguyền, sức khỏe yếu kém.

Có những người thân thể cường tráng, sức khỏe đầy đủ. Có người chẳng bao giờ đau ốm, chẳng bao giờ đến gặp bác sĩ, chẳng bao giờ vào nhà thương, chẳng bao giờ uống một viên thuốc nào. Họ có một cơ thể khỏe mạnh. Tại sao vậy? Trong kiếp sống này, họ có cơ thể khỏe mạnh, bởi vì trong những kiếp sống quá khứ họ không bao giờ hành hạ kẻ khác, không làm kẻ khác bị thương tật, không làm tổn thương thân thể kẻ khác. Họ đã có lòng bi mẫn đối với chúng sinh khác. Do những hành động thiện họ đã làm, nên khi tái sinh làm người họ có đầy đủ sức khỏe.

3.    Tại sao có người mặt mày xấu xí khó coi, có người mặt mày đẹp đẽ dễ nhìn.

Một số người thường hay giận dữ. Người ta chỉ chỉ trích một tí thôi là đã nổi sân lên. Với bản chất sân hận, giận dữ như thế, nên họ phải tái sinh vào bốn đường ác. Khi họ được tái sinh làm người, do Nghiệp giận dữ mà họ đã tạo, mặt mày họ trở nên xấu xí.

Như vậy, nóng giận, sân si là nguyên nhân làm cho người xấu xí. Chúng ta có thể dễ dàng để hiểu điều này. Ngay cả khi chúng ta đang sống trong đời sống hiện tại này, khi giận dữ thì mặt mày chúng ta cũng thật xấu xí; khi giận dữ mặt mày hung dữ, dễ sợ. Nếu chúng ta muốn biết khi giận dữ mặt mày chúng ta xấu xí


65

như thế nào thì mỗi lần giận dữ hãy nhìn vào gương soi, lúc đó, chúng ta sẽ thấy chúng ta xấu xí?

Những người đẹp đẽ có bản chất không giận dữ. Họ là những người luôn luôn đối xử tốt với người khác, và họ không dễ dàng giận dữ. Bởi vậy, nếu bạn muốn đẹp đẽ ngay cả trong kiếp sống này thì đừng giận. Một trong những nguyên nhân giúp bạn có gương mặt đẹp đẽ là cố gắng hành thiền từ ái. Như vậy, nguyên nhân của sự xấu xí là giận dữ, và nguyên nhân của đẹp đẽ là không giận dữ, có lòng từ ái. Điều này chứng tỏ cho ta thấy rằng: Nếu chúng ta muốn đẹp đẽ, nếu chúng ta muốn gương mặt chúng ta vui vẻ dễ thương thì chúng ta đừng bao giờ dễ dàng giận dữ.

4.    Tại sao có người cô thế, có người đầy quyền uy.

Đôi khi bạn gặp những người đầy quyền uy, lời họ nói ra đầy uy quyền, và họ ảnh hưởng đến người khác, khiến người khác phải nghe theo, đi theo họ. Cũng có những người không có quyền uy, họ không có uy quyền để làm việc gì. Có nhiều người, mặc dầu có chức vụ lớn, địa vị cao, có tiền của nhiều, nhưng họ nói không ai nghe.

Nguyên nhân tại sao?

Có những người có quyền cao, chức trọng nhưng không làm người khác nể phục, không ảnh hưởng đến người khác bởi vì kiếp trước họ có tánh hay ganh tỵ. Thấy ai được lợi, được danh, được người khác tôn trọng, kính nể thì họ cảm thấy khó chịu và ganh ghét. Người nào hay ganh tỵ, đố kỵ, ganh ghét khi thấy người khác được lợi lộc, được vinh dự v.v… thì chắc chắn người đó sẽ bị cô thế, không có thẩm quyền hay năng lực ảnh hưởng tới người khác trong kiếp sống tương lai. Những người có thẩm quyền được mọi người tùng phục nghe theo trong đời sống này là những người không ganh tỵ trước những thành công, lợi lộc, sự tôn trọng, hay sự kính nể của người khác. Ganh tỵ là nguyên nhân khiến trong kiếp sống này chúng ta trở thành người không có uy quyền, không ảnh hưởng đến người khác. Ngược lại, không ganh tỵ, không đố kỵ là nguyên nhân khiến trong kiếp sống này chúng ta có uy quyền, có ảnh hưởng đến người khác.


66

5.    Tại sao có người nghèo nàn đói khổ, có người giàu sang sung túc?

Những người nghèo khổ trong kiếp sống này là những người kiếp trước không biết bố thí, giúp đỡ thực phẩm, áo quần, vật dụng khác cho Sa Môn, Bà La Môn và những người khác. Họ là những người không thực hành hạnh bố thí. Những người giàu có trong kiếp sống này là những người thực hành hạnh bố thí trong những kiếp trước. Họ đã bố thí cúng dường thức ăn, thức uống, áo quần, thuốc men, và những vật dụng khác cho mọi người. Thực hành hạnh bố thí là nguyên nhân của sự giàu có, và không thực hành hạnh bố thí hay bủn xỉn, keo kiệt là nguyên nhân của sự nghèo nàn. Như vậy, bủn xỉn, keo kiệt, không dám cho ai thứ gì là nguyên nhân của sự nghèo khổ.

6.     Tại sao có người sinh ra trong gia đình thấp kém, hạ liệt, trong giai cấp bần cùng, có người sinh ra trong gia đình quyền quí, trong giai cấp cao sang?

Những người sinh ra trong gia đình thấp kém, hạ liệt vì kiếp trước họ tự cao, ngã mạn, kiêu căng, tự phụ. Họ chẳng hề tôn kính lễ bái những bậc đáng tôn kính. Họ không đứng dậy, tỏ vẻ kính trọng những người đáng được đứng dậy, đáng được kính trọng. Họ không biết nhường chỗ ngồi cho những người đáng được nhường chỗ. Họ không nhường lối đi cho những bậc đáng được nhường lối đi. Họ không tôn kính, lễ độ đối với những bậc đáng được tôn kính, lễ độ. Không biết tôn trọng, kính nhường là nguyên nhân của sự tái sinh vào giai cấp thấp kém.

Nguyên nhân được sinh vào gia đình quyền quí, giai cấp cao sang thì do những nguyên nhân ngược lại. Những người này kiếp trước không kiêu hãnh, tự cao, tự đại. Họ thường tôn kính lễ bái những bậc đáng tôn kính lễ bái. Họ đứng dậy, tỏ vẻ tôn trọng những người đáng được đứng dậy tỏ vẻ tôn trọng. Họ biết nhường chỗ ngồi cho những người đáng được nhường chỗ ngồi. Họ nhường lối đi cho những bậc đáng được nhường lối đi. Họ tôn kính, lễ độ đối với những bậc đáng được tôn kính, lễ độ.

Tóm lại, tự cao, tự đại là nguyên nhân của sự sinh trưởng trong gia đình thấp kém, và không tự cao tự đại, biết tôn kính là nguyên nhân được sinh ra ở những gia đình cao sang.


67

7.      Tại sao có người ngu dốt, thiếu trí tuệ, có người thông minh sáng suốt?

Nguyên nhân của sư thiếu trí tuệ, ngu dốt, trì độn, và nguyên nhân của sự thông minh sáng suốt, trí tuệ minh mẫn là biết đặt câu hỏi hay không đặt câu hỏi.

Những người không chịu gần bậc thiện trí thức để học hỏi. Không chịu đặt câu hỏi để biết thế nào là thiện, thế nào là ác, những gì cần phải làm, những gì không nên làm v.v... Những người không chịu tìm tòi học hỏi, đặt câu hỏi thì sẽ tái sinh thành người chậm lụt, thiếu trí tuệ hoặc dễ trở thành ngu đần. Những người nào luôn luôn tìm tòi, học hỏi, biết hỏi han thế nào là hành động thiện, thế nào là hành động ác, điều gì thích nghi và điều gì không thích nghi, việc gì nên làm và việc gì không nên làm. Những người đó tái sinh làm người thông minh sáng suốt, bậc trí tuệ. Như vậy, đặt câu hỏi, tìm hiểu giáo pháp là nguyên nhân của sự thông minh trí tuệ, không đặt câu hỏi, là nguyên nhân của sự kém trí tuệ.

Như vậy, bây giờ các bạn đã biết, đã hiểu do nguyên nhân gì, do thực hành điều gì đưa đến kết quả gì?

-  Giết hại chúng sinh đưa đến chết yểu hay có đời sống ngắn ngủi. Thực hành giới không sát sinh sẽ đưa đến sự trường thọ. Như vậy, có hai sự lựa chọn:

-  Nếu bạn muốn sống lâu thì đừng giết hại chúng sinh khác. Nếu bạn không cần sống lâu; cho rằng: sống lâu hay chết sớm cũng không thành vấn đề thì đừng giữ giới này.

-  Nếu bạn muốn được khỏe mạnh trong tương lai thì đừng đánh đập hay làm tổn thương đến thân thể người khác.

-  Nếu bạn muốn đẹp đẽ thì đừng sân hận.

-  Nếu bạn muốn có uy quyền, ảnh hưởng đến người khác và được người khác tôn trọng thì đừng ganh tỵ hay đố kỵ.

-    Nếu bạn muốn giàu có thì hãy bố thí.

-   Nếu bạn muốn sinh trưởng trong gia đình quyền quí, cao sang thì phải biết khiêm nhường, không tự cao, tự đại.

-  Nếu bạn muốn thông minh, trí tuệ thì hãy đặt câu hỏi.


68

Đó là những nguyên nhân đã tạo ra sự chênh lệch, sự bất đồng giữa người này và người khác.

Đức Phật đã trả lời câu hỏi do chàng thanh niên Subha đặt ra và cuối bài giảng, một lần nữa, Đức Phật dạy rằng:

Tất cả chúng sinh đều có Nghiệp là gia tài của họ. Họ là kẻ thừa kế của Nghiệp mà họ đã tạo. Chính Nghiệp đã làm cho người này khác với người kia.

Như vậy, Đức Phật đã trả lời cho chàng thanh niên Shuba hiểu rằng: Tất cả sự bất đồng của con người không phải được tạo ra bởi Thượng Đế, Chúa Trời, Thần Thánh hay một cái gì cả. Do Nghiệp hay những hành vi tạo tác bởi thân, khẩu, ý của mỗi người mà họ sẽ nhận chịu những kết quả khác nhau. Do Nghiệp của chính họ trong quá khứ khiến họ sống lâu hay chết yểu, giàu sang hay nghèo hèn, thông minh hay ngu dốt. Chính Nghiệp đã tạo ra sự bất đồng trong kiếp hiện tại này. Và Nghiệp là gì mà nó tạo ra sự bất đồng của chúng sinh?

Kamma (Nghiệp) thường được dịch là hành động. Thật ra, nghĩa chính xác của Nghiệp là tâm sở “cố ý” (Cetana) - Sự cố ý là một tâm sở hay một yếu tố - có nghĩa là muốn hay cố ý để làm một chuyện gì đó qua thân, khẩu, ý. Nghiệp chính thật là sự cố ý để làm một việc gì. Do “sự cố ý” này, người ta thực hiện hành động, lời nói hay ý nghĩ. Bởi vì mọi hành động, lời nói hay ý nghĩ đều được đi kèm với “sự cố ý” hay Nghiệp. Do đó, chữ Kamma hay Nghiệp nên dịch là sự “cố ý”, chứ không nên dịch là hành động. Chúng ta phải thận trọng về nghĩa của chữ Nghiệp, nếu không khi nói đến Nghiệp, chúng ta lại nghĩ đó là hành động.

Nếu chúng ta muốn dùng chữ cho chính xác thì chúng ta phải nói Nghiệp là sự cố ý.

Như vậy, Nghiệp hay sự cố ý là một tâm sở khởi sinh trong các loại tâm của chúng ta. Bởi vì, là một tâm sở nên nó có đặc tính: “khởi sinh rồi lại hoại diệt ngay”. Đặc tính sinh, diệt là đặc tánh chung của mọi sự vật trên thế gian. Mọi sự vật trên thế gian là Vô Thường. Mọi sự vật đều có đặc tính khởi sinh rồi hoại diệt, đến rồi đi. Tâm sở cố ý cũng sinh và diệt như các tâm sở khác. Nhưng một điều cần lưu ý ở đây là: các tâm sở khác khởi sinh rồi hoại diệt ngay và chẳng để lại một chút ảnh hưởng nào cả. Nhưng tâm sở cố ý khi hoại diệt vẫn còn để lại tiềm năng đưa đến những hậu quả sau này. Tiềm năng của Nghiệp này nằm trong


69

'luồng tồn sinh' (hộ kiếp) của Tâm. Đó là lý do tại sao khi có điều kiện thuận lợi thì Nghiệp trổ quả.

NGHIỆP CHỨA Ở ĐÂU?


Một lần nọ, vua Milanda hỏi Đại đức Nāgasena rằng:

"Bạch Ngài,  Ngài có thể chỉ cho tôi biết Nghiệp  chứa đựng ở đâu không?".

Ngài Nagasena trả lời:

"Không thể nào, nói một cách chính xác, Nghiệp được tồn trữ ở đâu. Nhưng Nghiệp tùy thuộc vào luồng bhavanga (luồng tồn sinh, luồng hộ kiếp), tùy thuộc vào Vật Chất và Tâm. Khi luồng tồn sinh gặp những điều kiện thuận lợi thì Nghiệp sẽ trổ quả".

Mặc dầu chúng ta không thể nói một cách chính xác Nghiệp đã được tích chứa ở đâu, nhưng khi có điều kiện thuận tiện để cho Nghiệp tốt trổ sinh thì sẽ có quả. Như vậy, Nghiệp này, sự cố ý này, khi biến mất thì nó còn để lại một cái gì đó, để lại tiềm năng trong luồng tồn sinh (bhavanga) của chúng sinh, khi có điều kiện thuận tiện thì chúng sinh sẽ nhận chịu hậu quả.

Ngài Nāgasena đã đưa ra một ví dụ về cây xoài: “Chúng ta không thể nào nói rằng: trái xoài đã chứa ở đâu trong cây xoài: ở trong rễ, trong thân, hay trong cành, nhưng khi đến mùa, khi có đủ độ ẩm, khi có thời tiết thích hợp, khi có điều kiện thuận lợi… thì quả sẽ hình thành và cây sẽ trổ quả. Cũng vậy, mặc dầu không thể nói Nghiệp cất chứa ở đâu, nhưng khi có đủ điều kiện thuận tiện thì chúng ta sẽ nhận được quả của Nghiệp.

Sau khi đã hiểu thế nào là Nghiệp, chúng ta cũng cần nên hiểu những gì không phải là Nghiệp.

NHỮNG GÌ KHÔNG PHẢI LÀ NGHIỆP?

Một số học thuyết quan niệm rằng: con người bị chi phối bởi Số Phận hay Tiền Định. Và Số Phận hay Tiền Định là cái gì được áp đặt lên chúng sinh bởi quyền lực kỳ diệu khó biết được, hoặc bởi thần thánh, bởi Thượng Đế, bởi Phạm Thiên… Nghiệp không phải là số phận hay Tiền Định theo quan niệm đó.


70

Mỗi khi chúng ta đau khổ về chuyện gì hay mỗi khi chúng ta đạt được cái gì ta muốn, chúng ta nói:

"Đây là quả của Nghiệp"

Hay là chúng ta chỉ đơn giản nói:

"Đây là Nghiệp của ta".

Nhưng nếu gọi hay định nghĩa Nghiệp là số phận hay là tiền định đã được đặt định lên kẻ khác thì Nghiệp ta nói đây không phải là số phận hay tiền định đó.

Kamma (Nghiệp) là những gì chúng ta đã cố ý làm trong quá khứ, và ta nhận chịu hậu quả của Nghiệp mà ta đã tạo, nhưng quả của Nghiêp đã tạo có thể xảy ra trong hiện tại hay trong tương lai.

-  Quả của Nghiệp là hậu quả đương nhiên của Nghiệp.

-   Quả của Nghiệp tốt hay xấu không phải do Thánh Thần, Thượng Đế, Phạm Thiên tạo ra.

-  Quả của Nghiệp, không phải là sự ban thưởng hay sự trừng phạt của Thần Linh,

Thượng Đế v.v...

-  Quả tốt chúng ta gặt được không phải là phần thưởng của Thánh Thần, Thượng Đế.

-   Quả xấu chúng ta gặt được không phải là hình phạt của Thánh Thần, Thượng Đế.

Những gì chúng ta gặt được đó là quả của những gì chúng ta đã làm. Quả của Nghiệp là của chính chúng ta, là kết quả của những gì chúng ta đã làm với sự cố ý. Như vậy, Nghiệp không phải là số phận hay tiền định do một quyền năng nào đó đặt định lên chúng ta mà Nghiệp là của sở hữu của chúng ta. Chúng ta nhận quả tốt hay quả xấu đều do chúng ta làm.

Tóm lại, quả của Nghiệp không do ai tạo ra mà là kết quả đương nhiên của Nghiệp mà ta đã tạo.

Có người nghĩ rằng: chấp nhận Nghiệp chẳng khác nào "chủ bại" hay Nghiệp là chủ thuyết "chủ bại". Người theo chủ nghĩa "chủ bại" chấp nhận tất cả những gì


71

đến với họ, và không thể làm gì để cải thiện chính mình. Đây là một quan niệm sai lầm. Nghiệp không phải như thế.

Do tạo Nghiệp tốt ta sẽ nhận quả tốt ngay trong kiếp sống hiện tại. Như vậy, Nghiệp không phải là lý thuyết chủ bại. Nghiệp không phải là chủ bại, chấp nhận hay cam chịu với những gì xảy đến cho mình, mà không tìm cách tránh né hay cải thiện. Chúng ta chấp nhận rằng: những gì tốt xấu xảy ra cho ta là do quả của Nghiệp, nhưng chúng ta cải thiện hoàn cảnh của chúng ta bằng cách tạo ra những Nghiệp thiện mới. Như vậy, Kamma không phải là thuyết "chủ bại" như một số người hiểu lầm.

CÓ THỂ BIẾN CẢI QUẢ CỦA NGHIỆP KHÔNG?

Một câu hỏi kế tiếp là: Chúng ta có thể biến đổi hay cải thiện các tác động hay hậu quả của Nghiệp không?

Ngay chính Đức Phật cũng không can thiệp vào sự tác động của Nghiệp. Chẳng hạn như khi hoàng tử Vidūdabha quyết ý giết hại thân quyến của Đức Phật. Đức Phật không thể can thiệp được bởi vì đây là quả của Nghiệp mà thân quyến của Đức Phật đã tạo ra trước đây nên họ phải bị hoàng tử Vidūdabha tiêu diệt. Như vậy, Đức Phật không thể ngăn chặn quả khổ mà thân bằng quyến thuộc Ngài phải trả. Lý do là vì luật Nghiệp Báo là một luật tự nhiên. Luật Nghiệp Báo không do ai tạo ra. Luật Nghiệp Báo không do Thượng Đế, ông trời hay thánh thần nào tạo ra cả. Đây là một luật tự nhiên. Bởi vì Nghiệp là luật tự nhiên, do đó không ai có thể can thiệp vào tác động của Nghiệp.

Mặc dầu không thể can thiệp vào tác động của Nghiệp, nhưng chúng ta có thể biến đổi được phần nào tác động của Nghiệp. Đó là chúng ta có thể tạo ra những điều kiện bất thuận lợi cho Nghiệp bất thiện trổ quả. Nghĩa là chúng ta có thể, hay làm cho Nghiệp bất thiện chậm trổ quả hơn. Bởi vì, như tôi đã nói trước đây, Nghiệp chỉ trỗ quả khi có điều kiện thuận lợi. Khi không có điều kiện thuận lợi thì Nghiệp sẽ ở đó chờ.

Nếu chúng ta tạo những điều kiện bất thuận lợi cho Nghiệp bất thiện trổ quả thì chúng ta có thể không nhận chịu hậu quả của Nghiệp bất thiện. Mặc dầu, không thể can thiệp vào luật Nghiệp báo, không thể thay đổi luật Nghiệp Báo, nhưng chúng ta có thể tạo ra những điều kiện bất thuận lợi hay tạo ra các nghịch duyên


72

cho Nghiệp trổ quả. Ít nhất chúng ta có thể đình hoãn được sự trổ quả của Nghiệp trong một thời gian.

Ngay Đức Phật cũng phải nhận chịu những quả xấu do những Nghiệp bất thiện mà Ngài đã tạo ra trước đây. Đức Phật thường bị đau đầu, đau lưng, và đôi khi bị cảm. Khi Devadatta xô một tảng đá lớn từ trên cao xuống để hại Đức Phật. Mặc dầu tảng đá lớn không rơi trúng Ngài, nhưng một mãnh đá nhỏ vỡ ra từ tảng đá lớn làm Ngài bị bầm máu nơi chân, Ngài phải chịu đau đớn, và vết bầm phải được mỗ để máu ứ đọng chảy ra. Ngay Đức Phật cũng không tránh khỏi hậu quả của những Nghiệp ác đã tạo trong quá khứ. Có rất nhiều câu chuyện cho ta thấy không ai có thể thoát khỏi hậu quả của các Nghiệp ác.

Chúng ta không thể can thiệp vào những tác động của Nghiệp. Chúng ta không thể thay đổi dòng Nghiệp, nhưng chúng ta có thể làm cho hiệu quả của Nghiệp xấu triển hạn một thời gian - trong một số trường hợp hay trong một giới hạn nào đó. Không ai có thể xóa tan tất cả Nghiệp lực hay xóa tan toàn thể một Nghiệp lực nào mà mình đã tạo. Có nghĩa là không ai có thể tiêu trừ tất cả Nghiệp hay tất cả những quả của Nghiệp đã tạo, như vậy mọi người phải nhận chịu những hậu quả của Nghiệp mà mình đã tạo trong quá khứ.

Tuy nhiên, vào lúc Giác Ngộ Đạo Quả A La Hán tất cả các Nghiệp đều bị tiêu diệt. Tâm Đạo vào lúc Giác Ngộ tầng thánh thứ tư được gọi là "tâm đã hoàn thành trách nhiệm tiêu diệt Nghiệp". Như vậy, vào lúc đạt đạo quả A La Hán tất cả các Nghiệp đều diệt. Điều này không có nghĩa là tất cả các Nghiệp trong quá khứ đều bị diệt và vị A La Hán không còn nhận chịu các quả của Nghiệp quá khứ. Nhưng điều xảy ra là vào lúc Giác Ngộ A La Hán tất cả các phiền não đều bị diệt ngay vào lúc ấy. Khi tâm không còn phiền não thì những gì vị đó làm thì chỉ đơn thuần là làm thôi mà không tạo nên Nghiệp nào nữa bởivì vị A La Hán không còn dính mắc vào đời sống nào cả hay không còn dính mắc vào sự hiện hữu nào cả. Vị A La Hán không còn vô minh. Bởi thế, những gì vị A La Hán làm thì chỉ là tác động thôi mà không tạo ra Nghiệp. Nói cách khác, Vị A La Hán hay Đức Phật không còn tích lũy những Nghiệp mới nữa. Các Ngài không tạo nên Nghiệp mới nào dầu các Ngài có làm điều thiện đi nữa. Đức Phật đã dạy cho nhiều chúng sinh, Đức Phật đã giúp cho nhiều người thoát khỏi đau khổ. Những vị A La Hán cũng làm nhiều điều thiện lành cho các nhà sư khác và cho mọi người, nhưng các Ngài không gặt hái quả tốt khi các Ngài làm việc tốt. Những tác động của các


73

Ngài hay Nghiệp của các Ngài được gọi là "Kiriya" (Duy tác) nghĩa là chỉ có tác động, chỉ có hành động xảy ra. Tất cả các Nghiệp đều hoàn toàn bị tiêu diệt ở tầng thánh thứ tư có nghĩa là sau khi vị này đạt tầng thánh thứ tư thì không còn tạo tác các Nghiệp nào nữa, và bởi vì không có Nghiệp nên sẽ không có quả của Nghiệp trong tương lai.

Như vậy những Nghiệp các Ngài đã tạo trong quá khứ hay những Nghiệp cũ thì như thế nào? Các Ngài vẫn còn nhận chịu quả của những Nghiệp cũ, như Đức Phật vẫn còn đau khổ vì bị nhức đầu v.v... Những vị A La Hán khác vẫn còn bị đau khổ bởi bệnh tật và còn nhận chịu những quả của Nghiệp quá khứ. Các bạn còn nhớ chuyện Ngài Moggallāna đã bị năm trăm tên cướp giết chết v.v... Như vậy mặc dầu Phật và các vị A La Hán không tạo những Nghiệp mới, nhưng các Ngài vẫn còn những Nghiệp cũ nên các Ngài vẫn còn hưởng thụ hay nhận chịu hậu quả của những Nghiệp các Ngài đã làm trong quá khứ. Nhưng sau khi các Ngài nhập diệt, các Ngài không còn tái sinh nữa, nên những Nghiệp các Ngài đã tích tụ trong quá khứ không thể trả quả sau khi các Ngài chết.

Các bạn đã biết câu chuyện của Ngài Anguli-māla. Angulimāla đã giết cả ngàn người. Đức Phật đến gặp ông ta và dạy đạo cho ông, sau đó ông trở thành một nhà sư và đắc quả A La Hán. Là một vị A La Hán, nhưng trước khi chết Ngài Angulimāla còn phải chịu đau khổ vì hậu quả của những Nghiệp bất thiện Ngài đã làm. Trước khi trở thành một nhà sư, Ngài đã tạo nhiều Nghiệp bất thiện. Nếu không trở thành một vị A La Hán, những Nghiệp bất thiện này sẽ trả cho Ngài rất nhiều kiếp. Nhưng sau khi đã đắc quả A La Hán, Ngài Angulimāla không còn tái sinh nữa nên những Nghiệp ác mà Ngài đã làm không thể cho quả. Như vậy, đối với Ngài Angulimāla, Nghiệp bất thiện đã trở thành vô hiệu.

Giống như trường hợp một người sau khi phạm tội đại hình thì bị chết, và vì người này đã chết rồi nên quan tòa không thể xử phạt y nữa. Cũng vậy, khi một vị A La Hán tịch diệt, các Ngài không còn tái sinh nữa. Bởi vì không còn tái sinh nên những Nghiệp cũ không thể trả quả cho các Ngài sau khi các Ngài chết. Nghiệp của các Ngài đã trở thành vô hiệu. Khi ta nói những vị A La Hán đã hoàn thành việc tiêu diệt Nghiệp, điều này có nghĩa là các Ngài không còn tạo các Nghiệp mới nữa, nhưng các Ngài vẫn còn nhận chịu quả của các Nghiệp mà các Ngài đã tạo trong quá khứ.


74

Nhiều Nghiệp trở thành vô hiệu có nghĩa là những Nghiệp này không còn trả quả cho Chư Phật và Chư A La Hán khi các Ngài đã mất; bởi vì Phật và A La Hán không còn tái sinh nữa.

Chúng ta không muốn nhận chịu quả của những Nghiệp dữ, nếu vậy thì chúng ta đừng làm những Nghiệp dữ nữa. Nếu chúng ta đã làm Nghiệp dữ rồi thì sao? Đối với những Nghiệp dữ đã làm bây giờ chúng ta phải làm thế nào đây? Đức Phật dạy: "Dầu chúng ta có ăn năn hối hận về những Nghiệp xấu đã làm trong quá khứ thì Nghiệp xấu cũ đó cũng không thể nào sữa chữa lại". Những việc chúng ta đã làm rồi thì chúng ta không thể trở lại quá khứ để làm lại. Cái gì đã làm thì đã làm rồi, bởi thế ăn năn hối hận càng làm cho tình thế tệ hại hơn, và càng tích lũy nhiều hành vi bất thiện hơn. Càng ăn năn hối hận bao nhiêu, càng tiếc nuối bao nhiêu thì càng tăng thêm các Nghiệp ác đã tạo bấy nhiêu. Như vậy, ý Đức Phật muốn nói: "Quên nó đi". Đừng nhớ đến những Nghiệp quá khứ, vì càng nhớ thì càng tạo thêm Nghiệp bất thiện. Quên đi những Nghiệp bất thiện được gọi là "từ bỏ những Nghiệp bất thiện này, và trong tương lai nguyện tránh xa các hành vi bất thiện đó".

Như vậy, đối với những Nghiệp quá khứ đã tạo, trước tiên chúng ta đừng nghĩ đến chúng nữa, đừng hối hận vì đã làm những Nghiệp xấu đó nữa đồng thời cố gắng tránh xa hay tự chế không làm các hành vi hay Nghiệp xấu đó trong tương lai. Điều này được gọi là "loại trừ các Nghiệp xấu" hay "vượt qua các Nghiệp xấu". Như vậy, nếu chúng ta đã làm Nghiệp xấu trong quá khứ thì chúng ta đừng nhớ đến chúng nhiều lần, đừng ăn năn hối hận về chúng nhiều lần nữa, hãy để chúng sang một bên, cho chúng về quá khứ và từ nay tự chế, ngăn ngừa không làm những hành vi bất thiện tương tự trong tương lai. Bằng cách này, chúng ta đã để lại đàng sau tất cả những Nghiệp bất thiện.


75

NHỮNG HIỂU BIẾT SAI LẦM HAY TÀ KIẾN VỀ KAMMA (NGHIỆP)


1. Tà kiến hay sự hiểu biết sai lầm thứ nhất:

"Tất cả những Cảm Thọ mà một người nhận chịu dầu đó là lạc thọ, khổ thọ hay vô ký thọ đều là kết quả của Nghiệp quá khứ. Người nào quan niệm như vậy là tà kiến".

Bạn có đồng ý như vậy chăng? Tôi xin lập lại "Những Cảm Thọ mà một người nhận chịu: Lạc thọ, khổ thọ hay vô ký thọ đều là kết quả của Nghiệp quá khứ. Ai quan niệm như vậy là tà kiến".

Muốn hiểu câu nói này thì bạn phải hiểu về những Cảm Thọ hay hiểu tất cả những tâm quả đi kèm với tâm sở thọ, chúng đi kèm với những tâm thiện và bất thiện, và chúng đi cũng đi kèm với tâm Kiriya (tâm duy tác), khởi sinh trong tâm vị A La Hán.

Đối với những Cảm Thọ đi kèm với tâm quả thì câu này đúng, phải không? Đúng vậy. Bởi vì, giả sử tôi đau ở đây; và tôi kinh nghiệm về sự đau là kết quả của Nghiệp quá khứ. Đó là tâm quả; điều này đúng. Nhưng ngay trong khi chúng ta làm các hành vi thiện hay bất thiện trong hiện tại thì chúng ta có "tâm thiện" và "tâm bất thiện". Trong tâm thiện và bất thiện đó có sẵn lạc thọ, khổ thọ và vô ký thọ. Những thọ này đâu phải là kết quả của Nghiệp quá khứ, những thọ này là những gì ta tạo trong hiện tại. Tâm khởi sinh trong các vị Phật và các vị A La Hán cũng vậy. Các Ngài cũng có lạc thọ, khổ thọ (về thân) hay vô ký thọ. Những Cảm Thọ của các Ngài hay những kinh nghiệm về những Cảm Thọ của các Ngài không phải là kết quả của Nghiệp. Như vậy, nếu bạn nói rằng: những Cảm Thọ: lạc khổ hay vô ký mà một người đã nhận chịu là quả của Nghiệp trong quá khứ thì đó là quan niệm sai lầm.

2. Tà kiến hay sự hiểu biết sai lầm thứ hai:

"Những Cảm Thọ lạc, khổ và vô ký mà ta kinh nghiệm được tạo ra bởi đấng sáng tạo hay Thượng Đế. "

Điều này có nghĩa là những Cảm Thọ mà một người có thể kinh nghiệm được do Thượng Đế tạo ra. Thượng Đế tạo ra niềm vui, tạo ra sự khổ cho họ. Nếu bạn quan niệm như vậy thì đó cũng là tà kiến hay sự hiểu biết sai lầm về Kamma.


76

Thật vậy, cho rằng: Thượng Đế tạo ra niềm vui, tạo ra sự khổ là một quan niệm thật sai lầm!

3. Tà kiến hay sự hiểu biết sai lầm thứ ba:

“Tất cả các Cảm Thọ: lạc, khổ, vô ký mà một người nhận chịu chẳng có nguyên nhân, chẳng có điều kiện gì cả”.

Chẳng có Cảm Thọ nào khởi sinh mà không có nhân duyên. Mọi Cảm Thọ đều tùy thuộc vào nhân duyên. Không có nguyên nhân (nhân), không có điều kiện (duyên) thì Cảm Thọ không thể khởi sinh. Nói rằng: "Hạnh phúc hay đau khổ của người này... chẳng có nhân duyên gì cả” Đó là câu nói sai lầm".

Nói rằng: “Lạc thọ, khổ thọ được tạo ra bởi Chúa Trời hay Thượng Đế” thì cũng sai lầm. Bởi vì tất cả mọi sự vật đều phát sinh do một số điều kiện nào đó chứ không phải được sáng tạo bởi Trời hay Thượng Đế.

Nói rằng: “Những Cảm Thọ khởi sinh chẳng do nguyên nhân hay điều kiện nào cả”. Đó cũng là một câu nói sai lầm bởi vì “tất cả mọi sự vật đều phát sinh do một số điều kiện nào đó chứ không phải tự nhiên phát sinh”.

Quan niệm sai lầm thứ hai:     “Cảm Thọ được tạo ra bởi Chúa Trời” và quan niệm

sai lầm thứ ba: “Cảm Thọ khởi sinh chẳng do nhân duyên nào cả”, Hai quan niệm này thật dễ hiểu, nhưng quan niệm sai lầm đầu tiên: "Những Cảm Thọ mà một người nhận chịu đều là kết quả của Nghiệp quá khứ” hơi khó hiểu một chút. Muốn hiểu quan niệm đầu tiên này bạn phải hiểu Abhidhamma.

Có một đoạn văn rất quan trọng, nhưng cũng rất khó hiểu là:   "Ta không hề dạy

rằng:  Nghiệp đã làm có thể bị tiêu diệt mà không phải trả các quả trong đời sống

này, trong đời sống kế tiếp hay trong đời sống kế tiếp nữa". Tôi nghĩ rằng: câu này cũng không khó hiểu lắm, chúng ta có thể hiểu như vầy: “Nghiệp sẽ không bị tiêu diệt nếu chưa trả quả”, có nghĩa là “khi Nghiệp chưa trả quả thì Nghiệp chưa diệt” và “sau khi đã trả quả thì Nghiệp diệt mất”, đại khái như vậy. Điều này không khó hiểu.



Nhưng câu kế tiếp rất khó hiểu:   "Ta không dạy rằng: Có thể làm cho Nghiệp đã

tạo chấm dứt mà không cần phải trả".  Câu này có nghĩa là:  “Ta không dạy rằng:


77

có thể chấm dứt đau khổ mà không cần phải trả quả của các Nghiệp đã tạo”. nghĩa là trước khi chấm dứt sự đau khổ bạn phải nhận chịu những hậu quả của nó.

Câu này khiến tôi suy nghĩ nhiều. Thật là một vấn nạn cho tôi: "Trước khi chấm dứt sự đau khổ, bạn phải nhận chịu những hậu quả của nó". Như vậy có nghĩa là: “Nếu bạn chưa nhận chịu quả của các Nghiệp đã tạo thì bạn không thể chấm dứt đau khổ”. Hoặc là: Nếu bạn muốn chấm dứt đau khổ thì bạn phải trả hết các quả của Nghiệp đã tạo? Phải vậy chăng?

Thế thì câu này có nghĩa như thế nào? Tôi cũng không biết nữa! Tôi muốn các bạn suy nghĩ về điều đó. Nhưng đừng suy nghĩ trong khóa thiền này. Sau khóa thiền này, về nhà các bạn hãy suy nghĩ nhiều lần, và tôi sẽ cho biết ý kiến của tôi trong khóa thiền tới.

Khi tôi đọc câu trên, tôi không hiểu, tôi bèn đọc Chú Giải. Nhưng Chú Giải chẳng giải thích tý nào về câu này. Chú Giải giữ im lặng. Tôi bèn giở Phụ Chú Giải ra để xem. Nhưng Phụ Chú Giải cũng chẳng nói gì. Cả hai Chú Giải và Phụ Chú Giải đều làm tôi đau khổ. Như vậy, khi hỏi câu hỏi này, tôi cũng làm các bạn đau khổ. Các bạn hãy suy nghĩ về điều này và chúng ta sẽ gặp lại trong kỳ tới...

***


78

Nghiệp (Tiếp theo)

Trong khóa thiền vừa rồi, khi nói về luật Nghiệp Báo tôi đã gởi đến các bạn một đoạn văn về Nghiệp báo. Đoạn văn này nói: "Ta không hề dạy rằng: Nghiệp đã tạo có thể bị tiêu diệt không phải trả các quả trong đời sống này, trong đời sống kế tiếp hay trong đời sống kế tiếp nữa".

Những điều Đức Phật dạy là: "Ta không dạy rằng: có thể chấm dứt Nghiệp đã tạo, đã tích lũy, mà không phải nhận chịu hậu quả của chúng”, điều này có nghĩa “Nghiệp sẽ không bị tiêu diệt khi chưa được trả quả trong đời sống này, trong đời sống kế tiếp, hay trong các đời sống kế tiếp nữa”. Đức Phật tiếp tục: "Ta không dạy rằng: Sự đau khổ có thể chấm dứt mà không cần phải nhận chịu hậu quả của các Nghiệp đã tạo". Câu này có nghĩa là: “Không thể chấm dứt sự đau khổ khi chưa nhận chịu hậu quả của Nghiệp đã tạo” hay: “Phải nhận chịu hết hậu quả của Nghiệp đã tạo, đau khổ mới chấm dứt”.

Trước tiên khi đọc câu này, chúng ta cảm thấy hơi kỳ lạ, câu đầu tiên nói rằng: "Nghiệp sẽ không chấm dứt nếu quả của chúng chưa được trả”. Quả của các Nghiệp có thể trả trong kiếp sống này, trong kiếp sống kế tiếp hay trong các kiếp sống tiếp theo nữa. Nhưng theo luật về Nghiệp báo thì Nghiệp sẽ vô hiệu nếu nó không trả quả vào lúc nó phải trả quả. Có những Nghiệp trả quả trong kiếp sống này, có những Nghiệp trả quả trong kiếp sống tới, có những Nghiệp trả quả trong những kiếp sống sau kiếp tới và vô số kiếp sau đó nữa, cho đến khi chúng ta trở thành một vị A La Hán và chết.

Nếu Nghiệp phải trả quả trong kiếp sống này mà không trả quả được bởi vì thiếu điều kiện thuận lợi thì Nghiệp này vô hiệu. Những Nghiệp phải trả quả trong kiếp này, nhưng nếu Nghiệp đó không trả quả vì lý do nào đó thì chúng trở thành vô hiệu và chúng sẽ không trả quả trong kiếp tới hay trong những kiếp sau nữa. Cũng vậy, những Nghiệp phải trả quả trong kiếp kế tiếp, nhưng nếu Nghiệp đó không trả quả trong kiếp kế tiếp vì lý do nào đó thì chúng trở thành vô hiệu và chúng sẽ không trả quả trong những kiếp sau nữa, cho đến khi chấm dứt vòng sinh tử luân hồi. Cũng vậy, những Nghiệp trả quả bắt đầu trong kiếp sống này và kéo dài cho đến các kiếp sau nữa cho đến khi chấm dứt vòng luân hồi sẽ trở thành vô hiệu khi chúng ta trở thành A La Hán và chết.


79

Những Nghiệp cho quả trong kiếp này, sẽ không bị tiêu diệt hay vô hiệu nếu chưa trả quả trong kiếp sống này. Nhưng sau kiếp sống này chúng sẽ không trả quả nữa và trở thành vô hiệu.

Loại Nghiệp thứ hai cho quả trong kiếp sống tới. Bao lâu chúng trưa trả quả trong kiếp sống tới, và bao lâu mà kiếp sống tới còn hiện hữu thì Nghiệp đó không trở thành vô hiệu. Khi thời gian cho quả đã trôi qua, có nghĩa là khi người tạo Nghiệp đã tái sinh trong kiếp tới, thì Nghiệp này trở thành vô hiệu.

Loại Nghiệp thứ ba cho quả trong kiếp thứ ba và các kiếp sống tới cho đến khi chấm dứt vòng luân hồi, những Nghiệp này sẽ không vô hiệu bao lâu chúng ta còn ở trong vòng sinh tử luân hồi.

  đây, Chú Giải giải thích rằng: chúng ta không thể nào thoát khỏi hậu quả của Nghiệp khi chúng ta còn ở trong vòng sinh tử luân hồi.

Câu thứ hai nói rằng: không thể chấm dứt sự đau khổ nếu không trả các Nghiệp đã tạo. Câu này có nghĩa là nếu chưa trả hết quả của Nghiệp đã tạo thì chúng ta không thể chấm dứt đau khổ. Chúng ta không thể vứt bỏ loại Nghiệp này. Nếu vứt bỏ Nghiệp này, có nghĩa là không nhận chịu hậu quả của nó, thì đau khổ của chúng ta không thể chấm dứt. Trong thực tế, làm sao có thể trả hết các Nghiệp quá khứ được, bởi vì Nghiệp quá khứ quá nhiều, một khối Nghiệp khổng lồ mà chúng ta đã tạo trong nhiều kiếp quá khứ. Nếu chúng ta phải nhận chịu tất cả quả của Nghiệp tốt xấu, mà ta đã tạo ra từ trước đến nay, mới có thể chấm dứt được đau khổ thì chẳng bao giờ chúng ta hết đau khổ được.

Câu trên hàm ý rằng: "Trước khi chúng ta trở thành A La Hán hay rời bỏ vòng luân hồi sinh tử này thì chúng ta phải nhận chịu các hậu quả của các Nghiệp đã tạo". Như vậy, tất cả chúng sinh đều phải nhận chịu hậu quả của Nghiệp đã tạo. Không chúng sinh nào không nhận chịu hậu quả của các Nghiệp tốt xấu mình đã tạo. Như vậy, những gì hàm ý trong câu này, theo ý kiến của tôi, là tất cả chúng ta phải nhận chịu hậu quả của các Nghiệp tốt xấu đã tạo. Nếu chúng ta không trả hết hay nhận chịu hết các Nghiệp tốt xấu mà mình đã tạo trong quá khứ thì sẽ không chấm dứt được đau khổ.

Hãy lấy trường hợp Trưởng lão Angulimāla.    Như các bạn đã biết, Trưởng lão

Angulimāla trước đây là một tên cướp đã giết cả ngàn người.    Khi được gặp Đức

Phật, được nghe những lời giáo hóa của Ngài, Trưởng lão Angulimāla vứt bỏ vũ


80

khí trở thành học trò của Đức Phật. Sau khi trở thành một nhà sư, Trưởng lão Angulimāla tinh tấn hành thiền và trở thành một vị A La Hán.

Trong thời gian làm tên cướp, trưởng lão Angulimāla giết cả ngàn người, và đã tạo nhiều Nghiệp ác. Những Nghiệp này sẽ trả quả trong kiếp sống này, sẽ trả quả trong kiếp tới, và sẽ trả quả trong các kiếp sống sau nữa. Những Nghiệp phải trả quả trong kiếp tới và phải trả quả trong các kiếp sống sau nữa sẽ vô hiệu bởi vì Ngài không còn tái sinh nữa, nhưng Ngài phải nhận chịu hậu quả của Nghiệp trả trong kiếp sống hiện tại. Bởi thế trong những ngày làm nhà sư Ngài đã nhận chịu nhiều quả đau khổ như bị đánh đập, ném đá và đói khát vì không ai dâng cúng cho Ngài... Sau khi Trưởng Lão trở thành một nhà sư rồi, nhưng mọi người vẫn còn sợ Ngài. Mỗi khi thấy Trưởng Lão, họ sợ hãi bỏ chạy, vào nhà đóng chặt cửa lại, bởi vậy Ngài rất khó có được đầy đủ thức ăn. Đôi lúc người ta ném đá Ngài, đá trúng đầu Ngài làm bể đầu chảy máu. Ngài đau khổ bởi vì phải nhận chịu quả của các Nghiệp xấu mà Ngài đã tạo, và các Nghiệp này đã cho quả trong kiếp hiện tại. Nhưng với các quả sẽ trả trong kiếp kế tiếp và trong các kiếp sau nữa sẽ trở thành vô hiệu bởi vì Ngài đã ra khỏi vòng luân hồi và khi chết Ngài chết với tư cách là một vị A La Hán. Như vậy, trong trường hợp của Trưởng Lão Angulimāla thì Trưởng Lão đã thành tựu trong việc làm chấm dứt đau khổ mà không cần phải nhận chịu tất cả các hậu quả của Nghiệp đã tạo. Ngài chỉ nhận chịu các quả của Nghiệp trả trong kiếp hiện tại mà thôi.


81

MỘT SỐ CÂU HỎI LIÊN QUAN ĐẾN NGHIỆP


Cây cỏ, cát đá có Nghiệp không?

Một số người nghĩ rằng: đây là câu hỏi khờ dại, nhưng có một số người, hy vọng là không có các bạn ở đây, nghĩ rằng: Cây cỏ, cát đá có Nghiệp. Theo Phật Giáo cây cỏ, cát đá không phải là chúng sinh mặc dầu chúng có đời sống, nhưng không phải là sinh vật, theo Vi Diệu Pháp thì gọi chúng là không có mạng sống, điều này có nghĩa chúng không phải là chúng sinh. Và vì không phải là chúng sinh cho nên chúng không có Nghiệp. Tuy không có Nghiệp, nhưng cây cỏ, cát đá cũng tùy thuộc vào một số điều kiện Vật Chất như độ ẩm, khí hậu, chất bổ dưỡng v.v...

Mặc dầu không có Nghiệp, nhưng chúng cần có những điều kiện để khởi sinh và sống còn. Như vậy, cây cỏ cát đá cũng cần một số điều kiện mặc dầu chúng không có Nghiệp. Sự liên hệ nhân quả giữa những vật vô tri này sẽ được giảng giải sau này với những dẫn chứng về Paṭṭhāna (Duyên Hệ Duyên).

Đối với súc vật thì chúng có Nghiệp không? Tất cả súc vật đều có Ngũ Uẩn như con người; bởi thế, chúng là sinh vật hay chúng sinh, bởi vì là chúng sinh nên chúng có Nghiệp. Chúng sinh tạo Nghiệp và tích tụ Nghiệp. Loài vật sinh ra làm con vật cũng là kết quả của Nghiệp ác đã tạo trong quá khứ. Như vậy, loài vật cũng có Nghiệp và cũng có làm hay tạo ra Nghiệp, nhưng cây cỏ, đất đá và những vật vô tri khác không có Nghiệp.

Một vài đoạn trong sách Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) đề cập đến Nghiệp và quả của Nghiệp, đây là những đoạn văn rất quan trọng chúng ta cần phải ghi nhớ:


"Nghiệp và quả liên hệ làm thành một cái vòng giống như hạt giống và cây, cái này sinh ra cái kia, rồi cái kia sinh ra cái này, khó biết đâu là đầu, đâu là cái bắt đầu". Nghiệp và quả cái này theo cái kia. Đây là Nghiệp Thiện hay Nghiệp Ác, và do hậu quả của Nghiệp Thiện và Nghiệp Ác nên có tái sinh vào bốn đường dữ hoặc tái sinh làm người hay trời. Trong suốt thời gian chúng sinh đang hiện hữu, chúng sinh tạo nên các Nghiệp mới. Tạo nên các Nghiệp mới nên phải nhận quả của Nghiệp mới này trong tương lai. Như vậy, Nghiệp và quả của Nghiệp diễn biến, diễn biến… như vậy, như vậy...


82

Cũng như hạt và cây, hạt mọc thành cây rồi cây lại có hạt, rồi do hạt này lại có cây mới, cây mới lại sinh ra hạt, hạt mới này lại sinh ra cây… cũng giống như trường hợp chúng ta nói “gà đẻ ra trứng, trứng nở ra gà”, khó nói cái gì đầu tiên. Chúng tiếp tục diễn biến không có cái gì đầu tiên. Không thể nào cho ta thấy cái gì khởi đầu. Nếu chúng ta có thể trở về quá khứ để tìm nhân của nó, thì dầu có trở về bao xa đi nữa, cũng không bao giờ thấy được cái khởi đầu. Như vậy, không có cái khởi đầu của Nghiệp và quả của nó mặc dầu có cái vòng luân lưu của Nghiệp và quả trong vòng luân hồi tái sinh. Không thể nào chỉ ra được trong tương lai vòng tái sinh. Nhưng trong tương lai chúng chắc chắn sẽ khởi sinh, bởi vì hể có Nghiệp hiện tại thì sẽ có quả trong tương lai.

Trong triết học của Hindu có lý thuyết Sam-khya, một trong sáu lý thuyết triết học của đạo này, tin tưởng rằng: quả có sẵn trong nhân, nhưng dưới trạng thái không hiển lộ, khi nhân hiển lộ thì nó thành quả. Theo lý thuyết triết học này thì quả đã có sẵn trong nhân. Khi nhân chín muồi và khi nhân đạt đến tầng mức cao nhất của sự chín muồi thì biến thành quả. Trong triết thuyết này Nghiệp hay nhân và quả đều là một.

Phật Giáo không chấp nhận triết thuyết đó, trong Phật Giáo được dạy rằng: Nghiệp là một chuyện, và quả là một chuyện khác. Thanh Tịnh Đạo nói: "Không có Nghiệp trong quả, và quả không có mặt trong Nghiệp". Như vậy, không có Nghiệp ‘trong’ quả và không có quả ‘trong’ Nghiệp.

Nghiệp và quả là hai thứ khác nhau, mặc dầu trong cái này không có cái kia, mặc dầu chúng khác nhau, nhưng không thể nào có quả mà không có Nghiệp, và chẳng bao giờ có trường hợp có quả mà không có Nghiệp. Như vậy, quả và Nghiệp có sự liên hệ nhân và quả. Nhưng quả là một chuyện và nhân là một chuyện khác, chúng không đồng hóa với nhau.

Muốn tạo nên lửa, người ta có thể dùng một kính phóng đại để dưới ánh nắng mặt trời; rồi dưới kính phóng đại để một mãnh giấy hay một miếng bông. Ánh nắng mặt trời xuyên qua kính, hội tụ tại một điểm, tạo ra sức nóng làm cháy tờ giấy hay miếng bông và tạo ra lửa. Lửa không nằm sẵn trong ánh nắng mặt trời. Lửa không nằm sẵn trong giấy hay bông gòn. Lửa cũng không nằm ngoài ánh nắng mặt trời, giấy hay bông gòn. Nhưng khi phối hợp ba nhóm yếu tố này lại theo điều kiện nào đó thì lửa phát sinh. Chúng đã phối hợp theo điều kiện. Như vậy, lửa không hiện hữu trong ánh nắng mặt trời, không hiện hữu trong giấy,


83

không hiện hữu trong miếng bông. Nếu lửa hiện hữu trong những tia sáng của mặt trời, trong giấy hay trong bông thì chúng đã cháy rồi, và luôn luôn lúc nào chúng cũng sẽ cháy. Lửa không ở trong chúng; bởi vậy, khi đặt chúng riêng rẽ thì chúng không thể cháy được; nhưng khi đặt chúng với nhau, trong một số điều kiện nào đó, thì lửa sẽ phát sinh. Vậy do đâu mà lửa hiện hữu. Lửa hiện hữu bên trong hay bên ngoài chúng? Chúng ta không thể nói lửa hiện hữu nơi đâu ngoài những vật đó. Lửa chỉ khởi sinh khi có sự phối hợp của nhiều thành phần qua phương tiện “điều kiện” hay “tạo duyên”. Điều kiện hay duyên ở đây là mặt trời, giấy và bông gòn. Khi đặt các thứ ấy với nhau trong một điều kiện nào đó thì sẽ có lửa, nhưng lửa không hiện hữu trong tia nắng mắt trời, trong kiếng, trong giấy hay trong bông, nhưng nếu không có những thứ này thì không thể tạo nên lửa.

Tương tự như vậy, không có Quả trong Nghiệp và không có Nghiệp trong Quả. "Không thể nào tìm được Quả trong Nghiệp, không thể nào tìm được Quả ngoài Nghiệp. Không có Nghiệp nào còn duy trì trong Quả mà nó đã tạo". Như vậy, không thể nào tìm được Quả trong Nghiệp cũng không thể nào tìm được Quả ngoài Nghiệp. Không có Nghiệp nào còn duy trì trong Quả mà nó đã tạo. Như vậy Nghiệp không duy trì trong Quả. Có nghĩa là Nghiệp không nằm trong Quả mà nó đã tạo. Nghĩa là trong Nghiệp không có Quả của Nghiệp. Không có Quả hiện diện trong Nghiệp, không có Quả nào ở trong Nghiệp, nhưng Quả vẫn còn sinh ra từ Nghiệp đó. Quả sinh ra từ Nghiệp và hoàn toàn tùy thuộc vào Nghiệp. Như vậy, tất cả tùy thuộc vào Nghiệp, hoàn toàn tùy thuộc vào Nghiệp mà Quả của Nghiệp phát sinh.

Không chỗ nào trong vòng luân hồi tái sinh có thể tìm thấy chúa trời, Thượng Đế hay đấng sáng tạo. "Thật vậy, vòng luân hồi tái sinh không phải do Đấng

Sáng Tạo, Chúa Trời hay Thượng Đế tạo ra sự vật. Chúng là kết quả tự nhiên của luật Nghiệp Báo". Chỉ có hiện tượng của Nghiệp và Quả của Nghiệp trôi chảy mà thôi. Chúng tiếp tục trôi chảy. Sự trôi chảy của hiện tượng Vật Chất và Tâm này được gọi là vòng tái sinh. Chẳng có Chúa Trời, Đấng sáng tạo hay Thượng Đế hiện diện, chỉ có hiện tượng tâm vật lý tùy thuộc vào các điều kiện tiếp tục trôi chảy thôi.


84

LỢI ÍCH CỦA SỰ HIỂU BIẾT LUẬT NGHIỆP BÁO


Là những người Phật Tử chúng ta hiểu luật Nghiệp Báo theo những lời dạy của Đức Phật. Sự hiểu biết về luật Nghiệp Báo này mang lại nhiều lợi ích. Sau đây là một vài lợi ích.

1.  Hiểu biết luật Nghiệp Báo làm thoả mãn óc tìm tòi hiểu biết của chúng ta về sự bất bình đẳng của người, của chúng sinh.

Chúng ta muốn biết tại sao chúng sinh khác nhau, tại sao chúng sinh không giống nhau, mặc dầu chúng đều là chúng sinh. Tại sao có sự bất đồng giữa người với người, giữa loài vật với loài vật. Sự bất đồng giữa các chúng sinh đã được giải thích một cách hữu lý theo luật Nghiệp Báo. Sự hiểu biết về luật Nghiệp Báo thỏa mãn lòng mong mỏi hiểu biết của chúng ta về sự bất đồng giữa các chúng sinh. Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy rằng: nhờ hiểu biết luật Nghiệp Báo mà nhiều người đã trở thành Phật Tử.

2. Hiểu biết luật Nghiệp Báo mang lại niềm hy vọng cho chúng ta.

Chúng ta luôn luôn hy vọng mình sẽ khá hơn, tốt hơn trong tương lai. Chúng ta không thỏa mãn với những gì mà chúng ta đang có trong hiện tại. Chúng ta có thể luôn luôn cải thiện điều kiện và hoàn cảnh chúng ta bằng cách tạo những Nghiệp Lành. Như vậy hiểu biết luật Nghiệp Báo mang lại cho ta niềm hy vọng. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ mất niềm hy vọng.

3.    Hiểu biết luật Nghiệp Báo sẽ an ủi chúng ta những khi chúng ta gặp nghịch cảnh.

Hiện nay con người gặp rất nhiều nghịch cảnh, và gặp nghịch cảnh nhiều lần trong cuộc sống của họ: Mất của cải, tài sản, buôn bán lỗ lã, mất bạn bè, mất người thân yêu. Những người không hiểu biết luật Nghiệp Báo khi gặp những nghịch cảnh như thế họ sẽ không có niềm an ủi, họ có thể trở nên thất vọng, xuống tinh thần nhiều khi hủy cả mạng sống của mình, nhưng những người hiểu biết luật Nghiệp Báo có thể hiểu rằng: những nghịch cảnh này là kết quả của những Nghiệp mà họ đã làm trong quá khứ, họ sẽ thấy chẳng có ai để trách cứ ngay cả trách cứ chính mình. Như vậy, người hiểu luật Nghiệp Báo sẽ có được niềm an ủi lớn lao khi gặp cảnh không toại ý hay nghịch lòng.


85




4.    Hiểu biết luật Nghiệp Báo giúp ta có đủ sức mạnh tinh thần, không bị chao đảo trước mọi thăng trầm của cuộc sống.

Sống trong cuộc đời này, nhiều lúc chúng ta phải chịu cảnh thăng trầm theo cuộc sống. Chúng ta không thể nào tránh khỏi thành công và thất bại, được danh, mất danh, được lợi, mất lợi, được khen bị chê, đau khổ, hạnh phúc trong cuộc sống này. Khi hiểu biết luật Nghiệp Báo thì dầu gặp cảnh thành công hay thất bại, Hạnh phúc hay đau khổ chúng ta vẫn bình tâm. Đứng trước mọi hoàn cảnh tốt xấu chúng ta sẽ không bị chao đảo, lay động. Không bị giao động trước sự thành công hay thất bại là một điều rất quan trọng. Khi thành công hạnh phúc người ta cảm thấy hân hoan thỏa mãn, nhưng khi gặp thất bại người ta sẽ âu sầu buồn nản xuống tinh thần. Bởi vậy, cuộc sống của họ mang nhiều nỗi khốn cùng đau khổ. Nếu chúng ta hiểu biết luật Nghiệp Báo, chúng ta có thể đối diện với nghịch cảnh một cách bình thản không bị chúng ảnh hưởng.

5.     Hiểu biết luật Nghiệp Báo giúp chúng ta biết được tiềm năng to lớn của chính mình; đó là chính chúng ta có thể tạo nên tương lai cho chúng ta.

Chúng ta phải nhận hậu quả của các Nghiệp mà chúng ta đã tạo, bởi thế chúng ta có thể tạo tương lai cho chính mình bằng cách tạo nên những Nghiệp thiện trong hiện tại. Chúng ta có đủ năng lực để tạo tương lai cho chính chúng ta nếu chúng ta có sự hiểu biết về luật Nghiệp Báo. Không những biết đến năng lực tiềm tàng của mình, chúng ta còn biết rằng: chính năng lực này sẽ tạo dựng cho đời sống tương lai của chúng ta. Chúng ta có năng lực để tạo cho đời sống tương lai của chúng ta tốt hơn đời sống hiện tại. Như vậy, sự hiểu biết luật Nghiệp Báo đã giúp cho chúng ta hiểu rằng: chúng sinh có năng lực tiềm tàng để tạo nên tương lai này. Chúng ta không cần tìm kiếm năng lực bên ngoài cũng không cần tìm kiếm năng lực của các vị thánh thần để tạo nên tương lai của chúng ta. Thực vậy, chỉ một mình chúng ta mới có thể tạo nên tương lai cho chúng ta.

6.  Hiểu biết luật Nghiệp Báo giúp cho chúng ta hiểu biết trách nhiệm của mình.

Nhờ hiểu biết Quả của Nghiệp mà ta đang nhận chịu có nguyên nhân là Nghiệp của chính chúng ta; chúng ta an vui hạnh phúc hay đau khổ chính chúng ta phải


86

chịu trách nhiệm. Do hiểu biết rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm về những hạnh phúc và đau khổ của chúng ta nên chúng ta không trách cứ kẻ khác hoặc trách cứ hoàn cảnh hay điều kiện bên ngoài. Như vậy, nhờ hiểu biết luật Nghiệp Báo mà chúng ta có trách nhiệm về chính mình. Nếu chúng ta muốn tốt đẹp hơn trong tương lai thì chúng ta phải tạo các Nghiệp Thiện ngay bây giờ. Tóm lại, nhờ hiểu biết luật Nghiệp Báo, chúng ta sẽ trở thành người có trách nhiệm về chính mình.

7.  Hiểu biết luật Nghiệp Báo cũng giúp chúng ta tránh xa hành vi xâm hại kẻ khác và trở thành người có lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh. Nếu chúng ta làm hại kẻ khác thì chúng ta sẽ nhận chịu các hậu quả đau thương do Nghiệp của chúng ta đã tạo.

Vì không muốn tự mình làm mình đau khổ nên chúng ta sẽ không làm kẻ khác đau khổ. Như vậy, hiểu biết luật Nghiệp Báo giúp chúng ta tránh được những hành vi xâm hại hay gây thương tích cho chúng sinh. Tại sao hiểu biết luật Nghiệp Báo giúp chúng ta có lòng bi mẫn đối với chúng sinh khác? Bởi vì chúng ta hiểu biết rằng: Khi có lòng bi mẫn đối với chúng sinh khác là chúng ta đã tạo các Nghiệp Thiện Lành, và các Nghiệp Thiện Lành này sẽ trả quả tốt đẹp trong tương lai.

8.     Nhờ hiểu biết luật Nghiệp Báo nên chúng ta có thể giúp cho xã hội này sống an vui hạnh phúc, có tình thương, có hiểu biết, có sự sống chung hài hòa.

Còn nhiều lợi ích của sự hiểu biết luật Nghiệp Báo nữa. Tôi mong muốn các bạn tự suy nghĩ và cho thêm vào.

CÁC LOẠI NGHIỆP

Sau khi đã tìm hiểu Nghiệp một cách tổng quát, bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu các loại Nghiệp.

Trước tiên, Nghiệp có thể chia làm hai loại: Thiện Nghiệp và Bất Thiện Nghiệp. Một cách phân loại khác là phân loại theo chức năng. Tôi không thể giảng giải ở đây về chi tiết ở các loại Nghiệp khác nhau này. Nếu các bạn muốn biết nhiều chi tiết hơn về các loại Nghiệp này thì các bạn hãy đọc trong Vi Diệu Pháp Lược Giải (Abhidhammathasangaha).


87

Nghiệp  được chia làm bốn nhóm, mỗi nhóm gồm bốn Nghiệp.

Nhóm đầu tiên phân loại theo chức năng.

Nhóm thứ hai phân loại theo cách thức cho quả.

Nhóm thứ ba phân loại theo thời gian trả quả.

Nhóm thứ tư phân loại theo nơi chốn cho quả.

1.  Khi phân loại theo chức năng chúng ta có bốn loại Nghiệp.

a.    Đầu tiên là Nghiệp Tạo Tác, có nghĩa là Nghiệp tạo ra hậu quả.

b.    Thứ hai là Nghiệp Hỗ Trợ.  Nghiệp Hỗ Trợ chính nó không tạo ra quả, nhưng

Nghiệp  này hỗ trợ cho Nghiệp Tạo Tác.

c.     Thứ ba là Nghiệp Cản Trở. Nghiệp này, cũng vậy, chính nó không tạo ra quả, nhưng nó làm cản trở cho Nghiệp Tạo Tác.

d.    Thứ tư là Nghiệp Hủy Diệt. Nghiệp Hủy Diệt hủy diệt quả của Nghiệp Tạo Tác.

Như vậy tùy theo chức năng của các Nghiệp mà Nghiệp được chia làm bốn.

Chẳng hạn Nghiệp tạo tác giúp cho một người sinh ra làm người. Như vậy kết quả của Nghiệp Tạo Tác là một người ra đời. Trong suốt cuộc sống của người này, y hưởng thụ sức khỏe tốt, giàu có, sống lâu, sắc đẹp v.v... Những điều mà người này có được là hậu quả của Nghiệp Hỗ Trợ. Nếu người này không mạnh khỏe, nếu người này nghèo, nếu người này không sống lâu thì đó là do Nghiệp Cản Trở phát sinh. Nếu người này chết vì tai nạn hay chết ngay tức khắc bởi một bệnh nào đó thì đó là Nghiệp Hủy Diệt đã phát sinh. Nghiệp Tạo Tác cho kết quả vào lúc hoài thai cũng như trong suốt đời sống. Và Nghiệp Hỗ Trợ đã hỗ trợ cho Nghiệp Tạo Tác này. Nghiệp Cản Trở đã cản trở Nghiệp Tạo Tác và Nghiệp Hủy Diệt đã hủy diệt quả của Nghiệp Tạo Tác.

2.     Nghiệp cũng được phân chia làm bốn loại theo cách thức mà nó cho quả.

Đó là bốn loại Nghiệp cho quả liệt kê sau đây: Cực Trọng Nghiệp, Cận Tử Nghiệp, Tập Quán Nghiệp, Bảo Lưu Nghiệp.


88

a.     Loại thứ nhất là Cực Trọng Nghiệp. Cực Trọng Nghiệp nghĩa là Nghiệp có năng lực mạnh mẽ, cho quả vượt trội hơn các Nghiệp khác. Cực Trọng Nghiệp Thiện là các tầng thiền, Cực Trọng Nghiệp Bất Thiện là năm trọng tội: giết mẹ, giết cha, giết A La Hán, làm Phật bị thương, và chia rẽ Tăng. Chấp thủ tà kiến cũng bao gồm trong đó. Chấp thủ tà kiến có nghĩa là cho rằng: không có nhân, không có quả v.v...

b.    Loại thứ hai là Cận Tử Nghiệp. Cận Tử Nghiệp là Nghiệp mà một người tạo ra ngay trước khi chết. Mặc dầu người này có thể thường xuyên làm các Nghiệp Thiện hay Nghiệp Ác trong đời sống, nhưng Nghiệp Thiện hay Ác họ tạo ra ngay trước khi chết có năng lực mạnh mẽ hay ưu tiên để trả quả. Nghĩa là Cận Tử Nghiệp hay Nghiệp làm ngay trước khi chết có năng lực trả quả ưu tiên hơn "Tập Quán Nghiệp " và "Bảo Lưu Nghiệp”.

c.  Loại thứ ba là Tập Quán Nghiệp: Là Nghiệp chúng ta thường xuyên làm hằng ngày theo thói quen hay tập quán. Có người thường tạo hai loại Nghiệp Ác và Nghiệp Thiện hằng ngày, tạo thành thói quen, lập đi lập lại mãi không bỏ được.

d.    Loại thứ tư là Bảo Lưu Nghiệp: Là Nghiệp không nằm trong ba loại Nghiệp trên. Nếu không có Cực Trọng Nghiệp, Cận Tử Nghiệp hoặc Tập Quán Nghiệp thì Nghiệp Bảo Lưu có cơ hội trả quả.

3.    Nghiệp phân biệt theo thời gian trả quả:

Đó là bốn loại Nghiệp cho quả liệt kê sau đây: Nghiệp trả quả tức khắc, Nghiệp trả trong kiếp tới, Nghiệp trả sau kiếp tới cho đến khi chấm dứt vòng luân hồi, và Nghiệp vô hiệu

a.    Nghiệp trả tức khắc còn gọi là Hiện Nghiệp Nghiệp trả quả ngay trong kiếp sống này.

b.    Nghiệp trả quả tiếp theo Nghiệp trả quả trong kiếp tới sau khi ta lìa bỏ kiếp sống hiện tại.

c.    Nghiệp trả quả sau kiếp tới cho đến khi chấm dứt vòng luân hồi. Nghiệp này còn gọi là nghiệp vô tận.

d.    Nghiệp vô hiệu thật ra không phải là một loại Nghiệp riêng biệt. Nếu Nghiệp tức khắc không thể cho quả trong kiếp sống này thì trở thành vô hiệu. Nếu


89

Nghiệp cho quả trong kiếp sau không đủ điều kiện thuận lợi để trả quả thì trở thành vô hiệu, nhưng Nghiệp vô tận thì không thể vô hiệu được; Nghiệp này tồn tại cho đến khi chấm dứt vòng luân hồi. Chỉ tới lúc chấm dứt vòng luân hồi Nghiệp này mới chấm dứt. Khi Nghiệp thứ nhất, thứ hai, và thứ ba này không thể cho quả trong thời gian trả quả thì chúng trở thành vô hiệu.

Trong bốn loại Nghiệp trên thì Nghiệp vô tận tức Nghiệp trả quả sau kiếp tới cho đến khi chấm dứt vòng luân hồi là Nghiệp quan trọng nhất đối với chúng ta. Khi Nghiệp trả quả tức khắc và Nghiệp trả qua trong kiếp tới không đủ điều kiện thì chúng trở thành vô hiệu, nhưng Nghiệp vô tận giúp chúng sinh ở trong các cảnh khổ có cơ hội tái sinh làm người và làm trời sẽ theo ta cho đến lúc chấm dứt vòng luân hồi. Tất cả chúng sinh có kho chứa Nghiệp vô tận này, khi có hoàn cảnh hay cơ hội thuận tiện chúng ta sẽ nhận quả của các Nghiệp này.

4.    Nghiệp phân biệt theo nơi chốn trả quả.

Đó là bốn loại Nghiệp cho quả liệt kê sau đây:

Ác Đạo Bất Thiện Nghiệp, Dục Giới Thiện Nghiệp, Sắc Giới Thiện Nghiệp, Vô Sắc Giới Thiện Nghiệp.

a.  Ác Đạo Bất Thiện Nghiệp: Là những Nghiệp cho quả trong bốn ác đạo, và cũng cho quả trong dục giới và sắc giới.

b.    Dục Giới Thiện Nghiệp: là những Nghiệp thiện cho quả ở dục giới; và cũng cho quả ở sắc giới và vô sắc giới.

c.    Sắc Giới Thiện Nghiệp: Là những Nghiệp chỉ cho quả ở cõi sắc giới.

d.  Vô Sắc Giới Thiện Nghiệp: Là những Nghiệp chỉ cho quả ở cõi vô sắc giới.

Muốn hiểu rõ Nghiệp ở các cõi bạn phải hiểu ba mươi mốt cõi, và phải hiểu mỗi cõi cho quả như thế nào, bạn phải tìm kiếm học hỏi chi tiết về các quả của các Nghiệp này trong sách Vi Diệu Pháp. Tôi chỉ cho các bạn biết một số căn bản về các loại Nghiệp, đồng thời kích thích óc tò mò, mong muốn tìm hiểu của các bạn để các bạn thích thú trong việc tìm hiểu, học hỏi nhiều hơn.


90

Nếu các bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn các bạn nên đọc cuốn A Comprehensive Manual of Abhidhamma (Vi Diệu Pháp Tập Yếu) do Tỳ khưu Bodhi hiệu đính (Sư Khánh Hỷ dịch).

Bây giờ chúng ta hãy trở về với việc phân loại các loại Nghiệp một cách thực tiễn hơn. Khi chúng ta hiểu thế nào Bất Thiện Nghiệp, thế nào là Thiện Nghiệp thì chúng ta sẽ tránh làm các việc bất thiện, và chúng ta sẽ thực hành các Thiện Nghiệp.

Bất Thiện Nghiệp chia làm mười loại:

Ba Nghiệp bất thiện thuộc về thân, bốn Nghiệp bất thiện thuộc về khẩu, và ba Nghiệp bất thiện thuộc về ý.

Ba Nghiệp bất thiện thuộc về thân gồm: Sát sinh, trộm cắp, và tà hạnh.

Sát sinh là sát hại hay chấm dứt mạng sống chúng sinh. Sát hại chúng sinh bao gồm giết người, giết súc vật, và ngay cả những côn trùng bé nhỏ. Những gì gọi là chúng sinh đều không được giết hại. Người giết hại một chúng sinh nào là người ấy tạo Nghiệp ác.

Trộm cắp là lấy của ai vật gì không được chủ nhân của vật đó bằng lòng.

Tà hạnh là thông dâm với kẻ khác không phải là vợ hay chồng mình.

Ngoài hành vi tà dâm, tà hạnh còn có nghĩa là làm bất cứ hành vi tà vạy nào.

Bốn Nghiệp bất thiện thuộc về khẩu gồm: Nói dối, nói lời đâm thọc, nói lời nói dữ, nói lời vô ích.

a.     Nói dối: là nói điều không thật. Nói dối chỉ thật sự trở thành Nghiệp bất thiện khi nói dối với chủ tâm làm hại và làm mất sự an toàn của kẻ khác.

b.     Nói lời đâm thọc: là nói những lời nói nhằm mục đích gây ra sự chia rẽ người khác.

c.    Nói lời nói dữ: mắng nhiếc chửi rủa, nói những lời cộc cằn thô lỗ.

d.    Nói lời vô ích: là nói những lời vô bổ, làm mất thời giờ mà không đem đến lợi ích tinh thần.


91

Ba Nghiệp bất thiện thuộc về ý gồm:

a.    Tham lam: Mong muốn chiếm đoạt của cải người khác. Đó là khi thấy vật gì thuộc quyền sở hữu của kẻ khác mà khởi tâm ham muốn lấy làm của mình; như vậy mới gọi là tham lam. Tham lam không phải chỉ là thích thú, dính mắc vào vật gì của kẻ khác mà là có tà tâm mong muốn chiếm đoạt vật sở hữu của kẻ khác làm của mình.

b.  Sân hận: Là giận dữ, chán ghét, mong muốn kẻ khác bị hại, bị thương tích, bị chết.

c.  Tà kiến: cho rằng: không có Nghiệp, không có quả của Nghiệp v.v…

Ba hành vi này không phải thực hiện bởi thân hay khẩu, nhưng chỉ là những ý nghĩ trong tâm. Do đó, tham, sân, và tà kiến được gọi là ba hành vi chỉ phát khởi trong tâm.

Trên đây là mười Nghiệp bất thiện. Một khi đã biết đây là những Nghiệp bất thiện thì nên tránh chúng.

Trong mười Bất Thiện Nghiệp trên, chúng ta không thấy đề cập đến giới uống rượu. Chú Giải giải thích là giới uống rượu nằm trong Bất Thiện Nghiệp thứ ba. Giới thứ ba tiếng Pāḷi là Kāmesu micchācārā. 'Kāmesu' có nghĩa là dục lạc thế gian hay năm dục lạc giác quan (dục lạc về sắc, dục lạc về thinh, dục lạc về hương, dục lạc về vị, dục lạc về xúc, dục lạc về pháp) chứ không phải chỉ là dục lạc nam nữ. Như vậy uống rượu và dùng chất say là một hành vi bất thiện thuộc về dục lạc thế gian, đó là vị trần. Như vậy, uống rượu và dùng chất say nằm trong hành vi bất thiện thuộc về thân, hay nằm trong giới thứ ba là tà hạnh.

Bây giờ chúng ta nói đến Nghiệp Thiện.

Có hai nhóm Thập Thiện Nghiệp thuộc Dục giới.

Nhóm thứ nhất chỉ là mười Thiện Nghiệp đối nghịch với mười Bất Thiện Nghiệp ta đã nói trên. Đó là:

1.    Không sát sinh,

2.    Không trộm cắp,

3.    Không tà hạnh,


92

4.    Không nói dối,

5.    Không nói lời đâm thọc,

6.    Không nói lời nói dữ,

7.    Không nói lời vô ích,

8.    Không tham (không có tà tâm mong muốn chiếm đoạt vật sở hữu của kẻ khác làm của mình),

9.    Không sân (có từ tâm),

10.   Không tà kiến (có chánh kiến), nghĩa là biết nhân, biết quả, biết nhân quả và biết mọi việc trên thế gian đều tùy thuộc vào một số các việc khác.

Mười Thiện Nghiệp Dục Giới này chỉ là mười Nghiệp đối nghịch với mười Bất Thiện Nghiệp mà thôi.

Nhóm mười Thiện Nghiệp thứ hai là:

1.     Bố thí: Giúp đỡ người nghèo khó hay dâng cúng thực phẩm và vật dụng đến chư tăng.

2.    Trì giới:  Giữ giới luật trong sạch:  không sát sinh, trộm cắp, tà hạnh...

3.    Tham thiền: Luyện tâm, Phát triển tinh thần, hành Thiền Định và Thiền Minh Sát…

4.     Cung kính: Tôn kính người lớn tuổi, tôn kính người đáng tôn kính, nhường chỗ cho người đáng nhường.

5.     Phục vụ: giúp đỡ người khác, làm các công việc cho cộng đồng, làm công quả cho chùa, giúp người khác làm việc thiện.

6.    Hồi hướng công đức: Trước hết, đi làm phước rồi hồi hướng hay chia phước lành đến mọi người. Chia phước là giúp mọi người có cơ hội được hưởng phước báu qua hành vi phước thiện của mình. Chia phước không phải là tặng hoặc bố thí phước báu của mình cho người khác và mình không còn phước báu nữa. Chia phước báu là hành vi phước thiện tạo thành Nghiệp tốt. Chia phước càng khiến cho phước báu mình được gia tăng.

7.  Tùy hỉ: Hoan hỉ với phước báu của người khác, nghĩa là khi được người khác chia phước báu cho ta thì ta nói: Sādhu, sādhu, sādhu (lành thay, lành thay, lành thay). Có nghĩa là ta hoan hỉ, hạnh phúc với phước báu người khác đã tạo. Khi


93

bạn hoan hỉ với phước báu của người khác thì chính bạn cũng được phước báu. Đó là vì khi bạn hoan hỉ, vui mừng thì sự hoan hỉ, vui mừng này đã lấy phước báu của người khác làm đối tượng. Đây là một thiện tâm. Chú Giải nói rằng: Dù cho người làm việc phước thiện có chia phước cho bạn hay không, thì bạn cũng có thể hoan hỉ với việc phước thiện của họ đã làm. Như vậy, nếu được người khác chia phước thì bạn hãy nói: "Sādhu, sādhu, sādhu" hay “lành thay, lành thay, lành thay”. Nếu họ không chia phước báu cho bạn, nhưng nếu bạn thấy hay bạn nghe rằng: người đó đã làm việc phước thiện thì bạn cũng có thể thực hành việc hoan hỉ phước báu của người khác bằng cách vui mừng hoan hỉ với phước báu này.

8.   Nghe pháp: Là nghe giáo pháp của Đức Phật. Việc học tập các loại nghệ thuật như: điêu khắc, vẽ tranh hoặc các học thuật chuyên môn để mở mang kiến thức mà không làm hại hay gây thương tổn cho ai cũng bao gồm trong phần nghe pháp.

9.   Thuyết pháp: Giảng dạy giáo pháp. Phần này cũng bao gồm cả việc giảng dạy Phật pháp và một vài loại ngành nghề, học thuật không xâm hại hay tổn thương đến kẻ khác và không chống trái những lời dạy của Đức Phật.

10.    Có chánh kiến: quan kiến đúng đắn, nghĩa là có kiến thức đúng đắn về nhân quả v.v... Quan kiến đúng đắn hay Chánh Kiến thật ra chỉ là ngược lại với tà kiến. Có quan kiến đúng đắn rất quan trọng, nếu có quan kiến sai lầm thì mọi việc làm của ta đều không phải là Thiện Nghiệp. Chúng ta phải có quan kiến đúng đắn hay Chánh Kiến về Nhân, về Quả, và những gì liên quan đến Nhân Quả.

Ba Thiện Nghiệp đầu tiên: bố thí, trì giới, và tham thiền là ba bước đầu tiên mà người Phật Tử phải thực hành.

Bố thí: Trong mười Ba La Mật hay mười phẩm hạnh cao thượng mà một vị Bồ Tát phải thực hành trọn vẹn thì bố thí là pháp đầu tiên. Bố thí (dāna) ở đây có nghĩa là cho ra, giúp đỡ hay cúng dường v.v... Bố thí (dāna) rất quan trọng vì bố thí giúp cho tâm của chúng ta êm dịu, và mềm dẽo. Bố thí còn tạo cơ hội cho chúng ta loại trừ Tham Ái, dính mắc. Mỗi khi chúng ta cho ra vật gì, không những ta cho ra vật đó mà còn dứt trừ tâm Tham Ái, dính mắc vào vật đó nữa. Như vậy, khi thực hành hạnh bố thí, chúng ta cũng đồng thời thực hành hạnh dứt bỏ, Tham Ái dính mắc vào vật ta cho ra.


94

Trì giới: còn được gọi là giữ phẩm hạnh đạo đức. Giữ giới là kiểm soát thân khẩu. Khi giữ giới là ta giữ phẩm hạnh trong sạch, ta không để cho thân và khẩu

ô  nhiễm bởi hành động và lời nói bất thiện. Là cư sĩ, bạn có thể giữ năm giới hay tám giới như các bạn đang thực hành trong khóa thiền này, nếu bạn muốn thực hành giới luật nhiều hơn bạn có thể giữ mười giới.

Tham thiền: giúp cho tâm thanh tịnh, an lạc hay đưa đến những tiến bộ tinh thần cao, khai mở trí tuệ. Bạn có thể hành Thiền Định hay Thiền Minh Sát. Do hành Thiền Định bạn có thể đạt được định tâm cao. Nếu bạn thành công trong việc thực hành một trong bốn mươi đề mục Thiền Định bạn có thể thực hành thêm để có thần thông. Qua hành Thiền Minh Sát bạn sẽ đạt đến chỗ dứt sạch mọi ô nhiễm trong tâm hay đạt cứu cánh Niết Bàn.

Cung kính và phục vụ: Đó là Thiện Nghiệp thứ tư và thứ năm: Cung kính những người đáng cung kính, và phục vụ giúp đỡ mọi người; hai điều này có thể bao gồm trong Thiện Nghiệp thứ hai, giới luật trong sạch, bởi vì khi bạn thực hành giới bạn kiểm soát hành động và lời nói. Cung kính và phục vụ là một biểu hiện của sự kiểm soát thân và khẩu, do đó được bao gồm trong giới luật, Thiện Nghiệp thứ hai.

Hồi hướng chia phước bao gồm trong Thiện Nghiệp thứ nhất, bố thí. Tùy hỉ hay hoan hỉ với phước báu của người khác cũng bao gồm trong bố thí bởi vì liên hệ đến sự bố thí, không phải mình cho ra, nhưng người khác cho ra.

Nghe pháp, thuyết pháp, và có quan kiến đúng đắn đều nằm trong Thiện Nghiệp thứ ba là tham thiền. Nghe pháp là một loại phát triển tinh thần. Thuyết pháp cũng thuộc phát triển tinh thần bởi vì bạn đang phát triển tâm mình. Có quan kiến đúng đắn hay có Chánh Kiến cũng thuộc về phát triển tinh thần.

Như vậy, chúng ta có thể thu gọn mười Thiện Nghiệp còn lại ba Thiện Nghiệp:  Bố

thí, trì giới, tham thiền.     Yếu tố sáu và bảy vào yếu tố một:   Bố thí; bốn và năm

vào yếu tố thứ hai:  Trì giới; tám, chín và mười vào yếu tố ba:  Tham thiền.

(1)  Bố thí:  bao gồm hồi hướng (6), tùy hỉ (7).

(2)     Trì giới bao gồm cung kính (4),  phục vụ (5).

(3)  Tham thiền bao gồm nghe pháp (8) thuyết pháp (9), Chánh Kiến (10).


95

Bây giờ chúng ta đã hiểu Bất Thiện Nghiệp và Thiện Nghiệp, chúng ta có thể theo lời dạy của Đức Phật trong kinh Pháp Cú:

"Không làm điều ác nào,

Làm các hạnh lành,

Thanh lọc tâm ý,

Đó là lời dạy của chư Phật.

Câu đầu tiên trong bài kệ Pháp Cú này là Sabbapāpassa akaraṇaṁ (Không làm điều ác nào). Chữ sabbapāpassa có hai phần: ‘Sabba’ có nghĩa là tất cả, và ‘pāpa’ có nghĩa là điều ác, như vậy "sabbapāpassa" có nghĩa là tất cả điều ác. Nhưng khi nói “Không làm tất cả các điều ác”, người ta có thể tranh biện: Nếu bạn nói "không làm tất cả các điều ác", như vậy có nghĩa là "có thể làm ít điều ác cũng được". Bởi thế, ở đây ta phải dịch là "không làm điều ác nào" tức là không làm điều bất thiện, không tạo các ác Nghiệp. Sau đó là "hoàn thành những việc thiện" có nghĩa là vun bồi Thiện Nghiệp hay làm những việc thiện; tiếp theo là thanh lọc tâm ý. Tâm chúng ta có nhiều phiền não hay ô nhiễm, bởi vậy Đức Phật dạy chúng ta hãy thanh lọc tâm. Câu Pháp Cú trên Đức Phật dạy chúng ta tránh xa điều ác, vun bồi hạnh lành, và thanh lọc tâm ý.

Chú Giải Kinh Pháp Cú giải thích câu đầu của bài kệ này, sabbapāpassa akaraṇaṁ là không làm những hành vi bất thiện, điều này dễ hiểu. Câu thứ hai, kusalassa upasampadā là làm khởi sinh các hành vi thiện lành, và phát triển những gì cần phải phát triển. Như vậy, ở đây câu: "vun bồi thiện tâm" hay "hoàn thành những việc thiện" là làm phát sinh Thiện Nghiệp, và tiếp tục, tiếp tục làm phát sinh Thiện Nghiệp, nghĩa là liên tục tạo Thiện Nghiệp. Câu này có nghĩa không phải chỉ làm việc thiện một lần mà phải tiếp tục làm việc thiện nhiều lần cho đến khi Thiện Nghiệp phát triển. Chú Giải cũng nói rằng: phải làm việc thiện cho đến khi đạt A La Hán đạo (Arahatta Magga) nghĩa là cho đến khi Giác Ngộ. Tôi nghĩ rằng: Chú Giải liên kết điều này với cuộc đời của Đức Phật. Là một hoàng tử, Đức Phật từ bỏ đời sống thế tục, xuất gia tu hành. Và trong sáu năm Ngài sai lầm thực hành khổ hạnh trong rừng, cuối cùng Ngài bỏ lối tu khổ hạnh, thực hành trung đạo và thành chánh quả. Từ lúc xuất gia cho đến khi Giác Ngộ Ngài đã thực hành và phát triển Thiện Nghiệp. Thứ ba sacittapariyodapanaṁ (Thanh lọc tâm ý), có nghĩa là làm cho tâm trong sạch, thoát khỏi năm chướng ngại. Thanh lọc tâm


96

khỏi năm chướng ngại (phiền não) là một việc làm quan trọng bởi vì bao lâu vẫn còn chướng ngại trong tâm thì vẫn chưa thể hi vọng Giác Ngộ.



(Trích Phật Pháp Căn Bản, tác giả Sīlānanda, Khánh Hỷ dịch) 
Xem thêm thứ tự:
1. Nền tảng Phật Pháp - hiểu Phật Pháp Tăng - TK Sīlānanda
2. Nền tảng Phật Pháp - Lịch sử Đức Phật Gotama (Thích Ca) - TK Sīlānanda
3. Nền tảng Phật Pháp - Tứ Diệu Đế  - TK Sīlānanda 
4. Nền tảng Phật Pháp - Bát Chánh Đạo - TK Sīlānanda
5. Nền tảng Phật Pháp - Nghiên cứu về Nghiệp - TK Sīlānanda 
6. Nền tảng Phật Pháp - Lý Duyên Sinh  = 12 Nhân Duyên  - TK Sīlānanda
7. Nền tảng Phật Pháp - Lý Duyên Hệ  = 24 Hệ Nhân Duyên  - TK Sīlānanda
8.  Nền tảng Phật Pháp - CÁC HẠNG CHÚNG SINH TRÊN ĐƯỜNG GIẢI THOÁT -TK Sīlānanda 
9. Nền tảng Phật pháp - Những giới luật quan trọng nhất - Tỳ kheo Silananda
10. Nền tảng Phật pháp - THIỀN ĐỊNH (SAMATHA) - Tỳ kheo Silananda
11. Nền tảng Phật pháp - THIỀN MINH SÁT (VIPASSANĀ)) - Tỳ kheo Silananda
12. Nền tảng Phật pháp - Giải thích sự giác ngộ  - Tỳ kheo Silananda
13. Nền tảng Phật pháp - Các kỳ kết tập Kinh điển lịch sử  - Tỳ kheo Silananda
14. Nền tảng Phật pháp - Hiểu vê Vô Ngã  - Tỳ kheo Silananda

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét