Huyền bí "giấc mơ" và giấc mộng từ nghìn năm kể lại... Lê Tập - Thiên Hà

Bao nhiêu câu chuyện đồn thổi về "giếng Phật" ở chùa Thiên Ấn cho đến bây giờ vẫn còn là kỳ bí chưa thể lý giải được. Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi thực hiện cuộc hành trình đến với "giếng Phật" này.

image
Kỳ bí …"giếng Phật"

Men theo con dốc dài chạy quanh co sau lưng núi Ấn, sừng sững trên triền núi rợp cây xanh, chùa hiện lên với vẻ cổ kính, an nhiên và trầm tĩnh. Chùa Thiên Ấn có "giếng Phật" tọa lạc trên núi Thiên Ấn, thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Chùa do thiền sư Pháp Hòa dựng vào năm 1694, được chúa Nguyễn Phúc Chu ban biểu ngạch "Sắc tứ Thiên Ấn Tự" năm 1716.

 

Đường dẫn lên "Giếng Phật"

Trong không gian trầm mặc xung quanh là cây cối um tùm, ngôi chùa có vẻ u tịch. Nằm nép mình bên một gốc bồ đề cổ thụ là "giếng Phật" đã nhuộm màu rêu phong cổ kính. Tôi hỏi một sư cô đang quét rác: "Cho con hỏi, ở chùa có giếng Phật phải không ạ? Giếng Phật bắt nguồn từ đâu? Có điều gì thần bí ở cái giếng này…".  Sư cô nhỏ nhẹ nói: "Câu chuyện về giếng Phật dài lắm các con ạ. Cô cũng chưa rõ nó bắt nguồn từ đâu và có rất nhiều giả thiết đưa ra nhưng còn mơ hồ lắm, câu chuyện về giếng Phật vẫn còn là điều bí ẩn".
Bác Nguyễn Văn Hùng, người dân sống ở đây cho biết: "Tui cũng nghe người ta đồn đại về giếng Phật ở chùa Thiên Ấn, đặc biệt là thời gian gần đây, rằng uống nước "giếng Phật" có khả năng chữa được rất nhiều bệnh. Có người đi viện nằm vật vã hàng tháng trời mà bệnh tình không thuyên giảm, dù được các bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng cũng phải trả về. Có tin đồn, uống nước giếng Phật ở chùa Thiên Ấn thì bệnh sẽ khỏi ngay. Không rõ thực hư ra sao nhưng dân trong vùng và nhiều nơi khác cứ ùn ùn kéo về xin nước".
Một đồn mười, mười đồn trăm,… ai cũng tìm cách để "mục sở thị"  giếng Phật, người dân khắp nơi đổ xô về "giếng Phật" mong múc cho được một ca "nước thiêng" mà uống . Cụ Nguyễn Thúy, 60 tuổi, ở tỉnh Quảng Nam hồi hộp nói: "Tui nghe mọi người nói ở chùa Thiên Ấn có giếng Phật ai đang ốm đau, đi viện viện trả về nhưng uống nước giếng Phật thì khỏe mạnh trở lại. Ông nhà tui đang mắc bệnh lao phổi trong tình trạng nguy kịch, tui tuổi đã cao đường xá lại xa xôi nhưng cũng phải lên đây xin Phật một ít nước về cho ông uống để coi bệnh tình có khỏi không".
Tam quan chùa Thiên Ấn

 Giếng Phật được đào từ lúc khai sơn phá thạch, câu chuyện về nhà sư đào giếng đã lưu truyền rộng rãi trong dân gian và được ghi lại trong các thư tịch cổ mà nhà Phật xem là những Phật thoại. Tương truyền rằng, giếng đào mất 20 năm mới hoàn thành, và đây là cái giếng "khai sinh" cho sự sống của cả vùng núi Thiên Ấn. Sau bao nhiêu năm vỡ núi tìm nguồn nước, vị sư trụ trì đã đụng đến viên đá tảng khổng lồ chắn ngang nguồn nước, tưởng rằng vô vọng. Đêm về, vị sư đã được báo mộng, phải nạy tảng đá đó lên sẽ có được nguồn nước thiêng. Đúng như lời báo mộng, ngày sau đó các vị sư đã tìm cách nạy tảng đá lên thì một nguồn nước lớn phun từ đáy giếng lên, cũng lúc đó các vị sư "hóa" thành dòng nước biến mất.
Ngôi Chính điện của chùa Thiên Ấn

Sự biến mất kỳ bí của các vị sư đào giếng đó, người dân núi Ấn đã có thơ truyền miệng: "Ông thầy đào giếng trên non, đến khi có nước không còn tăm hơi". Từ sự kỳ lạ đó mà giếng xưa đã được người dân đặt tên là "giếng Phật", bây giờ giếng vẫn còn nguyên vẹn, nước trong xanh, thành giếng được bao phủ đầy rêu phong, xung quanh giếng được giăng lưới bảo vệ, mỗi năm có đến hàng nghìn khách thập phương đến với "giếng Phật" uống "nước thiêng", khỏa nước giếng để mong điều thần bí đến với mình.
Nhiều câu chuyện ly kỳ đồn thổi xung quanh "giếng Phật" ở chùa Thiên Ấn

Trụ trì tổ đình chùa Thiên Ấn và chư tăng cho biết: "Giếng Phật ở chùa Thiên Ấn là câu chuyện được truyền đến hàng nghìn năm, cho đến bây giờ vẫn là điều bí ẩn chưa lý giải được".
Cụ Nguyễn Linh, vị cao niên huyện Sơn Tịnh kể: "Từ đời cố, đời ông cho đến đời tui sinh ra đã nghe kể về "giếng Phật" ở chùa Thiên Ấn rồi. Nhưng nguồn gốc về cái giếng thì vẫn chưa rõ ràng chính xác. Còn uống nước giếng thiêng để gột rửa bụi trần và tác dụng khác thì được rất nhiều người khắp nơi tìm đến để "thưởng thức".
Nước "giếng Phật"… chữa bách bệnh?
Một trong những điều bí ẩn đến bây giờ chưa có thể lý giải, đó là nước giếng có tác dụng như người ta đồn thổi từ lâu hay không? Liệu rằng uống nước ở "giếng Phật" sẽ trường thọ, chữa được bách bệnh, gột rửa tội lỗi, phàm tục trong mỗi con người để trở nên trong sạch hơn hay không?… Và còn nhiều lời nguyền từ "giếng Phật" nữa...
Chị Nguyễn Thị Lan, 54 tuổi, trú ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh vẫn thường xuyên đến chùa thắp hương cầu nguyện cho hay: "Giếng Phật thì ai cũng biết, nhưng điều thần bí khi uống nước giếng thì tui không tin, bởi tui uống nước giếng Phật nhiều lắm rồi nhưng chẳng thấy hiệu quả như người ta nói. Đó là họ đồn thổi thế thôi chứ làm gì có chuyện kỳ diệu như rứa được".
Cụ Trần Tuế, 78 tuổi, cũng ở xã Tịnh Khê kể: "Theo các vị cao niên  giếng Phật có từ rất lâu rồi, nước giếng là do Phật ban cho con người ai mà uống được nước giếng này thì con người sẽ trường sinh".
Điều bí ẩn về các vị sư đào giếng rồi mất tích luôn cũng chỉ là do lưu truyền  nhưng có thể hiểu được. Bởi đó là hình ảnh đã được “Phật hóa” về sự hy sinh của những người đầu tiên khai sơn phá thạch, đào giếng đem lại nguồn nước cho cả vùng, có thể là các vị sư hay là người dân. Nhưng chưa có cơ sở để cho rằng nước giếng có tác dụng kỳ lạ, người dân đã đổ xô về chùa mong được uống một ngụm nước "trường sinh".
Việc "giếng Phật" có thể "chữa bách bệnh" đang còn phải chờ các cơ quan chức năng kiểm tra. Nhưng việc những người dân đổ về chùa Thiên Ấn đang gây ra tình trạng hỗn loạn chốn tâm linh, khiến nhiều kẻ xấu lợi dụng trục lợi làm cho tình hình an ninh trật tự ở đây trở nên phức tạp.
Ông Nguyễn Quang Minh Phó Chủ tịch thị trấn Sơn Tịnh cho biết: "Giếng ở chùa Thiên Ấn không bao giờ cạn là có thật, dù múc hay dùng máy bơm cũng vậy, nước trong xanh, mát và ngọt. Nhưng nước giếng biến thành "nước thiêng" chữa được bách bệnh, gột rửa hết tội lỗi thì chưa được khoa học kiểm nghiệm xác minh. Chúng tôi mong người dân không nên đồn thổi mà làm sai sự thật".
Lê Tập - Thiên Hà
Theo: Pháp luật và Xã hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét