Giới vật lý hoài nghi việc hạt bay nhanh hơn ánh sáng

Thuyết tương đối hẹp của Albert Einstein khẳng định mọi vật trong vũ trụ không thể di chuyển nhanh hơn vận tốc ánh sángNhiều nhà vật lý hàng đầu thế giới tỏ ra thận trọng sau khi các nhà khoa học châu Âu tuyên bố họ tìm ra hạt bay nhanh hơn vận tốc ánh sáng trong các thí nghiệm.


Thuyết tương đối hẹp của Albert Einstein khẳng định mọi vật
trong vũ trụ không thể di chuyển nhanh hơn vận tốc ánh sáng.



 

Ngày 23/9, các nhà khoa học thuộc Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) tuyên bố hạt neutrino mà họ phóng ra di chuyển nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Trong thí nghiệm, các chuyên gia đã bắn 15.000 luồng hạt neutrino từ ngoại ô thành phố Geneva tại Thụy Sỹ tới thành phố Gran Sasso. Khoảng cách giữa điểm xuất phát và đích của các luồng hạt là 730 km. Ánh sáng bay qua khoảng cách 730 km trong khoảng 2,4 phần nghìn giây, song các hạt neutrino bay nhanh hơn ánh sáng 60 phần tỷ giây.

Phát hiện này khiến nhiều nhà khoa học trên thế giới đặt câu hỏi về tính đúng đắn của thuyết tương đối hẹp do nhà vật lý lừng danh Albert Einstein đề xướng. Thuyết tương đối hẹp, được coi là hòn đá tảng của vật lý hiện đại, khẳng định mọi dạng vật chất trong vũ trụ không thể di chuyển nhanh hơn tốc độ ánh sáng trong chân không.

AP đưa tin các nhà khoa học của CERN đang thực hiện việc phóng hạt neutrino với tốc độ cao hơn để xác định xem họ nhầm lẫn hay thuyết của Einstein sai. Đây là đáp án rất quan trọng đối với cả vũ trụ.

Nếu phát hiện của các nhà khoa học thuộc CERN được xác nhận là chính xác bằng thực nghiệm, nó sẽ không thay đổi tính chất của vũ trụ hay cuộc sống của muôn loài. Song chắc chắn nó sẽ thay đổi cách hiểu của chúng ta đối với thế giới xung quanh.

Chỉ có hai phòng thí nghiệm trên thế giới có thể lặp lại thí nghiệm phóng hạt neutrino của CERN. Đó là phòng thí nghiệm Fermilab tại thành phố Chicago, Mỹ và một phòng thí nghiệm tại Nhật Bản.

Ban lãnh đạo phòng thí nghiệm Fermilab tuyên bố họ sẽ kiểm chứng phát hiện của các nhà khoa học châu Âu. Vấn đề duy nhất là các hệ thống đo đạc của họ không chính xác như hệ thống đo đạc của CERN. Rob Plunkett, một nhà khoa học của Fermilab, thừa nhận phòng thí nghiệm không thể nâng cấp các hệ thống đo đạc trong một thời gian ngắn.

Plunkett nói rằng có lẽ các học thuyết của Einstein cần được bổ sung, nhưng ông nói thêm: “Làm những việc trái với học thuyết của Einstein là rất nguy hiểm. Học thuyết của Einstein đã được kiểm chứng nhiều lần trong hơn một thế kỷ qua”.

Di chuyển nhanh hơn ánh sáng là điều không thể xảy ra trong thuyết tương đối hẹp của Einstein – học thuyết vốn được biết đến với công thức E=mc2. Tốc độ ánh sáng (299.792 km/h) từ lâu đã được coi là giới hạn tốc độ trong vũ trụ.

“Chúng tôi sẽ rất vui sướng nếu hạt neutrino thực sự bay nhanh hơn ánh sáng, bởi chúng tôi thích một thứ gì đó có khả năng làm lung lay nền tảng hiểu biết của con người”, Brian Greene, nhà vật lý nổi tiếng của Đại học Columbia tại Mỹ, bình luận.

“Suy nghĩ mà mọi người đang theo đuổi là: Điều đó không thể đúng và không thể xảy ra trong thực tế”, James Gillies, một chuyên gia làm việc cho CERN, nói.

John Ellis, một nhà vật lý lý thuyết của CERN, nói rằng việc kêu gọi cộng đồng khoa học quốc tế kiểm chứng phát hiện của CERN là điều quan trọng.

“Thuyết tương đối hẹp của Einstein đặt nền tảng cho mọi thứ trong vật lý hiện đại. Nó vẫn thể hiện sự đúng đắn tới tận bây giờ”, Ellis nói.

Theo Minh Long
VnExpress

1 nhận xét:

  1. Tôi cũng đã viết nhiều bài phản biện về tương đối tính của thuyết tương đối. Einstein vốn được các nhà nghiên cứu về Phật học trích dẫn vì thuyết này cho đến hiện nay vẫn được khoa học (vật lý) xem như là một lý thuyết căn bản. Nó giải thích được kết quả của nhiều thí nghiệm. Tuy nhiên, ý niệm về thời gian co dãn vẫn đang gây ra sự nghi vấn cho giá trị này... Ý niệm ấy đến từ phép hoán chuyển của nhà bác học Lorentz và được Einstein đưa vào thuyết tương đối. Tất cả đều dựa trên kết quả của thí nghiệm Michelson & Morley, trong giao thoa kế không có gì xảy ra và như vậy, phép hoán chuyển áp dụng cho vận tốc ánh sáng là đúng đắn. Tuy nhiên, để đưa ra sự thật thì rất dài (khoảng 80 bài viết trong các comments dài và ngắn được viết trong blog của Gs Đàm thanh Sơn, "người ngoài không thể truy cập được bài")thì vấn đề đã được giải quyết. Để chứng minh một quan điểm thì phải cần có thí nghiệm hợp lý và đáng tin cậy. Không có gì khó khăn trong việc ấy, chỉ cần dùng chính thí nghiệm Michelson & Morley (theo mẫu mới nhất sử dụng tia laser có độ chính xác cao hơn mẫu nguyên bản gấp nhiều lần), và đặt nó lên một toa tàu di chuyển. Chúng ta sẽ thấy kết quả không còn bất biến như cũ khi có sự dịch chuyển phổ về hướng xanh. Kết luận, phép hoán chuyển thất bại, và như vậy, thuyết TĐ hẹp không còn ý nghĩa. Tất nhiên tôi cũng đưa ra thêm một thiết kế khác để tăng giá trị khả biến ấy lên thêm một mức cao hơn. Như vậy tính tương đối là vô nghĩa với một bằng chứng cụ thể không thể bác bỏ.

    Trả lờiXóa