1. Thế gian đầy hiểm hoạ.
1.1. Các thiên tai về thời tiết, cuồng phong, lũ lụt, điạ chấn, hoả hoạn, với các tiến bộ khoa học hiện nay tiên đoán được sự xuất hiện, có thể giúp con người biết tránh xa kịp thời, trước khi có hiểm họa xảy đến, hoặc phòng ngừa, ngăn chặn lại.
1.2. Chiến tranh, nạn đói, bịnh dịch, do lòng ngườì quá thù hận, tham lam, si mê gây ra, dầu tạo nên biết bao tang tóc, đau thương, vẫn có thể tránh, hoặc làm giảm bớt sự khốc hại được.
1.3. Các loại độc trùng, các loài ác thú nơi vùng biên điạ, tuy nguy hiểm cho tánh mạng con người, nhưng vẫn có những phương tiện để tiêu diệt chúng, hoặc để tự bảo vệ mình.
1.4. Nhưng có bốn hiểm hoạ mà con người, bất cứ là ai, cũng chẳng thể nào tránh được: (1) già nua, (2) bịnh tật, (3) chết chóc, và (4) hậu quả của việc ác đã làm.
Trong bản Kinh An Toàn, thuộc Tăng Chi Bộ Kinh, Thiên 4, Phẩm 19, Kinh số 182 (Anguttara, Catukka Nipàta, V19, 182) Đức Phật có dạy: "Không một Sa môn, Bà la môn, Thiên, Nhơn, Màra (= ma), Phạm Thiên hay bất cứ ai ở đời, có được sự an toàn đối với bốn pháp nầy: già, bịnh, chết và khổ quả của ác nghiệp." Bốn hiểm hoạ đó, ta chẳng thể ngăn ngừa được, mà cũng chẳng ai có thể giúp ta tránh thoát được.
1.5. Trong cuộc sống, từ lúc sanh ra, con người đi lần lần đến tuổI già, xuyên qua bịnh hoạn, để sau cùng tới cõi chết. Con đường độc đạo đó, Kinh sách thường ví như con người đang đi từ từ vào vùng có rắn độc. Lẽ đương nhiên, khi đi vào vùng có rắn độc, người bộ hành cần trang bị gậy gộc, võ khí, để lâm thời có thể tự vệ được.
Cùng thế ấy, con người cũng phải có võ khí để đối đầu với bốn hiểm hoạ chẳng thể tránh. Võ khí ấy chính là Chánh Pháp, và mọi người nên thực hành, trau dồi và phát triển, để làm hành trang lên đường, phòng bị và đối phó với các hiểm nguy chắc chắn đang chực sẵn.
Có kệ rằng:
Tuổi già, bịnh hoạn và chết chóc,
Hậu quả các hành vi chẳng lành,
Đó là bốn điều chẳng thể tránh.
*
2. Hiểm hoạ của già nua.Sự già nua đến với con người dưới hai hình thái: (1) già nua về thể chất; (2) già nua về tinh thần.
2.1. Già nua về thể chất có nghiã là các cử động của thân thể vì thiếu phần nhanh nhẹn mà trở nên nặng nề, chậm chạp. Những động tác như ngồi xuống, đứng dậy, đi từ nơi nầy sang nơi khác đều trở thành gánh nặng. Cơ thể cảm thấy mau mệt mỏi khi hoạt động, như lúc ngồi xuống cần người đỡ, đứng lên cần có chỗ vịn. Thân thể đã bắt đầu thay đổi từ từ, da nhăn lại, lưng còng xuống, nhức mỏi, mắt mờ, tai lảng, răng rụng, ... đó là các dấu hiệu của sự già nua về thể chất.
2.2. Già nua về tinh thần có nghiã là tâm trí chẳng còn hoạt động bén nhạy như xưa. Trí nhớ trở nên lu mờ. Trước bắt đầu quên tên của láng diềng, bè bạn. Khi đến tuổi tám, chín mươi, lại quên mất cả danh tánh của những người thân. Và về sau nữa, chẳng còn nhớ lại được cả đến tên tuổi của con cháu trong nhà.
Lại nữa, tuổi tác lớn thường hay quên trước quên sau. Tính đi vào phòng, định lấy một vật gì, bước vào trong lại quên mất vì sao lại vào đây. Trở ra ngoài tính làm một việc chi, ra khỏi phòng rồi lại chẳng nhớ ra đây để làm gì. Chuyện cũ ba bốn mươi năm về trước thì nhớ thật kỹ, thuật lại vanh vách, rành mạch, còn việc mới vừa qua lại chóng quên: vừa uống thuốc cách đây mười phút, lại hỏi thuốc đâu chẳng đem lại cho mình.
2.3. Cùng với thời gian âm thầm trôi qua, các năng khiếu tinh thần càng ngày càng lu mờ, cũng như các bộ phận của chiếc xe quá cũ bị hao mòn, rỉ sét, khiến cho chẳng bao lâu phải lâm vào cảnh "phản lão hoàn đồng", nói năng và hành động như đứa trẻ con non nớt mà các nhà tâm lý học hiện đại gọi là thời kỳ ấu thơ lần thứ hai. Hơn nữa, sự suy hoại các năng khiếu tinh thần đi lần lần đến sự lú lẫn mà danh từ y khoa ngày nay gọi là bịnh Alzheimer (tên Bác sĩ tâm thần người Đức 1864 1917) tức là sự tê liệt ở não bộ từ từ đưa đến sự thác loạn tinh thần như kẻ mất trí, nói phều phào, bập bẹ chẳng ra tiếng, run rẩy, hoàn toàn mất sự tự chủ. Điều nầy khiến cho những kẻ có nhiệm vụ săn sóc cư xử với bực già lão như là đối với lũ trẻ con, lắm khi thiếu lễ độ trong lời ăn tiếng nói và có những hành động thiếu tế nhị, chẳng được nể nang cho lắm. Hoá ra, cả người được săn sóc và kẻ chăm nom đều chẳng hài lòng.
Lẩn thẩn, lẩm cẩm, hay quên, lú lẫn, đó là những dấu hiệu của sự già nua về tinh thần.
Có kệ rằng:
Hiểm hoạ của già nua,
Mặc dầu còn chưa thấy,
Nhưng ta phải nhìn xa,
Suy tư về cảnh ấy.
2.4. Lúc còn trẻ, ta chưa thấy sự già nua nơi ta, nhưng tiến trình già lão đã bắt đầu ngay cả khi con người mới sanh ra, các tế bào không ngừng sanh rồi già, già rồi diệt, nhường chỗ cho các tế bào mới, để rồi lại già, lại diệt. Chính vì những năng lực về vật chất và tinh thần của tuổi trẻ còn đang hùng mạnh nên tiến trình già lão dễ bị che khuất. Thế cho nên, cứ tưởng ta trẻ trung và mạnh khoẻ mãi chẳng già, mà sanh ra lòng kiêu mạn về tuổi trẻ, có thái độ và hành động chẳng thích đáng. Lao đầu vào các thú vui vật chất, trác táng suốt đêm thâu, sao chẳng nghĩ đến sự suy yếu, già lão, chắc chắn sẽ từ từ đến với mọi người, đâu có phân biệt riêng một ai.
2.5. Trong bản Kinh Được nuôi dưỡng tế nhị, Tăng Chi Bộ Kinh, Thiên 3, Phẩm Sứ giả của Trời, bản Kinh số 38 (Anguttara, Tika Nipàta, V4, 38) Thế Tôn nhắc lại thời niên thiếu của Ngài trong cung vàng điện ngọc, ăn sung mặc sướng, kẻ hầu người hạ, "đêm và ngày, một lọng trắng được che cho Ta, để tránh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, .... Ba lâu đài được xây dựng cho Ta, một cái cho mùa đông, một cái cho mùa hạ, một cái cho mùa mưa ... Trong bốn tháng mưa, được những nữ nhạc đoanh vây, Ta không xuống dưới lầu... Với Ta, được nuôi dưỡng tế nhị như vậy, trong sự giàu sang như vậy,Ta suy nghĩ rằng: "Kẻ phàm phu tự mình bị già, không vượt qua khỏi già, khi thấy người khác bị già, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng sẽ như vậy. Ta cũng bị già, không vượt khỏi già, sau khi thấy người khác già, Ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy, thật không xứng đáng cho Ta." Sau khi quán sát về Ta như vậy, nầy các Tỳ kheo, sự kiêu mạn của tuổi trẻ trong tuổi trẻ được đoạn trừ hoàn toàn."
Lời dạy của Đức Phật thật rõ ràng: Nay ta còn trẻ trung, sức khoẻ dồi dào, thân thể cường tráng, ta chớ nên quá hãnh diện về tuổi trẻ của mình, sanh lòng ngạo mạn đối với với kẻ già nua, ốm yếu, mà phải luôn luôn quán tưởng rằng cái già rồi sẽ đến với ta, chẳng thể tránh được. Vậy ngay từ bây giờ, ta phải nên tuân theo lời dạy của Đức Phật: "... Khi quán sát hiểm hoạ của sự già nua, ... liền tìm vào nơi vắng vẻ... với tâm thanh tịnh và bằng an, thực hành và phát triển Thiền Minh Sát (Vipassana) theo đúng phương pháp, nhận thấy rõ bản chất sanh khởi và tiêu diệt của Danh pháp (Nama dhamma) và Sắc pháp (Rupa dhamma), sẽ thọ hưởng được Phỉ (Piti) và Lạc (Sukha) của Thiền Minh Sát mà chẳng có hạng thông thường nào ở cõi người hay cõi Trời có thể cảm thọ hay chứng nghiệm được."
*
3. Hiểm hoạ của bịnh tật.3.1. Bịnh tật là mối đe doạ thường xuyên đang bao vây mọi người. Môi trường sanh sống chứa đầy hiểm hoạ. Vi trùng trong không khí, dưới nước, trên bờ, đâu đâu cũng sẵn đó, chỉ chờ dịp thuận tiện để đột nhập vào cơ thể công phá, gây nên các chứng bịnh hiểm nghèo.Thời tiết thay đổi đột ngột cũng góp phần tạo nên sự bất an, nóng lạnh, hắt hơi, ho hen tuy sơ sài, nhưng nếu chẳng lướt qua được, cũng có thể đưa đến sưng màng phổi, nguy đến tánh mạng.
3.2. Cơ thể con người được phú sẵn hai phòng tuyến bảo vệ để chống lại bịnh tật. Bên ngoài, bao bọc toàn thân, có lớp da mỏng che chở, ngăn chận được sự xâm nhập của các loại vi trùng ; còn bên trong có hệ thống miễn nhiễm đề kháng lại các loại độc tố; nhưng nếu sơ hở thiếu vệ sanh, vô ý để gây ra thương tích, vi trùng thừa dịp lan vào phổi, vào máu, có thể tạo nên những chứng bịnh trầm trọng khác.
3.3. Bịnh tật gây ra đau khổ trên thân tâm con người. Thân thể bị cơn bịnh hành hạ, gây ra đau nhức, khiến cho tâm thần bất an sanh ra bực bội, khó chịu. Đau là thân đau, tức là thân bịnh; còn khổ là tâm khổ, tức là tâm bịnh. Sự phân biệt rõ rệt giữa thân bịnh và tâm bịnh khiến cho ta có thể đối đầu với hiểm hoạ bịnh tật một cách hữu hiệu được. Xin hãy đọc qua và tìm hiểu bài tóm tắt bản Kinh Nakulapità, Tương Ưng Bộ Kinh, Tập III, Chương Một, Phần A, Kinh số 1 (Samyutta, III, 1) như sau:
1/- Nhân duyên. Vào một thời kia, đức Phật sống giữa dân chúng Bhayga, tại vườn Nai, núi Cá sấu, rừng Bhesaka. Có gia chủ Nakulapità đến yết kiến đức Phật và được Thế Tôn giảng cho nghe Kinh nakulapità, chỉ rõ dẫu thân già có bịnh, nhưng tâm vẫn không bịnh. Sau đó gia chủ đến gặp Tôn giả Xá lợi phất (Sàriputta) và được nghe giảng rộng thêm về ý nghiã vắn tắt: thân bịnh và tâm bịnh.
2/- Nội dung. Kinh, tóm tắt lại, gồm có ba điểm chánh:
a) Thân bịnh nhưng tâm không bịnh:
Gia chủ Nakulapità: Bạch Thế Tôn, con nay tuổi già, thân bịnh hoạn, chẳng được thường thấy Thế Tôn và các Tỳ kheo, xin Thế Tôn dạy cho con một pháp ngắn, để con được sống hạnh phước lâu dài.
Thế Tôn: Nầy Gia chủ, ai mang thân nầy lại tự cho là chẳng bịnh, dầu chỉ trong giây lát, thì đó là người ngu. Do vậy, Gia chủ cần nên học tập: "Dầu cho thân tôi có bịnh, tâm sẽ không bị bịnh."
Gia chủ Nakulapità rất hoan hỷ tin nhận lời Phật dạy, rồi đi đến gặp Tôn giả Xá lợi phất.
Tôn giả Xá lợi phất: Nầy Gia chủ, sắc diện của Ông rất thanh tịnh, hoan hỷ, có phải Ông vừa đến nghe Thế Tôn nói pháp?
Nakulapità: Tôi vừa được nghe Thế Tôn dạy: "Dầu thân tôi có bịnh, tâm sẽ không bị bịnh." Mong Tôn giả giải thích rộng thêm cho.
b) Thế nào là thân bịnh và tâm bịnh?
Tôn giả Xá lợi phất: Nầy Gia chủ, kẻ phàm phu vì chẳng thấy và hiểu rõ các pháp của bực Thánh để tu tập, nên quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hoặc sắc ở trong tự ngã, hoặc tự ngã ở trong sắc. Kẻ đó bị ám ảnh: "Sắc là Ta, sắc là của Ta", do đó, khi nào sắc thân nầy bị đau đớn, đổi khác, hay biến hoại, tâm kẻ ấy khởi lên sầu bi, khổ, ưu não!.Như vậy là thân có bịnh và tâm cũng có bịnh.
c) Thế nào là thân bịnh nhưng tâm không bịnh?
Tôn giả Xá lợi phất: Nầy Gia chủ, vị Thánh đệ tử đa văn hiểu rõ các pháp của bực Thánh, tu tập thuần thục các pháp của bực Thánh, nên vị ấy chẳng quán sắc như là tự ngã; do đó, vị ấy chẳng bị ám ảnh: "Sắc là Ta, sắc là của Ta"; khi nào sắc thân nầy bị đau đớn, đổi khác, hay biến hoại, tâm kẻ ấy chẳng khởi lên sầu bi, khổ, ưu não.
Nầy Gia chủ, như vậy là thân có bịnh, nhưng tâm chẳng bịnh.
3.4. Quán sát và ghi nhận tiến trình của cơn đau.
Khi cơn đau nổi lên và trở nên dữ dội, thì thân thể và đầu óc cũng trở nên căng thẳng; trong lúc đó, ta nên cố gắng giữ sao cho tâm được thanh thản phần nào, quan sát thật kỹ lưỡng và thật tích cực để xem xét đau đớn ở chỗ nào. Có phải đau ở da, hay ở bắp thịt, hoặc trong gân, trong xương, và cố gắng ghi nhận cho thật đúng, thật đích xác vị trí chỗ đau. Trong khi ghi nhận như thế, ta sẽ nhận ra cơn đau đớn lại gia tăng, và sau ba bốn lần ghi nhận, cơn đau lên đến tột đỉnh, rồi lại giảm dần, giảm dần, theo chiều hướng tự nhiên của nó. Đến đây, ta đừng ngưng việc quan sát mà phải tiếp tục theo dõi nữa. Rồi ta sẽ thấy cơn đau dường như dời sang chỗ khác, hay từ từ lặn dần. Như thế, cơn đau mà ta ghi nhận chính là một khổ thọ, nó chẳng phải xảy ra liên tục, chẳng phải bất di bất dịch, mà nó thay đổi cường độ, lúc dữ dội, lúc dìu dịu, lúc ở chỗ nầy, lúc chạy sang chỗ khác. Đó là ta đã nhận thức được bản chất của khổ thọ: lúc nào nó khởi lên, nó kéo dài ra sao, rồi lúc nào nó diệt đi mất. Thấy và biết rõ sự sanh khởi và sự tiêu diệt của khổ thọ, đó là ta đang chứng nghiệm được tánh cách vô thường của thọ uẩn. Cơn đau, ý thức được cơn đau, và tâm quán sát cơn đau, cả ba hiện tượng nầy đều hoại diệt dưới con mắt tâm của người quán sát. Cơn đau là vô thường. Ý thức về cơn đau cũng vô thường. Tâm quán sát cơn đau lại cũng vô thường nốt.
Trong cơn đau, mà biết quán sát tỉ mỉ tánh cách vô thường, chẳng liên tục của cơn đau như thế, thì cũng chẳng quá khó mà nhận ra: "à, thì ra đau chỉ có thế mà thôi, đâu đã đến nỗi nào!"’ Như vậy, sự phân biệt rõ ràng giữa thân bịnh và tâm bịnh, cùng cộng thêm các phương pháp trị liệu bằng thuốc men, thì còn cách đối đầu nào với cơn đau, với bịnh tật, có hiệu quả hơn nữa?
3.5. Khi y tá chích thuốc.
Khi người y tá sắp chích một mũi thuốc vào thịt, người ấy thường nói: "Xin hãy thở một hơi dài", rồi sau đó mới lụi mũi kim vào thịt. đó là viên y tá muốn ta bận lo thở dài hơi, để quên đi được cái đau trên da thịt trong chốc lát. Tập theo dõi hơi thở, cách ấy chính là sự ứng dụng của Pháp Giác niệm 16 Hơi thở đó.
Cái đau khác rất xa với cái khổ. Ta đang đau trên thân, mặt ta nhăn nhó, miệng ta lại cau có, "úi cha! đau khổ quá!", đó là ta đang nhập hai việc lại làm một, mà thành ra đau khổ. Tập sao cho đến mức xem thân tâm nầy chẳng phải là Ta, chẳng phải là của Ta thì rất khó, chớ biết tách biệt được cái đau trên thân ra khỏi cái khổ ở tâm, đâu phải là việc chẳng làm nổi, mà ích lợI thiết thực của nó sẽ cùng tăng gia với thời gian, có khi trọn cả một đời mình nữa!
3.6. Kiêu mạn về sức khoẻ.
Trong Kinh Kiêu mạn, Tăng Chi Bộ Kinh, Tập I, Phẩm Sứ giả của Trời, bản Kinh số 39 (Anguttara, Tika Nipàta, V4, 39) Thế Tôn dạy: "Say sưa trong kiêu mạn của không bịnh, nầy các Tỳ kheo, kẻ phàm phu làm các ác hành về thân, về lời nói, về ý. Do làm các ác hành về thân, về lời nói, về ý, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, đoạ xứ, điạ ngục."
Do đó, dầu sức khoẻ còn được dồi dào, ta cũng nên suy gẫm về hiểm hoạ của bịnh tật, nghĩ rằng ngày nào đó, ta cũng sẽ bị đau ốm phải nằm liệt giường và cần được kẻ khác nâng đỡ mới ngồi dậy được. Khi suy gẫm như thế, sự ỷ lại, kiêu căng về sức khoẻ mới bị loại trừ ra khỏi tâm trí ta. Nếu một ai luôn nghĩ rằng: "Tôi luôn luôn khoẻ mạnh mãi mà!", đó là người ngu (như Đức Phật đã nói trong Kinh Nakulapità ở trên) và sẽ có khuynh hướng muốn làm những hành vi bất thiện nhiều hơn là chăm lo làm lành, nói chi là khéo biết lợi dụng tình trạng sức khoẻ tốt để tu tập theo Chánh Pháp.
*
4. Hiểm hoạ của cái chết.4.1. "Con người vừa mới sanh ra đã mang lấy án tử hình", lời nói nầy tuy đượm vẻ bi quan của một nhà hiền triết, nhưng chứa đựng một sự thật đúng muôn đời: chẳng một ai thoát khỏi cái chết cả. Sự chết luôn luôn đang rình rập, chẳng biết đúng vào lúc nào sẽ xảy ra cho con người. Hiểm hoạ tử vong luôn luôn đang chực sẵn: bịnh tật hiểm nghèo, tai nạn lưu thông, chiến tranh tàn khốc, thiên tai bất ngờ.
Chẳng ai có thể khất hẹn với Tử Thần xin hoãn lại ngày ra đi, chẳng ai có thể đem tiền của để hối lộ với Thần Chết, hay dùng quyền lực, hoặc thần thông, để ngăn trở đạo binh của Diêm vương đến bắt.
Có bài kệ rằng:
Người chăn bò tay cầm cây gậy,
Luà đàn bò ra bãi cỏ non.
Cảnh già, bịnh hoạn, cũng như vậy,
Luà mọi người đến chỗ tử vong.
(Kinh Pháp Cú, Kệ số 135)
4.2. Hiểm họa của cái chết được báo trước cho con người, nhưng vì lòng Kiêu mạn về sự sống, nên ít kẻ chịu nghĩ đến, hay đôi khi có nghĩ đến, thì lại tặc lưỡi tự nhũ thầm: "Ôi! Ta còn lâu mới chết kia mà!"Xin trích bản Kinh diêm vương, Tăng Chi Bộ Kinh, Chương III, Phẩm IV, số 35 (Anguttara, Tika Nipàta, V4, 35), trong đó Thế Tôn giảng về ba Thiên sứ đến cảnh cáo về ba hiểm hoạ: già, bịnh, chết.
Diêm vương hỏi tội nhơn về ba thiên sứ:
Thế Tôn: Nầy các Tỳ kheo, có ba Thiên sứ, được vua Diêm vương nơi điạ ngục, hỏi tội nhơn lúc sống đã làm ác nghiệp, có thấy xuất hiện ra giữa loài Người hay không. Đó là: già, bịnh, chết.
a) Thiên sứ thứ nhứt: sự già yếu.
Diêm Vương: Nầy kẻ kia, Ngươi có bao giờ thấy giữa loài Người, một người đàn bà hay đàn ông, già yếu, răng rụng, tóc bạc, vừa đi vừa run rẩy hay không?
Tội nhơn: Thưa Ngài, con có thấy.
Diêm Vương: Ngươi là người có trí, lớn tuổi, sao lại chẳng nghĩ: "Ta rồi cũng bị già yếu như thế; vậy ta hãy sớm làm điều lành."?
Tội nhơn: Thưa Ngài, con chẳng nghĩ như thế, vì con trót sống phóng dật.
Diêm Vương: Chính vì phóng dật, Ngươi đã làm điều ác; ác nghiệp của ngươi do chính Ngươi làm chớ chẳng phải ai khác đã làm; bây giờ, Ngươi phải gánh chịu hậu quả của ác nghiệp đó.
b) Thiên sứ thứ hai: sự bịnh hoạn.
Diêm Vương: Nầy kẻ kia, Ngươi có bao giờ thấy vị Thiên sứ thứ hai hiện ra giữa loài Người không?
Tội nhơn: Thưa Ngài, con không thấy.
Diêm Vương: Vị thiên sứ thứ hai, chính là bịnh hoạn; Ngươi chẳng thấy ở loài Người, một kẻ bịnh hoạn, đàn ông hay đàn bà, nằm lăn ra, oằn oại, rên xiết giữa tiểu tiện, đại tiện của mình hay sao?
Tội nhơn: Thưa Ngài, con có thấy.
Diêm Vương: Ngươi có thấy, sao Ngươi chẳng nghĩ, rồi có lúc ta sẽ bị bịnh hoạn như thế, vậy ta nên sớm làm lành?
Tội nhơn: Thưa Ngài, tại sống phóng dật, nên con chẳng nghĩ đến
c) Thiên sứ thứ ba: sự chết chóc.
Diêm Vương: Nầy kẻ kia, Ngươi không thấy vị Thiên sứ thứ ba xuất hiện giữa loài Người: đó là một người đàn bà hay đàn ông nằm chết, bất động, da xanh xám, mình sưng phù lên, hay sao?
Tội nhơn: Thưa Ngài, con có thấy.
Diêm Vương: Ngươi đã thấy ba vị Thiên sứ đến nhắc nhở Ngươi nên sớm làm lành, mà Ngươi vẫn sống phóng dật. Nay Ngươi phải gánh chịu các hình phạt dành cho các tội ác do chính Ngươi đã phạm.
4.3. Sự sợ hãi về cái chết. Con ngườI ai ai cũng đều sợ hãi về cái chết, vì khi ra đi vĩnh viễn phải bỏ lại vợ con, nhà cửa, tài sản, và sự nghiệp. Trong Kinh Không Sợ Hãi, Tăng Chi Bộ Kinh, Tập II, Phẩm 19: Chiến sĩ, Kinh số 184, (Anguttara, Catukka Nipàta, V19, 184), Thế Tôn đã chỉ cho Bà la môn Janussoni thấy, kẻ phàm phu khi lâm trọng bịnh, rơi vào run sợ khi nghĩ đến cái chết: "Tấm thân khả ái nầy sẽ từ bỏ ta, còn đâu nữa các thú vui hấp dẫn đầy hoan lạc! Ta lại còn trót làm các điều hung bạo, phạm pháp, chẳng có chút thiện căn nào, còn do dự, nghi ngờ về Chánh Pháp nên chưa tu tập, rồi đây chắc chắn sẽ phải thác sanh vào cõi dữ ..." Trái lại, hạng ngườI biết lià xa các dục vọng, biết quán chiếu thân thể bất tịnh nầy vốn là một gánh nặng, các thú vui phù lãng nào có đáng kể chi so với niềm an lạc trong nội tâm vững lòng tin nơi ngôi Tam Bảo, tu tập cho Chánh Pháp, siêng làm lành, tránh xa điều dữ, thì chẳng hề sợ hãi khi đối đầu cái chết.
*
5. Hiểm hoạ về nghiệp ác.Hiểm hoạ thứ tư mà tất cả mọi người chẳng ai tránh khỏi được cả, đó là hậu quả của nghiệp ác. Nghiệp ác chính là những hành động cố ý đã qua, gây nên sự tổn hại cho mình và cho kẻ khác. Chiếu theo luật Nhơn Quả, một hành động ác cố ý làm sẽ đưa đến hậu quả xấu, hoặc ngay trong đời nầy, hoặc về các đời sau. Vì chẳng thấy rõ lúc nào quả trỗ sanh, nên con ngườI thường chẳng biết tin vào luật Nhơn Quả. Mà luật nầy lúc nào cũng đúng: Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ, chẳng khác chi các định luật về khoa học. Do đó, để tránh những hậu quả chẳng lành, con ngườI phải siêng làm việc thiện.
Xin kể lại đây hai thí dụ về quả báo, rút trong Kinh sách:
5.1. Tích chuyện vị Tăng mù.
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại Kỳ viên tự, nước Xá vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến chuyện một vị Tăng mù tên Cát Khư.
Nguyên, lúc bấy giờ, vị Tăng mù Cát Khư đến đảnh lễ Đức Phật. Chiều hôm ấy, ông đi kinh hành bên ngoài, vô ý đạp chết nhiều côn trùng. Sáng hôm sau, nhiều vị tăng trẻ tuổI thấy xác côn trùng, sanh ra hiểu lầm, cho rằng vị Tăng Cát Khư đã phạm giới sát sanh. Họ liền vào trình lên đức Phật. Thế Tôn hỏi: "Các ông có chính mắt trông thấy Cát Khư giết hại các côn trùng không?" Các vị Tăng đáp, không. Thế Tôn bảo: "Các ông chẳng thấy ông ta giết, cũng như ông ta đã chẳng thấy các côn trùng dưới chơn, khi đi kinh hành. Hơn nữa, Cát Khư đã chứng được quả vị A la hán rồi, chẳng hề có ý định sát sanh, nên chẳng có phạm tội." Các vị Tăng lại hỏi, vì sao vị Tăng đã chứng được quả vị A la hán mà hai mắt lại bị mù, Đức Phật mới kể lại câu chuyện xưa:
Trong một đời về tiền kiếp, Cát Khư là một vị y sĩ có danh tiếng. Một ngườI đàn bà bị đau mắt, đến thưa với ông rằng: "Nếu ông chữa lành đôi mắt tôi, tôi nguyện tôi và các con cái của tôi sẽ làm nô lệ cho ông." Khi ngườI đàn bà ấy đã lành mắt, lại muốn nuốt lời, bảo rằng đôi mắt còn tệ hơn trước. Cát Khư biết rõ ngườI ấy đã nói dối với mình, nên căm thù và đưa cho một thứ thuốc xoa vào mắt. Người đàn bà bất hạnh đó bị mù luôn. Vì tội ác nầy, Cát Khư phải sanh ra mù loà trong nhiều đời sống kế tiếp, cho đến hiện nay.
Sau khi kể xong, Thế Tôn liền đọc bài kệ:
Nơi muôn pháp, ý đi tiền đạo;
Ý làm chủ, ý tạo cõi lòng.
Ai đem tâm ý chẳng trong,
Nói năng, hành động, Khổ đồng theo sau.
Như xe chuyển bánh theo trâu kéo hoài.
(Kinh Pháp Cú, Phẩm Song Yếu, Kệ số 1)
5.2. Tích chuyện tôn giả Đại Mục kiền liên.
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ viên, nước Xá vệ, trong một kỳ giảng pháp có đề cập đến cái chết của vị Tôn giả Đại Mục kiền liên.
Thuở ấy, có bọn ngoại đạo loã thể Ni kiền tử muốn dành ảnh hưởng với Đức Phật, nên dự định ám sát Tôn giả Đại Mục kiền liên là vị đại đệ tử của Phật. Chúng thuê bọn cướp giết người, rình rập Tôn giả đang ở làng Khả la gần thành Vương xá. Đến đêm chúng bao vây tịnh xá nơi Tôn giả trú ngụ. Hay tin Tôn giả bỏ trốn, thoát được. Chúng lại tìm cách hại lần thứ hai, cũng thất bại. Đến lần thứ ba, Tôn giả quán chiếu thấy, trong tiền kiếp của mình, có làm một việc ác, nên nay phải chịu nốt quả báo còn sót lại. Thế nên, Tôn giả chẳng trốn tránh nữa, và bị bọn cướp bắt, đánh đập tàn nhẫn, lăn ra bất tỉnh. Bọn cướp tưởng Tôn giả đã chết, bỏ đi. Nhưng nhờ sức thần thông nhập định, Tôn giả hồi tỉnh lại và đi đến chùa Kỳ viên bạch Phật rằng, Tôn giả sẽ nhập Niết bàn nay mai. Đức Phật bảo Tôn giả nên tập họp chúng Tăng lại và tuyên dạy một bài pháp cuối cùng. Tôn giả vâng lời, và sau thời pháp, Tôn giả qùi xuống lễ Phật bảy lạy, sau đó Tôn giả nhập Niết bàn.
Tin Tôn giả Đại Mục kiền liên bị bọn cướp sát hại đến tai vua A xà thế, Ngài liền ra lịnh truy lùng, bắt được cả bọn đem thiêu sống. Nhưng các vị Tỳ kheo tiếc thương Tôn giả mới đến bạch Phật, thưa hỏi tại sao một vị tu sĩ giới đức cao dầy như Tôn giả Đại Mục liền liên mà phải chết thê thảm như thế. Thế Tôn bảo: "Trong một tiền kiếp, Mục kiền liên có phạm tội giết cha mẹ, nên kiếp nầy, trước khi nhập Niết bàn, phải trả nốt quả báo xấu đó. Số là, kiếp xưa, cha mẹ của Mục kiền liên đều mù loà, sống nhờ con phụng dưỡng. Mục kiền liên thờ phụng cha mẹ rất là hiều thảo. Đến khi có vợ, Mục kiền liên, nghe lời nói ra nói vào của vợ, mới dẫn cha mẹ vào rừng, đánh chết, và dàn cảnh làm như hai cụ già bị bọn cướp giết chết. Vì tội ác đó, Mục kiền liên phải sa vào điạ ngục A tỳ trong nhiều đời; đến nay vào đời cuối cùng còn phải chết vào tay bọn cướp, để đền tội ác." Đức Phật kết luận: "Hễ ai làm ác, hại đến người vô tội, thì chắc chắn sẽ bị quả báo khổ sở nhiều đời."
Rồi Đức Phật mới nói kệ như sau:
Dùng đao trượng đập tơi bời,
Hại người vô tội, với người tay không,
Sớm muộn chi, khó lòng tránh thoát
Một trong mườì quả ác, kể ra:
Một là nhức nhối rên la;
Hai là tai biến, ba là bị thương;
Bốn là mất trí, thường lú lẫn;
Năm là bị lận đận vua quan;
Sáu là trọng tội vu oan;
Bảy là thân quyến, họ hàng ly tan;
Tám là bị tiêu tan tài sản;
Chín là phải chịu nạn hoả tai;
Mười là khi bỏ hình hài,
Sa vào điạ ngục, biết ngày nào ra.
(Kinh Pháp Cú, Phẩm Hình phạt, Kệ số 137 140)
*
6. Thay lời kết.Bốn điều chẳng thể tránh: Già, Bịnh, Chết, Ác nghiệp, ba điều trước nằm trong thân phận con người, ai cũng trông thấy cả và chẳng một ai thoát khỏi được. Còn điều thứ tư, khó thấy, vì thời gian giữa nguyên nhơn và hậu quả có thể kéo dài, trong một đời hay nhiều kiếp. Ác nghiệp tuy chẳng tránh thoát được, nhưng nếu sẵn có thiện tâm, chẳng làm điều ác, thì nghiệp dữ sao lại đến với mình.
Con đường đi đến chiến thắng bốn hiểm hoạ đó bằng Chánh Pháp đã được Kinh sách trình bày rất kỹ càng, nhứt là về Bát Chánh Đạo, vấn đề quan trọng là chúng ta có mạnh dạn dấn bước đi thẳng tới đó hay không mà thôi. Vượt thoát, chiến thắng, đó chẳng phải là khỏi già, khỏi bịnh, khỏi chết, khỏi bị quả báo, mà chính là biết đương đầu với bốn hiểm hoạ đó với tâm thanh thản: khi già, biết mình già, sao lại thấy khổ; khi bịnh, biết mình bịnh đến chừng ấy cho thân nầy, sao lại để tâm chịu khổ lây; khi sắp lià đời, tin rằng thân tâm năm uẩn nầy là gánh nặng, cỡi bỏ được nó, sao lại sầu lo, thiếu đi một nụ cười giã biệt?
Thiện Nhựt kính trình,
Khoá Nghiên Tu An Cư
Tổ đình Từ Quang, Montreal, Canada
PL. 2551 - DL. 2007
Khoá Nghiên Tu An Cư
Tổ đình Từ Quang, Montreal, Canada
PL. 2551 - DL. 2007
*
Tham khảo1. Bài thuyết pháp của Thiền sư Saddhammaransi Sayadaw, bằng Miến ngữ, bản dịch của Cư sĩ Phạm Kim Khánh.
2. Đại tạng Việt nam: Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh.
3. Kinh Pháp Cú, Thiện Nhựt, Như Lai Thiền Viện ấn tống, 2001.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét