Niết Bàn (Bhikkhu Thanissaro)

Chúng ta đều biết điều gì xảy ra khi lửa tắt. Ngọn lửa lụn tàn và lửa ra đi. Khi lần đầu chúng ta học rằng cứu cánh của Đạo Phật,  cái gọi tên là “Nibbana”, có nghĩa là sự  tắt lửa, quả thật khó hình dung cứu cánh tâm linh lại là một hình ảnh đoạn diệt: đoạn diệt hoàn toàn. Khái niệm này là một lầm lẫn dịch thuật, đây mới chỉ là một nghĩa của một từ chứ chưa phải là một biểu tượng. Một ngọn lửa tắt biểu tượng cho điều gì vào thời của Đức Phật. Rất nhiều, ngoại trừ sự đoạn diệt


Theo những người bà La Môn cổ đại, khi ngọn lửa tắt nó sẽ ẩn vào trạng thái tiềm năng. Khi không tồn tại, ngọn lửa ngủ, và trong trạng thái này, tức trạng thái không lệ thuộc nhiên liệu, nó lan tỏa vào vũ trụ. Vào thời Đức Phật, khi ngài dùng hình ảnh biểu tượng để giải thích Nibbana cho những người Bà La Môn, ngài đã bỏ qua câu hỏi khi ngọn lửa tắt nó còn hay mất và thay vào đó bằng cách nhấn mạnh vào sự không thể xác định một ngon lửa khi nó không cháy; cũng vậy cái ngã khi đã hoàn toàn biến mất cũng không thể mô tả được.
Khi dạy các môn đồ, Đức Phật dùng Nibbana như một hình ảnh của tự do. Rõ ràng là tất cả các người Ấn thời đó quan niệm lửa cháy như sự kích động, lệ thuộc, mắc bẫy. Lửa dính mắc và bị cột buộc vào nhiên liệu khi nó cháy. Muốn đánh lên một ngọn lửa, người ta phải bắt dính nó. Khi lửa hết nhiên liệu, nó được tự do và thoát khỏi mọi kích động, lệ thuộc, mắc bẫy – yên tĩnh và tự do. Do đấy thi ca Pali luôn dùng hình ảnh một ngọn lửa tắt như ẩn dụ của sự tự do. Thật ra, ẩn dụ này là một phần của mô hình biểu tượng về lửa có liên hệ tới cả hai từ liên quan: Chấp thủ (upadana) hay bám víu: ám chỉ sự bám víu của ngọn lửa với nhiên liệu. Uẩn (khandha): không chỉ có nghĩa là một trong năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) dùng để chỉ các trải nghiệm có điều kiện, mà còn có nghĩa cái thân cây. Giống như khi ngọn lửa tắt đi khi nó ngưng không bám víu để lấy nhiên liệu từ gỗ, Tâm thức sẽ được tự do khi nó thôi không bám víu vào các uẩn.
Vậy hình ảnh mà Nibbana muốn ám chỉ là sự tự do. Các chú giải Pali ủng hộ quan điểm này bằng cách truy đến âm gốc của từ Nibbana là “không bị dính mắc”. Không dính mắc với cái gì. Kinh điển mô tả hai mức độ. Mức độ thứ nhất là không dính mắc trong cuộc đời hiện tại này, so sánh như một ngọn lữa đã tắt nhưng tro than còn ấm. Điều này để ám chỉ một vị A la Hán chứng ngộ, vẫn thấy nghe, cảm thụ khoái lạc và đau khổ, nhưng thoát khỏi mọi đam mê, chán nghét và ảo tưởng. Mức độ thứ hai, so sánh như một ngon lữa đã hoàn toàn tắt, tro than nguội lạnh. Đó là những gì một vị A La Hán trải nghiệm sau cuộc đời này. Khi mọi giác quan nguội lạnh, vị đó (ông hay bà) giải thoát khỏi mọi căng thẳng nhỏ nhặt nhất, khỏi mọi giới hạn khi phải hiện hữu trong không gian và thời gian.
Đức Phật nhấn mạnh mức độ này là không thể diễn đạt. Không thể nói là có hiện hữu hay không hiện hữu. Bởi vì ngôn ngữ chỉ dùng được cho những điều hữu hạn. Tất cả điều Đức Phật thực sự muốn nói ( ngoài biểu tượng và ẩn dụ) là ta có thể nếm trước trải nghiệm này trong đời sống hiện tại. Một hạnh phúc tột cùng mà ta đáng phải biết.
Vì vậy sau này, khi bạn nhìn một ngọn lửa tắt đi, đừng nhìn như đó là sự đoạn diệt, mà hãy nghĩ đến thế nào là tự do ta có được khi buông xả.
Nguồn:
Nibbana by Bhikkhu Thanissaro
BS Phạm Doãn dịch từ Anh sang Việt

Niết Bàn

55.- Niết-bàn
Rồi Bà-la-môn Jànussoni đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ, nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jànussoni bạch Thế Tôn:
- Thiết thực hiện tại là Niết bàn, thưa Tôn giả Gotama, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa Tôn giả Gotama, Niết bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu?
- Bị tham ái làm say đắm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, suy nghĩ điều hại người, suy nghĩ điều hại cả hai, cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Tham ái được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Như vậy, này Bà-la-môn, Niết bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Bị sân làm uế nhiễm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, suy nghĩ điều hại người, suy nghĩ điều hại cả hai, cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Sân được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Như vậy, này Bà-la-môn, Niết bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Bị si làm mê mờ, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, suy nghĩ điều hại người, suy nghĩ điều hại cả hai, cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Si được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Như vậy, này Bà-la-môn, Niết bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Khi vị ấy, này Bà-la-môn, cảm thọ tham ái được đoạn tận, không có dư tàn, cảm thọ sân được đoạn tận, không có dư tàn, cảm thọ si được đoạn tận, không có dư tàn. Như vậy, này Bà-la-môn, Niết bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng những gì bị quăng ngã xuống, hay trình bày cái gì bị che kín, hay chỉ đường cho người bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện thuyết giảng. Con nay xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
(Tương Ưng Kinh) 

1 nhận xét:

  1. Việc dịch thuật câu chữ phiên âm từ ngoại ngữ sang Việt ngữ là rất cần sự cẩn trọng vì dịch sai nghĩa sẽ dẫn đến hiểu sai nghĩa kinh , và hệ quả tất yếu là tu sai . Vì vậy việc nghiên cứu lịch sử ngữ nghĩa của một câu văn phạm cổ là vô cùng cần như bài viết đã chỉ ra . Vì thời điểm lịch sử khi Phật ra đời đã cách đây rất lâu xa .
    Câu hỏi muôn thủa ( dù tế nhị nhất ) của những người dấn thân trên con đường tu hành vẫn là tu để làm gì , và để đạt được điều gì ( Cứu cánh ) sau đó .
    Nếu tu hành và " chiến đấu không ngừng nghỉ " để diệt hết các loại giặc phiền não , lậu hoặc .....Để cuối cùng lại " Củi hết , lửa tắt " - Tức tan hoại , không còn tồn tại nữa thì chẳng thể mang lại điều gì sau khi qua đời . Vì vậy cách giải thích như trên là chưa thấu đáo , làm hoang mang cho nhiều người . Như một số giải thích về Niết Bàn
    Trong bài viết này , tác giả giải thích Niết Bàn như Khái niệm tự do tuyệt đối ( Không còn vướng mắc do chấm dứt các lậu hoặc ) là khả thi hơn cả , phù hợp với đoạn kinh Phật thuyết trong bài đã dẫn ở trên : “Khi vị ấy, này Bà-la-môn, cảm thọ tham ái được đoạn tận, không có dư tàn, cảm thọ sân được đoạn tận, không có dư tàn, cảm thọ si được đoạn tận, không có dư tàn. Như vậy, này Bà-la-môn, Niết bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu “ .
    Trong nhiều kinh Phật thuyết , ta rất hay gặp đọạn văn :” Tôi nhờ biết như vậy, nhờ thấy như vậy, tâm của tôi thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, tôi khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát"". Tôi biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; không còn trở lui trạng thái này nữa". ( Trích Trung Bộ Kinh - 112. Kinh Sáu Thanh tịnh
    (Chabbisodhana sutta)
    Như vậy cụm từ : “ Trạng thái này “ dùng để chỉ cho quá trình luân hồi của một người . Chỉ một vị đã chứng đắc quả vị A La Hán trở lên thì mới không trở lại trạng thái này nữa , dù vị ấy trong lúc đang sống đã đạt tới Niết Bàn rồi ( Hữu dư ) , không cần chờ đến khi qua đời ( Vô dư ) . Qua đoạn kinh trên đây cũng khẳng định rằng “ Niết Bàn “ chỉ cho trạng thái của tâm chứng đắc chứ không phải là cảnh giới sống hiện tại hay tương lai .
    Đức Phật thường im lặng không giải thích về cảnh giới sống sau khi qua đời của các Vị đã chứng quả A La Hán vì theo ngài là không cần thiết cho quá trình tu tập của các đệ tử . Ngụ ý của ngài là làm cho các đệ tử hiểu rằng hãy nghiêm cẩn thực hành đúng lời Ngài đã giảng dạy , tinh tấn tu hành rồi sẽ chứng đắc ( sạch hết lậu hoặc ) tức không còn bị nghiệp lực chi phối nữa thì đã đạt tới “ Sinh tử tự tại “ rồi . Khi đã đắc quả vị tức là đã gồm đủ tam minh và lục thông đó . Lúc này đi đâu , về đâu , cảnh giới nào không còn quan trọng nữa . Vì đã thỏa mãn hai điều kiện : 1 – Không còn bị chi phối bởi nghiệp lưc . 2- có đủ năng lực để lựa chọn cảnh giới .

    Trả lờiXóa