Tấm lòng của vị Sư già (Nguyễn Văn Học)



Suốt những năm tháng niên thiếu và tu hành, Hòa thượng Thích Từ Giang đã phải chứng kiến nhiều cảnh tật bệnh hoành hành khiến những người nghèo khổ chẳng những đau đớn về thể xác mà tinh thần cũng trở nên bấn loạn, chán nản. Khi trụ trì chùa Linh Quang Tịnh Xá, có điều kiện, lão hòa thượng đã mở “nhà thương” ngay tại chùa để những người nghèo bệnh tật thập phương có thể đến khám chữa.
Thương cảm những mảnh đời bất hạnh
Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống yêu nước ở quận 4, TP. Hồ Chí Minh, ngay từ nhỏ, vị hòa thượng nhân từ đã chứng kiến cảnh loạn ly, cướp bóc. Thời niên thiếu của ông gắn liền với thời kỳ chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Là người thông minh, hiếu học, sau khi tốt nghiệp tú tài, ông thi đậu vào trường y với tâm nguyện chữa bệnh tật, thương tích cho người dân lao động nghèo và bộ đội ngay tại Sài Gòn lúc bấy giờ. Và cũng chính những tình cảnh đau lòng của người dân trong cuộc chiến tranh đã khiến ông nghĩ đến chuyện đi tu. Hòa thượng Thích Từ Giang tâm sự:
“Vào năm 1963, trong một lần đi thăm khám ở bệnh viện, tôi đã nhìn thấy những đau đớn của người bệnh có nguyên nhân sâu xa từ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, tôi đã xuất gia với mong muốn lấy tấm lòng, cầu phước cho mọi người nhờ đức Phật...”.
Suốt từ khi sống đời tu hành, theo hầu Hòa thượng Thích Thiện Tấn (Viện chủ chùa Bửu Lâm, Vũng Tàu) và Tôn sư Thích Phổ Ứng (Viện chủ Linh Quang Tịnh Xá, quận 4, TP. Hồ Chí Minh), ông luôn lấy tấm lòng nhân ái, phổ độ chúng sinh. Đến năm 1983, ông chính thức nhận trách nhiệm trụ trì Linh Quang Tịnh Xá. Nhiều năm khổ hạnh, gần gũi với nhân dân lao động nghèo và thấu hiểu tình cảnh khốn khó của họ, ông quyết tâm vừa tu thân vừa làm từ thiện. Trước hết, phải kể đến chuyện ông mở lớp nuôi dạy trẻ tật nguyền từ thiện. Theo Hòa thượng Thích Từ Giang, cơ duyên ngày đó là khoảng năm 1988, ông gặp một người phụ nữ dáng hình khắc khổ, bế đứa con tật nguyền, suy dinh dưỡng. Ông liền lại gần và hỏi han tình hình. Người phụ nữ đó liền chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống của mình với nhà sư, trong đó có chuyện khó chăm nuôi con và có lần đã mang gửi con để đi làm, nhưng được mấy ngày người ta trả lại không nhận nữa. Nhà sư liền nghĩ ngay đến chuyện mở lớp nuôi dạy trẻ khuyết tật từ thiện, giúp những người có con tật nguyền có được chỗ gửi con. Sau đó, Hòa thượng đề xuất với chính quyền địa phương quận 4, xin mở một cơ sở nuôi dạy trẻ miễn phí.
Khám bệnh từ thiện trong chùa.
Ngày đó, quận 4 vẫn là vùng đất nghèo, đời sống của người dân lao động rất khó khăn. Với lời đề xuất của sư trụ trì, chính quyền đồng ý ngay và được nhân dân ủng hộ nhiệt tình. Từ một nhà trẻ cũ, đổ nát do chính quyền cấp, sau nhiều ngày đóng góp sức lao động của các đệ tử, phật tử, Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật đã ra đời. Vào tháng 10/1989, ngôi trường đặc biệt này được khánh thành, với mô hình hoạt động bán trú, từ 7 giờ đến 17 giờ hằng ngày. Lúc nào trung tâm cũng có khoảng 90 em nhỏ, từ 4 tuổi trở lên, mỗi em đều mắc những chứng bệnh khác nhau, từ Down, câm điếc, liệt chi, tâm thần... Không chỉ học chữ, các em còn được vui chơi, ăn uống, tập dưỡng sinh, phục hồi chức năng, học nghề để có thể hòa nhập với cộng đồng. Vị sư già tiết lộ, ở đây các em được tập dưỡng sinh, nhiều em câm có thể nói được.

Cảm phục trước tấm lòng thầm lặng của vị trụ trì, nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đã tìm đến ủng hộ trung tâm, thậm chí có đôi vợ chồng người Mỹ năm nào cũng đến Việt Nam, làm ông già Noel tặng quà các em nhỏ. “Để dạy dỗ, chữa bệnh được cho các em thì trước hết tôi phải hiểu về thuốc, tâm lý và nhu cầu của từng em. Vì thế mới có cách điều trị, giúp cho các em tiến bộ không chỉ về thể xác mà cả trí não nữa”, Hòa thượng Thích Từ Giang chia sẻ.
Trong cuộc đời tu hành, nhà sư lại gặp rất nhiều người mắc các bệnh vô hình, đó là bệnh tâm lý; nhiều người nghèo mắc bệnh mà không có tiền đi khám chữa. Ông lại nghĩ ngay đến chuyện tìm cách chữa trị cho họ. Thế là, một “nhà thương” ra đời ở chính trong Linh Quang Tịnh Xá. Từ 19 năm qua, nhà thương đặc biệt này là điểm đến của không chỉ bà con nghèo tại thành phố, mà người dân ở các tỉnh khác như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu... cũng tìm đến, vừa đi lễ chùa, vừa được khám bệnh, cấp thuốc và ăn cơm miễn phí. Ngoài ra, nhiều người mắc bệnh trầm cảm, không muốn sống hoặc do những mâu thuẫn trong cuộc sống, chán đời, khi đến với Linh Quang Tịnh Xá, gặp Hòa thượng Thích Từ Giang, được ngài khuyên giải, động viên đã tìm được lẽ phải và được tiếp thêm nghị lực sống, trở nên dũng cảm, mạnh mẽ hơn.

“Điểm đến” của các nhà hảo tâm

Để nhà chùa là “điểm đến” của nhiều nhà hảo tâm, đóng góp tiền của để phòng khám hoạt động và làm nhiều việc thiện khác, vị sư già phải “tay năm tay mười” vun vén, tạo mối quan hệ với các tổ chức từ thiện, tạo niềm tin cho những nhà hảo tâm để họ cũng vì cộng đồng người nghèo khổ mà nhường cơm, sẻ áo, tài trợ thuốc men và kinh phí. Nhờ thế mà phòng khám bệnh, phát thuốc miễn phí (cả Đông và Tây y) của Linh Quang Tịnh Xá có thể phối hợp với Hội Chữ thập đỏ quận 4 thực hiện nhiều đợt cứu trợ đồng bào bị thiên tai bão lụt, thăm trại dưỡng lão người già neo đơn, thăm các em ở trại cai nghiện, khám bệnh phát thuốc miễn phí tại quận 4 và nhiều nơi vùng sâu, vùng xa khác. Ngay cả hơn 10 bác sĩ, y tá thay ca nhau làm việc tại đây cũng là làm từ thiện. Hầu hết, họ là những bác sĩ hiện vẫn đang công tác tại các bệnh viện, nhưng cố gắng sắp xếp công việc gia đình để có điều kiện chung tay cùng chùa làm việc thiện. Mỗi bệnh nhân đến với phòng khám đều được cấp sổ khám bệnh. Lương y sẽ bắt mạch, chẩn bệnh, sau đó tùy theo từng loại bệnh mà bốc thuốc hoặc đưa ra hướng điều trị. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dù không thuộc diện nghèo cũng tìm đến để xin được chữa trị tại Tịnh Xá. Có những bệnh nhân sau khi khỏi bệnh đã tình nguyện vào “bệnh viện” làm từ thiện. Bác sĩ Tạ Thị Xuân, làm việc ở một bệnh viện tại quận 1 cho biết: “Mỗi ngày có khoảng 300 bệnh nhân từ nhiều vùng đến khám, lấy thuốc. Bệnh nhân chủ yếu là người nghèo, không có tiền mà nếu không đến khám ở đây họ cũng chẳng dám đến bệnh viện. Nhiều “mạnh thường quân” đã tài trợ thuốc men, chia sẻ những khó khăn với họ và bệnh nhân ngày càng đông. Đó là nhờ tấm lòng của sư trụ trì chùa”.


Mọi người trật tự chờ đến lượt được khám bệnh.

Cũng với cái tâm làm từ thiện, bác sĩ Nguyễn Ngọc Châu chia sẻ: “Xác định đây là việc làm từ thiện nên chúng tôi đem hết khả năng của mình để khám chữa cho bà con, bệnh phức tạp thì chúng tôi hướng dẫn đến bệnh viện. Ở đây, bác sĩ nào cũng tận tình, chu đáo”.

Chưa nguôi day dứt


Hòa thượng Thích Từ Giang năm nay đã gần 70 tuổi, dù sức khỏe yếu, từng phải thay thận, nhưng ông vẫn một lòng hướng về người nghèo với nhiều chuyến làm từ thiện mỗi năm. Với đôi chân khất sĩ, ông cùng các đệ tử kiên trì đi khắp ba miền của đất nước để xây cầu, phát gạo, quà bánh, khám chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào bị bão lũ. Linh Quang Tịnh Xá dưới sự dẫn dắt của ông đã trở thành ngôi chùa được nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước biết đến bởi bề dày công đức. Mơ ước cuối đời của ông là có thể lập ra một viện dưỡng lão, chăm sóc cho những người già neo đơn, không nơi nương tựa. Nhà sư tiết lộ rằng, một mạnh thường quân đã giúp cho phần đất ở huyện Củ Chi, chỉ cần có thêm kinh phí, báo cáo chính quyền thành phố là có thể tiến hành xây dựng.

Để có được “nhà thương” nơi cửa Phật, là nhờ tấm lòng nhân hậu, tận tụy của vị sư già và sự đóng góp nhiệt tình của tập thể các bác sĩ “không công” nơi đây. Ước sao ngày càng nhiều “nhà thương” có mô hình như thế được lập ra, giúp thêm cho nhiều phận nghèo trong dòng chảy xôn xao của cuộc đời.
Theo:  Sức khỏe và Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét