Thiền Chỉ Thiền Quán - NHỮNG CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI HÀNH THIỀN - Henepola Gunaratana

Nền Tảng Giới
Cắt Đứt Những Chướng Ngại
Đến Gần Bậc Thiện Tri Thức
Các Đề Mục Thiền Chỉ (Định)
Chọn Một Trú Xứ

NHỮNG CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI HÀNH THIỀNThiền (jhāna) không phải ngẫu nhiên khởi lên mà tùy thuộc vào những điều kiện thích hợp nhất. Thiền là những trạng thái tâm vốn chỉ có thể phát sanh khi được cung cấp những “thức ăn” thích hợp dẫn đến sự phát triển của chúng. Vì vậy, trước khi bước vào thiền tập, người muốn hành có kết quả phải chuẩn bị một nền tảng vững vàng cho việc tu tập của mình bằng cách hoàn tất một vài điều kiện căn bản. Trước hết, vị ấy phải thanh tịnh giới hạnh của mình vì lẽ giới tạo thành điều kiện hỗ trợ tất yếu cho định. Sau đó, vị ấy phải cắt đứt những chướng ngại bên ngoài ảnh hưởng đến việc tu hành và tự đặt mình dưới sự chỉ dẫn của một vị thầy có đủ phẩm chất. Vị thầy sẽ giao cho hành giả một đề tài thích hợp để phát triển thiền, đồng thời giải thích cho họ những phương pháp quán. Sau khi học xong những phương pháp này, hành giả tìm đến một trú xứ thích hợp rồi nỗ lực chuyên cần để đạt đến sự thành công. Trong chương này chúng ta sẽ tuần tự khảo sát từng bước chuẩn bị trước khi bắt đầu việc thiền tập.
NỀN TẢNG GIỚI
Một hành giả muốn đắc thiền trước hết phải đặt mình vào một nền tảng giới luật vững chắc. Thanh tịnh giới là điều không thể thiếu được trong tiến trình thiền vì một vài lý do tâm lý sâu xa. Thứ nhất, giới cần thiết để phòng ngừa mối nguy hiểm của sự ân hận. Ý thức tội lỗi day dứt trong tâm nảy sanh khi ta vô tình hoặc cố ý phạm vào những nguyên tắc đạo đức căn bản. Sự tuân thủ thận trọng những nguyên tắc cư xử đạo đức này sẽ bảo vệ hành giả khỏi mối nguy hối hận có thể làm gián đoạn sự an tịnh nội tâm. Vì thế, đức Phật công bố giới có lợi ích của sự không hối hận, không hối hận có lợi ích được hoan hỷ, hoan hỷ sẽ dẫn đến tâm thanh tịnh và cuối cùng là định. [1]
Lý do thứ hai, một nền tảng giới luật là cần thiết cho việc tu thiền xuất phát từ sự hiểu biết về mục đích của định. Định, trong giới luật của đạo Phật nhắm đến việc cung cấp một căn bản cho tuệ bằng cách tẩy sạch tâm khỏi những ảnh hưởng phân tán của phiền não. Nhưng muốn khai trừ những phiền não này một cách hiệu quả để cho định sanh thì những bộc lộ thô tháo của phiền não qua thân và khẩu trước hết phải được kiểm soát. Chúng ta thấy những vi phạm đạo đức luôn luôn do những phiền não – tham, sân, si – thúc đẩy. Khi một người phạm giới, họ bị kích động và vô tình củng cố thêm cho chính những yếu tố tâm lý mà lẽ ra việc hành thiền của vị ấy là phải trừ diệt. Điều này đẩy hành giả vào một tình huống mâu thuẫn khiến cho những cố gắng về thanh tịnh tâm của mình trở thành vô hiệu. Cách duy nhất hành giả có thể tránh làm hỏng những nỗ lực thanh tịnh tâm của mình khỏi những phiền não vi tế là ngăn chặn những xung lực bất thiện nội tại không cho bộc phát dưới dạng thô của thân hành và khẩu hành bất thiện. Chỉ khi nào hành giả thiết lập được sự kiểm soát đối với các biểu hiện bề ngoài của phiền não, hành giả mới có thể xoay vào bên trong để đương đầu với chúng như những ám ảnh tâm lý xuất hiện trong tiến trình tu tập.
Về phương diện tiêu cực, việc hành giới bao gồm việc kiêng tránh những hành vi bất thiện thuộc thân và khẩu, trong khi về phương diện tích cực nó chính là sự tuân giữ những nguyên tắc đạo đức thúc đẩy an lạc tự thân và hòa hợp trong những quan hệ giữa mình và mọi người. Giới luật căn bản được đức Phật thiết lập nhằm hướng dẫn hàng đệ tử tại gia của Ngài là ngũ giới (panñcasila): không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các chất say. Những nguyên tắc này ràng buộc như những bổn phận đạo đức tối thiểu đối với tất cả mọi người thực hành theo đạo Phật, và người tu tập có thể thực hiện được những tiến bộ đáng kể trong thiền pháp với sự ràng buộc này. Tuy nhiên, đối với những vị có nguyện vọng chứng đắc các mức độ thiền cao hơn, hoặc muốn theo đuổi con đường tu tập đến những giai đoạn giải thoát, được khuyến khích là hãy đảm nhận những giới luật cao hơn liên quan đến đời sống xuất gia. đạo Phật truyền thống kinh điển Pāḷi hay Phật giáo Nguyên thủy rất minh bạch khi nhấn mạnh đến những hạn chế của đời sống tại gia trong việc theo đuổi lộ trình giải thoát ở mức viên mãn nhất của nó. Mặc dù người tại gia vẫn có thể thành thục cả hai phương diện định và tuệ, thậm chí đắc chứng các đạo quả siêu thế, song về phương diện trợ duyên cho đời phạm hạnh, so với đời sống của bậc xuất gia rõ ràng đời sống tại gia được nhìn nhận là khiếm khuyết hơn. Kinh điển nhiều khi đề cập đến hạn chế của đời sống tại gia như “một con đường lắm bụi trần”, trong khi đời sống xuất gia tựa như bầu trời rộng mở.
Đối với những vị thiên về đời sống xuất gia, đạo Phật đưa ra một cơ cấu hỗ trợ cộng đồng dưới hình thức Tăng già (Bhikkhu Sangha). Theo đó, sau khi từ bỏ đời sống tại gia, vị hành giả nếu thực sự không còn những chướng ngại, sẽ xin phép gia nhập Tăng đoàn, trước hết thọ giới bậc thấp của hàng xuất gia (pabbajā) để trở thành một vị sa di, kế đó thọ giới cao hơn (upasampadā) để trở thành một vị Tỳ kheo, tức một vị sư đã tròn đủ giới luật. Đời sống tu viện, với việc nhấn mạnh đến sự thanh tịnh, giản dị và độc cư của nó đã được đức Phật đặc biệt trù liệu để đáp ứng những điều kiện ngoại duyên tốt nhất cho sự tiến bộ bên trong khi thực hành những lời dạy của Ngài. Nền tảng cho việc tu tập này là Tăng thượng giới học. Học giới cho các vị Tỳ kheo được tập hợp thành một hệ thống gọi là Tứ thanh tịnh giới (Catupāvisuddhisīla) gồm bốn phần: Biệt biệt giải thoát thu thúc giới (pātimokkha saṃvarasīla); Thu thúc lục căn giới (indriya saṃvarasīla); Thanh tịnh sinh mạng giới (ājivaparisuddhisīla); Quán tưởng thọ dụng tứ vật dụng giới (paccayasannissitasīla).
1. Biệt biệt giải thoát thu thúc giới chủ yếu là giữ gìn thận trọng những giới điều của Pātimokkha (Biệt giải thoát giới). Biệt giải thoát giới gồm 227 học giới được đức Phật ban hành để điều hòa hạnh nghi của các vị Tỳ kheo như kinh nói: “Vị Tỳ kheo sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn (biệt giải thoát giới), đầy đủ hành xứ và chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt...” [2] . Những giới luật này tạo thành trụ cột của kỷ luật tu tập, trợ giúp cho sự thanh tịnh chánh hạnh cần thiết để bảo đảm thành công trong thiền quán.
2. Thu thúc lục căn giới là áp dụng sự chế ngự đối với các căn khi tiếp xúc với các trần. Như kinh nói: “Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng; những nguyên nhân gì do đó mà nhãn căn không được chế ngự khiến cho tham ái, ưu bi, các bất thiện pháp khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn.” [3] Đối với các căn khác cũng phải hiểu như trên. Mục đích của việc thu thúc này là để ngăn ngừa các hoạt động giác quan không cho dẫn đến sự khởi lên của các phiền não. Tâm không tu tập sẽ nắm bắt các trần cảnh qua các “tướng”, hay qua các khái niệm mơ hồ, không thực, cho rằng bản chất của chúng là đáng ưa hay đáng ghét để từ đó, những đối tượng khả ái có khuynh hướng khơi dậy tham đắm, những đối tượng không khả ái khởi lên ác cảm. Để chiến thắng cái khuynh hướng lưỡng phân của các hệ lụy cảm xúc rất bất lợi cho sự định tâm mới hình thành này, hành giả phải luôn luôn canh phòng các căn của mình khi tiếp xúc với các đối tượng đa dạng của chúng. Nhờ chánh niệm cẩn mật, hành giả chắc chắn sẽ ngăn được những xung lực tự phát có khuynh hướng bám vào cái đáng ưa và cự tuyệt cái không thích, thay thế chúng bằng một thái độ xả ly vô chấp, xem mọi trần cảnh bình đẳng như nhau.
3. Thanh tịnh sanh mạng giới đòi hỏi hành giả phải tránh những phương tiện làm ăn bất chánh. Đối với một vị Tỳ kheo, điều này được quy định nghiêm ngặt hơn chánh mạng ràng buộc một người tại gia cư sĩ. Vị Tỳ kheo chỉ được phép nhận những thứ đáp ứng nhu cầu căn bản như vật thực, y phục, chỗ ở và dược phẩm trị bệnh, hợp với những nguyên tắc của đời sống tu sĩ. Đó là, những vật cúng dường tùy ý người cư sĩ (muốn dâng gì thì dâng), hoặc được phép yêu cầu nếu có lời đề nghị của những người hộ trì Tam bảo tín tâm. Vị Tỳ kheo bị cấm khoe khoang những sở đắc tâm linh như một cách để củng cố uy tín của mình trước mặt người cư sĩ, và còn phải tránh dùng những cách thức như mưu đồ, thuyết phục, gợi ý, tự hạ mình để có được những phương tiện sinh hoạt cho cá nhân mình.
4. Giới liên quan đến việc sử dụng các món vật dụng là hệ quả tất nhiên của sinh mạng thanh tịnh giới. Sau khi có được những nhu yếu phẩm của mình bằng phương tiện chánh đáng, vị Tỳ kheo còn phải sử dụng chúng một cách chánh đáng, hiểu rõ mục đích thực thụ của chúng chỉ là để duy trì đời phạm hạnh. Vị ấy phải quán tưởng rằng ta dùng y phục đây chỉ để bảo vệ thân thể khỏi nóng lạnh và giữ gìn giới hạnh. Vật thực này chỉ để nuôi dưỡng thân mạng và giữ cho nó được khỏe mạnh. Chỗ ở này chỉ để ngăn ngừa những khắc nghiệt của thời tiết. Và dược phẩm này chỉ để chữa bệnh, để duy trì sanh mạng. Nhờ sử dụng các nhu yếu phẩm sau khi đã quán tưởng như vậy, hành giả có thể tránh được cạm bẫy của lòng tham muốn thoải mái và hưởng thụ. Nhờ nhận thức đúng nhu cầu vật chất của cuộc sống chỉ là phụ thuộc so với giá trị của mục đích tâm linh, hành giả có thể phát triển các đức tri túc, thanh đạm và giản dị đối với các đòi hỏi của thân tâm.
CẮT ĐỨT NHỮNG CHƯỚNG NGẠI
Sau khi đã thiết lập được nền tảng cơ bản của giới thanh tịnh, hành giả được khuyên nên cắt đứt những chướng ngại bên ngoài (palibodha) làm trở ngại những nỗ lực hướng đến đời sống thiền quán của hành giả. Thanh Tịnh Đạo kể ra mười loại chướng ngại: trú xứ, gia đình, lợi dưỡng, lớp học, xây dựng, du lich, quyến thuộc, ưu não, sách vở và các thần thông. [4]
1. Trú xứ, có thể là một phòng riêng, một cái cốc hoặc một ngôi chùa, sẽ trở thành một chướng ngại đối với những ai quan tâm thái quá đến công việc và nhiệm vụ phải làm với nó hoặc với những sở hữu họ đã tích chứa ở đó. Thiền đòi hỏi phải có sự từ bỏ những gì liên quan đến tiện nghi và sự thoải mái của đời sống định cư. Như vậy, một hành giả nếu thấy sự tiến bộ của mình bị chướng ngại bởi sự dính mắc trú xứ này thì nên từ bỏ nó và tìm một nơi thanh vắng, độc cư để có thể theo đuổi việc tu tập của mình.
2. Gia đình nghĩa là thân bằng quyến thuộc hay những người hộ tăng. Bởi lẽ một hành giả sống liên hệ mật thiết quá với những người này sẽ bị liên lụy tình cảm với họ, nên hành giả được khuyên là hãy tu tập xả ly hoặc chuyển đến một nơi ở khác, ở đó, những liên lụy kể trên không có cơ hội xảy ra.
3. Lợi dưỡng là bốn vật dụng. Một vị Tỳ kheo có danh tiếng và xuất sắc (về một phương diện nào đó) có thể thường xuyên được hàng cư sĩ tìm kiếm để dâng cúng tứ vật dụng. Để cảm ơn họ, hành giả phải tụng kinh phúc chúc và thuyết pháp, cũng phần nào chướng ngại cho việc hành thiền. Trong trường hợp này, hành giả nên giã từ mọi người và du hành đến một nơi nào đó khó ai biết đến.
4. Lớp học là một nhóm đệ tử. Vị Tỳ kheo luôn bận rộn trong việc chỉ dẫn đệ tử sẽ khó có thì giờ thuận tiện cho việc thiền quán. Nếu hành giả có ý định dành trọn thời gian cho việc hành thiền, hành giả phải bàn giao nhóm đệ tử của mình cho một vị thầy khác và ra đi một mình.
5. Xây dựng nghĩa là đang xây cất một công trình. Điều này sẽ là một chướng ngại trong trường hợp hiện tại của hành giả vì nó đòi hỏi thời gian và trí óc. Muốn vượt qua chướng ngại này, việc xây dựng phải sơm được hoàn tất, nếu không, nên giao lại cho người khác điều hành.
6. Du lịch là đang đi đây đi đó. Chương trình này cần phải được hủy bỏ để hướng vào một nơi cư trú ổn định cho việc hành thiền.
7. Quyến thuộc là những người đặc biệt thân thiết trong tăng chúng, chẳng hạn như các giáo thọ sư hay đệ tử, hoặc cha mẹ của mình. Trong trường hợp đau ốm, hành giả cố gắng chăm sóc cho họ mau lành bệnh, hoặc giao phó công việc chăm sóc ấy cho người có trách nhiệm.
8. Ưu não là đang đau khổ vì một căn bệnh nào đó. Căn bệnh cần phải được điều trị, nếu không lành, vẫn cứ kiên trì tu tập mặc cho bệnh hoạn.
9. Sách vở là nghiên cứu kinh điển. Đối với người nghiên cứu kinh điển để tầm cầu tri thức thì đây là một chướng ngại cho việc hành thiền của họ. Hành giả phải từ bỏ việc nghiên cứu và tụng đọc kinh điển trong suốt giai đoạn thực hành miên mật.
10. Thần thông là một chướng ngại đối với tuệ chứ không phải định, vì chúng là những sản phẩm của định. Chướng ngại này có thể được cắt đứt dễ dàng bằng cách không quan tâm đến việc luyện tập cũng như kết quả của chúng.
ĐẾN GẦN BẬC THIỆN TRI THỨC
Con đường tu tập dẫn đến các thiền chứng là một lộ trình đầy gian nan, nó đòi hỏi phải có những đề mục đặc biệt, những kỹ thuật chính xác và sự thiện xảo trong việc đối phó với những chướng ngại trong khi thực hành. Kinh nghiệm đắc thiền đã được truyền lại qua bao thế hệ các bậc thiền sư tính từ thời đức Phật. Mỗi vị đã truyền lại những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được cho các vị đệ tử kế thừa, nhờ vậy đảm bảo được tính liên tục của truyền thống. Một vị hành giả có khả năng được khuyên là hãy tự mình tận dụng di sản sống của pháp hành này bằng cách đặt mình dưới sự dạy dỗ của một vị thiền sư có đủ phẩm chất. Thiền sư này sẽ giao cho hành giả một đề mục thiền thích hợp với căn tánh của hành giả, chỉ dẫn cách thức tu tập và hướng dẫn từng bước trên con đường thực hành.
Không giống như các truyền thống Ấn giáo vốn tập trung vào hình ảnh minh sư (guru) như hiện thân của thần thánh hoặc một đấng trung gian giữa con người và thần thánh, Phật giáo Nguyên Thủy (Theravāda Buddhism) luôn luôn nhấn mạnh đến vai trò sư phạm của vị thiền sư. Vai trò này được chỉ rõ bằng một từ đặc chọn trong kinh điển Pāḷi Kalyānamitta – “bậc thiện tri thức” hay “người bạn lành”. Thiền sư không phải là một vị thần linh hay hóa thân của thần linh, được trang bị những phương tiện giải thoát trong tự thân. Thực chất các Ngài chỉ là một người bạn cao niên hơn và là một vị thầy hướng dẫn. Những chỉ dẫn của các Ngài trên lộ trình tu tập hoàn toàn phát xuất từ trí tuệ thù thắng được hun đúc bằng kinh nghiệm cá nhân của các Ngài. Ngay cả các vị Phật cũng chỉ tùy duyên mà “khai thị”, phần còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào những nỗ lực của người hành trì.
Tuy nhiên, tầm quan trọng của việc nương tựa một bậc thiện tri thức (Kalyānimitta) lại rất được nhấn mạnh trong truyền thống Phật giáo Theravāda. Khi Tôn giả Ānanda đến nơi đức Phật và thưa rằng, dường như hơn nửa đời phạm hạnh tùy thuộc vào các bậc thiện tri thức, đức Phật điều chỉnh lại, không phải “hơn nửa” mà chính là “toàn bộ”. Nương tựa bạn lành sẽ dẫn hành giả đến sự tu tập Bát Thánh Đạo [5] . Một dịp khác, khi thị giả của Ngài là Tỳ kheo Meghiya nằng nặc xin phép để được độc cư thiền định, đức Phật giải thích rằng, khi tâm giải thoát chưa được thành thục, có một pháp sẽ dẫn đến sự thành thục của tâm ấy là thân cận bạn lành và có bạn đồng hành [6] . Thực vậy, chính đức Phật đã mô tả bản thân mình như là người bạn lành tối thượng hướng dẫn các chúng sanh đến chỗ giải thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử [7] .
Bậc thiện tri thức có phận sự giao cho hành giả một đề tài thiền. Thanh Tịnh Đạo nói rằng muốn làm được điều này vị ấy phải có những phẩm chất thích hợp, chẳng hạn như phải đáng được tôn trọng, quý kính, nói những lời uyên thâm và biết quan tâm đến sự an vui, tiến bộ của người đệ tử. Trong kinh nói, vì rằng đức Phật chính là một “người bạn lành” lý tưởng nên khi Ngài còn tại thế, mọi đề tài thiền quán đều được xin nơi Ngài. Sau khi Ngài diệt độ, các vị thiền sư có đủ phẩm hạnh còn lại như các vị đại đệ tử, các vị Alahán đã đắc thiền, vị Bất lai, vị Nhất lai, vị Nhập lưu, các vị phàm nhân đã chứng thiền và các bậc tinh thông kinh điển khác sẽ thay thế đức Phật làm nhiệm vụ ấy.
Khi biết có một vị thiền sư đầy đủ phẩm hạnh như đã nói, hành giả phải đi đến chỗ vị ấy và xin được trú ngụ ở đó. Hành giả không nên hỏi xin một đề tài thiền ngay khi mới đến mà trước hết phải làm những bổn phận của người học trò với lòng kính trọng và khiêm tốn. Hành giả đến đảnh lễ thầy vào buổi chiều và lui ra khi được cho phép. Sau mười ngày hoặc hai tuần, hành giả phải tạo một cơ hội nào đó để được gặp thầy. Khi mọi điều kiện được xem là thuận lợi, hành giả có thể giải thích lý do việc mình đến. Hành giả phải nguyện dâng hiến thân mạng mình cho đức Phật và vị thầy, rồi thỉnh xin một đề mục thiền quán với tất cả lòng chân thành và quyết tâm của mình.[8]
Vị thiền sư sẽ giao một đề mục thích hợp với căn tánh của người đệ tử. Các bậc tiền bối của truyền thống Theravāda (Phật giáo Nguyên thủy) đưa ra sáu loại căn tánh (carita) căn bản của con người là: tánh tham, tánh sân, tánh si, tánh tín, tánh trí tuệ, tánh tầm (tư duy) [9] . Cá tánh nổi bật nhất trong một người được quyết định bởi tích lũy nghiệp đời trước của họ. Vị thiền sư, hoặc dựa vào khả năng “thấy” được tâm người khác của mình, hoặc dựa vào sự quan sát hay bằng cách hỏi trực tiếp, sẽ đánh giá căn tánh của người đệ tử rồi chọn một đề mục thích hợp cho họ.
CÁC ĐỀ MỤC THIỀN CHỈ (ĐỊNH)
Các đề mục thiền mà đức Phật định cho từng căn tánh vào những dịp khác nhau (trong các bản kinh) nhằm giúp họ phát triển sự an tịnh nội tâm đã được các nhà chú giải hệ thống lại thành một bảng tổng hợp thường được gọi là Bốn mươi nghiệp xứ (Kammaṭ-ṭhāna). Chữ Kammaṭṭhāna nghĩa đen là một nơi làm việc. Từ này được áp dụng cho các đề tài thiền vì ở đây, người hành thiền đảm nhận công việc liên quan đến chuyên môn của mình, tức công việc hành thiền.
Bốn mươi nghiệp xứ hay đề mục thiền này được phân làm bảy nhóm. Thanh Tịnh Đạo liệt kê chúng như sau: 10 đề mục Kasiṇa (biến xứ), 10 bất tịnh tướng, 10 tùy niệm, 4 phạm trú, 4 vô sắc xứ, một tưởng (vật thực bất tịnh), một đề mục phân tích tứ đại. [10]
Kasiṇa là một dụng cụ biểu trưng tính chất đặc biệt nào đó được dùng như một hỗ trợ cho định. Kasiṇa (biến xứ) có 10 loại là kasiṇa đất, kasiṇa nước, kasiṇa lửa, kasiṇa gió, kasiṇa màu xanh, kasiṇa màu vàng, kasiṇa màu đỏ, kasiṇa màu trắng, kasiṇa ánh sáng và kasiṇa hư không có giới hạn. Chữ kasiṇa có ý nghĩa của sự “toàn vẹn” (sakalaṭṭhena). Nó được áp dụng cho 10 đối tượng thiền này vì ở đây, mỗi thứ đều biểu hiện một tính chất đặc trưng, toàn vẹn của nó. Kasiṇa có thể là một hình thức xuất hiện tự nhiên của tứ đại hay màu sắc đã chọn sẵn, hoặc cũng có thể là một dụng cụ nhân tạo như một đĩa có sơn màu hay một đĩa làm bằng tứ đại (đất, nước, lửa, gió) tiện dụng cho việc hành thiền.
Mười loại bất tịnh tướng là mười giai đoạn trong tiến trình phân hủy của một tử thi. Đó là, tử thi trương phình, xám xịt, thối rữa, cắt rời, bị gặm nhấm, vung vãi ra, bị chặt và văng lung tung, chảy máu, dòi bọ đục khoét và còn lại một bộ xương. Mục đích chính của pháp quán này là nhằm giảm bớt lòng tham dục nhờ thấy được tính chất ô trược của xác thân này. Muốn thấy được “tướng” của các tử thi, cần phải có những xác chết thực thụ (chứ không phải tưởng tượng). Vì thế, những đề tài này còn được gọi là mộ địa quán bởi hành giả phải đi vào nghĩa địa để thấy tử thi thực được quăng bỏ ở đó.
Mười tùy niệm là tùy niệm Phật, tùy niệm Pháp, tùy niệm Tăng, tùy niệm giới, tùy niệm bố thí, tùy niệm chư thiên, niệm sự chết, niệm thân, niệm hơi thở và tùy niệm sự bình an. Ba tùy niệm đầu là những pháp quán thuộc về đức tin đối với ân đức Tam bảo – những đối tượng tôn kính của người Phật tử. Ba tùy niệm tiếp theo nói đến hai đức hạnh của người Phật tử là giữ giới và bố thí. Tùy niệm hay nhớ tưởng đến chư thiên dành cho những hành giả còn mong muốn được tái sanh ở các cõi cao hơn. Niệm sự chết để luôn nhớ rằng cái chết chắc chắn sẽ xảy ra – một cách thúc đẩy sự tinh tấn tu tập. Niệm thân (hay niệm 32 thể trược) là sự quán tưởng thân này thành 32 phần và tính bất tịnh của nó. Niệm hơi thở là tỉnh giác với sự chuyển động vô – ra của hơi thở, đây là đề mục căn bản nhất trong các đề mục thiền của Phật giáo. Và tùy niệm sự bình an là hồi tưởng đến các đức của Niết bàn.
Bốn phạm trú là sự tu tập tâm từ, bi, hỷ, xả không giới hạn. Những đề tài thiền này còn được gọi là Tứ vô lượng tâm (appamanñnñā) bởi vì chúng cần được phát triển đối với các hữu tình chúng sanh không có sự hạn chế hay có tính riêng biệt.
Bốn vô sắc là Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đây là những đối tượng đưa đến bốn thiền chứng tương ứng gọi là thiền vô sắc (arūpajjhāna).
Một đề mục tưởng là tưởng tính chất đáng nhờm gớm của vật thực
Một đề mục phân tích là sự phân tích tứ đại, tức phân tích thân này thành bốn yếu tố đất, nước, lửa, gió.
Bốn mươi nghiệp xứ được đề cập trong bản chú giải văn hệ Pāḷi từ hai góc độ quan trọng khác nhau. Một là khả năng dẫn đến các cấp độ định khác nhau của chúng; hai là sự thích hợp của chúng đối với các căn tánh khác nhau.
Không phải tất cả các đề mục thiền đều có hiệu quả như nhau trong việc dẫn đến các cấp độ định sâu hơn. Như đã giải thích ở trên, vượt qua giai đoạn chuẩn bị, định có thể khởi lên hoặc ở mức cận hành (upacārasamādhi), hoặc ở mức an chỉ (appanāsamādhi) tùy thuộc vào năng lực của các thiền chi trong tâm thiền ấy. Hơn nữa, an chỉ định có thể khởi lên ở bất kỳ bậc thiền nào trong số tám cấp độ thiền chứng của bốn Sắc giới và bốn Vô Sắc giới. Do đó, Bốn mươi nghiệp xứ trước hết phải được phân biệt trên cơ sở khả năng của chúng trong việc chỉ dẫn đến cận định hay dẫn đến an chỉ định nữa; rồi những nghiệp xứ nào có thể dẫn đến an chỉ định còn phải được phân biệt thêm theo khả năng dẫn đến các cấp độ thiền khác nhau nữa của chúng.
Trong số bốn mươi đề mục, mười đề mục chỉ có khả năng đưa đến cận định. Đó là tám tùy niệm, tức tất cả các tùy niệm ngoại trừ niệm thân (32 thể trược) và niệm hơi thở – cộng với tưởng tính chất đáng nhờm gớm trong vật thực và phân tích tứ đại. Sự tu tập những đề mục thiền này có thể khiến cho các triền cái suy giảm và hiển lộ các thiền chi, nhưng vì chúng bị chi phối bởi tính đa dạng của các ân đức và đòi hỏi một sự áp dụng năng động của tư duy nên không thể vượt qua cận định. Ba mươi đề mục còn lại có thể đưa đến an chỉ.
Trong ba mươi đề mục còn lại, mười kasiṇa và niệm hơi thở đều đưa đến tứ thiền. Hiệu quả của chúng ở phương diện này được xem là do tính chất đơn giản của chúng và nhất là do thoát khỏi sự kiến tạo của tư duy. Mười bất tịnh tướng và niệm thân (32 thể trược) chỉ đưa đến sơ thiền. Sở dĩ chúng bị giới hạn ở đây là vì tâm chỉ có thể duy trì đề mục với sự trợ giúp của chi tầm (vitakka), một chi thiền không có mặt ở nhị thiền và các bậc thiền cao hơn. Ba phạm trú đầu (từ, bi, hỷ) có thể đưa đến ba bậc thiền thấp chứ không đến được tứ thiền vì chúng khởi sanh cùng với thọ lạc (sukha) vốn chỉ hiện hữu trong ba bậc thiền đầu nhưng bị thay thế bởi thọ xả ở bậc thiền thứ tư. Ngược lại, vì đòi hỏi phải có sự đi kèm của thọ xả và không thể cùng tồn tại với thọ lạc nên xả phạm trú chỉ khởi lên ở mức tứ thiền, ở đây thọ xả có chủ quyền hơn. Bốn vô sắc xứ dẫn đến các thiền vô sắc tương ứng với tên của chúng. Tuy nhiên, vì bốn vô sắc thiền này về cấu trúc thiền chi giống như tứ thiền (thuộc sắc giới), chỉ khác ở các đối tượng của chúng nên bốn vô sắc xứ được nói là dẫn đến tứ thiền.
Bởi vì nội dung của tác phẩm này là muốn chú trọng đến các tiến trình xuyên qua bốn thiền (sắc giới), do đó, ở đây sẽ giả định trường hợp một hành giả chọn đề mục thiền của mình là một kasiṇa hoặc niệm hơi thở mà thôi.
Bốn mươi nghiệp xứ hay đề mục thiền cũng được phân biệt theo tính chất thích hợp của chúng đối với các loại căn tánh khác nhau. Như trên đã đề cập, các truyền thống chú giải công nhận sáu loại căn tánh chính là tham, sân, si, tín, tuệ, tầm. Dĩ nhiên cách phân loại này có khuyết điểm là quá đơn giản – các bậc cổ đức cũng đã nhìn nhận điều này. Do đó, sự phối hợp với các đặc điểm hay nét riêng (của tính tình) có thể làm cho sự xác nhận dễ dàng hơn. Song sáu loại căn tánh trên cũng được xem như một nguyên tắc dựa vào thực tiễn đủ để phục vụ mục đích mà nó đưa ra, tức giao một đề tài thích hợp cho hành giả.
Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) chia bốn mươi đề mục theo các căn tánh khác nhau này như sau: mười bất tịnh tướng (tử thi) và niệm thân (32 thể trược) rõ ràng có ý định làm giảm dục tham, nên là mười một đề tài thích hợp cho những hành giả thuộc tánh tham. Bốn phạm trú và bốn kasiṇa màu (xanh, vàng, đỏ, trắng) được coi là hợp với tánh sân. [11] Niệm hơi thở là một pháp tùy niệm hợp với những hành giả tánh si và tánh tầm. Sáu tùy niệm đầu (Phật, Pháp, Tăng, Giới, Thí, Thiên) hợp với những hành giả tánh tín. Bốn đề mục – niệm sự chết, tùy niệm sự bình an, phân tích tứ đại và tưởng tính chất đáng nhờm gớm của vật thực (tưởng vật thực bất tịnh) – đặc biệt có hiệu quả đối với những hành giả tánh tuệ. Sáu kasiṇa còn lại (đất, nước, gió, lửa, ánh sáng, hư không) và bốn vô sắc xứ hợp với mọi cá tánh. Tuy nhiên, đối với người tánh tầm, kasiṇa nên giới hạn về kích thước, ngược lại, người tánh si nên mở rộng ra. [12]
Ngay sau khi đưa ra bảng phân tích này, Luận sư Buddhaghosa còn thêm vào một điều nữa nhằm ngăn ngừa sự hiểu lầm. Ngài nói rằng mặc dù cách phân chia theo cá tánh này được thực hiện trên cơ sở của sự đối lập trực tiếp và sự thích hợp hoàn toàn, song thật ra không có một hình thức thiền thuộc phần thiện nào lại không đoạn trừ các triền cái và trau dồi các tâm sở thiện. Ngài còn trích dẫn một đoạn trong kinh Meghiyasutta khuyên hành giả nên tu tập bất tịnh để trừ bỏ tham dục, tu tập tâm từ để trừ bỏ sân hận, tu tập hơi thở để cắt đứt những tư duy tán loạn, tu tập vô thường để diệt mạn tùy miên “Ta là”.[13]
CHỌN MỘT TRÚ XỨ (CHỖ Ở THÍCH HỢP)
Khi vị thầy giao đề mục thiền cho đệ tử hợp với căn tánh của họ thì cần phải giải thích những phương pháp tu tập đề mục ấy. Vị thầy có thể dạy cách thức tu tập từng bước một cho người đệ tử nếu họ còn ở gần mình, hoặc sẽ dạy chi tiết nếu người ấy phải đi hành ở một nơi khác. Trong trường hợp sau, người đệ tử phải cẩn thận chọn một nơi ở thích hợp cho việc tu tập. Kinh điển đề cập đến mười tám loại chùa không tiện cho việc tu thiền là: quá lớn, mới lập, hư nát, gần đường lộ, có ao hồ, có các loại cây có hoa trái, được nhiều người ưa chuộng, ngôi chùa ở thành phố, ở giữa rừng cây hay cánh đồng, có người hay cãi nhau, ở bến cảng, ở vùng biên địa, ở biên giới, ngôi chùa thường có phi nhân lai vãng, không gần bậc thiện tri thức. Trừ khi vị ấy đã tu tập vững vàng, còn không, hành giả sơ cơ nên tránh nơi ở có những lỗi này.
Có năm yếu tố góp phần làm cho một trú xứ trở thành thuận lợi cho việc hành thiền đã được đức Phật đề cập là: không quá xa cũng không quá gần một ngôi làng có thể làm chỗ dựa cho việc khất thực và có một con đường sạch sẽ; trú xứ phải là một nơi yên tĩnh, hẻo lánh; phải tránh được những khắc nghiệt của thời tiết và các loại côn trùng hay thú vật nguy hại; phải tương đối dễ dàng trong việc có được bốn món vật dụng; phải thuận tiện cho việc đến gặp một vị trưởng lão đa văn hay các vị thiện trí, những người mà hành giả có thể tham vấn khi có những vấn đề khởi sanh trong lúc hành thiền.[14] Các loại trú xứ thường được đức Phật khen ngợi như một nơi thích hợp dẫn đến sự chứng đắc các thiền tìm thấy trong kinh điển là trú xứ hẻo lánh ở trong rừng, dưới một cội cây, trên núi, trong một hang động, ở nghĩa địa, trảng bằng có rừng cây bao bọc, giữa trời hay một đống rơm.[15] Sau khi đã tìm được một trú xứ thích hợp và ổn định, hành giả phải thận trọng nghiêm trì giới luật phải biết hài lòng với những nhu cầu đơn giản của mình, thường xuyên phòng hộ các căn, chánh niệm tỉnh giác trong mọi hoạt động và chuyên cần hành thiền như đã được thiền sư chỉ dẫn. Chính ở thời điểm này, hành giả phải đương đầu với thách thức đầu tiên trong cuộc sống tu tập thiền quán của mình, đó là chiến đấu với năm triền cái.
-ooOoo-

[1] AN. 5: 1-7
[2] Chi tiết xem Vism, p.p 13-37, TTĐ. 27-71
[3] MN. I: 180
[4] PP., 91. “Àvāso, kulam, lābho, gano, kammam, addhānam, nāti, ābādho, gantho, iddhi”. Vism. p. 73
[5] SN. 1:88
[6] AN. 4: 354-358
[7] S N. 1:68
[8] P.P, p.100 Vism, p. 80
[9] P.P, p.102. “Ragacarito, dosacarito, mohacarito, saddhàcarito, buddhicarito, vitakkacarito” Vism, p82.
[10] P.P, p.112 Vism, p. 89. Về những từ Pàli gọi 40 nghiệp xứ này, xem phần phụ lục cuối sách.
[11] Vì sao các kasina màu này lại được đề nghị như một loại hóa giải tánh sân thì không thấy Chú giải giải thích. Có lẽ việc quán các màu sắc như vậy có một hiệu quả tâm lý nào đó trong việc làm giảm sân hận và bất mãn.
[12] PP., p. 117-118. Vsm. p. 92-93
[13] PP. p. 125 Vsm, p.99
[14] AN. 5:15
[15] MN. 1:181, 269, 274.

Bài viết liên quan:

0. Con Đường Thiền Chỉ Và Thiền Quán -Tác giả: Henepola Gunaratana - Dịch giả: Pháp Thông

1.THIỀN (JHÀNA) TRONG NỘI DUNG KINH ĐIỂN - Henepola Gunaratana

2. NHỮNG CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI HÀNH THIỀN - Henepola Gunaratana

3. VƯỢT QUA CÁC TRIỀN CÁI - Henepola Gunaratana

4. SƠ THIỀN VÀ CÁC THIỀN CHI - Henepola Gunaratana

5. Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền - Henepola 

6. VƯỢT QUA TỨ THIỀN - Henepola Gunaratana

7. CON ĐƯỜNG TU TẬP TUỆ QUÁN - Henepola Gunaratana

8. THIỀN (Jhàna) VÀ CÁC THÁNH CHỨNG - Henepola Gunaratana

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét