Bản đồ hành trình tâm linh (Sách) Giới thiệu và Mục lục
Bản đồ hành trình tâm linh- Chương 1: Chuẩn bị tâm
Bản đồ hành trình tâm linh - Chương 2 - Các kỹ năng và hiểu biết cơ bản
Bản đồ hành trình tâm linh - Chương 3 - Con đường bước vào thiền Vipassana
Bản đồ hành trình tâm linh - Chương 4 - Tiếp Cận Tuệ Giác Thứ Nhất
Bản đồ hành trình tâm linh - Chương 5: Tuệ giác thứ nhất và thứ hai: Hay biết tâm và đối tượng; Phân biệt nhân duyên
Bản đồ hành trình tâm linh - Chương 6: Tuệ tri vô thường, khổ và vô ngã bằng kinh nghiệm trực tiếp
Bản đồ hành trình tâm linh - Chương 7 - Tuệ thứ tư : Kinh nghiệm sự sanh diệt của các hiện tượng. Phân biệt đạo và phi đạo.
Bản đồ hành trình tâm linh - Chương 8 Từ Tuệ Diệt đến Tuệ Giản trạch.
Bản đồ hành trình tâm linh (Chương 9)
Bản đồ hành trình tâm linh - Chương 10: Niết bàn và sau đó
Bản đồ hành trình tâm linh - Chương 11: Những suy nghĩ cuối cùng và chuẩn bị cho kỳ nhập thất
Thực ra lúc này hay lúc khác, các bạn đã từng làm điều này, đã từng rèn luyện những phẩm chất tinh thần và tâm linh của mình. Bởi vì hôm nay là ngày đầu tiên của chúng ta, nên sẽ được dành riêng cho phần giới thiệu.Trước khi thực sự bắt tay vào hành thiền, chúng ta cần phải chuẩn bị cho chính mình. Mỗi khi muốn làm bất cứ điều gì, chúng ta đều phải chuẩn bị trước; điều này rất quan trọng. Đó là điều tôi đã học được từ lâu trước đây, và tôi cũng dạy điều đó cho các bạn bè và học trò của tôi: hãy chuẩn bị cho chính mình. Nếu bạn thực thực sự chuẩn bị cho những điều mình sắp làm, thì mọi việc sẽ trở nên tự nhiên và dễ dàng một cách đáng ngạc nhiên. Cũng như một người nông dân hay một người làm vườn muốn trồng hoa hay gieo cấy, đầu tiên người ấy phải chuẩn bị, phải làm đất. Nếu không làm đất mà đã gieo hạt thì sẽ chỉ có một số hạt nẩy mầm, nhưng cũng không thể ra trái và rồi cũng sớm héo hon và chết dần. Chúng không ăn sâu bén rễ bởi vì không có đủ phân bón, không đủ nước và dinh dưỡng nuôi cây.
Cũng vậy, một người muốn tu tập rèn luyện những phẩm chất tâm linh của mình cũng phải làm như thế. Cả hai việc đó đều có nhiều nét tương đồng. Chắc các bạn đã biết nghĩa của từ bhavana chứ? Một trong những nghĩa của nó là sự tu tập, trau dồi. Nghĩa đen của bhavana là làm cho cái gì đó phát triển, lớn mạnh. Gốc của bhavana là bhu, nghĩa là nuôi dưỡng, tăng trưởng. Khi trồng một loại cây nào đó, bạn phải có hạt giống hay một nhánh của cây để ươm trồng. Như vậy là bạn đã có một cái gì đó để trồng. Nếu không có giống thì chẳng thể trồng nên cây. Chỉ có giống thôi thì cũng chưa đủ, bạn phải làm đất, nhổ sạch cỏ và phát quang mảnh đất đã. Đó cũng là điều chúng ta cần phải làm trong cuộc sống. Cỏ thường mọc lan tràn rất tự nhiên. Hãy nhìn sâu vào cuộc sống của chúng ta, nhìn sâu vào cách sống của mình và tìm xem có những loại cỏ nào đang mọc trong đó. Một số loại cỏ đã có từ rất lâu, đã ăn sâu bén rễ vững chắc, cần phải một thời gian dài mới có thể nhổ bật gốc chúng lên được. Các thói hư tật xấu cũng vậy, uống rượu, dùng chất say… Nhổ cỏ làm dọn sạch sỏi đá là việc rất quan trọng.
Nếu bạn thực sự thích làm điều gì thì đừng mặc cả. Rất nhiều người hỏi tôi: Phải mất bao nhiêu thời gian ngồi thiền thì mới có định (samadhi), phải hành thiền bao lâu mới đạt đến Niết bàn? Làm sao có thể nói bao lâu được. Nếu bạn thực sự thích làm một việc gì đó, bạn sẽ thấy hạnh phúc vì mình đang làm điều đó; niềm vui và hạnh phúc này sẽ đem lại cho bạn rất nhiều nghị lực. Xin đừng mặc cả! Con người ta thường thích bỏ ra thật ít và thu vào càng nhiều càng tốt. Tôi nghĩ đây không phải là một thái độ chân chánh, đặc biệt là trong thiền tập. Trong các lĩnh vực khác của đời sống cũng vậy. Trong các mối quan hệ chẳng hạn, nếu bạn chỉ muốn cho thật ít và nhận thật nhiều thì rốt cuộc bạn sẽ chẳng nhận được tí gì cả.
Bạn sẽ nhận lại nhiều như đã cho ra, đó là một chân lý.
Cho ít, sẽ nhận được ít; nếu cho tất cả, bạn sẽ nhận được rất nhiều. Khi hành thiền, bạn hãy nhìn sâu vào trong tâm mình, tại sao mình làm việc đó? Mình có thực sự thích làm điều đó không? Khi làm bất cứ một việc gì, bạn cũng cần phải có một sự hy sinh nào đấy. bạn cần phải từ bỏ một thứ gì đó trong cuộc đời. Cũng như khi bạn tới tham dự khoá thiền này, bạn đã phải từ bỏ một cái gì đó.
Bản chất con người chúng ta, về cơ bản là hướng về tâm linh, ở bên trong mỗi người đều có những đức tính tốt đẹp như tâm từ ái. Lòng bi mẫn, chánh niệm và sự bình an của tâm hồn. Chúng ta đã có sẵn những hạt giống đó và mong muốn chúng nẩy mầm, lớn mạnh. Con người thật là phức tạp, một mặt vẫn muốn thụ hưởng dục lạc, nhưng mặt khác lại cũng chẳng muốn gì cả. Chúng ta muốn từ bỏ!
Khi học trò đã sẵn sàng thì vị thầy sẽ xuất hiện. Tôi đã được nghe câu này ở đâu đó và rất thích nó. Tôi thấy nó rất đúng.
Hãy nhìn nhận thật sâu sắc, nhiều người trong số chúng ta ở đây đã không còn trẻ trung gì nữa. Chúng ta đã làm rất nhiều việc trong đời và đều thấy rằng chẳng có gì là mãn nguyện cả. Chúng ta chưa bao giờ tìm thấy bất cứ thứ gì, dù là tài sản hay vui thú, có thể đem lại sự thoả mãn lâu dài cho mình cả. Thực sự, chúng ta vẫn đang tìm kiếm một điều gì đó khác hơn nữa. Khi đã thực sự sẵn sàng để đón nhận, cái chúng ta cần sẽ đến. Hãy tự hỏi mình rằng: “Mình đã thực sự sẵn sàng để đón nhận nó hay chưa?”
Trước khi hành thiền, có một số việc chúng ta cần phải xem xét để chuẩn bị tâm lý. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta bị xáo động bởi bao nhiêu thứ việc trên đời. Để chuẩn bị tâm thích hợp với thiền tập, một trong những việc cần làm là suy xét về cái chết. Cuộc đời ngắn lắm, rất nhanh rồi chúng ta sẽ đi qua cuộc đời, hãy nghĩ đến tuổi tác của chúng ta ở đây, chỉ còn lại đôi chút thời gian nữa là đã xong một đời người. Nếu có chánh niệm, tỉnh giác trước giờ lâm chung, chúng ta có thể nghĩ xem mình đã làm được những gì trong cuộc đời này. Có cái gì trong đời chúng ta thấy thực sự mãn nguyện không? Tôi đã từng mấy lần ở bên cạnh cái chết. Có lần, tôi bị sốt rét rất nặng trong nhiều tháng trời, hồi đó tôi còn sống trong rừng và thuốc men thì rất thiếu thốn. Tôi không thể ăn uống gì, người yếu lả và chuẩn bị chết. Bạn bè đứng đầy xung quanh và nói với nhau: “Anh ấy đã bất tỉnh nhân sự, hôn mê rồi”. Tôi vẫn có thể nghe nhưng không thể nhúc nhích gì được. Lúc đó, tôi nghĩ lại những việc mình đã làm trong đời và cảm thấy chưa làm được một việc gì thực sự mãn nguyện cả. Tôi đã có một bằng cấp, đã có một công việc, đã lập gia đình và đã từng làm nhiều việc khác. Xét về nhiều mặt, tôi đã thành đạt, nhưng tất cả những điều đó giờ đây chẳng có ý nghĩa gì nữa. Chỉ có một ý nghĩ duy nhất thoáng hiện trong tâm mà tôi thấy thật ý nghĩa, đó là việc tôi đã học thiền. Lúc đó tôi hướng tâm đến việc hành thiền và cảm thấy dù mình có chết bây giờ thì vẫn OK, nhưng tôi muốn mình phải chết trong chết trong chánh niệm, chết trong khi đang hành thiền. Đó là điều duy nhất mang lại cho tôi chút bình an trong tâm, là cái tôi có thể nương tựa. Tất cả mọi thứ khác không có mặt bên tôi trong giờ phút đó.
Để chuẩn bị tâm cho việc hành thiền, chúng ta cần suy nghĩ đến sự ngắn ngủi của kiếp sống con người. Dù ta có sống được bao lâu, thậm chí đến 100 năm đi nữa thì cũng chưa phải là dài. Nếu chúng ta nghĩ về cuộc đời của mình và so sánh với thời gian sinh tồn của trái đất này, thì nó cũng chỉ như phân nửa giây đồng hồ mà thôi. Hãy suy nghĩ về sự ngắn ngủi của cuộc đời và tự nhắc nhở rằng: Mình không có thời gian để mà phung phí đâu, thời gian thật quí báu và thời gian chính là cuộc sống. Nếu ta hỏi một người nào đó: “Này bạn, bạn có muốn sống lâu không?” Câu trả lời sẽ là: “Tất nhiên muốn sống lâu chứ!” Nếu được sống lâu bạn sẽ làm gì? Hầu hết chúng ta đều không có một câu trả lời rõ ràng, chúng ta thực sự cũng không biết mình muốn gì trong cuộc đời này nữa, chúng ta chỉ muốn được sống lâu. Điều này cho thấy sự bám víu của ta vào cuộc sống, nhưng ta lại không biết cách tận dụng tối đa cuộc sống. Nếu sống thực sự chánh niệm và biết cách sử dụng một cách hiệu quả nhất thời gian của mình, thì chúng ta có thể thành tựu được một điều gì đó
Chẳng hạn, có người phải làm năm năm mới xong, chúng ta chỉ cần một năm. Chúng ta có thể biến một năm của mình bằng năm năm của họ. Nếu chúng ta sống được 60 hoặc 70 năm và tận dụng được tối đa thời gian của mình thì cũng tương đương như được sống tới hai hoặc ba trăm năm vậy. Không biết bao nhiêu thời gian trong cuộc đời đã trôi qua vô ích, vì chúng ta sống quá thất niệm, quên mình.
Nếu chúng ta hiểu được rằng cuộc đời thật ngắn ngủi, thời gian thật đáng quý, nếu chúng ta có hiểu biết về Pháp, thời gian sẽ còn trở nên đáng quý hơn nhiều.
Đừng do dự nữa, hãy làm ngay những gì cần làm hôm nay, chúng ta không thể biết mình có còn sống đến ngày mai nữa hay không. Ngay hôm nay, ngay bây giờ, làm ngay những việc cần làm, và cố gắng hoàn thành nó.
Ajj’eva kiccam atappam. ~ MN iii 187
Một hành giả nhiệt tâm sẽ không hoang phí thời gian. Dù đang ở đâu, đang làm gì, đó cũng đều là lúc và là nơi để bạn hành thiền.
Chúng ta cần tưởng niệm ân đức Phật. Càng tìm hiểu nhiều về Đức Phật, ta lại càng hiểu thêm về những đức tính của Ngài, về sự thanh tịnh và trí tuệ của Ngài. Khi nghĩ về các ân đức của Đức Phật, tâm sẽ là phản ánh của đối tượng bạn đang suy nghĩ đến. Chẳng hạn khi ngĩ ngợi một chuyện không vui, thì tự nhiên ta cũng trở nên buồn bã. Sự an lạc hay buồn khổ trong tâm phụ thuộc vào đối tượng tâm đang hướng đến và cách chúng ta nhìn nhận đối tượng đó. Khi nghĩ đến người mình hằng thương yêu, thì ta cũng tăng trưởng được tâm từ ái, ta cũng cảm nhận được tình thương. Cũng vậy, khi niệm tưởng về Đức Phật, về sự giải thoát, trí tuệ, sự an bình và thanh tịnh của Ngài thì điều gì sẽ xảy ra trong tâm ta? Một phẩm chất tương tự như vậy sẽ nẩy mầm trong ta. Điều rất quan trọng là hãy tìm hiểu thật nhiều về Đức Phật. Khi nghĩ đến Ngài, chúng ta ngưỡng mộ các phẩm chất của Ngài và tự bản thân chúng ta cũng mong muốn có được những đức tính cao thượng như vậy. Điều đó làm cho tâm ta hướng tới các đức tính đó, chúng sẽ trở thành mục đích của ta, “tôi muốn được giải thoát, an lạc và trí tuệ”. Cho dù không thành Phật, thì chúng ta cũng rèn luyện cho mình những đức tính ấy đến một mức độ nào đó. Khi đã giác ngộ, xét về một mặt nào đó, ta sẽ cũng trở thành một vị Phật.
Khi chúng ta coi Đức Phật là thầy, thì sự thanh tịnh, trí tuệ và giải thoát của Ngài sẽ cho chúng ta một hướng đi, “Tôi đang đi về đâu? Đâu là mục đích của đời tôi?”
Bạn cũng nên suy tư về Phật Pháp, về những điều Đức Phật dạy. Khi đã hành thiền một thời gian, bạn sẽ chứng nghiệm được Sự Thực trong lời dạy của Đức Phật, bạn sẽ biết nó thực sự đúng. Bạn biết nó sẽ dẫn mình đến đâu. Phật Pháp không phải là thứ để chúng ta chỉ nghe và tin ngay lập tức, nó không phải là thứ đức tin mù quáng. Bạn có thể tự mình phát hiện ra điều đó; đó là một giáo lý thực tiễn, hãy suy nghĩ kỹ điều này. Học hỏi, nghiên cứu giáo lý và tập thiền, đó là những việc rất đáng làm. Đôi khi chúng ta cũng bị dao động: “ Mình có nên hành thiền không nhỉ hay là đi ra và làm một cái gì đó?” Nếu bạn thực sự hiểu được giá trị của thiền thì bạn sẽ dứt bỏ được mọi sự lôi kéo, dứt bỏ được những đam mê, vui thú, hưởng thụ và sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa cho thiền tập. Hãy thường xuyên suy nghĩ đến những lợi ích của thiền.
Một khi đã thực sự thấy được thiền tập đáng giá thế nào, bạn sẽ dành cả cuộc đời cho nó. Dành cho nó càng nhiều, bạn sẽ được càng nhiều. Hãy nhiệt tình làm điều đó với tất cả tâm hồn!
Đây là một điều cần phải có để thành công trong bất kỳ công việc gì bạn làm. Nếu toàn tâm toàn ý làm một việc gì đó, thì nhất định bạn sẽ thành công. Nếu bạn chỉ làm nửa vời, thì cũng chỉ được một thời gian, rồi vì không có tiến bộ, bạn sẽ nghĩ rằng mình đã mất công mất sức, mất bao nhiêu thời gian mà cũng chẳng đi đến đâu cả. Do đó, bạn trở nên chán nản. Nếu chỉ làm nửa vời, bạn sẽ không có đủ động lực để đạt được tiến bộ, và bởi không có chút tiến bộ nào cả nên bạn cũng không có lòng tin vào nó nữa.
Một điều khác cần phải có là sự thu thúc, tự chế. Tôi biết có một số người không thích nghe từ này lắm bởi họ nghĩ rằng thu thúc là đối lập với tự do. Điều đó không đúng. Nếu chúng ta cho rằng tự do là muốn làm gì thì làm, thì đó không phải là thứ tự do đích thực.
Tự do nghĩa là biết cái gì là hữu ích, cái gì là điều lợi ích đáng làm, biết cái gì là thiện, cái gì là bất thiện; chọn những điều thiện, những điều đúng đắn, tốt đẹp và làm hết mình.
Thu thúc có nhiều nghĩa, một trong các nghĩa đó là giữ giới. Tại sao ta phải giữ giới? Đối với người tại gia, giới có năm hoặc tám giới. Đối với chư tăng thì có 200 giới. Thời gian đầu, khi cố gắng giữ giới, chúng ta thường cảm thấy rất tù túng, bó buộc, hình như không còn chỗ cho mình xoay xở nữa. Chúng ta không thể làm bất cứ điều gì! Nếu tiếp tục rèn luyện tâm của mình như thế, sau một thời gian, chúng ta sẽ sống quen với nó. Khi đó, ta sẽ không phải cố giữ giới nữa, bởi thật ra, giới hạnh đã trở thành bản chất của ta và ta sẽ cảm thấy rất tự do.
Nếu chúng ta không giữ giới thì điều gì sẽ xảy ra? Nếu chúng ta cứ sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu, sử dụng chất gây nghiện thì sao? Điều gì sẽ xảy ra với người đó?
Khi một người không giữ giới, người đó không có lòng tự trọng.
Một cách tự nhiên, từ sâu thẳm trong tâm, chúng ta luôn biết cái gì là đúng đắn, đáng làm và cái gì là không đúng đắn, không chân chánh. Chúng ta đầu hàng trước sự cám dỗ, chúng ta đầu hàng trước lòng tham, sân hận và các thú vui dục lạc khác. Khi ta không tự chế ngự, thu thúc bản thân, chúng ta thường xuyên làm những việc không chân chánh. Chúng ta tự hại mình và hại người. Khi làm hại người là chúng ta đã tự làm hại mình bởi vì không có cách nào làm hại người mà không làm hại chính bản thân mình cả. Điều đó là không thể. Tôi nhận ra được điều này, thậm chí ở ngay những việc làm rất nhỏ nhặt. Một lần, trong chùa, trời mưa rất to và ngoài cửa cốc tôi ở có một tấm thảm chùi chân và có một chú chó nhỏ thường nằm ở đó (tôi gọi là chú cún (he), bởi vì đối với tôi, chó cũng giống như con người, chúng có tâm thức và cũng nhạy cảm). Bởi vì trời mưa nên nó cũng muốn kiếm một chỗ khô ráo như tôi. Khi trời mưa tôi muốn ở một chỗ khô ráo bởi vì tôi không muốn bị ướt. Con cún này thường tìm đến cốc của tôi và nằm trên tấm thảm đó, mỗi khi muốn ra ngoài, tôi không tài nào mở được cửa vì nó cứ nằm ì ngay ở đó, đôi khi nó làm tôi phát bực. Tôi nghĩ: “Mình phải dạy cho con chó này một bài học để lần sau nó không đến nằm ở đây nữa.” Bạn biết tôi làm gì không? Tôi múc một xô nước, mở cửa ra và sẽ dội ào vào nó, định bụng sẽ dạy cho nó một bài học rằng nếu lần sau còn tiếp tục mò đến nằm ở đây nữa thì mày sẽ ướt như thế này đấy. Khi đang làm điều đó, chợt chánh niệm quay trở về và tôi đã bắt được quả tang cái tâm của mình: “Mình đang làm gì thế này nhỉ?” Tôi thấy mình đang cảm nhận một nỗi đau đớn trong tâm. Tôi có cảm giác rằng mình không phải là một con người tốt đẹp, từ bi gì cả, tôi thật quả là tàn nhẫn. Cảm giác đó làm tôi bị tổn thương sâu sắc, thật là đau lòng khi bản thân mình lại là một con người nhẫn tâm, không phải là một con người đầy lòng từ ái và bi mẫn nữa. Khi bắt gặp được chính mình đang tìm cách hại chú cún nhỏ bé ấy, song dù có bị ướt, nó cũng không thực sự bị tổn thương, cái làm tôi tổn thương nhiều nhất là tôi đã đánh mất sự bình an, tĩnh lặng và lòng tự trọng của chính mình.
Điều này còn tệ hại hơn. Trong những dịp khác, tôi lại nhận diện được rõ hơn những điều này. Có lúc, tôi cũng chẳng cố ý hại ai, bất cứ một ai cả, chẳng hạn khi một số người lại chơi, tôi cảm thấy không thích lắm và không muốn mất thời giờ với họ. Người này cứ đến lại lần này, lần nữa, còn tôi chẳng có thì lại chẳng có chút thì giờ rỗi rãi nào dành riêng để tiếp ông ta cả, vì vậy tôi cũng chẳng ra tiếp nữa. Khi nhìn lại vào tâm mình, tôi mới thấy rằng thực ra nếu muốn, mình vẫn có thể dành cho ông ta một chút thời gian nào đó, nhưng tôi cảm thấy trong lòng thật lạnh nhạt, không có sự thương yêu, không tốt bụng và cũng chẳng nồng nhiệt gì. Khi quan sát được điều đó, tôi cảm thấy thật đau lòng. Quay mặt làm ngơ đối với một con người thật là một việc làm đau đớn. Không chào đón tiếp nhận, không cảm thấy có lòng nhân hậu và yêu thương được người ta, điều đó sao mà đau lòng đến thế. Khi làm một điều như vậy là chúng ta đã đánh mất đi lòng tự trọng của chính mình, điều đó thật là đau đớn và tệ bạc biết bao. Đúng là trong một số trường hợp, chúng ta cũng phải đặt ra một giới hạn nào đó, nhưng khi làm điều đó, chúng ta cần làm với sự hiểu biết, với lòng nhân hậu và đừng nên lạnh nhạt với người.
Không tuân giữ ngũ giới là chúng ta đã làm hại người khác và hại cả chính mình. Những điều giới này không phải do ai áp đặt. Nó là điều hết sức tự nhiên.
Từ trong sâu thẳm trong tâm, chúng ta đều biết rằng không tuân giữ ngũ giới là có hại và không thích đáng. Ngay cả đối với những người không có giới hạnh,song từ sâu thẳm trong lòng, họ vẫn thầm kính trọng những người có giới đức. Họ kính phục, ngưỡng mộ và đánh giá cao những con người từ bi, nhân hậu và rộng rãi. Một khi đã đánh mất đi lòng tự trọng, chúng ta sẽ cảm thấy mình không còn giá trị gì nữa. Khi chúng ta cảm thấy mình không xứng đáng, chúng ta sẽ không thể nào toàn tâm toàn ý, sẽ chỉ làm mọi việc một cách nửa vời, buông thả. Người nào cảm thấy mình không xứng đáng, sẽ không thể cố gắng hết khả năng, họ thấy mình cố tỏ ra là đang làm một công việc gì đó, nhưng thực ra họ chẳng làm được cái gì cả. Để thấy mình xứng đáng với điều gì, điều rất quan trọng là bạn phải cảm thấy mình xứng đáng nhận được tình thương, tự do, sự bình an, sự hiểu biết và trí tuệ sâu sắc.
Bạn chỉ có thể tiến lên được ngang với mức độ tự trọng của mình mà thôi.
Điều này rất quan trọng.
Vậy làm thế nào để tăng trưởng được lòng tự trọng? Hãy làm những điều chân chánh, tránh làm mọi điều sai trái. Khi có tự trọng, bạn sẽ có sự tự tin và tự trân trọng bản thân mình. Với những đức tính này, bạn có thể tin rằng mình là một người tốt. Làm mọi việc tốt và tránh làm điều sai trái, khi đó bạn sẽ cảm thấy thực sự mình là một người tốt. Chúng ta phải tự rèn luyện bản thân để không làm những việc bất thiện, cố gắng làm mọi việc thiện với một thái độ chân chánh, làm với tất cả tấm lòng. Nuôi dưỡng tấm lòng từ ái với tất cả mọi người, với cả các sinh vật, điều đó sẽ nuôi dưỡng lại tâm hồn bạn và mang lại cho bạn rất nhiều nghị lực. Bạn sẽ thấy mình là một con người từ bi, xứng đáng được nhận sự yêu thương. Tự cảm thấy mình xứng đáng với tình thương (metta), xứng đáng với những điều tốt đẹp trên đời, điều đó rất quan trọng, không có điều đó, bạn sẽ không thể hành thiền được. Hãy làm một điều gì đó để tăng trưởng hơn nữa những phẩm chất đó trong mình.
Hãy bỏ qua quá khứ và sẵn sàng sống trọn vẹn với hiện tại. Sẵn sàng để thay đổi và trưởng thành. Chúng ta thường sợ sự thay đổi, và bởi vì thiếu tự tin, chúng ta không dám cố gắng hết mình. Chúng ta phải có trách nhiệm với chính bản thân và với cuộc đời mình. Dù bất kể những gì đã từng xảy đến với mình trong quá khứ, cũng đừng trách cứ và đổ lỗi cho ai cả.
Tôi đã từng gặp nhiều người, họ luôn đổ lỗi cho người khác về những điều bất hạnh của họ, nhưng lại không chịu cố mà học hiểu ra một điều gì đó để giúp mình sống hạnh phúc hơn. Hãy luôn cố gắng nghĩ điều thiện, mặc dù điều đó rất khó làm. Hầu hết những suy nghĩ của chúng ta thường là bất thiện: tham lam, sân hận, ngã mạn, ghen tức, tỵ hiềm. Mỗi ngày, bạn hãy cố gắng chánh niệm, biết mình suy nghĩ những gì, nhưng cũng đừng cố kiểm soát chúng. Mỗi khi bắt trúng quả tang mình đang suy nghĩ bất thiện về ai hay việc gì, hãy cố gắng quan sát nó từ nhiều góc độ khác nhau để xem có thể học được gì từ việc đó không và hãy có cái nhìn tích cực về nó. Bạn hãy quyết tâm suy nghĩ tích cực càng nhiều càng tốt. Tất cả những việc đó mới chỉ là bước chuẩn bị cho việc thiền tập. Nếu suốt ngày bạn nghĩ điều bất thiện rồi lại ngồi thiền để hy vọng sẽ được hạnh phúc và bình an thì điều đó sẽ không bao giờ xảy ra bởi vì bạn chưa chuẩn bị tâm mình. Suy nghĩ một cách tích cực và hướng thiện chính là những suy nghĩ và tư duy chân chánh.
Bất cứ ai cũng phải nếm trải những thăng trầm, tốt xấu, những thuận lời và khó khăn ở đời, đó là điều hết sức tự nhiên. Hãy suy nghĩ kỹ về điều đó, nó sẽ giúp bạn biết cách buông xả và bớt dính mắc hơn với mọi thứ.
Một điều quan trọng nữa là phải biết thu thúc lục căn (sáu giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.) Chúng ta nhìn ngó quá nhiều, nghe quá nhiều cần tự hạn chế mình lại. Xem TV, đọc sách báo… những công việc đó chỉ làm nếu bạn thấy nó là cần thiết, còn không hãy cố gắng giảm bớt đi. Nếu không tự hạn chế mình trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ không có đủ thời gian và sức lực để mà tập hành thiền. Để tránh cho tâm khỏi bị trạo cử, bất an, bạn phải cố gắng thu thúc căn môn. Cách kiếm sống, nuôi mạng trong sạch là rất quan trọng, hãy quan tâm đến những nhu cầu của mình một cách hợp lý. Một người bạn, cũng là thiền sinh, kể với tôi rằng trước khi tập thiền, anh ấy thường sử dụng máy photocopy của cơ quan vào việc riêng, nhưng từ khi tập thiền và biết cách nhận biết tâm mình thì anh nhận ra rằng mỗi khi làm như vậy anh đều cảm thấy có lỗi như là mình đang có một hành động trộm cắp vậy. Mặc dù chẳng ai nói gì cả, nhưng chiếc máy đó là để dùng chung cho công việc của công ty, nên từ đó anh không sử dụng máy đó vào việc riêng nữa. Nếu có người khác sử dụng thì cũng chẳng sao, đó là việc của họ, kệ họ thôi, nhưng với bạn thì khác, bạn là người đang tu dưỡng các phẩm chất tâm linh của mình và đang làm cho mình trở nên xứng đáng với niềm hạnh phúc và bình an đích thực, xứng đáng với trí tuệ và giải thoát chân chánh.
Hãy cố gắng làm cho cuộc sống của mình trở nên càng giản dị càng tốt, giản dị từ trong cái ăn, cái mặc, trong tất cả mọi việc. Bất cứ việc gì bạn làm, bất cứ đồ vật gì bạn sở hữu, chúng đều đòi hỏi thời gian và sức lực của bạn, và có thể gây ra nhiều xáo trộn, bất an cho bản thân bạn nữa. Sư phụ của tôi, trong cốc của người ở chùa, thực sự không hề có một thứ đồ đạc gì cả. Thầy chỉ có ba tấm y mặc trên người và thay đổi luân phiên để giặt. Trong nhà không có một thứ đồ đạc nào, sàn nhà cũng sạch trơn như lau như li. Khi sống trong một căn phòng trống không, tâm bạn cũng sẽ rỗng không như vậy. Khi bạn đi mua hàng ở siêu thị mà xem, tâm bạn sẽ như thế nào? Sống trong một căn phòng trống, thì không có một cái gì gây xáo trộn cho bạn được cả. Nếu bạn muốn tiến bộ trong thiền tập, hãy cố gắng sống một cuộc sống đơn giản nhất đến mức có thể.
Thiền tập cũng giống như gieo trồng trên một thửa ruộng.
Mỗi ngày hãy cố gắng nhìn thật sâu vào trong tâm mình, cố gắng làm sạch cỏ dại, bởi vì cỏ dại vẫn thường xuyên thâm nhập tâm ta hàng ngày hàng giờ. Chúng sẽ ăn sâu bén rễ nếu bạn để chúng ở lâu, rễ chúng càng ngày càng chắc và sẽ rất khó nhổ bỏ, nhưng nếu bạn tẩy sạch mầm sống của chúng trước khi chúng kịp lan rộng thì điều đó vô cùng ích lợi.
Hỏi và đáp: Trong giai đoạn đầu, tôi không khuyên bạn từ bỏ hoàn toàn mọi thứ ngay lập tức. Hãy bỏ dần dần từng chút một, nhưng phải thật thành thực. Thử xem xem mình có thể dứt bỏ được cái gì không, nhất là âm nhạc. Tôi đã từng kể với các bạn là tôi rất yêu âm nhạc. Khi còn trẻ tôi là một nhạc sĩ, và bởi vì tình yêu với âm nhạc, tôi đã gặp gỡ và làm quen với một nhạc sĩ đồng thời cũng là một thiền giả xuất sắc. Bạn vẫn có thể vừa là một nhạc sĩ vừa là một thiền gia. Thầy dạy thiền đầu tiên của tôi là một nghệ nhân chế tác dụng cụ âm nhạc và cũng là một nhạc sĩ. Ngay cả khi ông làm đàn và khi chơi đàn, ông cũng chơi chuyên chú hết mình, thực sự cẩn trọng và với một tình yêu thực sự. Loại nhạc ông chơi thật êm dịu và bình an. Nếu bạn thích âm nhạc, hãy tìm loại nhạc nào làm cho tâm của mình trở nên bình an và tĩnh lặng. Bạn không thiết phải từ bỏ tất cả mọi thứ, bạn chỉ có thể từ bỏ nhiều đến mức bạn có thể từ bỏ mà thôi.
Hãy làm mọi việc một cách chậm rãi và dần dần từng bước một.
Nếu âm nhạc là nghề kiếm sống của bạn và nó ảnh hưởng không tốt đến thiền tập, thì trong trường hợp đó bạn phải có một quyết định dứt khoát.
Hỏi: Nhân tiện cho tôi hỏi, chuyện con chó rồi sau đó thế nào?
Đáp: Tôi tìm cho nó một chỗ nằm thích hợp và cảm thấy rất hạnh phúc về điều đó. Mỗi khi bạn thể hiện lòng tốt với bất kỳ chúng sanh nào, điều đó sẽ làm cho bạn rật hạnh phúc, nó rất lợi ích và hỗ trợ cho sự tu tập của bạn rất nhiều. Hãy tử tế và nhân hậu càng nhiều càng tốt. Đôi khi bạn cũng có thể nổi cơn nóng giận, buồn bực, nhưng chúng ta có thể học được từ chính kinh nghiệm ấy.
Hãy học cách tự tha thứ cho chính mình. Chúng ta không bao giờ là hoàn hảo cả.
Hãy tự hỏi bản thân xem: “ Mình đã cố gắng hết mức chưa?” Các bạn ở đây cũng đã tu tập được ít lâu rồi, hãy cố gắng hết mình đi bạn.
Mõi khoảng khắc bình an đều có tác động vô cùng lớn đến tâm ta. Sự bình an của tâm hồn, cho dù ngắn ngủi đến đâu, cũng có giá trị vô lường.
Mỗi khi tâm bạn bình an, thanh thản, dù chỉ là trong một vài giây thôi, nó cũng đem đến một sự khác biệt rất lớn.
Trong cuộc sống, chúng ta luôn luôn phải lựa chọn, vậy hãy lựa chọn sự bình an cho tâm hồn mình, dù chỉ là vài giây ngắn ngủi.
Mỗi ngày, mỗi giờ tôi đều chọn cho mình cuộc sống của một nhà sư. Làm một nhà sư không phải là dễ. Nếu dễ như vậy thì đã không có nhiều người hoàn tục đến thế. Chừng nào còn chưa đắc thánh quả A na hàm (bậc thánh bất lai), một vị sư vẫn luôn có thể chọn con đường hoàn tục, trở lại làm người cư sĩ tại gia. Vậy thì, chúng ta hãy chọn chánh niệm. Tất cả mọi vấn đề tâm lý nan giải, cơ bản đều bắt nguồn từ phần tâm linh của con người. Nếu có thái độ đúng đắn và sự hiểu biết đúng đắn, bạn có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề tâm lý. Tôi đến và ở lại đây trong bốn tháng. Việc đến đây cũng là một phần trong tiến trình học hỏi của tôi. Điều đó cũng cần thiết cho sự trưởng thành của bản thân tôi.
Trong cuộc sống, chúng ta cần sống cân đối, hài hoà; cần dành thơi gian cho chính mình và thời gian cho người khác. Nếu chỉ sống cho mỗi bản thân mình,chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy mãn nguyện. Nếu bạn thực sự muốn có hạnh phúc, hãy giúp cho người khác cũng được hạnh phúc như bạn, giúp bằng bất cứ cách nào.
Cho càng nhiều, bạn sẽ càng trưởng thành. Thực ra, những trở ngại lớn nhất lại thường đến từ những tu tưởng và hành vi bất thiện của chính bản thân mình mà thôi.
Mời bạn đọc đón xem chương II: Các kỹ năng và hiểu biết cơ bản
Theo: Sách Bản đồ hành trình tâm linh
Tác giả: Thiền sư Sayadaw U Jotika
Bản đồ hành trình tâm linh (Sách) Giới thiệu và Mục lục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét