Ổn định về kinh tế
Chúng sanh sở dĩ tồn tại là nhờ vật thực(2). Muốn tồn tại thì cần phải có điều
kiện của tồn tại. Điều kiện tồn tại của chúng sanh là thức ăn trong nghĩa rộng
nhất của từ ngữ. Ở đây, sự ổn định và vững chãi về kinh tế là điều kiện cơ bản
cho mọi sự tồn tại của một con người nói chung và người cư sĩ nói riêng. Hơn thế,
với một người cư sĩ, ngoài vật thực nhằm đáp ứng nhu cầu tồn tại, thì cần phải
có những bổn phận tương ưng trong các mối quan hệ của mình.
Cụ thể, người cư sĩ cần phải có nền tảng kinh tế vững vàng nhằm đem lại
an lạc cho cha mẹ, vợ con và những người thân liên quan(3). Người cư sĩ tạo sinh kế và điều kiện sống
cho kẻ khác, đem lại lợi ích, an lạc, hạnh phúc cho kẻ khác, được Đức Phật gọi
là bậc chân nhân(4). Chiêm nghiệm
sâu thêm về gia cảnh của các vị đại thí chủ tiêu biểu trong thời Đức Phật như
Anathapindika, Visakha, Màtikamàtà, Vimalakirti… cho thấy rằng, họ là những cư
sĩ có một nền tảng kinh tế khá ổn định và vững vàng.
Một đời sống tự chủ về kinh tế thì sẽ ngăn ngừa cũng như phòng hộ một số
loại phiền não, tránh được những thúc bách liên quan đến nhu cầu vật chất thường
gặp, trong đời sống thường nhật của một cư sĩ tại gia. Theo Đức Phật, nghèo khổ
là một phiền não. Vì nghèo khổ góp phần làm xuất sinh nhiều chủng loại phiền
não khác như bị mắc nợ, bị hối thúc, bị truy đuổi, bị đe dọa tính mạng, bị khủng
bố(5)... Theo kinh Cứu
la đàn đầu(6), thì nghèo khổ
và nghèo khổ quá mức còn là cửa ngõ dẫn khởi những hệ lụy, những nguy cơ tội
ác. Đây là một thực tế có thể phát hiện trong dòng chảy tất bật của đời sống
ngày nay.
Với người cư sĩ, Đức Phật luôn khuyến khích họ nỗ lực mưu sinh bằng khả
năng riêng có và điều kiện nghiệp lực của riêng mình. Theo Đức Phật, không có sự
sang hèn trong nghề nghiệp mưu sinh, không có sự phân biệt về giá trị giữa người
nông phu hay viên sĩ quan quân đội. Ngoài năm nghề nghiệp bất chánh như buôn
bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc(7) mà người cư sĩ không nên làm, thì cụm từ bất
cứ nghề gì được ghi lại trong kinh Tăng chi(8) đã xác quyết, Đức Phật cho phép
người cư sĩ tại gia được quyền mưu sinh bằng tất cả khả năng cũng như mọi điều
kiện có thể, nhằm xây dựng một nền tảng kinh tế ổn định và bền vững.
Ngoài việc thừa nhận hạnh phúc về sở hữu và được quyền thọ hưởng vật sở hữu
của người cư sĩ tại gia, thì Đức Phật đã từng bước khuyến khích hàng cư sĩ nên
nỗ lực tìm kiếm những thứ hạnh phúc cao, bền vững hơn. Cụ thể như những hoạch định
nhằm đem lại an lạc cho tha nhân, dấn thân vì lợi ích cho cộng đồng cũng như
phát tâm hộ trì Tam bảo.
Để hoàn tất những bổn phận cần làm của người cư sĩ, cũng như thể hiện những
ước nguyện đáng quý và thanh cao, thì điều kiện quan trọng đối với hàng cư sĩ tại
gia, là phải ổn định về kinh tế.
Trang nghiêm về giới hạnh
Cùng song hành với niềm tin Tam bảo, người cư sĩ cần phải hoàn thiện những
nguyên tắc đạo đức căn bản, kinh điển gọi là giới hạnh. Theo Đức Phật, một cư
sĩ được gọi là trang nghiêm về giới hạnh thì cần phải hoàn thiện những phẩm chất:
từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh, từ bỏ nói láo, từ bỏ
đắm say rượu nấu(9). Đây là năm
nguyên tắc sống căn bản, là phẩm hạnh cần có của một người cư sĩ, là điều kiện
để sanh Thiên giới. Người hoàn thiện đầy đủ năm phẩm chất này, còn được gọi là
bậc c``hân nhân(10). Từ việc khảo
sát kinh tạng cho thấy, tần suất của năm chuẩn mực đạo đức này được Đức Phật lặp
lại hàng trăm lần và xuất hiện trong nhiều bối cảnh khác nhau. Điều đó đã khẳng
định sự quan trọng của năm nguyên tắc sống này, trong đời sống căn bản của một
người cư sĩ.
Không những thế, ngoài năm nguyên tắc mang tính cố định, mẫu mực nêu
trên, trong thực tế đời sống, người cư sĩ đúng mực cần phải thực hiện theo mười
chuẩn mực đạo đức mang tính bổ trợ như: khiêm hạ, tàm quý, trung thực, kiên
định, không phóng dật, nhẫn nhục, biết ơn, buông xả, dấn thân và tiết tháo.
Đây là những chuẩn mực đạo đức mang tính bổ trợ, được Đức Phật tùy thuận thuyết
giảng rải rác trong kinh. Sự hoàn thiện năm nguyên tắc và mười chuẩn mực đạo đức
kể trên, tạo nên một phẩm chất đạo đức riêng có của một người cư sĩ lý tưởng.
Trong những lời dạy cuối cùng với những cư sĩ ở Pataligama, Đức Phật đã
khẳng định có năm điều lợi ích đối với một cư sĩ trang nghiêm về giới luật. Thứ
nhất, sẽ có tiền của dồi dào vì có được một đời sống không phóng dật. Thứ hai,
được danh thơm tiếng tốt đồn xa. Thứ ba, người giữ giới đi vào hội chúng nào,
hoặc Sát-đế-lỵ, hoặc Bà-la-môn, hoặc gia chủ, hoặc Sa-môn, người ấy đi vào với
tâm thần không sợ hãi, không bối rối. Thứ tư, người giữ giới, sống theo giới luật
sẽ chết với tâm hồn không rối loạn. Và cuối cùng, người giữ giới, sống theo giới
luật sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh vào thiện thú, thiên giới. Đây
có thể được coi là những quan tâm cuối cùng của Đức Phật, đối với hàng cư sĩ tại
gia, được kinh Trường bộ11 và kinh Tiểu
bộ(12) đồng xác tín.
Và để người cư sĩ tại gia gặp nhiều thuận lợi trong phương diện hành trì
giới luật, Đức Phật đã có những lưu ý đặc biệt về môi trường sống, về quan hệ
giao lưu bạn bè, từ trong kinh điển gọi là làm bạn với thiện(13). Làm bạn với thiện là thân cận với
những vị có giới đức, có niềm tin; giao lưu và học tập theo gương của các vị
đó. Làm bạn với thiện theo chuẩn mực Phật dạy còn mang ý nghĩa tiên
phong hơn cả câu thành ngữ: Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ cho bạn
biết bạn là người như thế nào.
Phẩm hạnh đạo đức sở dĩ có được là do hành trì. Với một người cư sĩ tại
gia, việc áp dụng lời dạy của Đức Phật trong thực tiễn đời sống, cũng như có được
một pháp môn căn bản để hành trì, là điều rất mực quan trọng. Ngay một người cư
sĩ bận rộn như Visakha, bà vẫn ưu tư về một pháp môn hành trì phù hợp với thực
trạng đời sống của người cư sĩ, để rồi được Đức Phật dạy cho pháp tu Bát quan
trai(14). Từ đó thấy,
tùy theo điều kiện của bản thân mà người cư sĩ có thể chọn lấy một pháp hành
tương ứng. Đừng quan ngại sự tẻ nhạt hay đơn điệu của pháp hành trong giai đoạn
đầu. Hãy đi rồi sẽ tới. Ở đây, để việc hành trì có kết quả, người cư sĩ nên nhờ
một vị xuất gia có tâm và tuệ góp ý và lựa chọn cho mình một pháp hành, tương
thích với điều kiện nghiệp lực của bản thân.
Người cư sĩ xông xáo trong đời nên thân và tâm dễ bị va chạm, thương tổn
và hư hao. Với không gian hữu hạn của kiếp người và quỹ thời gian hạn chế do việc
mưu sinh, do vậy, việc quan yếu của người cư sĩ là phải nỗ lực nhổ mũi tên sầu
muộn trong kiếp sống này, bằng cách ứng dụng và hành trì theo những học pháp
căn bản, mà Đức Phật đã tùy thuyết cho người cư sĩ tại gia.
Thăng bằng và điều hòa
Một đời sống ổn định, có khí lực sung mãn thì phải có một sự điều tiết
thăng bằng và điều hòa thân, tâm. Điều thân cũng là một vấn đề quan trọng trong
đời sống cũng như trong tu tập. Vì lẽ, nếu như thân không khỏe mạnh, bệnh tật
liên miên, tất sẽ gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống đời thường cũng như trong
lộ trình tu tập.
Trước hết, muốn có được một thân thể tráng kiện, khinh an, thì phải ăn
uống cho thích nghi(15). Trường hợp Đức
Phật khuyên vua Pasenadi tiết độ trong ăn uống được ghi lại trong kinh Tương
ưng là một ví dụ điển hình. Theo kinh, vua Pasenadi có một thân thể nặng nề
vì ăn uống quá độ nên gặp trở ngại trong vận động và trong đi lại. Nhà vua tham
vấn Đức Phật về vấn đề này và được Ngài ân cần chỉ dạy: Con người thường
chánh niệm/ Ðược ăn, biết phải chăng/ Chừng mực, cảm thọ mạnh/ Già chậm, tuổi
thọ dài(16). Từ lời
khuyên này, vua Pasenadi đã tiết độ trong ăn uống và bước đầu tìm lại sự tráng
kiện của thân thể.
Xem ra, mối quan hệ giữa ăn uống và sức khỏe đã được Đức Phật quan tâm từ
rất sớm. Vì theo Đức Phật, sự điều hòa, tiết độ trong ăn uống, trong công việc,
trong thú vui giải trí, tiêu dao… còn là những điều kiện cơ bản để có được một
sức khỏe và trường thọ, như sự khái quát từ kinh Tăng chi: Làm việc
thích đáng, biết vừa phải trong việc thích đáng, ăn các đồ ăn tiêu hóa, du hành
phải thời và sống Phạm hạnh(17).
Với một người cư sĩ, vấn đề thăng bằng và điều hòa về những vấn đề cụ thể
trong đời sống gia đình có ý nghĩa tối quan trọng, đôi khi định đoạt hạnh phúc
của cả một gia đình. Chẳng hạn, sự điều hòa trong việc mưu sinh và nuôi dạy con
cái. Đành rằng, kiếm tiền để nuôi sống gia đình và để lo cho tương lai con cái
là điều rất mực quan trọng; tuy nhiên, việc quan tâm và dạy dỗ con cái cũng là
trọng trách không thể thiếu của cả ông bố và bà mẹ. Đôi khi người cư sĩ cứ mải
mưu toan sự nghiệp mà quên rằng, có những đứa con đang nếm trải cô đơn ngay
trong chính gia đình mình. Bất hạnh này có thể bắt gặp từ lịch sử cho đến hôm
nay.
Trong việc ứng xử với các mối quan hệ cơ bản của đời người, cũng cần có một
tâm thế nhuần nhuyễn và cân bằng. Đơn cử, mặc dù phải chăm nom một gia đình
riêng tư, nhưng người cư sĩ cần phải chung tay lo cho cha mẹ hai bên. Ứng xử
chu toàn và phù hợp với hai bên nội ngoại không những là chất liệu đem đến hạnh
phúc cho gia đình, mà còn là chuẩn mực lý tưởng của một người con hiếu thảo ở mọi
thời đại. Không những thế, với các mối quan hệ còn lại như quan hệ thầy trò, bạn
bè, thân tộc, láng giềng… người cư sĩ cũng tùy theo điều kiện của mình và hoàn
cảnh thực tế, để có một thái độ ứng xử phù hợp. Thái độ sống không quá phung
phí, không quá bỏn xẻn(18) về phương diện
vật chất, là thái độ ứng xử đúng mực, với các mối quan hệ của một người cư sĩ.
Cần phải thấy, một đời sống thăng bằng và điều hòa với bản thân, với gia
đình, trong các mối quan hệ xã hội… là trải nghiệm hạnh phúc đích thực của người
cư sĩ.
Hộ pháp và hoằng pháp
Mang danh đệ tử Phật, người cư sĩ có trách nhiệm hộ pháp và hoằng pháp
trong điều kiện có thể của mình. Trong bảy pháp thăng tiến của người cư sĩ được
Phật dạy trong kinh Tăng chi chuyên chở cả hai nội dung, hộ pháp và hoằng
pháp(19).
Trước hết, trong vai trò hộ pháp, người cư sĩ cần hỗ trợ các điều kiện
sinh hoạt cho Tăng-già. Hộ pháp được hiểu ở đây tức là hỗ trợ các phương tiện
và điều kiện, nhằm làm cho ngôi Tam bảo ổn định vững bền và ngày càng phát triển.
Trong kinh Bổn phận người gia chủ, Đức Phật đã khẳng định với
Anathapindika rằng, muốn trở thành một vị cư sĩ chân chánh, kinh văn gọi là vị Thánh
đệ tử, thì phải hộ trì chúng Tỳ-kheo với y, hộ trì chúng Tỳ-kheo với đồ
ăn khất thực, hộ trì chúng Tỳ-kheo với sàng tọa, hộ trì chúng Tỳ-kheo với dược
phẩm trị bệnh(20).
Nói cách khác, vai trò hộ pháp đầu tiên của người cư sĩ, chính là góp phần
đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho hàng xuất gia. Trong dòng chảy lịch sử, điều
kiện sống của hàng xuất gia đôi khi có vài thay đổi nhỏ. Ở đây, tùy theo không
gian và truyền thống tu tập, người cư sĩ nên uyển chuyển cân nhắc, để việc hỗ
trợ cho Tăng-già được chu toàn và đủ ý nghĩa.
Nghĩa hộ pháp kế tiếp của người cư sĩ, là sự hỗ trợ về không gian tu.
Không gian tu, có thể được xem là trung tâm tu học trong cách hiểu hiện đại, là
một phương tiện quan trọng để giữ gìn cũng như phát triển giáo pháp. Trầm tư về
ngôi Kỳ Viên tịnh xá, nơi lưu xuất nhiều bài kinh quan trọng, và là nơi chứng
Thánh của nhiều vị đệ tử Phật, đã minh chứng rằng, không gian tu có ý nghĩa quyết
định đối với sự thăng tiến trong tu tập nói riêng và sự phát triển của Phật
giáo nói chung. Không gian tu ngày nay có thể là một ngôi chùa, một tịnh xá, một
trung tâm tu học xứng tầm. Hộ pháp về phương diện không gian tu có một ý nghĩa
quan trọng, được Đức Phật tán thán: Ai cho chỗ trú xứ, kẻ ấy cho tất cả(21).
Hộ pháp còn được hiểu là sự phòng hộ, gìn giữ ở nghĩa cụ thể, về các
phương diện liên quan đến Tam bảo như kinh điển, chùa chiền, Tăng sĩ và thanh
danh của Giáo hội. Ngay từ thời Phật, các thế lực không cùng con đường và khác
biệt về lý tưởng, đã có những toan tính hòng làm vấy bẩn hình ảnh Tăng-già, phá
hoại không gian tu cũng như bôi nhọ Phật giáo(22). Gặp phải những trường hợp đó, người
cư sĩ đúng nghĩa cần phải chung tay hộ trì Tam bảo bằng khả năng có thể, với
tâm thương yêu và sự tỉnh giác cao độ. Trong một vài trường hợp đặc biệt, người
cư sĩ cần phải phát nguyện dấn thân, vì minh danh lý tưởng cao cả.
Trên phương diện hoằng pháp, trước hết, người cư sĩ phải tự mình hoàn thiện
những phẩm hạnh đạo đức tự thân, nỗ lực trang bị cho mình những kiến giải cơ bản
về pháp Phật. Câu chuyện cảm động về việc giải thuyết cho nhau nghe về pháp Phật,
trong lúc người thân bệnh nặng, của đôi vợ chồng Nakula, là một bài học sống động
về Phật hóa gia đình(23). Tự mình ứng
dụng Phật pháp và trang bị chất liệu đó cho những người thân, là trách vụ hoằng
pháp đầu tiên của hàng tại gia cư sĩ.
Phương thức hoằng pháp của người cư sĩ nếu như biết nhuần nhuyễn vận dụng,
thì cũng rất đa dạng và phong phú, không nhất thiết là phải thăng tòa thuyết giảng.
Với người cư sĩ, vận dụng nhuần nhuyễn Tứ nhiếp pháp có tác dụng bổ trợ
rất lớn trong lãnh vực hoằng pháp nói chung. Theo kinh Tăng chi, sau khi
tự mình hoàn thiện tín, giới, văn, thí xả, tàm quý, tinh cần…
người cư sĩ còn khuyến khích kẻ khác cùng hoàn thiện như mình, thì được gọi là
người cư sĩ vừa tự lợi vừa lợi tha(24). Trong một vài trường hợp đặc biệt, khi người cư sĩ thực hiện trọn vẹn
trách vụ nêu trên, thì được Đức Phật tán thán là hơn cả bậc chân nhân(25). Đây là một kinh nghiệm có giá trị
ứng dụng thực tiễn.
Vì lẽ, trong các chúng đệ tử Phật, chúng tại gia cư sĩ có một số lượng
đông đảo và có điều kiện để tiếp cận với đủ mọi hạng người trong nhiều giai tầng
xã hội. Đây cũng là những đối tượng đôi khi nằm ngoài tầm với của người xuất
gia. Với ước tính sơ bộ, nếu như mỗi người cư sĩ tại gia chỉ cần chuyến hóa vài
mươi người quy kính Tam bảo, thì sự nghiệp hoằng pháp ở nghĩa rộng nhất được khẳng
định vững chắc. Đây vừa là bổn phận và đồng thời là thế mạnh của một người cư
sĩ chân chánh.
Tạm kết
Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng bàng bạc trên mỗi bước chân du hóa của Đức
Phật và chư Tăng. Bậc chân nhân, là từ được Đức Phật sử dụng trong một số
ngữ cảnh, nhằm vinh danh mẫu hình người cư sĩ lý tưởng. Đi tìm một mẫu hình có
nhiều thuộc tính chung nhất của người cư sĩ, là điều không dễ dàng trong điều
kiện hạn chế về tư liệu và bất cập về không gian. Với những nỗ lực bước đầu,
chúng tôi cố gắng xây dựng những tiêu chí mang tính cơ bản, để mỗi người cư sĩ
có thể tự tìm thấy mình trong đó. Và hơn thế, qua những chuẩn mực nêu trên, tạo
cho người cư sĩ tại gia một sự khẳng định riêng có, cũng như một lý tưởng để hướng
về.
Chú thích
(1) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gia chủ,
kinh Thích tử Mahanama; Kinh Tương ưng, tập V, thiên Đại phẩm,
chương XI, Tương ưng dự lưu, phần b, phẩm Phước đức sung mãn, kinh Mahanama;
kinh Tạp A-hàm, Tương ưng Ma Ha Nam, kinh Ưu bà tắc, số 1308, bản
dịch của Thích Đức Thắng, Tuệ Sỹ hiệu đính và chú thích.
(2) Kinh Trường bộ, tập
2, kinh Thập thượng; kinh Tăng chi, chương Mười pháp, phẩm Lớn, kinh Những
câu hỏi lớn. Xem thêm: 1. 大 佛 頂 首 楞 嚴 經,卷 八; 2. 大 正 新 脩 大 藏 經 第 一 冊 No. 12, 阿 含 部, 佛 說 大 集 法 門 經 卷 上. Nguyên
văn: 一 切 眾 生 皆 依 食 住.
(3) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức,
kinh Bốn nghiệp công đức.
(4) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Bố thí, kinh Người
chân nhân.
(5) Kinh Tăng chi, chương Sáu pháp, phẩm Dhammika,
kinh Nghèo khổ.
(6) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Cứu La Đàn Đầu,
số 5.
(7) Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Nam cư sĩ,
kinh Người buôn bán.
(8) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gotami, kinh Dìghajanu,
Người Koliya.
(9) Kinh Tương ưng, tập V, thiên Đại phẩm, chương XI,
Tương ưng dự lưu, phần b, phẩm Phước đức sung mãn, kinh Mahanama.
(10) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Bậc chân
nhân, kinh Các học pháp.
(11) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Đại bát Niết-bàn,
số 16, Tụng phẩm 1.
(12) Kinh Tiểu bộ, tập 1, kinh Phật tự thuyết, chương
tám, phẩm Pataligamiya.
(13) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gotami, kinh Dìghajanu,
Người Koliya.
(14) Kinh Tăng chi, chương tám pháp, phẩm Ngày trai giới,
kinh Visakha. Xem thêm, kinh Trung a hàm, phẩm Bô Đa Lợi, kinh Trì
trai, bản dịch của Tuệ Sỹ.
(15) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Đại thiện kiến
vương, số 17.
(16) Kinh Tương ưng, tập 1, chương 3, Tương ưng Kosala,
phẩm thứ hai, kinh Đại thực.
(17) Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Bệnh, kinh Tuổi
thọ.
(18) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gotami, kinh Dìghajanu,
Người Koliya.
(19) Kinh Tăng chi,
chương Bảy pháp, phẩm Vajji, kinh Bất hạnh thối đọa.
(20) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nguồn sanh
phước, kinh Bổn phận người gia chủ.
(21) Kinh Tương ưng,
tập 1, Tương ưng chư Thiên, phẩm Thiêu cháy, kinh Cho gì?.
(22) Tích truyện
Pháp cú, phẩm Thế gian, Chiến già vu khống Phật, Bản dịch của Viên
Chiếu. Xem thêm, kinh Tiểu bộ, tập IV, chuyện Giải thoát sự trói buộc,
số 120; kinh Tiểu bộ, tập V, chuyện Vua Bharu, số 213; kinh Tiểu bộ, tập
VI, chuyện Vương tử liên hoa, số 472.
(23) Kinh Tăng chi,
chương Sáu pháp, phẩm Cần phải nhớ, kinh Cha mẹ của Nakula.
(24) Kinh Tăng chi,
chương Tám pháp, phẩm Gia chủ, kinh Thích tử Mahanama.
(25) Kinh Tăng chi,
chương Bốn pháp, phẩm Bậc chân nhân, kinh Người có lòng tin.
Chúc Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét