Thiền Minh Sát - Kinh Vô Ngã Tướng - SẮC THÂN - Mahasi

Phần nhập đề bài kinh
Lời dạy của Ðức Phật: bắt đầu bài kinh
Lầm tưởng thân là tự ngã
Tại sao thân nầy không phải là tự ngã
Jīva attā và parama attā
Căn nguyên của niềm tin có tạo hóa
Luyến ái bám vào tự ngã
Bốn loại luyến ái bám vào tự ngã
Thân quán niệm xứ



THÂN
-ooOoo-
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn, bậc Ứng Cúng, đấng Chánh Biến Tri.

Tất cả những giáo lý hay những tín ngưỡng ngoài Phật Giáo đều nằm trong hạng những giáo thuyết tin tưởng vào một bản ngã trường tồn, attā. Họ chủ trương rằng có cái gì như một linh hồn, một thực thể sống [thực thể sống: được phiên dịch từ Anh ngữ "living entity"], thật sự nằm bên trong tất cả chúng sanh.
Giữa một thế gian vững vàng tin chắc vào ý niệm về bản ngã hay linh hồn trường cửu, Ðức Phật tuyên ngôn rằng "Attā, linh hồn hay thực thể sống, không phải là thực tại; đó chỉ là ngôn từ chế định (tục đế). Trong ý nghĩa cùng tột (chân đế) thật sự chỉ có luồng trôi chảy liên tục của tiến trình sắc và danh, những hiện tượng vô ngã".
Ðiều cốt yếu là cần phải thấu hiểu rõ ràng và tường tận lý vô ngã, anattā, do Ðức Phật giáo truyền. Trước tiên Ngài đề cập rộng rãi đến Bốn Chân Lý Thâm Diệu (Tứ Diệu Ðế) trong bài kinh Dhammacakka Sutta, Chuyển Pháp Luân. Khi giảng kinh Hemavata Sutta, Ngài nhắc trở lại và dạy rằng "với sự khởi sanh của lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) cũng có một thế gian, một chúng sanh, phát khởi." Rồi Ðức Phật trình bày cặn kẽ và rõ ràng lý thuyết vô ngã trong Anattalakkhaṇa Sutta, Kinh Vô Ngã Tướng.
Phần Nhập Ðề Bài Kinh
Trong Kinh Ðiển Pāli, phẩm Khandhavagga, của bộ Saṁyutta Nikāya, Tạp A Hàm, phần nhập đề bài Kinh Vô Ngã Tướng được các vị Trưởng Lão ghi chép như sau nhân kỳ Kết Tập Tam Tạng Lần Ðầu Tiên:
Evamme sutaṁ. Ekaṁ samayaṁ Bhagavā Bārāṇasiyaṁ viharati Isipatane Migadāye. Tatra kho bhagavā pañcavaggiye bhikkhū āmantesi, "Bhikkhavo" ti. "Bhadante" ti te bhikkhū Bhagavato paccassosuṁ. Bhagavā etadavoca.
"Tôi, Ānanda, có nghe như vầy", Ðức Ānanda bắt đầu, "Vào một thuở nọ, Ðức Thế Tôn ngự trong khu vườn Lộc Uyển tại Isipatana, gần thành Varanasi."
Bài kinh Dhammacakka Sutta, Chuyển Pháp Luân, được giáo truyền vào đêm trăng tròn tháng Bảy DL. trước đây 2,552 năm [tức trước năm mà Ngài Tác Giả thuyết thời Pháp nầy]. Vào lúc bấy giờ thính giả chỉ có nhóm Năm Ðạo Sĩ [*] . Ngài Koṇḍañña (Kiều Trần Như) chứng đắc tầng Tuệ Giác Cao Siêu Ðầu Tiên và trở nên vị Thánh Nhập Lưu, Sotāpanna, hay Tu Ðà Huờn. Ðã thấm nhuần Giáo Pháp đầy đủ, với niềm tin kiên cố bất thối chuyển nơi Giáo Huấn của Ðức Phật, Ngài xin thọ lễ xuất gia với Phật và gia nhập vào Giáo Hội Tăng Già (Saṅgha).

[*] 2 Nhóm Năm Ðạo Sĩ" tức năm vị đạo sĩ thường được gọi là năm anh em Kiều Trần Như, trước đó đã có theo tu với Bồ Tát trong khi Ngài thực hành pháp tu khổ hạnh. Về sau, năm vị nầy là năm người đầu tiên trong cảnh người được nghe Ngài giảng Bài Pháp Ðầu Tiên và trở thành năm vị đệ tử đầu tiên của Ðức Phật.
Bốn vị đạo sĩ còn lại, các Ngài Vappa, Bhaddhiya, Mahānāma và Assaji chưa thành tựu Tuệ Giác Cao Siêu. Vì lẽ ấy Ðức Thế Tôn khuyến khích nên tích cực chuyên cần thực hành Giáo Pháp (Dhamma) dưới sự hướng dẫn của chính Ngài. Các vị đạo sĩ ở luôn một chỗ, không ra ngoài dầu là để đi bát. Chính Ðức Thế Tôn cũng ở lại tại nơi để sách tấn và theo dõi sự tiến bộ của các vị hành giả, giúp tháo gỡ các gút mắt, vượt qua mọi chướng ngại, và loại trừ những ô nhiễm có thể phát sanh trong khi hành thiền. Như thế ấy, do nhờ được chính Ðức Thế Tôn dạy dỗ và hướng dẫn, Ngài Vappa thành tựu Ðạo và Quả trong ngày đầu sau đêm trăng tròn tháng Bảy DL., Ngài Bhaddiya trong ngày thứ nhì, Ngài Mahānāma trong ngày thứ ba và trong ngày thứ tư Ngài Assaji chứng đắc Tuệ Giác Cao Siêu. Tất cả bốn vị đều trở thành bậc Thánh Tu Ðà Huờn.
Sư đã dài dòng đề cập đến những sự chứng ngộ nầy trong đoạn cuối của bài giảng về Kinh Chuyển Pháp Luân [Dhammaccakka Sutta - Xem "The Great Discourse on Turning of the Wheel of Dhamma", do tác giả Ngài Mahasi Sayadaw, bản dịch của U Ko Lay; Buddhadhamma Foundation ấn hành]. Lúc ấy Sư nói rằng ngoại trừ Ngài Koṇḍañña, bốn vị kia chưa đủ thuần thục tinh luyện để thành tựu Tuệ Giác Cao Siêu liền tức khắc sau khi nghe thời Pháp, mà còn phải tích cực chuyên cần tu niệm thêm. Vì lẽ ấy Ðức Bổn Sư luôn luôn ở bên cạnh để đôn đốc các vị tận lực thực hành Giáo Pháp. Ðề cập đến sự kiện nầy Sư muốn đề cao cảnh giác những vị hành giả bị các học thuyết vô trách nhiệm dẫn dắt sai lầm, tin rằng có thể chứng đắc tầng Thánh Nhập Lưu chỉ bằng cách nghe thuyết giảng một thời Pháp, không cần phải mất nhiều công phu tinh tấn hành thiền Minh Sát.
Các Bản Chú Giải ghi rằng sau khi tất cả năm vị đạo sĩ đã thành tựu tầng Thánh Nhập Lưu và xuất gia, thọ giới tỳ khưu, trở thành Hội Viên của Giáo Hội Tăng Già, Ðức Phật thuyết giảng thời Pháp Anattalakkhaṇa Sutta, Kinh Vô Ngã Tướng, trong ngày thứ Năm sau đêm trăng tròn tháng Bảy DL.
Như vậy, khi Ðức Ānanda tuyên ngôn "Vào một thuở nọ", thì "thuở" ấy là ngày thứ 5 sau đêm trăng tròn tháng Bảy, trong khi Ðức Thế Tôn ngự trong vườn nai (Lộc Uyển) gần thành phố Varanasi.
"Vào lúc bấy giờ, khi Ðức Thế Tôn ngự tại Lộc Uyển, trong thành Varanasi, Ngài mở lời kêu gọi Nhóm Năm Vị Tỳ Khưu, "Nầy chư Tỳ Khưu" và Nhóm Năm Vị Sư trả lời, "Bạch Ðức Thế Tôn". Rồi Ðức Thế Tôn truyền dạy:
Lời Dạy Của Ðức Phật: Bắt Ðầu Bài Kinh
Rūpaṁ bhikkhave anattā. Rūpañca hidaṁ bhikkhave attā abhavissa nayidaṁ rūpaṁ ābādhāya saṁvatteya; labbhetha ca rūpe evaṁ me rūpaṁ hotu, evaṁ me rūpaṁ mā ahosīti.
Nầy chư tỳ khưu, cơ thể vật chất không phải là tự ngã, linh hồn thường còn, hay thực thể sống."
Thông thường người ta xem chính mình và những người khác là những thực thể sống, mỗi thực thể sống nầy có một linh hồn, hay tự ngã, được gọi trong tiếng Pāli là attā, tương đương với danh từ Sanskrit ātman. Attā cũng được biết là jīva, sự sống, như vậy attā hàm xúc khái niệm về sự sống, sinh lực, linh hồn, hay thực thể sống. Ôm ấp ý niệm tin tưởng rằng có một linh hồn hay một thực thể sống bên trong con người được biết là một khái niệm sai lầm, hay tà kiến về tự ngã (attādiṭṭhi). Người thế gian bình thường bị dính kẹt trong tà kiến về tự ngã nầy; sự khác biệt giữa người nầy với người kia chỉ là tình trạng dính mắc ấy chặt chẽ và hiển hiện như thế nào, nhiều hay ít.
Người hành thiền Minh Sát, vipassanā, đã phát triển quan kiến của mình về tiến trình danh và sắc với tuệ minh sát sắc bén và đã suy niệm về sự kiện không có một tự ngã, một cái "ta", hay thực thể sống, đã vượt thoát ra khỏi tình trạng dính mắc vào ý niệm sai lầm về tự ngã, nhưng chỉ thoát khỏi như vậy trong thời gian ghi nhận sự khởi sanh và hoại diệt của danh và sắc (tức trong khi hành thiền). Thế thường, khái niệm sai lầm về tự ngã ấy chưa dứt khoát chấm dứt mà sẽ còn trở đi trở lại.
Nhằm loại trừ khái niệm sai lầm về tự ngã và làm sáng tỏ rằng không có cái gì như linh hồn hay thực thể sống trong danh và sắc, dầu ở bên trong thân ta hay trong thân ai khác, Ðức Thế Tôn bắt đầu bài kinh với lời tuyên ngôn: "Rūpaṁ bhikkhave anattā: Nầy chư tỳ khưu, rūpa, sắc không phải tự ngã, linh hồn hay thực thể sống."
Lầm Tưởng Thân Là Tự Ngã
Cơ thể vật chất nầy mà ta quan niệm sai lầm là tự ngã, vốn thật là gì? Những đặc tính vật chất sau đây hợp thành nền tảng của hình thể vật chất: phần nhạy của mắt làm cho ta thấy đối tượng; phần nhạy của tai làm cho ta nghe âm thanh; phần nhạy của mũi làm cho ta biết mùi; phần nhạy của lưỡi làm cho ta hay biết vị; phần nhạy của thân làm cho ta cảm giác sự xúc chạm; "ý căn" (hadāya vatthu), là căn môn của thức; và đặc tính vật chất của mạng căn hay sinh lực.
Nếu thận trọng quán sát ta thấy rằng nhãn thức khởi sanh (tức có sự thấy) vì có phần nhạy của mắt, và với nhãn thức, phát khởi khái niệm về một thực thể sống hay tự ngã. Cùng thế ấy, vì có phần nhạy của tai, mũi, lưỡi, và thân ta có nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, và thân thức. Ý căn, căn môn của thức do đó có những tư tưởng và sự suy tư đưa đến ý niệm về một cái "ta", tự ngã, hay thực thể sống. Mạng căn là sinh lực khơi động sinh khí vào cơ thể vật chất và bảo trì không để cho cơ thể vật chất hư hoại và tan rã. Mạng căn nầy chỉ là đặc tính của sắc, phần vật chất, mà người đời thường lầm tưởng là linh hồn, một thực thể sống.
Nếu không có phần nhạy của các giác quan thì không có gì để lầm hiểu là linh hồn hay thực thể sống. Chẳng hạn như ta thử quan sát một tượng người bằng gỗ, nhìn vào giống hệt một người nhưng không có giác quan nào làm khởi phát sự hay biết. Ta không bao giờ có thể lầm hiểu đó là một chúng sanh có linh hồn hay một thực thể sống. Cùng thế ấy trong một xác chết ta sẽ không bao giờ lầm tưởng là có một linh hồn hay một thực thể sống trong đó bởi vì các giác quan không có phần nhạy. Khi phần nhạy hiện hữu thì những chuyển hóa của sắc, những đặc tính phụ thuộc và đồng thời phát sanh cùng sắc pháp, những đặc tính nhạy của sắc pháp như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân -- sự tiếp chạm của những nguyên tố đất (paṭhavī), lửa (tejo), gió (vāyo), đặc tính lỏng và làm dính liền của nguyên tố nước (āpo), cùng với tánh nam hay tánh nữ của sắc pháp cũng được khái niệm lầm lạc là có một tự ngã [Lời người dịch: Xin xem Vi Diệu Pháp Toát Yếu, bản dịch quyển A Manual of Abhidhamma, của tác giả Cố Ðại Ðức Nārada, chương VI, từ trang 339 trở lên].
Những đặc tính của sắc như sự thấy, sự nghe, sự hửi, đồng phát sanh với những phần nhạy của mắt, tai và mũi cũng được quan niệm sai lầm là có một linh hồn hay một thực thể sống: tôi thấy, tôi nghe, tôi hửi. Tóm tắt, toàn thể thế gian vật chất đồng thời hiện hữu với phần nhạy của sự hay biết được lầm xem là một thực thể sống, một linh hồn.
Trong ngôn ngữ thông thường cũng vậy, thân nầy -- tức sự kết hợp của những đặc tính vật chất -- được nói là tôi, tự ngã. Nói như vậy không sai lầm, mà thích hợp với sự hiểu biết chế định của thế gian (tục đế), nhưng nhìn theo quan điểm cùng tột, hay thực tại tuyệt đối (chân đế), thì không có gì của cơ thể vật chất nầy là tự ngã. Nó chỉ là những uẩn, tức sự kết hợp những đặc tính của sắc. Vì lẽ ấy Ðức Thế Tôn tuyên ngôn một cách rõ ràng và minh tường rằng, Ṁặc dầu thông thường người ta quan niệm rằng các uẩn, hay các nhóm đặc tính của sắc là một chúng sanh, trong thực tế đó không phải là tự ngã mà chỉ giản dị là những hiện tượng vật lý."
Tuy nhiên, những người theo học thuyết chủ trương rằng thân nầy là "ta", là tự ngã của ta, sẽ nêu lên thắc mắc, "Tại sao thân nầy không phải là tự ngã?"
Ðức Thế Tôn cung ứng giải đáp như sau:
Tại Sao Thân Nầy Không Phải Là Tự Ngã?
-- Nầy chư Tỳ Khưu, nếu thân nầy là tự ngã, là chính ta, ắt nó sẽ không có khuynh hướng làm cho ta đau khổ hay sầu muộn, và ta phải có khả năng sai bảo, 'Thân tôi phải như thế nầy (tức phải ở trong những điều kiện tốt đẹp nhất); thân tôi phải không như thế kia (trong một tình trạng tồi tệ bi đát).' Ta phải có thể ảnh hưởng đến thân như thế đó."
Nếu thân nầy là tự ngã, là chính ta, ắt nó không làm cho ta đau đớn, nhưng trong thực tế thân nầy bắt buộc ta phải chịu đau khổ bằng nhiều cách. Nó không tồn tại trẻ trung và khoẻ mạnh, nó trở nên già nua, bệnh hoạn và chết. Nếu không có thân ắt ta không bị đau khổ vì tóc bạc, răng long, lưng khòm, tai điếc, mắt mờ, chân mỏi, gối dùn, tàn tật. Chính thân nầy làm cho ta chịu đau khổ.
Lại nữa, bởi có thân nên ta phải chịu đau đớn: đau mắt, đau tai, đau răng, đau lưng, đau bụng, phải chịu nóng, chịu lạnh, chịu đau và chịu nhức, và những chứng bệnh máu, bệnh da, bệnh bao tử và bọng đái. Những chứng bệnh nầy phát sanh bởi vì có thân. Bởi có thân nên chúng ta đau khổ vì đói, vì khát, vì bị muổi mồng và những loại rắn rít v.v... chích cắn. Cũng vì có thân nên ta đau khổ khi ở trong những cảnh giới bất hạnh. Tóm tắt, chúng ta phải chịu những hoàn cảnh đau đớn và sầu khổ cũng vì có thân. Cũng do nơi thân nên trong kiếp sống làm người ta phải chịu những hiện tượng như chết chóc. Khi những thành phần của sắc pháp trong thân biến chuyển, suy đồi và hư hoại thì cái chết đến. Có thể nói rằng cơ thể vật chất nầy làm cho ta đau khổ vì nó hoại diệt.
Như vậy ta có thể suy gẫm rằng nếu cơ thể vật chất nầy thật sự là chính ta ắt nó không làm cho ta đau khổ vì già, bệnh và chết. Ta có thể làm cho người khác đau khổ nhưng sẽ không làm cho chính mình đau khổ. Nếu thân nầy là chính nó ắt nó sẽ không làm cho nó đau khổ vì già nua, bệnh hoạn v.v...
Lại nữa, dầu trước khi bắt đầu già, bệnh và chết, thân nầy cũng không ngớt gây cho ta đủ loại sầu muộn dưới nhiều hình thức. Mặc dầu còn trẻ trung, tương đối cường tráng và dồi dào sức khoẻ, ta cũng không thể ở yên không động đậy một thời gian lâu dài trong một tư thế như ngồi, đứng, hay đi. Phải luôn luôn xoay trở, luôn luôn cử động. Tất cả chúng ta đều biết rằng ở yên lâu dài trong một oai nghi là khó như thế nào. Chúng ta biết rằng ngồi yên trong nửa giờ hay một giờ không cử động, hoặc nằm yên trong hai hoặc ba tiếng đồng hồ mà không nhúc nhích là khó như thế nào. Ta phải thường xuyên thay đổi tư thế vì sẽ cảm nghe đau nhức hay bực bội ở chân sau một thời gian ở yên không cử động. Tất cả những trạng thái khó chịu ấy khởi sanh vì cơ thể vật chất nầy; nói cách khác chính cái thân nầy làm cho ta khó chịu.
Vậy, ta có thể suy tư rằng nếu thân nầy là chính ta, là tự ngã của ta, ắt nó không gây đau khổ cho ta như vậy.
Lại nữa, ṅếu thân nầy là chính ta thì ta phải có thể sai bảo, "Thân phải như thế nầy, thân phải không như thế kia." Tất cả chúng sanh đều muốn thấy thân mình luôn luôn khoẻ mạnh và trẻ trung cường tráng, không già nua, không bệnh hoạn, và không chết. Nhưng cơ thể vật chất nầy không bao giờ vâng lời, nó từ chối, không làm theo ý ta muốn. Thời xuân xanh son trẻ vững bước đi dần đến tuổi già, sức cường tráng khoẻ mạnh từ từ giảm sút, suy đồi, và đưa dần đến bệnh hoạn, rồi sau cùng đến bại hoại và chết.
Nếu thân nầy là chính ta nó sẽ không gây đau khổ cho ta và nó phải vâng theo ý muốn của ta. Trong khi người khác có thể không tùng phục vâng lời ta thì ít ra thân nầy -- tức chính ta -- phải làm theo ý muốn của ta vì nó là chính ta. Nhưng thực tế không phải vậy. Ðiều nầy cho thấy rằng thân nầy không phải là tự ngã, là chính ta. Vì lẽ ấy nó triền miên gây đau khổ cho ta và không nằm dưới quyền kiểm soát của ta. Ðức Thế Tôn tiếp tục giải thích sự kiện nầy như sau:
Yasmā ca kho, bhikkhave, rūpaṁ anattā, tasmā rūpaṁ ābādhāya saṁvattati, na ca labbhati rūpe evaṁ me rūpaṁ hotu, evaṁ me rūpaṁ mā ahosī' ti.
Nầy chư Tỳ Khưu, trong thực tế thân nầy không phải là ta. Vì không phải là ta nên nó có khuynh hướng làm cho ta đau khổ và sầu muộn, và ta không thể sai bảo thân, 'Hãy như thế nầy, hãy không phải như thế kia.' Ta không thể gieo ảnh hưởng và điều khiển thân như vậy".
Jīva Attā Và Parama Attā
Những người tin theo chủ thuyết có tự ngã nói rằng có hai loại bản ngã: jīva attāparama attā. Theo những người nầy mỗi cá nhân được cấu tạo, người, trời (deva), hay thú đều có một tự ngã, một linh hồn hay thể chất gọi là jīva attā, khởi nguyên của đời sống. Khởi nguyên của đời sống ấy thường được tin tưởng là do Thần Linh Tạo Hóa sáng tạo, và vài giáo thuyết chủ trương rằng những khởi nguyên đời sống cá nhân ấy, hay tiểu hồn, là một phần nhỏ của attā to lớn (đại hồn) và xuất phát từ đại hồn của đấng Thần Linh.
Parama attā là "Ðại Ngã", hay "Ðại Hồn", của đấng Thần Linh Tạo Hóa, người tạo nên thế gian cùng với tất cả những sinh vật. Theo vài người thì "Ðại Hồn" ấy thấm nhuần toàn thể thế gian, nhưng có những người khác chủ trương rằng đấng Thần Linh Tạo Hóa ngự trên một Cảnh Trời. Những ý niệm về tiểu hồn và Ðại Hồn dĩ nhiên là giả thuyết. Không ai đã gặp hay đã thấy vị Thần Linh hiện thân của Ðại Hồn. Niềm tin nơi sự hiện hữu của một Thần Linh, một đấng Tạo Hóa tạo nên muôn loài vạn vật, đã có trước khi Ðức Phật chứng đắc Ðạo Quả Phật. Niềm tin nầy rõ ràng xuất nguyên từ câu chuyện vị Phạm Thiên Baka.
Vào một thời nọ, Ðức Thế Tôn ngự đến cảnh giới Phạm Thiên để rọi sáng niềm tin sai lầm của Ðức Phạm Thiên Baka. Khi Ðức Phật đến thì Phạm Thiên Baka đón mừng và tán dương, "Tôi xin tôn kính chào mừng Ðức Gotama, Ngài đến đây là một điều rất tốt mặc dầu đã muộn màng. Cảnh giới Phạm Thiên nầy là thường còn, là ổn định vững bền, vĩnh cửu trường tồn, toàn hảo trên mọi phương diện. Và ở đây không có người chết hay viên tịch, qua đời."
Ðáp lời tuyên ngôn nầy Ðức Thế Tôn sửa sai vị Phạm Thiên Baka như sau: -- Nầy chư Phạm Thiên! Phạm Thiên Baka quả thật lầm lạc. Trong trạng thái lầm lạc si mê, Phạm Thiên Baka mô tả cảnh giới vô thường của mình là thường còn và ổn định." Vào lúc ấy một vị Phạm Thiên tùy tùng của Ðức Phạm Thiên Baka phẩn nộ trả lời, Nầy Ðức Gotama, không nên nói nghịch với Phạm Thiên Baka, không nên sửa sai Ngài. Ðức Phạm Thiên Baka là vị Ðại Phạm Thiên, là vị lãnh đạo của chư Phạm Thiên, Người Chinh Phục Tất Cả, Người Không Thể Chiến Bại, bậc Toàn Giác, Toàn Tri, thấy và hiểu biết tất cả; Ngài có nhiều oai lực và cầm quyền tối thượng trên tất cả tạo vật; Ngài là người tạo nên thế gian, người sáng tạo toàn thể thế gian, là bậc Thánh cao thượng hơn tất cả; Ngài định đoạt số phận của mọi người -- vua chúa, Phạm Thiên, người, Trời, và thú -- những địa vị trong thế gian; Ngài thành tựu mọi chứng đắc, là Cha của tất cả chúng sanh trong quá khứ và vị lai!" Vị Phạm Thiên ca tụng những phẩm hạnh của Phạm Thiên Baka như thế.
Trong kinh Brahmajāla Sutta, Phạm Võng, khi giải thích căn nguyên của tà kiến thường còn (thường kiến), Ðức Phật thuật lại một câu chuyện tương tợ về Phạm Thiên.
Căn Nguyên Của Niềm Tin Có Tạo Hóa
Theo bài kinh nầy, khi một hệ thống thế gian trôi qua, vào một lúc sau đó một hệ thống thế gian mới sẽ bắt đầu vận chuyển đến. Vị Phạm Thiên của hệ thống thế gian trước xuất hiện và nghĩ: "Ta là Phạm Thiên, Ðại Phạm Thiên, Người Chinh Phục Không Thể Chiến Bại, bậc Toàn Giác, Toàn Tri, là Chúa, là người Làm Ra, người Tạo Nên, bậc Thánh Cao Thượng Hơn Tất Cả, là người Ðịnh Ðoạt Số Phần của tất cả, người đã thành tựu mọi chứng đắc, là Cha của tất cả chúng sanh trong quá khứ và vị lai."
Những vị Phạm Thiên đến sau cũng nghĩ rằng mình là vị Ðại Phạm Thiên. Trong số những vị Phạm Thiên đã viên tịch từ cảnh giới Phạm Thiên và tái sanh vào cảnh người, có vài vị còn có thể hồi nhớ kiếp sống của mình trong cảnh Phạm Thiên. Những vị nầy bạo dạn quả quyết rằng "Ðại Phạm Thiên tạo chúng sanh trong thế gian. Chính vị Tạo Hóa, vị Ðại Phạm Thiên, là thường còn, vĩnh viển trường tồn; nhưng những tạo vật mà Ngài đã tạo nên thì không thường còn, họ phải qua đời, chết." Những người nghe lời bạo dạn được tuyên ngôn xuyên qua kinh nghiệm bản thân ấy, sẵn sàng tin tưởng và chấp nhận. Ðức Thế Tôn giải thích rằng đó là nguyên do vì sao có ý niệm rằng "chỉ có vị Tạo Hóa, người tạo nên sự vật, là thường còn".
Từ những đoạn vừa trích dẫn trên ta có thể phỏng đoán rằng cái được gọi là Ðấng Thượng Ðế, vị Thần Linh đã tạo nên tất cả chúng sanh, vị Tạo Hóa được nói là ở trên một Cảnh Trời, có thể là vị Ðại Phạm Thiên đã xuất hiện đầu tiên ở cảnh giới Phạm Thiên vào lúc sơ khai của hệ thống thế gian. Ta cũng có thể nói rằng parama attā, Ðại Ngã, hay Ðại Hồn, là tự ngã, cái "ta" của vị Ðại Phạm Thiên ấy. Lời dạy của Ðức Phật cho thấy rõ ràng rằng parama attā, cái Ðại Hồn ấy của vị Ðại Phạm Thiên, trên căn bản là một với cái jīva attā, tiểu hồn, của những chúng sanh khác; đó chỉ là luồng trôi chảy liên tục của tiến trình danh và sắc được khái niệm một cách sai lầm. Trong thực tế không có gì như tự ngã, một cái "ta" hay một linh hồn vĩnh cửu trường tồn, ngoài hiện tượng tâm-vật lý; đó chỉ là một giả thuyết do trí tưởng tượng tạo nên.
Lại nữa, những đặc tính tâm-vật lý của vị Ðại Phạm Thiên cũng như đặc tính tâm-vật lý của các chúng sanh khác, đều nằm trong định luật vô thường. Khi tuổi thọ khô cạn thì vị Ðại Phạm Thiên cũng phải đối diện với cái chết và tịch diệt. Trong thực tế vị Ðại Phạm Thiên không thể viên mãn thành tựu tất cả những gì mình muốn; Ngài không thể bảo trì những đặc tính vật lý của thân theo ý muốn. Do đó, thân của vị Ðại Phạm Thiên cũng là vô ngã, anattā.
Luyến Ái Bám Vào Tự Ngã
Thông thường người ta tin tưởng mạnh mẽ rằng mỗi cá nhân có một linh hồn, một thực thể sống, tồn tại suốt trọn cuộc đời. Ðó là quan điểm của những người theo giáo thuyết đoạn kiến, chủ trương rằng sau khi chết thì không còn gì, chết là hết. Những người tin theo thuyết thường kiến thì trái lại, tin rằng linh hồn của mỗi cá nhân là bất diệt, sẽ không bị tiêu diệt sau khi chết mà sẽ sống trong những cơ thể mới.
Ðối với người theo thuyết thường kiến, thân nầy do hai thành phần cấu hợp: cơ thể thô kịch và cơ thể vi tế. Vào lúc cuối cùng của kiếp sống, cơ thể thô kịch bị tiêu diệt nhưng cơ thể vi tế thì bỏ xác chết nầy nhập vào một thân mới, và như vậy không bao giờ tiêu diệt mà sống vĩnh viễn đời đời. Quan điểm thường kiến nầy được trích dẫn nguyên văn, trọn vẹn và đầy đủ trong Phụ Chú Giải (tức chú giải của Bản Chú Giải) sách Thanh Tịnh Ðạo (Visuddhimagga).
Sư mô tả với đầy đủ chi tiết những niềm tin khác nhau về một tự ngã, và tự ngã ấy xuất nguyên như thế nào, nhằm mục đích trình bày một cách rõ ràng hơn ý niệm vô ngã (anattā). Trong những người tự xưng là Phật tử, có nhiều vị còn thật sự tin vào sự hiện hữu của một linh hồn thường còn, một thực thể đơn thuần nguyên vẹn, hay thực thể sống, mặc dầu họ không nói nhiều về niềm tin nầy. Họ tin rằng vào lúc lâm chung sự sống tách rời cái thân chết qua đường lỗ mũi hay miệng. Khi được thọ thai, sự sống ấy cũng nhập vào thai bào xuyên qua mũi, miệng, hay bụng của bà mẹ. Và từ khi được sanh ra chí đến lúc chết, sự sống ấy bám sát dính liền theo cơ thể mới nầy. Tất cả những quan điểm trên đều liên quan đến niềm tin có một linh hồn nguyên vẹn, một thực thể sống.
Trong thực tế, cái chết chỉ là sự chấm dứt của tiến trình tâm-vật lý, sự không-phát-sanh trở lại của tiến trình tâm-vật lý sau khi "tử tâm" chấm dứt. Không có gì như một linh hồn hay một thực thể sống ra đi. Một trở thành mới (tức chúng sanh mới) có nghĩa là sự phát sanh của một tâm thức mới ở một nơi mới cùng với nền tảng vật lý mà thức ấy dựa vào. Vừa trước khi tử tâm chấm dứt vào lúc lâm chung, thức bám vào một trong ba: hoặc kamma, nghiệp, kamma nimitta, biểu tượng của nghiệp, hoặc gati nimitta, biểu tượng lâm chung, tức dấu hiệu của kiếp sống sắp đến [Lời người dịch: Xem sách Vi Diệu Pháp Toát Yếu, tác giả Ð.Ð. Nārada, chương V, trang 321-322]. Do những đối tượng ấy trợ duyên (bám sát vào khoảnh khắc cuối cùng của chặp tử tâm), một chặp thức mới phát sanh ở một nơi mới trong một kiếp sống mới. Ðây là thức-tái-sanh hay thức-nối-liền, vì đây là chặp tâm nối liền giữa hai kiếp sống -- kiếp trước và kiếp sau.
Khi thức-nối-liền chấm dứt, liền sau đó là những chặp tâm của luồng hộ kiếp (bhavaṅga) tiếp tục trọn suốt kiếp sống, thích ứng với nghiệp lực đã tạo. Khi có trần cảnh xuất hiện ở các căn môn như hình sắc hay âm thanh chẳng hạn, thì tùy trường hợp, chặp bhavaṅga được nhãn thức hay nhĩ thức thay thế. Sự phát sanh của tâm thức mới trong một kiếp sống mới do nghiệp, kamma, của kiếp sống quá khứ trợ duyên. Một cách chế định, hiện tượng nầy được gọi là chuyển sinh từ kiếp trước sang kiếp sau, nhưng trong thực tế không có một linh hồn hay thực thể sống di chuyển từ kiếp nầy sang kiếp khác. Trong ngôn ngữ thông thường, theo tập tục trong dân gian, người ta gọi là đầu thai, thay vì là tái sanh.
Có những người không thể nắm vững khái niệm vô ngã bởi vì họ không thông hiểu rành rẽ thuyết chủ trương có tự ngã, hay một cái "ta", như được giải thích ở phần trên. Họ nghĩ rằng nếu người kia thấy hình thể của một vật tức là bám vào tự ngã, là cảm nhận cái ta của mình. Thí dụ như để nhận ra cái cây là một cái cây, viên đá là một viên đá, cái nhà là một cái nhà, hay ngôi chùa là một ngôi chùa thì theo họ đó là bám vào tự ngã: "tôi thấy".
Theo quan điểm của họ, chân lý vô ngã chỉ rõ ràng được nhận thức khi ta đã vượt qua khỏi khái niệm về hình thể và thay vào đó là sự cảm nhận sự vật qua chân lý cùng tột, chân đế.
Trong thực tế, chỉ nhận thức suông hình thể là hình thể thì sẽ không dẫn đến sự bám níu vào tự ngã. Mà không còn nhận thức hình thể nữa cũng không có nghĩa là tuệ giác về lý vô ngã đã phát sanh, đã được thiết lập. Nhận ra những vật vô tri vô giác như cây cối, đá sỏi, nhà cửa hay chùa chiền không phải là bám níu vào lý thuyết tự ngã, bám vào niềm tin có tự ngã, đó chỉ là sự hiểu biết theo khái niệm chế định, tục đế.
Người dính mắc trong niềm tin có sự hiện hữu của một tự ngã giả định rằng có một tự ngã, một linh hồn thường còn cố hữu dính liền theo chúng sanh hữu giác. Khi ta giả định chính mình là một linh hồn đang sống và những người khác cũng là những linh hồn, những thực thể sống, thì đó là luyến ái bám níu vào niềm tin về tự ngã. Những vị Phạm Thiên trong cảnh vô sắc giới (arūpa), vì không có cơ thể vật chất, không tự thấy mình theo chân lý chế định, nhưng các vị Phạm Thiên chưa được giác ngộ chưa thoát ra khỏi ảo kiến về tự ngã. Chỉ khi nào đã vượt qua khỏi niềm tin về sự hiện hữu của một tự ngã, thân của chính ta và thân của người khác được nhận thức chỉ là những hiện tượng tâm-vật lý, tuệ giác về lý vô ngã mới khởi sanh, và điều chánh yếu là nên trau giồi và phát triển sự hiểu biết thật sự ấy.
Bốn Loại Luyến Ái Bám Níu Vào Tự Ngã
Có bốn loại bám níu khởi sanh từ niềm tin tự ngã:
1. Sāmi attā, chấp thủ vào "tự ngã kiểm soát": tin tưởng rằng có một cái ta, một thực thể sống hay một linh hồn bên trong cơ thể vật chất, thống trị, chi phối và điều khiển mọi ý muốn và hành động, và chính cái linh hồn sống ấy đi, đứng, ngồi xuống, ngủ và nói, mỗi khi muốn.
Ðức Thế Tôn dạy bài Kinh Vô Ngã Tướng, Anatta-lakkhaṇa Sutta, đặc biệt để loại trừ sự bám níu vào cái "tự ngã kiểm soát", sāmi attā nầy. Giờ đây, vì thời Pháp nầy được thuyết giảng cho Ṅhóm Năm Ðạo Sĩ" mà trước đó đã chứng đắc Ðạo Quả Nhập Lưu, có thể nào ta còn thắc mắc tự hỏi vậy một vị Tu Ðà Huờn còn bám níu vào tự ngã, hay cái "ta" nữa không?
Ðến tầng Nhập Lưu vị Thánh Tu Ðà Huờn đã hoàn toàn tận diệt ba thằng thúc: thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), hoài nghi (vicikicchā), và giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa). Nhưng Ngài chưa thoát hẳn ra khỏi thằng thúc ngã mạn (asmi-māna) [*], tức hãnh diện với cái ngã của mình và so sánh với cái ngã của người khác. Hãnh diện với tài giỏi hay địa vị của mình, "tôi có khả năng làm việc ấy, tôi là thánh nhân" -- là ngã mạn. (Hãnh diện của vị Tu Ðà Huờn chỉ liên quan đến đặc tánh và phẩm hạnh thật sự của mình, không phải giả dối hãnh diện với những đặc tính và phẩm hạnh mà chính mình không có, và tự so sánh với ai khác.) Như vậy, vị thánh Nhập Lưu còn phải tiếp tục hành thiền minh sát để tận diệt thằng thúc ngã mạn. Khi tuệ minh sát (vipassanāñāṇa) được tích cực trau giồi và phát triển, thằng thúc ngã mạn dần dần được tháo gỡ và tuần tự được loại trừ bằng Tư Ðà Hàm Ðạo (Sakadāgami Magga, Nhất Lai Ðạo); A Na Hàm Ðạo (Anāgāmi Magga, Bất Lai Ðạo) làm suy giảm thêm tâm sở ngã mạn, nhưng chỉ đến tầng Thánh cuối cùng là A La Hán Ðạo (Arahatta Magga) mới hoàn toàn tận diệt thằng thúc ngã mạn. Như vậy ta có thể xác định rằng Ðức Thế Tôn thuyết giảng bài Kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhaṇa Sutta) nhằm giúp Ṅhóm Năm Ðạo Sĩ" tận diệt thằng thúc ngã mạn.

[*] Trích dẫn từ sách "Vi Diệu Pháp Toát Yếu", tác giả ÐÐ Nārada: Khi chứng ngộ Niết Bàn lần đầu tiên vị hành giả được gọi là Sotāpanna, Tu Ðà Huờn, hay Nhập Lưu, người lần đầu tiên bước vào dòng suối chảy đến Niết Bàn. Vị ấy không còn là phàm nhân (putthujjana) mà đã là Thánh Nhân, Ariya. Ngài đã cỡi bỏ ba Thằng Thúc (Saṁyojana, tức dây trói buộc cột chặt chúng sanh vào vòng luân hồi) là Thân Kiến (sakkāya diṭṭhi, ảo kiến về thân, xem là tự ngã của mình), Hoài Nghi (vicikicchā) và Giới Cấm Thủ (sīlabbata parāmāsa, tin tưởng vào những nghi thức và tế lễ lầm lạc). Muốn có thêm chi tiết xin đọc sách trên, trang 86-89.
2. Nivāsī attā , chấp thủ vào "tự ngã liên tục": tin rằng có một thực thể sống thường trực nằm bên trong thân mình. 3. Phần đông người ta tin tưởng rằng thường xuyên có một linh hồn đơn thuần nguyên vẹn, hay một chúng sanh từ lúc sanh ra đến khi chết. Ðó là nivāsi attā, sự bám níu vào một linh hồn, hay một tự ngã liên tục thường còn. Vài người chủ trương rằng sau khi chết thì không còn gì hết; đó là quan kiến lầm lạc gọi là đoạn kiến. Cũng có người lầm lạc tin tưởng vào thuyết thường kiến, cho rằng cái thực thể sống trong thân, hay linh hồn, vẫn không tiêu diệt sau khi chết mà tiếp tục được chuyển qua, sống trong một cái thân mới, trong kiếp sống mới.
Ðức Thế Tôn thuyết giảng bài Anattalakkhaṇa Sutta, Kinh Vô Ngã Tướng, nhằm loại trừ tình trạng bám níu vào tính ngã mạn, tức tận diệt, bứng nhổ tận gốc rễ tính ngã mạn còn tiềm tàng bên trong Nhóm Năm Ðạo Sĩ và những vị Thánh Nhân khác; và nhằm loại trừ hai quan kiến lầm lạc (về thân kiến, sakkāyadiṭṭhi, và về sự bám níu vào nghi lễ và những nghi thức cúng tế sīlabbata-parāmāsa), cùng với tính ngã mạn của người thường trong dân gian. Ngày nào còn bám vào một thực thể sống hay một linh hồn đơn thuần nguyên vẹn thì chúng ta còn tin tưởng rằng thân nầy phải phục tùng tùy thuộc theo quyền điều khiển của mình. Kinh Anattalakkhaṇa, Vô Ngã Tướng, được thuyết giảng nhằm loại trừ cả hai, sự bám níu vào sāmi attā "tự ngã kiểm soát" và nivāsa attā, sự bám níu vào "tự ngã liên tục". Một khi sāmi attā, tự ngã kiểm soát, đã bị loại trừ thì tất cả các loại bám níu khác vào tự ngã và tà kiến, đồng thời cũng bị tận diệt.
3. Kāraka attā, chấp thủ vào "tự ngã chủ động": tin rằng có một thực thể sống, một linh hồn, ảnh hưởng đến mọi hành động bằng thân, khẩu hay ý. Chấp thủ vào tự ngã chủ động liên quan nhiều đến saṅkhārakkhandha, hành uẩn. Chúng ta sẽ trở lại với nhiều chi tiết khi đề cập đến ngũ uẩn.
4. Vedaka attā, chấp thủ vào "tự ngã chứng nghiệm": tin rằng chính tự ngã, hay linh hồn nầy cảm nhận những thọ cảm, thọ lạc hay thọ khổ. Hình thức chấp thủ nầy liên quan đến vedanakkhandha, thọ uẩn, mà chúng ta sẽ đề cập đến đầy đủ trong chương tới. 6. Ðến đây phần sắc pháp là vô ngã -- nói cách khác, sắc pháp, hay thân nầy, không phải là tự ngã, hay một thực thể sống, một linh hồn đơn thuần nguyên vẹn thường còn -- đã được giảng giải thích đáng, nhưng còn phần thực hành thiền minh sát, vipassanā, đưa đến sự thông suốt bản chất không thể kiểm soát của thân.
Thân Quán Niệm Xứ
Thiền Minh Sát,Vipassanā cốt yếu là suy niệm về upādānakkhandha, ngũ uẩn thủ, sự chấp thủ vào ngũ uẩn phát hiện vào lúc thấy, nghe, hửi, nếm, đụng chạm và suy tư. Tuy nhiên đối với vị hành giả còn sơ cơ ắt khó mà ghi nhận (niệm) kịp thời ngay vào lúc cảm thọ. Các vị ấy nên chỉ bắt đầu với một vài loại thọ nào nổi bật hiển hiện nhất. Thí dụ như khi ngồi xuống, hành giả có thể gom tâm chăm chú vào tánh chất cứng rắn và giãn ra cưỡng lại của thân và ghi nhận ṅgồi, ngồi". Nếu hành giả thấy hành như vậy là quá giản dị thì có thể ghi nhận thêm ṅgồi, đụng; ngồi, đụng". Nhưng ghi nhận cái bụng phồng lên và xẹp xuống thì dễ hơn. Vậy, chuyên chú ghi nhận "phồng" khi bụng phồng lên, và "xẹp" khi bụng xẹp xuống ta sẽ bắt đầu nhận thấy rõ ràng những trạng thái của bụng từ từ trở nên cứng rắn, giãn ra, phồng lên, rồi giảm bớt căng, và xẹp xuống. Ðó là những đặc tính, cơ năng và nguyên nhân kế cận của nguyên tố gió vāyo dhātu. Ghi nhận và suy niệm như thế là theo đúng sách Visuddhimagga, Thanh Tịnh Ðạo. Sách nầy dạy rằng "bản chất của những hiện tượng vật lý và tâm linh phải được thông suốt bằng cách quan sát những đặc tính và cơ năng" v.v...
Trên đây Sư dạy người hành thiền sơ cơ thực hành thiền Minh Sát (Vipassanā) nên bắt đầu bằng cách quan sát cử động phồng lên và xẹp xuống của bụng. Tuy nhiên chỉ tu tập ghi nhận cái bụng phồng lên và xẹp xuống thì không đủ, đó không phải là tất cả những gì cần phải làm khi hành thiền Minh Sát. Trong khi ghi nhận bụng phồng lên và xẹp xuống bất luận những tư tưởng nào khởi lên cũng phải được ghi nhận. Khi có những cảm giác như cứng, nóng, lạnh hay đau nhức người hành thiền phải niệm, tức ghi nhận, những cảm thọ ấy vừa khi nó sanh khởi. Khi hành giả co tay hay co chân vào hoặc duỗi tay, duỗi chân ra, những tác động ấy cũng phải được ghi nhận. Khi đang ngồi mà đứng dậy hành giả phải chăm chú ghi nhận những tác động trong lúc đổi thay tư thế ấy. Trong khi đi, tất cả những cử động trong mỗi bước phải được ghi nhận, "dở lên, đưa tới, đạp xuống". Nếu có thể được, tất cả những hoạt động của thân, chí đến khi nhắm mắt lại hay mở mí mắt ra, phải được thận trọng quan sát. Khi không có gì đặc biệt để ghi nhận, hành giả đem sự chú tâm trở về cử động phồng lên và xẹp xuống ở bụng. Ðó là mô tả một cách vắn tắt pháp hành liên quan đến thiền Minh Sát.
Trong khi chăm lo ghi nhận trạng thái phồng, xẹp, ngồi, đụng, đôi khi hành giả khởi tâm muốn thay đổi tư thế để làm suy giảm những cảm thọ đau, nhức ở tay hay ở chân. Nên ghi nhận "ý muốn" thay đổi tư thế ấy, nhưng vẫn phải ngồi yên, không vội xuôi lòng chiều theo sự cám dỗ muốn duỗi tay duỗi chân ra. Hành giả nên chịu đựng tình trạng thiếu tiện nghi ấy đến chừng nào không còn chịu được nữa, càng lâu càng tốt. Nếu ý muốn duỗi chân ra khởi sanh trở lại, hành giả nên ghi nhận như trước mà không thay đổi oai nghi. Chỉ đến khi không còn có thể chịu đau nhức được nữa mới từ từ duỗi tay và chân ra, trong khi ấy phải thận trọng tỉ mỉ ghi nhận tác động, "duỗi ra, duỗi ra".
Trong mỗi khóa thiền hành giả cần phải thay đổi oai nghi nhiều lần vì tay chân bị đau nhức. Mãi cứ thay đổi và điều chỉnh tư thế như vậy hành giả cảm nghe khó chịu, và bản chất của tình trạng bực bội của cơ thể trở thành hiển nhiên. Dầu ý muốn của hành giả là ở yên, ngồi tĩnh lặng không lay động trong thời gian một hay hai giờ, nhưng rõ ràng không thể được. Hành giả nhận thức rằng thân nầy, với tình trạng khó chịu đựng của nó, không phải là ta, không phải là tự ngã, linh hồn hay thực thể sống, mà chỉ là những hiện tượng vật lý phát sanh tùy điều kiện. Sự nhận thức nầy là tuệ giác phát sanh do công phu quán niệm tự ngã.
Ta không thể ở thật lâu trong một tư thế nào, dầu là ngồi, nằm, hay đi. Vậy ta cũng nhận thức rằng mình không có khả năng sai bảo thân nầy phải như thế nào theo ý muốn, nó không bao giờ chịu phải như thế nào tùy theo ý muốn của ta. Nếu nó là chính ta thì ta có quyền kiểm soát sai bảo nó phải như thế nào. Vì không thể kiểm soát, thân nầy ắt không phải là ta mà chỉ là những hiện tượng vật lý sanh khởi tùy duyên. Sự nhận thức nầy cũng vậy, là tuệ giác phát sanh do công phu quán niệm tự ngã.
Lại nữa chúng ta luôn luôn phải bận rộn giải quyết những nhu cầu thường nhật như đại, tiểu tiện, rõ ràng thân nầy không ổn thuận tuân theo ý muốn của ta, không nằm dưới sự điều khiển của ta, ắt không phải là tự ngã của ta. Trong khi quán niệm về sinh hoạt của cơ thể vật chất ta thấy rằng tánh chất khó chịu đựng của nó được phô bày hiển nhiên như mũi vãi, đàm nhớt, nước mắt, mồ hôi, xuất ra từ thân. Ta không thể duy trì, gìn giữ cho cơ thể nầy được sạch sẽ lâu dài theo ý muốn bởi vì không thể kiểm soát bản chất thiên nhiên của nó. Do đó hiển nhiên thân nầy không phải là ta, là tự ngã của ta.
Thêm vào đó, nhiều tình trạng khó chịu như đói bụng, khát nước, hoàn cảnh già nua và bệnh hoạn cũng phát sanh do thân nầy. Dầu là đối với người không quen quan sát, các tình trạng khó chịu nầy cũng là những sự thật hiển nhiên, những thực tại mà ai ai cũng có kinh nghiệm. Tuy nhiên những người chỉ thỉnh thoảng quan sát thoáng qua thường ý niệm rằng có một tự ngã, một thực thể sống, một cái ta, hay một linh hồn thường còn đang khó chịu. Chỉ khi thận trọng quán niệm mới nhận thức rằng đó chỉ là những hiện tượng vật lý của thân, không phải là tự ngã hay một thực thể sống.
Như vậy, trong khi chuyên cần quán niệm tất cả những hoạt động của thân và biết thân nầy đau khổ như thế nào mà ta không có khả năng làm gì, không thể kiểm soát, không có quyền năng điều khiển hay sai bảo nó phải như thế nào, xuyên qua kinh nghiệm bản thân người hành thiền nhận định:
Mặc dầu hình thể vật chất nầy xem hình như là chính ta nhưng vì nó áp bức gây phiền não mà ta không có khả năng làm gì được, không thể điều khiển, không có quyền sai khiến nó làm theo ý muốn của ta, như vậy ắt nó không phải là phần nòng cốt bên trong ta, không phải là tự ngã như ta đã lầm lạc hiểu biết từ bấy lâu nay, chấp thủ rằng thân nầy là chính ta". Ðó là tuệ giác thật sự phát sanh do công phu quán niệm thực tướng vô ngã của sắc pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét