Trong khi lòng ganh ghét nuôi dưỡng tính vị kỷ
Một hôm cái đầu và đuôi con rắn cãi nhau về vấn đề ai sẽ đóng vai trò dẫn đạo. Ðuôi nói với đầu rắn: “Bạn luôn luôn hướng dẫn tôi như vậy không tốt. Ðôi lúc bạn nên để tôi hướng dẫn bạn”.
Ðầu rắn trả lời: “Không có chuyện đó, vì theo luật tự nhiên, tôi phải đóng vai trò lãnh đạo. Bạn không thể thay tôi được”.
Cuộc gây gổ kéo dài nhiều ngày sau đó cho đến một hôm vì quá tức giận, đuôi rắn quấn chặt vào một thân cây. Ðầu rắn không thể bò đi được và quyết định để mặc cho cái đuôi nhúc nhích theo đường hướng riêng của nó. Nhưng bất hạnh thay vì cái đuôi không thể thấy biết nó phải bò đi đâu, nên con rắn rơi vào hầm lửa và bị chết cháy.
Một số người không bao giờ thỏa mãn với những tài sản của mình đã có và ganh ghét với những kẻ giàu sang hơn họ. Những kẻ có ý tưởng ganh tị cảm thấy không hạnh phúc với mọi điều họ đang có. Ngay cả trước mặt mọi người họ hoạt động thành công, nhưng họ vẫn không bằng lòng và cảm thấy buồn khổ vì nghĩ rằng nhiều người khác làm việc có kết quả hơn họ.
Vậy muốn được lợi ích họ nên hướng ý tưởng của họ vào nội tâm và suy tính đến những phước đức gì họ đã thực hiện được hơn là tạo ra những ý nghĩ tị hiềm.
Nguyên nhân của tính ganh ghét
Nguyên nhân chính của tính ganh ghét là lòng vị kỷ. Con người khi có tính ích kỷ và luôn nghĩ đến mình, y chỉ biết sống cho y và nhìn mọi kẻ khác như đối thủ lợi hại. Y ganh ghét sự thành công và tham muốn tài sản của họ.
Y không thể tha thứ cho hạnh phúc và tị hiềm về các thành quả của họ. Cuối cùng y hoàn toàn trở nên phần tử nguy hiểm không thích giao tiếp với xã hội và tạo ra nhiều khó khăn. Những khó khăn có thể đến từ nhiều nguyên nhân.
Nhiều sự khó khăn phát xuất từ sự thân quen của chúng ta. Một con chó đi chơi thăm cảnh đồng quê. Vài ngày sau nó trở về, bạn bè hỏi nó anh có gặp trở ngại gì trong chuyến đi không. Chó bảo rằng nó gặp nhiều người và thú vật trên đường đi. Nhưng tất cả không ai gây phiền hà gì và mặc để cho nó đi theo con đường riêng của nó.
Chó nói: “Duy nhất mọi khó khăn mà tôi phải đối phó đều phát xuất từ những con chó giống tôi. Chúng không để tôi yên thân. Chúng sủa, rượt đuổi và cố gắng chạy theo cắn tôi”. Tương tự như vậy, một người khi thành công, những kẻ xa lạ thường không quan tâm gì đến y. Nhưng không may nếu y có quen biết vài người bạn hay bà con, những kẻ đó sẽ ganh ghét về thành quả của y. Họ sẽ đặt chuyện, và ngay cả tạo nên những trở ngại cho y. Gặp hoàn cảnh như vậy, y cần phải cố gắng nhẫn nhục. Và có thể hữu ích nếu y nhớ rằng người ta dễ dàng tiếp xúc với những kẻ xa lạ hơn là những người thân quen với y.
Tính vị kỷ phát sinh từ ý tưởng sai lầm và thiếu sáng suốt không nhận chân được thực tại của cuộc sống. Nó là loại tình cảm rất tai hại, được xây dựng trên lòng tham dục và gây nên nhiều khổ đau, phiền não bất tận. Cần phải áp dụng các phương pháp chân chính và ngăn ngừa để có thể chế ngự những tình cảm không tốt đó.
Ðiều thiện được xây dựng trên sức mạnh của tư tưởng và nó có khả năng thu hút điều thiện. Chúng ta gặt hái kết quả theo đúng những ý tưởng chúng ta đã gieo.
Sự khổ đau và hạnh phúc của chúng ta là hậu quả trực tiếp của những ý tưởng lành hay ác của chúng ta theo định luật hấp dẫn mà nó được phổ biến ứng dụng trên mọi lãnh vực hoạt động. Nếu người nào không may có một kẻ thù, điều tệ hại nhất mà y có thể gây ra cho chính y, không phải với người thù, là để cho lòng oán giận xâm nhập vào tâm hồn và khiến sự hận thù trở thành bệnh kinh niên.
Tất cả chúng ta đều là những người bạn khổ đau và sống theo một định luật chung. Sự chọn lựa trong việc làm lành hay tạo ác đều tùy thuộc ở chúng ta. Cho nên, nếu bạn không muốn thấy hoặc nghe những thành quả tốt đẹp của kẻ khác, bạn cần phải suy nghĩ lại về cái nhìn của mình.
Sự hiểu biết tâm của bạn
Khi xem xét và khảo sát những tư tưởng xấu nơi mình, hành giả sẽ nhận thấy rằng không ai khác ngoài chính y có khả năng và điều kiện tạo nên sự an lạc và quân bình trong tâm của mình. Khi so sánh họ với kẻ khác, họ sẽ gây ra đau khổ cho chính họ với ý nghĩ rằng họ kém thua hoặc người khác thành công hơn họ. Tính ganh ghét không mang lại lợi ích gì cho ai mà nó thường là nguồn gốc của những mối bất hòa trên thế giới.
Chúng ta nên nhận thức rằng những tính xấu như tị hiềm, oán giận và ác ý khiến cho tâm lành của chúng ta không phát triển được. Chúng ta cần phải tu tập để bằng mọi giá, diệt trừ hết những ảnh hưởng xấu ấy nơi chúng ta. Sự ganh ghét sẽ không mang lại điều chúng ta mong ước mà nó còn hướng dẫn chúng ta vào con đường mù quáng của oán thù, bất an; cơ thể bệnh hoạn và khổ đau tinh thần.
Chúng ta nên thận trọng đối với những tư tưởng bất thiện. Khi trong tâm dấy khởi lên một ý niệm xấu, chúng ta nên tìm cách thay thế nó bằng một ý niệm tốt. Ðiều này đòi hỏi chúng ta cần tĩnh thức để biết những ý tưởng hiện đến và diệt đi nơi tâm chúng ta. Qua tiến trình dần dần của sự tự giác, chúng ta có thể kiểm soát và loại trừ những ý tưởng xấu trước khi chúng có thể xâm nhập vào chúng ta.
Vần đề diệt trừ tính ganh ghét
Khi chúng ta nhận biết về tai hại của tính ganh ghét chúng ta có thể dành hết thì giờ và năng lực vào sự luyện tập hữu ích các ý tưởng lành như lòng tốt giúp đỡ và yêu thương. Chúng ta nên nghĩ rằng chúng ta chẳng mất mát gì cả khi có những kẻ khác phát đạt. Chúng ta cần tu tập đức tánh khiêm tốn, diệt trừ lòng tham vị kỷ và phát triển tánh hoan hỷ, thân ái trước hạnh phúc của mọi kẻ khác.
Con người có được những ý tưởng tốt như vậy sẽ là một phước lành cho chính họ và đối với toàn thế giới. Chúng ta nên khuyến khích sự thực hiện tình thương trước đau khổ của kẻ khác và cùng lúc diệt trừ những ý tưởng tham lam ích kỷ. Con người chỉ có cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc khi họ chế ngự được lòng vị kỷ cùng phát triển được ý nghĩ tốt, sự thông cảm và tình thương.
Ðức Phật khuyên dạy các đệ tử của Ngài nên có tâm hỷ xả và từ bi khi thấy người khác hạnh phúc, và đó là đức tính tốt để diệt trừ lòng ganh ghét. Họ nên có thái độ hoan hỷ bằng cách vui mừng khi thấy kẻ khác phát đạt và thành công. Chúng ta dễ dàng có hành động tốt với những người thân quen khi thấy họ giàu sang và thịnh vượng, nhưng rất khó làm như vậy đối trước những kẻ thù của chúng ta. Lúc ấy, các bạn nên nghĩ rằng: “Phải chăng chúng ta không ưa thích sự phát đạt và thành công? Chúng ta không muốn được hưởng an lạc và hạnh phúc? Vậy điều gì chúng ta muốn thành đạt cho chúng ta, tại sao lại không muốn người khác có được sự an lành, giàu sang, thành công và hạnh phúc ấy?”
Duy trì được ý tưởng tinh thần như vậy có thể giúp con người thoát khỏi nhiều khổ đau, cũng như giúp họ tránh không bị rơi vào sự hủy diệt, nhất là khi hành động ác ý và hiểm độc ấy được phát triển bởi những tư tưởng ganh ghét.
Trái lại, chúng ta nên kiên nhẫn với những người có tâm ganh ghét về sự thành công của chúng ta. Hành động chống đối của họ đôi khi phát sinh là do bởi chúng ta không biết xử sự nhã nhặn. Bạn nên tế nhị đừng bao giờ phô trương sự thành công của mình trước những kẻ hoạt động mà không có kết quả. Vào lúc đạt được thắng lợi, chúng ta nên nghĩ nhớ lại những thất bại quá khứ hầu giúp chúng ta thấu rõ hơn tâm trạng của những người hành động mà không đạt được thành quả như ý.
Khi gặp kẻ hành động chống đối chúng ta vì lòng ganh ghét, bạn phải biết kiềm chế không sanh lòng oán giận. Quý vị nên tự nhắc nhở rằng chúng ta như mọi người, là chủ nhân các nghiệp quả của chúng ta. Bạn nên suy nghĩ như thế này: “Tại sao ta lại giận người đó? Lòng sân hận sẽ không giải quyết được việc gì cả mà nó chỉ khiến cho vấn đề càng tồi tệ thêm. Tánh nóng giận chỉ mang lại cho ta sự khổ đau và đổ vở. Nếu đáp trả người ấy bằng sự căm hờn, ta sẽ tự làm hại mình như người cầm trong tay những thanh củi đang cháy đỏ đánh vào kẻ khác”.
Theo: Làm sao sống không sợ hãi và lo âu? (How to live without fear & worry )
Chuyển ngữ sang tiếng Việt: HT Thích Trí Chơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét