(CXHVN) Một cậu bé 10 tuổi, sau mấy tháng bị một quả bóng chày văng trúng đầu, đột nhiên có những năng lực mà đa số người khác và cả cậu trước đó không có? Một người khác, chỉ trong vài giây, có thể nhẩm chính xác bài toán gồm 9 con số được nhân đôi đến 24 lần? Làm sao giải thích các trường hợp kỳ diệu này, nếu không phải đó là do năng lực tiềm ẩn của con người?
Khi ra đời, Nadia hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng đến năm cô bé lên 2, bố mẹ em cảm thấy có điều gì đó không bình thường. Em né tránh ánh mắt người khác và tỏ ra vô cảm trước nụ cười của họ. Có vẻ như cô bé không nhận ra mẹ nữa. Từ lúc 6 tháng tuổi, Nadia đã chẳng thốt lên một âm thanh nào, thường lầm lì và lặp đi lặp lại mãi một việc nào đó, như xé giấy chẳng hạn.
Về mặt y học, đó là những dấu hiệu của bệnh tự kỷ (autism: người bệnh không có khả năng giao tiếp hoặc thiết lập quan hệ với người khác). Thế rồi, lên ba tuổi rưỡi, bỗng nhiên Nadia cầm lấy cây bút và… vẽ. Chưa từng được dạy vẽ bao giờ, nhưng cô bé phác họa theo trí nhớ hình ảnh những con ngựa đang phi nước đại mà chỉ những người lớn từng học vẽ mới có thể làm được. Không giống như cách vẽ ngựa của người lớn, cô bé bắt đầu với những chi tiết ngẫu nhiên, trước tiên là cái móng rồi đến bộ bờm và bộ yên cương, chẳng ăn nhập gì với nhau cả. Nhưng khi Nadia nối những điểm đó lại, người ta nhận thấy chúng nằm đúng vị trí một cách không ngờ.
Trong lịch sử, người ta ghi nhận rất nhiều trường hợp “thông thái” một cách kỳ lạ, vượt xa trường hợp của bé Nadia. Tiêu biểu nhất có lẽ là trường hợp của ông Joseph. Khi được hỏi “con số nào nhân lên bao nhiêu lần thì ra con số 1.234.567.890?”, ông đáp ngay tức khắc: “Đó là con số 137.174.210 nhân lên 9 lần”. Quả đúng là như vậy. Một người khác lại nhân đôi con số 8.388.628 và tiếp tục nhân đôi như thế đến 24 lần, cho ra số 140.737.488.355.328! Những việc làm ấy thực sự vượt quá khả năng của những người bình thường như chúng ta.
Một ngày nọ, nhà báo phương Tây Douglas S. Fox đến thăm trại Acorn Outdoor Ornaments dành cho những người lớn mắc bệnh tự kỷ, được chăm sóc và huấn luyện cách sống tự lập. Một trong những người mà cô gặp là Guy. Mặc dù chưa biết sản phẩm điện tử là gì, Guy đã trang trí căn phòng của mình một cách đáng nể. Trong số những sản phẩm anh tự làm, có chiếc quạt điện gắn một con cá sấu: Mỗi khi quạt xoay từ bên này qua bên kia thì miệng con cá sấu há to rồi ngậm lại. Trên một cây quạt khác, có tượng ngư ông bằng kim loại có thể giơ cần câu lên hay hạ cần câu xuống theo chuyển động của quạt. Nhưng độc đáo nhất có lẽ là một con cừu, khi nhìn từ bên trái là một con vật có bộ lông mượt, nhưng khi nhìn từ bên phải thì đó chỉ là một bộ xương. Điều đáng nói là Guy chưa hề biết đọc hay làm toán, nhưng lại có khả năng chế tạo một con chó vận hành bằng điện, có thể sủa, vẫy đuôi và… tè.
Một nhân vật khác mà S. Fox gặp trong trại Acorn là Tim. Anh ta đi vào phòng khách như một cơn gió bất ngờ, rồi định chạy đi, nhưng nghĩ gì đó, anh ta đứng lại hỏi ngày sinh của chị:
- Ngày 15/7/1970
- Đó là thứ tư phải không?
Anh ta đã nói đúng mà không phải suy nghĩ một giây nào, rồi sau đó chạy đi mất.
Cách đây nhiều năm, Timothy Richard, một nhà tâm lý học thuộc Đại học California ở San Diego (Mỹ), đã tiếp xúc với một người đàn ông 40 tuổi mà theo đánh giá của ông, trình độ nhận thức chỉ bằng một đứa trẻ lên 5. Anh ta mù bẩm sinh, không làm được một bài toán đơn giản nhất, không biết lịch là gì và cũng chưa từng tưởng tượng nó ra sao. Thế mà khi đưa ra bất kỳ một con số ngày tháng nào, anh ta có thể cho biết đó là ngày thứ mấy trong tuần, với độ chính xác 70%.
Trong lịch sử, những hiện tượng như Tim không phải là ít. Có những báo cáo khoa học đề cập đến một cặp song sinh có thể tính ngày trong vòng trước hay sau 40.000 năm! Đấy quả là điều làm đau đầu các nhà khoa học.
Để giải thích những hiện tượng “thông minh đột xuất”, nhân tố đầu tiên được nhiều người tính tới là sự rèn luyện say mê và có tính lặp đi lặp lại của các đối tượng. Tuy nhiên, yếu tố này không hề có ở một số trường hợp kỹ năng bác học xuất hiện đột ngột. Vậy thì vì sao?
Theo Robyn Young, nhà nghiên cứu về bệnh tự kỷ thuộc Đại học Flinders ở Adelaide (Australia), những người có khả năng nói đúng ngày trong lịch thường dành nhiều thời gian để nghiên cứu các loại lịch thông dụng. Việc tính nhẩm những con số trong đầu lâu ngày trở thành thói quen.
Nhưng rõ ràng, sự rèn luyện không thể là yếu tố cơ bản tạo nên những kỹ năng bác học trong đời sống tinh thần. Để giải thích chúng, phải vận dụng các lý thuyết của Allan Snyder, một trong những nhà khoa học chuyên nghiên cứu về hiện tượng “thông minh đột xuất” của trẻ em, nhất là những trẻ bị chứng tự kỷ. Ông nhận thấy cứ 10 trẻ loại này thì một em có kỹ năng đặc biệt. Năm 1999, trên một tờ báo khoa học, Snyder cùng cộng sự là John Mitchell lập luận rằng các kỹ năng luôn tiềm tàng về mặt sinh học trong mỗi chúng ta, chỉ chờ dịp thuận lợi là xuất đầu lộ diện.
Lý thuyết của Snyder bắt đầu với nghệ thuật, nhưng ông tin rằng kỹ năng bác học, dù là trong âm nhạc, toán học hay khoa học không gian…, đều xuất phát từ một bộ xử lý nhanh như tia chớp trong não. Bộ phận này chia sự vật, thời gian, không gian hay một vật thể thành những phần đều nhau. Sự phân chia thời gian giúp một đứa trẻ thông minh biết rõ giờ chính xác phải thức dậy, giúp người nhạc trưởng, trong một tích tắc, phân biệt được âm thanh lạc điệu của một nhạc khí nào đó giữa một rừng nhạc khí. Sự phân chia không gian giúp bé Nadia 3 tuổi rưỡi đặt đúng vị trí những bộ phận khác nhau của con ngựa lên tờ giấy vẽ.
Trong suốt quá trình nghiên cứu, Snyder nhận thấy căn nguyên của chứng tự kỷ nằm ở sự phát triển quá sớm của não bộ. Trong ba năm đầu đời, bộ não phát triển với một tốc độ khủng khiếp. Ở trẻ tự kỷ, các tế bào thần kinh kết nối với nhau không theo một thứ tự nào, tạo ra hiện tượng bất thường, đặc biệt ở tiểu não – nơi kết hợp suy nghĩ với hành động, và khu vực các chi – nơi kết hợp kinh nghiệm với các cảm xúc đặc biệt. Sự bất thường ở những vùng này sẽ làm giảm sút mối quan tâm của đối tượng đối với môi trường xung quanh và các mối tương tác xã hội. Trẻ tự kỷ có khuynh hướng thu hẹp các lĩnh vực cần chú ý và khả năng nhận diện người khác rất yếu. Nhưng cũng chính điều này giải thích tại sao chúng lại có thể tập trung vào một hành động đơn lẻ nào đó một cách liên tục như ngồi lắc lư trên ghế xích đu hay nhìn ngắm đống quần áo xoay tròn trong chiếc máy sấy.
Để bài bác ý kiến cho rằng kỹ năng bác học xuất hiện từ một yếu tố duy nhất là sự khổ công rèn luyện, Snyder viện dẫn một số trường hợp kỹ năng này xuất hiện bất chợt trong đầu đối tượng. Điển hình là sự kiện cậu bé 10 tuổi Orlando Serrell bị một quả bóng chày văng trúng vào đầu, và chỉ sau vài tháng, cậu bắt đầu nhớ vanh vách vô khối biển số xe, những bài hát trữ tình và các bảng dự báo thời tiết. Nhà thần kinh học Bruce Miller thuộc Đại học California ở San Francisco cũng chứng kiến những chuyển biến tương tự ở những người sa sút trí tuệ, thường gặp trong độ tuổi 50-60. Một số người này thường phát triển bất chợt kỹ năng về nghệ thuật hay âm nhạc.
Những khảo sát bằng cách chụp ảnh não cho thấy ở thuỳ thái dương bên trái của họ, lưu lượng máu và hoạt động chuyển hoá đều thấp. Do năng lực ngôn ngữ tập trung ở bán cầu não trái nên những người này mất dần khả năng nói, đọc và viết, kể cả khả năng nhận diện người khác. Trong khi đó, não phải của họ liên quan đến thị giác và không gian vẫn ở trong trạng thái hoàn hảo. Snyder nhận thấy có thể áp dụng một kỹ thuật gọi là “kích thích vỏ não bằng từ trường” nhằm làm rối loạn các tế bào thần kinh, có thể tác động mạnh đến cơ chế nhận thức của não ở một người bình thường, và nhất thời có thể biến anh ta thành người có kỹ năng bác học.
Gần đây, các nhà khoa học tại Đại học Adelaide đã thử áp dụng kỹ thuật này với 17 người tình nguyện. Trước tiên, họ ức chế hoạt động của hệ thần kinh trong vùng trán – thái dương là nơi phát triển ngôn ngữ và ý niệm của não. Kết quả là những người tình nguyện này thể hiện được một số kỹ năng bác học như vẽ ngựa với cách thức khác hẳn bình thường như cách mà bé Nadia đã sắp xếp, tính toán ngày theo lịch, nhân nhiều con số với nhau…
Những nghiên cứu và thử nghiệm trên còn rời rạc, và chưa cho thấy một cách lý giải nhất quán về kỹ năng bác học kỳ lạ của một số người, nhưng điều được ghi nhận là năng lực bí ẩn này có liên quan đến một chứng bệnh nào đó ở não, điển hình là bệnh tự kỷ. Hy vọng trong tương lai, các nhà nghiên cứu sẽ soi sáng thêm những khía cạnh khác của vấn đề này, giúp giải thích nhiều bí ẩn của bộ não con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét