Nghệ thuật ăn theo tinh thần Phật giáo (Phra Paisal Visalo)



Trở về sau chuyến viếng thăm một ngôi chùa ở đông bắc Thái Lan, một phụ nữ phương Tây bảo các bạn của bà đừng bao giờ đến đó vì các nhà sư ở đó không thích nhau. Bà nói, “ Khi họ ăn, họ chẳng bao giờ nói chuyện với nhau, một từ cũng không. Làm sao chúng ta có thể đặt niềm tin của chúng ta vào những con người như vậy được?”
Dĩ nhiên, người phụ nữ này đã không hiểu sự tu tập của các nhà sư Phật giáo trong khi ăn; các nhà sư ăn trong sự im lặng vì đối với họ ăn cũng là một phần của việc tu tập chánh niệm.

Ở phương Tây, ăn có thể được xem như là thời gian để mọi người chuyện trò giao tế với nhau, nhưng theo tập tục của Phật giáo, tập tục này không phải chỉ dành cho giới tu sĩ, ăn cũng là một phần của việc tu tập chánh niệm.
Hầu hết chúng ta nghĩ rằng ăn chỉ là một hoạt động của thân. Thực ra, ăn có sự ảnh hưởng về mặt tâm linh đối với chúng ta. Không phải chỉ có thức ăn, mà cách thức chúng ta ăn cũng rất quan trọng. Nhiều người thích nói chuyện trong khi ăn. Một số người khác đắm chìm trong sự lo lắng thay vì phải chánh niệm trên những gì họ đang làm. Ngoài việc ăn khó tiêu, những người này còn dễ bị căng thẳng dẫn đến chứng loét tá tràng. Cách thức ăn uống này cũng nuôi dưỡng một cái tâm luôn xao động, không thể có được chút định tĩnh.
Nhưng nếu chúng ta ăn đúng cách, không những chỉ thân mà tâm của chúng ta cũng được nuôi dưỡng. Đừng quên rằng tâm của chúng ta cũng cần thức ăn. Thức ăn của tâm là gì? Trước hết, đó là sự an tịnh. Tâm chúng ta cần được nghĩ ngơi đôi chút trong khi ăn vì nó đã suy nghĩ, tính toán, làm việc suốt ngày. Vì vậy, hãy ăn trong sự thanh thản, đừng suy nghĩ gì cả vì rồi sau đó chúng ta lại phải tập trung vào công việc ngay thôi. Nếu chúng ta ăn trong chánh niệm, chúng ta sẽ khám phá ra rằng vị giác của chúng ta sẽ trở nên sắc bén hơn. Nếu tâm của chúng ta phóng đi lang thang, hãy đưa nó về với việc chúng ta đang ăn. Đây là những gì mà chúng ta gọi là chánh niệm trong khi ăn. Kết quả của việc tu tập này là chúng ta có được sự an bình và định tĩnh. Chúng ta sẽ thấy tâm định này rất hữu ích trong các sinh hoạt khác của chúng ta.
Ngoài sự an tịnh, tâm cần trí tuệ và sự tỉnh giác. Phật giáo cũng xe thời gian ăn uống như là khoảng thời gian để chúng ta qua đó có thể nhận biết sự khác biệt giữa các giá trị thật và giả. Giá trị thật của thức ăn là để duy trì và nuôi dưỡng thân thể và cuộc sống của chúng ta. Giá trị giả của thức ăn là tình trạng dính mắc vào một số thức ăn nào đó. Nếu chúng ta bị dính mắc vào mùi vị và sự trang trí đẹp đẽ của các món ăn, nếu chúng ta thường xuyên tìm kiếm những hàng quán được nhiều người ưa chuộng hoặc nổi tiếng, tham ái sẽ dần dần tăng trưởng trong tâm của chúng ta cùng với mức cholesterol ở trong máu của chúng ta. Đó là lý do tại sao trong truyền thống Phật giáo đúng nghĩa, chúng ta được khuyên phải thường xuyên tự nhắc nhỡ chúng ta về sự tham ái đối với thức ăn bằng cách đọc bài Patisangkayo trước khi ăn. Mục đích là để giúp chúng ta hiểu rõ rằng chúng ta nên ăn thức ăn với giá trị thật của nó và đừng để cho các ham muốn làm chủ chúng ta.
Thế hệ ngày nay có thể cảm thấy bài cầu nguyện này đã quá lỗi thời, chỉ phù hợp cho giới tu sĩ. Nhưng nếu chúng ta áp dụng sự tinh túy của nó hầu giúp chúng ta nhận thức rõ mục đích của việc ăn uống trước khi chúng ta bắt đầu bữa ăn, chúng ta sẽ có thể nuôi dưỡng tâm của chúng ta bằng trí tuệ.
Có một nhận thức cực kỳ quan trọng khác là cuộc sống của chúng ta bị lệ thuộc vào quá nhiều thứ. Thời gian để ăn là thời gian tốt để suy niệm về sự thực này. Thực phẩm mà chúng ta ăn đến từ sự lao động của quá nhiều người có liên quan. Thực phẩm là sản phẩm của sự đóng của nhiều cuộc đời. Chúng sẽ không có mặt nếu không có sự hiện hữu của các nguồn sống như đất, luồng nước, rừng, mây và bầu trời… Vì vậy, khi chúng ta ăn, chúng ta nợ rất nhiều người và rất nhiều cuộc đời. Do đó, chúng ta tối thiểu cũng nên bày tỏ lòng biết ơn với họ và hồi hướng phước báu hay rải tâm từ đến họ. Đây là lý do tại sao các nhà sư, trong tình thần biết ơn, sau bữa ăn luôn đọc bài hồi hướng (anumodhana). Cũng trong tinh thần này, các nhà Sư cũng thực hiện nghi lễ kruad nam ( đổ nước để hồi hướng phước báu hay bày tỏ lòng biết ơn đến mọi chúng sinh) mỗi sáng và mỗi tối. Quan trọng hơn nữa, sự nhận thức rằng chúng ta sống và mang nợ người khác giúp chúng ta sống một cuộc sống có ý nghĩa để xứng đáng với những hy sinh của nhiều người và nhiều thứ - những thứ mà nhờ chúng, chúng ta mới có thể tồn tại.
Ý thức này chắc chắn không phải chỉ là là vấn đề dành cho các tăng lữ. Nó cũng hết sức quan trọng đối với mỗi một chúng ta. Thời gian ăn là thời gian để chúng ta suy ngẫm để thấy cuộc sống của chúng ta liên hệ với cuộc sống của những chúng sanh khác ra sao, như vậy chúng ta mới có thể nhìn sự vật một cách đúng đắn- theo thực tại. Cách nhìn này giúp chúng ta biết sống một cuộc sống với lòng tận tụy. Phật giáo xem cách nhìn này là một loại trí tuệ.
Cuộc sống không phải chia ra thành những mảnh rời. Khi chúng ta ăn, chúng ta không nên chỉ biết nuôi dưỡng tấm thân của chúng ta. Chúng ta cần phải dưỡng nuôi tâm của chúng ta bằng cách ăn trong chánh niệm để vun bồi trí tuệ trong trái tim của chúng ta. Việc này có thể làm bằng cách thường xuyên tự nhắc nhỡ mình phải nhìn thấy giá trị thật của thực phẩm, đừng để cho chúng ta chìm đắm trong những giá trị không thật của chúng, đồng thời chúng ta cũng phải tự nhắc nhỡ chính mình rằng chúng ta sống mang nợ người khác – nhờ đó mà chúng ta có thể sống một cuộc sống có ý nghĩa.
Cuối cùng, ăn –theo quan điểm của Phật giáo – không chỉ liên quan tới lĩnh vật thân và tâm mà thôi. Sinh hoạt ăn uống còn không thể tách rời khỏi đời sống xã hội. Chúng ta phải luôn ý thức rằng những gì chúng ta ăn và cách thức chúng ta ăn ảnh hưởng đến người khác và các loài khác trên hành tinh này. Nhiều loại thức ăn và sản phẩm được sản xuất từ các quy trình sản xuất làm hại môi trường, bóc lột sức lao động của người nghèo và hành hạ động vật. Nếu chúng ta ăn và tiêu thụ theo truyền thống Phật giáo đúng nghĩa, chúng ta phải tránh tất cả các loại thực phẩm và sản phẩm như vậy. Nếu không, hành động của chúng ta đồng nghĩa với việc hổ trợ cho việc khai thác, bóc lột đó tiếp tục diễn ra.
Thân, tâm và xã hội có mối liên quan với nhau. Chúng trở nên là một trong hầu hết mọi sinh hoạt trong đời sống của chúng ta. Việc ăn của chúng ta vì vậy không còn đơn thuần là vấn đề đưa thực phẩm vào trong dạ dày. Nó là một hành động nhằm phát triển tâm của chúng ta và xã hội của chúng ta.
Theo: The Art of Eating - Buddhist Way
Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Supañña

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét