Phát hiện thế giới bị mất tích

Các nhà khoa học vừa phát hiện một vùng đất có niên đại cách đây 56 triệu năm ở bắc Đại Tây Dương, từ dữ liệu do các tập đoàn dầu mỏ cung cấp.

Chôn sâu trong lớp trầm tích nơi đáy biển của Đại Tây Dương là một thế giới bí ẩn có nguồn gốc xa xưa, với những rãnh cắt do sông suối và những chóp nhọn từng thuộc về các đỉnh núi cao. "Nó giống như bản đồ của một quốc gia trên cạn”, chuyên gia Nicky White nhận xét, chỉ khác là được bảo quản ở độ sâu 2 km dưới đáy biển.
Phát hiện thế giới bị mất tích
Vùng đất mới được phát hiện khiến người ta liên tưởng đến lục địa huyền thoại Atlantis -
Ảnh: iasos.com
Cho đến lúc này, dữ liệu cho thấy đó là một khu vực rộng khoảng 10.000 km2 nằm về phía tây các đảo Orkney-Shetland, và phần nổi của nó trồi lên mặt nước biển đến gần 1 km. Ông White và đồng sự nghi ngờ rằng đây là một phần của khu vực lớn hơn đã sáp nhập với nơi hiện giờ là Scotland, thậm chí có thể kéo dài đến Na Uy.
Phát hiện trên được rút ra từ những dữ liệu do công ty đo đạc địa chấn thu thập được qua phương pháp hồi âm chùm hiện đại. Không khí nén thoát khỏi các ống xy-lanh kim loại, tạo nên sóng âm di chuyển thẳng đến thềm đại dương và xuyên qua các lớp bùn trầm tích. Mỗi lần sóng âm chạm phải một sự thay đổi nào đó về phần vật chất, như từ bùn sang cát, tiếng dội sẽ nảy trở về nguồn phát âm. Các thiết bị trên tàu sẽ ghi nhận những tiếng vang này và vẽ nên hình ảnh 3 chiều về đáy biển, chuyên gia White của Đại học Cambridge giải thích.
Đội ngũ nhà khoa học, do Ross Hartley dẫn đầu, đã phát hiện được một lớp gồ ghề dày đến 2 km bên dưới thềm lục địa, chứng cứ cho thấy có một quang cảnh đang bị vùi sâu bên dưới, khiến người ta liên tưởng đến huyền thoại về lục địa mất tích Atlantis. Các nhà nghiên cứu tìm được 8 con sông chính, cũng như các mẫu phấn hoa và than đá, dấu hiệu cho thấy từng có sự sống ở khu vực trên. Tuy nhiên trên hết, họ thu thập được chứng cứ về một môi trường sinh vật biển, có cả các hóa thạch nhỏ. Điều này cho thấy vùng đất từng nằm trên mặt biển rồi bị chìm xuống nước trong vòng 2,5 triệu năm. Đứng về góc độ chuyên gia, chuyện thay đổi như vậy là nhanh một cách đáng ngạc nhiên.

Theo TNO (Nature Geoscience)


 

Phát hiện mới về người tiền sử 

Con người bắt đầu đi bằng hai chân sớm hơn rất nhiều so với chúng ta nghĩ trước đây, theo một nghiên cứu khoa học mới được công bố.
Cho đến hiện tại, chúng ta vẫn tin rằng con người bắt đầu biết đi thẳng người bằng hai chân cách đây khoảng 1,9 triệu năm. Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học, đứng đầu bởi tiến sĩ Robin Crompton thuộc trường đại học Liverpool (Anh), đã phát hiện thấy những dấu chân người có niên đại cách đây khoảng 3,7 triệu năm.
Phát hiện mới về người tiền sử
Chủng người Australopithecus afarensis được cho là đã có thể đi thẳng bằng hai chân cách đây 3,7 triệu năm.
Ảnh: Getty Images
Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 11 dấu chân in trên đá ở Laetoli, Tanzania. Những dấu chân này có đặc điểm giống với dấu chân của người hiện đại khi đứng thẳng, hơn là dấu chân của các các loài linh trưởng khác như tinh tinh, đười ươi và khỉ đột.
Các dấu chân vừa phát hiện được cho là của loài Australopithecus afarensis – một chủng người thời tiền sử có thể là tổ tiên trực tiếp của người hiện đại ngày nay. Các nhà khoa học đã so sánh các phân tích dấu chân với những số liệu nghiên cứu dấu chân của người hiện đại và khỉ.
Tờ Daily Mail dẫn lời tiến sĩ Robin Crompton, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Các nghiên cứu trước đây cho rằng, chủng người Australopithecus chỉ có thể đi lom khom. Tuy nhiên, những dấu chân được phát hiện ở Laetoli hé lộ, chủng người này đã có thể đi thẳng người trên hai chân giống như loài người ngày nay”.
Trong những nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học chỉ phát hiện những dấu chân đơn lẻ. Điều này khiến các nhà khoa học rất khó xác định đây có phải là dấu chân thật hay là được chạm khắc.

Theo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét