Bảy Giai Ðoạn Thanh Lọc --- Nnarama Mahathera

Con đường thực hành dẫn đến Niết Bàn chia làm bảy giai đoạn, được gọi là Bảy Giai Ðoạn Thanh Lọc (satta visuddhi).
Theo thứ tự, bảy giai đoạn ấy là:
  1. Thanh Lọc Giới Ðức (Sìlavisuddhi, giới tịnh)
  2. Thanh Lọc Tâm (Cittavisuddhi, tâm tịnh)
  3. Thanh Lọc Quan Kiến (Ditthivisuddhi, kiến tịnh)
  4. Thanh Lọc bằng cách Khắc Phục Hoài Nghi (Kankhàvitaranavisuddhi, đoạn nghi tịnh)
  5. Thanh Lọc bằng cách Thấu Hiểu và Nhận Thấy thế nào là "Con Ðường" và thế nào là "Không-Phải-Con-Ðường" (Maggàmagganànadassanavisuddhi, đạo phi đạo tri kiến tịnh)
  6. Thanh Lọc bằng cách Thấu Hiểu và Nhận Thấy Con Ðường (Patipadànànadassanavisuddhi, đạo tri kiến tịnh)
  7. Thanh Lọc bằng cách Thấu Hiểu và Nhận Thấy (Nanadassanavisuddhi, tri kiến tịnh)
Vào lúc chứng ngộ Niết Bàn, tâm trực tiếp liên hệ đến giai đoạn thứ bảy, tri kiến tịnh -- cũng là giai đoạn cuối cùng -- của sự thanh lọc tâm, vốn là tuệ giác Siêu Thế của Con Ðường. Tuy nhiên, không thể trực tiếp thành tựu sự thanh lọc này mà không trải qua sáu giai đoạn trước. Vì bảy giai đoạn của sự Thanh Lọc là một loạt những tuệ giác nhân quả liên quan với nhau, không thể thành đạt giai đoạn thứ bảy trước khi trải qua sáu giai đoạn trước.
Trong Tam Tạng kinh điển, chỉ có bài Rathavinìta Sutta (bài kinh về những Trạm Xe), bài kinh thứ hai mươi bốn của bộ Majjhima Nikàya (Trung A Hàm) đề cập đến Bảy Giai Ðoạn của sự Thanh Lọc. Trong bài Dasuttara Sutta, bài kinh số 34, của bộ Dìgha Nikàya (Trường A Hàm), bảy giai đoạn thanh lọc này nằm trong chín pháp gọi chung là "những yếu tố nhằm thanh lọc" (pàrisuddhi padhàniyanga), hai yếu tố này là thanh lọc trí tuệ và thanh lọc sự giải thoát. Dầu sao, loạt bảy giai đoạn thanh lọc này là phần nòng cốt của quyển sách bách khoa về pháp hành thiền trong Phật Giáo Visuddhimagga (Thanh Tịnh Ðạo) của Ngài Bhadantàcariya Buddhaghosa. Như vậy, loạt bảy giai đoạn này là những nét đại cương ngắn gọn của toàn thể con đường mà một hành giả trải qua trong cuộc hành trình của nội tâm, từ trạng thái bị trói buộc đến giải thoát.
Trong kinh Rathavinìta Sutta, Bảy Giai Ðoạn của sự Thanh Lọc này được trình bày dưới hình thức một cuộc đàm thoại giữa Ðại Ðức Sàriputta (Xá Lợi Phất) và Ðại Ðức Punna Mantàniputta Thera. Những câu hỏi của Ngài Sàriputta được Ngài Punna giải đáp một cách rõ ràng -- tất cả làm sáng tỏ vài điểm nổi bật của giáo thuyết này.
-- Này Sư Huynh, dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn có đời sống thánh thiện không?
-- Bạch Sư Huynh, có.
-- Này Sư Huynh, có phải để thanh lọc giới đức mà ta sống cuộc sống thánh thiện dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn chăng?
-- Bạch Sư Huynh, không phải để vậy.
-- Vậy, này Sư Huynh, có phải để thanh lọc tâm mà ta sống cuộc sống thánh thiện dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn chăng?
-- Không phải để vậy, bạch Sư Huynh.
-- Vậy, này Sư Huynh, có phải để thanh lọc quan kiến của mình mà ta sống cuộc sống thánh thiện dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn chăng?
-- Không phải để vậy, bạch Sư Huynh.
-- Vậy, này Sư Huynh, có phải để khắc phục hoài nghi mà ta sống cuộc sống thánh thiện dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn chăng?
-- Không phải để vậy, bạch Sư Huynh.
-- Vậy, này Sư Huynh, có phải để thanh lọc bằng sự thấu hiểu và nhận thấy thế nào là con đường và thế nào là không-phải-con-đường mà ta sống cuộc sống thánh thiện dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn chăng?
-- Không phải để vậy, bạch Sư Huynh.
-- Vậy, này Sư Huynh, có phải để thanh lọc bằng sự thấu hiểu và nhận thấy con đường mà cuộc sống thánh thiện được sống dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn chăng?
-- Không phải để vậy, bạch Sư Huynh.
-- Vậy, này Sư Huynh, có phải để thanh lọc bằng cách thấu hiểu và nhận thấy mà cuộc sống thánh thiện được sống dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn chăng?
-- Không phải để vậy, bạch Sư Huynh.
Tóm lược các điểm trên trong câu chuyện, và nhấn mạnh chiều hướng tiêu cực, Ðại Ðức Sàriputta hỏi: "Này Sư Huynh, như vậy thì mục tiêu của đời sống thánh thiện dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn là gì?" Và Ðại Ðức Punna trả lời: "Bạch Sư Huynh, chính là để dập tắt hoàn toàn, không mảy may chấp thủ, mà cuộc sống thánh thiện được sống dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn."
Lời giải đáp này cho thấy rằng chí đến giai đoạn thứ bảy, mức thanh lọc cuối cùng, cũng không được xem là mục tiêu tối hậu của đời sống thánh thiện. Mục tiêu chỉ là dập tắt hoàn toàn, tận diệt tất cả những ô nhiễm, không còn hình thức bám níu nào. Nói cách khác, đó là chứng ngộ Niết Bàn -- chấm dứt trọn vẹn các pháp hữu vi.
Ðể làm sáng tỏ điểm này, Ðức Punna Mantàniputta thuật lại câu chuyện ngụ ngôn về Các Trạm Xe như sau:
"Bạch Sư Huynh, cũng giống như trong lúc Vua Pasenadi xứ Kosala đang ngụ tại Sàvitthi mà có chuyện cần phải đi gấp đến thành Sàketa. Như vậy từ Sàvitthi đến Sàketa người ta sắp xếp sẵn bảy trạm xe. Bạch Sư Huynh, Vua Pasenadi xứ Kosala rời cung điện tại Kosala, lên xe và dùng chiếc xe đầu tiên này đi đến trạm thứ nhất. Nơi đây vua rời chiếc xe thứ nhất, lên chiếc xe thứ nhì và dùng xe này đi đến trạm nhì. Nơi đâu vua rời chiếc xe của trạm nhì, lên một chiếc xe khác để đến trạm ba. Nơi đây vua rời chiếc xe của trạm ba, lên một chiếc khác để đến trạm thứ tư. Nơi đây vua rời chiếc xe của trạm tư, lên một chiếc xe khác để đến trạm năm. Nơi đây vua rời chiếc xe của trạm năm, lên một chiếc xe khác để đến trạm sáu. Nơi đây vua rời chiếc xe của trạm thứ sáu, lên một chiếc xe khác, và xe này sẽ đưa vua đến hoàng cung tại thành Sàketa."
Trong trường hợp của bảy giai đoạn thanh lọc, "làm cho trong sạch" có nghĩa là loại bỏ những yếu tố bất thiện đối nghịch. Thanh Lọc Giới Ðức (giới tịnh) hàm ý là làm cho giới đức trong sạch bằng cách kiêng cữ, không để phạm những lỗi lầm bằng thân, khẩu và trong lối làm ăn sinh sống. Thanh Lọc Tâm (tâm tịnh) là làm cho tâm trong sạch bằng cách gội rửa tham dục, oán ghét, hôn trầm, phóng dật và xung đột hoài nghi không nhất quyết. Thanh Lọc Quan Kiến (kiến tịnh) là làm cho sự nhận thấy của mình trong sạch bằng cách đánh tan những quan kiến sai lầm méo mó. Thanh Lọc bằng cách Khắc Phục Hoài Nghi (đoạn nghi tịnh) là tiến đạt đến trạng thái trong sạch bằng cách chinh phục tất cả mọi hoài nghi về những sự việc trong những kiếp sinh tồn của vòng luân hồi. Thanh Lọc bằng cách Thấu Hiểu và Nhận Thấy thế nào là Con-Ðường và thế nào là Không-Phải-Con-Ðường (đạo, phi đạo, tri kiến tịnh) là trạng thái trong sạch thành đạt bằng cách vượt qua khỏi những tình trạng mê loạn ảo huyền phát sanh trong khi hành thiền, hiểu biết và thấy rõ thế nào là Con-Ðường, và thế nào là Không-Phải-Con-Ðường. Thanh Lọc bằng cách Thấu Hiểu và Nhận Thấy Con Ðường (đạo tri kiến tịnh) là trạng thái trong sạch sau khi đã tạm thời loại trừ những ô nhiễm ngăn trở Con Ðường Hành Thiền. Và cuối cùng, Thanh Lọc bằng cách Thấu Hiểu và Nhận Thấy (tri kiến tịnh) là tình trạng hoàn toàn trong sạch thành đạt bằng cách tận diệt mọi ô nhiễm cùng với những khuynh hướng ngủ ngầm của nó do những Con Ðường Siêu Thế (Thành Ðạo). Tri kiến tịnh bao gồm sự hiểu biết và nhận thấy bốn Con Ðường -- Con Ðường Nhập Lưu (Tu Ðà Hườn Ðạo), Con Ðường Nhất Lai (Tư Ðà Hàm Ðạo), Con Ðường Bất Lai (A Na Hàm Ðạo) và Con Ðường A La Hán (A La Hán Ðạo).




Phụ Bản


Tiếng Gọi Của Ðời Sống Hành Thiền

Giá trị cố hữu của cuộc đời một nhà sư hành thiền quả thật vượt quá mọi lượng định. Trong thế gian có nhiều lối sống kỳ diệu. Nhưng khó tìm được một lối sống nào kỳ diệu hơn cuộc đời của nhà sư hành thiền. Khi suy tưởng như vậy quý vị có lý do để tự tán dương mình đã dấn thân vào cuộc sống này. Ðời sống của nhà sư hành thiền không những chỉ vô cùng quý báu, không thể đánh giá, mà còn tinh khiết và trong sạch. Tất cả những lối sống kỳ diệu khác trên thế gian đều có liên hệ đến ngoại cảnh, có gì liên quan đến sự vật bên ngoài -- với vũ trụ cơ giới. Ðời sống của người hành thiền đàng khác, liên quan đến những cơ giới bên trong -- những "bộ máy" kiểm soát tâm. Ðức Phật là vị hành giả vĩ đại nhất của mọi thời đại. Cuộc sống của nhà sư hành thiền khởi xuất từ nơi Ngài. Một vị Phật thị hiện là hiện tượng vô cùng hy hữu trên thế gian. Không phải tất cả những người nghe Giáo Pháp của Ngài đều thực hành cuộc sống hành thiền; chỉ một ít vị nhiệt thành thực hành. Quý vị hãy cảm nghe sung sướng được kể trong số ít người hữu phúc ấy.
Hãy nghĩ đến những thành quả an lạc mà quý vị thọ hưởng, sau thời gian thực hành Giáo Pháp mà Ðức Phật ban truyền. Nếu, vào một ngày đáng ghi nhớ nào trong đời, do một năng lực tinh thần dũng mãnh thúc giục từ bên trong, quý vị phát tâm muốn xuất gia -- đi từ nhà đến hoàn cảnh không nhà cửa -- quý vị phải luôn luôn ghi nhớ rằng đó là diễn biến có nhiều ý nghĩa nhất trong đời. Quý vị có thể bỏ lại sau lưng cha và mẹ, vợ và con, những thân bằng và quyến thuộc và tài sản, do lòng thúc dục dũng mãnh và ý định xuất gia phát sanh trong khi nghe Giáo Pháp. Trong bất luận trường hợp nào, không nên chùng bước quy hàng. Quý vị có thể tin chắc rằng bước tiến này quả thật thích nghi với loại "xuất gia" lý tưởng được mô tả trong kinh điển.
Bài kinh Sàmannaphala Sutta (Kinh Quả Báo của Sa Môn) trong bộ Dìgha Nikàya (Trường A Hàm) mô tả tinh thần xuất gia thật sự nằm phía sau hành động "xuất gia" với những lời lẽ như sau:
"Giờ đây, một người tại gia cư sĩ hay con một người cư sĩ, hay người nào khác, sanh trưởng trong gia đình này hay gia đình nọ, lắng nghe Giáo Pháp. Và khi nghe Pháp người ấy có đức tin nơi Ðấng Toàn Giác. Trong khi thấm nhuần niềm tin, người ấy suy gẫm: "Ðời sống tại gia quả thật đầy chướng ngại -- một con đường đầy bợn nhơ của khát vọng. " Xuất gia" cũng tựa hồn như thoát đến giữa trời. Người tại gia cư sĩ quả không dễ gì sống đời thánh thiện một cách toàn vẹn, hoàn toàn trong sạch, tuyệt đối vô nhiễm. Như vậy hãy để tôi cạo râu tóc, đắp lên mình bộ y cà sa và đi từ nhà đến trạng thái không nhà cửa." Rồi không bao lâu sau, bỏ lại sau lưng tài sản sự nghiệp dầu lớn hay nhỏ, bỏ lại sau lưng họ hàng quyến thuộc, dầu đông đảo hay ít, người ấy cạo sạch râu tóc, khoác lên mình tắm y vàng nghệ và rời nhà ra đi, đến trạng thái không nhà cửa. (D.I, từ trang 62 trở đi).
Với loại "xuất gia" này bạn bước chân vào một môi trường thích hợp nhất cho công phu trau giồi tâm. Tuy nhiên, cũng như bất luận mạo hiểm nào khác, nơi đây cũng vậy, bạn phải vô cùng thận trọng đề phòng những hiểm họa có thể xảy đến. Có bốn giai đoạn trong đời của nhà sư hành thiền:
  1. Cơ hội "xuất gia", ra đi từ cuộc sống tại gia;
  2. Giai đoạn sơ khởi của cuộc đời hành thiền, lúc bắt đầu rèn luyện tâm, trong cảnh cô đơn, với sự hỗ trợ của đề mục hành thiền;
  3. Gặp những hiểm họa trong lúc hành thiền đơn độc một mình;
  4. Giai đoạn hoan hỷ với những thành quả do pháp hành tạo nên.
Ðể diễn tả những giai đoạn trên ta có thể trước tiên so sánh hoàn cảnh "xuất gia" của người hành thiền với người hoàn tất công trình khai thông một con đường xuyên qua khu rừng rậm đầy chông gai. Ðời sống tại gia trong thực tế là một khu rừng đầy gai chướng. Mặc dầu vậy, ta cũng có thể rong rừng phá bụi để mở đường, nhưng phải đối đầu với những hiểm họa như thú dữ và rắn độc. Người hành thiền cũng vậy, trong giai đoạn sơ khởi của công trình hành thiền cũng phải đương đầu với nhiều tư tưởng vọng động, nguy hiểm không khác nào thú rừng hung rợn và rắn rít. Nhưng nhờ kiên trì cố gắng, hành giả thành công khắc phục mọi hiểm nguy. Hiện tượng này cũng ví như người kia tận lực gia công mở một con đường hữu dụng xuyên qua vùng đất hiểm nguy. Ðến giai đoạn này hành giả ghi công trận chiến thắng những tư tưởng vọng động một cách vẻ vang. Giờ đây thế gian, cùng với các vị trời, ngưỡng nhìn lên hành giả như một con người có nhiều giá trị và bắt đầu tôn kính lễ lạy. Nhưng rồi tự mãn với thành công sơ khởi, hành giả sa lún trong đám sình lầy. Bởi vì lợi lộc, danh vọng và những lời tán dương cũng ví như sình lầy. Vài vị hành giả lún trong sình bị ngập đến cỗ, không thể thoát thân. Vài người khác bị lún kẹt một lúc nhưng cố gắng vùng vẫy và thoát nạn. Cũng có những người kịp thời nhìn thấy hiểm họa và tận lực cố tránh.
Như vậy đời sống người hành thiền thật vô cùng quý báu nhưng cũng vô cùng trắc trở gay go, cần phải hết sức cẩn trọng. Hy vọng rằng các điểm ghi nhận trên sẽ cống hiến bạn những dữ kiện để suy tư, những món ăn tinh thần để nhuần nhã suy gẫm, nhằm tiếp tục công phu hành thiền của bạn với tâm hồn mới mẻ khỏe khoắn và năng lực tinh thần dũng mãnh cường tráng.
Ðời sống hành thiền này phải được lèo lái một cách nhiệt thành và thận trọng. Nếu năng lực tinh thần đã được khởi đầu trong chiều hướng chân chính mà nửa chừng phải rơi vào lầm lạc thì nó sẽ mất trớn. Như vậy quý vị hãy quyết tâm dũng mãnh nhiệt thành và tăng trưởng năng lực cho ý chí, cắt đứt mọi cơ hội có thể làm đình trệ hay gián đoạn pháp hành.

Trích: "Bảy Giai Ðoạn Thanh Lọc và Tuệ Minh Sát", Nnarama Mahathera,
Phạm Kim Khánh chuyển dịch, Trung Tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ
Tham khảo thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét