Nơi đầu tiên chọn tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) làm mục tiêu phát triển Bhutan, nóc nhà của thế giới, có diện tích 47.000km 2 với khoảng 690.000 dân, nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Trước Công nguyên, nơi đây từng xảy ra nhiều cuộc tranh chấp giữa các phe phái và các cuộc chống ngoại xâm, nhưng kể từ năm 1907, Bhutan đã thực sự trở thành vương quốc thống nhất độc lập thuần Phật giáo.
Năm 1970, cựu vương Jigme Singye Wangchuck đưa ra khái niệm Tổng hạnh phúc quốc gia GNH (Gross National Happiness) thay cho khái niệm Tổng sản phẩm quốc nội GDP (Gross Domestic Product); lấy sự “hài lòng của người dân” khi hoạch định chính sách phát triển kinh tế - văn hóa. Chẳng hạn dù có ưu thế về du lịch, chỉ cần mở rộng đường sá, dịch vụ vui chơi nghỉ dưỡng thì có thể thu về bộn tiền... nhưng Nhà nước cho rằng làm thế sẽ tổn hại môi trường, mất đi đời sống thanh bình, nếp sống văn hóa bản địa nên hạn chế ở mức vừa đủ.
Cách tính GNH khá phức tạp gồm 4 nền tảng căn bản: kinh tế - văn hóa - môi trường - sự quản lý; 9 phương diện: trạng thái khỏe mạnh về tinh thần, môi sinh, sức khỏe, giáo dục, văn hóa, chất lượng sống, thời gian sử dụng, sức mạnh cộng đồng và quản lý; với 72 tiêu chí, chẳng hạn trạng thái khỏe mạnh về tinh thần bao gồm các tiêu chí: tần số thực hiện cầu kinh, thiền định, sự xuất hiện cảm giác ích kỷ, ghen tị, từ bi, khoan dung độ lượng, đau khổ thất vọng và cả ý định tự tử. Theo đó, chỉ số GNH khá toàn diện, mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo.
Kinh tế chủ yếu của Bhutan là lâm nghiệp, chăn nuôi, cây trồng chiếm 50% GDP, phần còn lại xuất khẩu thủy điện, du lịch... Cho dù không công nghiệp hóa bằng mọi giá song tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh 8% (2005), 14% (2006); GDP đầu người 1.321 USD, thuộc loại cao ở Nam Á. Người Bhutan cũng nỗ lực cải tiến triết lý chủ đạo đó thành một môn khoa học chính trị để các nước noi theo. Không ít các chính khách, chuyên gia lên tiếng cần học hỏi Bhutan. Là một quốc gia không lớn, không đông dân, thuần Phật giáo, khá biệt lập với bên ngoài... là những điều kiện khá đặc biệt và hầu như chưa có quốc gia nào hội đủ các điều kiện như Bhutan để tạo ra một cách phát triển, quản lý xã hội độc đáo như họ.
Bản đồ đánh giá HPI của các quốc gia trên thế giới.
Chỉ số hành tinh hạnh phúc HPI nói lên điều gì? Hạnh phúc là giá trị nhân sinh quan trọng bậc nhất trong đời sống. Hạnh phúc thực sự hiện hữu; con người có thể tìm kiếm, trải nghiệm; vừa mang yếu tố chủ quan (cảm nhận của con người...), vừa có yếu tố khách quan (cơ sở tạo nên sự cảm nhận). Mỗi con người, mỗi quốc gia đều mải miết khám phá và mong muốn có hạnh phúc! Từ năm 1861, khoa học lấy hạnh phúc làm đối tượng nghiên cứu “The Science of Happiness” đã hình thành, song phải đến những thập niên gần đây mới trở thành một môn khoa học độc lập. Trong đó, người ta cho rằng giá trị hạnh phúc có thể đo đếm được bằng các môn khoa học tự nhiên và xã hội. Theo hướng đó, một tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội phi chính phủ NEF (New Economics Foundation), đưa ra chỉ số hành tinh hạnh phúc HPI, và 3 năm một lần công bố HPI của mọi quốc gia. HPI có 3 tiêu chí: Mức độ hài lòng cuộc sống (Life Satisfaction = LS); Tuổi thọ trung bình (Life Expectancy = LE) và Dấu chân sinh thái (Ecological Footfrint = EF ) tức tình trạng khai thác tài nguyên phục vụ cho cuộc sống. Theo đó, chỉ số HPI có phần khác với chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia GNH (của Bhutan) trong HPI yếu tố bảo vệ môi trường (EF) được nhấn mạnh hơn.
Công thức tính HPI: HPI = (LS xLE) : EF
LS có tiêu chí chung là vật chất đầy đủ, tinh thần thoải mái (bao gồm cả vấn đề dân chủ, công bằng xã hội), chăm sóc về y tế, giáo dục, an ninh tốt, cũng có nghĩa Nhà nước cần có chính sách kinh tế và an sinh xã hội hợp lý làm người dân đồng tình. Tuy nhiên có người đầy đủ vật chất đến mức nào cũng không vừa, có người lại chỉ yêu cầu không túng thiếu là được; có quốc gia chăm chú nâng cao GDP đến mấy cũng thấy còn thấp nhưng có quốc gia không thuần túy dựa vào GDP. Để có chỉ tiêu này, NEF thường điều tra qua các cuộc phỏng vấn.
Nhưng kết quả phỏng vấn cũng không hẳn nói lên đầy đủ nguyện vọng. Chẳng hạn: 100% người Philippines làm người giúp việc tại Hồng Kông hài lòng với cuộc sống (không lạ, vì ở Philippines chỉ được 100USD/tháng còn ở Hồng Kông tới 700USD/tháng!). Song cũng 100% số người này ao ước có cuộc sống như người giàu có ở Hồng Kông; trong khi chỉ có 50% người giàu có tại Hồng Kông hài lòng với cuộc sống của mình.
LE phản ánh thực trạng đời sống tinh thần, vật chất, sự chăm sóc về y tế, môi trường sinh thái, an ninh... Chỉ số EF nêu lên tình trạng khai thác tài nguyên phục vụ cho cuộc sống.
Trong công thức tính trên, EF ở mẫu số, nên khi EF càng cao thì HPI thấp. Bởi vậy, năm 2006, ở Vanuatu - một quốc đảo nằm biệt lập ở giữa Nam Thái Bình Dương có khí hậu tuyệt vời, gồm nhiều bộ tộc sống hòa thuận, ít chấp nhận các phương tiện hiện đại, có ý thức bảo tồn nếp sống địa phương, bộ tộc bản địa còn sống hoang sơ, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp du lịch, GDP trung bình chỉ 1.300USD được xếp đầu bảng, kế đó là các nước đang phát triển như Colombia, Costarica, Guatemala... trong khi các nước dẫn đầu về kinh tế thế giới như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức… thì ở hạng gần cuối (81-150) trên tổng số 178 quốc gia.
Giá trị của HPI là khuyến cáo cho mọi quốc gia: cần phát triển kinh tế bền vững song song với việc quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội. Chính vì thế ngày 27/10/2009 tại Busan (Hàn Quốc), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (CECD) đã tổ chức diễn đàn thế giới lần thứ ba với sự tham dự của hơn 100 nước với trên 2.000 người tham gia nhằm thảo luận cách thức đánh giá chỉ số hạnh phúc con người thay vì đánh giá thuần túy theo GDP.
Lời kết
Đến thời điểm này, chưa thể thay GDP bằng HPI. Bởi vì, theo các chuyên gia Australia: Mỗi nền văn hóa sẽ trả lời khác nhau về câu hỏi “Thế nào hạnh phúc?”. Với cách tính HPI hiện nay thì không thể đem chỉ số HPI của nước này so với nước khác; cần cải tiến cách tính theo hướng đầy đủ hơn, phổ cập hơn, có tính đến yếu tố văn hóa quốc gia.
Quốc gia nào cũng có ý thức điều chỉnh HPI, nhưng chưa có quốc gia nào dám từ bỏ sự phát triển nhanh, thậm chí phát triển nóng. Các nước phát triển vẫn không đưa ra được mức giảm hiệu ứng nhà kính, vì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP, dù rất biết tác hại của chúng đến biến đổi khí hậu do công nghiệp hóa gây ra. Để HPI đi vào cuộc sống cần phải có thời gian điều chỉnh nhận thức, điều chỉnh chính sách. Người làm công tác y tế có vai trò khá quan trọng trong việc nâng cao HPI. Hiểu HPI cũng là hiểu thêm về trách nhiệm của mình.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét