Các từ ngữ mập mờ làm tổn thương nghiêm trọng PG từ một bài dịch thuật

image
Sự phiên dịch sai, sự mạo hóa từ nguồn tin Huanqiu của Sầm Hoa đã tổn thương nghiêm trọng tới Phật giáo và gây phẫn nộ trong hàng Tăng ni, Phật tử khắp nơi. Vì uy tín của quý báo, vì lương tâm chức nghiệp, đề nghị ông TBT cho hiệu đính lại một số danh từ đã cố tình dịch sai do sự thiếu hiểu biết của người dịch

Kính gửi: Ông Bùi Sỹ Hoa, Tổng biên tập (TBT) báo điện từ VietNamNet
Thưa ông TBT,
Trong mục Quốc Tế của http://vietnamnet.vn, ngày 23/08/2011, vào lúc 07:00:00 AM (GMT+7), quý báo có phổ biến bài viết Phận Những Nô Lệ Tình Dục Trên Chùa Ấn Độcủa Sầm Hoa.
Truy cứu lịch sử cũng như phương thức hành đạo của các giáo hội Phật giáo trên toàn thế giới, dù ngay tại Ấn Độ, chưa bao giờ Phật Giáo có việc tuyển chọn các cô gái trinh để huấn luyện phong cho danh hiệu “Thánh Nữ” như là một biểu tượng để thờ phượng Thần Linh.
Rõ ràng bài viết nói về một tục lệ quái gở không liên hệ gì tới Phật Giáo, hiện có ở Ấn Độ và còn tồn tại ở một vài quốc gia khác, nhưng Sầm Hoa hoặc trình độ Việt Ngữ quá kém hoặc cố tình dịch sai một số danh từ như: chùa, cao tăng, nhà sư để nhập nhằng bôi lọ, đánh phá Phật giáo, mà BBT đã không kiểm duyệt kỹ lưỡng trước khi xuất bản.
Theo Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân - Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM xuất bản năm 2006,
- chùa (dt): Nơi dựng lên để thờ Phật.
- nhà sư (dt): Người tu hành theo đạo Phật
- cao tăng (dt - Hán: tăng: sư): Vị sư tu hành lâu năm và giữ được đạo đức cao quý.
Như vậy, các từ ngữ trên đều là các từ nói về các cơ sở thờ tự và các tu sỹ của Phật giáo.
Trong tiếng Anh chỉ có từ temple, thỉnh thoảng có dùng từ pagoda để chuyển ngữ các từ: chùa, đình, đền, am, miếu. Với từ nhà tu hành của các tôn giáo, tiếng Anh có các từ: monk, nun, priest, clergyman v.v.
Thông thường, trong các bản tin liên quan đến tôn giáo của các báo có uy tín trên thế giới: AP, AFP, Reuters, BBC v.v, để tránh sự hiểu nhầm của bạn đọc, họ thường thêm tính từ vào các danh từ mang tính tôn giáo để chỉ rõ đối tượng hay vấn đề mà họ đang đề cập thuộc tôn giáo nào, chẳng hạn như: Buddhist temple, Buddhist monk/nun, Hindu temple, Hindu clegyman v.v.
Sự phiên dịch sai, sự mạo hóa từ nguồn tin Huanqiu của Sầm Hoa đã tổn thương nghiêm trọng tới Phật giáo và gây phẫn nộ trong hàng Tăng ni, Phật tử khắp nơi.
Vì uy tín của quý báo, vì lương tâm chức nghiệp, đề nghị ông TBT cho hiệu đính lại một số danh từ đã cố tình dịch sai do sự thiếu hiểu biết của người dịch (như dưới đây) trong bài ““Phận Những Nô Lệ Tình Dục Trên Chùa Ấn Độ”, đồng thời cáo lỗi cùng độc giả trên toàn thế giới.
1) Chữ chùa phải hiệu đính là đền thờ Ấn Độ hoặc đền thờ Ấn Giáo.
2) Chữ cao tăng phải sửa là các trưởng lão Bà La Môn
3) Chữ nhà sư phải đổi ra là nhà tu hành/giáo sĩ hoặc nhà tu hành/giáo sĩ Bà La Môn giáo
Kính gửi ông TBT lời chào trân trọng,
Đại đức Thích Minh Trí

Trụ trì chùa Phúc Lâm, TP. Biên Hòa
Phận những nô lệ tình dục trên chùa Ấn Độ
Cập nhật lúc 23/08/2011 07:00:00 AM (GMT+7)
Khi đến tuổi cập kê, con gái của những gia đình địa vị thấp ở Ấn Độ đều phải lên chùa để làm "Thánh nữ" nhưng thực tế là trở thành nô lệ tình dục của những cao tăng và các trưởng lão Bà la môn.
Những bé gái xuất thân trong gia đình có địa vị thấp trong xã hội ở Ấn Độ đều không thể thoát khỏi những cuộc hôn nhân theo truyền thống khi mới 10 tuổi đó là  trở thành "lễ vật" trong lễ cầu nguyện cho cả dân làng và được hứa hẹn gả cho "thần thánh" địa phương. Khi trở thành thiếu nữ, họ sẽ chính thức làm lễ kết hôn trên chùa, sau đó sẽ phải trải qua đêm tân hôn với các cao tăng, trưởng lão tại đây.
Bình thường các "Thánh nữ" vẫn sống chung cùng gia đình, trước khi trở nên già cỗi, họ phải phục vụ trên chùa suốt những năm tháng thanh xuân của mình. Sau đó, giống như những kỹ nữ ở nhà thổ châu Âu, trước khi chuẩn bị "về hưu", họ lại lên kế hoạch cho một thế hệ "Thánh nữ" tiếp theo.

Tại Ấn Độ, "Thánh nữ" không uy nghiêm như tên gọi của nó, ai cũng biết rõ rằng những cô gái có địa vị cao như vậy có vai trò thực sự như thế nào. Chức danh "Thánh nữ Ấn Độ" không phải chỉ Nữ hoàng cũng không phải nữ minh tinh mà ngược lại đó lại là những cô gái có số phận bi thảm nhất trong xã hội.
Theo truyền thống, "Thánh nữ Ấn Độ" đều là con nhà  nghèo. Khi các cô gái mới bước vào tuổi thanh xuân căng tràn sức sống, họ đã bị bán lên chùa để trở thành vật hiến tế cho thần linh, cả tuổi xuân phải sống trên chùa để làm nô lệ tình dục và không có cuộc sống hôn nhân bình thường như những người khác.

Tổ chức từ thiện Christian Aid
phát hiện mặc dù nghi lễ biến trẻ em thành "Thánh nữ" để lên chùa phục vụ các nhà sư đã bị cấm từ năm 1986 tại Ấn Độ nhưng khi tiến hành kiểm tra 42.000 "Thánh nữ" ở khu vực Andhra Dees, có tới 40% cô gái bị HIV dương tính.

Phong tục tập quán cổ hủ thâm căn cố đế tại Ấn Độ đã hủy hoại sức khỏe của những thiếu nữ bất hạnh cũng như khiến virus HIV lây nhiễm trong cộng động với tốc độ nhanh hơn.


Rõ ràng, những "Thánh nữ" bị biến tướng vai trò đều là những người ở dưới đáy xã hội, không ai thèm đếm xỉa và quan tâm. Ngoài làm công cụ tình dục cho các thầy tu, họ còn là "trạm lưu thông hoạt động" của virus HIV.


Hiện nay, tại Ấn Độ đã có hơn 5 triệu người bị lây nhiễm HIV, nếu như không có biện pháp khống chế hiệu quả, thì cứ 10 năm, sẽ có thêm 3 triệu người bị nhiễm loại virus gây ra căn bệnh thế kỷ AIDS này.


Mặc dù biết tử thần đang đứng trước mặt nhưng hủ tục "Thánh nữ" của người dân Ấn Độ vẫn không thay đổi. Để có được miếng cơm no bụng, những "Thánh nữ" vẫn chấp nhận đi lên
chùa, hy sinh tuổi thanh xuân cho "thần thánh" và xà mình vào vòng tay của những thầy tu háo sắc. Cách gọi "Thánh nữ" dường như chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài, hằng ngày họ vẫn sống chung với gia đình, chỉ khi nào nhà chùa cần thì họ mới phải báo đáp vô điều kiện.

Ngoài việc mua vui miễn phí cho các thầy tu, hầu như các "Thánh nữ" không phải làm gì khác. Khi còn trẻ, họ luôn được các thầy tu sùng ái nhưng khi hết thời, họ chỉ như những cây mía bị ép hết nước. Khi đó, các thầy tu sẽ nói rằng nhiệm vụ của họ đã hoàn thành và họ không còn là "Thánh nữ" nữa.


Hầu hết những "Thánh nữ già" lưu lại ở
chùa phải sống những tháng ngày còn lại trong đau khổ, họ trở thành quân sư bất đắc dĩ cho những lớp "Thánh nữ" mới. Thực tế, cho dù là Thánh nữ mới hay cũ thì những cô gái này đều không thoát khỏi số mệnh bi đát luân hồi.

Sầm Hoa
(Theo Huanqiu)

1 nhận xét:

  1. Có lẽ tệ nạn này xuất phát từ các nơi thờ phụng theo truyền thống Bà La Môn. Có thể có một số ít chùa đã biến tướng khi một số giáo sĩ trụ trì theo hệ phái Mật tông. Hệ phái này cũng có một số xem tính dục là phương tiện để đạt đến cảnh giới cực lạc. Số này thật sự không có liên hệ gì với Phật giáo chính thống hay Phật giáo Mật tông dòng Gelug (Dalai Lama). Biến tướng theo hình thức cúng sao giải hạn, đồng cô cốt cậu mang danh nhà phật thì Việt Nam cũng có đầy. Cái khó là sự việc tiêu cực như vậy nhưng không thể giải quyết cho rốt ráo được. Đụng vào thì họ lại kêu gào hạn chế tự do tín ngưỡng! 84 ngàn pháp môn mà, chánh pháp chỉ có ít thôi chứ đâu lắm vậy. Xem ra Phật giáo về tổ chức còn chưa quy cũ và chặt chẽ như công giáo. Bên này nếu làm bậy thì giáo xứ dẹp ngay có đâu đánh bạc hay treo cả thịt lợn gần trước cửa chùa! Sư sãi thì xài Iphone, xe sang thì có mà tu hú!

    Trả lờiXóa