Đây là vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ. Có hai người A và B, chúng ta muốn bênh vực, bảo vệ A nên chúng ta nói dối với B, nhằm thuyết phục B tin những lời không thật của mình để đem lại sự an toàn cho A. Chúng ta nói dối B nhằm mục đích tránh tai hoạ cho A, điều đó có nghĩa là chúng ta có thể khởi lòng từ bi đối với A, nhưng ngay trong lúc chúng ta đang nói dối, chúng ta lại không có lòng từ bi đối với B.
Theo quan điểm của Phật giáo về nghiệp trắng và đen thì việc chúng ta làm như vậy sẽ dẫn đến kết quả trắng và đen. Do việc nói dối có nên làm hay không trong một hoàn cảnh như vậy hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta.
Trong luật nghiệp báo không có cái tình trạng gọi là bù đắp.Tốc lực tâm sanh khởi rất nhanh. Trước khi nói chúng ta có thể vì người nào đó mà khởi tâm từ bi, nhưng xét cho cùng, tâm từ bi đó có đúng là xuất phát từ lòng từ bi chân thật không hay đó chỉ là một dạng tâm tham ái vì lòng từ bi của chúng ta xuất phát từ một tình thương vị kỷ, chúng ta không muốn cho người đó bị hại không phải vì lẽ công bằng mà vì tình thương ích kỷ của chúng ta mà chúng ta muốn bảo vệ người ấy. Như vậy nói dối ở đây là một bất thiện pháp. Giả sử cho dẫu chúng ta muốn bảo vệ người này vì lòng từ bi, thực sự lộ trình tâm khởi đầu là tâm từ bi nhưng khi thốt lên lời nói dối, rõ ràng ở đây lại là trạng thái tâm bất thiện, bởi vì tâm bất thiện mới tạo ra sự nói dối, như vậy lộ trình tâm trước là lộ trình tâm thuộc đổng lực thiện và lộ trình tâm sau (khi đang thực hiện lời nóí dối) là đổng lực bất thiện.
Đức Phật dạy rằng:
“Cetana'ham bhikkhave kamman vadami”,
“Này chư Tỳ kheo, ta nói sự cố ý hành động gọi là nghiệp”.
Trước đó cetana thuộc về thiện thì đó là nghiệp thiện, còn lời nói do lộ trình tâm sau thuộc về tâm bất thiện thì đương nhiên là quả của sự bất thiện.
Là một người trí, chúng ta phải có sự cân nhắc đắn đo trước khi nói. Nếu một người chúng ta phải nói dối thì thứ nhất chúng ta đã phá vỡ Giới của mình, thứ hai chúng ta đã tạo nên khẩu ác hạnh thuộc về lời nói dối hay thuộc về tà ngữ. Vì người khác, mà chúng ta đã đánh mất lợi ích của chính mình, điều đó đối với người trí , xét cho cùng, là một việc không nên làm.
Trường hợp này, trong kinh Pháp cú, Đức Phật đã dạy rằng:
“ Chớ vì lợi ích của người khác mà quên đi phần lợi ích cho mình”.
Trong Phật ngôn này , chúng ta hiểu chữ lợi ích tức là lợi ích thuộc về Thiện pháp chứ không phải là lợi lộc. Điều này có nghĩa là chúng ta không so đo tính toán cái nào có lợi nhiều cho mình mới làm, còn cái nào có lợi nhiều cho người khác mà không đem lợi lộc cho mình thì không làm. Ở đây Đức Phật khuyên chúng ta hãy giữ gìn thiện pháp, nếu vì người khác mà chúng ta làm những ác pháp, điều đó sẽ gây bất lợi cho chính mình. Vì vậy, đừng vì lợi ích cho người khác mà nói dối vì chúng ta sẽ đánh mất những thiện pháp của chính bản thân mình.
Đối với một người có trí tuệ, khi cảm thấy lời nói chân thật của mình có hại cho nguời khác thì người đó sẽ im lặng để tìm phương cách này hay phương cách khác.
Có một câu chuyện để minh họa cho điều này:
Một vị Tỳ kheo nọ đang đi kinh hành trong khu rừng, bất chợt có một tên trộm từ trong làng chạy ngang qua chỗ vị Tỳ kheo, rồi biến dạng vào một ngã rẽ trong rừng.
Vị Tỳ kheo lanh trí suy nghĩ rằng: Dân làng đang đuổi theo tên cướp, khi họ đuổi đến đây chắn chắn họ sẽ hỏi ta có thấy tên trộm ấy không? Nếu ta nói không thấy thì không được vì đó là nói dối, còn nếu ta nói tên trộm chạy vào ngã rẽ kia thì việc ta nói thật sẽ làm khổ một chúng sanh
Do vậy Ngài không đi kinh hành nữa và lập tức ngồi xuống một gốc cây giữ yên lặng .
Quả thật chẳng bao lâu sau dân làng rượt đuổi tên trộm đến đến bìa rừng, tại đây họ bị mất dấu, thấy vị Tỳ kheo ngồi dưới gốc cây nên hỏi rằng,
-“ Ngài ngồi đây có thấy người nào chạy qua không?”
Vị tỳ kheo mới đáp rằng,
-“ Tôi ngồi đây nãy giờ không thấy ngưòi nào chạy ngang qua”
Rồi Ngài im lặng, nhắm mắt hướng vào đề mục. Dân làng thấy vậy không hỏi vị Tỳ kheo nữa mà bỏ đi.
Phân tích trường hợp này, chúng ta thấy khi dân làng hỏi về tên trộm, vị Tỳ kheo nói thật cũng không được, mà nói dối cho dầu cho để cứu tên trộm thì cũng không xong. Vì vậy ngài phải thay đổi oai nghi. Để làm gì? Để tránh cho ngài khỏi phạm giới nói dối, vì khi thay đổi oai nghi, vị tỳ kheo có thể nói thật là từ lúc ngài ngồi cho đến lúc dân làng hỏi ngài có thấy ai chạy ngang qua không, thì ngài có thể trả lời là không thấy ai cả. Và đây là sự thật; bởi vì vị Tỳ kheo chỉ thấy tên ăn trộm trong lúc ngài đang đi kinh hành qua lại mà thôi. Đây là một biên pháp vạn bất đắc dĩ phải áp dụng để tránh gây đau khổ cho người khác.
Trong cuộc sống , đôi lúc có những tình huống khó xử xảy ra, đòi hỏi chúng ta phải có trí tuệ, có sự khôn ngoan để xử sự một cách khéo léo nhằm giữ được thiện pháp của chính mình và đồng thời không gây tổn hại cho chúng sanh khác. Tuy nhiên cái gì cũng tương đối, đôi khi có trường hợp chúng ta không thể tránh né, trong trường hợp này, tuỳ chúng ta lựa chọn. Nếu vì cứu chúng sanh khác mà cần nói dối, và nếu tâm từ bi mạnh hơn, lúc bấy giờ một người sẵn sàng phạm giới nói dối để cứu chúng sanh. Tuy nhiên, nếu là một vị Bồ-tát tu tập Thiện pháp chân thật Ba-la-mật thì cho dù sự thật nói ra dầu có hại đến bản thân mình, Ngài cũng sẽ không nói dối. Đó là sự hy sinh để giữ giới.
Tóm lại nói dối để tránh họa cho người khác, theo tinh thần Phật giáo, trường hợp như vậy, được gọi là một loại nghiệp có cả nghiệp trắng lẫn nghiệp đen nên sau này quả dị thục cũng sẽ có trắng có đen. Vì vậy nói dối trong trường hợp này tuỳ vào sự quyết định lựa chọn của chúng ta
Chuyển biên: Chánh Hạnh
Biên tập: Panna Dipa Tuệ Đăng
Nguồn: Chùa Bửu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét