Bốn pháp tế độ phát xuất từ cụm từ saṅgāha vattha nghĩa là sự thu phục, nhiếp hóa, cảm hóa, tế độ. Đây
là 4 pháp, 4 nguyên tắc sống mà tiền thân chư Phật, tức chư Bồ-tát
thường áp dụng để nhiếp hóa, cảm hóa chúng sanh, hướng dẫn chúng sanh
trên con đường phước thiện, đạo đức. Bốn
pháp này liên hệ hữu cơ, gắn bó thiết cốt với nhau, như một cái bàn có
bốn chân, thiếu một thì cái bàn sẽ khập khiễng. Cũng vậy, bốn pháp tế độ
mà thiếu một thì sự cảm hóa chúng sanh sẽ giảm hẳn hiệu năng.
Vậy 4 pháp ấy là gì?
I. Dānaṃ (bố thí)
Dāna nghĩa là
cho đi, cho đi cùng khắp, cho đi với tâm ban rải rộng lớn, bao la, cùng
khắp không có ngần mé. Như vậy, bên sau sự bố thí ấy phải có tấm lòng
quảng đại, xả ly vô lượng.
- Dāna là
pháp đứng đầu trong thập độ ba-la-mật (bố thí, trì giới, xuất gia, trí
tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, từ và xả).
- Dāna là pháp đứng đầu trên bước đường tu tập của Phật tử tại gia (bố thí, trí giới, tham thiền).
-Dāna là một trong năm pháp cần và đủ để mở cánh cửa phước báu trời, người (tín, giới, văn, thí, tuệ)
Như
vậy, Dāna là hành trang, là tư lương cần thiết như cơm ăn, nước uống cho
chúng sanh trong mọi cuộc lên đường đến cõi miền hạnh phúc, an vui. Đức
Phật Chánh Đẳng Giác, Phật Độc Giác, Phât Thinh Văn Giác trong vô lượng
kiếp ai ai cũng phải có trang bị lương thực, thực phẩm dāna ấy.
Có 3 cấp độ, trình độ bố thí như sau:
- Dānapāramī (bố thí ba-la-mật)
Là bố thí bậc
hạ. Đây là loại bố thí thuộc vật chất như tiền bạc, xe cộ, nhà cửa,
ruộng vườn, thức ăn, đồ mặc, thuốc men, tiền bạc, ngọc ngà, châu báu...
Bố thí những gì thuộc vật ngoại thân khác như ngai vàng, quốc độ, quyến
thuộc, vợ con... cũng thuộc loại dāna pāramī bậc hạ này.
- Dāna upapāramī (bố thí thượng ba-la-mật)
Tức là bố thí
bậc trung. Đây là loại bố thí thuộc vật nội thân, là một phần nào đó
của thân thể như tay, chân, tai, mắt... (có người cho 1 lá lách, 1 quả
thận... mà không chết, thuộc loại bố thí này).
- Dāna paramatthapāramī (Bố thí thắng ba-la-mật)
Là bố thí bậc
thượng, tối thắng, loại cao cả nhất. Đây là loại bố thí xả thân, hy
sinh cả sanh mạng, tánh mạng cho chúng sanh khác (Nếu bố thí tim, gan...
mà sau khi bố thí, người ấy chết, cũng thuộc loại thắng ba-la-mật này).
Dāna với
nghĩa rộng rãi và đầy đủ thì có ba cấp độ như vậy; nhưng khi chúng ta
sống tương giao trong nhiều môi trường, hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta
phải nắm chắc, nắm vững tinh thần dāna ấy, để áp dụng, để ứng xử, để
sống cho thích hợp, có giá trị cụ thể và thiết thực hơn.
Ba cấp độ bố thí ấy là tiêu chí căn bản, tuy nhiên, trong Tăng chi bộ kinh, ta còn bắt gặp cách phân chia các loại bố thí khác:
Bố thí tài vật và bố thí pháp.
- Āmisadāna:
Tức là bố thí tiền bạc, của cải, tài sản... nói rộng ra là vật thực, y
phục, thuốc men, chỗ ngủ nghỉ cho Tăng kể cả việc đúc chuông, chú tượng,
xây dựng liêu thất, tịnh xá, trường Phật học, chùa cảnh, bảo tháp...
các công tác từ thiện xã hội.
Do bố thí tài
vật có công năng nhiếp hóa người nên còn gọi nhiếp hóa bằng tài vật
(āmisasaṅgāha), tức là nhiếp phục, thu phục, tiếp độ người khác bằng của
cải, tài sản. Cụ thể là làm các công tác từ thiên xã hội, cứu giúp,
tương tế... những người đói khổ, tật bệnh, tai ươn, hoạn nạn... Chính
nhờ tấm lòng rộng rãi, bao dung, bi mẫn, xả ly... này mà thu phục, nhiếp
phục, cảm hóa được chúng sanh.
- Dhammadāna:
Tức là bố thí Pháp, nó rất rộng nghĩa, như thuyết pháp, nói đạo, dạy
thiền, dạy giáo pháp, tặng kinh sách, in ấn kinh sách; chỉ dạy, khuyến
khích người khác tu tập, hành đạo...
Bố thí pháp
lại có công năng nhiếp hóa người khác nên còn được gọi là nhiếp hóa
chúng sanh bởi pháp “dhammasaṅgāha”, tức là nhiếp phục, thu phục, tiếp
độ chúng sanh bằng pháp. Pháp ở đây có nhiều cấp độ, nhiều
tầng ý nghĩa, nhiều hình thức thể hiện. Lời nói chân thật, hiền hòa,
mềm mỏng... làm người khác hoan hỷ nghe theo. Đôi khi là an ủi, khuyến
khích hoặc hỗ trợ tinh thần khi người khác gặp hoàn cảnh khó khăn, đau
khổ, bất hạnh. Cao hơn tất cả là nói pháp, giảng pháp - tùy thuộc căn
cơ, trình độ giúp người khác tu tập để tiến hóa, bớt khổ, thêm vui. Đôi
khi có người không nói gì cả, họ chỉ sống - sống đạo, sống thiền - giản
dị, hiền hòa, tươi vui, mát mẻ. Và chỉ nhờ năng lượng sống ấy mà cảm
hóa, nhiếp phục được người khác, gọi là thân giáo. Tất cả đấy đều được
gọi là nhiếp phục bởi pháp.
Đôi nơi còn
thêm vô úy thí, là bố thí không sợ hãi, dùng lời nói an ủi, khuyên lơn
trấn an người khác vượt qua mọi nỗi lo lắng, sợ hãi, bất an, xao
xuyến... trước nghịch cảnh, trước tai ươn, hoạn nạn, thống khổ, tuyệt
vọng... Tuy nhiên, nếu là vậy thì chúng thuộc phạm trù của bố thí pháp.
Cá nhân thí và tập thể thí.
-
Pāṭipuggalikadāna: Cá nhân thí. Tức là bố thí, cúng dường đến cho một vị
mà mình đã lựa chọn. Do có cảm tình riêng hoặc có quan hệ huyết thống,
dòng dõi hay quê quán...
- Saṅghadāna:
Tăng thí hay tập thể, đoàn thể thí. Đây là sự bố thí, cúng dường đến
hội chúng Tăng-già, không phân biệt người này người kia, thường là 4 vị
tỳ-khưu trở lên. Đôi khi chỉ một vị, nhưng vị ấy do Tăng chỉ định cũng
được gọi là Tăng thí (bố thí đến Tăng).
Từ căn bản ấy, chúng ta có thể rút ra để áp dụng dāna trong đời sống của tu sĩ và cư sĩ:
Dāna trong tu viện, tự viện (với tu sĩ)
Là tu sĩ, là
sa-môn sống đời tri túc với lý tưởng giác ngộ, giải thoát, thì ngoài vật
dụng thiết yếu cá nhân, hàng xuất gia không nên tư hữu, sở hữu, tích
chứa của cải, tài sản. Có vật gì dư, thừa nên san sẻ đến huynh đệ, giới
tử, những người thiếu thốn hơn mình. Ngoài ra, những nghĩa cử, thái độ
và một số việc làm sau đây đều gọi là bố thí:
- An ủi bạn đạo, huynh đệ đồng tu khi họ gặp chuyện buồn, oan ức, nghịch lòng...
- Khuyên lơn, sách tấn khi có người thối chí, ngã lòng, thủ phận, cầu an, tiêu cực...
- San sẻ kiến thức, hiểu biết của mình đến bạn đạo, giới tử về nội điển, ngoại điển.
- Dùng sức
lực, mồ hôi, thời gian... của mình để phục vụ, lao tác hoặc giúp đỡ bạn
đạo trong việc bửa củi, gánh nước, tưới cây, quét dọn, chăm sóc vườn
cảnh, bếp núc, giặt giũ, hương đăng...
Dāna trong thôn xóm, phường xã (với cư sĩ ).
Tài sản, của
cải tiền bạc do làm ăn chơn chánh, hợp pháp, tức là chánh mạng, thường
được đức Thế Tôn khen ngợi. Ngài cũng dạy rằng, tiền bạc mà người cư sĩ
có được nên chia làm năm phần:
* Một phần chính, quan trọng là để đầu tư tái sản xuất hoặc để dành vốn liếng tiếp tục công việc làm ăn.
* Một phần dùng vào chi phí ăn ở, sinh hoạt gia đình, lo cho cha mẹ, con cái học hành...
* Một phần là để dành vĩnh viễn, chi dùng khi cơ nhỡ, bất trắc, rủi ro...
* Một phần để dùng khi tai nạn, ốm đau, giúp đỡ bạn bè, bà con quyến thuộc, bên nội cũng như bên ngoại.
* Một phần để
đầu tư “thiện nghiệp” cho mai hậu, kinh gọi là “chôn của để dành” bằng
cách cúng dường đến Tam Bảo, làm những công đức từ thiện xã hội.
Như vậy là
người cư sĩ chỉ cần sử dụng một khoản nhỏ để bố thí, cúng dường; sẽ
không ảnh hưởng đến sinh hoạt kinh tế và đời sống ổn định của gia đình.
Có nhiều trường hợp bố thí nhiều hoặc bố thí hết bạc vàng, của cải, tài
sản... khi tâm bố thí đã khắng khít với ba-la-mật, với hạnh nguyện của
mình, là trường hợp ngoại lệ, đặc biệt.
Dāna trong Tứ
nhiếp pháp là bố thí, san sẻ, chia sớt tiền bạc, của cải của mình với
cộng đồng hoặc tập thể mà mình đang sống; cốt ý là mở rộng lòng mình,
nhiếp phục người, cảm hóa người đi theo con đường thiện lương, chơn
chánh. Đặc biệt đối với kẻ đói nghèo, cô quả, tật nguyền... ta phải biết
quan tâm giúp đỡ, an ủi họ nhiều hơn. Một chiếc áo, một cái chăn đắp,
một lon gạo... nếu được đem cho bằng cả tấm lòng của mình nó sẽ có giá
trị tinh thần vô cùng to lớn.
Ngoài ra,
việc làm cầu, làm đường, bệnh xá, trường học, nhà nghỉ mát, công viên,
giếng nước, vệ sinh công cộng...; người Phật tử phải nhiệt tình tham
gia, đóng góp bằng công sức hay tiền bạc một cách tích cực. Việc sách
tấn, khuyên lơn, dùng thời gian, mồ hôi của mình để phục vụ cho tập thể,
cho cộng đồng... đều thuộc về bố thí nhiếp cả.
“ Tấm lòng quảng đại, cho đi!
Cho đi tất cả, vô vi cõi về
Trên tay một hạt bồ-đề
Gieo ươm bến vọng, bờ mê nhân hoàn!”
II. Piyavajjam (ái ngữ)
Dường như ai
cũng hiểu rằng, ái ngữ là lời nói hiền hòa, từ ái, mềm mỏng, nhu thuận,
dịu dàng. Nội dung của định nghĩa ấy là đúng, tuy nhiên, ta phải hiểu là
có hai loại ái ngữ sau đây:
1. Ái ngữ của người đời
Một số người
trên thế gian họ sử dụng ái ngữ để lấy lòng người, mua chuộc người hoặc
muốn cám dỗ, thu phục người khác bởi nhiều lý do, mục đích, mưu đồ khác
nhau.
- Những người
đọc sách "đắc nhân tâm", họ tìm cách sống sao, hình thức giao tiếp, ăn
nói thế nào cho được lòng người khác. Chúng ta cần lưu ý, người đọc
sách "đắc nhân tâm", khi sử dụng thuật "đắc nhân tâm" một cách máy móc,
thiếu cái tâm chơn chánh dễ trở thành người đạo đức giả.
- Những con
buôn, các nhà kinh doanh lúc giao tiếp, tiếp thị... họ cũng sử dụng ái
ngữ, dùng thuật ái ngữ rất có trường lớp, bài bản. Mục đích của họ là
bán được hàng, là kiếm tiền!
- Các nhà
truyền giáo như linh mục, mục sư; bác sĩ mở phòng mạch tư, nhà giáo mở
trường lớp riêng...; nếu không sử dụng ái ngữmột cách khôn ngoan, khôn
khéo, thì sẽ không có ai theo, sẽ không có lợi nhuận.
- Nếu là tu
sĩ mà mình cố ý ăn nói dịu dàng, ngọt ngào, dễ mến... nhằm thu hút,
chinh phục người khác với mưu đồ cá nhân hoặc tham vọng nào đó - đều
thuộc dạng ái ngữ của thế gian.
Còn nữa. Còn
rất nhiều hình thức ái ngữ ở thế gian, người ta sử dụng chúng với mục
đích chính trị, kinh tế, thương mãi, truyền giáo... trong đó có ẩn giấu
mưu đồ, thủ đoạn, bóng tối... đều không phải là ái ngữ chơn chánh của
nhà Phật.
2. Ái ngữ trong ái ngữ nhiếp
Chúng ta cần
thấy rõ rằng, có những lời nói văn hoa, đẹp đẽ, chải chuốt, dịu ngọt, dễ
nghe, êm ái, vừa lòng, khoan khoái... cái lỗ tai ấy chỉ là cái đẹp ở
hình thức bên ngoài. Nói rõ hơn, nó mới chỉ là cái mỹ. Người
học Phật, phải hiểu rằng, ái ngữ chơn chánh hoặc ái ngữ nhiếprất gần
với chánh ngữ. Như vậy một ái ngữ toàn bích, trọn vẹn phải chuyên chở
trong tự thân đầy đủ cả cái chân và cái thiện nữa
vậy. Nếu ái ngữ mà chỉ có mỹ, thiếu chân và thiện là sẽ trở thành hình
thức lừa mị, dối người. Là đóa hoa giấy lòe loẹt sắc màu mà không có
hương thơm.
Vậy, ái ngữ của nhà Phật phải đầy đủ:
-Chân: Lời nói ấy phải đúng sự thật, y cứ trên sự thật, từ sự thật.
-Thiện: Lời
nói phải có ý lành, tốt, phải có ý giúp đỡ người, đem đến lợi lạc, an
vui cho người, giúp họ trên con đường tiến hóa tâm linh.
-Mỹ: Lời nói phải dịu dàng, từ ái, mềm mỏng, nhu thuận...
Đến đây chắc
chúng ta đã thấy rõ nội dung bản chất của ái ngữ nhiếp, là phải gồm
đủ chân, thiện, mỹ. Có chân, thiện mà không có mỹsẽ không nhiếp phục
được người. Có mỹ, mà không có chân, thiện thì chỉ là miệng lưỡi đãi
bôi, khách sáo, đạo đức giả. Có thiện, mỹ mà không có chân là xây lâu
đài trên cát, con thuyền đi không có hướng về. Có chân, mỹ mà không
có thiện là đánh mất cái dụng cao đẹp đối với quần sanh.
Dĩ nhiên,
muốn được cái ái ngữ toàn bích ấy, người Phật tử phải biết vĩnh viễn từ
bỏ lời nói dối, nói hai lưỡi, nói ác độc, hung dữ, tục tĩu, thô lỗ...
Trong đời
sống tập thể, cộng đồng, người tu sĩ hay cư sĩ nếu biết áp dụng ái ngữ
nhiếp như chân, như thực kể trên... sẽ thành công trên con đường nhiếp
hóa chúng sanh, lợi lạc cho nhân quần, xã hội.
“ Nói lời chân thật dễ đâu
Lại thêm thiện, mỹ bắc cầu nhân sinh
Đóa hoa thơm ngát hữu tình
Từ hòa, ái ngữ câu kinh miệng vàng!”
III. Atthacariyā (lợi hành)
Nghĩa là làm
việc gì mà hai bên cùng có lợi. Cùng có lợi, là đừng vì lợi mình mà hại
người, đừng vì lợi người mà hại mình; phải là mình và người cùng lợi
lạc.
Đối với tu
sĩ, chữ lợi này thuần túy là cái lợi thuộc tinh thần. Cái lợi về tinh
thần này trong đời sống tương giao, ứng xử được biểu hiện qua thân,
khẩu, ý. Nói cách khác, “là hành động của thân, khẩu, ý phải hướng
đến những gì không có tội, không có tội nghĩa là không có hại, không có
hại nghĩa là có lạc báo. Có lạc báo nghĩa là hành động gì không đưa đến
hại mình, hại người, hại cả hai”. Lợi và hại ở đoạn kinh trên do tôn giả
Ānanda thuyết lại, chính là lợi, hại thuộc tinh thần.
Vậy thì ta phải hiểu rằng:
- Hành động
nào đưa đến giảm trừ, muội lược, thối giảm... hoặc ngăn chặn, làm yên
lặng được tham, sân, si của mình và người thì được gọi là có lợi.
- Hành động
nào đưa đến tăng trưởng, trưởng dưỡng, phát sanh, nẩy mầm, thêm tham sân
si hoặc thói hư, tật xấu cho mình và người thì được gọi là có hại.
Chính nhờ hiểu biết đúng đắn lợi hành nhiếp này, giới tu sĩ trong cộng đồng mà họ đang sống, đều được thăng hoa và tiến bộ.
Đối với cư sĩ
tại gia, lợi hành không những mang ý nghĩa tinh thần mà còn cả ý nghĩa
vật chất nữa. Tuy nhiên, nếu quá thiên trọng vềnghĩa vật chất mà bỏ quên
hoặc xem nhẹ nghĩa tinh thần, thì chữ lợi hành ấy đã đánh mất nội dung
cao quý và thiêng liêng của nó. Biết bao nhiêu chữ lợi mang nghĩa vật
chất này đã chi phối cả hằng trăm, hằng ngàn các tổ chức từ thiện xã hội
trong và ngoài Phật giáo. Có một số nơi, một số tu sĩ và cư sĩ, người
ta còn lấy nghĩa lợi hành vật chất ấy làm lý tưởng hoặc mục đích tu
tập cho đời mình. Họ thủ trước, chấptrước phương tiện, lại còn
tưởng phương tiện ấy là cứu cánh. Mạt pháp là vậy. Mạt pháp chính là
thời đại người con Phật lập tâm tu hành mà chỉ y cứ nơi cành, nhánh,
ngọn...(Mạt nghĩa là cái ngọn); và họ không còn biết cái gốc, cái mục
đích giác ngộ, giải thoát là đâu nữa.
Khi mà
nghĩa lợi hành chỉ còn nằm nơi vật chất, tiền tài, áo cơm. Khi mà lợi và
hại đã mất hẳn giá trị thiêng liêng thì khả tính uyênnguyên của giáo
pháp sẽ không còn nữa.
Người cư sĩ
Phật tử sống giữa tập thể, cộng đồng xã hội; nếu muốn cảm hóa người,
nhiếp phục người một cách chơn chánh thì phải hiểu toàn diện hai mặt của
lợi hành như thế. Đồng thời phải biết bên nào nặng bên nào nhẹ để xử sự
cho đúng đắn. Nếu không, coi chừng sẽ bị rơi đọa vào các tổ chức mua
danh, bán lợi giữa cuộc đời – đúng như câu Kinh Lời Vàng số 209:
“Ayoge yuñjamattānaṃ
yogasmiñ ca ayojayaṃ,
atthaṃ hitvā piyaggāhī
pihetattānuyoginaṃ”.
“Chánh chơn thì lại bỏ bên
Chăm chuyên những việc chẳng nên chút nào!
Xa mục đích, dục tuôn trào
Chạy theo những việc tào lao giữa đời
Lại còn dè bỉu, ỉ ôi
Tỵ ganh những bậc chẳng rời hướng tu!”
IV. Samānattatā (đồng sự)
Tức là bình
đẳng với nhau, với mọi người trong công việc, trong vui khổ, hoạn nạn,
ngọt bùi, ăn ở, phương tiện, nhu cầu...Samānattatā nghĩa là giống nhau,
bằng nhau, như nhau; không tư vị, thiên vị ai trong đời sống của mọi
người giữa cộng đồng.
Trong tu
viện, tự viện, thiền viện những vị xuất gia đều phải cùng làm, cùng ăn,
cùng ở, cùng tu tập, phải bằng nhau, không ai được quyền ưu tiên hơn ai.
Không có trường hợp thương người này để giao công việc nhẹ, ghét người
kia nên giao công việc nặng. Các tiện nghi, ăn ở, sinh hoạt khác cũng y
như thế. Tuy nhiên, ở nhà chùa, tinh thần đồng sự nhiếp còn mang ý nghĩa
cao quý hơn. Không những mỗi người làm việc theo khả năng và sức khoẻ
của mình mà còn người này giúp đỡ người kia, làm việc hộ cho người kia
một cách tự nguyện và hoan hỷ nữa.
Với tinh
thần đồng sự cao cả ấy, người ta không cho phép vị trụ trì, sư cả hoặc
những vị sư cao hạ ngồi chỉ tay năm ngón, sống đời biếng nhác, hưởng
thụ, bắt đàn em, sai bảo đệ tử hoặc Phật tử hầu hạ, cung phụng mình. Tùy
theo giới luật, tuổi tác, hạ lạp, sức khỏe, ai có công việc nấy. Đôi
khi người trên trước, các bậc trưởng thượng, đàn anh, còn phải làm việc
nhiều hơn vì tấm lòng, vì tình thương, vì hạnh nguyện, vì để sách tấn
hoặc làm gương cho đàn em và đệ tử noi theo.
Trong cộng
đồng, tập thể, ngoài xã hội, người cư sĩ phải nắm rõ nội dung đồng sự
nhiếp ấy để xử sự cho linh động và đúng đắn, vì lợi ích thật sự cho mình
trên con đường tự giác; lại còn cảm hóa, nhiếp phục được người khác
trên con đường giác tha nữa vậy. Các tổ chức thanh niên phụng sự xã hội,
gia đình Phật tử, hướng đạo sinh, các đơn vị quân đội... thường mang ra
áp dụng chỉ một phần nào đó của đồng sự nhiếp này; và họ đã thâu hái
được một vài thành quả nhất định, đạt lợi ích cao nhất, là những bằng
chứng hiển nhiên vậy.
“ Cùng nhau chung ý, chung lòng
Chung công, chung việc, chung đồng khổ vui
Ở ăn chia sẻ ngọt bùi
Bằng nhau, bình đẳng người người hòa an!”
Kết luận
Trọn đủ cả 4
pháp, đầy đủ cả tứ nhiếp sẽ trở thành một đóa hoa toàn mãn sắc hương,
thành dòng suối ngọt trong lành để phụng hiến cho trần gian cỗi cằn, vô
cảm, trơ lì, khô khát và đang quá nhiều khổ nạn nầy. Nó chính là trái
tim hành động của tiền thân Bồ-tát luôn luôn được soi chiếu bởi mặt trời
tuệ giác. Do vậy, trái tim ấy vừa giàu lòng bi mẫn, biết xót thương
đồng loại, vừa không dung chứa bóng tối của vô minh và ái dục.
Các tập thể
tăng sĩ, những tập thể cư sĩ, nếu biết áp dụng bốn nguyên tắc sống này
thì quả là một phúc lành cho xã hội, con người muôn nơi, muôn thuở. Đúng
như mấy câu thơ:
"- Sống đời tứ nhiếp là vui
Tự mình lợi lạc, người người lợi theo
Xót thương xấu ác, đói nghèo
Chiếc thuyền mật độ nhổ neo sang bờ".
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Rat hay
Trả lờiXóa