Này các tỳ-khưu, không nên ngâm nga
giáo pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài; vị nào ngâm nga thì phạm
tội dukkata (tác ác) – (Luật tạng, Tiểu phẩm).
1. Cư sĩ tại gia
Đối với người cư sĩ tại gia nguyện giữ
5 giới căn bản, ca hát không là vấn đề. Đức Phật không ngăn cấm người
cư sĩ ca hát, sử dụng âm nhạc. Điều quan trọng là gìn giữ tâm ý, không
để lôi cuốn, loạn động bởi âm thanh qua bài ca, tiếng hát, nhạc điệu. Âm
nhạc và ca hát – đối với hàng cư sĩ – nếu biết sử dụng khéo léo, đúng
thời, đúng mục đích, là một phương tiện truyền thông tốt trong các sinh
hoạt Phật giáo.
Đệ tử Phật có nên ca hát? |
Tuy nhiên, nếu người cư sĩ nguyện giữ 8
giới (bát quan trai giới) – thông thường trong các khóa thiền hay những
ngày bố tát tịnh tu – không ca hát là điều giới thứ 7 cần phải tuân
giữ:
"Trong đêm nay và ngày nay, ta nguyện
sống tránh xa không xem múa, hát, nhạc, diễn kịch, không trang sức bằng
vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang..." (Tăng chi bộ,
chương Tám pháp).
2. Sa-di, sa-di-ni xuất gia
Không ca hát là giới thứ 7 trong 10 giới căn bản của hàng sa-di, sa-di-ni:
– Ðệ tử thực hành giới tránh múa, hát, nhạc, kịch (Tiểu bộ, Tiểu tụng).
3. Tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni xuất gia
Riêng giới không múa hát, thổi kèn,
đàn, xem múa hát, nghe đàn kèn tuy không ghi rõ trong giới bổn
Ba-la-đề-mộc-xoa nhưng có ghi trong các điều liên quan đến tội Tác ác
(dukkata) [*], thuộc Tiểu phẩm (Chương V), của Luật tạng. Duyên sự như
sau (dựa theo bản Việt dịch của Tỳ-khưu Indacanda):
... Một lần nọ, tại thành Rājagaha
(Vương xá) có lễ hội ở trên đỉnh núi. Các tỳ-khưu nhóm Lục sư (lục quần
tỳ-khưu) đã đi xem lễ hội ở trên đỉnh núi. Dân chúng phàn nàn, phê phán,
chê bai rằng:
– Tại sao các sa-môn Thích tử lại đi xem vũ, ca, luôn cả tấu nhạc, giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?
Các tỳ-khưu đã nghe được những người
dân ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ-khưu ít ham muốn, tự biết đủ,
khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, đến trình sự việc ấy lên
đức Thế Tôn. Ngài khiển trách nhóm Lục sư ấy, rồi bảo các tỳ-khưu rằng:
– Này các tỳ-khưu, không nên đi xem vũ, ca, hoặc tấu nhạc; vị nào đi thì phạm tội dukkata (tác ác). [*]
––––––––––
[*] Theo Gs Rhys Davids (Vinaya Texts –
bản dịch Anh ngữ Luật tạng), "dukkata" dịch là "wrong doing" (làm xấu,
tác ác) là những lỗi nhẹ, chỉ cần tự sám hối là đủ.
4. Ngâm nga theo âm điệu ca hát
Ngay cả đến việc ngâm nga các bài kệ,
bài pháp với các âm điệu trầm bổng du dương cũng bị đức Phật khiển trách
và ngăn cấm. Một lần nọ, các tỳ-khưu nhóm Lục sư ngâm nga giáo pháp
theo âm điệu ca hát với sự kéo dài. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê
bai rằng:
– Các sa-môn Thích tử này ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài giống y như chúng ta ca hát vậy.
Các tỳ-khưu đã nghe được những người
dân ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ-khưu ít ham muốn, tự biết đủ,
khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, đến trình sự việc ấy lên
đức Thế Tôn. Ngài khiển trách nhóm Lục sư ấy, rồi bảo các tỳ-khưu rằng:
– Này các tỳ-khưu, đây là năm điều bất lợi khi ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài:
Bản thân vị ấy bị say đắm trong âm điệu,
Khiến cho những kẻ khác cũng bị ảnh hưởng say đắm trong âm điệu,
Hàng cư sĩ tại gia phàn nàn, chê cười vị ấy,
Trong khi ra sức thể hiện âm điệu, thiền định của vị ấy bị phân tán,
Điều cuối cùng là vị ấy khiến dân chúng thực hành theo đường lối sai trái.
Này các tỳ-khưu, đây là năm điều bất
lợi khi ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài. Này các
tỳ-khưu, không nên ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo
dài; vị nào ngâm nga thì phạm tội dukkata (tác ác) – (Luật tạng, Tiểu
phẩm).
Theo Phật giáo Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét