Tôi đi từ cụm từ“thư xả” để bắt
đầu cho buổi nói chuyện về thiền định và thiền tuệ hôm nay. Tôi sẽ nói
đơn giản thôi. Đơn giản với ngôn ngữ đời thường cho ai cũng nghe được,
hiểu được. Và ai cũng có thể thực hành được. Tôi sẽ tự giới hạn không sử
dụng thuật ngữ Phật học hay thiền học vì nó phức tạp lắm, nhất là đối
với những người không phải là Phật tử lâu năm, hoặc không phải là hành
giả trong một lớp thiền nào đó.
Thư xả là nghỉ ngơi toàn bộ thân và tâm, nghĩa là thân phải thư giãn, tâm phải buông xả. Tại sao thân tâm phải thư giãn, buông xả?
Trước tiên, chúng ta phải hiểu thư giãn là gì, buông xả là gì?
Thư giãn thuộc về thân, các bạn nhớ cho như vậy.
Thư giãn, nói cho dễ hiểu là “duỗi cho giãn ra”.
Cái thân của chúng ta làm việc nhiều quá, các cơ bắp đều đã đờ cứng,
thần kinh (thuộc thân) căng thẳng nên sinh ra mệt mỏi, lừ đừ, đờ đẫn;
ngoài ra nó còn làm cho ta trằn trọc, thao thức không ngủ được; và những
biến chứng về tim mạch cũng từ đó mà phát sanh. Vậy, việc làm đầu tiên
là chúng ta phải duỗi cho giãn ra tất cả mọi đờ cứng của cơ bắp làm cho
nó trở về trạng thái cũ, là hình thức nghỉ ngơi của thân đó.
Nói thư giãn nhưng không phải là “cố ý” thư giãn. Khi cố ý thư giãn là chúng ta khởi một “chủ ý”
bắt thân phải phục tùng. Đây là thói quen của bản ngã có từ vô lượng
kiếp của con người, nhất là từ khi chúng ta tiếp thu văn hóa, tư tưởng,
ngôn ngữ Tây Phương - bao giờ cũng có một cái tôi, cái ta, một cái ngã
để giao lưu, đối thoại, làm việc, kể cả lúc ta muốn cho cái thân được
nghỉ ngơi. Và khi khi ngơi, chúng ta cũng quen nói là sẽ có “phương pháp” làm cho nó nghỉ ngơi.
Không phải vậy, thưa các bạn. Cái “thân tôi” nghỉ ngơi đã trật, mà “phương pháp” nghỉ ngơi lại càng trật luôn. Ta lại muốn “tham dự” vào
sự vận hành tự nhiên của pháp giới. Trong trường hợp này, muốn nghỉ
ngơi thật sự ta hãy nằm xuống, như xác chết, và xác chết thì không có
cái tôi nào, cái ý thức nào xen dự vào đấy cả. Nó tương tự như thế
savasana (xác chết) trong hattha-yoga, là buông lỏng thân như một xác
chết thì bạn có thể phục hồi rất nhanh tất cả những năng lực đã bị mất
đi. Đây mới chính là “nguyên lý” trả thân lại cho thân, cách nói khác của “chánh niệm” rốt ráo. Chánh niệm rốt ráo chính là chánh niệm ở thế giới paramattha, đơn giản là thân chỉ “thả xuống”, để yên như nó là... chứ không phải niệm cái này, niệm cái kia!
Sau khi thư giãn về thân rồi, chúng ta mới quay sang buông xả.
Buông xả thuộc về tâm, các bạn nhớ cho như vậy.
Cũng tương tự như cái thân, cái tâm của
chúng ta do suy nghĩ nhiều quá, lo âu nhiều quá... mà sinh ra căng thẳng
như sợi dây đàn. Nếu căng thẳng đúng độ, âm thanh sẽ cao vút, nhưng
căng quá độ nó sẽ đứt tung luôn! Và ta cũng bị đứt tung luôn như vậy!
Hãy để cho cái tâm được nghỉ ngơi, được tịnh dưỡng, các bạn ạ. Nó đã làm
việc quá nhiều, đã hết công suất: Chuyện công việc làm ăn ngày càng khó
khăn. Chuyện con cái cứng đầu khó dạy, không chịu học, cứ mải ham
chơi... Chuyện vật giá leo thang. Chuyện bệnh tật, ốm đau. Chuyện nhà,
chuyện cửa, chuyện chợ búa, bếp núc... Chuyện bên nội, bên ngoại. Chuyện
thế gian, thế giới, chuyện chiến tranh, chuyện khủng bố, chuyện ô nhiễm
môi trường, chuyện đạo đức băng hoại... Rồi đêm nằm ngủ nữa, có yên
đâu. Ý tưởng, tâm niệm, lo nghĩ cứ lăng xăng trong đầu. Các bệnh về tâm
lý, stress là triệu chứng bệnh lý phổ thông của thời đại. Thân bị
căng mà tâm cũng bị căng. Tôi nhớ có vị thiền sư đã đưa ra ví dụ rất
chính xác về một sợi dây thun căng thẳng, và chúng ta đều như thế đó!
Sợi dây thun nếu căng trong chừng mực nào đó, trong một thời gian nào đó
thì nó còn có khả năng trở lại trạng thái ban đầu. Nhưng nếu nó căng
mãi, căng hoài, ngày này sang ngày nọ, thì sợi giây thun kia không thể
trở lại trạng thái ban đầu được nữa. Nó liệt rồi. Coi chừng chúng ta
cũng bị liệt như thế. Sợi lò xo trên cái cân cũng vậy, cứ cân mãi, cân
hoài, không cho nó nghỉ - thì nó cũng bị liệt luôn, không thể trở về số
không được nữa! Tâm buông xả cũng tương tợ vậy. Suốt tháng, suốt năm,
quý vị có cho nó nghỉ ngơi đâu? Ban đêm quý vị cũng không cho nó nghỉ,
cứ mộng tưởng, vọng tưởng, hồi ức chuyện này, chuyện kia lung tung...
Vậy, buông xả là để cho cái tâm được thật sự nghỉ ngơi. Phải để cho cái
tâm được như phòng không, nhà trống, rỗng rang, vắng lặng. Nói đơn giản
vậy chớ khó lắm đấy. Khi nói buông xả, chúng ta lại suy nghĩ, hãy buông
xả nghe, hãy để cho tâm rỗng rang nghe... Đấy, đấy, mới đó mà quý vị lại
suy nghĩ rồi, lại lầm thầm trong đầu rồi! Cái tôi, cái ta của chúng ta
lại muốn xen dự vào đấy nữa. Tuy nhiên, vấn đề không đến nổi tệ lắm đâu.
Hãy nương nơi hơi thở, cứ tập lắng nghe hơi thở một hồi, và đừng làm gì
cả, rồi từ từ cái tâm sẽ yên, sẽ lặng, sẽ rỗng không ngay.
Vậy, để cho cái thân nghỉ ngơi, cái tâm nghỉ ngơi thì được gọi là thư giãn, buông xả.
Là bài học thực tập đầu tiên cần thiết cho tất cả chúng ta, cho tất cả
mọi người đang sống trong xã hội có quá nhiều vấn đề bức xúc, cạnh tranh
khốc liệt như đang diễn ra mọi nơi, mọi chỗ khắp trên thế giới bởi nền
văn minh vật chất thực dụng này.
Ngày nay nhân loại đã tiến bộ quá, văn
minh quá, tiện nghi vật chất phong phú quá. Khoa học, kỹ thuật và những
công nghệ thông tin càng tăng tốc thì trái đất càng ô nhiễm, càng phá vỡ
sự cân bằng sinh thái - đem đến biết bao nhiêu tật bệnh, động đất, sóng
thần, bão lụt, cháy rừng, vi trùng, vi khuẩn... đe dọa mạng sống con
người và những đau khổ về tâm lý. Nền văn minh trục vật ấy, có cái lợi
rất lớn mà cái hại cũng không kém gì! Và điều rõ ràng nhất - xã hội tăng
tốc thì con người cũng tăng tốc. Tăng tốc để làm giàu, tăng tốc để
hưởng thụ, tăng tốc mọi khả năng kèn cựa, áp đảo, giật giành, đấu đá...
trong những cuộc chạy đua chưa có hồi chung cuộc. Chạy đua cho đến bạc
tóc, chạy đua cho đến nấm mồ! Trong tình huống đó, dĩ nhiên mọi người,
ai cũng bị lôi cuốn vào giữa dòng xoáy tất yếu, vào giữa cơn lốc chóng
mặt, quay cuồng của hơn thua, thành bại, được lợi, mất lợi, được danh,
mất danh, buồn vui, khổ lạc... huyễn hóa, bọt bèo; để rồi, không biết có
ai bất chợt nhìn thấy, rằng là lúc này, sao mình làm việc gì cũng hấp
tấp, vội vã, khẩn trương? Tính khí thì tại sao lại sớm nắng, chiều mưa,
lúc nóng, lúc lạnh thất thường như thế? Tại sao, bây giờ mình hay nổi
nóng, cay cú, giận giữ, căng thẳng “điên cái đầu” đến thế?
Nó đã đến rồi đấy! Chúng nó đã đến rồi đấy! Những
bóng ma bất thực, ảo hóa chập chờn, nhưng nó có khả năng bóp méo hoặc
chi phối toàn vẹn đời sống tâm-sinh-vật-lý của chúng ta. Đấy là những
dấu hiệu rối loạn tâm lý nội tại, nếu không được trị liệu thì nó sẽ dẫn
đến biến chứng của sự thác loạn thần kinh não bộ. Thât may mắn thay cho
ai đã nhìn thấy nó, thấy để tu tập, để tu thiền định và thiền tuệ, để
trở lại sự an bình cho cái thân, cái tâm đã quá nhiều bệnh tật và thống
khổ này!
Thưa các bạn,
Chính khi nó đang xẩy ra, đang căng
thẳng, đang bức xúc, bất an ấy - chúng ta đừng nôn nóng, vội vã tìm cách
giải quyết nhé! Tuyệt đối không! Không làm gì cả! Hãy bình tĩnh thử
nào! Hãy tịnh định và thở vài hơi thở thử xem! Lăng xăng tìm cách giải
quyết thì vấn đề càng trầm trọng, căng thẳng thêm mà thôi. Là thêm dầu
vào lửa đấy! Những lúc như vậy, hãy thở thôi, và hãy cứ thư giãn, buông
xả như cách mà chúng ta đã biết. Đơn giản là chúng ta chỉ cần cho phép
thân tâm mình được hoàn toàn nghỉ ngơi - nghỉ ngơi thật sự, nghỉ ngơi đúng nghĩa của “sự thực” nghỉ ngơi
- dù chỉ một lát thôi; nghĩa là, đừng gắng gượng, đừng ức chế, đừng cố
bắt nó đứng yên, đừng bắt nó phải như thế này hoặc như thế kia - mà phải
để cho nó thật thoải mái, tự nhiên, như nhiên vậy.
Tại chỗ này, chúng ta sẽ quan sát một ly
nước. Ta cầm ly nước trong hai tay, và thầm nói rằng: Tôi sẽ cố giữ cho
ly nước đứng yên và mặt nước không dao động! Nhưng dù tôi cố gắng thế
nào thì mặt nước vẫn vị chao nhẹ, gợn lăn tăn! Bây giờ, bạn hãy đặt ly
nước xuống bàn, và quan sát nó, một hồi là mặt nước đứng yên, lặng ngay.
Cái thân tâm ta cũng vậy, để cho nó yên, đừng làm gì cả, thì nó sẽ tự
động yên như ly nước đặt trên bàn! Để cho thân thư giãn, buông lỏng toàn thể cái thân, như xác chết, không làm gì cả; để cho tâm bạn buông xả mọi bận rộn, phức tạp, đa đoan trong những lo âu, tính toán đời thường – cũng không làm gì cả! “Điềm đạm vô vi, chân khí tùng chi” là nguyên lý cao nhất của y đạo Đông phương đấy!
Nói tóm lại, thư giãn buông xả nghỉ ngơi hoàn toàn, nghỉ ngơi cả thân lẫn tâm -
là điều kiện tất yếu không thể bỏ qua trong bất kỳ tâm thái thiền nào.
Nó là cái gốc, cái nguồn cho thân tâm được phục hồi sức khỏe, lấy lại
sinh lực đã bị tiêu hao - mà thiếu nó thì mọi nỗ lực đi sau đều như xây
lâu đài trên cát. Rất nhiều người xem thường yếu tố cơ bản này, họ quyết
tâm đi thẳng vào thiền định, thiền tuệ hay tham công án, tưởng sẽ có
kết quả nhanh; nhưng hãy coi chừng: Càng mong kết quả nhanh chừng nào
lại càng phản tác dụng ngay chừng đó! Thực ra, tự thân sự thư giãn, buông xả
đã mang lại nhiều kết quả lớn lao giúp cho thân tâm ta được ổn định; và
cũng từ đó, nó giải quyết vấn đề phiền não nội tâm hay phiền não từ thế
giới xung quanh mang lại rất hiệu quả.
Vậy thì, sau khi thư giãn, buông xả rồi,
các bạn sẽ dễ dàng đi vào các đề mục thiền nào tùy ý. Hãy không nói đến
những đề mục phức tạp khác, chỉ nói đến hơi thở, cái hơi thở vốn là sự
sống của chúng ta mà chúng ta ít có thì giờ xem, nghe nó thở ra sao! Bạn
chỉ cần ngồi và nghe nó thở, nó thở ra sao, ngắn dài cứ kệ nó. Chỉ nghe
và xem một cách khách quan, trung thực. Đừng triết luận, đừng giảng
giải; nghĩa là đừng xen tâm trí vào đấy! Các bạn có làm được như vậy
không? Cứ ghi nhận và an trú tâm vào đó. Chỉ cần chuyên nhất, lắng nghe
không xao lãng. Thế rồi, chuyện gì xẩy ra? Sự an lạc nó sẽ đến với bạn!
Nó đến như một định luật tự nhiên của tâm và pháp. Chẳng có huyền nhiệm
và phép lạ nào ở đây. Thân yên lặng, ổn định thì tâm yên lặng, ổn định.
Tâm yên lặng, ổn định thì an lạc, hạnh phúc nó sẽ đến cho thân tâm ấy.
Nó xẩy ra tự nhiên như những định luật của trời đất. Đấy là cả một nghệ
thuật. Thiền là cả một nghệ thuật, phải nắm chắc nghệ thuật ấy để mang
đến sức khỏe cho tâm linh, để sống một cuộc đời có ý nghĩa và rỗng không
phiền não. Ngoài ra, có người không muốn nghe hơi thở mà chỉ muốn nhìn
ngắm xung quanh. Cũng được thôi. Xung quanh chúng ta có vô vàn đề mục,
vô vàn đối tượng. Nó có thể là một bông hoa đỏ, một ô cửa trống, một làn mây bay... và còn nữa, một dòng sông lặng, một chậu cây, một ánh trăng bên hiên...
Và khi ấy, bạn cứ nhìn vậy thôi, thanh thản và tự nhiên như đang đọc
một quyển sách, đang thưởng ngoạn một tác phẩm nghệ thuật - đừng để tâm
lang thang đi đâu cả, thì tham ưu và phiền não sẽ không tác duyên được.
Các bạn hãy cố gắng thực tập thiền ấy trong đời sống thường nhật. Như
khi lái xe, khi đọc sách, khi viết email, khi nấu ăn, khi rửa chén
bát...Và những khi như vậy, cái gì đang xẩy ra, đang diễn ra, đang tác
động đến thân, bạn cũng phải biết lắng nghe, quan sát một cách trung
thực. Cụ thể là những đau, nhức, tê, ngứa, nóng, lạnh... Rồi còn những
khó chịu, bực bội, nóng nảy, dễ chịu, thích thú... gì đó ở nơi tâm, cũng
phải được lắng nghe, ghi nhận... Nghĩa là đừng bỏ quên bất cứ một cảm
giác nào xẩy ra ở nơi thân và nơi tâm. Và đấy được gọi là thiền, có đầy
đủ định tuệ ở trong, nó không hai. Và thiền này là của chúng ta, không ở
bất kỳ một trường phái nào, nhưng nó là Tứ Niệm Xứ đó vậy.
Và cuối cùng, ai thực hành được thì mọi khổ ưu trên đời này chỉ là những giọt nước nó trượt trên lá sen, tâm trí ta không dính.
Rốt lại, chỉ có một từ “xả”, thưa các bạn!
Chỉ cần “xả” là “đáo bỉ ngạn” tức khắc, ngay tại đây và bây giờ!
Mong vậy thay,
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét