Những điều kiện để đắc đạo ngay trong hiện tại


Bài thuyết pháp giảng trong khóa thiền từ ngày 25 tháng 7 năm 2008 đến ngày 03 tháng 8 năm 2008, tại chùa Nguyên Thủy
TT. Pháp Chất – Chuyển thành văn bản: Minh Hạnh

      Namo Buddhaya. Kính thưa tất cả qúi vị thiền sinh, hôm nay sở dĩ có thời thuyết pháp này là vì chúng tôi ban tổ chức trong khóa vừa qua công việc rất nhiều bận rộn nên không có thời gian để nói pháp sách tấn qúi vị, khoá này chúng tôi nghĩ rằng có thể thu xếp một số công việc để có thể dành ra một chút thì giờ có một buổi nói pháp để sách tấn thêm cho qúi vị trên con đường tu tập, nhất là vấn đề tu tập hành thiền. Ngoài ra sau thời nói pháp có thể có thêm một vài phần nhỏ nào đó trong quá trình quý vị tu tập, chúng tôi có thể góp ý thêm cho qúy vị.
ttphapchat_1Và vì thời gian có hạn nên chúng tôi chỉ nói trong vòng nửa tiếng đồng hồ là vừa đủ, còn để nhường lời lại cho thiền sư hướng dẫn qúi vị trên con đường tu tập. Và chúng tôi cũng có ý muốn nữa là nếu điều kiện cho phép có thể từ đây về sau trong những buổi thuyết pháp này hoặc trong những buổi thiền, nếu được truyền trực tiếp lên Internet cho các Phật tử bốn phương tham dự thì rất là hoan hỉ. Hôm nay cũng báo tin cho qúi vị biết là chùa vô thêm một đường Net nữa, và đường Net này nếu được có thể dùng vào trong công việc này, nếu không thì sẽ dùng đường Net cũ của chùa cũng được, trong hai đường Net thì tùy đường Net nào thuận tiện thì chúng tôi sẽ tận dụng trong những ngày sắp tới.
Và hôm nay thời giảng đầu tiên chúng tôi lấy đề tài (ngày xưa chúng tôi lấy đề tài là “Dự thi trường thánh”) bây giờ chúng tôi đổi lại là “Những điều kiện để đắc đạo quả ngay trong hiện tại.” Như đã nói trong phần khai mạc ngày hôm qua, chúng tôi cũng mong muốn rằng thiền sư hướng dẫn qúi vị về pháp hành đúng theo chánh tạng mà Đức Phật đã dạy để qúi vị có thể tu tập được. Biết đâu trong số qúi vị có thể; chư tăng cũng có, tu nữ cũng có, thiện nam tín nữ cũng có, nếu người nào đầy đủ duyên lành thì người đó cũng có thể đắc được thiền định và đắc được đạo quả.
Và thiền định đạo quả ở đây thì chúng tôi muốn đạt được đỉnh cao hơn, chứ không phải đắc đạo quả theo thông thường, mà là đắc đạo quả có thiền. Có thiền ở đây tức là đắc được tứ thiền bát định, và nếu được nữa thì đắc cả ngũ thông. Và nếu đắc được cả tứ thiền bát định ngũ thông rồi, thì bên pháp thiền quán qúi vị có đắc chứng đạo quả để giải thoát. Nhưng đắc chứng đạo quả giải thoát nếu qúi vị có thiền thì khả năng tu tập của qúi vị, khả năng nhập thiền thì bây giờ mình không phải nhập thiền hiệp thế nữa, mà có thể nhập cả thiền siêu thế. Thiền siêu thế cũng không phải là thiền siêu thế theo thông thường, mà chúng ta gọi là nhập thiền diệt tức là diệt thọ tưởng định, một loại thiền định của bậc thánh cao cấp mà hạng thánh thinh văn thông thường không thể đắc chứng được, hay không thể tu luyện được.

Có bảy điều kiện muốn đắc được hay muốn nhập được thiền diệt này trước hết hành giả phải đắc được bát định là: sơ định, nhị định, tam định, tứ định, không vô biên xứ định, thức vô biên xứ định, vô sở hữu định và phi phi tưởng xứ định, đó là điều kiện đắc về bát định trước. Về đạo quả thì đắc cả tứ đạo tứ quả, tối thiểu lắm là cũng là tam đạo tam quả, thì mới có thể có khả năng nhập được thiền diệt. Và nếu tứ đạo tứ quả thì có thể nhập thiền diệt một cách dễ dàng. Thời buổi này hiện nay chúng ta có khả năng đắc tứ đạo tứ quả cộng với bát định thì không còn hạng đó, bậc thánh Alahán không còn trên thế gian này, dù cho chư tăng có tu tập cỡ nào đi nữa chứ đừng nói chi hàng Phật tử, không thể đắc chứng được, bởi ngàn năm thứ Ba này không còn bậc thánh A-la-hán đắc nhập thiền diệt nữa, mà chỉ có bậc thánh A-na-hàm nhập thiền diệt, và bậc thánh A-na-hàm này có thể trong chư tăng cũng có, tu nữ cũng có, thiện nam tín nữ cũng có, nếu người nào đủ duyên lành thì cũng có thể đắc được tam quả và nhập được thiền diệt. Còn riêng về tứ đạo tứ quả thì không hẳn, thời này chúng ta cũng có thể dễ dàng đắc tứ đạo tứ quả, nhưng muốn nhập thiền diệt thì chỉ có hạng tam quả có thể nhập được thôi, chứ hạng tứ qủa chỉ đắc tứ quả, chứ không thể nào đắc cả bát định mà lẫn tứ đạo tứ quả. Có thể trong hai thì chọn một chứ không thể nào chọn cả hai được, bởi vì duyên lành của chúng ta ngày hôm nay không đủ để có điều kiện đạt được cả hai phần, chỉ đạt được một trong hai mà thôi.
Trước hết chúng ta kiểm soát coi điều kiện để có thể đắc chứng đạo quả trước cái đã rồi mới nói chuyện đắc thiền sau. Đắc chứng đạo quả trong chú giải và Tam Tạng ghi lại thứ nhất là nói về bảy nhân đắc đạo hiện thế. Bảy nhân đắc đạo này thì phải nói rằng chúng ta là những người con Phật trong quá khứ đã từng tu tập balamật đầy đủ, người nào balamật đầy đủ thì đời này sẽ sanh lên cho họ bảy nhân này, còn người nào balamật chưa đầy đủ thì bảy nhân này không thể sanh được, chỉ có một trong bảy nhân hay là một phần nào thôi chứ không thể nào chọn đủ bảy nhân. Do đó trong một đề tài khác chúng tôi nói về “Dự thi trường thánh” là chúng tôi muốn nói rằng giống như trường đời chúng ta thi đại học thì trước hết phải có đủ tiêu chuẩn đi thi, trong nhà trường người ta đòi hỏi tiêu chuẩn nào đó chẳng hạn phải học hết lớp 12 v.v… thì mới có thể đi thi đại học. Thì cũng vậy balamật đầy đủ chúng ta có đủ điều kiện để thành thánh thì bảy tiêu chuẩn này hiện ra và báo cho chúng ta biết rằng balamật đầy đủ để có tiêu chuẩn thành thánh.
Vậy bảy tiêu chuẩn đó hay bảy nhân đó là gì? Thì ở đây chúng tôi lấy theo văn vần mà Ngài HT Tịnh Sự đã phổ và chúng tôi nằm lòng về bảy nhân này, có thể dựa trên bảy nhân này chúng ta tự mình kiểm soát xem mình có đủ duyên lành đắc đạo quả hay không, và nếu là thiền sư dạy cho đệ tử thì cũng kiểm tra lại coi đệ tử mình đủ nhân đắc đạo hiện đời hay không, để có thể thúc đẩy cho người đệ tử này đắc chứng đạo quả ngay trong đòi hiện tại, dù cho ông thầy không đắc đạo quả ngay trong hiện tại – qúi vị nên nhớ chỗ này – Ông thầy có thể không đắc chứng đạo quả nhưng có khả năng có thể dạy cho chúng ta đắc chứng đạo quả – điều này qúi vị nên lưu ý – chứ không phải qúi vị đòi hỏi là ông thầy phải đắc chứng đạo quả mới dạy cho chúng ta đắc chứng đạo quả.
Ở đây chúng tôi dẫn chứng một vài trường hợp để qúi vị thấy được. Câu chuyện của bà tín nữ Mata. Lúc bấy giờ có 60 vị tỳ khưu đi đến làng của bà, bà như là người chủ làng, đất đai rộng lớn, tiền của rất nhiều. Khi 60 vị tỳ kheo đến bà hộ độ cho các vị đầy đủ, rồi sau này bà biết rằng có mấy vị đang tu thiền, bà cũng thích tu thiền, bà thỉnh mấy vị dạy cho bà một thiền pháp nào đó, tức là một đề mục hay một nghiệp xứ nào để tu tập, thì chư tăng mới dạy cho bà một đề mục để tu tập, nhưng rốt cuộc bà là đệ tử mà bà tu tập đắc trước ông thầy, tức là bà đắc được tứ thiền bát định ngũ thông luôn cả tam quả. Sau khi bà đắc được tam quả, ngũ thông, rồi có thần thông, bà xét lại và kiểm tra chư tăng từng vị, thì trong 60 vị này hoàn toàn không có vị nào đắc thiền định được chứ đừng nói đắc chứng đạo quả. Bà quán xem vì lý do nào, và bà thấy rằng các vị này còn thiếu, ở trong pháp thích hợp của người tu thiền là thiếu pháp vật thực thích hợp.
Trong pháp thích hợp thì có bốn pháp và thường thì cổ đức nói là bốn pháp gọi là” pháp tài lữ địa”, nếu qúi vị có học về Bắc Tông thâm sâu thì sẽ hiểu được nghĩa “pháp tài lữ địa” nhưng ở đây thì theo Phật Giáo Nguyên Thủy thì có lẽ là “pháp tài lữ địa” đó chưa sâu sắc và có thể đổi cái khác là “pháp thực lữ địa”.
Giải về “pháp tài lữ địa” như thế nào thì họ nói:
Pháp có nghĩa là đề mục thích hợp hay không cho tánh của hành giả.
Tài thì thường thường người ta nói gọi là tài vật, thì tài vật không biết là bên theo truyền thống Bắc Tông người ta giải thích như thế nào.
Theo “Pháp thực lữ địa” thì thực chúng ta giải là vật thực.
Lữ tức là bạn bè tu, trong chư tăng thì nói về chư tăng với nhau, còn Phật tử với nhau là thiện tín với nhau bạn đạo với nhau, đó là có bạn đạo thích hợp trong vấn đề tu tập. Chúng tôi giải về bạn trước rồi tiếp theo giải về địa.
Địa ở đây tức là địa điểm trú xứ thích hợp.
Bà mới thấy rằng pháp thích hợp là Đức Thế Tôn cho đề mục vị nào cũng hợp với tánh hết, và bạn bè các vị đều tu với nhau hết thì dễ. Bởi nếu giống như trong chùa một người tu một người không tu cũng rất là khó, mình cứ tu mà ông tới ông quậy phá hoài tu cũng không được, ông làm phiền hoài không cần ông quậy phá mà ông làm phiền ồn ào mình cũng không tu được, hay là mình thích tu thiền mà ông thích tu pháp học hai bên chống đối nhau cũng khó mà tu. Đó là nói bạn tu thì đồng với nhau đồng tu thiền hết. Còn địa điểm trú xứ thì bà chọn rất là thích hợp. Bây giờ chỉ còn có vật thực thôi thì bà mới thấy rằng vật thực bà sắp đặt chưa thích hợp, đối với hành giả tu thiền thì món ăn rất quan trọng, quan trọng ở đây chúng ta không phải lựa cái ngon cái dở. Cái ngon thì chúng ta sanh tham mà cái dở chúng ta sanh sân. Do đó chúng ta phải chịu khó khắc phục về cái ngon và cái dở này. Nhưng chúng ta ăn như thế nào mà vật thực phù hợp với thể tạng để nó dễ dàng tiêu hoá, để tăng cường thêm sức lực, để dễ dàng tu tập. Do đó món ăn phải là món ăn phù hợp với cơ thể chúng ta chứ không phải để ngon dở theo cái miệng chúng ta. Nếu chúng ta ăn mà chọn ngon hay chê dở thì giữ cái tâm này chúng ta tu không tiến tới đâu hết. Chúng ta phải khắc phục cái ngon cái dở, khi ăn chúng ta chọn làm sao chẳng hạn người thích hợp đồ chua, hay người thích đồ ngọt, hay sợ đồ chua, hay sợ đồ ngọt, đồ mặn gì đó thì chúng ta phải gia giảm mà kiên cử cho phù hợp v.v… thì bà sắp đặt các vật thực thích hợp. Cuối cùng 60 vị mới đắc thiền định và đắc đạo quả được.
Đó là một câu chuyện thứ nhất chúng tôi minh chứng, bởi vì chúng tôi nói thầy không đắc đạo quả mà dạy cho qúi vị, thì cũng có người hiểu không tới thì họ có thể nghi ngờ, hay là họ nói tại sao ông thầy không đắc chứng được mà ông lại chỉ cho mình đắc chứng. Bởi vì trong Phật giáo rất quan trọng về pháp học, người học pháp học thâm sâu với khả năng pháp học thâm sâu có thể chỉ cho người khác mặc dù người đó không hành, nhưng có thể chỉ cho người khác hành chính xác và đắc chứng đạo quả. Chúng ta nhớ chuyện Ngài Na Tiên, Ngài Na Tiên trên đường học vấn của Ngài khi học pháp tinh thông bộ A Tỳ Đàm tức là bộ Thắng Pháp cũng là bộ Vi Diệu Pháp. Ngài trên đường đến chùa để hiểu học thêm về Phật pháp thì gặp một người thiện nam cho quá giang, người thiện nam và Ngài bắt đầu trò chuyện bàn đạo, nhưng vì Ngài giỏi hơn do đó Ngài chỉ dạy cho học, thì trên đường đến chùa người thiện nam này đắc chứng Tu Đà Hườn mà Ngài chưa đắc gì hết, còn là phàm nhân. Rồi đi vào chùa thì có bà tín nữ nghe tin Ngài học Vi Diệu Pháp thâm sâu bà mới đến gặp hỏi đạo, bà học pháp thì Ngài cũng y theo pháp đó Ngài giảng dạy cuối cùng bà đắc Tu Đà Hườn, mà Ngài chưa đắc được cái gì hết. Thì quý vị có thể coi đó là chính xác hơn. Đây là chúng tôi chưa nói có được trí tuệ trong Phật giáo mà học hỏi về pháp học rất là quan trọng, với trí tuệ đó nếu có thì không phải chỉ có người mới có thể thuyết đạo quả được, thậm trí thú cũng có thể thuyết cho mình đắc chứng đạo quả. Và thậm trí nếu thuyết pháp Phật pháp đúng lý pháp thâm sâu, chúng ta thâu vào băng phát ra người ta nghe người ta có thể chứng đắc đạo quả. Trong kinh có ghi lại một câu chuyện là có một con công thuyết pháp cho ông thợ săn nghe đắc quả Độc Giác, đây là chúng tôi nói tóm tắt.
Bây giờ chúng tôi trở lại trong cái điều kiện để qúi vị kiểm tra về bảy nhân đắc đạo của qúi vị.
Bảy nhân đắc đạo hiện đời,
Bởi do quá khứ tạo thời đủ căn.
Căn đây tức là căn lành balamật chúng ta tạo đầy đủ thì có bảy nhân này:
1) Một là người phải tam nhân,
Vô tham, không giận với nhân chẳng mờ
Trước hết điều kiện để chúng ta đắc chứng đạo quả thì phải có vốn quá khứ, và do vốn quá khứ sanh trong đời này chúng ta phải là người tam nhân. Điều kiện đắc chứng thiền định, đắc chứng đạo quả phải là người tam nhân. Thế nào là người tam nhân? tức là người do đời quá khứ tạo phước đầy đủ, đủ tam tư, đầy đủ trí tuệ cho quả có trí để sanh lại làm người. Chúng ta sanh lại làm người có khi là quả không có trí, hoặc quả vô trí, và có khi là quả có trí hay quả ly trí. Chúng ta chia ba loại: loại vô trí, loại ly trí, loại có trí. Loại vô trí gọi là tâm quả vô nhân. Loại ly trí là tâm quả nhị nhân. Và loại có trí là tâm quả tam nhân. Thì có quả tam nhân này chúng ta tu thì giòng ngũ phần của chúng ta nền tảng tam nhân là trí quá khứ, thì chúng ta tu có trí hiện tại, hai cái này kết hợp chúng ta mới đắc chứng đạo quả. Do đó đòi hỏi nền tảng của hữu phần của chúng ta là phải tâm tam nhân. Một là phải là người tam nhân vô tham không giận với nhân chẳng mờ.
2) Hai là Trí độ trước kia
Liên quan pháp Quán sẵn bề Huệ tu.
Trong thời quá khứ chúng ta tu tập đầy đủ có balamật rồi, nhưng chúng ta bắt đầu trong thời quá khứ đã có từng hành thiền quán tức là có từng thiền hành minh sát, từng xử dụng trí để quán vô thường, khổ não, vô ngã. Nhờ trí đó thì đời này chúng ta tu lại, ông thầy dạy nhắc cho chúng ta hay chỉ cho chúng ta cách dùng trí để quán, để tu tập, thì chúng ta tu tập một cách dễ dàng trong đề mục tứ niệm xứ hay minh sát tuệ v.v… Hai là trí độ trước kia liên quan pháp quán sẵn bề huệ tu.
3) Ba là tinh tấn công phu
Nương theo giải thoát mặc dù trở ngăn.
Thì phải quá khứ chúng ta đã từng tinh tấn balamật, mà tinh tấn balamật chúng ta đầy đủ duyên lành để cho đời này mới sanh được tinh tấn đó. Đó là tinh tấn công phu, chúng ta có thể ngồi thiền, có thể hành đạo, có thể trên đường tu tập không ai có thể cản được chúng ta. Tinh tấn này phải đi với mức độ nghĩa là không có còn sợ mệt, sợ mỏi, sợ đói, sợ no, sợ khát, sợ này, sợ nọ, không còn sợ cái gì nữa thì nhờ tinh tấn đó chúng ta mới đạt được yêu cầu. Thì thứ ba là tinh tấn công phu nương theo giải thoát mặc dù trở ngăn.
4) Bốn là hành đúng ý chân,
Chánh tạng chú giải khỏi phân sai lầm.
Thì nếu chúng ta đã có căn lành rồi, chúng ta gieo duyên chấp pháp nhiều rồi, thì đương nhiên chúng ta sẽ gặp chánh pháp, mà gặp chánh pháp rồi mà chúng ta muốn gặp thầy dạy đúng chánh pháp cả một vấn đề, gặp chánh pháp là một lẽ, chúng ta có thể gặp Phật pháp nhưng gặp thầy để mà dạy được chánh pháp cho chúng ta là chúng ta phải nói là có duyên lành chúng ta mới gặp thầy được, nếu không gặp thầy thì đời này chúng ta không đắc chứng đạo quả được, qúi vị nên lưu ý chỗ đó. Trong kinh Đức Phật mới nói rằng “Này Ananda, toàn bộ phạm hạnh này, toàn bộ con đường tu tập này, toàn bộ sự tu tập này đều do nhờ thiện bạn hữu.” Danh từ gọi là thiện bạn hữu, thiện bạn hữu là trên chúng ta gọi là thầy, ngang chúng ta gọi là bạn, nhỏ hơn chúng ta có thể gọi là đệ tử hay là đàn em cũng được, thì trong số đó có thể nhỏ hơn chúng ta, có thể ngang hàng, có thể trên chúng ta mà người đó có thể nhắc nhở chúng ta được, hay người đó có thể chỉ dạy chúng ta được, người đó có thể hướng dẫn cho chúng ta tu tập được thì trong kinh chúng ta cũng có thấy rõ ràng như vậy. Nhiều khi ông sadi mà có thể dạy các Hoà Thượng đắc chứng đạo quả được, thì điều đó chúng ta muốn nói là thiện bạn hữu chúng ta có thể không phải là người thường, chẳng hạn như con công mà nó thuyết pháp cho ông thợ săn đắc chứng quả Alahán nó cũng có thể kể là thiện bạn hữu được. Tức là người có thể hướng dẫn cho chúng ta về thời pháp để chúng ta tu tập để giải thoát gọi là thiện bạn hữu. Thì đương nhiên nhờ thiện bạn hữu đó nắm rõ được chánh tạng, nắm được rõ chú giải. Nếu mà có chánh tạng mà không có chú giải thì chúng ta không hiểu được Phật pháp, và nếu mà có chú giải mà không có chánh tạng thì coi chừng chú giải ma.
Qúi vị nên nhớ điều này là chú giải phải phù hợp với chánh tạng, phải làm sao để hướng dẫn chúng ta đúng và nhờ vào chú giải chúng ta có thể tu tập đúng chú giải đó. Không thì chúng ta coi chánh tạng, chẳng hạn như có người nói 16 bước của hơi thở hay 16 giai đoạn của hơi thở, từ khi hơi thở vô dài ra dài, vô ngắn ra ngắn v.v… thì người ta dạy đệ tử tu cả 16 bước đó trong một thời khoá tu tập thì điều này sai lầm, 16 bước đó là 16 lớp, 16 giai đoạn tiến hóa, 16 giai đoạn qúi vị phải bước từ giai đoạn thứ nhất hơi thở dài, giai đoạn thứ hai hơi thở ngắn, giai đoạn thứ ba là phải biết được cả ba giai đoạn của hơi thở nghĩa là mũi tim rún ba chặng hơi thở biết rõ, có cảm giác toàn thân hơi thở, thở vô thở ra, rồi sau đó mới tới cái an tịnh của hơi thở, cũng giống như từ thân rồi bắt đầu qua thọ, qua tâm, qua pháp, là mỗi bước tiến, bởi vì đi được đủ 16 bước đó là qúi vị sẽ có hơn 200 trí, trí cả phàm lẫn cả thánh, trí cả thiền chỉ lẫn thiền quán, sau này chúng tôi sẽ cung ứng trí đó cho qúi vị coi Đức Phật dạy hơn hai trăm hai mươi mấy trí như thế nào trong đề mục nhập tứ xuất niệm thôi, tức là 16 bước của hơi thở. Thì qúi vị thấy rõ ràng là người ta dạy cũng căn cứ vào trong kinh Tứ Niệm Xứ Đức Phật nói các vị Tỳ Kheo khi thở ra dài biết thở ra dài, khi thở vô ngắn biết thở vô ngắn, khi thở ra ngắn biết thở ra ngắn, người ta căn cứ dạy một lần niệm lần 16 đề mục, 16 bước hơi thở thì qúi vị thấy rõ ràng chánh tạng mà không có chú giải là không hiểu được, vì chú giải mới giải tại sao bước thứ nhất phải tu tập làm sao, bước thứ hai làm sao, bước thứ ba làm sao, bước thứ tư, thứ năm tiến hóa của hơi thở làm sao. Có thể có một người tu đi rẹt một cái đi nhiều, có thể đi tuần tự, mà có người phải đi từng bước từng bước giống như học xong lớp một thì phải lên lớp hai, xong lớp hai thì lên lớp ba, 16 lớp như vậy, đó là chúng tôi nói cái quan trọng là như vậy. Bốn là hành đúng ý chân, chánh tạng chú giải khỏi phân sai lầm
5) Năm là nơi chỗ vừa tâm
Hành đạo thích hợp trọn trăm đủ đầy.
Pháp thứ năm rất quan trọng, là trong quá khứ thứ nhất qúi vị có phước bố thí balamật rất nhiều, nhờ phước bố thí đó qúi vị đi đâu cũng có được vật thực thích hợp để cho qúi vị tu tập, và nhờ phước balamật có được thì đi tu tập ở đâu cũng được an vui không bị người quấy pháp, “năm là nơi chỗ vừa tâm hành đạo thích hợp trọn trăm đủ đầy.” Thì đây nói đơn giản về vật thực thôi, qúi vị thấy rõ nếu mà thiếu phước này qúi vị ở thành phố kiếm vật thực cũng không thích hợp chứ đừng nói lên rừng, còn người có balamật có phước này rồi lên rừng cũng có người này người nọ cúng dường những món thích hợp để ăn uống rồi tu. Có thể nói một cách khác hơn phước này hồi xưa của những người hộ giới, người ta hộ trì cho những người tu, nhất là những người tu thiền, người ta phải tìm hiểu người tu thiền này cần phải ăn cái gì uống cái gì cho thích hợp để tu tập, chứ không phải ăn cái gì ngon, hay ăn cái gì dở, mà phải coi món ăn đó thích hợp cho người tu như thế nào thì người ta lo cúng dường cho. Người Phật tử nếu có phước này mà đối với chư tăng chẳng hạn, bởi thường thường người ta cúng dường cho chư tăng, nếu được phước này sau này người ta trở thành chư tăng trở thành người tu sẽ có những người khác hộ độ, nghĩa là cho mình được như ý về vật thực.
Còn phước tâm từ là như thế nào? là trú xứ đó tuy là trú xứ đầy đủ vật thực, có thể là đầy đủ cho chúng ta sống, nhưng ở đó nghịch với bạn bè, còn nếu không nghịch bạn bè thì chung quanh quấy phá, bởi vì thiếu đức, thiếu từ balamật, thiếu đức này thì qủi thần cũng phá, loài người cũng phá, bởi vì oan trái nhiều quá thành ra loài người cũng phá, mà trong chùa cũng phá, mà ngoài đời nó cũng phá, ở đâu cũng phá hết, qúi vị muốn ngồi yên ngồi không được. Do đó “năm là nơi chỗ vừa tâm hành đạo thích hợp trọn trăm đủ đầy” thì trong đó hai pháp quan trọng nhất là “bố thí balamật” và “từ balamật” chúng ta phải đầy đủ nhiều thì chúng ta mới được có nơi chỗ đầy đủ vật thực và nơi chỗ yên vui, chúng ta tới đó là thầy yêu bạn mến, mọi người hoan hỉ thọ thức chúng ta, không ai ganh tỵ, không ai trì triết, không ai nói nặng nói nhẹ chúng ta, thì chúng ta mới yên vui và tu tập được.
6) Sáu là oái niệm không vây
Chẳng chi bận bịu đó đây chút nào.
Thì oái niệm này là Barilobha tức là những điều bận tâm, những điều bận lo gì? bận lo bịnh hoạn, bận lo đệ tử, bận lo nhà, bận lo cái này, bận lo cái kia, tâm chúng ta bị bận chỗ này thì chúng ta ngồi không thể tập trung tư tưởng để tu tập. Bận lo này sở dĩ chúng ta có nhiều, chúng ta không dứt khoát được là bởi xả balamật chúng ta còn kém quá chưa đủ sức thành thánh, bởi chuyện đời, chuyện bên ngoài chúng ta chưa xả được làm sao chúng ta từ bỏ thân ngũ uẩn chấp thủ của chúng ta được, chúng ta phải tập bỏ tài sản, bỏ vợ con, bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ này bỏ nọ bỏ cả người thân luôn, bỏ cha bỏ mẹ luôn nữa, rồi chúng ta mới bỏ cái thân chúng ta được. Chưa ly gia, chưa cắt ái, chưa bỏ những cái này được thì phải nói rằng chúng ta chưa thể giải thoát được. Nhưng điều này không có nghĩa là qúi vị bỏ theo kiểu là dứt bỏ nghĩa là không còn cái gì hết, nhưng trong giai đoạn tu tập qúi vị phải cắt hết, có những nhân duyên nào thì phải cắt hết đừng để nhân duyên đó phá việc tu tập. Nên chính vì trong giai đoạn tu tập của các hành giả phải tu tập cho đắc chứng đạo quả trước rồi nếu gọi là muốn về độ vợ độ con, hay độ cha độ mẹ, hay là giúp đỡ người nào thì đắc đạo quả xong rồi mới tính, chứ chưa đắc đạo quả thì chưa tính, phải lo thân mình trước. Do đó sáu là oái niệm không vây, chẳng chi bận bịu đó đây chút nào.
7) Bảy là đặng rảnh làm sao
Siêng tu chẳng có việc nào xen vô.
Thì nếu 10 balamật chúng ta đầy đủ hợp thời để nó trổ trong giai đoạn chúng ta đắc chứng đạo quả, sẽ khiến cho chúng ta có được thì giờ đầy đủ, không bị cái gì quấy phá chúng ta, chứ nếu không thì chúng ta không có thời giờ. Chẳng hạn như sáng chúng ta muốn tu tập rồi có công chuyện khởi lên chúng ta phải lo công chuyện đó. Trưa chúng ta muốn tu tập lại có công chuyện khởi lên chúng ta không tu tập. Chiều có công chuyện khởi lên v.v… Thì phải nói là ngay trong chùa thôi có thể nhiều khi mình tính hành thiền thì khách tăng ở phương xa tới, hay là ban ngày hữu sự nào đó tới, có nhiều việc tới quá chúng ta không còn thời gian để tu tập. Chúng ta cũng nhớ cái chuyện mà sadi Sukha, đơn cử một đơn giản nhỏ là nhiều khi phận sự hầu thầy cũng bị bận rộn, nhưng khi Sadi Sukha xin thầy cho con về con hành thiền, thì Ngài Xá Lợi Phất biết rằng duyên của người đệ tử mình đủ rồi
“Thôi ngươi cứ việc về đi.”
“Bạch Ngài nhưng bây giờ con thèm ăn cá chép Ngài đi kiếm giùm cho con món đó.”
“Thì được, ngươi thích ăn thứ đó ta đi kiếm cho, ngươi về cố gắng tu tập đi.”
Ngài cũng chìu, bởi vì ông thầy mà, nên nhớ ông thầy lo cho đệ tử như thế đó cũng đặc biệt lắm. Thì Ngài mới đi xin món đồ đó từ nơi vua rồi đem về, nhưng khi đem về cho thì lúc đó đệ tử đang hạ thủ công phu để chuẩn bị đắc chứng đạo quả, giai đoạn đắc chứng đạo quả rất quan trọng, cái thời đó mà qua rồi kiếm thời thứ hai khó lắm, trong kinh trong chú giải nói về kinh nghiệm đó, nên do đó mà Đức Phật thấy cái thời của sadi Sukha hội đủ để đắc chứng đạo quả trong thời này rồi, giống như thời này là thời rảnh chứ không chút nữa nó bận, thành ra Đức Phật mới nghĩ là nếu Ngài Xá Lợi Phất về thì sadi Sukha đang tu tập thì với phận sự hầu thầy phải đứng ra tiếp thầy, có nghĩa là tâm bị động rồi, hơn nữa không thể đắc chứng đạo quả nữa, nên Đức Phật mới ra ngoài trước cổng chùa đứng đó chờ để chận Ngài Xá Lợi Phất để vấn nạn và hỏi pháp đâu đó, xong rồi dứt thời pháp Đức Phật dùng tha tâm thông kiểm tra sadi Sukha biết là đã đắc chứng đạo quả rồi, thì Đức Phật mới nói “Thôi đem bát đồ ăn vào cho đệ tử ngươi đi.” Thì qúi vị thấy đây là giai đoạn quan trọng, khi chúng ta hành chúng ta nên nhớ thời điểm và chúng ta kiểm tra bảy nhân mà chúng ta có rồi, thời gian rảnh tới rồi, thì chúng ta phải miệt mài tu tập để làm sao đạt được kết quả thâm sâu, đặc biệt nhất, bởi vì hiện tại bây giờ qúi vị rảnh đến chùa có thể ngày mai có việc nhà khởi lên qúi vị bận, qúi vị lo về giải quyết không tu tập được, thành ra thời gian rảnh này tất cả những nhân duyên nào bên ngoài chúng ta cắt hết.
Không phải là ngẫu nhiên nhưng bang tổ chức đề nghị qúi vị nộp điện thoại, điện thoại là cái giây đời, nó rất là nặng nề, giựt qúy vị đủ các chuyện tâm qúi vị bận rộn lo, sự hành thiền qúi vị không có kết quả. Nếu chúng ta chuẩn bị 10 ngày vào đây tu tập, chuyện nhà nếu tài sản còn của ta thì vẫn là của ta, nếu ta còn sống thì ta sẽ về, còn nếu ta chết thì xong 10 ngày chúng ta chết cũng được, có thể trong 10 ngày này gia đình chúng ta mà có người chết đi nữa thì giả xử chúng ta ly gia cắt ái dứt bỏ đàng hoàng thì cái đó chúng ta không cần biết nữa, sau 10 ngày chúng ta về rồi tính, thì lúc đó chúng ta mới đạt được kết quả thâm sâu, nếu không có mà chúng ta bận rộn chỗ đó thì khó đắc chứng đạo quả.
Trong kinh cũng nhớ lại bà mẹ của bà Sona Kudikana, thì lúc bấy giờ bà về bà nghe rằng Đức Phật tán thán con bà con bà tụng kinh hay. Lúc bấy giờ gần sáng Ngài Sona Kudikana bắt đầu đi kiếm Đức Phật, Đức Phật mới kêu Ngài Ananda sắp cái giường vào trong phòng của Đức Phật để ngủ chung với Đức Phật. Rồi sáng sớm khoảng 4 giờ sáng thì bắt đầu tụng kinh. Tụng kinh như thời xưa không giống như chúng ta tụng kinh tức là ôn lại những bài kinh mà Đức Phật đã dạy học cho thuộc lòng để nằm lòng pháp của Đức Phật dạy.
Thì Đức Phật kêu : “này Sona Kudikana, ngươi ở trong chùa người học thuộc mấy bài kinh rồi.”
“Dạ con học thuộc bài Barayana.”
“Người tụng cho ta nghe coi.”

Tụng lên Đức Phật kêu sadhu lành thay, Đức Phật tán thán, thì chư thiên ở nhà của bà mẹ cũng “sadhu lành thay.” Bà mẹ nghe thì hỏi
“Tại sao tán thán ta, hồi nào tới giờ ta đi chùa bố thí cúng dường phước nhiều qúa có gì đâu mà khen.”
Chư thiên trả lời: “Tôi không khen bà, tôi khen con bà kìa, con bà tụng kinh hay qúa, giống như thuộc lòng, giống như thuyết pháp, đến Đức Phật còn tán thán con bà.”
Bà nghe mà hoan hỉ: “vậy khi nào con ta về chùa gần nhà ta sẽ đến nghe pháp.” Thì lúc bấy giờ nghe con bà về tới , tối đó bà làm xong công việc nhà, bà đến nghe pháp, khi đang nghe pháp có người nhà tới nói: “ăn cướp vô nhà bà, ăn cướp nó đang lấy đồ bà.” Bà trả lời: “ngươi hãy yên lặng để ta nghe pháp đừng có quấy nhiễu ta.”
Nghe pháp lúc đó tu bằng trí chứ không phải tu bằng thân giống như chúng ta vậy, nghe tới đâu thì dùng trí tu đến đó. Do đó suy nghĩ là nếu cái đó còn của ta thì vẫn là của ta thôi. Trong khi đó chúa đảng cho đệ tử đàn em chui vào nhà ăn cắp để nó canh bà đi ra khỏi nhà thì nó vô đột nhập uy hiếp người nhà bởi có lẽ nó cũng sợ uy lực của bà phước của bà, nên nó biết bà tiếc của mà về thì nó núp ở ngoài chánh điện chờ sẵn bà bước ra ngoài là nó lụi bà vài dao chết liền, bà không có thể nào về tới nhà. Bà thấy rõ ràng chỗ này Đức Phật Ngài nói là “Pháp hằng hộ trì người thực hành pháp” tức là chúng ta tu tự nhiên có phước của chúng ta nó chuyển. Thì bà nghe nói vậy bà không có cần tài sản. Thằng ăn cướp đó nó nghe nó cũng sợ bà này luôn. Quả thật bà chú tâm nghe trong khi con bà thuyết pháp dứt rồi thì bà đắc chứng đạo quả Tu Đà Hườn, thì bắt đầu bà mới đi về. Thằng ăn cướp thấy bà là người tu, lấy của người tu thì coi như là tàn mạt mà chết nên nó hoảng hồn hoảng vía, bà bước ra nó qùi sám hối xin lỗi bà, rồi bắt đầu nó mới kêu người em dọn đồ trả lại như cũ. Thì chuyện đó có lẽ là ít nhiều qúi vị nghe rồi.
Chúng tôi nói cho cái điều thứ bảy rất là quan trọng. Bảy là đặng rảnh làm sao siêng tu chẳng có việc nào xen vô. Thì ngoài cái oái niệm thì qúi vị cắt hết trơn đi không còn bận rộn cái gì trong tâm của qúi vị. Có thể nói là phát nguyện trong 10 ngày này nếu không đắc được cái gì, nghĩa là trong thời gian này không cho ai phá quấy ta trong 10 ngày này để ta tu tập, nhất định phải đắc được cái gì trong 10 ngày này, đắc thiền cũng được đắc đạo quả cũng được, thì tùy theo qúi vị quyết định, quyết định được thì nghĩa là sao? Ngài mai chúng tôi lại nói tiếp 5 điều để qúi vị coi được bảy điều chúng ta kiểm tra mà có rồi, ngày mai chúng ta nói năm điều này quyết trí trong đời hiện tại đắc chứng đạo quả được. Thời pháp đến đây cũng phải lẽ, nói về những điều kiện để đắc chứng đạo quả bằng thời pháp đầu tiên là “bảy nhân đắc đạo hiện đời”, thời pháp đến đây cũng vừa phải lẽ, chúng tôi trước khi dứt lời chúng tôi xin hồi hướng phước lành đến tất cả chư thiên, nhất là chư thiên hộ pháp Đức Trời Đế Thích …..
(từ http://thienviennguyenthuy.wordpress.com)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét