Thiền
Quán còn gọi là Thiền Tuệ hay Thiền Minh Sát (tiếng Pali: Vipassana) đã
được Đức Phật chỉ dạy cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, là phương
pháp thiền đặc biệt chú trọng vào việc giữ sự chánh niệm liên tục.
Chánh niệm, tiếng Anh là ‘Mindfulness’, tiếng Pali ‘Sati’.
Chánh niệm là một tiến trình vi tế mà bạn đang thực hiện ngay thời
điểm hiện tại. Khi bạn nhận thức (biết được) một vật gì lần đầu tiên,
khi ấy sẽ có một sự ý thức (biết) thuần tuý thoáng qua rất nhanh trước
lúc bạn có khái niệm về vật đó, trước lúc bạn nhận dạng ra nó. Chính
giai đoạn ý thức (biết) thuần tuý đang trôi chảy đó là Chánh niệm.
Giai
đoạn này rất ngắn, chỉ thoáng qua một phần rất nhỏ của giây trước khi
mắt bạn tập trung nhìn vật ấy, trí bạn xem xét, cụ thể hoá, và phân biệt
nó với những vật khác. Trong tiến trình nhận thức thông thường, giai
đoạn Chánh niệm xảy ra rất nhanh và khó quan sát. Phần lớn chúng ta có
thói quen để phí tâm vào các bước còn lại, tức tập trung nhận định, đặt
tên, và miên man suy nghĩ để khái quát vật thể. Điều này làm cho Chánh
niệm bị lãng quên vì sự xáo trộn đó. Chính Thiền Quán sẽ tập cho chúng
ta phát triển Chánh niệm, giai đoạn ý thức thuần tuý.
Khi Chánh niệm được phát triển bằng phương pháp thích hợp, bạn sẽ
thấy rằng kinh nghiệm sự chánh niệm của bạn ngày một thâm sâu, và bạn sẽ
thay đổi cách nhìn đối với vạn vật. Một khi bạn biết phương pháp rồi,
bạn sẽ thấy Chánh niệm có nhiều tính chất rất hay.
Các tính chất của Chánh niệm:
- Chánh niệm phản ánh những gì đang xảy ra và cách thức nó xảy ra một
cách chính xác ở thời điểm hiện tại mà không có chút thành kiến nào xen
vào.
Chánh niệm là sự quán sát không cần phán đoán. Đó là khả năng quán
sát của tâm không kèm sự phê bình. Bằng khả năng này, hành giả sẽ nhìn
thấy sự vật mà không qui kết hay đánh giá. Hành giả sẽ rất ngạc nhiên vì
không có gì tồn tại cả, đơn thuần thấy các sự vật như chúng là vậy,
theo bản chất thật của chúng. Hành giả không lựa chọn cũng không đánh
giá, mà chỉ quan sát thôi. Sự quan sát không thiên vị, không lệch về
khía cạnh nào và cũng không dích mắc với những gì được ý thức, nó chỉ là
sự ý thức. Giữ Chánh niệm để không mê đắm cái tốt, không chạy theo sự
mến chuộng, không chấp giữ những gì vừa ý, cũng không tránh né cái xấu
hoặc lướt nhanh qua sự khó chịu. Chánh niệm thấy tất cả những gì trải
qua đều như nhau, mọi ý nghĩ như nhau, mọi cảm xúc như nhau. Không có
chi bị đè nén, không có chi bị ngăn chặn.
- Về phương diện tâm lý học, chúng ta không thể nào quan sát một cách
khách quan những gì đang xảy ra bên trong chúng ta nếu ngay lúc đó
chúng ta không chấp nhận sự hiện hữu của các trạng thái tâm khác nhau.
Điều này đặc biệt đúng với các trạng thái không hài lòng của tâm. Để
quán sát được nỗi sợ hãi của chính mình, chúng ta phải chấp nhận sự thật
rằng chúng ta đang sợ. Chúng ta không thể nào xem xét được sự chán nản
của chính mình nếu không hoàn toàn thừa nhận nó. Tương tự đối với sự cáu
kỉnh, lo âu, thất vọng và các cảm giác khó chịu khác. Bạn không thể
quán sát một điều gì hoàn hảo nếu bạn chối bỏ sự hiện hữu của nó. Dù
kinh nghiệm điều gì đi nữa, Chánh niệm chỉ thừa nhận điều đó. Rất đơn
giản, nếu một điều gì đang xảy ra trong cuộc sống thì chỉ cần bạn ý thức
về nó mà thôi. Không tự cao, không tủi hổ, không có gì thuộc cá nhân
đang bị đe doạ. Cái gì xảy đến thì xảy đến.
- Chánh niệm là sự ý thức không mang tính khái niệm. Một thuật ngữ
khác của Chánh niệm là “sự chú ý đơn thuần”. Nó không phải là sự suy
nghĩ, cũng không dính dáng gì với những ý nghĩ hay khái niệm; cũng không
gắn với những ý niệm, ý kiến, hay trí nhớ. Chánh niệm chỉ nhìn xem.
Chánh niệm ghi nhận những gì trải qua nhưng không so sánh chúng. Nó chỉ
quán sát mọi thứ như thể chúng đang xảy ra lần đầu. Nó không phải là sự
phân tích dựa trên sự ngẫm nghĩ và nhớ lại (các sự kiện đã qua), mà nó
là kinh nghiệm trực tiếp điều gì đang xảy ra, không thông qua suy nghĩ.
Chánh niệm đến TRƯỚC suy nghĩ trong tiến trình nhận thức.
- Chánh niệm là sự ý thức ngay thời điểm hiện tại. Nó xảy ra tại đây
và ngay bây giờ. Nó là sự quán sát những gì đang xảy ra ngay lúc này,
ngay hiện tại. Bao giờ Chánh niệm cũng trụ ngay hiện tại. Nếu bạn đang
nhớ về thầy/cô giáo lớp 2 của mình, đó là trí nhớ. Sau đó, khi bạn ý
thúc được mình đang nhớ thầy/cô giáo lớp 2, đó là Chánh niệm. Kế đến,
nếu bạn khái quát tiến trình tâm đó và nói với chính mình rằng: ‘Ồ! Tôi
đang nhớ’ thì đó là suy nghĩ.
- Chánh niệm là một sự tỉnh giác không có bản ngã. Nó xảy ra không
dính gì đến bản ngã. Bằng Chánh niệm, hành giả thấy được tất cả các hiện
tượng không liên quan gì đến khái niệm ‘tôi’, ‘của tôi’, ‘cái của tôi’.
Ví dụ, giả sử bạn bị đau chân trái. Thông thường, bạn nói rằng ‘Tôi bị
đau’. Khi sử dụng Chánh niệm, bạn chỉ đơn thuần ghi nhận cảm giác đau đó
chỉ là một cảm giác mà thôi. Bạn sẽ không cộng thêm khái niệm ‘tôi’
vào. Chánh niệm ngăn không cho bạn thêm vào hay giảm đi bất cứ cái gì từ
sự nhận thức. Bạn không làm nổi bật, không nhấn mạnh cái gì cả. Bạn chỉ
quán sát cái đang hiện hữu chứ không làm méo mó đi.
- Chánh niệm là sự ý thức không kèm mục đích. Trong Chánh niệm, bạn
không ráng sức vì mong đợi các kết quả. Bạn không cố gắng để hoàn tất
một điều gì cả. Khi có Chánh niệm, bạn kinh nghiệm được thực tại hiện
tiền dù bất cứ hình thức gì. Không có gì để bạn giành được. Chỉ mỗi việc
quán sát mà thôi.
- Chánh niệm là sự ý thức về những đổi thay. Nó quán sát dòng chảy
qua của sự trải nghiệm. Nó theo dõi sự vật đang chuyển đổi. Nó thấy sự
sanh ra, lớn lên, rồi trưởng thành của tất cả các hiện tượng. Nó nhìn
xem sự già nua và chết đi. Chánh niệm theo dõi liên tục trong từng
sát-na. Nó quán sát tất cả mọi hiện tượng – vật chất, tinh thần hoặc cảm
xúc hay bất kỳ cái gì đang diễn ra trong tâm. Hành giả chỉ ngồi lại và
xem buổi biểu diễn đó. Chánh niệm là sự quán sát tính chất cơ bản của
mỗi hiện tượng đang trôi qua. Nó theo dõi hiện tượng đó khởi sinh và
biến mất. Nó thấy hiện tượng đó làm chúng ta cảm giác ra sao và phản ứng
lại thế nào. Nó xem cách thức gây ảnh hưởng đối với các hiện tượng
khác. Trong Chánh niệm, hành giả là quan sát viên có công việc duy nhất
là theo dõi sự biến chuyển đang diễn ra liên tục của thế giới bên trong.
Hãy lưu ý điểm này. Trong Chánh niệm, hành giả chỉ quan sát thế giới
bên trong, đừng để ý thế giới bên ngoài. Mọi thứ vẫn ở đấy, nhưng trong
thiền tập, phạm vi của hành giả là những trải nghiệm của chính mình, suy
nghĩ của chính mình, cảm giác của chính mình, và nhận thức của chính
mình. Hành giả cũng chính là phòng thí nghiệm của mình. Thế giới bên
trong có một lượng thông tin khổng lồ bao gồm sự phản ánh về thế giới
bên ngoài và còn nhiều hơn nữa. Sự khảo sát nguồn tài liệu (thông tin)
này sẽ dẫn đến tự do hoàn toàn.
- Chánh niệm là sự quán sát tự thân. Hành giả vừa là người trong cuộc
vừa là người quán sát. Nếu xem xét các cảm giác sinh lý, hành giả cũng
đồng thời cảm nhận được chúng. Chánh niệm không phải là kiến thức duy lý
trí. Nó chỉ là sự ý thức mà thôi. Chánh niệm mang tính khách quan,
nhưng nó không lạnh lùng cũng không phải không có cảm giác. Nó là sự
trải nghiệm tỉnh táo trong cuộc đời, một sự tham gia cảnh giác đối với
quá trình sống đang diễn ra.
Lược dịch: Liên Thủy
Theo: Nguyệt san Giác Ngộ 172
Theo: Nguyệt san Giác Ngộ 172
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét