Trong ngoài lặng lẽ chẳng vin đâu
Sáng suốt, hồn nhiên khỏi vọng cầu
Buông hết một phen đừng luyến tiếc
Mới hay ngay đó thấy đạo mầu!
(Viên Minh)
Ngày nay, nhân loại đã tiến bộ rất xa về mặt khoa học, kỹ thuật, đã làm thay đổi bộ mặt thế giới từng ngày, từng giờ và thậm chí từng phút, từng giây, nên đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội v.v… đều được nâng cao một cách đáng kể.
Nhờ phương tiện giao thông vận tải, phương tiện truyền thanh, truyền hình, mạng internet, vô tuyến viễn thông mà thế giới đã và đang hội nhập thành một cộng đồng quốc tế với qui mô toàn cầu hóa. Điều này đem đến biết bao phúc lợi xã hội, tiện nghi đời sống đủ để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng đa diện và phong phú của con người.
Tuy nhiên, để có được những thành quả ấy, cư dân trên trái đất nầy đã phải khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên: Khoáng sản, lâm sản, hải sản, nhiên liệu. Đồng thời, khí thải từ các nhà máy, từ tàu thuyền xe cộ, từ các thiết bị dân dụng, các sóng điện từ, các chất hóa học độc hại, từ phóng xạ hạch nhân v.v... đã làm ô nhiễm môi trường sống, phá vỡ tầng ozone, thay đổi khí hậu, thời tiết, phát sinh nhiều loại siêu vi nguy hiểm, những căn bệnh ngặt nghèo, động đất, sóng thần, bão lũ, v.v...
Hoạt động của thân và tâm là nhu cầu tất yếu của đời sống con người, thậm chí càng hoạt động tích cực, nhiệt tình, siêng năng, tháo vát để làm lợi mình lợi người hay phục vụ trong tinh thần vô ngã vị tha thì càng tốt. Tuy nhiên, vì tham vọng và ích kỷ cá nhân mà nhiều người đang cố gắng tăng tốc đến chóng mặt trong mọi lãnh vực đời sống. Họ tận dụng mọi tiềm năng thể chất lẫn tinh thần để phấn đấu, tranh thủ, giành giựt, và thậm chí, còn sẵn sàng trừ khử lẫn nhau bằng nhiều mưu mô, thủ đoạn. Những cuộc chạy đua đủ mọi lãnh vực, tầm cỡ giữa những cá nhân, tập thể, xí nghiệp, công ty, quốc gia, xã hội, hay quy mô toàn thế giới dường như không bao giờ có thể chấm dứt. Như vậy, trong khi khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại hơn thì không những tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, môi trường sống bị ô nhiễm mà cả thể chất lẫn tinh thần của con người cũng ngày càng bị khủng hoảng trầm trọng hơn!
Trong tình huống đó, bạn cũng bị lôi cuốn vào cơn lốc của thành – bại , được – mất , hơn – thua, vui – khổ giữa cuộc đời; để rồi, một lúc nào đó chợt thấy mình và những người xung quanh đã trở nên quá hấp tấp, nôn nóng, vội vã, khẩn trương, kèm theo những nỗi lo âu, sợ hãi, căng thẳng, bức xúc, thậm chí lắm khi hung bạo, tàn nhẫn, bất nhân và thác loạn. Những tình trạng khủng hoảng đó ít nhiều ảnh hưởng đến hệ thần kinh, đưa đến suy nhược, trầm cảm và những biến chứng nguy hại về mặt tâm thần.
Chính trong tình trạng bất an mà sự căng thẳng có nguy cơ đưa đến suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần đó, bạn cần phải bình tĩnh. Không nên lăng xăng, hối hả tìm biện pháp giải quyết; vì càng nôn nóng giải quyết, dù bằng cách nào, thì sự căng thẳng sẽ càng gia tăng và trở nên bất trị. Đơn giản bạn chỉ cần để cho thân tâm được nghỉ ngơi vô sự - nghỉ ngơi hoàn toàn - dù chỉ một lát thôi. Đừng dụng công, đừng gắng gượng, đừng khống chế, đừng cố luyện tập cho thân tâm đứng yên bất động. Thân tâm bạn chỉ yên khi bạn buông xuống mọi ý đồ tạo tác để cố gắng trở thành. Chính ý muốn trở thành là động cơ làm cho tâm bạn không yên, kể cả ý muốn thiền định để cố giữ cho tâm yên tĩnh. Mặc dù thiền định được gọi là hiện tại lạc trú, nhưng thực ra nó vẫn là một loại hoạt động căng thẳng chứ không phải là một nội tâm an nhiên vô sự. Vậy điều quan trọng là bạn có khám phá được sự quân bình giữa hoạt động và nghỉ ngơi một cách đúng mức hay không.
Thân tâm an lạc không xuất phát từ sự thúc ép để tạo ra an lạc, vì bất cứ điều gì được tạo thành một cách chủ quan theo tư kiến tư dục đều bị hủy hoại và đưa đến bất an đau khổ. Bí quyết của sự an lạc là thân tâm bạn phải thoát khỏi mọi ý đồ lăng xăng tạo tác của cái ta ảo tưởng. Bình an vô sự chỉ có được khi tâm bạn không bị dính mắc vào quá khứ, hiện tại hoặc vị lai, mà nó an nhiên tự tại không lệ thuộc vào bất cứ điều kiện nào. Bạn nên để cho thân tâm nghỉ ngơi thật thoải mái, tự nhiên, vì đó là nhu cầu thực sự của nó sau khi đã bị lạm dụng quá mức. Khi thân tâm bạn được nghỉ ngơi thỏa đáng thì khả năng hoạt động của nó sẽ rộng lớn hơn, chính xác hơn và hiệu quả hơn so với cái tâm lo âu, căng thẳng và bị áp lực của tham vọng hay sự ức chế tham vọng.
Hãy để cho thân bạn được thư giãn từ đầu đến chân; và hãy để cho tâm bạn được buông xả trước mọi bận rộn, đa đoan, trong những lo âu, toan tính của cái ta ảo tưởng đầy tham vọng. Bạn thử nhìn lại xem: Bạn đã bắt cái thân làm việc quá nhiều, cần phải dành cho nó ít thời gian để được nghỉ ngơi thật sự thoải mái. Cũng vậy, tâm bạn đã bận rộn với quá nhiều lo tính, sao thỉnh thoảng không cho nó được rỗng lặng vô tư để tinh thần tự ổn định và tự phục hồi năng lực? Tâm an nhiên vô sự chính là nguyên lý: “Điềm đạm hư vô chân khí tùng chi” mà Y Đạo phương Đông thường nói đến.
Nếu ngay tại đây và bây giờ tâm bạn không buông xuống được, không thể điềm đạm hư vô, an nhiên vô sự, thì bạn có thể dùng một phương tiện nào đó giúp bạn thư giãn buông xả dễ dàng hơn, như yoga, thái cực quyền, khí công hay thiền định, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời thôi, đừng xem đó là phương pháp rèn luyện lâu dài để đạt được điều gì cả, vì như vậy bạn lại lợi dụng thân tâm cho ý đồ ích kỷ nào đó của bạn, điều này chỉ làm thân tâm bạn lệ thuộc vào những điều kiện của kỹ thuật, phương pháp, chứ không phải được nghỉ ngơi thoải mái, điềm đạm hư vô một cách toàn triệt. Theo Lão Tử thì cảnh giới cao nhất của tâm là vô vi, còn đức Phật thì đó là tâm không, vô tướng, vô tác, vô nguyện. Chính khi rỗng lặng vô tâm thì mọi điều kỳ diệu mới có thể xảy ra. Đó là lý do vì sao Lão Tử nói: “Cố thường vô, dục dĩ quan kỳ diệu”. (Cho nên thường rỗng không để thấy điều kỳ diệu của nó). Và đức Phật cũng dạy: “Hữu vi tạo tác lặng xuống mới an lạc” (Tesaṃ - saṅkhārā - vūpasamo sukho).
Bạn đừng xem sự buông xuống mọi ý đồ lăng xăng tạo tác của cái ta ảo tưởng chỉ là một sự nghỉ ngơi tạm thời để lấy sức cho những ý đồ mới quy mô hơn, thực ra sự buông xuống cái ngã hữu vi này là sự giải thoát đầu tiên mà cũng chính là sự giải thoát cuối cùng nếu như đó là sự buông xả toàn triệt của ba-la-mật (upekkhā pāramī). Trong Kệ Pháp Cú 97, đức Phật mô tả một người giác ngộ toàn triệt như sau:
Liễu vô vi, vô tín
Phá vỡ sự tục sinh
Buông vọng cầu, cơ hội
Chính là người tối linh.
(Assaddho, akataññū ca
Sandhicchedo ca yo naro
Hatāvakāso vantāso
Sa ve uttama poriso).
Trong Hattha yoga, nếu một người có thể nằm buông lỏng như một xác chết trong tư thế sāvasana khoảng 20 phút thì có thể phục hồi được chân khí bị tiêu hao trong 24 tiếng đồng hồ trước đó. Theo Phật giáo, niệm sự chết tức đặt mình trong tình huống đã chết, là cách buông xuống mọi ý đồ lăng xăng của bản ngã để thể nghiệm “cái không là gì cả” ngay nơi thực tại hiện tiền. Và chính khi chết đi mọi hữu vi tạo tác thì sự sống mới thật là nguồn an lạc vô biên, bất tận.
Thư giãn, buông xả, nghỉ ngơi hoàn toàn là yếu tố cơ bản không thể bỏ qua trong bất cứ tâm thiền nào. Rất nhiều người xem thường yếu tố buông xả cơ bản này, họ quyết tâm nỗ lực rèn luyện thiền định, thiền tuệ, thiền công án, hay trì chú, niệm Phật, cầu nguyện tha lực v.v... với hy vọng thúc đẩy kết quả đến nhanh hơn! Nhưng hãy coi chừng: Càng mong kết quả đến nhanh áp lực của thời gian tâm lý càng cao và kết quả đến càng chậm!
Thực ra, khi thân tâm thoát ra khỏi áp lực của cái ta ảo tưởng thì tự thân sự thư giãn, buông xả đã mang lại nhiều kết quả lớn lao mà không một cố gắng cá nhân nào có thể đạt được. Mọi bế tắc, bất an, xáo trộn trong cuộc sống sẽ được hóa giải một cách tự nhiên mà không cần cố gắng giải quyết một cách chủ quan, không mong chờ một giải pháp lý tưởng ở tương lai hay một sự trợ lực nào từ quyền năng bên ngoài. Hiệu quả rất tự nhiên mà thư giãn buông xả đem lại thật lớn lao không ngờ được:
1- Tình trạng thân căng thẳng thường kèm theo nhiều bệnh chứng như co cứng, đau nhức, hồi hộp, khó thở, nhồi máu cơ tim, huyết áp cao, suy nhược thần kinh v.v… Vì vậy thân thư giãn là điều kiện tốt nhất để hóa giải căng thẳng, giúp tật bệnh được điều trị dễ dàng và sức khỏe được phục hồi nhanh chóng. Mặt khác, căng thẳng tâm lý cũng sinh ra nhiều tâm bệnh như bứt rứt, bực bội, lo âu, mặc cảm, u uất, hoang tưởng v.v… Do đó, tâm buông xả đưa đến tinh thần lắng dịu, hóa giải tình trạng dồn nén, bức xúc.
2- Khi quá nôn nóng, hấp tấp, căng thẳng bạn thường hành động, nói năng, suy nghĩ thiếu chính xác và dễ bị tiêu hao năng lực. Ngược lại khi thân tâm khinh an, thư thái sẽ là cơ sở nền tảng cho hành động, nói năng và suy nghĩ của bạn được đúng đắn, chính xác và thoải mái hơn nên cũng không bị tiêu hao năng lực.
3- Một tâm trí bị sử dụng quá tải sẽ cảm thấy mệt mỏi, cạn kiệt, chán chường, bức bối, sợ hãi v.v... Trong buông xả trọn vẹn, tinh thần được thanh thản nên tự nhiên những phiền não bức xúc tự động lắng dịu và được hóa giải. Ngược lại, bạn càng cố gắng diệt trừ phiền não thì phiền não lại càng gia tăng.
4- Khi tâm bạn được nghỉ ngơi hoàn toàn thì nó có thể tùy duyên hướng đến bất kỳ một đối tượng thiền định tự nhiên nào. Một ngọn lá xanh, một ô cửa trống, một áng mây bay... đều có thể giúp tâm bạn dễ dàng an nhiên tĩnh lặng. Khi tâm rỗng lặng thì nó liền trong sáng, đó chính là tâm có khả năng minh sát (minh sát tuệ) mọi trạng thái diễn biến nơi thân, nơi cảm giác, nơi tâm hay nơi sự tương giao vận hành của thân tâm, và sáng suốt thấy rõ bản chất như thực của mọi hiện tượng trong đời sống.
Hỏi:
- Khi tôi thư giãn, buông xả một lát thì bị rơi vào giấc ngủ, như vậy là xấu hay tốt?
Đáp:
- Khi tâm thần căng thẳng bạn thường xuyên ngáp dài, rất uể oải, mệt mỏi, có vẻ như buồn ngủ lắm; nhưng nằm xuống lại không ngủ được. Đó là biểu hiện trạng thái suy nhược thần kinh. Nếu bạn đang bị căng thẳng mà sau khi thư giãn, buông xả một lát, bạn chìm vào một giấc ngủ ngon lành - thì đó quả là một liều thuốc an thần tự nhiên, giúp thân tâm bạn tự động điều chỉnh một cách tuyệt vời. Nhưng nếu trong tình trạng bình thường mà khi nào thư giãn bạn cũng bị rơi vào giấc ngủ - thì đó là hôn trầm, thụy miên - trạng thái này là một trở ngại, không tốt chút nào cho sức khỏe thể chất và sự tỉnh táo, sáng suốt tinh thần! Trong trường hợp đó, bạn nên đi bộ tốt hơn là ngồi hay nằm. Nếu phải ngồi thì sau khi thư giãn buông xả, để khỏi hôn trầm thụy miên, bạn nên chú tâm quan sát rõ hơi thở vào ra. Sự chú hướng đúng mức vào một đối tượng sẽ giúp tâm bạn tỉnh táo hơn. Nếu làm như thế cũng không hết dã dượi uể oải thì bạn nên đi tắm rửa hoặc ra ngoài trời đi đi lại lại cho tỉnh táo hơn. Nếu thích ngồi, bạn nên ngồi thiền nơi có ánh sáng, không khí mát mẻ và trước khi ngồi không nên ăn no.
Hỏi:
- Ngược lại, tôi hầu như không thể thư giãn, buông xả được. Thân tôi cứ như cứng đờ ra và tâm tôi thì gần như lúc nào cũng bận rộn, không thể rời khỏi những mối quan tâm của nó. Vậy làm sao để buông thư?
Đáp:
- Gặp trường hợp ấy, bạn nên làm quen với thư giãn về thân trước. Trong khi thử thư giãn, bạn nên để tâm theo dõi từng động tác một cách tự nhiên, không nên quá cố gắng tập chú cũng không nên lơ là, chểnh mảng. Nếu bạn cảm thấy thân không được mềm dẻo, linh hoạt do thường làm một số động tác nào đó lâu ngày mà trở nên chai lỳ; hoặc thường xuyên đề kháng, cảnh giác mà trở thành đờ cứng thì bạn nên chơi thể thao, đi bộ thong thả, v.v... Cũng có thể tập thái cực quyền hay thể dục dưỡng sinh đơn giản để thân bớt đờ cứng, dần dần sẽ mềm dẻo, nhẹ nhàng và linh hoạt hơn.
- Trong khi tập cho thân thư giãn như thế bạn nên quan sát các động tác của thân một cách tự nhiên - không quá chuyên chú, cũng không lơ đễnh - thì tâm bạn sẽ tự động được khinh an, thư thái và buông xả dễ dàng hơn.
Hỏi:
- Có những công việc đòi hỏi phải quan tâm một cách khẩn trương, căng thẳng, không cho phép chúng ta được quyền thư giãn, buông xả, nghỉ ngơi thoải mái một giây phút nào; vì nếu làm vậy thì chẳng khác nào chúng ta đang trốn tránh một trách nhiệm nào đó?
Đáp:
- Có lẽ bạn nên hiểu ngược lại! Chính vì để làm tròn trách nhiệm đối với những công việc đòi hỏi phải khẩn trương, căng thẳng mà chúng ta cần phải biết thư giãn buông xả. Buông lỏng giúp giảm bớt căng thẳng, nhanh chóng phục hồi năng lực để tiếp tục công việc và nhờ vậy sẽ đạt được hiệu quả cao. Một người có khả năng buông thư khi phải đối đầu với những công việc khẩn trương thì chẳng bao lâu anh ta sẽ thản nhiên, nhẹ nhàng trong những công việc khó khăn hơn.
- Nếu sự khẩn trương, căng thẳng tích lũy lâu ngày không hoá giải được sẽ đưa đến suy nhược tâm thần, lúc đó không những không làm tròn trách nhiệm mà sự luống cuống của bạn còn phá hỏng công việc nữa là khác.
Hỏi:
- Nhưng như thế tôi phải mất một khoảng thời gian nhất định cho sự buông thư? Mà thời gian của tôi không cho phép thì sao?
Đáp:
- Thực ra, lúc đầu chúng ta nên tập quen với sự thư giãn, buông xả; khi đã nhuần nhuyễn rồi, bạn có thể buông thư ngay trong công việc nên không cần phải mất một khoảng thời gian nào. Nếu bạn thường căng thẳng mà không biết buông thư thì hậu quả sẽ khó lường; lúc đó, có thể không phải chỉ mất một khoảng thời gian mà có khi mất cả quãng đời còn lại!
Hỏi:
- Xin hỏi thêm: Nói thư giãn tức là đã hàm ý phải cố gắng làm cho thân thư giãn. Nhưng đã cố gắng thì vô hình trung lại tạo thêm một sự căng thẳng khác. Buông xả cũng vậy, muốn loại bỏ cái gì ra khỏi tâm trí chúng ta thì vẫn phải dụng lực. Ví dụ, muốn buông bỏ một nỗi buồn đâu phải là dễ. Như vậy, dụng lực hay không dụng lực đều không buông bỏ được. Bây giờ phải làm sao đây?
Đáp:
- Dường như bạn nhầm lẫn giữa hai sự kiện: cố gắng thể lực và cố gắng tâm lý. Khi thân căng thẳng, mệt mỏi bạn có quyền thư giãn, đó là một đáp ứng hay phản xạ rất tự nhiên, giống như bạn siêng năng tập thể dục thể thao mỗi khi khí huyết bất thông, chân tay nhức mỏi v.v... thì có vấn đề gì đâu. Chẳng lẽ bạn cố gắng thư giãn vì một mục đích lý tưởng cao siêu nào đó? Nếu vậy thì không còn thuộc lãnh vực thể lý mà đã bước sang vấn đề tâm lý mất rồi. Bạn cần thấy rõ thân thư giãn và tâm buông xả là hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau.
Cố gắng tâm lý để buông xả mới là trọng tâm câu hỏi của bạn, phải không? Tuy nhiên, ở đây bạn lại một lần nữa nhầm lẫn giữa buông xả và buông bỏ. Bạn đã đồng hóa buông xả với buông bỏ theo nghĩa “loại ra khỏi tâm trí” một nỗi buồn, chẳng hạn.
Về mặt tâm lý, những từ cố gắng, nỗ lực, dụng công đồng nghĩa với dụng tâm, dụng ý hay có chủ ý, v.v… tức là nỗ lực của ý chí muốn đạt được một điều gì đó. Chính ý chí này là biểu hiện của cái “ta” hay “bản ngã”.
Mặt khác, khi bạn xem những mối lo âu, sợ hãi, chán nản, buồn phiền, thất vọng v.v… là đối tượng cần phải buông bỏ vì đã làm bạn khổ đau, căng thẳng, nghĩa là bạn muốn trút bỏ gánh nặng đang gây áp lực cho bạn để được tự do giải thoát khỏi mọi ưu phiền, phải không? Như vậy, đúng là bạn phải dụng lực để rồi lại rơi vào vòng lẩn quẩn của cái ta muốn giải quyết vấn đề hay muốn lẩn tránh thực tại.
Thực ra, bạn không cần làm gì để giải quyết vấn đề cả, đó mới thực là buông xả. Cứ để yên tất cả mọi thứ ở chỗ của chúng, đừng cố gắng loại bỏ điều gì, vì không cách nào bạn bỏ chúng được cả. Khi bị dồn nén những phiền não này chỉ ẩn vào vô thức chứ không bị hủy diệt. Lúc đó bạn còn đâu cơ hội để thấy ra mặt thực của chúng! Mà bao lâu chưa thấy ra thực tánh của phiền não thì dù bạn làm gì chúng vẫn là mối thách thức suốt đời bạn.
Bởi vì, dụng tâm loại bỏ chỉ tạo ra một sự đối kháng mà hậu quả là tăng thêm bất an, căng thẳng, phiền não, khổ đau. Vậy, buông xả không phải là nỗ lực buông bỏ một trạng thái, một tình huống hay một hậu quả, mà đơn giản chỉ là buông xuống thái độ lăng xăng của cái ta ảo tưởng nỗ lực duy trì hoặc loại bỏ trạng thái đó.
Nói buông xuống nhưng thực ra chỉ cần bạn không làm gì cả để cho tâm được nghỉ ngơi vô sự khỏi mọi ý đồ của cái ngã lăng xăng tạo tác. Lúc đó, mặc dù bạn không cố gắng loại trừ nhưng phiền não lại tự trở nên vô hiệu.
***Bài liên quan đọc thêm***
Sống Trong Thực Tại - Viên Minh (Lời nói đầu)
An nhiên vô sự - Viên Minh:
Tâm buông xả (upekkhā), khinh an (lahutā) và thư thái (passaddhi).Trở về thực tại - Viên Minh:
Chánh niệm (sammā sati), sống trọn vẹn với chính mình ngay tại đây và bây giờ.
Thấy biết trong sáng - Viên Minh:
Thái độ nhận thức tỉnh giác (sampajaññā) trong chánh kiến (sammā diṭṭhi).
Suy nghĩ chân thực - Viên Minh:
Chánh tư duy (sammā saṅkappa) suy nghĩ trung thực với sự kiện đang được thấy biết trong sáng.
Nhiệt tâm cần mẫn (Viên Minh):
Chánh tinh tấn (sammā vāyāma) không buông lung phóng dật theo ý đồ của bản ngã.Bình thản đón nhận - Viên Minh:
Nhẫn nại (khantī), không đối kháng với pháp bất như ý hay nghịch cảnh, nghịch nhân.
Hành xử tinh tế (Viên Minh):
Biểu hiện trong chánh ngữ (sammā vācā), chánh nghiệp (sammā kammantā) và chánh mạng (sammā ājīva).
Nội tâm tĩnh lặng (Viên Minh):
Là chánh định (sammā samādhi), không phải định trong các trạng thái tập trung tư tưởng hay xuất thần.
Ngay đó là bờ (Viên Minh):
Pháp Ba-la-mật (pāramī), mười phương diện giúp buông bỏ sự trói buộc của cái ta ảo tưởng để trả về với sự hoàn hảo nguyên thủy của tâm và pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét