Thiền Minh Sát - Kinh Vô Ngã Tướng - THUẦN HÓA TUỆ MINH SÁT - Mahasi

Làm thế nào phát triển Tuệ minh sát
Tuệ chán nản phát triển khi thấy khổ
Tuệ chán nản phát triển khi thấy vô ngã
Ðịnh nghĩa Nibbinda ñāṇa
Thật sự mong muốn Niết Bàn
Ức đoán Niết Bàn
Sáu đặc điểm của tuệ xả hành
Phát triển tuệ đưa vượt lên
Từ nhàm chán tiến đến Thánh Ðạo và Thánh Quả
Sự mô tả trùng hợp với thực nghiệm của hành giả như thế nào
Suy tư của vị A La Hán
Tóm lược
Hết lòng thành kính đảnh lễ sáu vị A La Hán

Thiền Minh Sát - Kinh Vô Ngã Tướng - Mục lục & Giới Thiệu - Mahasi




-VIII-

THUẦN HÓA TUỆ MINH SÁT
-ooOoo-

Bản chánh kinh Anattalakkhaṇa Sutta, Vô Ngã Tướng, được chia làm bốn phần. Phần đầu đề cập đến lời dạy rằng "năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, có chiều hướng gây đau khổ và, bởi vì không thể điều khiển và kiểm soát nó, do đó không có tự ngã hay thể chất bên trong."
Phần nhì đề cập đến câu hỏi, Ṅăm uẩn là thường còn hay vô thường? Là đau khổ hay hạnh phúc?" và giải thích rằng xem cái gì không thường còn, đau khổ và phải biến chuyển là "của tôi" "tôi" "tự ngã của tôi" là không thích nghi.
Trong phần thứ ba, năm uẩn được xếp loại và liệt kê dưới mười một tựa đề và được dạy phải quán niệm xem là "không phải của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi" (vô thường, khổ, vô ngã).
Trong phần thứ tư mà giờ đây chúng ta sắp đề cập đến, Ðức Thế Tôn dạy người hành thiền phải thực hành như thế nào để dần dần, từng giai đoạn, trau giồi tuệ minh sát, và bằng cách nào phát triển nibbidā ñāṇa, tuệ chán nản, đưa đến Ðạo Tuệ và Quả Tuệ và cuối cùng đến giải thoát cùng tột, trở thành bậc A La Hán.
Làm Thế Nào Phát Triển Tuệ Minh Sát?
Evaṁ passaṁ bhikkhave, sutvā ariyasāvako rūpa-smiṁpi nibbindati vedanāyapi nibbindati saññāyapi nibbindati saṅkhāresupi nibbindati viññāṇasmiṁpi nibbindati.
"Nầy chư Tỳ Khưu, vị thánh đệ tử đã được thụ huấn, thấy như vậy, nảy sanh tâm chán nản sắc, chán nản thọ, chán nản tưởng, chán nản hành, chán nản thức."
Bằng cách ấy Ðức Thế Tôn dạy nên phát triển tuệ chán nản, nibbidā ñāṇa, như thế nào. Trong đoạn kinh trên cụm từ "thấy như vậy" có nghĩa là thấy vô thường, khổ, vô ngã. Người đã thấy như vậy trở thành vị đệ tử đã được thụ huấn, trang bị đầy đủ trí tuệ bằng cả hai phương cách, lắng nghe lời dạy và tự cá nhân kinh nghiệm.
Vị ấy được dạy rằng muốn nhận thấy bản chất vô thường, khổ và vô ngã của năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức, thì phải chuyên cần chú niệm, thận trọng ghi nhận tất cả nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức mỗi khi thấy, nghe v.v... Vị ấy cũng nghe dạy phải suy niệm rằng ngũ uẩn thủ, năm nhóm bám níu, chỉ là danh pháp và sắc pháp, và sự hay biết là (cơ năng, hay nhiệm vụ của) tâm (danh, nāma). Vị ấy cũng nghe về nhân và quả, về bản chất không ngừng sanh diệt, vô thường và không có thể chất. Tất cả những điều ấy là kiến thức đã được thâu đạt nhờ học hỏi hoặc nghe thuật lại. Hành giả đã có được những kiến thức ấy trước khi bắt đầu hành thiền. Rồi trong khi ghi nhận phồng, xẹp, co vào, duỗi ra, di chuyển, giãn ra, ép vào, sờ đụng biết cứng, thô, mềm, láng, nóng, lạnh và thấy, nghe, hửi, nếm, và sờ đụng, hành giả nhận thức rằng những đối tượng mà mình ghi nhận là sắc pháp và sự hiểu biết những đối tượng ấy là danh pháp và chỉ có hai: sắc pháp và danh pháp. Trong khi ghi nhận nhãn thức, nhĩ thức, thân thức và ý thức hành giả biết rằng thức ấy, tức sự thấy, sự nghe v.v... là danh, và căn môn của thức là sắc, chỉ có hai, danh và sắc ấy. Ðây là kiến thức thâu thập qua kinh nghiệm cá nhân.
Lại nữa, khi có ý muốn co vào, hành giả co; khi có ý muốn duỗi ra, hành giả duỗi; khi có ý muốn đi, hành giả đi. Ghi nhận tất cả những sự kiện ấy, hành giả nhận thức rằng mình co vào vì có ý muốn co vào; mình duỗi ra, hoặc đi vì có ý muốn làm vậy, không có một thực thể sống, một tự ngã, làm cho mình co vào, duỗi ra hay đi, chỉ có nguyên nhân tạo nên hậu quả. Ðây cũng là kiến thức được thâu thập xuyên qua kinh nghiệm bản thân.
Nếu hành giả không ghi nhận những hiện tượng ấy ắt không thể nhận thấy đúng sự thật. Hành giả phát tâm ưa thích. Từ ưa thích sanh khao khát ước mong. Bởi vì khao khát ước mong nên phải cố gắng thành đạt cho được, do đó tạo nghiệp -- thiện nghiệp và bất thiện nghiệp -- đưa đến những trở thành (hữu) mới. Bằng cách ấy hành giả thấu hiểu Ðịnh Luật Phát Sanh Tùy Thuộc, liên quan đến hiện tượng nhân quả.
Một lần nữa, đối tượng sắc, thọ, tưởng, hành, thức và cái tâm hay biết các đối tượng ấy, cả hai đều liên tục sanh khởi và hoại diệt. Như vậy hành giả hiểu biết đúng lời dạy của Ðức Thế Tôn, rằng những hiện tượng ấy là vô thường, khổ và vô ngã.
Như đã nói ở phần trên, các loại kiến thức khác nhau ấy, bắt đầu từ sự phân biệt danh pháp và sắc pháp, chí đến kiến thức về bản chất vô thường, khổ và vô ngã, tất cả đều được thâu đạt xuyên qua kinh nghiệm bản thân, không phải nhờ học hỏi hay nghe thuật lại. Chúng ta dám nói rằng trong nhóm quý vị hiện diện trong cử tọa đây phần lớn đã có trang bị đầy đủ những kinh nghiệm cá nhân tương tợ. Như vậy chúng ta nói rằng người đã có thể nhận thức bản chất vô thường, khổ và vô ngã đúng như thật, qua kinh nghiệm bản thân là người đã được giáo huấn đầy đủ, người đã được trang bị đủ cả hai, kiến thức qua học hỏi và kiến thức qua kinh nghiệm cá nhân, cả pháp học lẫn pháp hành.
Khỏi cần phải nói rằng Nhóm Năm Vị Tỳ Khưu, đã là bậc Nhập Lưu, ắt có trang bị đầy đủ cả hai loại kiến thức, do đó là hàng đệ tử được thụ huấn đầy đủ.
Vị đệ tử của Ðức Thế Tôn đã được thụ huấn đầy đủ như vậy có thể nhận thức, với sự hiểu biết của chính mình, rằng năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, phát hiện mỗi khi thấy, nghe, sờ đụng và hiểu biết là vô thường, khổ và vô ngã. Vị hành giả mà nhận thức được như vậy sẽ sớm thành đạt udayabbaya ñāṇa, tuệ sanh diệt, phân biện rõ ràng trạng thái nhanh chóng sanh diệt của sắc pháp và danh pháp. Theo sách Visuddhimagga, Thanh Tịnh Ðạo, khi đã thành đạt tuệ giác nầy hành giả thấy những ánh sáng lạ thường và hào quang, và chứng nghiệm hạnh phúc an lạc chưa từng bao giờ được biết, chứng nghiệm tâm phỉ (pīti) và có tình trạng thanh bình tĩnh lặng. Hành giả cũng kinh nghiệm trạng thái an khinh, thân tâm nhẹ nhàng thơ thới, dịu dàng và có nhiều nghị lực. Như thế ấy vị hành giả cảm nghe thân tâm hoan hỷ thỏa thích không thể tả. Tâm chú niệm của vị hành giả toàn hảo đến đổi có thể nói rằng không có chi mà mình không ghi nhận, trí minh mẫn sáng suốt và bén nhạy làm cho mình có cảm tưởng rằng không có chi mà mình không thể hiểu biết. Tâm đạo càng tiến triển nhiệt thành, đức tin nơi Ðức Phật, Giáo Pháp và Ðức Tăng càng tăng trưởng mãnh liệt, rõ ràng và sáng tỏ hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên tất cả những hiện tượng lạ thường ấy phải được ghi nhận và buông bỏ, để trôi qua. Khi không nắm giữ mà buông xả như vậy giai đoạn tuệ nầy cũng trôi qua và hành giả tiến đến giai đoạn bhaṅga ñāṇa, tuệ diệt. Vào lúc nầy đề mục thiền và cái tâm hành thiền được thấy tan rã và biến mất từng cặp. Thí dụ như khi ghi nhận bụng phồng, thấy di động phồng và tâm ghi nhận di động ấy cùng lúc tan biến. Mỗi di động phồng lên được phân biện tan biến trong từng những giai đoạn biến tan nhỏ riêng biệt, liên tục tiếp nối nhau. Mỗi khi ghi nhận thì hành giả phân biện rõ ràng điều nầy. Ðề mục thiền hình như chấm dứt và biến mất trước, liền theo đó tâm ghi nhận đề mục ấy cũng nhanh chóng chấm dứt. Dĩ nhiên đó là những gì thật sự xảy diễn. Khi một ý tưởng được quán niệm, tâm quán niệm chỉ phát sanh sau khi ý nghĩ ấy biến mất. Ðiều nầy cũng xảy diễn trong khi ghi nhận những đối tượng khác -- sự ghi nhận chỉ đến sau khi đối tượng được ghi nhận đã biến mất. Nhưng khi tuệ giác phát triển chưa được đầy đủ, ta có cảm tưởng hình như đối tượng được ghi nhận biến tan cùng lúc với tâm hiểu biết. Ðiều nầy trùng hợp với lời dạy của bài kinh, rằng chỉ quán niệm khoảnh khắc hiện tại.
Nhận thức tiến trình tan biến liên tục và nhanh chóng xảy diễn như vậy ta hiểu biết rằng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, và đó là điều đáng kinh sợ. Ðây là tuệ diệt, nhận thấy hiểm họa hay kinh sợ bhaṅga ñāṇa. Khi thấy sự vật là hiểm nguy, hành giả hiểu biết rằng nó là độc hại và đầy hiểm họa. Ðó là ādinava ñāṇa, tuệ giác nhận thấy hiểm họa trong tất cả những gì không ngừng chuyển biến, luôn luôn trở thành (tức các pháp được cấu tạo, các hành, hay các pháp hữu vi). Hành giả không còn thấy thích thú trong những danh uẩn và sắc uẩn đáng kinh sợ ấy nữa, thấy đó là đáng ghê tởm và đáng chán. Ðó là nibbidā ñāṇa, tuệ chán nản. Ðức Thế Tôn muốn nhắc đến trạng thái tâm nầy khi Ngài tuyên ngôn rūpasmiṁpi nibbindati: Nó càng chán ghét sắc pháp ..."
Trước khi nibbidā ñāṇa, tuệ chán nản, nầy phát triển ta còn khá bằng lòng và vui vẻ thỏa thích với hình sắc của cơ thể hiện thời, và vui vẻ thỏa thích ước mong một thân hình đẹp đẻ xinh tươi trong tương lai ở cảnh người hay cảnh trời. Ta khao khát trông chờ một thân hình mạnh khoẻ, xinh đẹp ở cảnh người hoặc cảnh trời. Với sự phát sanh của tuệ giác nầy ta không còn cảm nghe hạnh phúc, không còn vui vẻ sống trong tình trạng mong chờ. Cái mà được gọi là hạnh phúc trong cảnh người chỉ là sự kết hợp của sắc pháp và danh pháp luôn luôn nhanh chóng sanh rồi diệt. Hành giả cũng nhận thức rằng cái mà được gọi là hạnh phúc ở cõi trời cũng cùng thế ấy, là sự kết hợp phù du tạm bợ của sắc và danh pháp mà mình đã chán chê ghét bỏ và mệt mỏi ghê tởm. Cũng tựa hồ như người thợ chày, bắt nắm trong tay một con rắn độc mà trong khi đó nghĩ rằng nó là con lươn; một khi nhận ra rằng mình chỉ cầm trong tay một con rắn độc, không phải con lươn, thì vội vả muốn vứt bỏ đi càng sớm càng tốt. Hình ảnh thí dụ nầy đã được mô tả đầy đủ trong bài giảng của Sư về kinh Sīlavanta Sutta.
Lại nữa, trước khi thành đạt tuệ chán nản, nibbidā ñāṇa, hành giả thỏa thích với tất cả những cảm thọ đang hưởng, và mong mỏi sẽ còn được thoả thích hưởng thọ những niềm hạnh phúc của cảnh người và cảnh trời trong những kiếp sống tương lai. Trong hiện tại vị ấy thỏa thích hồi nhớ những kỷ niệm (tưởng, saññā) êm đềm vui vẻ của thời xưa, và mong mỏi sẽ còn thỏa thích hưởng thọ những kỷ niệm tốt đẹp trong kiếp sống tương lai. Vị ấy thỏa thích với những tư tưởng và hành động trong hiện tại và những tư tưởng và hành động trong những kiếp sống vị lai. Vài người còn van vái nguyện cầu sẽ được những gì mình muốn làm, sau khi tái sanh vào kiếp tới. Vài người lợi dưỡng và thỏa thích ước mơ tưởng tượng trong hiện tại, trông chờ sẽ được như thế trong những kiếp sống tương lai. Nhưng khi tuệ chán nản, nibbidā ñāṇa, phát triển, thấy đúng sự thật là thọ, tưởng, hành và thức mãi mãi nhanh chóng sanh diệt thì đâm ra ghê tởm chán chê. Cũng như trong hiện tại nó nhanh chóng hoại diệt, dầu ta có tái sanh trong cảnh người hay cảnh trời thì những thọ, tưởng, hành, thức ấy cũng sẽ không ngừng tan biến. Nhận xét như thế hành giả cảm nghe không còn ham muốn những uẩn ấy nữa và bất mãn với nó.
Ðiều chánh yếu là thật sự bất mãn và mệt mỏi nhàm chán. Chỉ khi hành giả thật sự chán nản với tình trạng đau khổ và bấp bênh của đời sống mới mạnh mẽ phát triển ý muốn tách rời, thoát ra khỏi, xa lìa nó, và do đó mới phát tâm chuyên cần cố gắng để buông bỏ. Chỉ đến chừng đó tuệ xả hành (saṅkhārupekkhā ñāṇa) sẽ phát hiện và tuệ minh sát phát triển đầy đủ, và hành giả chứng ngộ Niết Bàn (Nibbāna) qua Ðạo Tuệ và Quả Tuệ, trở thành Nhập Lưu, Nhứt Lai, Bất Lai hay một vị A La Hán. Như vậy điều quan trọng chánh yếu là phải tận lực tinh tấn trau giồi nibbidā ñāṇa, tuệ chán nản. Vì lẽ ấy Ðức Bổn Sư dạy:

Sabbe saṅkhāra aniccā'ti
yadā paññaya passati
atha nibbindati dukhe
esa maggo visuddhiyā.
"Tất cả các hành (tức các pháp hữu vi, saṅkhāra, hay các pháp được cấu tạo), do nghiệp, tâm, điều kiện thời tiết và vật thực tạo duyên, là vô thường. Khi đã thấu triệt chân lý ấy qua vipassanā ñāṇa (tuệ minh sát) ta càng bất mãn và mệt mỏi chán ghét tất cả những khổ đau ấy (của tất cả sắc pháp và danh pháp). Tâm bất toại nguyện và chán nản ấy thật sự là con đường chân chánh của trạng thái trong sạch (Thanh Tịnh Ðạo) dẫn đến Niết Bàn, vượt thoát ra khỏi mọi ô nhiễm và đau khổ."
Vị hành giả đã ghi nhận mỗi khi thấy, nghe, nếm, sờ đụng và suy tư khi nó vừa sanh khởi, nhận thức rằng đó chỉ là những hiện tượng nhanh chóng phát sanh và hoại diệt. Do đó vị nầy hiểu biết đúng thực tướng của sự vật -- tất cả đều vô thường. Với tuệ giác thông hiểu tận tường đặc tướng vô thường hành giả chứng ngộ rằng không có chi là vui thú và thỏa thích trong thân và tâm hiện tại nầy; những trạng thái thân và tâm trong tương lai cũng cùng một bản chất như vậy, sẽ không có chi đáng vui thích và hoan hỷ trong đó. Do đó hành giả phát sanh tâm nhàm chán và mệt mỏi với tất cả mọi sắc pháp và danh pháp, và hết lòng muốn thoát ra khỏi thân và tâm nầy, tận lực chuyên cần hành thiền nhắm đến giải thoát. Do đó saṅkhārupekkha ñāṇa, tuệ xả hành, phát sanh và hành giả chứng ngộ Niết Bàn, Nibbāna, qua Thánh Ðạo. Vì lẽ ấy Ðức Thế Tôn dạy rằng tuệ minh sát nhìn thấy chỉ có bất toại nguyện và chán chê là con đường thật sự đến Niết Bàn.
Tuệ Chán Nản Phát Triển Khi Thấy Khổ

Sabbe saṅkhāra dukkhā'ti
yadā paññāya passati
atha nibbindati dukhe
esa maggo visuddhiyā.
"Tất cả các hành (saṅkhāra, tức các pháp hữu vi), được tạo duyên do nghiệp, tâm, điều kiện thời tiết và vật thực là vô thường. Khi thông hiểu được chân lý nầy ..."
Một vị đạo sư đã phiên dịch danh từ "saṅkhāra" trong câu nầy là "tác ý" (cetanā), tức là nguyên nhân tạo nghiệp, thiện hay bất thiện. Như vậy theo vị nầy: Ṅhững hành động tạo thiện nghiệp như bố thí, trì giới, tất cả đều là saṅkhāra, hành, và do đó là khổ. Cùng thế ấy thực hành thiền vắng lặng hay thiền minh sát cũng là saṅkhāra, hành. Tất cả các hành ấy đều tạo nghiệp đau khổ. Muốn thành đạt trạng thái vắng lặng Niết Bàn (Nibbāna), không nên có bất luận hành động nào. Hãy giữ tâm như nguyên khởi nó là vậy." Nói như thế ấy, vị đạo sư nầy giảng sai lệch đi giáo huấn của Ðức Phật để được thích hợp với mục tiêu của mình và của hàng đệ tử đã chấp nhận quan kiến của mình, và như thế, quảng bá một giáo huấn sai lầm.
Trong thực tế, danh từ "saṅkhāra", hành, trong câu nầy không có nghĩa là hành động tạo thiện hay bất thiện nghiệp có tác ý (kusala, akusala saṅkhāra) phát sanh do vô minh. Nơi đây saṅkhāra, hành, giản dị có nghĩa là danh pháp và sắc pháp phát sanh do nghiệp, tâm, điều kiện thời tiết và vật thực. Một lần nữa, danh pháp và sắc pháp ở đây không bao gồm những thức của Ðạo và Quả siêu thế, hoặc những tâm sở làm đối tượng cho thiền minh sát (vipassanā bhāvanā). Chỉ có những hình thức tại thế của danh pháp và sắc pháp được đề cập đến ở đây. Danh từ "saṅkhāra" ở câu trước cũng phải được hiểu cùng một thế ấy. Như vậy, tất cả những danh pháp và sắc pháp, phát hiện mỗi khi thấy, nghe, hửi, nếm, sờ đụng và suy tư đều không ngừng nhanh chóng sanh khởi và hoại diệt và do đó, là vô thường. Bởi vì là vô thường, luôn luôn chuyển biến, nên nó là đau khổ. Ðó là ý nghĩa nên được hiểu ở đây.
"Tất cả các hành (tức các pháp hữu vi, hay các pháp được cấu tạo) phát sanh do nghiệp, tâm, điều kiện thời tiết và vật thực đều đau khổ. Khi do tuệ diệt (bhaṅga ñāṇa), ta trở thành bất mãn và nhàm chán mệt mỏi với tất cả đau khổ ấy. Bất toại nguyện và chán nản nầy thật sự là con đường trong sạch chân chánh (Thanh Tịnh Ðạo), dẫn đến Niết Bàn (Nibbāna) vượt thoát ra khỏi mọi ô nhiễm và khổ đau."
Hành giả nhận thức rằng tất cả những danh pháp và sắc pháp phát hiện vào lúc hay biết cảm thọ phải nhanh chóng tan rã, và do đó là vô thường. Bởi vì nó vô thường nên phải chịu luôn luôn tan rã, người hành thiền nhận thức rằng nó là đáng kinh sợ và là một nguồn đau khổ. Ðối với vài vị hành giả, những cảm giác khó chịu như gồng cứng, nóng, đau nhức và ngứa ngái không ngừng phát sanh ở nhiều nơi khác nhau trong thân. Mỗi khi những cảm giác ấy phát sanh thì hành giả ghi nhận, và do đó nhận chân rõ ràng toàn thể châu thân là một khối đau khổ. Ðiều nầy hợp với lời dạy dukkha maddhakkhi sallato: tuệ minh sát, vipassanā ñāṇa, nhận thấy thân nầy như một khối đau khổ vì bị gai góc hay mũi nhọn đâm chích.
Một câu hỏi có thể nêu lên, "Có chăng khác biệt nào giữa những khổ đau mà người thường kinh nghiệm và khổ đau mà người có hành thiền kinh nghiệm?" Sự khác biệt là khi cảm nghe đau nhức thì người thường thấy là, "cơn đau của tôi, tôi đang đau khổ", nhưng vị hành giả hiểu biết thọ khổ mà không dính mắc, vị ấy nhận thức rằng đó chỉ là những hiện tượng khởi sanh và tức khắc hoại diệt. Ðây là vipassanā ñāṇa, một đối tượng của tuệ minh sát, không chấp vào một cái ta.
Dầu nhận thức rằng đó là đau khổ vì đặc tướng vô thường của nó, hay xem đó là một khối khổ đau không thể chịu đựng, không có thỏa thích nào trong các hành, chỉ có nhàm chán. Có tình trạng bất toại nguyện và mệt mỏi chán chê đối với danh pháp và sắc pháp trong hiện tại và vị lai, một tình trạng hoàn toàn chán ghét đối với tất cả danh pháp và sắc pháp. Ðó là sự phát triển của nibbidā ñāṇa, tuệ chán nản. Khi tuệ giác (ñāṇa) phát triển ắt có ý muốn tách rời, xa lìa khỏi danh pháp và sắc pháp, muốn thoát ly ra khỏi đó. Hành giả tiếp tục công phu thực hành thiền tập nhằm vượt đến tình trạng giải thoát ấy. Liên tục chuyên cần tinh tấn như thế, đến một lúc saṅkhārupekkhā ñāṇa, tuệ xả hành sanh khởi và hành giả chứng ngộ Niết Bàn qua Ðạo Tuệ và Quả Tuệ. Do đó Ðức Thế Tôn mô tả tuệ giác xem tất cả các hành (saṅkhāra) là khổ, là đối tượng của sự chán nản, là Con Ðường Niết Bàn.
Cùng một thế ấy Ðức Thế Tôn dạy quán chiếu như thế nào để nhận thức rằng các hành là vô ngã và chán chê muốn tách rời ra khỏi đó.
Tuệ Chán Nản Phát Triển Khi Thấy Vô Ngã

Sabbe dhammā anattā'ti
yadā paññaya passati
atha nibbindati dukkhe
esa maggo visuddhiyā.
Danh từ dhamma trong câu nầy cũng cùng một ý nghĩa với chữ saṅkhāra của hai câu trước, là danh pháp và sắc pháp, theo nhận thức của tuệ minh sát. Anattā (vô ngã) là dhamma (pháp), và dhamma là những hiện tượng, như vậy cũng là anattā. Nơi đây danh từ dhamma được dùng nhằm làm tỏ rạng hơn ý nghĩa vô ngã của saṅkhāra. Ðó là lối giải thích của Bản Chú Giải, và chúng tôi tin rằng giải thích như vậy là thích nghi và có thể chấp nhận. Nhưng cũng có những quan điểm khác chủ trương rằng danh từ dhamma cố ý được xử dụng ở đây để bao gồm Ðạo và Quả siêu thế và luôn cả những pháp vô lậu, Niết Bàn, Nibbāna. Chúng tôi nghĩ rằng lối diễn dịch nầy không vững lắm. Người thường nhận thấy rằng saṅkhāra, hành, như sự thấy và sự nghe là thường còn và lạc, trong khi người hành thiền thấy là vô thường và khổ. Cùng thế ấy, cái mà người thường xem là tự ngã, cũng danh và sắc tại thế ấy, vị hành giả thấy là vô ngã, anattā. Người hành thiền không cần và cũng không thể ghi nhận (niệm) những sự vật siêu thế. Những vật vô lậu ấy không thể là đối tượng suy niệm cho người tại thế và những người nầy không thể bám vào những đối tượng ấy. Như vậy phải nhận định rằng dhamma ở đây chỉ là saṅkhāra tại thế, tức danh và sắc, vốn có thể làm đề mục quán chiếu của thiền minh sát (vipassanā bhāvanā).
"Tất cả những sắc pháp và danh pháp tại thế, như sự thấy và sự nghe, không phải là tự ngã, không phải thực thể sống. Xuyên qua thiền minh sát, khi đến tầng tuệ diệt (bhaṅga ñāṇa), ta thấu triệt chân lý nầy, và càng bất mãn, chán chê tất cả những đau khổ nầy. Chán ghét là con đường chân chánh thật sự dẫn đến trong sạch (Thanh Tịnh Ðạo) Niết Bàn, vượt thoát khỏi mọi ô nhiễm và khổ đau."
Bởi vì người thường chấp sắc pháp và danh pháp là tự ngã, thực thể sống, nên họ hoan hỷ thỏa thích trong đó và cảm nghe hạnh phúc. Nhưng vị hành giả chỉ thấy đó là những hiện tượng không ngừng sanh diệt và do vậy nhận thức rằng đó không phải tự ngã. Như được giải thích trong bài kinh nầy, bởi vì những hiện tượng ấy có chiều hướng gây đau khổ nên được thấy không phải là tự ngã và ta không thể điều khiển hay kiểm soát theo ý mình. Như vậy người hành thiền không còn thỏa thích hay hoan hỷ trong danh và sắc pháp. Ý muốn tách rời, thoát ra khỏi những danh pháp và sắc pháp ấy, phát sanh đến hành giả. Vị nầy tiếp tục chuyên cần hành thiền nhằm thành tựu mục tiêu giải thoát ra khỏi danh và sắc pháp ấy. Ðúng lúc, saṅkhārupekkhā ñāṇa, tuệ xả hành, phát sanh và hành giả chứng ngộ Niết Bàn do Ðạo Tuệ. Do đó Ðức Thế Tôn mô tả tuệ minh sát, xem tất cả sắc pháp và danh pháp là vô ngã, và dẫn đến tình trạng nhàm chán mệt mỏi với sắc pháp và danh pháp ấy, là Con Ðường Niết Bàn.
Như vậy phải thận trọng ghi chú ba câu kệ trên. Cho đến khi, bằng kinh nghiệm của chính mình, hành giả nhận thấy rằng các hành, saṅkhāra, tức danh pháp và sắc pháp, luôn luôn nhanh chóng sanh diệt, tuệ minh sát thật sự mới phát triển đầy đủ để thấy vô thường, khổ và vô ngã. Và nếu không thật sự chứng nghiệm vô thường, khổ, vô ngã, nibbidā ñāṇa, tuệ chán nản, nhàm chán những đau khổ của danh pháp và sắc pháp, sẽ không phát sanh. Và không có nibbidā ñāṇa, tuệ chán nản, không thể chứng ngộ Niết Bàn. Chỉ khi tự mình chứng nghiệm bản chất vô thường, khổ và vô ngã của các hành, saṅkhāra, tâm nhàm chán mệt mỏi mới phát triển, và nibbidā ñāṇa, tuệ chán nản, khởi hiện. Chỉ khi tiến đạt đến nibbidā ñāṇa nầy Ðạo Tuệ, Quả Tuệ và sau đó là Niết Bàn, sẽ đến. Vì lẽ ấy trong bài kinh Ðức Thế Tôn tuyên ngôn: Evaṁ passaṁ bhikkhave, sutvā ariyasāvako, rūpasmiṁpi nibbindati ...:
"Nầy chư tỳ khưu, vị Thánh Ðệ Tử thấy như thế (tức thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức 'không phải của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta') càng phát tâm nhàm chán sắc, nhàm chán thọ, tưởng, hành, thức."
Ðịnh Nghĩa Nibbinda Ñāṇa
Trong đoạn kinh Pāli trên, mấy chữ "Thấy như thế " tóm lược lời tuyên ngôn về tiến trình phát triển tuệ minh sát đến giai đoạn bhaṅga ñāṇa, tuệ diệt. Và với những chữ "nhàm chán..." tóm lược tiến trình phát triển vipassanā ñāṇa, tuệ minh sát, từ bhaṅga, ādinava, và nibbidā (diệt, thấy hiểm họa, và chán nản) chí đến vuṭṭhānagāminī, tuệ đưa vượt lên, được mô tả một cách chính xác. Như vậy trong Chú Giải kinh Mūlapaṇṇāsa có đoạn:
Nibbindatīti ukkanthati. Ettha ca nibbindāti vuṭṭhānagāminī vipassanā adhippeta.
Ṅibbindati ... cảm nghe nhàm chán mệt mỏi, có nghĩa là buồn chán, bất mãn, không bằng lòng. Nghĩa rộng của danh từ 'Nibbindati ... là tuệ minh sát đạt đến Thánh Ðạo, được gọi là vuṭṭhāna, đưa vượt lên'."
Trong sách Paṭisambhidāmagga và Visuddhimagga, tuệ chán nản, nibbinda ñāṇa, được liệt kê trong bảy giai đoạn phát triển liên tiếp: bhaṅga, ādīnava, nibbidā, muñcitukamyatā, paṭisaṅkhāra, saṅkhārupekkhā, và vuṭṭhānagāminī vipassanā ñāṇa. (Tuệ diệt, tuệ thấy hiểm họa, tuệ chán nản, tuệ muốn giải thoát, tuệ suy tư, tuệ xả hành, và tuệ đưa vượt lên). Ðến đây chúng ta đã giải thích đến tầng tuệ chán nản, nibbidā. Giờ đây Sư sẽ tiếp tục với phần còn lại.
Thật Sự Mong Muốn Niết Bàn
Nhận thức rằng mỗi khi mình quán niệm thì chỉ thấy có tình trạng nhanh chóng tan rã, hành giả nhàm chán và bất mãn với danh uẩn và sắc uẩn phát hiện trong sự thấy, sự nghe v.v... Vị ấy muốn tách lìa không còn dính líu đến các danh và sắc pháp ấy nữa, nhận định rằng muốn được thanh bình an lạc chỉ có cách là thoát ly hẳn ra khỏi tình trạng không ngừng sanh diệt của những hiện tượng danh sắc. Ðó là sự khởi sanh của tâm thật sự mong muốn Niết Bàn. Trước kia còn tưởng tượng Niết Bàn là một trung tâm điểm quan trọng mà mình hy vọng đến đó để thọ hưởng tất cả những lạc thú hằng mong mỏi. Ðó không phải là ước muốn cái thật sự là Niết Bàn, mà chỉ là loại hạnh phúc tại thế. Những ai chưa thật sự thấy hiểm họa và khuyết điểm của danh pháp và sắc pháp còn ham muốn những loại hạnh phúc trần tục tại thế ấy. Họ không thể chấp nhận ý niệm hoàn toàn chấm dứt mọi danh pháp và sắc pháp, bao gồm những loại dục lạc.
Một hôm nọ nhà sư trẻ tuổi tên Lāludāyi có nghe Ðức Sārīputta (Xá Lợi Phất) thì thầm nói nhỏ, "Niết Bàn quả thật hạnh phúc! Niết Bàn quả thật hạnh phúc!" Vị sư trẻ bạch hỏi, "Bạch Ngài, trong Niết Bàn không còn cảm giác, vậy thì không có gì để kinh nghiệm, có phải vậy không? Như thế thì làm sao có hạnh phúc trong Niết Bàn, nơi mà không còn cảm giác?" Vị ấy nêu lên điểm thắc mắc nầy vì đã được dạy rằng Niết Bàn không còn danh pháp và sắc pháp, tức không có cảm giác. Nhưng vì tự mình chưa có kinh nghiệm về Niết Bàn nên vị ấy không thấy được ở Niết Bàn có thể có hạnh phúc gì. Câu trả lời của Ngài Sārīputa là, "Chính vì sự kiện không có cảm giác mà đó là hạnh phúc."
Ðúng thật vậy, trạng thái thanh bình an lạc là hạnh phúc hơn tất cả những cảm giác hoan hỷ thỏa thích. Ðó là chân hạnh phúc. Một cảm giác được nghĩ là hạnh phúc hay thỏa thích bởi vì ta khát khao thèm muốn nó. Không thèm muốn, không khát vọng, ắt không có cảm giác nào có thể được xem là thỏa thích. Hãy bình tâm suy tư trong giây lát, ta sẽ thấy rõ điểm nầy. Một món ăn thơm ngon xem hình như đem lại thích thú và khoái lạc trong khi ta ưa thích hay thèm nó. Nhưng khi bệnh hoạn ốm đau hay lúc bụng no, cũng món ăn thơm ngon ấy, ta không còn thấy nó hấp dẫn nữa. Nếu bị bắt buộc phải ăn, ta sẽ không cảm nghe thích thú, không thấy nó là ngon lành, mà còn thấy đó là một nguồn đau khổ. Hãy lấy một thí dụ khác, trong thời gian bao lâu ta có thể thưởng thức liên tục nhìn một cảnh đẹp, hay nghe một âm thanh êm dịu? Mấy tiếng đồng hồ, mấy ngày, mấy tháng, hay mấy năm? Dầu chỉ trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ ta cũng không thể giữ tâm liên tục thích thú trước khi nhàm chán, mệt mỏi. Nếu còn phải tiếp tục nhìn quang cảnh ấy, hay phải nghe âm thanh ấy ta sẽ thấy đó là một kinh nghiệm khủng khiếp, một cực hình. Do vậy, rõ ràng không ưa thích, không tham vọng, không cảm giác là hạnh phúc. Một bài viết với đầy đủ chi tiết về vấn đề nầy đã được trình bày trong quyển sách của chúng tôi tựa đề "Concerning Nibbāna" [Sách được ấn hành dưới tựa đề: "Nibbānapaṭisaṁyutta Kathā: On The Nature of Nibbāna", tại Yangon, Myanmar, May 1995, do Hội Buddha Sasana Nuggaha Foundation xuất bản].
Ức Ðoán Niết Bàn
Vị hành giả đã phát triển tuệ chán nản nibbinda ñāṇa thật sự nhận thấy sắc thái độc hại của danh pháp và sắc pháp và trở nên chán nản. Vị ấy hiểu rằng ở Niết Bàn không có danh pháp và sắc pháp, không cảm giác, thật sự là thanh bình an lạc, và hết lòng ước muốn thành đạt. Cũng tựa hồ như ở từ xa nhìn ngắm mục tiêu để dò dẫm đường đi nước bước. Ðó là nhìn đến Niết Bàn bằng tuệ muốn giải thoát, muñcitukamyatā ñãṇa. Vì ý chí muốn thành đạt Niết Bàn, Nibbāna, và lòng ham muốn thoát ly ra khỏi những hiểm họa của danh và sắc pháp ngày càng phát triển, hành giả càng thêm chuyên cần tinh tấn.
Với mức tinh tấn ngày càng tăng trưởng ấy hành giả tiến đạt đến tuệ suy tư, (paṭisaṅkhā ñāṇa, suy tư về những gì mình đã quán chiếu), trong khi ấy thông hiểu bản chất vô thường, khổ và vô ngã thâm sâu hơn trước.
Ðặc biệt là đặc tướng đau khổ, được hành giả thấu triệt rõ ràng hơn. Khi paṭisaṅkhā ñāṇa, tuệ suy tư, tăng trưởng và thuần thục, hành giả đạt đến tuệ xả hành (saṅkhārupekkhā ñāṇa, tâm hoàn toàn bình thản (xả) trước tất cả các vật được cấu tạo hay các pháp hữu vi (hành), tất cả danh pháp và sắc pháp.
Ðó là mô tả một cách tổng quát như thế nào bắt đầu từ sammasana ñāṇa, tuệ thấu đạt, một loạt những tuệ minh sát (vipassanā ñāṇa) dần dần phát triển nơi một cá nhân có thể rèn luyện (neyya). Ðối với một vị thánh nhân, như bậc Tu Ðà Huờn, sau khi ngồi thiền một lúc thì có thể đến tầng xả hành (saṅkhārupekkhā). Chắc chắn rằng trong Nhóm Năm Vị Tỳ Khưu, khi vừa nghe kinh Anattalakkhaṇa Sutta, Vô Ngã Tướng, thì tức khắc đạt đến tuệ giác nầy.
Sáu Ðặc Ðiểm Của Tuệ Xả Hành (Saṅkhārupekkha ñāṇa)
1. Tâm Thản Nhiên (Xả)
Saṅkhārupekkhā ñāṇa, tuệ xả hành, có sáu đặc tính phân biệt rõ ràng. Ðầu tiên là tâm thản nhiên, không rung động vì sợ hải hoặc bất mãn, như được sách Visuddhimagga (Thanh Tịnh Ðạo) mô tả: Bhayañca nandiñca vippahāya sabba saṅkhāresu udāsino. Tâm xả ấy phát sanh như thế nào?
Khi đến tuệ kinh sợ, bhaya ñāṇa, hành giả quán chiếu trạng thái kinh sợ và phát triển tuệ giác có đặc điểm là chán ghét. Ðến tuệ xả hành, saṅkhārupekkhā ñāṇa, tất cả những dấu hiệu kinh sợ đều tan biến. Ðến giai đoạn thấy hiểm họa, ādīnava, hành giả nhìn thấy tất cả sự vật đều hiểm nguy độc hại; đến tuệ chán nản, nibbidā, thấy tất cả đều đáng nhàm chán và ghê tởm. Ðến giai đoạn muốn giải thoát, muñcitukamyatā, hành giả phát tâm muốn tách rời lìa bỏ, thoát ly, vượt ra khỏi các uẩn. Khi tiến đạt đến giai đoạn saṅkhārupekkhā ñāṇa, tuệ xả hành, thấy tất cả những đặc tính của các tầng tuệ minh sát (ñāṇa) thấp, tức thấy hiểm họa, nhàm chán và ghê tởm, muốn giải thoát, và muốn tận lực chuyên cần tinh tấn đều tan biến. Trong sách Visuddhimagga, hai chữ bhayañca vippahāya -- từ bỏ kinh sợ -- hàm xúc tiến bộ của tuệ giác nầy. Ðúng theo đoạn sách nầy ta phải thấy rằng với sự tan biến của tâm kinh sợ, tất cả những đặc tính khác, tức thấy hiểm họa, chán ghét, muốn thoát ra khỏi các hành, và muốn tận lực chuyên cần tinh tấn cũng biến tan.
Lại nữa, đến tầng udayabbaya ñāṇa, tuệ sanh diệt, hành giả phát triển phỉ lạc mạnh mẽ, và trở nên rất hoan hỷ thỏa thích. Saṅkhārupekkhā ñāṇa, tuệ xả hành, là mức độ cao hơn udayabbaya ñāṇa, tuệ sanh diệt; tuy nhiên, đến tầng nầy tất cả những cảm giác phỉ lạc đều không còn. Do đó trong sách Visuddhimagga, Thanh Tịnh Ðạo, có đoạn viết nandiñca vippahāya -- "từ bỏ thích thú". Hành giả đã từ bỏ mọi thích thú và khoái lạc; sống trong tình trạng chỉ quán chiếu tất cả các hành, saṅkhāra, phát hiện trong sự thấy, sự nghe v.v... với tâm hoàn toàn bình thản. Không còn hoan hỷ, thích thú, hạnh phúc hay khoái lạc như ở tầng udayabbaya ñāṇa, tuệ sanh diệt.
Ðó là không kinh sợ hay thỏa thích trong khi thực hành Giáo Pháp, Dhamma. Ðối với thế sự cũng vậy, vị hành giả đã đến tầng saṅkhārupekkhā ñāṇa, tuệ xả hành, rõ ràng không còn kinh sợ hay thích thú với những sự việc trần gian. Khi nghe những tin tức đáng sợ trong đời sống trần tục hay trong đời sống cá nhân, vị ấy thản nhiên không xúc động, không băn khoăn, rối loạn, lo âu hay sợ sệt. Vị ấy cũng thản nhiên khi gặp những diễn biến vui vẻ, không xúc động nhiều, cũng không thích thú hoan hỷ khoái lạc. Ðó là đã vượt thoát ra khỏi mọi kinh sợ và thích thú trong đời sống trần tục.
2. Tâm Quân Bình
Ðặc tính thứ nhì là trạng thái tâm quân bình, cảm giác không quá vui thích cũng không quá sầu muộn, chán nản ngã lòng, trước những thăng trầm của đời sống trần tục. Có thể nhìn cả hai, những diễn biến vui vẻ và những sự việc buồn phiền, một cách vô tư với tâm bình thản. Câu tiếng Pāli được trích ở đây là:
Cakkhunā rūpaṁ disvā neva sumano hoti na dummano, upekkhako viharati, sato sampajāno.
"Khi mắt nhìn thấy một hình sắc, vị hành giả giữ tâm bình thản, không vui không buồn. Dầu cảnh sắc có đẹp đẽ xinh tươi hay hấp dẫn như thế nào hành giả không cảm nghe phấn khởi, hân hoan; dầu cảnh vật có xấu xí hay đáng ghét, hành giả vẫn thản nhiên, giữ thái độ quân bình, chú niệm và hiểu biết rõ ràng."
Vô tư ghi nhận tất cả mọi cảnh vật đã thấy, dầu đáng vui thích hay nghịch lòng, chỉ thông hiểu bản chất vô thường, khổ và vô ngã thật sự của nó mà không phát tâm ưa thích hay ghét bỏ, hành giả nhìn mọi hiện tượng một cách bình thản, quán sát với tâm buông xả, không dính mắc, để hiểu biết hiện tượng thấy, vốn nhanh chóng hoại diệt trong mỗi khoảnh khắc. Vị hành giả đã đến tầng saṅkhārupekkhā ñāṇa, tuệ xả hành, qua kinh nghiệm bản thân, thông hiểu công trình quán chiếu ấy diễn tiến như thế nào. Ðó là phương cách phải nhìn thấy và quán sát hiện tượng thấy với thái độ tâm quân bình.
Trong khi nghe, hửi, nếm, sờ đụng, và suy tư, hành giả cũng phải làm như thế ấy, quán chiếu một cách vô tư, chỉ để thấu hiểu những hiện tượng mỗi khi nó phát hiện. Khả năng theo dõi những gì xảy diễn ở lục căn với tâm bình thản được gọi là chalaṅgupekkhā, một phẩm hạnh của chư vị A La Hán. Nhưng một người thường tại thế mà đã tiến đạt đến giai đoạn saṅkhārupekkhā ñāṇa, tuệ xả hành, cũng có thể thực hành được như thế. Theo Bản Chú Giải bộ Tăng Nhứt A Hàm, Aṅguttara Nikāya, một hành giả đã tiến đến mức udayabbaya ñāṇa, tuệ sanh diệt, có thể cũng có phẩm hạnh nầy giống như chư vị A La Hán, nhưng ở một mức độ không rõ ràng nổi bật lắm. Ðến tầng bhaṅga ñāṇa, tuệ diệt, phẩm hạnh ấy rõ ràng hơn, và trở nên thật sự rõ ràng ở tầng saṅkhārupekkhā, xả hành. Như vậy, người hành thiền đã tiến đến mức phát triển nầy, có được phẩm hạnh của chư vị A La Hán, cũng đáng được kính trọng và mến phục. Dầu cho những người khác không ai biết, vị hành giả tự mình hiểu biết phẩm hạnh của chính mình có thể cũng lấy làm vừa lòng và đẹp dạ với công trình hoàn thành những tiến bộ của mình.
3. Không Cố Gắng
Ðặc tính thứ ba của tuệ xả hành là quán chiếu một cách tự nhiên, không có sự cố gắng. Saṅkhāra vicinane majjhattaṁ hutvā, sách Visuddhimagga, Thanh Tịnh Ðạo, dạy như vậy. "Giữ thái độ vô tư đối với công trình quán chiếu."
Trong Bản Phụ Chú Giải, câu nầy được giải thích rằng "cũng giống như giữ trạng thái tâm quân bình trong khi quán chiếu các hành, saṅkhāra, cùng thế ấy phải duy trì thái độ tâm quân bình, vô tư, trong pháp hành quán chiếu công trình nầy." ở những mức độ phát triển thấp hành giả phải cố gắng nhiều để làm phát hiện đề mục quán chiếu. Ðến tầng saṅkhārupekkhā ñāṇa, tuệ xả hành, không cần phải đặc biệt cố gắng để làm phát sanh đề mục quán chiếu. Những đối tượng ấy tự động tự phát hiện, từng đối tượng một, và hành giả tự nhiên theo dõi quán chiếu mà không cần cố gắng. Công trình quán chiếu trở thành một tiến trình dễ dàng suôn sẻ chảy trôi. Trên đây là ba đặc tính thản nhiên và quân bình của saṅkhārupekkhā ñāṇa, tuệ xả hành. Tiếp theo, chúng ta sẽ đề cập đến ba đặc tính kế.
4. Bền Vững Lâu Dài
Ở các tầng tuệ thấp, không dễ gì giữ tâm vững chắc trên đề mục trong một thời gian chừng nửa tiếng hoặc một tiếng đồng hồ. Ðến tầng saṅkhārupekkhā ñāṇa, tuệ xả hành, người hành thiền có thể giữ tâm quán chiếu đều đặn vững chắc trong một, hoặc hai, ba tiếng. Nhiều thiền sinh chúng ta đã kinh nghiệm điều nầy.
Vì lẽ ấy sách Paṭisambhidā-magga định nghĩa rằng tuệ xả hành là tuệ giác có thể kéo dài bền vững trong một thời gian lâu. Và Bản Phụ Chú Giải của sách Visuddhi-magga giải thích rằng đó là "một tiến trình phát triển liên tục, lâu dài." Chỉ khi nào tồn tại một thời gian lâu mới có thể được nói là bền vững lâu dài.
5. Ngày Càng Thêm Vi Tế
Ðặc tính thứ năm của tuệ xả hành là càng ngày càng trở nên vi tế và tế nhị hơn, như được dạy trong sách Visuddhimagga, Thanh Tịnh Ðạo, giống như bột mà người ta sàng sẩy qua một cái rây, càng lúc càng mịn màng hơn. Từ lúc phát sanh saṅkhārupekkhā ñāṇa, tuệ xả hành, vốn đã vi tế, nhưng càng lúc càng trở nên vi tế và tế nhị hơn, và hiện tượng nầy, nhiều hành giả của chúng ta đã kinh nghiệm.
6. Tâm Không Phóng Dật
Ðặc tính cuối cùng của tâm xả hành là không phóng dật. ở các tầng thấp hơn, trạng thái an trụ không đủ dõng mãnh, tâm phóng đến nhiều đối tượng khác nhau, nhưng đến tầng saṅkhārupekkhā ñāṇa, tuệ xả hành, tâm vững vàng an trụ hầu như không còn chao động hay phóng dật. Dầu là những đối tượng nào mà không thích hợp với công phu quán chiếu tâm cũng không chấp nhận, không nói đến những vọng tưởng.
Ðến tầng bhaṅga ñāṇa, tuệ diệt, tâm hướng về nhiều phần khác nhau trong khắp châu thân, và như vậy xúc giác được cảm nhận từ khắp mọi nơi trong thân. Nhưng đến giai đoạn xả hành nầy, khó làm cho tâm phóng nhảy nơi nầy nơi khác vì nó chỉ gom vào một vài điểm mà hành giả thường dùng làm đối tượng để quán chiếu. Như vậy, tâm không hướng về khắp châu thân mà chỉ rút về bốn đối tượng -- chỉ hay biết từng giai đoạn phồng, xẹp, ngồi và đụng. Trong bốn đối tượng, thân ngồi có thể biến mất, chỉ còn lại ba đối tượng để niệm. Rồi di động phồng xẹp cũng phai dần, chỉ còn lại cảm giác đụng. Sự hay biết sờ đụng cũng biến mất luôn, chỉ còn lại cái tâm hay biết, và tâm nầy được ghi nhận, "hay biết, hay biết."
Vào những lúc tương tợ, ta thấy rằng mỗi khi suy tư đến một đề mục được đặc biệt chú ý, tâm không ở lâu nơi đó mà quay trở về đề mục quán chiếu thông thường. Vì lẽ ấy nói rằng tâm không phóng dật. Sách Visuddhimagga, Thanh Tịnh Ðạo, mô tả là patiliyati patikutati na sampasāriyati: "nó tháo lui, co rút lại, và giựt lùi; không trải rộng ra."
Ðó là ba dấu hiệu hay ba đặc tính của saṅkhār-upekkhā ñāṇa, tuệ xả hành, mà người hành thiền phải tự bản thân kinh nghiệm. Chưa kinh nghiệm được ba đặc tính -- bền vững lâu dài, càng lúc càng vi tế hơn, và không phóng dật -- có nghĩa là người hành thiền chưa phát triển tâm đến tầng tuệ nầy.
Phát Triển Tuệ Ðưa Vượt Lên
Khi saṅkhārupekkhā ñāṇa, tuệ xả hành, với sáu đặc tính, đã được viên mãn thành tựu, có một loại tuệ giác hình như phát sanh rất nhanh chóng.
Loại tuệ giác nầy được gọi là vuṭṭhānagāminī vipassanā. Vuṭṭhāna có nghĩa là trổi dậy, vượt lên. Vipassanā ñāṇa là tuệ minh sát nằm trong tiến trình sanh diệt liên tục diễn tiến của các hành (tức tiến trình danh sắc). Với mỗi chặp tư tưởng quán sát sự chú tâm rơi vào tiến trình danh sắc liên tục diễn tiến nầy. Tuy nhiên khi tuệ minh sát hướng vào ariyamagga ñāṇa, Thánh Ðạo Tuệ, phát triển đối tượng của sự chú ý trở thành sự chấm dứt hiện tượng sanh diệt của danh sắc. Ðiều nầy có nghĩa là tâm trổi dậy, hay "vượt lên" khỏi luồng trôi chảy của danh sắc và đối tượng của tâm trở thành Nibbāna, Niết Bàn. Vì lẽ ấy ("vượt lên" tách rời ra khỏi luồng danh-sắc trôi chảy liên tục) Thánh Ðạo được gọi là vuṭṭhāna, vượt lên. Khi tuệ minh sát nầy nhanh chóng chấm dứt, hành giả chứng ngộ Niết Bàn. Như vậy, trong tuệ minh sát đặc biệt nầy, tâm trổi dậy, vượt lên từ các hành (tức các pháp hữu vi, hay tiến trình danh sắc) vượt đến Thánh Ðạo, do đó có tên vuṭṭhānagāminī.
Vuṭṭhānagāminī vipassanā, tuệ minh sát vượt lên, nầy phát sanh trong khi hành giả ghi nhận một trong sáu thức, như ý thức hay thân thức chẳng hạn, trở thành hiển nhiên nổi bật trong khoảnh khắc đặc biệt nầy. Quán chiếu các hiện tượng nhanh chóng hoại diệt hành giả nhận thấy bản chất vô thường, hoặc nhận thấy bản chất đau khổ, hay bất toại nguyện, hay nhận thấy bản chất vô ngã. Tâm vuṭṭhānagāminī nầy phát sanh tối thiểu hai hoặc ba lần; đôi khi có thể phát sanh bốn, năm, hay chí đến mười lần. Như được mô tả trong kinh điển, vào khoảnh khắc cuối cùng của vuṭṭhānagāminī, tuệ minh sát vượt lên, có ba chặp tư tưởng của luồng javana (xung lực, hay tốc hành) phát sanh -- parikamma (chặp sơ khởi, hay chuẩn bị), upacāra (chặp kế cận) và anuloma (chặp thuận thứ) -- theo sau đó là một chặp javana đặc biệt thuộc dục giới (kāmāvacara) chụp lấy Nibbāna, Niết Bàn -- nơi mà tất cả danh pháp và sắc pháp chấm dứt -- làm đối tượng. Sau chặp javana nầy Thánh Ðạo phát sanh, và tâm rơi vào đối tượng Niết Bàn, không có danh và sắc, chấm dứt tất cả mọi saṅkhāra, hành. Tức khắc sau chặp ariyamagga javana, Thánh Ðạo, ariyaphala javana, Thánh Quả, liền phát sanh hai hoặc ba lần, có cùng một đối tượng với Thánh Ðạo. Cùng với sự phát sanh của Thánh Ðạo và Thánh Quả, người tại thế thông thường trở nên Thánh Nhân, dần dần đến bậc Nhập Lưu, Nhứt Lai, Bất Lai và vị Thánh Bất Lai cuối cùng trở nên bậc A La Hán.
Chặp xung lực (javana) thiện thuộc dục giới (kāmāvacara kusala javana) lấy Niết Bàn làm đối tượng được gọi là gotrabhū, chuyển tánh, chặp tư tưởng xung lực vượt qua khỏi huyết thống của thế gian trần tục. Sách Paṭisambhidā magga định nghĩa gotrabhū như sau: "Trổi dậy từ những đối tượng vốn là các hiện tượng được cấu tạo (hành), có đặc tính trở thành, tâm có chiều hướng lao mình vào đối tượng Niết Bàn, vốn không trở thành, và do đó được gọi là gotrabhū, chuyển tánh." Hoặc "Phát sanh từ đối tượng của nó là tiến trình danh sắc liên tục diễn tiến, tâm đâm đầu hướng về đối tượng Niết Bàn, không có tiến trình liên tục trở thành." Sách Milindapañhā, Mi-Lin-Ða Vấn Ðáp, nói: "Tâm của vị hành giả quán chiếu và ghi nhận từng hiện tượng một, sau hiện tượng nầy đến hiện tượng khác, từng giai đoạn, vượt qua khỏi luồng danh sắc liên tục trôi chảy, và đâm vào trạng thái mà luồng danh sắc chấm dứt."
Trước tiên hành giả quán chiếu những hiện tượng danh và sắc không ngừng khởi sanh và phát hiện mỗi khi suy tư, sờ đụng, nghe, thấy v.v... Vị ấy chỉ nhận thấy một luồng các hiện tượng danh pháp và sắc pháp liên tục trôi chảy hình như vô tận. Trong khi quán chiếu như thế ấy về những hiện tượng danh sắc vô tận và suy tư về đặc tướng vô thường, khổ và trạng thái rỗng không của tự ngã, đến một lúc, tức khắc sau chặp tâm cuối cùng (parikamma, upacāra và anuloma) của sự suy tư, tâm bỗng dưng hướng về và rơi xuống trạng thái mà tất cả những đối tượng được quán chiếu cùng với tâm quán chiếu hoàn toàn chấm dứt. Sự hướng về là hướng về chặp tâm gotrabhū, chuyển tánh, và sự rơi xuống là chứng ngộ Niết Bàn, qua Thánh Ðạo và Thánh Quả. "Tâu Ðại Vương, vị hành giả đã hành thiền đúng và lao mình sâu vào nơi có sự chấm dứt của những hiện tượng tâm linh, được nói là chứng ngộ Nibbāna, Niết Bàn."
Ðây là đoạn kinh mô tả vuṭṭhānagāminī vipassanā, tuệ minh sát vượt lên, Thánh Ðạo và Thánh Quả được chứng ngộ như thế nào. Người hành thiền sẽ thấy cách trình bày nầy trùng hợp với những gì mà tự cá nhân mình chứng nghiệm. Kinh điển và kinh nghiệm cá nhân trùng hợp nhau như thế nào:
Thông thường hành giả bắt đầu quán sát thân thức và ý thức hoặc sự nghe, sự thấy v.v... ; tóm lại, đó là quán chiếu bản chất của năm nhóm bám níu, ngũ uẩn thủ. Như đã nói trước đây, vào giai đoạn bhaṅga ñāṇa, tuệ diệt, hành giả luôn luôn ghi nhận sự tan biến nhanh chóng của những hiện tượng danh sắc và thấy đó là đáng kinh hoàng khủng khiếp. Ðiều nầy đưa hành giả đến tình trạng nhàm chán và ghê tởm. Muốn thoát ra khỏi những tình trạng nầy, hành giả tận lực cố gắng cho đến khi tiến đạt đến giai đoạn saṅkhārupekkhā ñāṇa, tuệ xả hành, vào lúc mà mình có thể nhìn tất cả mọi sự vật một cách thản nhiên với tâm quân bình. Khi saṅkhārupekkhā ñāṇa, tuệ xả hành, được viên mãn thành tựu, liền phát sanh một cách rất nhanh chóng và rõ ràng vuṭṭhānagāminī và anuloma ñāṇa, (tuệ đưa vượt lên và tuệ thuận thứ), và hành giả rơi vào trạng thái hoàn toàn rỗng không, nơi mà tất cả mọi đối tượng và mọi hoạt động quán chiếu đều chấm dứt. Ðó là chứng ngộ Nibbāna, Niết Bàn, qua Thánh Ðạo và Thánh Quả, đưa người phàm tục tại thế vào trạng thái Nhập Lưu, đưa vị Nhập Lưu vào trạng thái Nhứt Lai, vị Nhứt Lai vào trạng thái Bất Lai và sau cùng đưa vị Thánh Bất Lai vào trạng thái A La Hán. Kinh Anattalakkhaṇa Sutta, Vô Ngã Tướng, mô tả như sau những biến đổi ấy:
Từ Nhàm Chán Tiến Ðến Thánh Ðạo Và Thánh Quả
Nibbindaṁ virajjati virāgā vimuccati
"Vì nhàm chán hành giả không còn khát khao ham muốn và phát triển Thánh Ðạo. Không còn khát khao ham muốn và đã khai triển Thánh Ðạo, hành giả vượt ra khỏi những hoặc lậu (āsava) và ô nhiễm (kilesa)."
Từ sammasana ñāṇa, tuệ thấu đạt đến bhaṅga ñāṇa, tuệ diệt, hành giả phát triển sự hiểu biết về bản chất vô thường, khổ, vô ngã của các hiện tượng. Trong đoạn trên Ðức Thế Tôn hàm xúc sự phát triển nầy trong cụm từ Evaṁ passaṁ -- "Thấy như thế". Giai đoạn từ bhaṅga (diệt) đến saṅkhārupekkhā (xả hành) và anuloma (thuận thứ) được mô tả là "nibbindati", nhàm chán và mệt mỏi. Rồi đến đoạn nibbindaṁ virajjati, virāgā vimuccati: "Khi chán ghét, hành giả càng mệt mỏi nhàm chán; khi nhàm chán mệt mỏi, hành giả càng không khát khao ham muốn; không khát khao ham muốn, hành giả càng giải thoát," để mô tả sự phát triển Ðạo Tuệ và Quả Tuệ. Một cách mô tả thật chính xác, rất đúng với kinh nghiệm thực hành của người hành thiền.
Sự Mô Tả Trùng Hợp Với Thực Nghiệm Của Hành Giả Như Thế Nào?
Saṅkhārupekkhā ñāṇa, tuệ xả hành, càng tăng trưởng vững chắc và mạnh mẽ, trí tuệ khác thường nhanh chóng phát sanh đến hành giả. Nếu tình trạng phát triển cảm giác nhàm chán chưa đủ dõng mãnh để từ bỏ danh pháp và sắc pháp hành giả có thể còn bị lo âu khuấy động: "Rồi việc gì sắp xảy đến đây? Có phải ta sắp lìa đời chăng?" Nếu bị lo âu dày xéo như thế đó ắt không thể gom tâm an trụ, và tâm định sẽ suy giảm. Nhưng khi cảm giác chán chê mệt mỏi đủ mạnh, lo âu không phát hiện và hành giả tiếp tục quán chiếu một cách suôn sẻ dễ dàng, không cần cố gắng. Hành giả sẽ sớm sủa rơi vào trạng thái thoát ly ra khỏi mọi khát vọng và luyến ái, và hoàn toàn chấm dứt tất cả danh pháp và sắc pháp. Ðó là giải thoát ra khỏi mọi ô nhiễm và hoặc lậu (āsava).
Khi rơi vào trạng thái chấm dứt mà không luyến ái, qua Thánh Ðạo đầu tiên (sotāpattimagga, Tu Ðà Huờn Ðạo), hành giả thoát ra khỏi những hoặc lậu tà kiến (diṭṭhāsava, tà kiến lậu), thoát ra khỏi si mê liên hợp với hoài nghi và ngờ vực, và thoát ra khỏi mọi hình thức dục lạc thô kịch có thể đưa đến khổ cảnh. Ðó là giải thoát qua Tu Ðà Huờn Quả, vốn là thành quả của Tu Ðà Huờn Ðạo. Khi đến giai đoạn chấm dứt qua Thánh Ðạo thứ nhì, Nhứt Lai, có sự giảm suy dục lạc. Ðến giai đoạn chấm dứt Thánh Ðạo thứ ba, Bất Lai, thoát ra khỏi mọi hình thức dục lạc vi tế cũng như mọi hình thức si mê. Với giai đoạn chứng ngộ A La Hán Ðạo (arahattamagga ñāṇa, A La Hán Ðạo Tuệ) hoàn toàn giải thoát ra khỏi mọi hình thức ô nhiễm và hoặc lậu. Ðó là đúng theo lời dạy virāgā vimuccati. Khi đã thoát hẳn ra khỏi mọi khát vọng và rơi vào tình trạng chấm dứt, phát sanh sự giải thoát qua Thánh Quả, vốn là thành quả của Thánh Ðạo. Sự giải thoát nầy được nhận thấy rõ ràng qua một tiến trình suy tư.
Suy Tư Của Vị A La Hán
Tiến trình suy tư của một vị A La Hán được mô tả trong đoạn kết luận của bài kinh Anattalakkhana Sutta, Vô Ngã Tướng, như sau:
Vimuttasmiṁ vimuttamīti ñāṇaṁ hoti "khīnā jāti vusitaṁ brahmacariyaṁ kataṁ karaṇīyaṁ nāparaṁ ittattāyā'ti pajānātīti".
"Khi đã giải thoát, hành giả suy tư và hiểu biết rằng tình trạng giải thoát ra khỏi mọi ô nhiễm đã viên mãn thành tựu, và hành giả hiểu biết, 'Sự sanh đã cạn nguồn (không còn sanh trở lại), Ðời Sống Thánh Thiện đã được trải qua, những gì phải làm đã được hoàn tất, không còn gì phải làm.' Hành giả suy tư và hiểu biết như thế."
Ðó là như thế nào vị A La Hán suy tư trở lại thành tựu của Ngài. Nơi đây ta có thể thắc mắc, "Làm sao Ngài hiểu được rằng sự sanh đã cạn nguồn. Ngài không còn tái sanh nữa?" Ngày nào còn tà kiến và ảo kiến liên quan đến danh uẩn và sắc uẩn, và còn luyến ái dính mắc vào đó, xem danh sắc là thường còn, lạc, và tự ngã thì sẽ còn trở thành, còn lặp lại đổi mới, tái sanh trở lại trong vòng quanh những kiếp sinh tồn. Khi ta không còn si mê, đã thoát ra khỏi mọi tà kiến và ảo kiến, ắt cũng không còn luyến ái, không bám níu vào kiếp sinh tồn. Vị A La Hán suy tư và hiểu biết tường tận rằng Ngài đã vượt hẳn ra khỏi mọi tà kiến và ảo kiến liên quan đến các uẩn và không còn bám níu vào đó nữa. Do đó Ngài thông hiểu rằng đối với Ngài sự sanh đã cạn nguồn, không còn trở lại. Ðó là suy tư về những ô nhiễm đã được loại bỏ và tận diệt.
Nơi đây, "Ðời Sống Thánh Thiện", hay đời sống phạm hạnh (brahmacariya), có nghĩa là thực hành giới, định, tuệ (sīla, samādhi, paññā). Tuy nhiên, nghiêm chỉnh trì giới hoặc trau giồi thiền định tự nó không giúp thành đạt mục tiêu cao siêu nhất. Mục tiêu tối thượng chỉ có thể thành tựu bằng cách ghi nhận những hiện tượng danh sắc mỗi khi nó phát hiện, chí đến lúc thành đạt Ðạo và Quả. Do vậy, phải hiểu rằng "cuộc Sống Thánh Thiện đã được sống" có nghĩa là thiền tập đã được thực hành chí đến khi thành đạt mục tiêu tối thượng.
"Những gì phải làm" có nghĩa là thực hành thiền tập để thấu hiểu đầy đủ Tứ Diệu Ðế. Nhiệm vụ nầy được viên mãn hoàn tất với sự chứng đắc arahattamagga, A La Hán Ðạo. Dầu sau khi tự mình đã thấy bản chất của sự chấm dứt qua ba Ðạo thấp hơn (Tu Ðà Huờn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm) và đã hiểu biết bản chất vô thường, khổ và vô ngã, nhưng còn vài ảo kiến về tưởng uẩn và thức uẩn vẫn còn chưa được tận diệt. Bởi vì những ảo kiến ấy nên vẫn còn thích thú, tham ái, và tin tưởng những hiện tượng là vui vẻ và thích thú. Căn cội của tham ái vẫn chưa được nhổ tận gốc rễ. Vì lẽ ấy đối với vị Thánh Bất Lai vẫn còn một vài khuyết điểm rất tế nhị. Ðến giai đoạn arahattamagga, A La Hán Ðạo, Chân Lý về sự Ðau Khổ được thấu triệt trọn vẹn. Tất cả mọi ảo kiến về tưởng uẩn và thức uẩn đều tận diệt. Bởi vì không còn ảo kiến, những khái niệm sai lầm về vui vẻ thích thú, không có cơ hội cho nguyên nhân tham ái khởi phát vì nó đã bị loại bỏ hoàn toàn. Nhiệm vụ hiểu biết Tứ Diệu Ðế đã được viên mãn thành tựu. Vì lẽ ấy khi suy tư, vị A La Hán thấy rằng không còn gì để làm, tất cả những gì phải làm đã viên mãn hoàn tất.
Trong đoạn kinh về những suy tư của vị A La Hán không có đoạn nào đề cập đến Ðạo, Quả, Niết Bàn và những ô nhiễm. Nhưng phải hiểu rằng những điểm ấy đã được suy nghiệm đến trước hết, rồi mới nghĩ đến các vấn đề khác. Như vậy phải hiểu rằng đoạn suy tư "Ðời Sống Thánh Thiện đã được trải qua, những gì phải làm đã được hoàn tất" theo sau suy tư về Ðạo, Quả và Niết Bàn. Ðoạn "Tâm đã được giải thoát, sự sanh đã cạn nguồn" chỉ được nghĩ đến sau khi suy tư về những ô nhiễm đã được tận diệt. Những suy tư của các vị Nhập Lưu, Nhứt Lai và Bất Lai đã được trình bày trong bài giảng của Sư (Ngài Mahasi) về kinh Sīlavanta Sutta.
Tóm lược
"Nhàm chán mệt mỏi, hành giả không còn ham muốn, thoát ly ra khỏi mọi khát vọng, và Thánh Ðạo phát sanh. Không khát vọng và Thánh Ðạo phát sanh đến mình, hành giả vượt thoát khỏi mọi trói buộc của ô nhiễm. Cùng đến với trạng thái giải thoát hành giả suy tư rằng tâm mình đã giải thoát và hiểu biết: 'Sự sanh đã cạn nguồn; Ðời Sống Thánh Thiện đã được trải qua, những gì phải làm đã được hoàn tất, không còn trở lại trạng thái trở thành nầy nữa."
Những vị Trưởng Lão đọc tụng bài kinh nầy tại Hội Nghị và ghi chép đoạn cuối cùng như sau:
Idamavoca Bhagavā attamanā pañcavaggiyā bhikkhū Bhagavato bhāsitaṁ abhinanduṁ. Imasmiñca pana veyyā karaṇasmiṁ bhaññamāne pañc-avaggiyānaṁ bhikkhūnaṁ anupādāya āsavehi cittāni vimucciṁsūti.
"Ðức Thế Tôn dạy như vậy. Hoan hỷ, Nhóm Năm Vị Tỳ Khưu lấy làm thích thú lắng nghe những lời dạy của Ðức Thế Tôn. Lại nữa, trong lúc nghe thuyết giảng (hoặc chỉ vào đoạn cuối của bài giảng) tâm của Nhóm Năm Vị Tỳ Khưu giải thoát ra khỏi mọi luyến ái và ô nhiễm."
Trong Nhóm Năm Vị Tỳ Khưu, Ðức Koṇḍañña (Kiều Trần Như) đã đắc Quả Nhập Lưu vào canh đầu đêm trăng tròn tháng Bảy DL. trong khi nghe thời Pháp Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattana Sutta). Chắc Ngài vẫn tiếp tục quán niệm, nhưng không tiến được đến mức chứng ngộ Ðạo Quả A La Hán, mãi cho đến khi nghe được thời giảng bài kinh Anattalakkhaṇa Sutta, Vô Ngã Tướng. Ðức Vappa đắc Quả Nhập Lưu trong ngày đầu, hạ tuần tháng Bảy DL., Ðức Bhaddiya trong ngày thứ nhì, Ðức Mahānāma trong ngày thứ ba và Ðức Assaji trong ngày thứ tư. Tất cả năm vị đều là bậc Nhập Lưu khi nghe kinh Anattalakkhaṇa Sutta, Vô Ngã Tướng, nầy đã quán chiếu và suy gẫm về ngũ uẩn, thấy rằng "Ðây không phải của tôi, đây không phải là tôi, đây không phải là tự ngã của tôi"; rằng nó là vô thường, khổ và vô ngã. Các Ngài tuần tự đắc ba tầng tuệ cao hơn, tuệ nầy rồi đến tuệ khác, và tất cả năm vị đều trở thành A La Hán. Theo Bản Chú Giải của sách Paṭisambhidā, các Ngài chỉ đắc Ðạo Quả A La Hán vào lúc nghe phần cuối cùng của bài giảng bằng cách suy niệm về lời dạy.
Lúc bấy giờ, cách nay 2,552 năm, tính lui lại từ năm 1963. Năm ấy, vào ngày thứ năm hạ tuần tháng Bảy D.L. sau thời giảng về kinh Anattalakkhaṇa Sutta, Vô Ngã Tướng, trên thế gian chỉ xuất hiện sáu vị A La Hán, năm trong Nhóm Năm Vị Tỳ Khưu và Ðức Thế Tôn. Ðây quả thật là một nguồn gợi cảm vô cùng thích thú nếu ta hình dung quang cảnh vườn Lộc Giả gần Vārānasī, nơi đó Ðức Thế Tôn mở lời thuyết giảng kinh Anattalakkhaṇa Sutta, Vô Ngã Tướng, trước Nhóm Năm Vị Tỳ Khưu đang chăm chú lắng tai nghe, và thành tựu Ðạo Quả A La Hán, chấm dứt mọi ô nhiễm. Chúng ta hãy hình dung quang cảnh nầy.
Hết Lòng Thành Kính Ðảnh Lễ Sáu Vị A La Hán
Hai ngàn năm trăm năm mươi hai năm trước, vào ngày thứ năm hạ tuần tháng Bảy DL. Ðức Thế Tôn thuyết giảng thời Pháp về kinh Anattalakkhaṇa Sutta, Vô Ngã Tướng, cho Nhóm Năm Vị Tỳ Khưu. Lắng tai nghe thời Pháp và suy gẫm về lời giáo huấn, tất cả năm vị đều giải thoát ra khỏi mọi ô nhiễm, chứng ngộ Ðạo Quả A La Hán. Chúng con xin chắp hai tay lên trán, thành tâm kỉnh mộ đảnh lễ bậc Toàn Giác và Nhóm Năm Vị Tỳ Khưu, là sáu vị A La Hán đầu tiên vào thời buổi sơ khai của Phật Giáo, hoàn toàn giải thoát khỏi mọi ô nhiễm.
Kết Luận
Ước mong tất cả quý vị độc giả, do tâm thành kính chăm chú lắng nghe bài giảng về kinh Anattalakkhaṇa Sutta, Vô Ngã Tướng, chuyên cần quán chiếu năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, đúng theo lời dạy, ghi nhận ngay khoảnh khắc mà nó khởi sanh, nhận thức rằng "đây không phải của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi," và hiểu biết đúng rằng nó không ngừng sanh diệt, rằng nó là vô thường, khổ, vô ngã, và do đó sớm sủa thành tựu Niết Bàn, chấm dứt mọi đau khổ qua Ðạo và Quả.
Lành thay! Lành thay! Lành thay!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét