Nền tảng Phật Pháp - hiểu Phật Pháp Tăng - TK Sīlānanda

Kết quả hình ảnh cho tam bảo
Hôm nay chúng tôi bắt đầu loạt bài giảng về Phật Pháp Căn Bản. Được gọi là Phật Pháp Căn Bản vì loạt bài này chỉ nói đến những phần căn bản của Phật Pháp, do đó chúng ta sẽ không đi sâu vào những lời dạy của Đức Phật. Đầu tiên chúng ta sẽ học về Tam Bảo, Tam quy v.v…

Những đề tài chúng ta sẽ học là những bài có lẽ nhiều vị đã học qua rồi, nhưng chúng tôi hy vọng có một số đề tài các bạn cần hiểu một cách rõ ràng và kỹ càng hơn. Như vậy, có nhiều điều các bạn đã hiểu rồi và cũng có những điều mới mẻ lâu nay bạn không để ý đến. Có những điều bạn đã biết, nhưng xin các bạn cũng nên kiên nhẫn vì nghe những điều mình đã biết rồi sẽ giúp cho sự hiểu biết của các bạn được rõ ràng và chắc chắn hơn.

Những điều căn bản trong Phật Giáo đầu tiên chúng ta cần biết là: Phật là ai, Phật Tử là gì, Đức Phật đã dạy những gì. Chúng ta cũng cần biết ai đã giữ gìn và truyền bá Giáo Pháp từ thế hệ này sang thế hệ khác và truyền thừa cho đến ngày hôm nay. Tóm lại, Chúng ta cũng sẽ học để biết thế nào là Phật, Pháp, Tăng v.v…


PHẬT (BUDDHA)

Đức Phật là một nhân vật lịch sử. Ngài là một vị hoàng tử đã rời bỏ đời sống thế tục vào năm hai mươi chín tuổi, xuất gia tu hành để tìm đường chấm dứt khổ đau. Ngài thấy chúng sinh đauc khổ và Ngài muốn cứu chúng sinh. Chữ cứu ở đây có nghĩa là Ngài muốn giúp chúng sinh tự cứu. Để có thể tìm ra con đường chấm dứt sự khổ, Ngài phải từ bỏ ngôi vua, cha mẹ, vợ con.

Như vậy, Ngài đã từ bỏ đời sống thế tục, khoát áo nhà tu, trở thành một ẩn sĩ. Trong vòng sáu năm, Ngài đã thực hành đủ phương pháp kể cả phương pháp khổ hạnh, nhưng vẫn không thấy được chân lý. Cuối cùng Ngài thực hành theo phương pháp do chính Ngài tìm ra và đã đạt được kết quả tốt đẹp nhất trong việc thực hành, đó là trở thành một vị Phật Toàn Giác.


3

Sau khi Giác Ngộ, Đức Phật dạy dỗ chúng sinh trong bốn mươi lăm năm; hằng ngày Ngài giảng dạy giáo pháp cho tất cả mọi người đến với Ngài. Vào năm tám mươi tuổi, Ngài viên tịch. Theo những tài liệu được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác trong các quốc gia Phật Giáo thì Đức Phật viên tịch vào ngày trăng tròn tháng năm dương lịch năm 544 trước công nguyên. Nếu bạn muốn biết làm thế nào để tìm ra những năm Đức Phật đản sinh, thành đạo v.v… thì bạn có thể lấy năm 1956 dương lịch để tính. Năm 1956 toàn thế giới tổ chức lễ kỷ niệm 2500 năm từ ngày Đức Phật Niết Bàn. Năm nay là năm 2006 dương lịch, Phật lịch là 2550.

Như vậy, Đức Phật sinh vào năm 624 trước công nguyên. Hai mươi chín năm sau, tức là năm 595 trước công nguyên Ngài xuất gia tầm đạo. Sáu năm sau, tức là năm 589 trước công nguyên Ngài thành đạo, và năm 544 trước công nguyên Đức Phật Niết Bàn. Một điều cần nhớ ở đây là Phật lịch được tính từ ngày Đức Phật Niết Bàn chứ không tính vào ngày đản sinh.

Bây giờ chúng ta cần biết một số đặc tính của Đức Phật.

Đức Phật không phải là một vị Thượng Đế, một đấng sáng tạo sinh ra muôn loài vạn vật như các tôn giáo khác, không phải là một vị thần, một vị trời, một đấng tiên tri, một đấng cứu thế, cũng không phải là một sứ giả của Thượng Đế như các tôn giáo khác. Đức Phật chỉ là một con người; và bằng nỗ lực của một con người Ngài trở thành một người có trí tuệ siêu việt. Tất cả mọi người, nếu muốn, đều có thể trở thành một vị Phật như Ngài.

Đôi khi gặp những người ở các tôn giáo khác hỏi bạn rằng: “Đức Phật có thể cứu rỗi chúng ta không?” và chúng ta trả lời “không”. Nghe câu trả lời “không” có thể làm cho họ nản, vì họ nghĩ rằng: Đức Phật không cứu rỗi họ được. Thật ra, không ai có thể cứu rỗi người khác được.

Chữ cứu rỗi trong Phật Giáo có nghĩa là giúp người khác tự cứu. Cứu rỗi trong Phật Giáo không có nghĩa là chuyển một chúng sinh thế tục trở thành một người Giác Ngộ, một vị thánh, mà là dạy cho họ, hướng dẫn cho họ đi trên con đường dẫn đến Giác Ngộ hay giúp họ tự cứu lấy mình.

Người Giác Ngộ là người đã loại trừ các phiền não trong tâm. Không ai có thể đi vào tâm người khác, lấy phiền não ra khỏi tâm giúp họ. Không ai có thể làm được điều này dù đó là Đức Phật đi nữa. Đó là lý do tại sao trong Phật Giáo nói một cách xác quyết: “Không ai có thể cứu rỗi được chúng sinh” hay “Không thể cầu xin người nào dứt trừ phiền não cho mình”.

Những gì mà Đức Phật có thể làm là giúp chúng sinh tự cứu bằng cách chỉ dạy cho họ phương pháp loại trừ phiền não. Như vậy, Đức Phật chỉ là một vị thầy. Bởi vì Đức Phật chỉ là một vị thầy hướng dẫn cho ta, và không thể cứu rỗi ta, nên chúng ta phải thực hành những lời dạy của Ngài bằng nỗ lực của chính mình. Đức Phật là một vị thầy có đầy đủ thẩm quyền và khả năng chỉ cho chúng ta con đường đúng đắn, con đường thánh thiện, con đường thật sự đưa đến giải thoát, hay con đường thật sự loại trừ mọi ô nhiễm trong tâm, đưa đến thanh tịnh giải thoát.

Để trở thành một vị Phật, Bồ Tát hay người có tâm nguyện trở thành Phật ta phải có sự nỗ lực vượt bậc. Ngay cả trong kiếp cuối cùng là kiếp trở thành Phật, Bồ Tát cũng phải nỗ lực cố gắng, một sự nỗ lực cố gắng phi thường. Trước kiếp sống này, Bồ Tát cũng đã nỗ lực cố gắng trong một thời gian dài vô tận là bốn A Tăng Kỳ kiếp trái đất và một trăm ngàn kiếp trái đất. Trong thời gian này, Ngài cố gắng hoàn thành mười Ba La Mật. (Ba La Mật là những đặc tính hoàn hảo mà một vị muốn Giác Ngộ quả Phật cần phải thực hành).

Mỗi khi nói đến chữ Phật, chúng ta phải hiểu Phật là một đấng hoàn toàn Giác Ngộ. Đức Phật là đấng Toàn Giác. Một trong những nghĩa của Toàn Giác ở đây là phải Giác Ngộ bằng nỗ lực của chính mình, bằng khả năng của chính mình, không có sự hỗ trợ của một người nào, một vị trời nào. Đây là đặc tính vĩ đại của một vị Phật. Đức Phật là người hoàn toàn trong sạch. Tâm hoàn toàn trong sạch cũng là một đặc tính vĩ đại của Ngài.

Tâm của chúng ta luôn luôn bị ô nhiễm bởi Tham Ái, dính mắc, sân hận, si mê, ngã mạn v.v… Tâm của Đức Phật đã loại trừ tất cả những cấu uế phiền não này. Vì tâm Ngài hoàn toàn trong sạch nên những phiền não như tham, sân, si, mạn v.v… không thể nào khởi sinh nơi Ngài. Sự hoàn toàn trong sạch này là một khả năng siêu việt của Đức Phật.

Khi nghe chữ “hoàn toàn trong sạch” chúng ta có thể nghĩ rằng: đặc tính đó không vĩ đại, nhưng nếu chúng ta so sánh tâm của chúng ta với tâm hoàn toàn trong sạch của Đức Phật thì chúng ta mới hiểu được sự vĩ đại của Đức Phật.


5

Đối với chúng ta, chúng ta thường Tham Ái dính mắc vào sự vật mà chúng ta ưa thích. Thấy vật gì đẹp hay người nào đáng yêu chúng ta Tham Ái, dính mắc vào vật hoặc người đó. Gặp vật gì xấu, điều gì không vừa lòng, dù chỉ chút ít, cũng khiến chúng ta khởi tâm nóng giận. Dù lúc ấy chúng ta không muốn nóng giận, nhưng tâm nóng giận tự động khởi lên. Nhiều khi chúng ta không thể ngăn được sự dính mắc, sự nóng giận. Nhưng đối với Đức Phật, vì tâm của Ngài đã hoàn toàn trong sạch thanh tịnh, không còn dính mắc vào bất cứ thứ gì trên thế gian này nên Ngài không bao giờ có tâm bất mãn, giận dữ với tất cả mọi sự dù đó là vật hay người. Chẳng hạn như trường hợp Devadatta – bà con cô cậu và là học trò của Đức Phật – đã ba lần tìm cách giết hại Ngài, nhưng Đức Phật không hề giận. Đức Phật có tâm bi mẫn đối với Devadatta.

Tâm bi mẫn của Đức Phật đối với Devadatta, đối với con của Ngài, hay đối với tất cả chúng sinh ngang bằng nhau. Tâm trong sạch hoàn toàn không chút bợn nhơ là một đặc tính vĩ đại, đây là một đặc tính rất khó đạt được. Đặc tính này có được là kết quả của sự nỗ lực vượt bậc của chính Ngài. Nói cách khác, Ngài là một con người như mọi người bình thường, nhưng nhờ nỗ lực vượt bậc, Ngài đã đạt được tâm bi mẫn vĩ đại đó.

Một đặc tính khác của Đức Phật là Chánh Biến Tri, có nghĩa là hiểu biết tất cả mọi sự. Để đạt được đặc tính này, Đức Phật cũng đã trải qua vô số thời gian nhiều A Tăng Kỳ kiếp sống để thực hành. Thật vậy, nhìn thấy thời gian dài vô tận Đức Phật đã bỏ ra để thực hành chúng ta không còn ngạc nhiên, không còn thắc mắc tại sao Đức Phật có được đặc tính này.

Để trở thành một vị bác sĩ, bạn phải bỏ ra tám năm học đại học, nhưng trước đó bạn phải bỏ ra mười hai năm ở bậc tiểu học và trung học. Như vậy, muốn trở thành một bác sĩ bạn phải bỏ ra hai mươi năm học tập. Khi một người đã thành bác sĩ rồi chúng ta sẽ không ngạc nhiên, thắc mắc tại sao người này thành bác sĩ được; bởi vì trước đó người này đã bỏ ra hai mươi năm học tập

Đức Phật không đi học mà tại sao Ngài cũng đạt được kết quả như vậy? Tuy không đi học, nhưng Ngài đã bỏ ra hàng tỷ kiếp sống để thực hành mười Ba La Mật hay mười điều kiện cần thiết để trở thành một một vị Phật. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên vì sao Đức Phật có được đặc tính Chánh Biến Tri – hiểu biết mọi sự.


6

Không phải do đặc tính hiểu biết mọi sự này mà khiến Đức Phật tự cao tự đại. Đặc tính này là phương tiện để Ngài chỉ dạy chúng sinh. Nhờ đặc tính Chánh Biến Tri, Đức Phật biết một cách chính xác cần phải dạy cái gì, dạy như thế nào, và lúc nào cần dạy. Đó là lý do tại sao những lời dạy của Ngài luôn luôn đem lại kết quả tốt đẹp.

Ngày nay Đức Phật không còn nữa, những vị Tỳ Khưu, đệ tử Ngài, không biết đích xác những gì cần phải dạy; bởi vì những vị đệ tử của Ngài, dầu đã Giác Ngộ đi nữa, cũng không hoàn toàn biết được những đặc tính của người khác cho nên những vị nầy khó đưa ra quyết định phải dạy cho người học trò cái gì. Tôi không biết các bạn đã hiểu biết Phật Pháp đến đâu, không biết các bạn đã hiểu rành rẽ những bài pháp căn bản hay không, không biết các bạn có phải là những thiền sinh ở trình độ cao hay không. Tôi không biết, nên tôi không biết chắc chắn là cần phải dạy cái gì, nhưng bây giờ tôi dạy những loạt bài căn bản về Phật Pháp nên tôi phải bắt đầu dạy những kiến thức căn bản cho các bạn.

Đức Phật là bậc đại trí nên Ngài biết cần phải dạy cái gì cho từng người nghe. Đức Phật cũng biết phải dạy như thế nào. Ngài biết người nào thì phải dạy cách nào, bởi vậy Đức Phật dạy chúng sinh theo nhiều cách khác nhau. Ngài dùng phương pháp tốt nhất thích hợp cho từng người, từng cá nhân để dạy. Như vậy, Đức Phật biết chắc chắn phải dạy như thế nào.

Đức Phật cũng biết chính xác lúc nào cần phải dạy. Đôi lúc có những người chưa sẵn sàng để chấp nhận những lời dạy của Ngài, chưa sẵn sàng hiểu, chưa sẵn sàng để thực hành thì Ngài sẽ không dạy. Đức Phật biết lúc nào cần dạy cho người nghe, biết được lúc nào tâm trí người đó chín muồi để có thể nghe, hiểu, và thực hành theo lời Ngài dạy.

Với ba đặc tính: Biết phải dạy cái gì, dạy như thế nào, và lúc nào cần dạy nên Đức Phật luôn luôn thành công trong việc dạy dỗ. Nếu các bạn đã từng đọc kinh điển thì các bạn thấy rằng: trong phần cuối của bài pháp thường có nói đến những người như thế, như thế đã Giác Ngộ Đạo Quả hay nhiều chúng sinh bao gồm cả chư thiên thấy được chân lý, Giác Ngộ v.v…

Đức Phật có được đặc tính Chánh Biến Tri không phải để tự phô trương bản thân mà để giúp chúng sinh thoát khổ. Một vị Phật có rất nhiều đặc tính. Trong kinh ghi lại rằng: nếu một vị Phật bỏ ra hết thời gian của kiếp sống để nói đến đặc tính


7

của một vị Phật khác thì cũng chưa đủ thì giờ để nói hết. Như vậy, không thể nói hết được tất cả những đặc tính hay phẩm chất của một Đức Phật.

PHÁP (DHAMMA)

Thế nào là Dhamma? Chúng ta thường dịch Dhamma là những lời dạy dỗ, giáo huấn của Đức Phật. Thật ra Dhamma có nghĩa là những gì Đức Phật đã Giác Ngộ, đã hiểu biết, đã thấu đáo vào thời điểm Giác Ngộ. Dhamma cũng có nghĩa là những gì Đức Phật đã dạy cho chúng sinh. Như vậy Dhamma không chỉ có nghĩa là những gì chúng ta tìm thấy được trong sách vở mà Dhamma còn là những gì một thiền sinh kinh nghiệm trong lúc hành thiền. Nói cách khác, Dhamma có nghĩa là Đạo, Quả, Niết Bàn và những lời dạy của Đức Phật. Có bốn Đạo, bốn Quả, Niết Bàn, và những lời dạy của Đức Phật.

Như vậy, khi nói đến Dhamma chúng ta nói đến mười đặc điểm. Chữ Dhamma có rất nhiều nghĩa, là một chữ rất khó dịch, khó có thể dùng một chữ mà chỉ hết các đặc tính của Dhamma. Do đó, tùy theo từng trường hợp, tùy theo bản kinh mà ta hiểu chữ Dhamma theo đúng ý nghĩa của từng trường hợp, từng bản kinh đó.

Khi chúng ta nói Phật, Pháp, Tăng thì chữ Pháp (Dhamma) này có nghĩa là Đạo, Quả, Niết Bàn, và những lời dạy của Đức Phật. Nói cách khác, Dhamma là những gì Đức Phật đã chứng ngộ vào lúc Giác Ngộ và những gì Ngài đã dạy cho thế gian.

Kinh điển ghi lại Đức Phật thuyết pháp rất nhanh. Ngày nay cũng có nhiều người nói rất nhanh; mặc dù họ nói rất nhanh, nhưng chúng ta cũng hiểu. Trong bốn mươi lăm năm Đức Phật thuyết pháp hàng ngày thì số lượng những bài pháp của Ngài rất nhiều. Chỉ những điểm chính yếu trong lời dạy của Ngài cũng bao gồm bốn mươi cuốn sách, mỗi cuốn dài ba đến bốn trăm trang. Thật là một khối lượng rất lớn lao!

Nhìn thấy số lượng lớn lao của Giáo Pháp mà Đức Phật đã dạy, chúng ta có thể nghĩ rằng: với số lượng giáo pháp nhiều như vậy chúng ta không hy vọng hiểu nổi. Nhưng một lần nọ Đức Phật đã tóm lược giáo pháp của Ngài chỉ trong một bài kệ. Tôi nghĩ chúng ta cần phải biết bài kệ này. Nhiều người trong số các bạn

  đây đã từng biết bài kệ đó như thế nào. Bài kệ giản dị này đã tóm lược tất cả những lời dạy của Đức Phật:


8

Không làm việc ác nào

Vun bồi các việc lành

Thanh lọc tâm ý

Đó là lời chư Phật dạy.

Như vậy, chỉ có ba điều rất đơn giản cần học, nhưng rất khó để thực hành.

Không làm việc ác nào: Có nghĩa là không làm điều xấu. Có người đôi lúc làm việc xấu, có người ít khi làm việc xấu, và cũng có người thường làm những việc xấu.

Vun bồi các việc lành: Đôi lúc chúng ta không muốn làm việc lành, không muốn vun bồi thiện tâm. Khi Đức Phật nói làm những việc lành, những điều tốt có nghĩa là phải thực hành hạnh bố thí, trì giới, và tham thiền.

Thanh lọc tâm ý: Tâm chúng ta luôn luôn bị ô nhiễm bởi những cấu uế, phiền não. Đức Phật luôn luôn dạy chúng ta phải thanh lọc tâm mình. Khi tâm đã được thanh tịnh trong sạch sẽ kinh nghiệm được hạnh phúc tối thượng. Như vậy, nếu chúng ta có thể thực hành ba điều khuyên dạy này của Đức Phật thì chúng ta sẽ trở thành người hạnh phúc nhất thế gian.

Đức Phật không chỉ nói phải thanh lọc tâm ý mình suông thôi mà Ngài còn dạy chúng ta làm cách nào để thanh lọc tâm ý nữa. Đức Phật dạy chúng ta ba bước tuần tự thực hành để đạt được thanh tịnh tâm ý. Đó là giới, định, huệ.

Bước đầu tiên là Giới (sīla), giới trong sạch là căn bản cho mọi tiến bộ tâm linh. Giới trong sạch nghĩa là trong sạch thân và khẩu. Thân chúng ta không làm điều sai lầm, khẩu không nói điều sai lầm. Có nghĩa là thân thiền sinh không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu và các chất say; khẩu không nói dối, không nói lời đâm thọc, không nói lời nói dữ, không nói lời vô ích.

Bước thứ hai là Định (sāmadhi). Định là giữ tâm trong sạch. Giữ tâm trong sạch bằng cách định tâm qua Thiền Định. Có nhiều đề mục thực hành Thiền Định. Chúng ta sẽ nói ở phần sau (xem chương 10).

Bước thứ ba là Huệ (pañña). Huệ hay Tuệ ở đây có nghĩa là hiểu biết bản chất của sự vật, thấy rõ thực tướng của Vật Chất và Tâm. Tuệ ở đây cũng có nghĩa là trí tuệ thấy rõ Tứ Diệu Đế.


9

Bước thứ ba (Huệ) đặt căn bản trên bước thứ nhì (Định). Và bước thứ nhì (Định) đặt căn bản trên bước thứ nhất (Giới). Nếu muốn đạt được tầng mức cao nhất của sự tiến bộ tâm linh thì bạn phải tuần tự thực hành ba bước trên.

Không đạt được bước thứ nhất là giới tịnh (Giới) thì không thể đạt được bước thứ hai là tâm tịnh (Định).

Không đạt được bước thứ hai là tâm tịnh (Định) thì không thể đạt được bước thứ ba là trí tuệ (Huệ) thấy rõ bản chất thật sự của sự vật, và do đó không thể hiểu rõ được Tứ Diệu Đế.

Như vậy, Đức Phật đã cho chúng ta bản đồ chi tiết về con đường phát triển tâm linh. Những ai theo ba bước của bản đồ này chắc chắn sẽ đạt được mục đích tối hậu.

TĂNG (SAṄGHA)

Saṅgha theo nghĩa thứ nhất là một nhóm, một cộng đồng nhiều cá nhân “thực hành theo lời giáo huấn của Đức Phật để tiến đến Giác Ngộ và đã Giác Ngộ Đạo Quả”. Như vậy những học trò đã Giác Ngộ của Đức Phật được gọi là cộng đồng những người Giác Ngộ hay Saṅgha.

Tăng theo nghĩa thứ hai là cộng đồng Tăng, Ni và Sa di “thực hành theo lời giáo huấn của Đức Phật để đi đến Giác Ngộ”. Cộng đồng này cũng gọi là Tăng.

Theo nghĩa thứ hai của Saṅgha thì cộng đồng Tăng Ni và Sa di có thể bao gồm cả những vị đã Giác Ngộ và những vị chưa Giác Ngộ, nhưng theo nghĩa thứ nhất thì “Tăng là cộng đồng những cá nhân đã Giác Ngộ” thì Tăng ở đây chỉ bao gồm có tám bậc thánh Giác Ngộ. Tất cả tám bậc thánh đó Saṅgha.

Những người Phật Tử được khuyến khích phải Quy Y Phật Pháp Tăng. Quy Y Tăng ở đây, đặc biệt là hạng Tăng thứ hai. Hạng Tăng thứ hai này dù chưa Giác Ngộ Đạo Quả, nhưng đã giữ gìn những lời dạy của Đức Phật và truyền thừa xuống các thế hệ sau cho đến ngày nay. Tăng ở đây là cộng đồng Tăng Ni đã có công bảo trì, giữ gìn giáo pháp và truyền thừa qua các thế hệ cho đến ngày nay. Vậy nên, chúng ta phải tri ân cộng đồng Tăng Chúng này vì các vị đã bảo tồn lời dạy của Đức Phật cho đến ngày nay. Nếu không có Tăng loại hai này thì ngày nay chúng ta không thể ngồi đây hành thiền hay bàn luận học hỏi những lời dạy của


10

Đức Phật. Như vậy, Tăng là những người gìn giữ lời dạy của Đức Phật và truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Những thành viên của Saṅgha cũng không phải là những tu sĩ hay thiền sinh trung gian giữa Đức Phật và mọi người. Mọi người đều có thể trực tiếp đến với Đức Phật. Họ không bị bắt buộc phải qua trung gian những tu sĩ. Như vậy, Tăng không phải là những nhà sư hay thiền sinh trung gian giữa Đức Phật và mọi người. Các vị này chỉ là người hướng dẫn tinh thần cho người tại gia cư sĩ. Tỳ khưu, Tỳ khưu Ni xuất gia đã bỏ bớt những việc làm không nằm trong lãnh vực của mình, có nhiều thời giờ hơn người tại gia cư sĩ nên họ cống hiến nhiều thời gian của mình vào việc học tập và thực hành giáo pháp. Tăng, Ni có nhiều điều kiện thuận lợi hơn người cư sĩ trong việc nghiên cứu, học hỏi, thực hành và duy trì Pháp Bảo. Đó là lý do tại sao chúng ta phải Quy Y Tăng. Do lòng tri ân nên chúng ta Quy Y Tăng vì Tăng đã chuyên chở giáo pháp của Đức Phật.

Những lời dạy của Đức Phật hay Phật Giáo được truyền thừa từ thế hệ này đến thế hệ khác trên 2500 năm. Trong khoảng thời gian 2500 dài truyền thừa nên Phật Giáo phân chia ra nhiều bộ phái. Sự phân chia bộ phái này là một điều đáng buồn. Tôi chỉ muốn có một bộ phái duy nhất là Phật Giáo thôi, nhưng tôi không thể làm gì được. Hiện nay trên thế giới có hai bộ phái Phật Giáo chính là Theravāda (Phật Giáo Nguyên Thủy) và Mahāyāna (Phật Giáo Đại Thừa).

Tôi là một nhà Sư thuộc Phật Giáo Nguyên Thủy, chúng tôi gọi nhau là những tín đồ Phật Giáo Nguyên Thủy. Chữ Theravāda nghĩa là những lời dạy của các trưởng lão hay các thượng tọa.

Phật Giáo Nguyên Thủy duy trì những lời dạy của Đức Phật dưới hình thức Nguyên Thủy. Có thể hiểu rằng: những lời dạy nguyên thủy của Đức Phật được tìm thấy trọn vẹn trong Phật Giáo Theravāda. Phật Giáo Đại Thừa khác hơn. Kinh điển Đại Thừa có thêm những phần khác vào lời dạy của Đức Phật, do đó một số kinh mới được thêm vào.

Hiện nay, Phật Giáo có hai tông phái chính: Phật Giáo Nguyên Thủy được truyền bá ở Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan, Campuchia, Lào. Năm xứ này còn được gọi là những xứ Phật Giáo Nguyên Thủy. Phật Giáo Nguyên Thủy còn được tìm thấy ở Nepal và Việt Nam. Việt Nam là xứ duy nhất Phật Giáo Đại Thừa và Phật Giáo Nguyên Thủy đều phát triển. Chúng ta có thể tìm thấy Phật Giáo Đại Thừa ở Tây


11

Tạng, Butan, Mông Cổ, Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật. Phật Giáo Nguyên Thủy còn được gọi là Phật Giáo Nam Truyền vì được truyền bá về phía nam. Từ trung Ấn Độ truyền xuống nam Ấn Độ rồi xuống Sri Lanka. Từ Sri Lanka truyền qua hướng đông như Miến Điện, Thái Lan v.v… Phật Giáo Đại Thừa còn được gọi là Phật Giáo Bắc Truyền vì từ trung tâm Ấn Độ truyền sang các quốc gia miền bắc như Butan, Tây Tạng, Mông Cổ, Hàn Quốc, Nhật v.v… Như vậy hiện nay có hai tông phái là Theravāda và Mahayāna.

Vì tôi là một nhà sư Nguyên Thủy nên tôi chỉ biết về Phật Giáo Nguyên Thủy thôi, xin đừng hỏi tôi những câu hỏi về Phật Giáo Bắc Truyền, tôi không đủ thẩm quyền và khả năng để nói về Phật Giáo Bắc Truyền. Tôi không muốn tạo sự hiểu lầm và không muốn trình bày một cách sai lầm về Phật Giáo Bắc Truyền như một tôn giáo khác, nên xin các bạn hãy hỏi tôi về Phật Giáo Nguyên Thủy,và tôi sẽ trả lời theo khả năng của tôi.

Khóa giảng này có mục đích trình bày cho quý vị biết về căn bản Phật Pháp. Phần nói vềTam Bảo, Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo đã được trình bày sơ lược. Bây giờ tôi sẽ dành nhiều thì giờ để nói đến Pháp Bảo nhiều hơn, vì chúng ta có nhiều thích thú khi học những gì Đức Phật đã dạy hơn là hiểu biết về cuộc đời của Ngài.

Điều này không có nghĩa là chúng ta không biết ơn Đức Phật. Chúng ta phải luôn luôn hết lòng tri ân Đức Phật đã để lại gia tài Pháp Bảo cho chúng ta, nhưng chúng ta luôn nghĩ đến những lợi ích mình gặt hái được từ sự hiểu biết và thực hành những lời dạy của Đức Phật. Bởi thế, những lời dạy của Đức Phật đối với chúng ta quan trọng hơn đời sống của Ngài hay Tăng Già. Do đó, chúng ta sẽ dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu học hỏi những lời dạy quan trọng của Đức Phật. Và khóa học này chỉ giới thiệu những điểm quan trọng căn bản của Phật Giáo thôi.


(Trích Phật Pháp Căn Bản, tác giả Sīlānanda, Khánh Hỷ dịch) 
Xem thêm thứ tự:
1. Nền tảng Phật Pháp - hiểu Phật Pháp Tăng - TK Sīlānanda
2. Nền tảng Phật Pháp - Lịch sử Đức Phật Gotama (Thích Ca) - TK Sīlānanda
3. Nền tảng Phật Pháp - Tứ Diệu Đế  - TK Sīlānanda 
4. Nền tảng Phật Pháp - Bát Chánh Đạo - TK Sīlānanda
5. Nền tảng Phật Pháp - Nghiên cứu về Nghiệp - TK Sīlānanda 
6. Nền tảng Phật Pháp - Lý Duyên Sinh  = 12 Nhân Duyên  - TK Sīlānanda
7. Nền tảng Phật Pháp - Lý Duyên Hệ  = 24 Hệ Nhân Duyên  - TK Sīlānanda
8.  Nền tảng Phật Pháp - CÁC HẠNG CHÚNG SINH TRÊN ĐƯỜNG GIẢI THOÁT -TK Sīlānanda 
9. Nền tảng Phật pháp - Những giới luật quan trọng nhất - Tỳ kheo Silananda
10. Nền tảng Phật pháp - THIỀN ĐỊNH (SAMATHA) - Tỳ kheo Silananda
11. Nền tảng Phật pháp - THIỀN MINH SÁT (VIPASSANĀ)) - Tỳ kheo Silananda
12. Nền tảng Phật pháp - Giải thích sự giác ngộ  - Tỳ kheo Silananda
13. Nền tảng Phật pháp - Các kỳ kết tập Kinh điển lịch sử  - Tỳ kheo Silananda
14. Nền tảng Phật pháp - Hiểu vê Vô Ngã  - Tỳ kheo Silananda

1 nhận xét: