KHÁI NIỆM QUÁN THẾ ÂM THEO KINH ĐIỂN PALI - Tọai Khanh

Quan Thế Âm Bồ Tát không có thật chỉ là sự mê tín dị đoan từ Ấn Độ Giáo (Bà La Môn xưa) và được dân gian Trung Quốc chế tạo ra nhiều Quan Âm khác. 
Quán Âm hay Quán Thế Âm là tên gọi của một vị Bồ Tát nổi tiếng trong hệ thống Phật giáo Bắc Truyền (vẫn được thậm xưng là Đại Thừa) khắp các xứ Trung Hoa, Hàn quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Mông Cổ và cả Việt Nam. Chữ Phạn của tên gọi này là Avalokitvesvara, thường được dịch sát là Quán Tự Tại. Chữ Tự Tại (Isvara) này không hề mang nghĩa thanh thản độc lập như nhiều người vẫn nghĩ. Nó là một từ tố thường thấy ngay sau tên gọi của các vị thần Ấn Độ, một chút dấu vết của Ấn Giáo, xa hơn một tí là Bà La Môn giáo thời xưa. Nói mấy cũng không đủ, với phương tiện Internet ngày nay, người muốn biết xin cứ Online thì rõ. Nãy giờ chỉ nói cái tên, cái ý nghĩa hay vai trò của khái niệm Quán Thế Âm mới là quan trọng.


Nguồn gốc của hình tượng Quán Âm xuất phát từ Ấn Độ qua các kinh luận hậu tác như Đại Bổn A Di Đà (quyển thượng), Vô Lượng Thọ Kinh (quyển hạ), Hoa Nghiêm (phẩm Nhập Pháp Giới, thứ 39, quyển IV), Lăng Nghiêm (quyển 6) và Pháp Hoa (phẩm Phổ Môn). Thời điểm ra đời của các kinh ngày nay không còn là chuyện mật nữa. Và hình tượng Quán Âm lúc đầu tại Ấn Độ chỉ là hình ảnh nhân cách hoá lòng từ bi của Phật giáo qua hình ảnh một vị thần mặt nữ mình nam. Từ sau lúc các kinh văn trên đây du nhập vào các xứ ngoài như Trung Hoa, Hàn Quốc, Việt Nam thì ta mới có thêm các giai thoại Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính. Người Tây Tạng còn cho các thần Tara (và cả đức Đạt Lai Lạt Ma) là hoá thân của vị Bồ Tát này. Dù ở đâu thì Bồ Tát Quán Âm cũng được thờ cúng, xưng tụng như một hộ thần linh hiển và nhiều từ bi, sẳn sàng ứng hiện kịp lúc để cứu người mắc nạn. Hình ảnh này rất đẹp, nhưng đã ngẫu nhiên dẫn đưa không ít thiên hạ ngày một xa rời lý tưởng giác ngộ của Phật giáo qua nhiều cách hiểu bất cập:

Trước hết, thay vì học hạnh từ bi xả kỷ qua hình tượng đó, người ta chỉ nghĩ nhiều về chuyện cầu khẩn. Những đồn thổi về sự linh ứng của Bồ Tát Quán Âm đã xui nhiều người hồn nhiên cho rằng sống sao cũng được, miễn là gặp chuyện thì cầu. Thay vì chiếu lý mà nói, cầu khẩn hay phụng thờ hình tượng Quán Âm không sao sánh được với việc trau dồi từ tâm.

Điều đáng tiếc thứ hai, nếu nói Bồ Tát linh hiển thì xin hỏi có phải bất cứ ai cầu khẩn Ngài cũng đều được giúp đỡ cả hay không? Chắc chắn là không rồi. Còn nếu bảo chỉ ai tu hành ngon lành hay có phước duyên sao đó mới được cứu thì xin hỏi sao lại phải cần đến sự giúp đỡ của ai nữa chứ, cứ lo tự tu là đủ rồi!

Điều thứ ba, ai học Phật cũng biết rằng muốn thành Phật thì phải có đủ các hạnh lành như từ bi, trí tuệ, kham nhẫn….Và không hề có một vị Bồ Tát nào thiếu lòng từ bi mà có thể thành Phật. Nếu vậy, có hợp lý không khi cho rằng chỉ có Quán Âm Bồ Tát mới tầm thinh cứu khổ, nghe cầu thì tới ? Hoá ra các Bồ Tát khác không được sẳn lòng như vậy hay sao? Cả kinh điển Nam Tông lẫn Bắc Truyền đều nhìn nhận rằng trong thế giới này luôn có vô lượng Bồ Tát, những vị sẽ thành Phật sau này, nếu chỉ có một vị Bồ Tát chịu khó tầm thinh cứu khổ thì xin hỏi các vị kia sao có thể gọi là Bồ Tát ?

Như vừa thưa ở trên, đã là Bồ Tát Bất Thối (người chắc chắn sẽ thành Phật) thì phải có lòng đại bi giống nhau và cái được gọi là sự giúp đỡ của ai đó, kể cả của các Bồ Tát thực ra chỉ là một cách nói. Nói nôm na là hồn ai nấy giữ. Chẵng hạn ta không thể nói những kẻ bạo ngược được giàu sang là do các Bồ Tát phò hộ và những người hiền lành bị khốn khó là do không cầu nguyện hoặc bị các Bồ Tát bỏ quên. Và nếu vậy việc réo gọi tên họ của các Bồ Tát có còn cần thiết không và càng vô lý khi chỉ réo tên một hai vị nào đó mà thôi ? Làm vậy đúng là bỏ nhiều lấy ít. Đó cũng là trường hợp niệm Phật Di Đà, một vị Phật bên nhánh Bắc Truyền. Thay vì trì niệm Nam Mô Vô Lượng Phật (Namo amitabuddhànam), người ta chỉ thích chọn một vị thôi. Thế là chỉ còn Vô Lượng Thọ (Namah amitàyubuddhàya) hay Vô Lượng Quang (Namo amitàbhabuddhàya). Đó là lý do vì sao bên Nam Tông khi nhắc riêng một vị Phật thì là đức Bổn Sư Thích Ca, ngoài ra thì phải là chư Phật nói chung. Ở đây có ít nhất 2 điều cần lưu ý: Thứ nhất, đức Phật Thích Ca là vị Phật hiện tại trong thế giới này (ta đang tu theo lời Ngài) và thứ hai là hình tượng ấy hoàn toàn có thể được hiểu là hình ảnh chung của chư Phật ba đời mười phương. Ai muốn xác tín điều này xin tìm đọc nghi thức lễ bái Tam Bảo của Phật Giáo Nam Tông thì rõ.

Điều đáng tiếc tiếp theo, hầu hết Phật tử Bắc Truyền đều có một công thức buồn cười sau đây khi nói về Phật giáo Nam Tông: Nam Tông là Tiểu Thừa vì người nhánh này chỉ biết tự tu, tự tu là ích kỷ, là tiêu nha bại chủng, mạ khô giống thối. Vấn đề hiểu lầm đã nảy sinh ngay từ ban đầu. Người tu mà chỉ biết có riêng mình, không kể đến ai thì mới gọi là ích kỷ. Còn nếu tự tu là tự vận dụng năng lực bản thân, không nhờ cậy tha lực thì đó là tự giác. Một người độc cư thiền định, tu tập với riêng mình không phải là ích kỷ. Chỉ khi nào lòng thấy chán ghét tha nhân thì mới là ích kỷ. Nếu anh lặng lẽ sống tốt thì đó cũng là một kiểu lợi tha, vì khi một người không làm bậy thì đã là một đóng góp cho đời rồi, không cần phải chiêng trống om sòm để thông báo cho ai về chuyện tu hành của mình. Chỉ một chút mắc míu này mà anh em chẵng nhìn mặt nhau bấy lâu nay, dù ai cũng đều thờ Phật. Buồn lắm vậy thay !

Điều cuối cùng, theo kinh điển Pàli (và thậm chí cả kinh sách Bắc Truyền) thì trong trời đất này luôn có vô số những vị thiện thần sống ở khắp nơi, từ ngọn cây đầu cỏ đến núi rừng sông biển, và không ít trong số đó luôn có lòng giúp đỡ những người lâm nạn. Họ thấy thương thì giúp, còn chuyện giúp được hay không còn tùy ở phước nghiệp của bản thân người bị nạn. Những người từng nghe qua Bồ Tát Quán Âm, hay bà Maria, Thiên Hậu cứ thấy sự lạ thì đổ hết cho các vị này. Từ những người đi biển đến kẻ trên cạn ai cũng phải có một địa chỉ để réo. Nói thiệt, cứ theo lối tin tưởng dân gian kiểu đó, cộng thêm sự tuyên truyền có chủ ý của một số người, chừng trăm năm nữa có thể Phật giáo chỉ còn lại những khái niệm thờ cúng và cái tinh hoa Phật Pháp vốn là kết tinh trí tuệ của một vị Phật dưới gốc Bồ Đề năm xưa sẽ là một vệt mờ trong lòng nhân loại. Tôi không là một người tu học ngon lành, nhưng tôi tin chắc một điều rằng bao nhiêu vấn đề lớn nhỏ của chúng sinh đều nằm trong chính mỗi cá nhân và nếu từng người không biết Tự Xử thì không ai ngoài ta có thể làm được chuyện đó. Nếu chư Phật làm được thì ngay lúc độc giả ngồi đọc những dòng chữ này của tôi thế giới đã không như ta đang nhìn thấy, và bản thân quý vị cũng đâu có khổ như bây giờ !

Nói vậy, tôi muốn thưa gì qua mấy dòng trên ? Trước hết, chúng tôi tuyệt không phủ nhận sự trợ duyên, giúp đỡ của người này cho người kia, nhưng tôi cũng không hề tin rằng chỉ riêng tấm lòng của người giúp đỡ là đã đủ. Anh phải ra sao để có thể đón nhận sự giúp đỡ của người ta. Anh không thể đổ hết mọi sự cho một phía và bao giờ phần nỗ lực của riêng anh cũng phải là chính yếu. Điều thứ hai, người tu Phật không thể lấy hư làm thực khi lầm tưởng biểu tượng là thực thể, cũng như không lấy ít bỏ nhiều khi suy tôn một hạt cát nào đó trong sa mạc.

Bao nhiêu vẽ vời về hình tượng Quán Âm Bồ tát có lẽ cần được hiểu là những mô tả sinh động về cái diệu dụng của tấm lòng Bồ Tát ở người cầu Phật Đạo. Quá nặng lòng với những chi tiết đó hình như ta đã đi quá xa. Như trái tim là biểu tượng của tình yêu, bồ câu trắng tượng trưng cho hoà bình, hoa hồng đại biểu cho tình cảm,…Biểu tượng phải được hiểu là biểu tượng thì ta mới đi xa được. Một khi chất hết những tranh tượng trái tim, bồ câu hay hoa hồng lên bàn thờ để quỳ lạy cầu nguyện và xưng tụng là những thần thánh nào đó thì có lẽ người ta đã lạc đường rồi. Ngay cả việc thờ lạy tranh tượng đức Phật cũng cần được hiểu là việc ngắm nhìn một biểu tượng đẹp để tu học chứ không phải để van xin khấn vái nọ kia.

Theo những gì vừa trình bày, và cả tư tưởng Đại Thừa rất mực mênh mông, thì quanh ta có biết bao là những Bồ Tát. Và đã học hạnh Bồ Tát thì ai cũng phải có lòng đại bi. Kẻ sơ cơ thì thương người một ít, kẻ tu hành thâm hậu thì dẹp hết giới tuyến. Đã học hạnh Bồ Tát thì thấy ai khổ cũng thương, giúp ai được thì giúp, chẵng cần người ta phải lên tiếng réo gọi. Kiểu nói “con có khóc thì mẹ mới cho bú ” là dành cho phần đông thiên hạ chưa học đạo Bồ Tát. Bồ tát thứ thiệt luôn thương hết chúng sinh, không cần ai kêu, chỉ cần biết ai khổ thì tùy sức mà cứu, nhưng về kẻ muốn được cứu thì cũng đừng quá kỳ vọng vào ai khác ngoài ra bản thân. Một khi ta làm toàn những chuyện tự hại mình thì ba đời mười phương Bồ Tát cũng bó tay. Và nói vậy, quanh tôi lúc nào cũng có vô số Bồ Tát. Một số trong đó là tầm thinh cứu khổ (nghe kêu thì cứu), một số trong đó là cứu mà chẵng cần nghe kêu và một số thì có nghe kêu nhưng chưa hề cứu, phước tôi mỏng hay người ta có lòng mà không sức ?

Thấy trong phòng sách của tôi có một bức tượng Quán Âm tuyệt đẹp, nhiều người lấy làm lạ, hỏi. Tôi luôn trả lời rằng đó là hình ảnh chung của tất cả Quán Âm trên đời. Tôi đặt bức tượng này trong phòng chỉ vì đó là bức tượng duy nhất mà tôi có. Theo kinh điển Pàli thì không riêng một Bồ Tát nào giàu lòng đại bi, và như vậy thì vị Bồ Tát nào cũng có thể là một Quán Âm cả. Tôi thờ Vô Lượng Phật chứ không chỉ một vị Vô Lượng Thọ hay Vô Lượng Quang, tôi thờ tất cả Quán Âm chứ không riêng một Diệu Thiện, Thị Kính hay Nam Hải Quán Âm nào hết. Đặc biệt từ sau ngày người Tàu muốn giành trọn 80% biển Đông mà họ vẫn gọi là Nam Hải gì đó thì tôi càng ít muốn nhắc về vùng biển này. Mong sao tất cả những người tin Phật muốn tu phải học, học để hiểu đúng, và hiểu đúng để chẵng tu lầm. Mong lắm vậy thay !

Assam mùa Khánh Đản 2554
TOẠI KHANH 

(Tk Giác Nguyên)(http://namtong.org)





QUAN ÂM - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia





QUAN ÂM 
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Quan Âm (zh. 觀音, ja. kannon), nguyên là Quán Thế Âm nhưng do tránh tên nhà vua Đường là Thế Dân nên gọi là Quan Âm hoặc Quán Âm, là tên của Bồ Tát Quán Thế Âm (zh. 觀世音, sa. avalokiteśvara) tại Trung Quốc, Việt Nam và các nước lân cận. Phật tử Trung Quốc thường thờ cúng Quan Âm bên cạnh các vị Bồ Tát Phổ Hiền (zh. 普賢, sa. samantabhadra), Địa Tạng (zh. 地藏, sa. kṣitigarbha) và Văn-thù-sư-lợi (zh. 文殊師利, sa. mañjuśrī). Đó là bốn vị Đại Bồ Tát của Phật giáo Trung Quốc.(Hình bên là tượng trạm trổ Bồ Tát Quan Âm tại Trung Quốc. Nhiều cánh tay của Bồ Tát tượng trưng cho khả năng cứu giúp chúng sinh vô tận.
Quan Âm hiện thân trong mọi hình dạng để cứu độ chúng sinh, nhất là trong các nạn lửa, nước, quỷ dữ và đao kiếm. Phụ nữ không con cũng hay cầu Quan Âm. Quan Âm cũng hay được nhắc tới bên cạnh Phật A-di-đà (sa. amitābha) và trong kinh Diệu pháp liên hoa, phẩm 25 với tên Phổ môn, các công hạnh của Bồ Tát trình bày rõ ràng và tán thán. Tại Trung Quốc và Việt Nam, Quan Âm hay được diễn tả dưới dạng nữ nhân.
Tranh tượng thường trình bày Quan Âm dưới nhiều dạng khác nhau, nhưng phổ biến nhất là dạng một vị Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt. Có khi Quan Âm ẵm trên tay một đứa bé, có khi một đồng tử theo hầu. Người ta cũng hay vẽ Quan Âm hiện trong mây, hoặc cưỡi rồng trên thác nước. Hình ảnh Quan Âm đứng trên một hải đảo cứu người bị nạn cũng phổ biến, biển cả tượng trưng cho Luân hồi. Tay Quan Âm thường cầm hoa hoa sen hay bình nước Cam lộ.
Theo quan niệm Trung Quốc, Quan Âm ngự tại Phổ-đà Sơn, miền Đông Trung Quốc, đó là một trong Tứ đại danh sơn, là bốn trú xứ của bốn Đại Bồ Tát của Phật giáo Trung Quốc.
Tại Trung Quốc—đến thế kỉ 10—Quan Âm còn được giữ dưới dạng nam giới, thậm chí trong hang động ở Đôn Hoàng, người ta thấy tượng Quan Âm để râu. Đến khoảng thế kỉ thứ 10 thì Quan Âm được vẽ mặc áo trắng, có dạng nữ nhân. Có lẽ điều này xuất phát từ sự trộn lẫn giữa đạo Phật và đạo Lão trong thời này. Một cách giải thích khác là ảnh hưởng của Mật tông (xem Tantra) trong thời kì này: đó là hai yếu tố Từ bi (sa. maitrī-karuṇā) và Trí huệ (sa. prajñā) được thể hiện thành hai dạng nam nữ, mỗi vị Phật hay Bồ Tát trong Mật tông đều có một "quyến thuộc" nữ nhân. Vị quyến thuộc của Quán Thế Âm được xem là vị nữ thần áo trắng Đa-la (sa. tārā), và Bạch Y Quan Âm là tên dịch nghĩa của danh từ đó. Kể từ đó quần chúng Phật tử Trung Quốc khoác cho Quan Âm áo trắng và xem như là vị Bồ Tát giúp phụ nữ hiếm muộn.
Có rất nhiều huyền thoại về Bồ Tát Quan Âm. Theo một huyền thoại Trung Quốc thì Quan Âm là con gái thứ ba của một nhà vua. Lớn lên, mặc dù vua cha ngăn cản nhưng công chúa quyết đi tu. Cuối cùng vua nổi giận, sai đem giết nàng. Diêm vương đưa nàng vào địa ngục, ở đó công chúa biến địa ngục thành Tịnh độ, cứu giúp người hoạn nạn. Diêm Vương thả nàng ra và công chúa tái sinh lại trên núi Phổ-đà biển Đông và trở thành người cứu độ cho ngư dân. Đến khi vua cha bị bệnh nặng, nàng cắt thịt đắp lên chỗ bệnh. Nhà vua khỏi bệnh và nhớ ơn, cho tạc tượng nàng. Tương truyền rằng, vì hiểu lầm ý của nhà vua mà người ta tạc nên bức tượng nghìn tay nghìn mắt, được lưu truyền đến ngày nay.
Tại Trung Quốc, các ngư dân thường cầu nguyện Quan Âm để được bình an trong các chuyến đi đánh cá. Vì thế có Quan Âm cũng có biệt hiệu "Quan Âm Nam Hải".
Quan Âm Thị Kính
Một sự tích được phổ biến tại Việt Nam là Quan Âm Thị Kính, kể rằng ngài đã đầu thai và tu hành 9 kiếp. Trong kiếp thứ 10, ngài được đầu thai làm một con gái trong một gia đình họ Mãng ở nước Cao Ly (ở bán đảo Triều Tiên ngày nay), và được đặt tên là Thị Kính.
Thị Kính được gả cho Thiện Sĩ của gia đình họ Sùng. Khi ở nhà chồng, Thị Kính giữ phận làm dâu, tôn kính phụng dưỡng bố mẹ chồng. Một hôm, khi Thiện Sĩ đang ngủ sau khi đọc sách, Thị Kính thấy ở cầm của chồng mình có mọc sợi râu. Thị Kính đang may vá nên cầm một con dao nhíp trong tay và sẵn tiện cắt đứt sợi râu. Thiện Sĩ giật mình thức giấc, thấy vợ đang cầm dao gần cổ, tưởng rằng Thị Kính đang định giết mình nên la lên.
Sau khi Thị Kính kể lể đầu đuôi, cha mẹ chồng vẫn ngờ rằng Thị Kính có âm mưu giết chồng, bắt Thiện Sĩ phải bỏ vợ. Thị Kính phải trở về nhà cha mẹ mình, quyết định xuất gia đi tu. Bà cải trang thành một người nam giới, trốn nhà đến chùa xin đi tu, lấy pháp danh là Kỉnh Tâm.
Tuy là gái giả trai, Kính Tâm có tướng mạo đẹp đẽ, cho nên có nhiều tín nữ ngưỡng mộ. Thị Mầu, con của một trưởng giả giàu có, trêu ghẹo Kính Tâm, nhưng không được đáp lại. Thị Mầu lại có thai với người đầy tớ. Khi bị tra hỏi, Thị Mầu khai rằng Kính Tâm là cha của thai nhi. Kính Tâm tuy kêu oan nhưng không dám tiết lộ ra bí mật của mình. Sau đó, Kính Tâm phải tu ở ngoài cổng chùa để chùa không bị tiếng tăm.
Thị Mầu sinh ra được một đứa con trai, đem đứa nhỏ đến chùa gửi cho Kính Tâm. Kính Tâm vì tính thương người, nhận đứa trẻ vào nuôi dưỡng. Khi đứa trẻ lên 3 tuổi thì Kính Tâm bị bệnh nặng. Biết mình sắp chết, Kính Tâm dặn dò đứa trẻ đưa thư cho sư cụ của chùa và cho ông bà họ Mãng.
Sau khi đọc rõ sự tình, sư cụ kêu người khám xét thi thể Kính Tâm, mới biết rằng Kính Tâm là gái giả trai. Thị Mầu xấu hổ, đành phải tự tử. Thiện Sĩ ăn năn, bèn đi tu, sau này biến thành một con chim.
Quan Âm Bồ Tát (Thị Kính sau khi chết) cũng cứu độ đứa con nuôi, con ruột của Thị Mầu, đem về Nam Hải, để làm người hầu.
Do đó, người ta họa hình Quan Thế Âm Bồ Tát đội mũ ni xanh, mặc áo tràng trắng, ngự trên tòa sen, bên tay mặt có con chim mỏ ngậm xâu chuỗi bồ đề, bên dưới có đứa trẻ bận khôi giáp chắp tay đứng hầu.
Quan Âm Diệu Thiện
Truyền thuyết Quan Âm Diệu Thiện được truyền miệng trong dân gian Việt Nam qua lối truyện thơ. Bài thơ viết theo thể lục bát nói về một vị công chúa đã xuất gia ở Việt Nam để độ hoá cho vua cha có nhiều tội ác. Sự tích này cũng có một dị bản lưu hành ở Trung Hoa.
Vị công chúa này, nguyên ở nước Hùng Lâm thuộc Ấn Độ, là người con gái thứ ba của một vị vua. Trước khi sinh công chúa Diệu Thiện thì nhà vua rất mong có hoàng tử nên đã cầu xin rất nhiều nhưng đứa con chào đời lại là một công chúa. Điều này đã làm cho nhà vua sinh lòng oán hận.
Khác hẳn hai người chị, nàng công chúa này lớn lên chỉ say mê kinh kệ và có lòng quy y Phật. Vì cự tuyệt việc lấy chồng nên cô bị giam hãm phía sau hoàng cung. Không thuyết phục được con mình hoàn tục, vua giả vờ cho phép con tu ở chùa Bạch Tước rồi ngầm ra lệnh cho các sư sãi phải tìm cách thuyết phục cho công chúa hoàn tục. Nếu không sẽ giết hết các sư sãi trong chùa. Nhưng mọi cách đều không lung lạc được ý quyết của công chúa.
Giận con, vua ra lệnh đốt chùa để giết cô công chúa nhưng trời bỗng có mưa dập tắt lửa. Chưa hết giận, vua bèn hạ lệnh xử chém, thì trời bỗng giông tố, tạo ra sét đánh văng búa của đao phủ thủ. Vua tức giận ra lệnh xử giảo công chúa nhưng ngay lúc đó xuất hiện một con cọp trắng xông ra cõng công chúa mang đến chùa Hương.
Diệu Thiện tu hành ở đó và cảm hoá được muông thú.
Trong khi đó, vua trong triều đột nhiên bị chứng bệnh hủi không chữa được, dần dần hai bàn tay bị rơi rụng và mắt trở nên mù. Công chúa tu đã đến kì đắc đạo trở về thăm phụ thân và đã hy sinh hai mắt cùng hai tay để cho cha. Sau đó công chúa nhập Niết Bàn và cứu độ cha mẹ và hai chị cùng thành Phật.
Trong truyện đã đề cao hai đặc tính của bồ tát, đó là nhân và hiếu. Với trí huệ và giới hạnh thì hiếu có thể độ giúp cứu thoát được cha mẹ mình, cùng như nhân có thể độ giúp nhiều người thoát vòng mê lầm trở về với trí huệ.


  • Xem thêm:  
  • Kinh ngụy tạo (Apocrypha) - Tác giả Prof. KYOTO TOKUNO, Ph.D

  • Tuyển Tập Kinh Địa Mẫu


    Nhiên Như-Quảng Tánh
    HỎI:Tôi nhận được một Tuyển tập kinh - Kinh Địa Mẫu, bìa trước có in hình Diêu Trì Kim Mẫu (rất giống hình Bồ tát Quán Âm), ghi Phật lịch 2552. Sau khi xem qua phần Nghi thức tụng kinh Địa Mẫu thấy cũng gần giống với nghi thức tụng niệm trong kinh Nhật tụng Phật giáo, có dâng hương, lễ Phật - Pháp - Tăng, phần chánh kinh (Địa Mẫu chơn kinh, Địa Mẫu diệu kinh) rồi đến Tâm kinh Bát Nhã, Vãng sanh thần chú, Sám nguyện, Tam quy v.v… nhưng nội dung thì rất khác biệt với các kinh Phật thông thường. Như vậy, người Phật tử có nên tụng niệm, lưu hành và ấn tống kinh này không? Mong được quý Báo hướng dẫn. (TÂM THỦY, Q.3, TP.HCM)


    ĐÁP:Bạn Tâm Thủy thân mến!
    Đọc xong Tuyển tập kinh - Kinh Địa Mẫu, tuy kinh được phát hành dưới dạng “lưu hành nội bộ” để ấn tống, không có tên người hoặc đơn vị chủ trương, không có tên nhà xuất bản nhưng chúng tôi vẫn xác định được rằng kinh này của ngoại đạo, không nằm trong danh mục kinh sách Phật giáo. Nội dung kinh tập trung giới thiệu sự tích, quyền năng và công hạnh của đức Diêu Trì Kim Mẫu (còn gọi Phật Mẫu Diêu Trì) cùng với những lời khuyến cáo tin tưởng, răn nhắc tu hành.
    Theo Cao Đài Từ điển, soạn giả Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng, Phật Mẫu là hóa thân đầu tiên của Đức Chí Tôn (Ngọc hoàng Thượng đế) chưởng quản khí Âm quang và toàn thể càn khôn vũ trụ. Hết thảy vạn linh, tất cả sự sự vật vật đều do Phật Mẫu tạo ra. Phật Mẫu được tôn xưng với nhiều danh hiệu khác nhau như: Phật Mẫu (mẹ thiêng liêng của vạn linh và chúng sanh), Diêu Trì Kim Mẫu (vì Phật Mẫu ngự tại cung Diêu Trì), Kim Bàn Phật Mẫu (vì chưởng quản Kim Bàn - nơi Phật Mẫu dùng chứa các nguyên chất để tạo Chơn thần cho con người nơi cõi thiêng liêng), Cửu Thiên Huyền Nữ (Phật Mẫu ngự tại từng thứ 9 trong Cửu trùng thiên), Mẹ thiêng liêng, Đại từ mẫu, Thiên hậu, Địa mẫu, Mẹ sanh.
    Phật giáo luôn tôn trọng các tín ngưỡng và tôn giáo khác. Tuy nhiên, Tuyển tập kinh - Kinh Địa Mẫu sử dụng rất nhiều yếu tố Phật giáo, có thể khiến cho những người Phật tử sơ cơ nhầm lẫn đây là kinh Phật nên chúng tôi phải miễn cưỡng bàn luận. Trước hết, bìa kinh in hình Diêu Trì Kim Mẫu rất giống hình Bồ tát Quán Thế Âm, lại ghi Phật lịch 2552, khá giống với quy cách của kinh sách Phật giáo. Thứ đến, phần mở đầu Nghi thức tụng kinh Địa Mẫu có đủ các chân ngôn của Phật giáo như: Tịnh pháp giới, Tịnh tam nghiệp, Phổ cúng dường. Phần xướng lễ Phật-Pháp-Tăng, tuy nội dung không phải là kính lễ Tam bảo của Phật giáo nhưng cũng khiến cho những người chưa mấy am tường về Tam bảo nhầm lẫn. Đặc biệt Phật A Di Đà và Phật Di Lặc (hai vị Phật quá khứ và tương lai của Phật giáo) cũng được kinh này xưng danh hiệu và kính lễ.
    Nhất là sau phần chánh kinh (Địa Mẫu chơn kinh, Địa Mẫu diệu kinh), đến xướng lễ Lạy Địa Mẫu (tr.63-64, sđd) có đoạn: “Nam mô Địa Mẫu ân độ sanh vô lượng/Ân bảo trì cứu tử lại vô biên/Mẹ của nhân gian, mẹ Thánh mẹ Hiền/Hàng Phật tử chúng con nguyền ghi nhớ” (lạy 1 lạy) và “Nam mô Địa Mẫu xin mẹ ban ân lành/Cho Việt Nam Phật giáo thịnh hành/Được tôn nghiêm mầu nhiệm với viên thành/Cho con mẹ bốn phương đều kính mẹ” (lạy 1 lạy). Ở hai đoạn này có hai từ quan trọng là “Phật tử” và “Việt Nam Phật giáo” đã đề cập trực tiếp đến Phật giáo Việt Nam. Thiết nghĩ, trong kinh điển Phật giáo không tôn thờ vị Phật hay Bồ tát nào tên Địa Mẫu (Diêu Trì Kim Mẫu) cả. Ở đây có một sự gán ghép hết sức khiên cưỡng, thiếu thành ý và không thể chấp nhận của người biên soạn Tuyển tập kinh - Kinh Địa Mẫu.
    Quan trọng hơn, Tuyển tập kinh - Kinh Địa Mẫu đã sử dụng nguyên văn Tâm kinh Bát nhã (tr.66, sđd), thần chú Vãng sanh lồng ghép, chắp nối vào nhằm lạc dẫn người đọc là kinh Phật. Tiếp theo sau thần chú Vãng sanh, bài Xưng tán có đoạn: “Chúng Thích tử kiền thiền xưng tán/Đấng Mẫu nghi vô lượng lợi sanh”. “Chúng Thích tử” là một thuật ngữ Phật giáo, chỉ cho Tăng Ni và Phật tử đệ tử của Đức Phật. Và rõ ràng ngay trong lời quy nguyện đầu tiên, “Quy y Phật không quy y trời, thần, quỷ vật” nên “chúng Thích tử” không ai kiền thành xưng tán “Đấng Mẫu nghi” cả.
    Như vậy, dù Tuyển tập kinh - Kinh Địa Mẫu chỉ lưu truyền dưới dạng “lưu hành nội bộ” nhưng tác giả kinh này khi biên soạn đã có chủ ý lợi dụng kinh Phật và ảnh hưởng Phật giáo để chiêu dụ những Phật tử sơ cơ. Do đó, hàng Phật tử không nên đọc tụng, lưu hành và ấn tống kinh này. Mỗi khi gặp những kinh lạ, hàng Phật tử phải thỉnh ý chư Tăng Ni duyệt lãm trước khi đọc tụng, hành trì để tránh lầm lạc, rơi vào tà kiến và những hậu quả đáng tiếc.
    Chúc bạn tinh tấn!

2 nhận xét:

  1. thực sự chẳng biết người viết đã thử hành trì niệm Phật bao giờ chưa, dù sao cũng nên thử đã rồi mới nên kết luận vì biết đâu nếu cứ đứng ở 1 phía ý kiến sẽ phiến diện.

    Trả lờiXóa