Sau mấy phút dán mắt vào tấm hình cô Khang, chị Hằng bỗng hớn hở: “Cháu chào cô ạ. Cháu là Phan Thị Bích Hằng. Bác Phương nhờ cháu mời cô về để hỏi hài cốt của cô hiện nay ở đâu?”. Rồi chị Hằng quay sang phía GS Phương hạ giọng: “Có một người đàn ông về đây cùng với cô Khang. Chú ấy nói tên là Sơn”. GS Phương rùng mình xúc động.
Cuộc tìm mộ bằng sự hướng dẫn của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã coi như thất bại. Mặc dù thất vọng lắm, song GS Trần Phương vẫn thử lần cuối với nhà ngoại cảm nổi tiếng nhất, mà nhiều người ở Hà Nội biết đến, đó là Phan Thị Bích Hằng.
Mọi người đồn đại rằng, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng có khả năng “gọi hồn”, song GS Phương vẫn không tin trên đời lại có linh hồn. Việc gặp chị Hằng ngoài tìm kiếm thông tin về ngôi mộ cũng là kiểm nghiệm xem có linh hồn thật hay không. Buổi tiếp xúc với nhà ngoại cảm hôm đó chỉ có GS và hai chị em gái của ông. GS dặn trước hai người không được nói gì kẻo để lộ thông tin cho “thầy bói nói dựa”.
Khác với anh Nhã, chị Hằng yêu cầu GS đặt lên bàn một chiếc cốc, một vốc gạo để cắm hương, một ngọn nến và một bức ảnh của cô Khang. Khi đó chị Hằng nói rằng: “Bác không thờ trong căn phòng này bao giờ nên có thể cô Khang khó về”. Nghe chị Hằng nói vậy, GS Phương giật mình. Chẳng những ông không thờ bao giờ mà từ 10 năm nay ông không ở ngôi nhà này, mà giao cho con ở.
Sau đó, theo lời kể của GS Phương, “linh hồn” cô Khang đã về theo tiếng gọi của chị Hằng. Chuyện này được ông chép lại rất tỉ mỉ:
Sau mấy phút dán mắt vào tấm hình cô Khang, chị Hằng bỗng hớn hở: “Cháu chào cô ạ. Cháu là Phan Thị Bích Hằng. Bác Phương nhờ cháu mời cô về để hỏi hài cốt của cô hiện nay ở đâu?”. Rồi chị Hằng quay sang phía GS Phương hạ giọng: “Có một người đàn ông về đây cùng với cô Khang. Chú ấy nói tên là Sơn”. GS Phương rùng mình xúc động. Người tên Sơn chính là người anh, người đồng chí, người bạn thân thiết nhất của ông đã hy sinh.
Qua “phiên dịch” của chị Hằng, “linh hồn” cô Khang nói: “Anh không có duyên rồi. Anh đi tìm em, đối mặt với em rồi mà không đến được với em. Từ hôm anh đến, mấy chị em trong Đội Hoàng Ngân của em cứ bảo sao lâu không thấy anh Phương trở lại. Chỗ em nằm chỉ cách chỗ anh đào ba bước chân về phía bờ ao”.
GS Phương hỏi: “Vậy em nằm trên vườn hay dưới ao?”. “Đến bờ ao cũng còn 3 bước chân nữa. Phía trên em chừng 2m là chị Nguyễn Thị Bê, đội viên Đội Nữ du kích Hoàng Ngân, quê ở ngay làng La Tiến. Cách chỗ em nằm cũng chừng 2m về phía đông là một người đàn ông bị bắt từ Hải Dương về, em không biết tên, ba cái mộ dường như nằm trên một đường thẳng. Hai người kia bị giết cùng một ngày với em.
Chúng cột tay ba người lại với nhau rồi vứt xuống sông lúc nửa đêm. Dân phòng ta có đi tìm nhưng không thấy. Mãi mấy ngày sau xác mới nổi lên. Dân vớt được mới đem về đây chôn. Xa hơn còn 7 người nữa cơ. Mấy người nổi lên trước thì dân còn cho được manh chiếu, còn nổi lên sau thì đến manh chiếu cũng không có nói gì đến quan tài”.
Sau đó, “cô Khang” còn chỉ dẫn tỉ mỉ chỗ cô nằm, với các đặc điểm về cây cỏ xung quanh mà GS Phương nhận ra ngay. GS Phương hỏi tiếp: “Em có biết chỗ em nằm thuộc đất của ai không?”. “Cô Khang” bảo không biết đang nằm trên đất của ai.
Chị Hằng nhìn vào khoảng không hỏi: “Hài cốt của cô còn nguyên vẹn không?”, thì “cô Khang” nói với GS Phương: “Chúng đánh em gãy xương sườn, gãy xương cánh tay và xương đòn tay bên phải, gãy hai chiếc răng hàm trên bên phải, dập gò má bên trái. Xương cốt hiện nay vẫn còn nhưng đã mủn, vì chôn có quan tài đâu”.
GS Phương hỏi với ý tứ điều tra: “Răng em màu gì?”. “Bây giờ màu đen”. Ông vội cãi: “Nhưng trước đây răng em trắng cơ mà?”. “Cô Khang” nói tiếp: “Em chưa nói hết. Răng em đen xỉn do bùn đất ngâm vào chứ không phải đen hạt na. Ngày xưa, các anh ấy hay trêu em là có hàm răng đẹp nhất, tươi tắn nhất đội du kích. Nếu anh có đào nhầm sang mộ khác thì anh vẫn có thể nhận ra ngay, vì hàm răng của em không thể lẫn được.
Cả khuôn mặt em cũng vậy. Tuy gò má bên trái có bị dập, nhưng cả khuôn mặt thì vẫn còn. Anh có thể dễ dàng nhận ra em. Nhưng khi đào anh phải cẩn thận, vì chỉ cần xúc một xẻng đất là nó vỡ ra ngay”.
Nghe “cô Khang” nói vậy, GS Phương xúc động trào dâng. Mặc dù chỉ được nhắc đến một cách kín đáo, nhưng ông nhận ra ngay những đặc điểm của người em gái. Người con gái đã lìa đời 50 năm mà vẫn không quên niềm tự hào về nhan sắc của mình, được các chàng trai ngưỡng mộ. Nghĩ vậy, lòng ông chợt xót xa.
“Cô Khang” còn dặn tiếp: “Khi đào, anh chú ý cổ tay em vẫn còn cái vòng bằng sắt. Thực ra đó là cái còng sắt chúng xích tay em vào tay người đàn ông bị bắt ở Hải Dương”. GS Phương hỏi: “Nếu tìm được hài cốt của em thì đưa em về quê mình, cạnh mộ bố mẹ hay là đưa em về nghĩa trang liệt sĩ của huyện, nơi anh Sơn đang nằm?”.
“Cô Khang” nói: “Mẹ bảo em rằng: Con là phận gái thì về với bố mẹ để sau này cháu chắt còn viếng thăm, hương khói cho con. Nhưng anh Sơn thì bảo: Em đã đi theo Đội du kích Hoàng Ngân em cứ về nghĩa trang liệt sĩ. Tổ quốc ghi công mình đời đời người ta thắp hương cho mình chứ đâu chỉ có con cháu trong gia đình”.
Sau một hồi GS Phương trò chuyện cùng em gái, thì “anh Sơn” lên tiếng “trò chuyện” với ông. GS Phương xúc động quá, không kìm được lòng, thốt lên như muốn khóc: “Trời ơi, anh Sơn!”.
Người tên Sơn hơn GS Phương 4 tuổi, từng là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên, Sơn Tây, Hà Đông, được điều vào bộ đội khi thành lập Đại đoàn 320 làm Trưởng ban Tuyên giáo của Đại đoàn. Anh hy sinh trong chiến dịch Hà Nam Ninh, vào tháng 6/1951.
Để kiểm nghiệm tiếp tính xác thực của “linh hồn”, GS Phương đưa cho chị Hằng bức ảnh đã thủ sẵn trong túi định bụng sẽ hỏi “linh hồn” về người này, nếu “linh hồn” không nhận ra thì hẳn là chuyện tào lao, những câu giao tiếp như với “linh hồn” chỉ là do Hằng bịa ra cho sinh động.
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng xem ảnh và bảo đúng là bác Sơn, nhưng trông già hơn trong ảnh. Thực tế, bức ảnh chụp năm 1948 trong tư thế rất bảnh trai, khi GS Phương đang công tác ở Sơn Tây.
“Anh Sơn” nói: “Chú tìm em Khang mà không nói với anh một câu. Lần sau báo trước cho anh, anh sẽ dẫn đường chú đến tận nơi. Ai khoanh cho chú chỗ ấy là họ hiểu biết đấy. Cũng may là khúc sông ấy hơi cong lại, xác em mình dạt vào, nếu không đã trôi tuột đi rồi”. GS Phương hỏi: “Anh bảo sẽ dẫn đường cho em, nhưng làm cách nào em nhận ra được?”.
“Anh Sơn” nói tiếp: “Anh không thể nắm tay chú nhưng anh sẽ tìm một con vật nào đấy, con ong, con bướm chẳng hạn, rồi sai khiến nó để nó dẫn đường cho chú. Chú cứ đi theo nó đến chỗ nó đậu”
GS Phương còn hỏi ngày giỗ cô Khang là ngày nào thì “cô Khang” trả lời: “Đối với anh Phương thì ngày nào mà giỗ chả được. Em bị chúng nó bắt có được bóc lịch đâu mà biết ngày. Chỉ nhớ một hôm vào khoảng 18 hay 19 gì đó thằng quan tư bảo: “Bọn mày cứng đầu đến ngày 24 mà không khai thì bắn bỏ”. Anh cứ lấy ngày ấy là được, còn ngày âm lịch thì em không biết là ngày nào”. Sau này so ra thì mới biết ngày 24/5/1950 là ngày 10/5 âm lịch.
Sau khi trao đổi vài thông tin quanh chuyện tìm mộ thì “linh hồn” cô Khang và anh Sơn biến mất. Khi đó, cuộn băng ghi âm 90 phút cũng vừa hết. GS Phương đã nghe đi nghe lại cả trăm lần cuốn băng này và ông không thể nào bác bỏ những sự thật hiển nhiên của cái gì đó gọi là “linh hồn”. Vậy nên, ông tiếp tục tiến hành cuộc tìm mộ người em gái lần thứ hai.
GS Phương cùng anh em trong nhà tiếp tục xuống địa điểm đào bới lần trước. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cùng đi để chỉ địa điểm cho chính xác. Chị Hằng đến gần gốc nhãn, ngắm nghía một lát rồi cắm hương xuống đất. Lấy bó hương làm tâm, chị vạch một ô hình chữ nhật để đào.
Nhìn bó hương của chị Hằng, GS Phương thấy nó cách chỗ đặt quả trứng lần trước 2m ra phía bờ ao, nhưng lại lui về hướng đông 1m. So với điểm con bướm đậu và cây que thì cũng xê dịch chừng 1m về hướng đông.
Trong khi thợ đào đất chuẩn bị làm việc, nhà ngoại cảm Bích Hằng đặt ảnh cô Khang dưới gốc cây vải phía cuối cái hố rồi nói: “Thưa cô, chỗ cô nằm thì cháu đã vạch theo tọa độ cô chỉ dẫn rồi, cô xem đã thật chính xác chưa để chỉ bảo cho cháu. Còn hài cốt thì như hiện trạng cháu nhìn thấy còn rất ít, khi bốc lên có thể mủn ra. Vậy xin cô cho phép bốc lẫn cả đất mang về. Nếu không được đầy đủ thì cô cũng thông cảm cho…”.
“Anh Sơn” nói chen vào qua sự “phiên dịch” của Bích Hằng: “Cứ bốc cho bằng hết, dù ít dù nhiều thì cũng là máu thịt của em mình. Không bỏ vừa trong tiểu thì đắp lên mộ cho em”.
“Cô Khang” lại nói tiếp: “Nếu có cách gì làm cho cụ Đặng Đình Giám sống lại thì gia đình mình khỏi mất công đi tìm kiếm. Rất tiếc là đã gặp cụ ở âm phủ mất rồi. Em bị chúng nó ném xuống sông, khi xác nổi lên gặp lúc triều cường, dạt vào một khúc quanh nên được cụ Giám vớt lên kéo qua một cái rãnh nước. Cụ bảo: Mấy vị chết ở đây, nếu đói khát, khi nào ông An lên hương thì vào mà xin lộc”.
Sau một hồi trò chuyện trên trời, dưới bể liên quan đến những hài cốt ở quanh khu vườn, chị Hằng “xin phép cô Khang” cho bắt đầu đào mộ.
Đào hết lớp đất “vượt thổ” thì chị Hằng ra lệnh cho thợ ngừng đào. Chị nhảy xuống hố lấy dầm gạt nhẹ từng lớp cát đen. Chưa đến một gang tay thì vướng ngay vào thanh củi mục. Nạy lên, ngâm vào nước thì nhận ra đó là một khúc tre già, ruột tre đã phân hủy hết, nhưng đốt và cật tre thì vẫn còn nguyên. Mọi người đều kinh ngạc khi biết thông tin về cái cán thuổng đã được báo trước.
Riêng GS Phương thì mừng khôn xiết vì đây là dấu hiệu đáng tin cậy nhất để nhận biết nấm mộ này đích thực là mộ em gái ông. Cái cán thuổng (nhà ngoại cảm nói trước đó rằng, khi người chôn xác đào đất bị gãy thuổng đã chôn luôn cán làm dấu) đã bị vùi dưới đất cách đây 50 năm, người đời không ai tạo ra nó và cũng không thể nhìn thấy nó được. Sự chính xác đã đạt đến mức chi tiết.
Sau khi tìm thấy cán thuổng, chỉ gạt vài lớp cát mỏng là phần cốt cô Khang hiện ra. Khi chôn, người ta đã đặt cô nằm nghiêng, người hơi cong, mặt nhìn về hướng nam, đầu về hướng đông, chân về hướng đông nam, trùm lên sọ là một mảng tóc đen, rồi đến đốt xương cổ nhìn rất rõ. Nhưng khi bốc lên thì tóc vụn ra như tro, những đốt xương nguyên vẹn mủn ra như những chiếc bánh quy thấm nước.
Mọi người cũng tìm được 5 chiếc răng. Xem xét kỹ thì đúng là răng trắng (chứ không phải nhuộm đen như phụ nữ thời đó), nhưng do ngâm lâu trong bùn nên ngả sang màu đen xỉn. Còn chiếc còng sắt thì tìm mãi không thấy. GS Phương nhận định, có thể qua nhiều năm trong bùn đất nó đã han gỉ rồi tan vào đất mất rồi.
Sau khi tìm mộ, nhà ngoại cảm Bích Hằng nói với GS Phương: “Lần này đi tìm mộ cô Khang, cháu thương cô quá. Cháu hỏi cô rằng cô chỉ cho cháu móng tay cô ở đâu để cháu tìm thì cô giơ hai bàn tay lên trước mặt cháu, nói: Chúng nó rút hết móng tay của cô rồi còn đâu mà tìm”. GS Phương bàng hoàng kinh ngạc vì điều này chỉ có mình ông biết.
Sau khi cô Khang bị giặc sát hại, Huyện ủy Phù Cừ gửi riêng cho ông một bản báo cáo kể rõ cô Khang bị bắt, bị tra tấn, bị giết hại như thế nào. Trong những cực hình mà địch sử dụng có việc dùng kìm rút hết móng tay, rồi cắm kim vào đó. Chúng còn gí điện, xiên gậy vào người rồi treo lên cành cây mà đấm đá đến chết.
Khi nhận được bản báo cáo đó, ông Phương đã khóc rất nhiều, tuy nhiên, ông giữ kín điều này, không cho ai biết để rồi phải đau lòng. Khi được chị Hằng kể lại điều đó, ông có một niềm tin chắc chắn người nằm dưới mộ đích thực là em gái của ông, không ai khác được.
Công việc thu vét hài cốt xong xuôi thì nắng chiều đã tắt. Mọi người vây quanh gốc cây vải, nơi đặt bàn thờ tạm. Đến nhá nhem tối, gia đình GS Trần Phương mới đưa hài cốt của cô Khang về nhà. Hai ngày sau, lễ truy điệu nữ du kích anh hùng Trần Thị Khang (tên thật là Vũ Thị Kính) đã diễn ra trang trọng tại nghĩa trang liệt sĩ của huyện với sự có mặt của hàng ngàn người.
Khuôn mặt của GS Phương đầy vẻ xúc động và mãn nguyện. Nỗi day dứt sau nửa thế kỷ của ông là lời hứa với mẹ sẽ tìm hài cốt em gái về giờ mới thực hiện được. Tuy nhiên, những bí ẩn của thế giới tâm linh huyễn hoặc sẽ vẫn còn ám ảnh ông mãi mãi, bởi ông là một nhà khoa học, không tìm ra được lời giải cho những hiện tượng kỳ bí này, lòng ông khó có thể nguôi ngoai…
Nhà nghiên cứu, đại tá Đỗ Kiên Cường, phân viện phó Phân viện Vật lý y sinh học, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng): Các lí do nghi ngờ ngoại cảm: 1. Sự tiến bộ không ngừng là tiêu chí của một khoa học tốt, nhưng môn ngoại tâm lý thì không đạt được một tiến bộ đáng kể nào sau cả trăm năm. 2. Ngoại cảm được định nghĩa một cách khác thường, không phải theo nghĩa nó là cái gì mà theo nghĩa nó không là cái gì! 3. Các tuyên bố về chứng cứ khoa học của ngoại cảm thường bị cách ly khỏi quan điểm thông thường của môn thống kê học. 4. Các nghiên cứu ngoại cảm thường mắc lỗi giản lược trong phương pháp luận. 5. Ngoại cảm không liên quan với bất cứ một lý thuyết khoa học đã được xác lập nào. 6. Tính lặp lại là điều cốt tử của các khoa học thực nghiệm. Ngoại cảm không thỏa mãn tiêu chí này. 7. Ngụy tạo, lừa gạt là bạn đồng hành với ngoại cảm trong suốt tiến trình lịch sử. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét