Bài kinh Kosambiya được
tìm thấy trong Majjhima-nikāya
(Trung bộ kinh), là
bài pháp đức Phật giảng nói về Lục hòa.
Chuyện kể rằng, ở tịnh xá Ghosita xứ
Kosambi có hai nhóm tỳ-khưu sống bất hòa với nhau. Họ sống "cạnh
tranh, luận tranh, đấu tranh nhau,
đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi. Họ không tự cảm thông nhau, không chấp
nhận thông cảm. Họ không hòa giải, không chấp nhân hòa giải".
Khởi tâm bi mẫn,
đức Phật cho gọi hai nhóm tỳ-khưu lại, ngài nói rõ nguyên nhân bất hòa ấy là do
các vị tỳ-khưu đã thiếu sự tu tập, đã
không an trú từ thân hành, đã không an trú từ khẩu hành, đã
không an trú từ ý hành nên phải chịu bất hạnh và đau khổ dài lâu.
Sau đó, đức Phật đưa ra sáu nguyên tắc sống để tạo thành
tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến vô tranh luận, hòa
hợp, nhất trí.
Sáu nguyên tắc sống ấy là như sau:
1. Từ thân hành (mettaṃ kāyakammaṃ)
Từ thân hành là hành động
từ ái của thân. Nhờ mettā của
thân mà có thân hòa. Khi thân được nuôi dưỡng, tẩm mát trong dòng suối trong
lành của từ tâm thì thân ấy sẽ
sống hòa với tất cả chúng sanh, muôn loài, thiên nhiên, cây cỏ.
Từ thân hành có công năng loại trừ những hành động tội lỗi, xấu ác của
thân như sát sanh, trộm cắp, tà hạnh; đồng thời cũng khắc chế, ngăn chặn hiệu
quả mọi hành động thô trược, thô tháo khác của thân như tay đấm, chân đá, sử
dụng đao gậy đối với huynh đệ đồng tu, đồng loại cũng như đối với các loài hữu
tình khác.
Từ thân hành ở trong tập thể Tăng chúng lại còn đặc biệt quan trọng khác nữa là tạo
sự bình đẳng giữa mọi giai cấp, thành phần trong xã hội. Khi vào sống trong giáo
hội thanh tịnh của đức Mâu Ni, các vị tỳ-khưu huynh đệ đã tình nguyện từ bỏ thân
tôi là lá ngọc cành vàng, thân anh là quí tộc, giàu sang vương giả; thân thầy
là bà-la-môn thượng đẳng tinh khiết; thân bạn là vai u thịt bắp, thân kia là nô
lệ, cùng đinh, hạ liệt... Tất cả thân-thế-gian
quy ước ấy đều được hòa tan, hòa hợp ở
trong biển pháp từ thân hành cả
thảy.
Do nhờ từ thân hành, nghĩa là thân hòa mà các vị tỳ-khưu từ bỏ kiếm, cung, đao,
gậy; thu thúc thân trong giới luật của bậc Thánh. Không những các vị lìa xa
thân ác giới, thân ác hạnh mà những cử chỉ đi, đứng, nằm, ngồi đều khoan thai,
chừng mực; toát ra sự dịu dàng, hòa ái, từ tốn, cẩn trọng. Họ còn không để cho
cái thân ấy ăn quá no, ngủ quá nhiều, mặc quá ấm; trang điểm cho cái thân ấy
quá cao sang, xa xỉ... mà phải điều tiết, chừng mực, kiểm thúc, chế ngự, huấn
luyện nó; tạo nên một đời sống tri túc, quân bình tuyệt hảo. Khi cái thân ấy
được điều độ như vậy thì thân ấy có đầy đủ sức khoẻ. Rồi dùng cái thân có đầy
đủ sức khỏe đó để tu tập thiền định, thiền quán; để giúp đỡ các bạn đồng tu, để
xách nước, tưới cây, quét sân; lau chùi chánh điện, bảo tháp, cốc liêu... Rồi
còn sử dụng cái thân ấy để đi khất thực hoặc đi hoằng pháp hóa độ nhiều phương
vì hạnh phúc và an vui cho nhiều người.
Từ thân
hành hay thân hòa cũng là tên gọi khác của chánh nghiệp, một chi trong
Bát Chánh Đạo, thuộc nhóm 3 tiết chế tâm sở (ngữ, nghiệp, mạng) trong 25
tịnh quang tâm
sở, có mặt trong những thiện tâm Dục giới; và nhất là ở trong 8 tâm Siêu
thế
giới.
2. Từ khẩu hành (mettaṃ vācākammaṃ)
Tức là hành động từ ái của khẩu, của lời nói, của
ái ngữ. Cũng như thân hòa, khẩu mà hòa
được là do được nuôi dưỡng tẩm mát bởi mettā. Chính từ tâm phát sanh năng lực mát mẻ, từ hòa làm cho lời nói trở nên
dịu ngọt, dễ nghe, làm hoan hỷ lỗ tai của mọi người. Chính nhờ năng lực từ tâm
đã ngăn chặn những ác khẩu, ác ngữ, những lời nói cộc cằn, thô lỗ, chửi rủa,
mắng nhiếc...
Cũng chính nhờ từ khẩu hành làm cho ta không thể nói dối, nói sai sự thật, nói vu oan, vu cáo giá
họa người khác; hoặc nói lời đường mật, nói châm chích, nói dệt gấm thêu hoa,
nói nhảm nhí, vô ích, rỗng không, phù phiếm, tục tĩu, vô duyên...
Từ
khẩu hành, do vậy, đã loại trừ tất cả
mọi nguyên nhân xung đột, luận tranh, đấu tranh bằng binh khí miệng lưỡi nên
đưa đến khẩu hòa làm nền tảng cho sự hòa hợp, tương ái,
tương kính, không những trong cộng đồng Tăng lữ mà còn đối với tha nhân trong
đời sống ứng xử, tương giao nữa.
Từ
khẩu hành còn là tên gọi khác của chánh ngữ, một chi phần trong Bát Chánh Đạo, thuộc nhóm 3 tiết chế tâm sở (ngữ,
nghiệp, mạng) trong 25 tịnh quang tâm sở, có mặt trong những thiện tâm Dục
giới, và nhất là ở trong 8 Siêu thế giới tâm.
Muốn đạt được chánh ngữ, thì trong lúc mạn đàm, đối thoại, giao tiếp; đức Phật dạy các tỳ-khưu
trong kinh Tăng chi; là như sau:
Nên nói về đức từ bi, từ ái, vì từ bi, từ ái giúp ta có tâm hồn vị tha, rộng lượng; dễ dàng sống
đời không tham lam, không ích kỷ, không bỏn xẻn.
Nên nói về đức tri túc, để giúp ta từ bỏ nhiều tham vọng hoặc ước muốn thái quá, để sống đời
bình thản, an vui trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Nên nói về đức thanh tịnh để giúp cho tâm ta hằng khắng khít với sự tĩnh lặng, vắng lặng, trong
sạch, trong lành và tự tại.
Nên nói về đức tinh tấn để giúp ta từ bỏ tính biếng nhác, dễ duôi, phóng túng và bất nhất.
Nên nói về đức tính độc lập để giúp ta loại trừ xu hướng phe đảng, ỷ lại... hầu phát triển đức tự
tin.
Nên nói về giới hạnh vì giới hạnh có khả năng loại bỏ những thói hư tật xấu mà ta đã tập
nhiễm từ vô lượng kiếp đến nay.
Nên nói về thiền định vì thiền định có khả năng giảm trừ dục vọng, oan trái, nó giúp ta phát
triển sức mạnh tinh thần.
Nên nói về trí tuệ để giúp ta rèn luyện sự sáng suốt, phát triển khả năng thấu triệt chân
lý.
Nên nói về giải thoát, vì đó là mục đích cuối cùng của người xuất gia trên đường diệt tận vô
minh phiền não.
Nên nói về giải thoát tri kiến, tức là nói đến sự thực chứng giải thoát của đức Phật, chư Thánh
A-la-hán. Sự thực chứng đó giúp ta một ngày kia cũng có được giải thoát tri
kiến như vậy.
Nói cách khác, khi từ khẩu hành hiểu rõ sự ích dụng và lợi lạc tối thắng của mình; nó chỉ còn có sứ
mạng lên đường thuyết pháp độ sinh; nói lời chánh ngữ, đầy chân thật, đầy thiện
mỹ, đầy an lành, đầy phước báu và trí tuệ vì hạnh phúc và an vui cho nhân thế.
3. Từ ý hành (mettamṃ manokammaṃ)
Tức là hành động từ ái của ý hay tâm (theo Abhidham
thì ý, thức, tâm là đồng nghĩa) là hành động của tâm Từ. Có tâm Từ là có ý hòa đúng như kinh Kosambiya đã định nghĩa:
"... An trú từ ý hành là luôn có ý nghĩ từ ái
đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng; tạo nên sự tương ái,
tương kính, đưa đến hòa hợp, nhất trí không có tranh luận".
So sánh giữa thân và khẩu thì ý hòa quan trọng hơn cả. Có từ ý hành mới có từ thân hành và
từ khẩu hành. Có ý hòa mới có thân hòa và khẩu hòa. Ý hoặc tâm rất quan trọng; làm tốt, làm xấu, làm công, làm tội gì
cũng là do nó cả (công vi thủ, tội vi khôi).
"... Bất luận
thiện pháp nào, bất luận gì liên quan đến hay thuộc về thiện pháp, tất
cả đều xuất phát từ tâm. Bất luận bất thiện pháp nào, bất luận gì liên
quan đến hay
thuộc về bất thiện pháp, tất cả đều phát xuất từ tâm".
Tất cả lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành động phát lộ
ra bên ngoài đều do tâm ý bên trong thúc động, chi phối. Nếu tâm hòa thì thân,
khẩu hòa. Nếu tâm bất hòa thì thân, khẩu bất hòa.
Nếu muốn thuận hòa, hòa hợp với nhau như nước với
sữa, mỗi người phải biết từ bỏ bản ngã, thói quen, tình cảm, quan niệm, cá tính
riêng tư của mình lúc sống với nhau. Nói cách khác, phải biết từ bỏ tâm
của mình để sống theo tâm của người khác,
như đoạn kinh Rừng Sừng Bò sau
đây:
"- Bạch Thế
Tôn! Chúng con suy nghĩ như sau: Ta hãy từ bỏ tâm của ta và sống theo tâm của
tôn giả này. Và con đã từ bỏ tâm của con để sống theo tâm của tôn giả ấy. Chúng
con tuy khác thân nhưng giống như đồng một tâm. Nhờ vậy, chúng con sống hòa hợp
với nhau như nước với sữa, sống nhìn nhau với con mắt thiện cảm". (Trung Bộ kinh I)
Nói từ bỏ tâm của mình hay từ bỏ bản ngã của mình
giữa tập thể Tăng lữ tưởng đâu là quá lý tưởng, chỉ có các bậc Thánh nhân mới
sống với nhau như vậy được. Không phải thế đâu. Nếu ta đem áp dụng "lý
thuyết" ấy trong đời sống tương giao, ứng xử, trong cộng đồng tu viện,
thiền viện, thì mỗi người cần có chút thương yêu, thông cảm nhau, biết chu toàn
bổn phận và trách nhiệm của mình, có tinh thần tự giác, tự trọng, thì sẽ đưa
đến sự hòa hợp tuyệt vời. Như đoạn kinh giản dị và cụ thể ở trong kinh Rừng Sừng Bò:
"- Ở đây, bạch
Thế Tôn! Chúng con, ai đi làng khất thực về trước thì người ấy đặt các chỗ
ngồi, soạn sẵn nước uống, nước rửa chân, soạn sẵn một bình bát bỏ đồ dư. Ai đi
làng khất thực về sau, thì người ấy, còn đồ ăn thừa, nếu muốn thì cứ ăn; nếu
không muốn thì bỏ vào chỗ không có cỏ xanh hay đổ vào nước không có loài côn
trùng. Sau đó, người ấy xếp dọn lại các chỗ ngồi, cất đi nước uống, nước rửa
chân, cất đi cái bát bỏ đồ dư và quét sạch nhà ăn. Ai thấy ghè nước uống, ghè
nước rửa chân hay ghè nước trong nhà cầu hết nước, trống không thì người ấy sẽ
tìm cách lo liệu nước. Nếu ai làm không nổi với sức tay của mình thì dùng tay
ra hiệu gọi người thứ hai: "Chúng ta hãy cùng lo liệu nước!
Bạch đức Thế Tôn!
Chúng con làm việc không gây ra tiếng động. Và đến ngày thứ năm, bạch đức Thế
Tôn! Suốt đêm, chúng con ngồi đàm luận về giáo pháp. Chúng con sống không phóng
dật, nhiệt tâm, tinh cần."
Như vậy, một đời sống thanh cao, hiền thiện không
phải là
lý tưởng trừu tượng, xa vời... mà nó chính là đời sống lành mạnh,
trong sáng, hiền hòa, giản dị ở
đây và bây giờ. Chân lý, sự thật bao
giờ cũng là cái thiết thực hiện tại. Một đời sống chỉ cần có tu tập, có chánh niệm, tỉnh giác thì tâm
hòa có thể tựu thành ngay lập tức để
đem lại hạnh phúc, an vui cho mình, cho tập thể, cho cộng đồng xã hội vậy.
4. Lợi hòa (lābhadhammikā)
Cộng đồng Tăng lữ của đức Thế Tôn sở dĩ
sống thanh tịnh, hòa hợp với nhau như nước với sữa là do thân, khẩu, ý hòa,
đồng thời có sự đóng góp của lợi hòa nữa.
Đối với vật chất thuộc tứ sự, tức vật thực, y áo,
thuốc men, chỗ ngủ nghỉ nhận được đúng pháp, hợp pháp; các vị tỳ-khưu san sẻ
đồng đều đến các vị đồng phạm hạnh để tạo nên đời sống tương ái, tương kính; và
nhất là xóa bỏ sự bất bình đẳng về lợi dưỡng.
Như chúng ta đã biết, giáo hội của đức Tôn Sư thời
ấy gồm đủ mọi thành phần, giai cấp trong xã hội. Các vị tỳ-khưu xuất thân vua
chúa, quý tộc, tướng lãnh, trí thức đã sống hòa hợp với những tỳ-khưu xuất thân
thợ thuyền, tướng cướp, cùng đinh, nô lệ. Họ tình nguyện sống đời vô sản bần
hàn trong giáo hội độc thân văn minh, công bằng, dân chủ, giải thoát, tự do...
cao thượng nhất trong lịch sử loài người. Vì lý tưởng giác ngộ là tối hậu nên
họ không được quyền dính mắc vào tư hữu. Nói cách khác, họ không thể sống đời
nô lệ vật chất, tự trói buộc mình vào cái mà họ đã từ bỏ. Do vậy, tam y, bình
bát là tài sản duy nhất cho vị tỳ-khưu lên đường. Y dư, bát thừa là phải xả.
Sàng tọa chỉ để ngủ nghỉ qua đêm. Vật thực chỉ tạm thời nuôi mạng sống để hành
đạo. Thuốc men chỉ để phòng bệnh và chữa bệnh. Tất cả đều nhận được một cách
chánh mạng, hợp pháp và luật từ tâm tịnh tín của thập phương. Đấy là hình ảnh
đẹp, mang tính thuyết phục cao nhất, là tấm gương sáng chói nhất cho những ai
bước chân vào con đường ly dục, từ bỏ đời sống ích kỷ, tư hữu, lợi dưỡng đúng
như hình ảnh của câu thơ mang giá trị mỹ học ngàn đời:
"- Ngàn nhà,
một bát xin ăn
Sá gì cô lẻ, chiếc
thân dặm ngoài
Chỉ vì sinh tử hôm
mai
Nắng mưa, sương
tuyết độ người hữu duyên!"
Do vậy, vấn đề san sẻ manh áo, nắm cơm, liều thuốc
cho huynh đệ đồng tu không những chỉ là ý thức tự giác đơn thuần; nó còn là
nghĩa cử thiêng liêng, cao đẹp, viên mãn phạm hạnh của những vị tỳ-khưu sống
trong giáo hội của đức Tôn Sư. Như thế, lợi hòa ở đây không phải là bình quân lợi dưỡng
một cách máy móc. Khi san sẻ tứ sự để
đạt lợi hòa, người cho vừa nhận được niềm vui của hạnh thí xả vừa bảo vệ được
sự trong sạch của việc thọ dụng. Nó vắng bóng chữ lợi vật chất áo cơm thế phàm,
dung tục.
5. Giới hòa (Sīḷa sāmaññnagata)
Đóng góp cho sự hòa hợp, thanh tịnh
trong đời sống Tăng chúng còn có giới hòa nữa, vì giới luật là nền tảng của Phật
giáo (vinayo sāsana mūlaṃ) nên nó rất quan
trọng.
Giới luật, theo Phật giáo Nam Tông là Tứ
thanh tịnh giới; tuy nhiên, các tông phái Phật giáo khác, kể cả Đại thừa cũng tương
tợ nhau:
-
Biệt biệt giải thoát giới.
-
Lục căn thu thúc giới.
-
Nuôi mạng thanh tịnh giới.
-
Quán tưởng vật dụng giới.
Nếu giới luật được thọ trì nghiêm túc, đúng đắn sẽ
đưa đến một đời sống giải thoát, không bị chấp trước, được người trí tán thán.
Một đời sống có “kỷ luật cảm xúc và
kỷ luật tinh thần” chính là một đời sống quân bình tuyệt hảo, đem đến
sự hài hòa giữa nội tâm và ngoại cảnh, đem đến hạnh phúc và an vui cho mình và
cho người. Có giới, ta sẽ biết tri túc về ăn ở, biết tôn trọng và thương yêu
huynh đệ đồng tu, thương yêu mọi loài, không dám xâm phạm cả những sinh vật li
ti, bé mọn, cả một cọng cỏ, mầm xanh vô tri giác.
Trong một tu viện, tự viện, thiền viện, sa-di có
giới của sa di, tỳ-khưu có giới của tỳ-khưu; giới tử, cư sĩ thọ 5 giới hay 8
giới, ai cũng có bổn phận về chính giới hạnh của mình, ai cũng hướng đến sự an
lạc, thanh tịnh và giải thoát. Ở đây không có sự dòm ngó, chỉ trích, phê phán
nhau. Người nào phận sự nấy. Người ít giới tôn trọng người nhiều giới. Người
nhiều giới quan tâm nhắc nhở người ít giới. Tất cả đấy sẽ tạo nên một không khí
hài hòa, ấm cúng, đạo vị; nó tạo nên sự tương ái, tương kính, đưa đến nhất trí,
hòa hợp, không có xung nghịch và tranh cãi nhau.
6. Kiến hòa (diṭṭhi sāmaññnagata)
Đức Phật dạy: "Này
các thầy tỳ-khưu! Trong 6 pháp cần phải ghi nhớ này, có một pháp tối thương,
thâu nhiếp tất cả, làm giềng mối cho tất cả, chính là tri kiến này, thuộc bậc
Thánh, có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chơn chánh diệt tận khổ
đau. Này các tỳ-khưu! Ví như một căn nhà có mái nhọn như ngọn tháp, có một bộ
phận tối thượng, thâu nhiếp tất cả, làm giềng mối cho tất cả, chính là mái
nhọn".
Tri kiến hay kiến hòa là pháp cuối cùng của Lục
hòa, là thấy biết bản chất như thực của các pháp; một sự thấy biết chơn chánh,
trọn vẹn, trực thị; không qua cảm xúc phù du cùng tri giác bọt bèo, chủ quan,
phiến diện. Đây là cả một sự hội thông, cảm nghiệm trực tiếp về thực tại mà
không qua sự khúc xạ của trí năng cùng những phán đoán, suy luận, diễn giảng
của khói sương ý niệm.
Tri
kiến là gọi tắt của chánh tri
kiến. Chánh tri kiến là gọi tắt của chánh kiến, chánh văn, chánh giác, chánh tri.
Ta cũng biết rằng có hai loại chánh kiến: chánh kiến hữu lậu
có sanh y và chánh kiến vô lậu,
siêu thế, không có sanh y.
Thế nào là chánh kiến hữu lậu, có sanh y? "Thấy có bố thí, cúng dường, có lễ hy
sinh, có quả báo các nghiệp thiện ác, có đời này, đời khác, có mẹ, có cha, có
các loại hóa sanh; ở đời có bậc sa môn, bà-la-môn; như vậy là chánh kiến hữu
lậu. Ngược lại là tà kiến."
(Trung bộ kinh III).
Thế nào là chánh kiến vô lậu, siêu thế, không có sanh
y? "Phàm cái gì thuộc tuệ căn, tuệ học, trạch pháp giác chi, chánh
kiến, đạo chi của một vị thành thục Thánh đạo A-la-hán có vô lậu tâm; chánh
kiến như vậy là chánh kiến vô lậu, siêu thế" (Trung bộ kinh III).
Như vậy, khi một vị tỳ-khưu sống trong giáo hội của
đức Tôn Sư, có tinh cần tu tập, thành tựu được tri kiến chơn chánh nào, phải
biết san sẻ, minh giải cho các vị đồng tu để họ có được những tri kiến chơn
chánh như mình vậy. Đấy gọi là kiến hòa. Một
hội chúng tu học, không thể nào đưa đến hòa hợp được khi những kiến giải về
giáo pháp bất đồng với nhau, sai lệch nhau cả từ nguyên lẫn ngữ nghĩa. Khi mà
những thấy, biết về giáo pháp rơi vào các quan niệm, quan điểm cá nhân, rơi vào
các chứng lý cục bộ, phiến diện thì hội chúng ấy sẽ dẫn đến tranh luận, tranh
chấp bất hòa, phân ly rồi tan rã.
Cho nên, kiến hòa là cốt lõi, là tinh tủy, là mái nhọn của căn nhà thâu nhiếp những phần
còn lại. Nói rõ hơn, chánh tri kiến, thuộc tuệ phần trong Bát Thánh Đạo, nên nó
là người dẫn đường minh triết cho 5 phần còn lại đi theo sau.
Kết luận,
Từ Lục hòa có nguồn gốc kinh điển như
chúng ta vừa biết ở trên, ngày nay, khi học Phật, người ta đã cô đọng lại sáu nguyên tắc sống ấy là như sau:
1-
Thân hòa đồng trú (thân hòa cùng ở).
2-
Lợi hòa đồng quân (lợi hòa cùng chia).
3-
Khẩu hòa vô tranh (khẩu hòa không tranh).
4-
Ý hòa đồng duyệt (ý hòa cùng vui).
5-
Kiến hòa đồng giải (kiến hòa cùng rõ (thông).
6-
Giới hòa đồng tu (giới hòa cùng tu).
Tinh thần Lục hòa ấy:
- Nếu biết áp dụng trong đời sống gia đình thì gia
đình ấy được ấm êm, hạnh phúc.
- Nếu biết áp dụng trong đời sống tập thể, tổ chức
nào thì tập thể, tổ chức ấy sẽ được lớn mạnh, hưng vượng, đoàn kết.
- Nếu biết áp dụng cho mỗi quốc gia, thì quốc gia,
dân tộc ấy sẽ được giàu mạnh, văn minh, tiến bộ.
- Nếu biết áp dụng cho thế giới năm châu thì thế
gian này sẽ trở thành thời đại của Chuyển Luân Thánh Vương.
- Nếu áp dụng vào các tu viện, tự viện, thiền viện,
Phật học viện, giáo hội Tăng-già thì Phật giáo sẽ còn tồn tại và hưng thịnh dài
lâu.
Bèn có thơ rằng:
"- Biển đông,
sông suối họp về
Đồng tu, đồng học đề
huề hai vai
Phật xưa chân lý sẵn
rồi
Ngày nay tứ chúng
cùng vui lục hòa".
Minh
Đức Triều Tâm Ảnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét