CHÁNH KIẾN giảng giải (Sammàtthi Dìpanì) - Ledi Sayadaw

    PHẦN I
    I. ba loại tà kiến
    II. Phản bác tiền định kiến
    III. phản bác tạo hóa kiến
    IV. Phản bác vô nhân kiến
    V. giải thích về ba tà kiến
    VI. giải thích về pahnr bác tiền định kiến
    VII. Giải thích từ Kammassakà (nghiệp sở hữu)
    VIII. Ba lĩnh vực chính
    IX. giải thích về "Kammassakà"
    X. Bác thuyết tạo hóa (Issaranimmà)
    XI. phản bác vô nhân kiến
    XII. giải thích thêm về Kammassakà-Vàda
    XIII. Giải thích về thân kiến (Attà-ditthi)
    XIV. những lợi ích của việc đoạn diệt thân kiến
    PHẦN II: cái tôi hay tự ngã làm con người xấu xa như thế nào?
    - Attā và Anattā
    - Asārakaṭṭhena - Anattā: năm uẩn bị chấp lầm là tự ngă
    - Asāmikaṭṭhena - Anattā: vô ngă do không có chủ thể
    - Avasavattanaṭṭhena - Anattā: vô ngă do không theo ý muốn
    - Giải thích vắn tắt về ngã sở (Anattaniya)
    - Ảo tưởng về ngã sở do điên đảo (Vipāllasa)
    - bậc thánh và thánh vức (Ariya Bhūmi)
    - năm loại chánh kiến (Sammā-diṭṭhi)
    - để có danh sắc phân tích trí (Nāma-rūpa-pariggaha-ñāṇa)
    - để có nhân duyên phân biệt trí (Paccaya-pariggaha-ñāṇa)
    - làm thế nào để đắc minh sát tuệ
    - HỎI VÀ ĐÁP VỀ NGHIỆP - Ledi Sayadaw


CHÁNH KIẾN TƯỜNG GIẢI (Sammàtthi Dìpanì) -Ledi Sayadaw
PHẦN I
Diṭṭhibandhanabandheyya,
Taṇhāsotena vāhite
Satte nāyaka tāresi
Bhagavantassa te namo .
Nhờ con thuyền Bát Chánh
Thiên, Nhơn Sư độ chúng
Rối ren trong biển ái
Trôi lăn trong biển ái
Kính đảnh lễ Thế Tôn.
(Nhờ con thuyền mang tên "Bát Chánh Đạo", bậc Đại Đạo Sư của chư Thiên, Phạm Thiên, và nhân loại đã cứu vớt những chúng sinh đang rối ren với muôn vàn tà kiến và trôi lăn vô định trong đại dương tham ái. Con kính thành đảnh lễ Đức Thế Tôn)
I. Ba Loại Tà Kiến
“Này các Tỳ khưu, có ba loại tà kiến, do đắm mê chúng, luận bàn chúng, và lấy chúng làm mục tiêu, một số sa môn và Bàlamôn đã rơi vào các cực đoan và trở thành những kẻ chủ trương vô hành kiến (akiriya diṭṭhi - người chủ trương quan điểm cho rằng không có quả báo của hành động hay nghiệp). Ba tà kiến này là gì? Đó là:
- Tiền định kiến (pubbekata-hetu-diṭṭhi)
- Tạo hóa kiến (issaranimmāna hetu-diṭṭhi)
- Vô nhân kiến (ahetu-apaccaya-diṭṭhi)
1. Tiền định kiến - Pubbekata-hetu-diṭṭhi. Quan điểm cho rằng mọi cảm thọ mà các chúng sinh thọ hưởng trong kiếp hiện tại chỉ do nhân, do duyên các hành nghiệp mà họ đã làm trong những kiếp quá khứ mà thôi.
“Này các Tỳ khưu, có một số sa môn và Bàlamôn công bố và chấp giữ quan điểm sau: ‘Mọi cảm thọ lạc thuộc thân và tâm, mọi cảm thọ khổ thuộc thân và tâm, mọi cảm thọ bất lạc bất khổ mà các chúng sinh thọ lãnh trong kiếp hiện tại chỉ do nhân các hành nghiệp mà họ đã làm trong những kiếp quá khứ mà thôi.' Quan điểm này được gọi là Tiền định kiến - Pubbekata-hetu-ditṭṭhi.”
2. Tạo hóa kiến - Issaranimmāna-hetu-diṭṭhi. Quan điểm cho rằng mọi cảm thọ trong kiếp hiện tại là do một đấng tối cao hay Thượng Đế tạo ra.
“Này các Tỳ khưu, có một số sa môn và Bàlamôn công bố và chấp giữ quan điểm sau: ‘Mọi cảm thọ lạc thuộc thân và tâm, mọi cảm thọ khổ thuộc thân và tâm, và mọi cảm thọ bất lạc bất khổ mà các chúng sinh thọ hưởng trong kiếp hiện tại là do một đấng Phạm Thiên (Brahmā) hay Thượng Đế tạo ra.’ Quan điểm này được gọi là Tạo Hóa kiến - Issaranimmāna-hetu-diṭṭhi.
3. Vô nhân kiến - Ahetu-apaccaya-diṭṭhi. Quan điểm cho rằng “không có nhân, không có duyên” của mọi hiện hữu.
“Này các Tỳ khưu, có một số samôn và Bàlamôn công bố và chấp giữ quan điểm sau: ‘Mọi cảm thọ lạc thuộc thân và tâm, mọi cảm thọ khổ thuộc thân và tâm, và mọi cảm thọ bất lạc bất khổ mà các chúng sinh thọ hưởng trong kiếp hiện tại tự chúng có mặt chứ không do nhân sanh nghiệp (jana-kamma) và trì nghiệp (upatthambhaka-kamma)’. Quan điểm này được gọi là Vô nhân kiến - Ahetu-apaccaya diṭṭhi.”
II. Phản Bác Tiền Định Kiến
Trong Tăng Chi Kinh, chương Ba pháp, chúng ta có những lời dạy của Đức Chánh Biến Tri: “Này các Tỳ khưu, trong ba tà kiến này, một số sa môn và Bàlamôn chấp giữ và công bố quan điểm sau: ‘Mọi cảm thọ lạc thuộc thân và tâm, mọi cảm thọ khổ thuộc thân và tâm, và mọi cảm thọ bất lạc bất khổ mà các chúng sinh thọ hưởng trong kiếp hiện tại chỉ do nhân những hành nghiệp họ đã làm trong những kiếp quá khứ mà thôi.’
Ta đã đến họ và hỏi: “Này chư hiền giả, có thực là các vị chấp giữ và công bố quan điểm này: ‘Phàm mọi cảm thọ lạc thuộc thân và tâm, mọi cảm thọ khổ thuộc thân và tâm, và mọi cảm thọ bất lạc bất khổ mà các chúng sinh thọ lãnh trong kiếp hiện tại là do nhân các hành nghiệp họ đã tạo trong những kiếp quá khứ không?’
Được hỏi như vậy, các sa môn và Bàlamôn ấy trả lời, ‘Vâng, đúng thế thưa tôn giả.’
Rồi ta nói với họ: Này các hiền giả, nếu sự tình là vậy, thời sẽ có những người, do nhân các hành nghiệp họ đã tạo trong những đời quá khứ mà sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời chia rẽ, dùng ngôn ngữ thô lỗ, nói chuyện phù phiếm, tham lam, sân hận và chấp giữ tà kiến.’
“Này các Tỳ Khưu, thực sự trong tâm của những người tin tưởng một cách quả quyết vào những hành nghiệp mà các chúng sinh đã làm trong đời quá khứ và chấp chặt quan điểm này, không thể nào khởi lên những tâm sở như ước muốn làm (chanda - dục) và tinh tấn (vāyama) để phân biệt những hành động nào cần phải làm và những hành động nào cần phải tránh.
“Này các Tỳ Khưu, thực sự trong tâm của những người không thể phân biệt một cách chính xác và chắc chắn giữa những hành động nào cần phải làm và những hành động nào cần phải tránh, và sống không có sự áp dụng chánh niệm và tự chế, không thể khởi lên đức tin chân chánh dẫn đến sự diệt trừ của các phiền não.
“Này các Tỳ khưu, đây là lời tuyên bố có căn cứ xác đáng thứ nhất phản bác lại những tín điều và kiến chấp theo tà đạo được đưa ra bởi các sa môn và Bàlamôn chủ trương mọi cảm thọ mà các chúng sinh thọ hưởng trong kiếp hiện tại chỉ do nhân những hành nghiệp quá khứ của họ.”
III. Phản Bác Tạo Hóa Kiến
Đức Phật tuyên bố: “Này chư Tỳ Khưu, trong ba kiến chấp này, có những samôn và Bàlamôn chấp giữ và công bố quan điểm sau: ‘Mọi cảm thọ lạc thuộc thân và tâm, mọi cảm thọ khổ thuộc thân và tâm, và mọi cảm thọ bất lạc bất khổ mà các chúng sinh thọ hưởng trong kiếp hiện tại là do một đấng Phạm Thiên tối cao hay Thượng Đế tạo ra.’
Ta đi đến họ và hỏi: “Này các hiền giả, có thực là các vị chấp giữ và công bố quan điểm này: ‘Phàm mọi cảm thọ lạc thuộc thân và tâm, mọi cảm thọ khổ thuộc thân và tâm, và mọi cảm thọ bất lạc bất khổ mà các chúng sinh thọ hưởng trong kiếp hiện tại là do một vị Phạm Thiên tối cao hay Thượng Đế tạo ra không?'
Được hỏi như vậy các sa môn và Bàlamôn ấy trả lời: ‘Vâng, đúng thế thưa tôn giả.’
Rồi ta nói với họ: “Này các hiền giả, nếu sự tình là vậy, thời sẽ có những người, do sự sáng tạo của một vị Phạm Thiên tối cao hay Thượng Đế (mà) sát sanh, trộm cắp, nói dối, tà hạnh trong các dục, nói lời chia rẽ, dùng lời thô lỗ, nói chuyện phù phiếm, tham lam, ác ý với người khác và chấp giữ các tà kiến.
“Này các Tỳ Khưu, thực sự, trong tâm của những người tin tưởng một cách quả quyết và độc nhất vào sự sáng tạo của một vị Phạm Thiên tối cao hay Thượng Đế như vậy, không thể khởi lên các tâm sở như ước muốn làm và tinh tấn để phân biệt những hành động nào cần phải làm và hành động nào cần phải tránh.
“Này các Tỳ Khưu, thực sự, trong tâm của những người không thể phân biệt một cách chính xác và chắc chắn giữa những điều nên làm và những điều nên tránh, và sống không có sự áp dụng (chánh) niệm và tự chế sẽ không thể khởi lên đức tin chân chánh dẫn đến sự diệt trừ của các phiền não.
“Này các Tỳ Khưu, đây là lời tuyên bố có căn cứ xác đáng thứ hai phản bác lại những tín điều và kiến chấp theo ngoại đạo được đưa ra bởi những sa môn và Bàlamôn chủ trương rằng mọi cảm thọ mà các chúng sinh thọ hưởng trong kiếp hiện tại là do một vị Phạm Thiên tối cao hay Thượng Đế tạo ra.”
IV. Phản Bác Vô Nhân Kiến
Đức Phật tuyên bố: “Này các Tỳ Khưu, trong ba tà kiến này, có một số sa môn và Bàlamôn chấp giữ và công bố quan điểm sau: ‘Mọi cảm thọ lạc thuộc thân và tâm, mọi cảm thọ khổ thuộc thân và tâm, và mọi cảm thọ bất lạc bất khổ mà các chúng sinh thọ hưởng trong kiếp hiện tại tự chúng có mặt chứ không có sự can thiệp của sanh nghiệp hoặc trì nghiệp.’
Ta đi đến họ và hỏi: “Này các hiền giả, có thực là các vị chấp giữ và công bố quan điểm này: Phàm mọi cảm thọ lạc thuộc thân và tâm, mọi cảm thọ khổ thuộc thân và tâm và mọi cảm thọ bất lạc bất khổ mà các chúng sinh thọ hưởng trong kiếp hiện tại tự chúng có mặt chứ không do sanh nghiệp và trì nghiệp, đúng không?
Được hỏi như vậy, các sa môn và Bàlamôn ấy trả lời: ‘Vâng, đúng thế thưa tôn giả.’
Rồi ta nói với họ: “Này các hiền giả, nếu sự tình là vậy, thời sẽ có những người, không do bất kỳ nhân nào, duyên nào mà sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời chia rẽ, dùng lời thô lỗ, nói chuyện phù phiếm, tham lam, ác ý với người khác, và chấp giữ các tà kiến.
Này các Tỳ Khưu, thực sự trong tâm của những người tin tưởng một cách quả quyết và độc nhất vào quan điểm "vô nhân, vô duyên" của mọi hiện hữu như vậy, không thể khởi lên những tâm sở như ước muốn làm (chanda) và tinh tấn (vāyama) để phân biệt giữa những gì cần phải làm và những gì cần phải tránh.
Này các Tỳ Khưu, thực sự trong tâm của những người không thể phân biệt một cách chính xác và chắc chắn giữa những gì cần phải làm và những gì cần phải tránh, và sống không có sự áp dụng chánh niệm và tự chế, không thể khởi lên đức tin chân chánh dẫn đến sự diệt trừ của các phiền não.
“Này các Tỳ Khưu, đây là lời tuyên bố có căn cứ xác đáng thứ ba phản bác lại những tín điều và kiến chấp theo ngoại đạo được đưa ra bởi các sa môn và Bàlamôn chủ trương mọi cảm thọ mà các chúng sinh thọ lãnh trong kiếp hiện tại tự chúng có mặt chứ không phải do sanh nghiệp và trì nghiệp.
V. Giải Thích Về Ba Tà Kiến
Trong thế gian này có ba ác tà kiến. Đó là:
1. Tiền định kiến - Pubbekata-hetu diṭṭhi.
2. Tạo hóa kiến - Issaranimmāna-hetu diṭṭhi.
3. Vô nhân kiến - Ahetu-apaccaya diṭṭhi.
Ba tà kiến này đã được giải thích sơ lược ở trên, và cũng đã được đức Chánh-biến-tri diễn giải trong Aṅguttara Nikāya (Tăng Chi Kinh), Tīkanipāta, Dutīyapaṇṇāsaka Dutīya vagga, v.v…Trong một số bài kinh, tạo hóa kiến có khi được gọi là Tạo Hóa Tác Thuyết (issarakāraṇa-vāda - thuyết cho rằng một đấng Phạm Thiên tối cao hay Thượng Đế đã thực hiện hết mọi việc; hoặc issarakuttika-vāda (tà thuyết cho rằng một đấng Phạm Thiên tối cao hay Thượng Đế đã an bài tất cả những việc này). Đức Chánh-biến-tri đã bác bỏ cả ba tà thuyết trên thuận theo chân lý. Do đó, bần tăng sẽ giải thích ba tà thuyết này theo tuần tự với đầy đủ chi tiết và hoàn chỉnh hơn.
VI. Giải Thích Về Phản Bác Tiền Định Kiến
1. Quan Kiến Cho Rằng Nghiệp Quá Khứ Là Nhân Độc Nhất.
Chúng sinh thọ hưởng các thọ lạc thuộc thân và tâm, thọ khổ thuộc thân và tâm, và các thọ bất khổ bất lạc. Họ thọ hưởng những cảm thọ này liên quan đến sự hạ liệt, sự cao thượng, sự ngu dốt, và đến những ảnh hưởng được xem là lớn lao hay không đáng kể của họ. Những người chấp tiền định kiến chủ trương như sau: Độc nhất do các nghiệp mà những chúng sinh này đã làm trong các kiếp quá khứ làm nhân khiến họ thọ hưởng những điều như là vừa ý, không vừa ý, thỏa mãn hay không thỏa mãn của cuộc đời này. Tất cả những chuyện ấy chẳng phải do ai tạo, cũng chẳng phải do những hành động mà họ làm một cách siêng năng trong kiếp hiện tại này gây ra? Do kiến chấp này chối bỏ mọi kết quả của hành động mà con người làm trong kiếp hiện tại, nên nó đã lầm lẫn một cách phi lý và quá đáng. Vì vậy nó được gọi là một tà kiến.
Giả sử thuyết tiền định này là đúng thời những người sát sanh trong đời này chẳng qua cũng chỉ vì nghiệp quá khứ của họ thúc đẩy mà thôi. Hoặc giả, có những người, do thiện nghiệp đã làm trong đời quá khứ làm duyên mà trở thành các sa môn và Bàlamôn có giới hạnh. Thỉnh thoảng những vị samôn, Bàlamôn này phạm các điều ác cũng là do nghiệp quá khứ của họ. Và cũng có thể nói, những hành động sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói láo, nói lời thô lỗ, nói chuyện phù phiếm, tham lam, nuôi dưỡng ác ý chống người khác, và tà kiến cũng là do những ác nghiệp quá khứ của họ thúc đẩy nốt.
Trong đời này, những việc như “nghe bậc hiền trí thuyết pháp” và “như lý tác ý” được xem là những điều kiện để trở thành người có trí và giới đức. Giả sử mọi thiện nghiệp và bất thiện nghiệp mà người ta làm trong kiếp hiện tại này chỉ do nghiệp quá khứ của họ làm nhân, thì những việc "nghe pháp" và "như lý tác ý" sẽ trở thành vô ích, không có kết quả gì hết, vì những người chấp theo tà kiến này tin rằng “để trở thành một người trí" hay “để trở thành một người ngu chỉ độc do nhân nghiệp quá khứ của họ chứ không do các nhân nào khác cả" (đây là chủ thuyết về người được Chúa chọn để cứu vớt, Doctrine of the Elect, do một số giáo phái chủ trương, ngày nay vẫn còn).
Thực sự, con người có thể trở thành sa môn hay Bàlamôn đức hạnh chỉ khi nào họ thực hiện những thiện nghiệp như ‘thân cận bậc trí’ và ‘nghe pháp’, chứ không có cách nào khác. Có lẽ chúng ta đã thấy những trường hợp như vậy trong cuộc sống hàng ngày rồi. Do Tiền Định Kiến chối bỏ giá trị của sanh nghiệp và trì nghiệp, nên nó cần phải được tuyên bố là một tà kiến.
2. Sự Vắng Mặt của 'Ước Muốn Làm' và 'Tinh Tấn'
Trong tâm của những samôn và Bàlamôn nhất quyết tin tưởng vào nghiệp quá khứ và chấp chặt quan điểm này, tức cho rằng chỉ có Tiền định kiến là quan kiến đúng đắn, còn người theo các quan kiến khác là sai lạc và vô ích, sẽ không thể khởi lên 'ước muốn làm' và 'tinh tấn' nhờ đó họ có thể phân biệt được đâu là việc cần phải làm và đâu là việc cần phải tránh, vì họ tin rằng mọi hành động hiện tại là do nhân nghiệp quá khứ chứ không phải do 'ước muốn làm' hay 'tinh tấn' mà con người ta vận dụng trong kiếp sống này.
Thực ra, chỉ khi người ta có thiện ý và tinh tấn đúng đắn họ mới có thể làm những điều nên làm và tránh những điều nên tránh, chứ không có cách nào khác hơn. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đã thấy rõ những trường hợp như vậy. Quan kiến do những người chủ trương bác bỏ mọi nhân hiện tại như là 'ước muốn làm' và 'tinh tấn', và chỉ tin vào nghiệp quá khứ, cần phải xem như một tà kiến.
3. Phạm Hạnh Có Thể Bị Hư Hoại Như Thế Nào?
Nếu ước muốn làm và tinh tấn để thực hiện những gì cần phải làm và tránh những gì cần phải tránh không khởi lên trong tâm của những người chấp theo tiền định kiến, thời do không thể nhận thức được đâu là thiện và đâu là ác, họ sẽ vẫn không thực hiện những thiện nghiệp cần phải thực hiện, ngược lại còn làm những bất thiện nghiệp lẽ ra phải tránh. Do không có chánh niệm và sự phòng hộ các căn, kiến chấp của họ không thể xem là samôn kiến chơn chánh được. Trong đời này, người ta thường dùng những từ có tính qui ước như 'samôn' để chỉ người đang cố gắng dập tắt mọi dục vọng, 'bàlamôn' để chỉ người đang sống một cuộc đời thanh tịnh, vô nhiễm và khổ hạnh, 'người giới đức' và 'người phàm', vì đây là những người đang thực hiện điều cần phải thực hiện và tránh điều cần phải tránh vậy. Những từ qui ước như 'người chánh trực', 'người đang sống sống một cuộc đời thanh tịnh, vô nhiễm' hoặc 'bậc chân nhân - sappūrisa' không thể đem áp dụng cho những người chấp theo tiền định kiến này được, vì đối với họ chẳng có gì khác giữa hành động nào cần phải làm và hành đông nào cần phải tránh, vốn là những thiện nghiệp đạo thường được các gia chủ, samôn và người có trí thực hành.
Thực sự, có những hành động cần phải tránh. Một số người không phải lúc nào cũng làm thiện nghiệp cần làm, và tránh những ác nghiệp phải tránh. Người như vậy được gọi là Pakatimanussa (phàm phu tục tử). Một số người, nhờ có chánh niệm và phòng hộ các căn, biết thực hiện những thiện nghiệp và tránh những ác nghiệp. Họ được gọi là 'samôn', 'bàlamôn', hoặc 'bậc chân nhân' (sappūrisa). Nếu một người phân biệt được giữa hai loại người này - người ác và người trí - họ được nói là có 'samôn kiến chơn chánh' hay 'bàlamôn kiến chơn chánh'. Vì Tiền định kiến chối bỏ mọi nhân hiện tại như chánh niệm, phòng hộ… và tin chắc vào nghiệp quá khứ của một người, nên chỉ có tri kiến của họ mới cần được xem là tà kiến. Đây là cách phản bác thứ hai.
4. Từ Tiền Định Kiến Có Khả Năng Trở Thành Kẻ Chấp Giữ Tri Kiến Cho Rằng Các Pháp Đều Không Có Nhân Hay Không Có Duyên.
Nếu thuyết Tiền Định (Pubbekata-hetu diṭṭhi-vāda) này được phân tích một cách kỹ lưỡng hay phân tích một cách cẩn thận với sự hiểu biết của bậc trí, người ta sẽ thấy rằng, theo tà kiến này, thì trong mọi lãnh vực của nghiệp chẳng có gì đáng để người ta làm ngoại trừ theo cách dễ nhất. Như thế nào? Chính là theo cách sau: Những người chủ trương tà kiến này bác hết mọi hành động lẽ ra cần phải làm trong đời hiện tại và cũng không tận dụng hết nghị lực mà những bậc giới đức phải vận dụng. Họ cũng bác luôn chức năng của tinh tấn và trí tuệ.
Họ chủ trương rằng những lợi ích liên quan đến đời hiện tại và những lợi ích liên quan đến đời tương lai do bậc trí tuyên thuyết chỉ là giả dối. Trong tâm của những người chấp theo tà kiến này tất nhiên không thể khởi lên ước-muốn-làm và tinh tấn để thực hiện những thiện nghiệp cần phải được người giới đức thực hiện. Như vậy, tà kiến này trở thành vô hành kiến (akiriya-diṭṭhi ­­– tà kiến cho rằng không có nhân của sự hiện hữu).
Do đó, những người chấp Tiền định kiến này sống ở đời thật là vô tích sự, họ chẳng khác gì một đống đồ phế thải, hay một mảnh gỗ vụn vô ích. Vì những lý do đã nêu, đức Phật Tối Thượng đã phản bác tà kiến này.
VII. Giải Thích Từ Kammassakā (Nghiệp Sở Hữu)
Ở đây, người ta có thể hỏi nhau: 'Này bạn, nếu thực sự Đức Phật Tối Thượng đã khéo phản bác Tiền định kiến như vậy, thì tại sao và vì lý do gì Ngài lại còn tuyên bố như sau trong kinh Subha?'
Kammassakā maṇavassatā kammadāyādā, kammayonī, kammabhandhū, kamma patissaraṇā kamma satte vipajjati yadidam hīna paṇīta bhāvāya.
Chỉ có thiện nghiệp và bất thiện nghiệp mà các chúng sinh đã làm là tài sản riêng của họ, luôn đi kèm với họ bất cứ nơi đâu trong vòng sanh tử luân hồi này.
Tất cả chúng sinh là kẻ thừa tự của nghiệp. Chỉ có nghiệp là quyến thuộc thực sự của họ. Chỉ có nghiệp là nơi nương nhờ thực sự của họ. Bất cứ thiện nghiệp hay ác nghiệp nào mà họ đã làm bằng, thân, khẩu và ý, chính nghiệp ấy phân biệt họ với người khác trên phương diện cao thượng và thấp hèn, tốt và xấu, và họ trở thành kẻ thừa tự của nghiệp ấy.
Sau đây là những câu trả lời cho câu hỏi trên.
1. Những người chủ trương thuyết Tiền định cho rằng mọi lạc khổ mà các chúng sinh cảm thọ trong kiếp hiện tại độc chỉ do nghiệp quá khứ của họ làm nhân, làm duyên mà thôi. Họ bác bỏ mọi nhân hiện tại, như tinh tấn và trí tuệ. Do thuyết Tiền định này không chấp nhận các nhân hiện tại, nên nó được gọi là ekapakkhahīna-vāda – Thuyết loại bỏ một phía, đó là loại bỏ nghiệp hiện tại.
2. Những người chấp vào thuyết Tạo hóa chủ trương rằng mọi lạc, khổ mà các chúng sinh cảm thọ trong kiếp hiện tại là do một đấng Phạm Thiên tối cao hay Thượng Đế tạo ra. Họ không chấp nhận cả nghiệp quá khứ lẫn nghiệp hiện tại của các chúng sinh, vì thế thuyết này được xem như ubhayapakkhalūna-vāda – Thuyết loại bỏ cả hai phía, đó là loại bỏ cả nghiệp quá khứ lẫn hiện tại của các chúng sinh.
3. Những người chấp vào thuyết Vô nhân thì chủ trương rằng mọi lạc, khổ mà các chúng sinh cảm thọ trong kiếp hiện tại tự chúng có mặt, và bác bỏ hết mọi nhân. Do thuyết này bác hết mọi nhân của hiện hữu, nó được gọi là sabbahīna-vāda – Thuyết bác bỏ tất cả, đó là, bác bỏ bất kỳ loại nhân nào.
Trong ba tà thuyết này, Đức Phật Tối Thượng, do muốn phản bác thuyết Tạo hóa và thuyết Vô nhân, nên tuyên bố:
Kammassakā māṇavasattā kammadāyādā” (Chỉ có những thiện và bất thiện nghiệp mà các chúng sinh đã làm là tài sản riêng của họ và luôn đi kèm với họ, dù có trôi lăn trong nhiều sanh hữu hay đại kiếp)
Cách Giải Thích Khác:
Trong một thái độ chung chung, Đức Phật tuyên bố 'Kammassaka sattā kammadāyādā' chứ không có tính cách đặc biệt như 'pubbekata kammassakā sattā pubbekata kammadāyādā'. Ở đây, kammassakā có nghĩa là cả nghiệp quá khứ lẫn hiện tại của các chúng sinh. Nếu chúng ta diễn đạt đúng theo cách này, thì 'kammassakā' sẽ có nghĩa 'nghiệp quá khứ và hiện tại của các chúng sinh'.
VIII. Ba Lĩnh Vực Chính
Ở đây bần Tăng sẽ giải thích về nghiệp quá khứ và hiện tại. Có ba lĩnh vực chính:
1. Kammasādhanīya-ṭhāna (lãnh vực hoạt động của nghiệp)
2. Vīriyasādhanīya-ṭhāna (lãnh vực hoạt động của tinh tấn)
3. Paññāsādhanīya-ṭhāna (lãnh vực hoạt động của trí tuệ)
Lĩnh Vực Hoạt Động Của Nghiệp (Kammasādhanīya-ṭhāna)
Lĩnh vực này được chia làm hai phần.
A. Lĩnh Vực Hoạt Động Của Nghiệp Quá Khứ Những dị thục quả sau là do nhân và duyên nghiệp quá khứ của các chúng sinh, và gọi là lĩnh vực hoạt động của nghiệp quá khứ.
1. Tái sinh trong cảnh giới an vui hay trong cảnh giới khổ qua một trong bốn loại kiết sanh (paṭi-sandhi) (có 4 loại tái sanh: Hóa sanh, Thấp sanh, Noãn sanh, Thai sanh)
2. Tái sanh trong một gia đình cao quý hay trong một gia đình hèn hạ, dù ở trong cảnh giới an vui.
3. Có hay không có một căn (giác quan) nào, chẳng hạn như mắt, tai, v.v…
4. Đầy đủ trí tuệ, hay thiếu trí vào sát na tục sinh (tức là người tam nhân hay nhị nhân vào lúc tục sinh).
5. Dị tật hay không dị tật.
Những hành động mà các chúng sinh thực hiện trong kiếp hiện tại không thể tạo ra những kết quả này. Khi đã sinh vào cõi an vui nhờ thiện nghiệp quá khứ của mình, người ta không thể biến đổi thân tướng hiện có thành thân tướng của cõi khổ nhờ vào những nghiệp hiện tại như tinh tấn và trí tuệ được, trừ khi thân tướng của cõi an vui này tan hoại (tức vào lúc thân hoại mạng chung).
Cũng vậy, khi một người đã sinh vào cõi khổ do nghiệp quá khứ, họ không thể biến đổi thân tướng của họ thành thân tướng của cõi an vui, nếu không có sự tan hoại của thân thuộc cõi khổ này. Không một ai, dù là người, Chư Thiên, Phạm Thiên hay Thượng Đế, nhờ vào nghiệp hiện tại như tinh tấn và trí tuệ, có thể phục hồi được thị lực của một người mà nhãn căn của họ ngay từ lúc thụ thai đã bị hư hỏng do bất thiện nghiệp quá khứ (tức không thể làm cho người mù bẩm sinh thấy được).
Lại nữa, khi nhãn căn của một người có được do nghiệp quá khứ đã bị tiêu hoại hoàn toàn bởi một nguyên nhân hiểm nghèo nào đó trong kiếp hiện tại, thì không thể có người nào, không thể có chư Thiên nào, Phạm Thiên hay Thượng Đế nào phục hồi được thị lực đã mất của người ấy bằng trí tuệ và tinh tấn đã được họ luyện tập trong kiếp hiện tại này. Nguyên tắc này cũng đúng đối với các giác quan khác, như nhĩ căn, tỷ căn, v.v… vốn có mặt do nghiệp quá khứ của các chúng sinh.
B. Lĩnh Vực Hoạt Động Của Nghiệp Hiện Tại
Trước tiên bần Tăng sẽ giải thích rõ nghiệp hiện tại (Paccupanna kamma) là gì. Nói vắn tắt, tất cả mọi thân hành, khẩu hành và ý hành mà các chúng sinh thực hiện trong cuộc sống hiện tại vì hạnh phúc hay khổ đau của họ đều là nghiệp hiện tại cả. Nói rộng hơn, có những hoạt động như canh nông, chăn nuôi gia súc, buôn bán. Cũng có những ngành học, như các loại nghệ thuật và nghề thủ công khác nhau. Ngoài ra còn có những ngành nghệ thuật như: địa lý (bhūmi-vijjā), tướng số (aṅgavijjā), thiên văn (nakkhatta-vijjā), trí văn (sutamayapaññā), trí tư (cintāmaya paññā); và trí tu (bhāvanāmaya pañña).
Những hoạt động nghệ thuật, thủ công và trí đã đề cập ở trên được gọi là nghiệp hiện tại. Ngoài những hoạt động đã nói trên, cũng có vô số những hoạt động bất thiện, ngu dốt và dễ duôi làm băng hoại cuộc sống và tài sản, tổn hại sức khỏe, bôi nhọ thanh danh, tác hại đến đạo đức, và ngăn che tiến bộ tinh thần. Tất cả những hoạt động này là nghiệp hiện tại. Do đó trong kiếp hiện tại thực sự có rất nhiều loại hoạt động khác nhau, một số trong đó có lợi và số khác bất lợi. Hai loại hoạt động này nằm trong lãnh vực hoạt động của nghiệp hiện tại. (paccuppanna-kammasādhanīyaṭhāna).
Phương Pháp Giải Thích Kết Hợp (Missaka-naya).
Nghiệp quá khứ chia ra làm ba:
- Đại nghiệp (mahanta)
- Trung nghiệp (majjhima)
- Tiểu nghiệp (appaka)
Nghiệp hiện tại cũng phân ra làm ba loại:
- Trưởng phần (vuddhibhāgiya - nghiệp đưa đến sự phát đạt của một người)
- Trụ phần (ṭhitibhāgiya - nghiệp giữ cho một người được ổn định)
- Thối phần (bānabhāgiya - nghiệp đưa đến sự suy thoái của một người)
1. Mahantātīta-kammamūlakatika - Ba loại người do đại nghiệp quá khứ của họ tạo điều kiện
Do đại nghiệp quá khứ làm duyên, một số người được tái sinh trong những gia đình vua chúa, gia đình giàu sang. Trong số đó, có những người thực hiện nghiệp trưởng phần (nghiệp hiện tại đưa đến sự phát đạt). Họ sẽ phát đạt về của cải vật chất và quyền lực thế gian. Từ địa vị ban đầu, họ đi lên chứ không tụt xuống địa vị thấp hơn.
Một số người thực hiện nghiệp hiện tại trụ phần (nghiệp hiện tại giữ họ ở mức bình thường). Tài sản và danh vọng của họ sẽ đứng yên tức là từ địa vị bình thường ban đầu của họ, họ không đi lên cũng không xuống thấp hơn.
Một số người thực hiện nghiệp thối phần (nghiệp hiện tại khiến cho tài sản và địa vị của họ suy sụp). Do nghiệp này tài sản và danh vọng của họ bị tổn thất; họ không thể giữ được địa vị của họ ở mức bình thường, huống nữa là cải thiện địa vị của mình.
2. Majjhimātita-kammamūlakatika - Ba loại người do trung nghiệp quá khứ tạo điều kiện
Do trung nghiệp quá khứ làm duyên, một số người được tái sinh trong những gia đình giàu có trung bình. Trong số đó, những người thực hiện nghiệp hiện tại tăng trưởng sẽ phát đạt về tài sản và danh vọng trong kiếp hiện tại.
Những người thực hiện nghiệp hiện tại trụ phần sẽ giữ được địa vị bình thường của họ không có bất kỳ một sự tiến bộ hay thối giảm nào về tài sản mà chỉ đứng yên một chỗ.
Những người thực hiện nghiệp hiện tại thối phần sẽ tổn thất tài sản và danh dự của họ, đã không thể giữ được mình trong địa vị bình thường, còn nói chi đến việc tăng trưởng (địa vị).
3. Appakākatīta - kammamūlakatika - Ba loại người do tiểu nghiệp quá khứ tạo điều kiện
Do tiểu nghiệp quá khứ làm duyên, một số người tái sinh trong những gia đình người nghèo khó. Trong số này, những người thực hiện nghiệp hiện tại trưởng phần sẽ tăng trưởng tài sản của họ.
Người thực hiện nghiệp hiện tại trụ phần giữ được địa vị bình thường của họ không tăng cũng không giảm.
Người thực hiện nghiệp hiện tại thối phần chẳng những không thể giữ được ngay cả địa vị bình thường của họ, mà lại còn trở nên nghèo khó hơn.
Như vậy, hai lĩnh vực hoạt động chính của nghiệp, lĩnh vực hoạt động của nghiệp quá khứ (atīta kammasādhanīya-thāna) và lĩnh vực hoạt động của nghiệp hiện tại (paccuppana-kammasādhanīyathāna) có liên quan với nhau trong việc quyết định sự tiến hóa hay thối đọa của con người.
Lĩnh Vực Hoạt Động Của Tinh Tấn Và Trí Tuệ (Vīriyasādhanīya paññāsādhanīyaṭhāṇa)
Nhiệm vụ của Tinh Tấn (Vīriya) và Trí Tuệ (Paññā) giúp cho sự hoàn tất của hai nghiệp hiện tại. Ở đây, nếu tinh tấn và trí tuệ càng lớn, thì đại nghiệp (mahanta-kamma) sẽ càng lớn. Nếu tinh tấn và trí tuệ ở mức trung bình, chúng sẽ tạo ra trung nghiệp. Còn nếu tinh tấn và trí tuệ yếu, chúng chỉ có thể tạo ra tiểu nghiệp. Vì thế, khi hai loại lãnh vực hoạt động của nghiệp là lớn, thời lãnh vực hoạt động của tinh tấn và trí tuệ cũng sẽ trở nên lớn như vậy.
Liên Hệ Giữa Nghiệp Quá Khứ Và Hiện Tại Với Tinh Tấn Và Trí Tuệ
Đối với những chúng sinh còn lang thang trong vòng tử sinh luân hồi, nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại là những nhân chính trong việc tác thành hạnh phúc và khổ đau mà các chúng sinh ấy cảm thọ trong kiếp hiện tại. Những nhân khác như thời gian (kāla), nơi chốn (desa), v.v… là các nhân phụ. Do đó, khi giải thích nghiệp quá khứ và hiện tại, Đức Phật tuyên bố, 'Kammassākā mānava sattā kammadāyādā' [Chỉ có những thiện nghiệp và bất thiện nghiệp mà các chúng sinh đã làm là tài sản hay sở hữu của họ, luôn luôn đi với họ, dù họ có thể lang thang trong nhiều sanh hữu hay đại kiếp (kappa)].
Khi Đức Phật giải thích các nhân chính, lời giải thích ấy cũng liên quan đến các nhân phụ. Vì thế khi ngài tuyên bố 'Kammassakā, v.v…' và giải thích rõ hai loại nghiệp - nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại - bằng cách ấy ngài muốn nói rằng hai nghiệp chính này được tạo điều kiện bởi những nhân, như 'thân cận bậc trí', 'nghe pháp' và 'hành pháp (dhamma)'. Khi Đức Phật Toàn Tri tuyên bố 'Kammassakā, v.v…' lời tuyên bố ấy cần phải xem như có cả sự giải thích về các yếu tố (chính và phụ) của nó vậy.
Những người như thanh nên Subha tới gặp Đức Phật và kể cho ngài nghe những tà kiến của họ về nghiệp quá khứ. Đối với những người này Đức Phật giải thích nghiệp quá khứ theo như Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt và Đại Nghiệp Phân Biệt của Trung Bộ.
Những người như thanh niên Siṅgāla đến gặp Phật và kể cho ngài nghe những tà kiến của họ về nghiệp hiện tại. Với những người này, đức Phật đã giải thích nghiệp hiện tại trong kinh Thi Ca La Việt thuộc Trường Bộ Kinh, hay kinh Vāseṭṭha thuộc Kinh Tập (Tiểu Bộ).
Trong Aṭṭha-nipāta và những bài kinh khác thuộc Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật Toàn Tri đã đưa ra những lời giải thích về cả hai loại nghiệp: quá khứ lẫn hiện tại.
Đối với những người không hiểu rõ những lợi ích của tinh tấn và trí tuệ, Đức Phật đã giải thích về những lợi ích của tinh tấn và trí tuệ trong cả trăm bài kinh khác nhau.
Nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại, vốn tạo ra những cảm thọ lạc mà các chúng sinh thọ hưởng, không thể có mặt nếu không có chức năng của tinh tấn và trí tuệ. Vì thế khi Đức Phật giải thích nghiệp quá khứ và hiện tại, chúng ta cần nhớ rằng trong lời giải thích ấy kể như đã gồm cả tinh tấn và trí tuệ.
Tinh tấn và trí tuệ hiện hữu chỉ để cho những nghiệp ấy thành hình, hay nói khác hơn, chỉ vì sự thành tựu của những nghiệp ấy. Lời này là đúng, vì nếu không có những hành động cần phải tinh tấn, thời tinh tấn sẽ làm nhiệm vụ ở chỗ nào? Và nếu không có những điều khả tri, lúc ấy trí sẽ biết cái gì? Do đó cần lưu ý rằng ở chỗ nào Đức Phật giải thích tinh tấn và trí tuệ, lời giải thích của Ngài cũng bao hàm luôn hai nghiệp do tinh tấn và trí tuệ ấy tạo ra, và ngược lại.
Tóm lại, những lợi ích mà các chúng sinh thọ hưởng được kể như sau:
- Lợi ích trong kiếp hiện tại - diṭṭhadhammikattha
- Lợi ích trong các kiếp vị lai - samparāyikattha
- Lợi ích siêu thế - paramattha.
Tam tạng (Tipiṭaka) hay những lời dạy của đức Phật được thiết lập trên ba lợi ích này. Khi Đức Phật thuyết giải những lợi ích mà các chúng sinh thọ hưởng trong kiếp hiện tại, chúng ta nên nhớ rằng nghiệp hiện tại đã được tường giải trong những Tạng (Pitakas). Khi Ngài thuyết giải về những lợi ích mà các chúng sinh sẽ thọ hưởng trong kiếp tương lai, chúng ta cũng nên nhớ rằng nghiệp quá khứ cũng đã được giải thích trong các Tạng ấy. Trong một số bài pháp, ngài thuyết về Uẩn (khandhā), Xứ (āyatana), Giới (dhātu), Đế (saca), và Duyên-khởi (paṭiccasamuppāda) liên hệ với giáo lý Không tánh – suññatadhamma (doctrine of unsubstantiality). Chúng ta cũng nên lưu ý rằng khi Đức Phật Toàn Tri thuyết giải những điều này, lời giải thích của ngài đã bao hàm trong đó những lợi ích siêu thế vốn là những sự thực tuyệt đối. Những lợi ích siêu thế này cũng có liên quan đến lợi ích hiện tại (diṭṭha dhamikattha) và lợi ích tương lai (sampārayikattha). Do đó chúng ta cần nhớ rằng khi Đức Phật thuyết giải Pháp liên quan đến Không tánh (suññata) trong Tam Tạng, gồm cả nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại, thì toàn bộ Tam Tạng đều y cứ trên nghiệp quá khứ và hiện tại. Vì những lý do ấy, bậc trí nên biết rằng khi Đức Phật tuyên bố: 'Kammassakā sattā, kammadāyādā', bằng cách đó Ngài cũng muốn nói 'Ñāṇa vīriyassaka sattā, ñāṇavīriyadāyaka' (Trí tuệ và tinh tấn là tài sản của chúng sinh, các chúng sinh là kẻ thừa tự của trí tuệ và tinh tấn) vậy.
IX. Giải Thích Về “Kammassakā, v.v…”
1. Kammassakā : Bây giờ bần tăng sẽ giải thích tóm tắt câu 'Kammassakā satta, kammadāyādā, kammayonī, kammabandhū, kammappaṭissaranā'.
'Attano idanti sakam ' - vật gì của riêng ai thì đó là tài sản của riêng họ.
'Kamma eva sakam ete santi kammassakā - chỉ có nghiệp là tài sản của các chúng sinh. Do đó mới gọi 'kammassakā' (nghiệp là tài sản của chúng sinh).
Điều này được giải thích như sau: Người ta gọi vàng bạc, của cải, và châu báu họ thâu thập được là tài sản của họ, vì họ đang đề cập đến những tài sản ấy, và những thứ ấy thuộc về họ chứ không phải người khác. Trong thực tế, ngay cả như vậy, họ cũng không thể gọi những tài sản này là của riêng họ chỉ vì chúng thuộc về họ. Vì sao? Vì họ chỉ có thể hưởng được những tài sản ấy trong kiếp hiện tại, và khi chết rồi họ sẽ phải bỏ lại đằng sau mọi tài sản ấy, không thể mang chúng sang kiếp sau được. Ngay trong kiếp hiện tại cũng vậy, chẳng phải chỉ một mình con người đề cập đến tài sản của họ, mà 'nước', 'lửa', 'vua chúa', 'phường trộm đạo', và 'những kẻ thù' cũng có liên quan (hay có một sự liên hệ nào đó) đến những tài sản của họ theo cách hủy diệt chúng. Thực sự, chỉ có những thiện nghiệp và bất thiện nghiệp mà con người làm mới là những tài sản riêng của họ, vì những nghiệp này đi kèm theo dòng hữu phần của họ, có thể là trong hàng trăm, hàng ngàn đời sẽ tới, hay hàng trăm, hàng ngàn đại kiếp sẽ tới, và liên quan đến họ, chứ không phải ai khác, dù cho có hay không có 'nước', 'lửa', 'vua chúa', 'phường trộm đạo', hoặc 'kẻ thù'. Khi Đức Phật tuyên bố 'Nghiệp là tài sản của các chúng sinh - Kammassakā sattā' là muốn đưa ra một sự giải thích như vậy. Lời giải thích này cũng đúng với đoạn kế tiếp 'Kammadāyādā - các chúng sinh là kẻ thừa tự của nghiệp'.
2. Kammadāyādā: 'Kammassādāyam ādiyantīti kammadāyādā' (các chúng sinh thừa hưởng hết mọi nghiệp mà họ đã làm trong những kiếp quá khứ và hiện tại. Vì thế họ được gọi là những kẻ thừa tự của nghiệp vậy).
Những người thừa hưởng từ nơi cha mẹ vật gì thì gọi là người thừa tự của cha mẹ. Song, trong nghĩa chân thực, những người thừa hưởng của cha mẹ này không thể gọi là người thừa tự. Vì sao? Vì những vật như vàng bạc, của cải, châu báu chỉ tồn tại nhất thời. Do đó, người thừa hưởng những thứ tạm bợ này không thể gọi là người thừa kế chân thực và đích xác được. Trong thực tế, các chúng sinh chỉ thừa hưởng những thiện nghiệp và bất thiện nghiệp mà họ đã làm. Như vậy họ là kẻ thừa tự nghiệp riêng của họ mới đúng.
3. Kammayoni: 'Kammameva yoni etesanti kammayoni' (các chúng sinh là người nối dõi những nghiệp riêng của họ). Ý nghĩa cũng giống như trên.
4. Kammabandhū: 'Kammamevabandhu yesanti kammbandhū' (chỉ có nghiệp là quyến thuộc đích thực của các chúng sinh'.
Mọi người ai cũng có quyến thuộc và bè bạn, tuy nhiên, những người này không thể gọi là bè bạn chơn thực và đích xác được, vì họ cũng chỉ tồn tại nhất thời thôi. Do đó, chỉ một mình nghiệp là quyến thuộc thực sự của các chúng sinh.
5. Kammappaṭissaraṇā - 'Kammameva paṭissaraṇam yesanti kammappaṭissaraṇā' (chỉ có nghiệp là nơi nương nhờ đích thực của các chúng sinh) dù cho là thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp được các chúng sinh này làm bằng thân, khẩu, hoặc ý, thì họ cũng sẽ trở thành kẻ thừa tự của nghiệp đó.
Con người nương tựa vào các đấng thần thánh nào, thì các đấng ấy được gọi là nơi nương tựa của họ. Đối với những người nương tựa vào thần Vishnu, thì Vishnu là chỗ nương tựa của họ. Đối với người nương tựa vào Rāma (hóa thân của Vishnu), thì Rāma là nơi nương tựa của họ. Đối với những người nương tựa vào Tam bảo, thì Tam bảo là nơi nương tựa của họ.
Cái gọi là các vị thần như Vishnu, Rāma sở dĩ được gọi là nơi nương tựa (quy y ) bởi vì người ta quy y với họ và trông cậy vào họ, tuy nhiên những đấng ấy không thể là nơi nương tựa đích thực được, vì bản thân họ cũng không thường. Thực sự, chỉ có những nghiệp mà các chúng sinh đã làm và luôn luôn đi kèm với dòng hữu phần của họ trong suốt quá trình luân hồi này, chứ không phải một đấng thần linh hay Thượng Đế nào cả, là chỗ quy y chơn thực duy nhất của họ. Lời này là đúng sự thực. Người quy y với Đức Phật, họ làm vậy là để có được phước thiện, cũng như để có được những nghiệp tương ưng trí (paññā-paṭisamyutta-kamma). Trong thực tế, chỉ có những phước nghiệp (puññā-kamma) và nghiệp tương ưng trí (paññā-kamma) mà các chúng sinh tạo dựng được khi quy y nơi đức Phật mới là nơi nương nhờ đích thực của họ mà thôi.
6. Kammassakā, v.v… trong tương quan với nghiệp hiện tại.
Trong đời sống hàng ngày, ai cũng phải mưu sinh bằng cách làm những nghiệp (nghề) như buôn bán, canh tác, v.v… Những nghiệp hiện tại này chính là sở hữu của họ, nên gọi là 'kammassakā - nghiệp sở hữu'. Vì họ thừa hưởng nghiệp hiện tại này, nên họ được gọi là kẻ thừa tự của nghiệp (kammadāyādā). Vì nghiệp hiện tại là những nhân căn để của 'các phương thức tái sinh' nên chúng được gọi là 'nghiệp mẫu thai hay thai tạng - Kammyoni'. Vì những nghiệp hiện tại này là quyến thuộc của họ, nên được gọi là 'nghiệp thân thích' - Kammabandhū'. Vì nghiệp hiện tại là nơi nương nhờ của họ, nên mới gọi là 'nghiệp y tồn - Kammapaṭissavaṇā'.
Khi Đức Phật thuyết giải về nghiệp như một pháp căn bản, sự thuyết giải ấy bao hàm luôn những giải thích về các nhân phụ như thân cận các bậc thiện tri thức (kalyāṇimitta), gần gũi các bậc trí tuệ (panḍitasevanā) và thực hành pháp (dhammapaṭipatti), tất cả những điều này dẫn đến sự thành tựu của nghiệp.
Sự giải thích có tính cách khoa học: Khi tuyên bố 'Nghiệp là sở hữu của các chúng sinh, các chúng sinh là kẻ thừa tự của nghiệp - kammassakā satta, kammadāyādā', Đức Phật cũng có ý muốn nói như sau: “Những thiện và bất thiện nghiệp một khi đã được thực hiện bởi một người nào đó trong cuộc đời của họ, nghiệp ấy có thể sẽ chín muồi (cho quả) sau một quãng thời gian, có khi hàng trăm, hàng ngàn kiếp, hoặc có khi cả một kiếp của quả đất hay thậm chí lâu hơn. Như vậy thiện nghiệp vốn sẽ cho lạc quả dị thục và bất thiện nghiệp sẽ cho khổ quả dị thục ấy luôn luôn đi kèm theo dòng hữu phần của một chúng sinh.”
Chính vì thế chúng ta nên biết quý trọng 'thiện hạnh' hơn cả sinh mạng của mình và giữ gìn nó thật chu đáo. Còn về 'ác hạnh', ta phải biết ghê sợ nó hơn sợ chết và cố gắng tránh tạo ác nghiệp.
X. Bác Thuyết Tạo Hóa (Issaranimmāna)
1. Khái Niệm Về Một Đấng Sáng Tạo
Giáo thuyết chủ trương nhất phần thường, nhất phần vô thường (ekaccasassata-vāda) đã được đề cập trong các kinh như: kinh Phạm Võng (Brahmajāla sutta, thuộc Trường Bộ), kinh Phạm Thiên Cầu Thỉnh (Brahmanimantana sutta, thuộc Trung Bộ), và trong Tương Ưng Phạm Thiên của Tương Ưng Bộ, xem vị Đại Phạm Thiên, người đầu tiên cư ngụ trong cõi sơ thiền, là một chúng sinh tối thượng hay Thượng Đế sáng tạo để giải thích cho thuyết Tạo Hóa này.
Những người chấp tà kiến ấy chủ trương như sau: 'Quả thực chúng sinh này, vị Phạm thiên này, đấng Đại Phạm Thiên này, vị chiến thắng này, người không thể bị kẻ khác chiến thắng, chắc chắn là bậc biến nhãn (all-seeing), toàn năng (all-powerful), bậc cai trị, bậc sáng tạo của tam giới (gồm Okasalaka: Hư không giới; Sattaloka: Hữu tình giới; Sankharaloka: Hữu vi giới), đấng tối thắng, đấng quyền năng, đấng đã thực hành sự an định, cha đẻ của tất cả chúng sinh đang là và sẽ là. Và Ngài đã sáng tạo ra chúng ta.'
Thuyết Tạo hóa có mặt trong thế gian này do một số các vị Samôn và Bàlamôn tin vào thuyết nhất phần thường, nhất phần vô thường (ekaccassasata-vāda), một kiến chấp đã được các vị Phạm Thiên sau khi hết phước trong cõi Phạm Thiên, rơi xuống cõi nhân loại và Chư Thiên (devas), và họ có thể nhớ lại tiền kiếp của mình, chủ trương. Thuyết Tạo hóa này đã được giảng giải rõ trong kinh Phạm Võng. Trước khi Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện, tà kiến này đã được nhiều người Bàlamôn chủ trương. Khi Đức Phật xuất hiện, Ngài bác hết tất cả mọi tà kiến, và tà kiến về thuyết Tạo hóa này đã không còn có cơ hội phát triển ở Ấn Độ.
Những người tin tưởng vào sự sáng tạo của một đấng Thượng Đế được gọi là issaranimmāna-vādi – thần hóa luận giải. (Ba cách phản bác thuyết Tạo hóa này cũng giống như trường hợp phản bác tiền định kiến vậy.)
2. Chỉ Có Nghiệp Là Tài Sản Riêng Của Con Người
Những người chấp vào thuyết Tạo hóa hoàn toàn loại bỏ chánh kiến (đã giải thích trong đoạn 'Kammassakā sattā kammadāyādā - Nghiệp là tài sản của các chúng sinh, chúng sinh là kẻ thừa tự của nghiệp’) Mặc dù họ loại trừ chánh kiến này, song họ không biết rằng họ đã vô tình lọt vào phạm vi của 'nghiệp sở hữu - kammassakā' và 'nghiệp thừa tự - kammadāyādā'. Điều này là đúng. Những người tin tưởng nơi sự sáng tạo của một đấng siêu nhiên hay Thượng Đế cũng trở thành 'chủ nhân ông của nghiệp' và 'kẻ thừa tự của nghiệp'. Vì sao? Bần tăng sẽ làm sáng tỏ vấn đề.
Đối với lãnh vực hoạt động của nghiệp quá khứ, những người chủ trương thuyết tạo hóa mưu sinh bằng việc canh tác đất chẳng hạn. Chỉ do hành động canh tác đất này, họ đã trở thành chủ nhân ông tài sản của họ - tức những nghiệp do chính họ làm. Điều đó có nghĩa rằng họ có những tài sản dưới dạng 'canh tác'. Một số khác mưu sinh bằng việc mua bán. Chính do hành động mua bán này, họ trở thành chủ nhân ông tài sản của họ - nghiệp mua bán do họ thực hiện. Điều đó có nghĩa rằng họ có những tài sản dưới hình thức của hành động mua bán. Số khác mưu sinh bằng việc phục vụ cho chính phủ. Chính do những hành động phục vụ chính phủ này, họ trở thành chủ nhân ông những tài sản của họ - là hành động phục vụ chính phủ do họ thực hiện. Điều đó có nghĩa rằng họ có những tài sản dưới hình thức 'phục vụ chính phủ'. Đối với các lãnh vực hoạt động khác, như các ngành nghệ thuật, khoa học, v.v…, nguyên tắc này cũng có giá trị tương tự.
Có số người tin tưởng nơi một Thượng Đế quyền năng và nương tựa nơi vị này. Song họ chỉ có thể có được tài sản và danh vọng khi nào bản thân họ cố gắng làm một ngành nghề nào đó. Ngược lại, chỉ do có đức tin nơi Thượng Đế quyền năng, ắt hẳn họ không thể có tài sản và danh vọng như vậy được.
Có những người chẳng những không tin mà còn bác bỏ sự hiện hữu của Thượng Đế. Những người này cũng phải làm việc để mưu sinh, nhờ vậy có được của cải và danh vọng. Do đó, người có trí hiểu rằng chỉ có những hành động do chính con người thực hiện mới cho họ của cải và vinh quang chứ không có một đấng Thượng Đế nào có thể cho họ bất cứ điều gì cả.
3. Các Chúng Sinh Được Cứu Độ Bởi Nghiệp Riêng Của Họ Như Thế Nào?
Những người tin tưởng vào Thượng Đế, qui y nơi Thượng Đế, có đức tin nơi Thượng Đế và sùng kính Thượng Đế suốt cuộc đời. Họ tin rằng chỉ có ai tin vào Thượng Đế, khi chết mới được ngài cứu độ, còn ai không tin nơi ngài sẽ không được ngài cứu.
Ở đây, rõ ràng là chỉ những ai tin tưởng vào Thượng Đế, có đức tin và qui y nơi ngài thì sẽ được ngài cứu độ, chứ không phải người khác. Sự giải thích của những người tin thuyết Tạo hóa thực đã quá rõ ràng. Vì thế, một điều hiển nhiên rằng chỉ có những nghiệp của họ, dưới hình thức 'tin tưởng vào Thượng Đế', 'qui y nơi Thượng Đế' và 'sùng kính Thượng Đế' mới có thể cứu được họ, còn bản thân đấng Thượng Đế quyền năng kia không thể cứu họ. Ý nghĩa này hoàn toàn rõ ràng.
4. Giải Thích Thêm
Trong thế gian này, tất cả mọi người, dù tin hay không tin vào Thượng Đế, đều phải theo đuổi những công việc làm ăn khác nhau để tự mưu sinh. Trong ‘lãnh vực hoạt động của nghiệp hiện tại’, chẳng có sự khác biệt nào dành cho bất kỳ ai. Như vậy, với mắt trần chúng ta thấy rằng mọi người ai cũng phải làm việc để mưu cầu sự sống, và chính điều này đã làm cho họ trở thành ‘chủ nhân ông của nghiệp riêng của họ dưới hình thức những nghiệp (hành động có chủ ý) trong đời hiện tại.’
Đối với lãnh vực hoạt động của nghiệp quá khứ cũng vậy, không có sự khác nhau nào cả. Với nhãn quan của mình, chúng ta thấy rằng do nghiệp quá khứ của mỗi người tạo điều kiện, ai cũng phải làm việc để duy trì sự sống. Có lẽ chúng ta chưa hề thấy một lợi lạc nào khác có được do sự trung gian của Thượng Đế mà không có sự hoạt động của nghiệp, hoặc quá khứ hoặc hiện tại cả.
5. Cái Ác Ngự Trị Thế Gian
Trong thế gian này có những loại chúng sinh như: người cao thượng, người thấp hèn, người giàu sang, người nghèo khó, người sống lâu, người đoản thọ, người ít bệnh, người nhiều bệnh, người đẹp đẽ, người xấu xí, người đạo đức, người vô luân, người có học, người vô học, người độc ác, trộm cắp, đạo tặc, người phong hủi, người mù lòa, người điếc, người câm, người giết mẹ, người giết cha, người sát nhân, người có tính hay táy máy (cắp vặt), người có thói quen tà dâm, người nói dối, người nói chia rẽ, người nói độc ác, người ưa nói chuyện phù phiếm, người tham lam, người sân hận, người chấp thủ tà kiến. Như vậy, cuộc đời này, người ngay thẳng có rất ít, còn người đê tiện, hèn hạ lại rất nhiều.
6. Chánh Kiến Của Những Người Tin Vào Nghiệp Và Quả Của Nghiệp
Những người tin tưởng vào nghiệp quá khứ và hiện tại, cũng như tin vào những dị thục quả của nghiệp sẽ có chánh kiến như sau: Đối với lãnh vực hoạt động của nghiệp quá khứ, các chúng sinh do đã thực hiện được những thiện nghiệp trong đời trước, bây giờ họ hưởng dị thục quả dưới hình thức trở thành người cao thượng; và những chúng sinh do đã thực hiện những bất thiện nghiệp trong kiếp quá khứ, họ phải chịu quả dị thục dưới dạng trở thành người hạ liệt. Lại nữa, đối với lãnh vực hoạt động của nghiệp hiện tại, do những chúng sinh này làm việc siêng năng trong kiếp hiện tại, họ trở thành người cao thượng, còn những chúng sinh kia do thực hiện những ác hạnh, nên họ trở thành những loại người hạ liệt,v.v…
XI. Phản Bác Vô Nhân Kiến (Ahetuka)
1. Quan Niệm Về Sự Vô Nhân Của Hiện Hữu
Những người chấp vô nhân kiến chủ trương như sau: ‘Mọi việc trong đời này, chẳng hạn như sự hư hỏng hoặc sự thanh tịnh của các chúng sinh, đã được tiền định trước bởi số phận, chứ không phải do nghiệp quá khứ hay hiện tại, cũng chẳng phải do tinh tấn và trí tuệ.’ Và tất cả những điều này đã được giải thích trong chương nói về sự phản bác Thuyết Tiền định (pubbekata). Hay nói cách khác, họ chủ trương rằng mọi việc trong thế gian này tự nó có mặt chứ chẳng phải do nhân, do duyên nghiệp quá khứ, hay do nhân do duyên sinh nghiệp và trì nghiệp chi cả. Các hiện tượng tâm lý và vật lý khác nhau của hiện hữu được định danh theo qui ước như tự ngã, cá nhân, đàn ông, đàn bà, thú vật v.v… chỉ là trò chơi của sự may rủi không lối thoát, chứ không phải là kết quả của các nhân và duyên. Chúng tự có mặt theo lối riêng của chúng mà không phải do một đấng sáng tạo tạo ra, hay do nhân và duyên sanh nghiệp và trì nghiệp nào làm nên. Những điều như 'giàu', 'nghèo', 'tự mãn', 'phá hoại', 'độc ác', 'thông minh' v.v… tự chúng có mặt và không phải do bất kỳ một nhân hoặc duyên nào cả. Ba cách phản bác Vô nhân kiến cũng giống như ba cách trong trường hợp của Tiền định kiến vậy.
2. Không Nghiệp Nào Có Thể Tự Sanh
Trước khi đức Chánh Biến Tri xuất hiện, Vô nhân tà kiến này đã được các ngoại đạo sư như Guṇakassapa chủ xướng. Trong thời kỳ đức Phật, ‘Thuyết Vô Nhân’ của hiện hữu dựa trên thuyết định mệnh này đã được Makkhali-GosālaAcelaka của Ấn Độ giảng dạy. Những người chủ trương Vô nhân kiến loại bỏ quan niệm ‘các chúng sanh là chủ nhân ông của nghiệp’ (Kammasakata) vốn là lời dạy của Đức Phật. Mặc dù họ loại bỏ quan niệm này, song họ không biết một thực tế là chính họ, bằng cách đó, đã trở thành những người chấp theo ‘Nghiệp Sở hữu kiến’ - Kammasakata. Nếu, theo tà kiến này, mọi hiện tượng tâm vật lý của hiện hữu chỉ là trò chơi của sự may rủi không lối thoát chứ không phải là kết quả của các nhân và duyên, thì sẽ không có gì khác biệt giữa ‘lãnh vực hoạt động của nghiệp quá khứ’ và ‘lãnh vực hoạt động của nghiệp hiện tại’. Cũng như sẽ không có gì khác nhau giữa người phạm tội nhỏ hay người phạm trọng tội, giữa người hành xử ác độc với người hành xử có trí, vì mọi hành nghiệp đều không phải là kết quả của nhân - duyên, mà chúng tự hiện hữu hoặc như một qui luật chung chung vậy thôi.
3. Các Đặc Tính Khác Của Nghiệp, Trí (Ñāṇa) và Tinh Tấn (Viriya)
Theo thuyết Vô nhân này, mọi ước-muốn-làm, tinh tấn, và hành nghiệp sẽ được xem là vô ích và không đem lại kết quả gì, vì cho dù một người có thực hiện những hành động cao thượng đến đâu chăng nữa, họ cũng chẳng có được một dị thục quả đặc biệt nào. Và nếu họ cứ giữ thái độ biếng nhác, không làm gì cả thì cũng thế mà thôi. Trong thực tế, những pháp như Ý chí, Trí tuệ và Tinh tấn này chẳng phải không giá trị và kết quả. Đó là những pháp (dhamma) chắc chắn sẽ cho những dị thục quả. Vì rõ ràng là tính chất lớn hay nhỏ của nghiệp hiện tại tùy thuộc vào mức độ của ước - muốn - làm (dục), tinh - tấn, cũng như trí - tuệ mà con người vận dụng.
Do sự đa dạng của nghiệp mà có muôn màu muôn vẻ dị thục quả. Liên quan đến vấn đề này, những người có trí sẽ giữ vững chánh kiến và tin rằng trong lãnh vực hoạt động của nghiệp hiện tại, những hành động dẫn đến ‘tự mãn’, ‘hủy diệt’, ‘giàu có’ hoặc ‘nghèo nàn’ mà các chúng sinh kinh nghiệm trong kiếp hiện tại được gọi là ‘các nhân căn để’. Việc này là hoàn toàn rõ ràng trong đời hiện tại, và trong đời tương lai cũng thế, ước - muốn - làm, tinh - tấn và trí - tuệ tạo ra sự giàu sang, nghèo hèn, tự mãn và hủy diệt của các chúng sinh. Không có thiện hạnh và ác hạnh nào mà không tạo ra kết quả. Thực sự, chúng sẽ tạo ra các dị thục quả thích hợp. Vì những tâm sở này không phải vô sinh mà chắc chắn sinh quả. Đối với lãnh vực hoạt động của nghiệp quá khứ cũng thế, các chúng sinh, do tính chất đa dạng của nghiệp quá khứ làm duyên, sẽ có những loại dị thục quả khác nhau trong những kiếp tương lai của họ, không khác.
4. Xác Định Nhân Do Thấy Quả
Chẳng hạn, do thấy các loại cây cối và hoa trái khác nhau, chúng ta có thể xác định rằng chúng có những loại hạt giống khác nhau. Cũng vậy, do thấy những địa vị khác nhau của các chúng sinh, như tự mãn, hủy hoại, giàu, nghèo v.v… chúng ta có thể phán đoán được các loại nghiệp sai biệt mà họ đã phạm trong những đời quá khứ.
Đức Như Lai biết tất cả những điều này. Ngài đã thấu triệt và thấy rõ sự vận hành của nghiệp trong các lãnh vực hoạt động ở quá khứ cũng như hiện tại, và những dị thục quả của chúng, như giàu, nghèo hay những thăng trầm của cuộc đời. Vì những lý do ấy ngài có thể phản bác thuyết vô nhân của ngoại đạo.
XII. Giải Thích Thêm về Kammassakā-Vāda
1. Ba Nhân hay Duyên
Đoạn 'Kammasakā…' (các chúng sinh là chủ nhân của nghiệp) đã được giải thích tường tận trong chương nói về sự phản bác Tiền định kiến rồi. Ở đây, bần tăng sẽ chỉ giải thích những điều nào chưa được giải thích ở chương đó mà thôi. Chúng ta biết, có những người làm nông nghiệp, canh tác đất đai. Để cho việc canh tác của họ có được kết quả hay bị hư hoại, cần phải có các nhân, hay các điều kiện. Đó là:
1. Hetu (nhân)
2. Paccaya (duyên hay điều kiện hỗ trợ)
3. Sambhāra (tư lương hay điều kiện cấu thành).
Trong ba nhân này,
- Hạt giống và người canh tác là các nhân chính (hetu)
- Chất mầu mỡ hay dưỡng chất (oja) hàm chứa trong đất canh tác ấy là duyên hay điều kiện hỗ trợ (paccaya)
- Những yếu tố sau là các nhân hay điều kiện cấu thành (sambhāva): mưa, hệ thống thoát nước, sông lạch nuôi dưỡng cánh đồng, mây, gió, mặt trời, mặt trăng, các vì sao, cộng với việc thực hành giới mà người dân trong xứ sở ấy thọ trì.
2. Ví Dụ Cụ Thể
Ở đây, nếu thóc giống chắc và tinh ròng, việc canh tác sẽ thành công và có được một vụ mùa như mong đợi. Nếu ngay từ ban đầu hạt giống không được tinh ròng hay phẩm chất kém, việc canh tác sẽ không thành công và một vụ mùa thất thu sẽ là kết quả. Cho dù hạt giống có chắc và đầy đủ vỏ lụa chăng nữa, việc canh tác chỉ có thể được xem là thành công khi người canh tác biết khi nào thì vỡ đất, cày bừa, ươm mạ, trồng lúa, và làm tất cả những gì cần thiết cho việc canh tác. Mặc dù người canh tác đã làm tất cả những gì được đòi hỏi cho việc trồng trọt rồi, song một lượng mưa thích hợp mới đem lại một vụ mùa tốt đẹp, còn một lượng mưa tồi sẽ đem lại một vụ mùa tồi, và nhất là dẫn đến sự hủy hoại của việc canh tác. Cho dù mưa thuận gió hòa, song nếu không có hệ thống thoát nước hay bờ đập để dẫn nước vào ruộng khi cần và xả nước ra khi những cánh đồng ngập úng, việc canh tác cũng không thành công mà còn có khả năng bị tiêu hoại. Đối với những cánh đồng được dẫn thủy nhập điền bằng nước sông cũng vậy, người canh tác phải biết khi nào thì dẫn nước vào và khi nào thì không. Nếu không vụ mùa sẽ bị tiêu hoại. Nước trong sông còn tùy thuộc vào lượng mưa đổ xuống các vùng núi non, cao nguyên. Nếu không có mưa trên thượng nguồn hay cao nguyên, nước sông cũng không thể tăng lên được. Còn mưa thì chỉ có thể rơi xuống khi các nhân và duyên cần thiết đủ đầy; ngược lại cũng chẳng có mưa.
3. Nghiệp Và Ví Dụ Trên
Ở đây, chúng ta thấy rằng chỉ vấn đề canh tác thôi cũng đã có hàng ngàn nhân duyên cho sự thành công hay tiêu hoại của nó.
Những điều đề cập ở trên chỉ là sự giải thích tóm tắt những gì đang thực sự xảy ra trong thế gian.
4. Quả Báo Chính Và Quả Báo Phụ
Nghiệp quá khứ tạo ra lạc khổ của các chúng sinh trong kiếp kế có thể có hai loại quả - đó là quả báo chính và quả báo phụ.
5. Nghiệp Hiện Tại Và Hai Loại Quả
Trước tiên, bần tăng sẽ giải thích về nghiệp hiện tại trên phương diện này. Chẳng hạn, một người học một ngành nghệ thuật lớn hay một nghề thủ công. Khi chưa xong khóa học, anh ta phải chịu đựng biết bao nhiêu thứ khổ phát sinh do việc học nghề này. Tuy nhiên, đôi lúc anh ta cũng gặp chút ít lạc hay hạnh phúc trong thời gian học của mình. Khi thành tài, anh ta sẽ kiếm được nhiều tiền, hoặc có thể có được một địa vị cao trong chính phủ. Khi ấy anh ta sẽ có được hạnh phúc và giàu có. Do người này là người khéo học, quyến thuộc và bè bạn của anh ta cũng có thể hưởng được các loại lạc nhờ anh ta.
6. Kết Quả Phụ
Như trên chúng ta thấy, cái khổ mà một người phải trải qua trước khi hoàn tất khóa học, và những lợi ích mà thân quyến và bè bạn của anh ta hưởng được nhờ tài năng của anh ta không phải là những kết quả chính của việc học tập, mà chỉ là những kết quả phụ.
7. Kết Quả Chính
Trong bất cứ một ngành nghệ thuật hoặc một nghề thủ công nào cũng vậy, sau khi hoàn tất việc học tập, nếu một người thành công, họ có thể sẽ kiếm được tài sản lớn hay sẽ hưởng được một địa vị xứng đáng trong chính phủ hoặc hưởng được các thứ lợi lạc khác. Những điều ấy mới là kết quả chính của việc học tập của anh ta.
8. Ác Nghiệp Và Hai Loại Quả
Tương tự, đối với ác nghiệp cũng có hai loại quả như vậy. Chẳng hạn, một người giết một người khác, những người thù ghét người đã chết này có thể ca ngợi kẻ sát nhân và tỏ lòng kính trọng hắn, hoặc có thể tặng cho hắn một số tiền hay hiện vật có giá trị tương đương. Ngược lại, thân quyến của người quá cố sẽ căm giận kẻ sát nhân, họ có thể sẽ giết hắn để trả thù, hoặc vận chuyển bánh xe công lý để cho kẻ sát nhân này phải nhận án tử hình. Những quả nghiệp dị thục của kẻ sát nhân, tức ác nghiệp giết một người còn sống, được gọi là những kết quả phụ.
Kẻ sát nhân ấy, vào lúc thân hoại mạng chung, sẽ phải tái sinh vào những cõi khổ kể như dị thục quả của ác nghiệp giết người của hắn, và chịu đựng muôn vàn đau khổ. Đây là kết quả chính của hắn.
Nếu kẻ sát nhân, do thiện nghiệp quá khứ làm duyên, được tái sinh làm người, thì dù sinh ở đâu, hắn cũng sẽ bị đoản thọ (chết non), đa bệnh, và gặp oan trái với những người thù địch. Đây là kết quả chính của nghiệp giết người trong kiếp hiện tại của hắn.
Do hành động giết người này, quyến thuộc của hắn ta sẽ phải chịu nhiều đau khổ. Đấy chỉ là những kết quả phụ. Đối với trường hợp của thiện nghiệp cũng thế, nguyên tắc này có giá trị tương tự.
Lại nữa, quả phụ còn được phân làm hai loại:
- Loại có hiệu lực vào lúc can dự vào hành động,
- Loại có hiệu lực khi nghiệp tương xứng thành thục trong kiếp tương lai.
Trong hai loại này, dị thục quả xảy ra vào lúc phạm một nghiệp thường không ‘cân đối’. Người chịu quả báo phụ của một thiện nghiệp có thể cảm thọ khổ, trong khi người chịu quả báo phụ do một ác nghiệp có thể cảm thọ lạc hay được hạnh phúc. Song khi nghiệp tương xứng đã chín muồi trong một kiếp tương lai nào đó, thì quả báo phụ lại ‘cân đối’, vì ác nghiệp lúc đó sẽ cho quả dị thục khổ và thiện nghiệp sẽ cho quả dị thục lạc không sai chạy.
9. Quả Báo Chính
Quả báo chính xảy ra một cách chắc chắn, vì thiện nghiệp sẽ cho một dị thục quả thiện chứ không cho một dị thục quả bất thiện; còn ác nghiệp sẽ cho một dị thục quả ác chứ không cho một dị thục quả thiện được. Quả báo chính xảy ra trong dòng hữu phần của người làm hành động (người tác nghiệp) chứ không phải trong dòng hữu phần của một ai khác. Sau khi cảm thọ quả báo chính của nghiệp mình làm, nếu người này chết, quả báo chính cũng tiêu sạch không để lại chút phản ứng nào của nó.
10. Quả Báo Phụ
Trong trường hợp của quả báo phụ, nó có thể xảy ra trong dòng hữu phần của những người khác. Vì thế ngay cả khi người tác nghiệp chết, phản ứng của quả báo phụ vẫn còn, hoặc đem lại điều tốt hoặc đem lại điều xấu cho những người khác.
Bần Tăng sẽ giải thích điều này rõ ràng hơn. Giả sử một chúng sinh có giới đức và năng lực, đã làm tất cả các ba la mật trong những kiếp trước, bây giờ tái sinh vào bào thai của một người nữ nào đó. Kể từ lúc thụ thai đứa trẻ phi thường ấy, cha mẹ đứa trẻ sẽ được thành mãn trong mọi công việc và tài sản, tôi tớ cũng gia tăng. Nếu đó là một gia đình hoàng tộc, thì những vị cố vấn tài trí và những binh tướng gan dạ chắc chắn sẽ có mặt. Địa phương nơi đứa trẻ tái sinh sẽ được mưa thuận gió hòa, dân cư trong vùng cũng an cư lạc nghiệp. Nói chung, xứ sở này sẽ trở nên thịnh vượng. Đây là phản ứng của quả báo do chúng sinh giới đức và có năng lực ấy đem lại.
Liên quan đến điều này kinh Pháp Cú có nói:
Dullabho purisājañño
Na so sabbattha jāyati,
Yatta so jāyatī dhīro
Tam kulam sukham edhati
(DP. 193)
Thánh nhân thật hiếm thay!
Chẳng phải đâu cũng có,
Nơi nào bậc trí sanh
Gia tộc ấy được lạc.
11. Nghiệp Hiện Tại Và Quả Báo Phụ
Ở đây, bần Tăng sẽ giải thích sự việc này bằng một ví dụ. Nếu một người có khả năng, bằng vào sức mạnh, tài sản hoặc kiến thức kỹ thuật của mình, kiến tạo những mảnh đất có thể trồng trọt được, xây dựng hoa viên, hồ nước, giếng ăn, đập nước, kênh lạch, và những con đường v.v…, những công trình kiến tạo này sẽ tồn tại trong một thời gian dài và đem lại lợi ích cho rất nhiều người, đồng thời nhờ những công trình ấy mà nhiều người có thể sẽ gặt hái được lắm lợi lạc.
12. Nghiệp Quá Khứ Và Quả Báo Phụ
Như chúng ta đã thấy quả báo phụ của nghiệp hiện tại với chính nhãn quan của mình, trong trường hợp lãnh vực hoạt động của nghiệp quá khứ cũng vậy, nhiều người có thể nương tựa vào con người đức hạnh phi thường này. Ngược lại, do phản ứng của ác nghiệp mà một chúng sinh đã làm trong kiếp quá khứ, nhiều người cũng phải chịu những nhọc nhằn, khổ sở.
Như vậy, bậc trí tin rằng mỗi chúng sinh ai cũng có nghiệp quá khứ và hiện tại cùng với những quả báo chính và phụ của chúng.
Trên đây là lời giải thích tóm tắt cách nghiệp quá khứ và hiện tại cho những loại dị thục quả khác nhau như thế nào.
XIII. Giải Thích Về Thân Kiến (Attā-Diṭṭhi)
1. Các chúng sinh phải lang thang trong những cõi sống vui và khổ do thân kiến như thế nào?
Các loại tà kiến khác nhau, các loại ác pháp khác nhau và các loại nghiệp khác nhau nằm ngầm trong và đi kèm theo dòng hữu phần của các chúng sinh còn đang lang thang trong vòng tử sinh luân hồi. Do những tâm sở bất thiện này, mà những điều sau có mặt rất rõ rệt.
1. Bốn cõi thấp (cõi khổ), và
2. Các loại hành nghiệp bất thiện khác nhau.
Do những tâm sở xấu xa này mà các chúng sinh cứ mãi trôi lăn trong các cảnh giới sinh tồn khác nhau. Không nói quá đáng đâu, ngay cả những con heo, con chó, v.v… thuộc bốn cõi thấp trong quá trình luân hồi có thể sẽ trở thành các vị Đại Phạm Thiên. Đôi khi chúng sẽ sinh vào các cảnh giới Phạm Thiên cao hơn, chẳng hạn như Quang Âm Thiên (ābhasara), Biến Tịnh Thiên (subhakiṇha), Quảng Quả Thiên (vehapphala) và những cõi vô sắc. Mặc dù chúng có cơ hội được tái sinh trong những cõi Phạm Thiên cao vời này, khi mà thọ mạng của chúng đã tận hoặc khi phước của chúng đã hết, chúng cũng phải tái sinh lại vào bốn cõi thấp. Đây là đường lối của thế gian.
Bộ Phân Tích có nói:
Ukkhittā puññatejena,
Kāmarūpagatim gatā,
Bhavaggatampi sampattā
Puna gacchanti duggatim.
Do các thiện nghiệp làm duyên, các chúng sinh sẽ tái sinh vào dục giới, sắc giới, và ngay cả cõi phi tưởng phi phi tưởng xứ (neva-saññā-nā saññāyatana) thuộc cõi vô sắc. Dù cho là vậy, khi thọ mạng của chúng đã mãn, hoặc khi phước của chúng đã cạn, chúng cũng phải tái sinh vào bốn ác đạo.
Vì những tâm sở ác tà kiến và ác nghiệp ấy luôn luôn đi kèm theo dòng hữu phần của các chúng sinh, cho dù họ có thành các vị Đại Phạm Thiên, họ cũng chỉ là hàng phàm nhân (puthujjanas), và là những cư dân của cõi thế gian. Cũng như những viên đá hay những mũi lao ném lên trời, cuối cùng rồi sẽ rơi xuống đất trở lại do lực hấp dẫn như thế nào, thời các chúng sinh có thể phải tái sanh vào bốn cõi thấp cũng vậy. Khi dòng hữu phần của họ chứa chất đầy những tâm sở y như địa ngục, thì họ sẽ là những chúng sinh đang đi về hướng các địa ngục (tạm thời); khi những tâm sở độc ác đi kèm với dòng hữu phần, họ là những chúng sinh có tâm địa độc ác, chắc chắn sẽ làm các ác nghiệp; khi họ tồn tại trong cõi mà ác nghiệp có rất nhiều, họ là những cư dân của cõi đó; khi họ tồn tại trong cõi mà hầu hết các chúng sinh không có ‘tuệ nhãn’, họ là những cư dân của cõi đó.
Thế nào là cõi ác nghiệp có nhiều (kaṇha-bhūmi) và thế nào là cõi các chúng sinh bị mù quáng do ngu dốt, không có ‘tuệ nhãn’ (andha bāla-bhūmi)? Những tà kiến (pāpa diṭṭhi), ác pháp (pāpa-dhamma) và bất thiện nghiệp (pāpa-kamma) đã đề cập ở trên hiển hiện rõ ràng trong hai cõi này - kaṇha bhūmi và andha-bāla bhūmi. Câu hỏi kế tiếp: Vì sao ngay cả các vị Đại Phạm Thiên cũng hiện hữu trong hai cõi này? Vì họ có thân kiến hay thường kiến 'Tôi là, Tôi là'.
2. Sức Mạnh Của Thân Kiến
Căn nguyên của mọi tà kiến, mọi bất thiện tâm sở và mọi ác nghiệp là attā-diṭṭhi (thân kiến). Bao lâu những tà kiến này (pāpa-diṭṭhi) còn tồn tại trong dòng hữu phần của một chúng sinh, thời tà kiến, tà pháp (pāpa-dhamma) và tà nghiệp (pāpa-kamma) cũng sẽ tồn tại ở đó. Hễ những tà kiến này còn kèm theo dòng hữu phần của họ, họ sẽ được gọi là ‘người hướng về địa ngục’, ‘người làm điều ác’, ‘cư dân của cõi ác nghiệp thịnh hành’, và ‘cư dân của cõi các chúng sinh bị mù lòa vì si mê - andha-bāla’. Một khi thân kiến diệt, cả ba tà kiến này cũng sẽ bị dập tắt cùng với các loại ác pháp.
Những người không thể diệt trừ thân kiến sẽ trở thành kẻ thừa tự của pāpa-diṭṭhi (tà kiến). Như thế nào? Bởi vì khi một người còn có thân kiến chắc chắn sẽ không thể loại trừ vô vàn tà kiến, tà pháp và tà nghiệp mà họ đã chấp giữ trong nhiều đại kiếp hay nhiều kiếp sống trong vòng tử sinh luân hồi vậy.
Dù cho những chúng sinh mà dòng hữu phần của họ được kèm theo bởi thân kiến này có tái sinh vào cõi phi tưởng phi phi tưởng xứ chăng nữa, những tà kiến, tà pháp và tà nghiệp ấy cũng vẫn cho họ những dị thục quả tương xứng và tất nhiên sẽ kéo họ vào những cõi thấp hơn.
Bao lâu con người không thể loại bỏ thân kiến này, họ sẽ phải trở thành những nạn nhân của tà kiến, tà pháp và tà nghiệp, trong các kiếp tương lai của họ. Và trong bất kỳ kiếp sống nào mà họ sinh ra, họ vẫn sẽ chấp nhận tất cả những tà kiến nào mà họ gặp, thực hiện các loại ‘ác hạnh’ nào họ có cơ hội thực hiện, và phạm vào những trọng nghiệp như giết cha, giết mẹ, v.v…
Trong kiếp hiện tại cũng vậy, thường những ai có thân kiến thì sẽ có khuynh hướng chấp nhận tà kiến, nuôi dưỡng các bất thiện tâm sở và làm những điều ác.
3. Thuyết Tạo Hóa Phát Sinh Do Thân Kiến Thế Nào?
Thực sự, Thuyết Tạo-hóa (issaranimmāna) có mặt trong cuộc đời là do thân kiến này. Chính do thân kiến (aṭṭā diṭṭhi) mà Đại Phạm Thiên (Māha Brahmā) vốn không biết mình từ đâu đến và khi nào thì sẽ rời khỏi Phạm Thiên giới này nghĩ mình là thường hằng, bất biến, vĩnh cửu, không phải chịu sự đổi thay, và tồn tại như một đấng vĩnh hằng. Vị Phạm Thiên này tự nhủ: ‘Ta là đấng Phạm Thiên, Đại Phạm Thiên, bậc chiến thắng, bậc không ai có thể chiến thắng, bậc biến nhãn, đấng quyền năng, bậc cai trị, sáng tạo chủ, đấng tối thắng, đấng toàn năng, đấng đã hành (và đạt đến) an định, cha của tất cả chúng sinh đang là và sẽ là.’ Thỉnh thoảng vị này hiện ra nơi các cõi Phạm Thiên có thọ mạng ngắn hơn và nói: ‘Ta là vĩnh hằng; Ta là toàn năng; Ta tạo ra tất cả các người.’
Khi các vị Phạm Thiên kia nghe những lời ấy, họ tin tưởng ông ta và như vậy trở thành những người chấp giữ thuyết Tạo hóa này. Phạm Thiên còn vậy, nói gì đến những chúng sinh tái sinh nơi các cõi chư Thiên và nhân loại! (Những người chủ trương thuyết tạo hóa này từ đó xem ông ta như đấng sáng tạo của họ. Tóm lại, xuất phát từ những lời của vị Đại Phạm Thiên đó mà tà kiến này có mặt trong cuộc đời vậy.
4. Không Có Hạnh Phúc Thực Sự Khi Còn Thân Kiến
Bao lâu con người không thể loại trừ thân kiến (attā-diṭṭhi), dù cho họ có trở thành một vị Đại Phạm Thiên tự xưng là đấng sáng tạo chăng nữa, họ cũng sẽ không tài nào thoát ra khỏi sự trói buộc của tà kiến, tà pháp, tà nghiệp, vốn đã nảy sinh trong dòng hữu phần của họ trong những kiếp quá khứ, đang khởi lên trong kiếp hiện tại và cũng sẽ hiện hữu trong những kiếp tương lai của họ, và chắc chắn họ sẽ phải tái sinh vào những cõi thấp trong đời sau.
Như vậy họ chỉ là cư dân của những cõi đa nghiệp chướng (kaṇha-bhūmi), cũng như cá và rùa phải cư trú trong đại dương. Vì họ không có ‘tuệ nhãn’ nên họ cũng còn là những cư dân của cõi mà các chúng sinh bị mù lòa do si mê (andha-bāla bhūmi).
Hiện tại những chúng sinh phải tái sinh vào các cõi thấp do bất thiện nghiệp quá khứ mà họ đã tạo, song bất luận ai trong họ cũng có thể, trong một kiếp tương lai nào đó, trở thành một vị Đại Phạm Thiên tự xưng mình là Thượng Đế toàn năng, khi thiện nghiệp quá khứ của họ chín muồi. Như vậy, chúng ta cần phải nhớ rằng, nếu attā-diṭṭhi (thân kiến) còn ngủ ngầm trong dòng hữu phần của các chúng sinh, họ không thể nào tìm được hạnh phúc chơn thực trong khi còn đang lang thang trong vòng tử sinh luân hồi, và chắc chắn cũng sẽ không thể tìm được lối thoát ra khỏi vòng trầm luân ấy.
XIV. Những Lợi Ích Xuất Phát Từ Việc Đoạn Diệt Hoàn Toàn Thân Kiến
1. Không Còn Tái Sinh Vào Địa Ngục
Khi người ta có thể tẩy trừ thân kiến vốn là căn nguyên của tà kiến, thì những hiện tượng tâm lý đã từng đi kèm theo dòng hữu phần của họ trong quá khứ, đang đi kèm trong kiếp hiện tại và sẽ đi kèm với dòng hữu phần của họ trong các kiếp tương lai này, sẽ bị hủy diệt hoàn toàn.
Lúc ấy họ sẽ trở thành kẻ thừa tự của những thiện nghiệp mà họ đã làm trong quá khứ, đang làm trong hiện tại, và sẽ làm trong kiếp tương lai. Một khi các chúng sinh này đã loại bỏ được thân kiến, thì mọi tà kiến, mọi bất thiện tâm sở và ác nghiệp dẫn họ vào bốn ác đạo sẽ diệt cùng với thân kiến ấy. Họ không còn phải tái sinh trong bốn ác đạo, và chắc chắn sẽ thoát khỏi sự kềm kẹp của chúng trong các kiếp sống tương lai. Vì họ không còn tạo tác những ác nghiệp, nên họ sẽ vĩnh viễn thoát khỏi mọi điều ác.
2. Chứng Đắc Niết Bàn
Sự dập tắt hoàn toàn của mọi phiền não bao gồm tà kiến, tà pháp, v.v… và sự dập tắt hoàn toàn của ác nghiệp với các uẩn hữu vẫn còn được gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn (sa-upādisesa-nibbāna) hay cảnh giới siêu thế, cảnh giới của các bậc thánh.
3. Không Còn Chết
Hữu Dư Y Niết Bàn - trạng thái diệt tận mọi phiền não, như tà kiến, v.v.. với các uẩn hữu vẫn còn (nghĩa là còn thân ngũ uẩn nhưng tâm phiền não đã diệt), không bao giờ bị hư hoại, tiêu hủy hay thối đọa, trong các kiếp tương lai. Trạng thái này là thường hằng và vĩnh cửu; nó không bao giờ thay đổi, không bao giờ hư hoại, không bao giờ mất đi; và không bao giờ diệt vong. Trạng thái này không có ‘sát na hoại’, nên được gọi là bất tử (amata).
4. Không Tạo Tác
Những ai đạt đến trạng thái dập tắt mọi phiền não và căn nguyên phát sinh thân kiến - attā diṭṭhi - như vậy sẽ thấy rằng trạng thái tận diệt này không bao giờ bị hủy hoại trong tương lai. Những tà kiến, tà pháp và tà nghiệp sẽ không thể nào khởi lên trong tâm họ trở lại. Trạng thái không còn tạo tác những ác nghiệp mà vốn sẽ dẫn họ vào các cõi khổ này sẽ chẳng bao giờ bị hủy hoại, cũng không bao giờ bị hư hao. Và họ sẽ chẳng còn phải tái sinh nữa.
Sự dập tắt của mọi phiền não này là bất tử giới (amata-dhātu - trạng thái không còn tử-sinh) hay còn gọi là vô vi giới (asaṅkhāta-dhātu).
5 . Những Cõi Bậc Nhập Lưu Sẽ Tái Sinh
Kể từ lúc thân kiến bị dập tắt trong tâm của những người đã đạt đến Hữu Dư Y Niết Bàn (sa-upādisese-nibbāna), là họ đã vượt qua giai đoạn phàm phu (puthujjana) và không còn nằm trong lãnh vực của phàm nhân nữa. Từ đây họ bắt đầu hiện hữu trong cảnh giới của các bậc thánh và trở thành cư dân của cảnh giới (siêu thế) ấy.
Những người đã đoạn trừ hoàn toàn thân kiến này sẽ chỉ luân chuyển giữa các cõi nhân-thiên tối đa là bảy lần nữa trong vòng luân hồi và cuối cùng thì đạt đến Niết Bàn. (Ghi chú: Ở đây đang nói về bậc Thánh Nhập Lưu - sotapanna)
Tuy nhiên, đối với một số vị thánh Nhập Lưu sẽ tái sinh vào các cõi Phạm Thiên, hay những vị đang luân chuyển trong các cõi Phạm Thiên thì không có sự hạn định này, vì họ đã trở thành hạng uddhāgāmi-puggalā (những chúng sinh sẽ sống qua những tầng phạm thiên cao hơn). Họ có thể trải qua các cõi Phạm Thiên trong hàng trăm, hàng ngàn hoặc hàng trăm ngàn kiếp và đại kiếp; song họ sẽ không bao giờ phải sinh vào bốn ác đạo, cũng như không bao giờ luân chuyển trong các cõi nhân-thiên (dục giới).
Do thiện nghiệp trong quá khứ và hiện tại của họ làm duyên, các bậc thánh này sẽ tiến triển qua những cõi an vui. Trong tương lai cũng vậy, họ chỉ thực hiện những thiện nghiệp và không bao giờ nghĩ đến việc làm các ác nghiệp. Thân kiến, vốn là căn nguyên của tà pháp và ác nghiệp, đã được họ dập tắt hoàn toàn.
Các bậc Thánh đã xua tan thân kiến này sẽ trở thành kẻ thừa tự của nghiệp hiện tại. Họ có những thiện nghiệp để đưa họ đến cõi sống an vui và chắc chắn chỉ có đi đến cõi đó mà thôi. Vì họ đã thành tựu những pháp cao quý, nên họ trở thành các bậc đáng tôn quý. Vì họ hiện hữu trong cảnh giới, nơi đây thiện nghiệp thuần tịnh có nhiều, nên họ trở thành những cư dân của cảnh giới ấy. Vì họ có ‘tuệ nhãn’ nhờ đó họ có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế, nên họ là các bậc thánh. Trong tương lai, dù còn phải dong duỗi bất kỳ kiếp sống nào, họ cũng sẽ có đầy đủ trí tuệ của bậc thánh (ariya-paññā). Vì họ đã vượt qua giai đoạn của phàm nhân chưa thể xua tan thân kiến, nên họ trở thành thánh nhân - những cư dân của cảnh giới siêu thế.
Trong thời kỳ đức Phật có rất nhiều gia chủ (người cư sĩ) ở Sāvatthi, Benares, Vesāli, Rājagaha (những kinh thành mà đức Phật đã đi qua trong thời kỳ hoằng pháp) trở thành bậc Thánh Nhập Lưu (sotāpana) sau khi đã xua tan thân kiến (attā-diṭṭhi).
Kinh điển ghi chép rằng Phạm Thiên Vương Sanankumāra đã có lần bộc lộ cho biết là có vô số bậc thánh trong thế gian này.
Tất nhiên, những người đã đắc nhập lưu trong thời kỳ Đức Phật bây giờ vẫn còn đang sống trong sáu cõi trời dục giới. Các vị Tu-đà-hoàn này được gọi là ‘uddham sota-puggala’ (những vị đang hướng lên các cõi cao hơn - Thượng lưu thiện thú nhân), và sẽ không bao giờ tái sinh vào một cảnh giới thấp hơn.
Có thể nói, mười ngàn thế gian trong cõi thọ sanh (jāti-khetta), có hàng tỷ tỷ, số lượng không thể tính được các vị chư thiên Tứ Đại Thiên Vương là bậc nhập lưu. Trong năm cõi trời dục giới khác và các cõi Phạm Thiên như Phạm Chúng Thiên (brahmaparisajjā) chẳng hạn, số lượng các vị Tu-đà-hoàn nhiều không tính kể. Các vị này được gọi là uddhagāmi-puggalā (Thượng lưu thiện thú nhân) sẽ không bao giờ tái sinh vào một cõi thấp hơn.
PHẦN II
Cái Tôi Hay Tự Ngã Làm Cho Con Người Ta Xấu Xa Như Thế Nào?
N hững chúng sinh còn kiến chấp về tự ngã hay thân kiến thường có khuynh hướng làm các điều ác và phải lang thang không ngừng trong vòng luân hồi bất tận. Khoảnh khắc nào họ có thể dập tắt được thân kiến, ngay lúc ấy họ đã thiết lập được sự thanh tịnh và cao quý, và từ đó họ sẽ rong ruỗi một cách bình an trong vòng luân hồi không còn mọi nguy hiểm.
Người ta có thể hỏi: “Vì sao thân kiến lại là căn nguyên của mọi tà kiến, tà tư duy và tà nghiệp, và vì sao sự hủy diệt của thân kiến này lại là cội nguồn của sự tận diệt những thứ ấy?”
Vấn đề có thể được trả lời theo cách này: tỷ dụ, một vị vua nọ rất gắn bó với vương quyền, hãnh diện với sự phù hoa tráng lệ của mình. Để giữ gìn vương vị và sự vinh quang này, ông sẽ phải vận dụng mọi ý nghĩ ác và hành động ác trong quyền lực của mình. Và nếu vua càng tham chấp vương quyền của mình bao nhiêu, ông lại càng nuôi dưỡng những ý nghĩ độc ác và thực hiện ác nghiệp nhiều bấy nhiêu.
Một thời gian sau, vị vua đó thấy được những sơ suất và khuyết điểm trong bổn phận làm vua của mình. Từ đó sự tham quyền cố vị của ông giảm dần, và ông khởi lên một ước muốn mãnh liệt muốn thoái vị để trở thành một sa môn. Cũng từ lúc ấy ông có một cái tâm viễn ly mọi ác nghiệp từng được xem là cần thiết để giữ gìn và bảo vệ vương quyền và vinh dự của ông, và từ đây về sau sẽ tránh làm mọi điều ác.
Một thời gian sau nữa ông xuất gia, từ bỏ đời sống gia chủ để sống cuộc đời của một vị sa môn. Mặc dù đã trở thành một vị sa môn, ông vẫn mê lầm xem thân và tâm hay năm uần là tự ngã của ông, tự ngã ấy có bản chất hay thực chất đầy đủ và thuộc về của ông. Như vậy ông đã lầm tưởng năm uẩn này là bản ngã và chấp vào đó. Bao lâu ông còn chấp chặt thân kiến này và không thể buông bỏ nó ra, chừng ấy chắc chắn ông sẽ phải gìn giữ bản ngã của mình bằng cách nuôi dưỡng những ý nghĩ ác và thực hiện những điều ác khi có cơ hội.
Rồi một lúc nào đó trong cuộc đời làm Sa môn của mình, ông nhận rõ những khuyết điểm và khổ đau tiềm tàng trong năm uẩn. Sau khi đã chánh kiến với minh-sát-tuệ rằng không có một bản chất hay thực thể nào trong năm uẩn, không có một tự ngã hay linh hồn nào cả, ông sẽ không còn chấp ngã nữa. Từ giây phút ấy ông sẽ không còn nuôi dưỡng một ý nghĩ bất thiện hay làm một điều ác nào nữa, nhờ vậy mà những gì trước đây ông giữ gìn như bản ngã của mình thì bây giờ ông chỉ giữ mình bằng những hành vi đạo đức. Ông sẽ chẳng bao giờ đi chệch ra khỏi con đường đạo đức để bảo vệ mình. Thực vậy, ông sẽ dũng cảm hy sinh bản thân mình để giữ gìn những nguyên tắc đạo đức hay giới luật ấy.
Từ ví dụ trên chúng ta cần hiểu rằng thân kiến là căn nguyên của mọi điều ác và sự diệt của kiến chấp ấy là cội nguồn của sự diệt các ác bất thiện khác.
* Attā và Anattā
Attā có nghĩa là 'bản ngã, cái tôi, cá nhân, thực thể, linh hồn'; còn anattā là 'vô ngã, không có thực thể linh hồn'. Chữ anattā được dùng để truyền đạt ba cách giải thích sau:
1. Asārakaṭṭhena-anattā: Do không có cốt lõi hay thực thể mà nó được gọi là anattā
2. Asāmikaṭṭhena-anattā: Do không có bất kỳ một ông chủ hay chủ tể nào nên gọi là anattā.
3. Avasavattanaṭṭhenā-anattā : Do không tuân theo ý người khác nên gọi là anattā.
* Asārakaṭṭhena Anatta: Năm Uẩn (Hữu) Bị Chấp Lầm Là Tự Ngã (Attā)
Trong ba cách giải thích trên, trước tiên bần tăng sẽ làm sáng tỏ câu Asārakaṭṭhena-anattā (Do không có cốt lõi hay thực thể, nên gọi là Vô ngã -anattā)
Attā theo nghĩa thông thường là cốt lõi hay thực chất. Những người không phân biệt được sự sinh diệt trong từng sát na của các hiện tượng tâm-vật-lý của năm uẩn và vì vậy không thể hiểu được đặc tính vô thường (anicca) của chúng, nên chấp rằng: ‘Sắc uẩn là cốt lõi, là bản thể và do đó là (tự ngã) của chúng sinh; tưởng uẩn là cốt lõi, là bản thể và do đó là (tự ngã) của chúng sinh; hành uẩn là cốt lõi, là bản thể và do đó là (tự ngã) của chúng sinh; và thức uẩn là cốt lõi, là bản thể và do đó là (tự ngã) của chúng sinh’. Loại kiến chấp này được gọi là thân kiến.
Ví Dụ Cái Bát
Bần tăng sẽ giải thích điều này bằng một ví dụ. Chúng ta biết có những vật được gọi là bát gỗ, bát đất, bát đồng, bát bạc, bát vàng, v.v…. Một cái bát làm bằng gỗ thì gỗ được xem như bản chất của nó và được gọi là cái bát gỗ; một cái bát làm bằng đất thì đất được xem như bản chất của nó và được gọi là cái bát đất; một cái bát làm bằng sắt thì sắt là bản chất của nó và được gọi là cái bát sắt; một cái bát làm bằng bạc thì bạc là bản chất của nó và được gọi là cái bát bạc; và một cái bát làm bằng vàng thì vàng là bản chất của nó và được gọi là cái bát vàng.
Ở đây, chữ 'bát' chỉ là cái tên để trỏ một khái niệm hình ảnh (saṇthāna-paññatti – hình thức chế định), và từ ngữ có tính ước lệ về 'cái bát' này không có cốt lõi hay thực chất nào để xem như một pháp cùng tột (pháp chơn đế). Chỉ có những từ chế định về 'gỗ', 'đất', 'vàng', 'bạc', v.v… mới có cốt lõi hay thực chất (ít nhất cũng cho mục đích này). Đơn giản nghe tiếng 'bát' là ta có thể hiểu khái niệm hình ảnh về một cái bát, nhưng không hiểu được cốt lõi hay bản chất của nó. Chỉ khi nghe những từ chế định về 'gỗ', 'vàng', v.v…mới có thể biết cốt lõi hay bản chất của cái bát ấy bằng gì. Có thể người ta sẽ hỏi: 'Tại sao 'gỗ', 'đất', hay 'vàng' lại là cốt lõi hay bản chất của cái bát?'
Bần tăng sẽ giải thích điều này rõ ràng hơn. Khi gọi một vật làm 'bằng gỗ', thì 'gỗ' là cốt lõi hay thực chất của khái niệm hình ảnh về cái bát, và do đó cũng là tự ngã (attā) của nó. Không có thực chất của gỗ, từ chế định 'cái bát' không thể hiện hữu. Chỉ miếng gỗ nào được làm thành dạng cái bát mới gọi là cái bát gỗ. Cái bát gỗ này sẽ kéo dài bao lâu tùy theo độ bền của chất gỗ ấy, và giá trị của nó tùy thuộc vào loại gỗ mà nó được làm ra. Nếu đó là một cái bát làm bằng gỗ tếch (teak), giá trị của nó sẽ tùy thuộc vào giá của loại gỗ tếch ấy. Nếu nó được làm bằng gỗ trầm, giá trị của nó sẽ tùy thuộc vào giá của gỗ trầm. Về việc sử dụng cũng vậy, một cái bát bằng gỗ tếch sẽ được dùng vào chỗ nào mà nó phù hợp cho việc sử dụng, và đối với bát bằng gỗ trầm hay một loại gỗ nào khác cũng thế. Về phương diện xứng đáng thì cái bát gỗ hay bát trầm được xem là xứng đáng theo những tiêu chuẩn của chúng. Như vậy, khi chúng ta nói 'cái bát gỗ', thì gỗ là cốt lõi hay thực chất của cái bát. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho trường hợp của bát đất, bát vàng, v.v…
So Sánh
Tương tự, một chúng sinh bao gồm sắc uẩn và sắc uẩn này kể như cốt lõi hay thực chất của người ấy. Những gì có uẩn này làm cốt lõi hay thực thể của nó thì được gọi là một chúng sinh.
Một chúng sinh bao gồm thọ uẩn và thọ uẩn này kể như cốt lõi hay thực chất của người ấy. Những gì có uẩn này làm cốt lõi hay bản chất của nó thì được gọi là một chúng sinh.
Một chúng sinh bao gồm tưởng uẩn và tưởng uẩn này kể như cốt lõi hay thực chất của người ấy. Những gì có uẩn này làm cốt lõi hay thực chất của nó thì được gọi là một chúng sinh.
Một chúng sinh bao gồm hành uẩn và hành uẩn này kể như cốt lõi hay thực chất của người ấy. Những gì có uẩn này làm cốt lõi hay thực chất của nó thì được gọi là một chúng sinh.
Một chúng sinh bao gồm thức uẩn và thức uẩn này kể như cốt lõi hay thực chất của người ấy. Những gì có uẩn này làm cốt lõi hay thực chất của nó thì được gọi là một chúng sinh. Tóm lại, mỗi chúng sinh bao gồm năm uẩn và có năm uẩn kể như cốt lõi hay thực chất của họ.
Trong ví dụ này, cái bát giống với một chúng sinh và thực chất của cái bát giống với năm uẩn hình thành cốt lõi hay thực chất của một chúng sinh vậy.
* Thân Kiến Hình Thành Như Thế Nào?
Một số người chủ trương quan kiến như sau: ‘Bao lâu năm uẩn hình thành sự sống này kéo dài, không bị hư hoại hay tan rã, những chúng sinh sẽ kéo dài tới chừng ấy, không bị hư hoại hay tan rã. Họ sẽ sống đến trăm tuổi hay ngàn tuổi mà không bị hư hoại, tử vong hay tan rã, và trong suốt giai đoạn ấy, năm uẩn vốn là cốt lõi hay thực chất của họ cũng không hư hoại hay tan rã.’ Quan kiến này là ‘thân kiến’ (attā-diṭṭhi)
Một số người hiểu rằng cốt lõi hay bản chất của cái bát gỗ là gỗ, song họ không thể thể nhập vào sự thực và phân biệt rành rẽ được miếng gỗ ấy cũng chỉ bao gồm vô số những tổng hợp tám sắc (thuần bát pháp sắc hay đoàn bát thuần). Vì thế mà họ chỉ có thể hiểu một cách nông cạn rằng cốt lõi hay bản chất của cái bát gỗ là gỗ mà thôi.
Có những người thể nhập được vào sự thực và hiểu rõ rằng cốt lõi hay bản chất của gỗ chỉ là tập hợp của những tổng hợp sắc, và những sắc ấy cũng chỉ là những hiện tượng sinh-diệt do nhân duyên tạo thành. Họ hiểu theo cách như sau: Trạng thái giãn nở dễ nhận ra trong một miếng gỗ mang hình thù của cái bát và những yếu tố giãn nỡ này chắc chắn phải là sự thực cùng tột (chơn đế) của địa đại (pathavi-dhātu – yếu tố giãn nở), và hoàn toàn không có 'gỗ'. Cũng vậy, trạng thái kết dính dễ tìm thấy trong hình dạng ấy là đặc tính của thủy đại (āpo-dhātu – yếu tố kết dính); trạng thái nóng hay lạnh tìm thấy trong hình thể ấy là đặc tính của hỏa đại (tejo-dhātu – yếu tố nhiệt), và trạng thái hỗ trợ hay chuyển động tìm thấy trong hình thể đó là đặc tính của phong đại (vāyo-dhātu – yếu tố chuyển động). Bốn yếu tố này được gọi là bốn đại chủng hay tứ đại (māha bhūta).
Cũng theo cách ấy, màu sắc của miếng gỗ là vaṇṇa (yếu tố màu), mùi được gọi là gandha (yếu tố mùi), vị gọi là rasa (yếu tố vị), và dưỡng chất được gọi là oja (yếu tố dưỡng chất). Một số người có trí tuệ thể nhập vào sự thực và hiểu rõ được như vậy.
Khi họ đã thể nhập vào được sự thực như vậy, họ nhận ra: ‘Chỉ có những hiện tượng vật lý đang trôi chảy liên tục chứ không có gỗ hiện hữu và nếu đã không có gỗ, thời làm sao có thể có cái bát gỗ trong ý nghĩa cùng tột được?’
Khi miếng gỗ mà theo qui ước chúng ta gọi là 'cái bát' ấy bị tác động bởi lạnh, nóng, hoặc bị cây đập, hoặc bị giáo chọc thủng, hoặc bị quăng lên quăng xuống, các hiện tượng vật lý chứa đựng trong gỗ ấy sẽ thay đổi, nhường chỗ cho những hiện tượng mới, và sau khi đã sanh lên chúng sẽ diệt ngay tại chỗ ấy. Một số các hiện tượng (sắc) hư hoại, một số phân rã và một số phát sinh trở lại tùy theo các duyên, có số tăng, số giảm, và có sỗ giữ bình thường.
Khi đã thấu hiểu theo cách này họ tuệ tri rằng không có gỗ ngoài những yếu tố vật lý này. Bây giờ, khi gỗ tự thân nó đã không có mặt trong ý nghĩa cùng tột, thời làm sao gỗ lại có cốt lõi hay thực chất của cái bát được? Làm thế nào những tổng hợp sắc sinh diệt trong từng sát na ấy lại có thể trở thành cốt lõi hay thực chất của gỗ được? Họ thể nhập vào chân lý như thế.
Ở đây, từ qui ước về 'cái bát' cũng giống như từ qui ước về 'chúng sinh'. Các tổng hợp sắc chứa đựng trong gỗ cũng giống như năm uẩn hữu vậy. Đây là sự tương đồng.
(Đối với danh uẩn, nó hoàn toàn không có một hình dạng nào cả. Khi một đối tượng xúc chạm với bất kỳ một phần nào của thân, thức sanh lên và diệt ngay lập tức. Bình thường dòng hữu phần (bhavangasota) sinh và diệt không ngừng trong trái tim. Chỉ khi nào một đối tượng mới tiếp xúc với nó, dòng hữu phần mới dừng lại (để xử lý đối tượng ấy).
* Những Ý Niệm Về Hình Ảnh Và Khái Niệm Về Tính Tương Tục (Hình Thức Chế Định Và Tương Tục Chế Định)
Hình dạng của các thân phần như mặt, tay, chân, ngực, bụng, và lưng được gọi là những ý niệm hình ảnh hay hình thức chế định (saṇthāna). Riêng các danh uẩn không có hình tướng mà chỉ có santati-paññatti (khái niệm về tính tương tục).
Tính tương tục của sự 'thấy' là dassana-santati. Tính tương tục của sự 'nghe' gọi là savan-santati. Tính tương tục của sự 'ngửi' gọi là ghāyana-santati. Tính tương tục của sự 'nếm' gọi là sāyana santati. Tính tương tục của 'suy nghĩ' gọi là cintana-santati, v.v…
* Hình Thức Chế Định Và Tương Tục Chế Định Được Xem Như Tự Ngã (Attā) Như Thế Nào?
Có số người chỉ hiểu các loại hình dạng hoặc tướng trạng khác nhau và các loại tương tục khác nhau, nhưng không phân biệt được một cách minh bạch các hiện tượng tâm-vật-lý vốn là cốt lõi hay bản chất của những khái niệm về hình dạng và tính tương tục ấy. Hơn nữa, họ lại không thể hiểu được sự hoại diệt trong từng sát na của các hiện tượng tâm-vật-lý này. Họ xem những khái niệm ấy như cốt lõi hay bản chất của chúng sinh và nhận lầm nó là tự ngã của họ.
Khi, nhờ tuệ minh sát, người ta hiểu minh bạch thực chất của địa đại (pathavī), các hiện tượng thuộc nhãn thức tâm v.v…và hiểu ra rằng năm uẩn luôn phải chịu hoại diệt và tái sinh trong từng sát na, họ sẽ vỡ lẽ ra rằng năm uẩn này không có cốt lõi hay thực thể, và cũng chẳng hề là cốt lõi hay thực thể của các chúng sinh.
Bần Tăng sẽ làm sáng tỏ vấn đề ở đây. Con người nghĩ rằng họ sống trong một ngày, một tháng, một năm, một trăm năm hay một ngàn năm, và trong suốt những giai đoạn ấy chẳng có gì được xem là sự hoại diệt và tái sinh trong từng sát na. Thực sự, các hiện tượng tâm-vật-lý trong năm uẩn mà người ta xem như cốt lõi hay thực thể ấy sinh và diệt cả tỷ lần trong một nháy mắt hay một ánh chớp.
Nếu sắc uẩn được gán ghép là có tự ngã (cốt lõi hay thực thể), thọ uẩn có tự ngã, tưởng uẩn có tự ngã, hành uẩn có tự ngã, thức uẩn có tự ngã, thì điều đó sẽ có nghĩa rằng những chúng sinh hoại diệt và tái sinh do các duyên trong từng sát na một. Tại sao? Vì cốt lõi hay thực thể của chúng sinh là các uẩn hữu, mà các uẩn này phải chịu hoại diệt và tái sinh trong từng sát na vậy.
Trong thực tế, nếu như chúng ta xem việc dựa vào những ánh chớp sinh diệt cực kỳ nhanh và dùng chúng như những vật có thực thể là điều không thích đáng thế nào, thì cũng sẽ là điều không hợp khi dựa vào những hiện tượng tâm-vật-lý sinh diệt trong từng sát na như những vật có thực thể và xem chúng như cốt lõi hay bản chất của chính mình như vậy. Do đó năm uẩn là hoàn toàn vô ngã (anattā – không có cốt lõi hay thực thể).
* Asāmikaṭṭhena – Anattā: Vô ngã do không có chủ thể
Ý nghĩa của câu asāmikaṭṭhena-anattā là: Vì những tia chớp, vốn không kéo dài hơn một sát na này, không có một cốt lõi hay thực thể nào cả, nên không thể có bất kỳ một chủ tể nào thống trị chúng, chúng cũng không phải là của riêng ai. Ví như ta không thể nói những tia chớp ấy do người này, người kia làm chủ và do đó chúng là của ông ta. Ở đây cũng vậy, ta không thể nói rằng các hiện tượng tâm-vật-lý bao hàm năm uẩn này thuộc về người ấy, và do đó là của riêng y, hoặc nói y là chủ tể của các hiện tượng ấy được. Vì thế, theo ý nghĩa của đoạn asāmikaṭṭhena anattā, thì năm uẩn là vô ngã.
* Avasavattanaṭṭhena – Anattā:Vô ngã do không tuân theo ý muốn của ai.
Bần Tăng sẽ giải thích rõ đoạn Avasavattanaṭṭhena-Anattā. Vì những tia chớp này không kéo dài lâu và không có thực thể, nên chúng sẽ không tuân theo ước muốn của ai cả. Ví như, thật không hợp lý để ta nói rằng những tia chớp này sẽ lắng nghe những lời ta nói, và rằng ta có quyền điều khiển chúng. Cũng vậy, các hiện tượng tâm vật lý chứa đựng trong năm uẩn hữu là vô thường, nên sẽ không tuân theo ước muốn của ai cả. Vì thế thật không hợp lý khi ta lầm chấp rằng năm uẩn này sẽ vâng theo những mệnh lệnh của ta, hay ta có quyền thống trị chúng.
Sự xuất hiện của những tia chớp này là do các nhân duyên thích hợp, và không liên quan gì đến ước muốn của 'người nào' cả, vì thế những tia chớp ấy không tuân theo ý muốn của bất kỳ ai. Sự sanh khởi của năm uẩn cũng vậy, là do các nhân duyên tạo ra chúng, và không liên quan gì đến ý muốn của người nào cả, vì thế năm uẩn không tuân theo ước muốn của bất kỳ ai. Ví như, thật không thích hợp khi nghĩ rằng những tia chớp này sẽ tuân theo ước muốn của ta thế nào, ở đây cũng vậy, nếu ta nghĩ rằng năm uẩn sẽ tuân theo ý ta và rồi xem chúng như cốt lõi hay thực thể của ta sao lại hợp lý cho được.
Do đó, theo đoạn avasavattanaṭṭhenā-anattā, năm uẩn là vô ngã (anattā) trong nghĩa rằng chúng không tuân theo ý muốn của ai cả.
Giải Thích Vắn Tắt Về Ngã Sở (Anattaniya)
Attassa idam attaniam - attaniyam nghĩa là sở hữu của tự ngã hay ngã sở; attanā sambandhanti attaniyam- attaniyam là những vật liên hệ với tự ngã.
Theo giải thích trên thì tất cả những vật hữu tình và vô tình liên hệ đến tự ngã đều được gọi là attaniya. Tuy nhiên những vật ấy chỉ trở thành ngã sở (attaniya) khi ta thủ chấp và thỏa thích với những đối tượng ấy qua tham ái và chấp nhận chúng như 'của riêng ta', và 'là của ta'. Khi, do tuệ minh sát, người ta có thể vứt bỏ được những vật hữu tình và vô tình này vì không còn chấp thủ và thích thú đối với chúng, thì những vật này không còn là ngã sở (attaniya) nữa.
Do không dính mắc vào những vật mà vốn không liên quan đến tự ngã và hoàn toàn tách biệt với nó; như vậy chúng không còn là attaniya (ngã sở).
Nói chung, sở dĩ con người quan tâm đến những gì mà họ xem như chính bản thân họ hoặc của riêng họ là do khái niệm về ngã sở này. Các hoạt động bằng thân, khẩu, ý của họ cũng đều dựa trên và được tạo điều kiện bởi chính sự quan tâm ấy. Như vậy căn nguyên của mọi điều xấu xa tội lỗi cho sự quan tâm ngu xuẩn ấy là 'ngã' và 'ngã sở'. Con người nhầm lẫn những cái không phải ngã sở xem là ngã sở vì họ bị chi phối bởi những điên đảo tưởng, như cái không phải con họ lại nhận làm con, không phải vàng nhận là vàng, không phải bạc nhận là bạc, hoặc những tài sản khác không phải của họ lại nhận là của họ, v.v…
Ảo Tưởng Về Ngã Sở Do Điên Đảo (Vipāllasa)
Trong ý nghĩa cùng tột, hoàn toàn không có cái ngã riêng của ai cả, sự tình là vậy, sao lại có thể có bất kỳ một ngã sở nào được?
Vì thế Kinh Pháp Cú có nói:
“Puttā m'atthi dhamma m'atthi”
Iti bāla vihaññati,
Attā hi attano natthi
Kuto puttā kuto dhanam?
“Con ta, tài sản ta?”
Kẻ ngu nghĩ như vậy
Thực sự, ngã còn không
Đâu con? Đâu tài sản?
PC. 62
Do sự nhận thức sai lầm về ngã sở mà người ngu mệt mỏi và kiệt quệ giống như con nai chạy theo huyễn cảnh nghĩ đó là một hồ nước. Thực sự, cái ngã của ta còn không có, thì làm thế nào có thể có được những đứa con của ta và tài sản của ta?
Người ta không làm những điều ác bằng thân, khẩu, hoặc ý, do tham ái tác động, vì những vật mà họ không xem như chính bản thân họ hoặc sở hữu của họ và do đó họ không cảm thấy có sự quan tâm nào đối với chúng. Không thể có chuyện họ phạm điều ác hay tội lỗi vì những vật như vậy được. Và điều này là hoàn toàn rõ ràng từ những gì chúng ta thấy và kinh nghiệm trong thế gian này.
Chỉ những ai ôm ấp thân kiến mới có ngã sở kiến. Những người không còn thân kiến cũng không còn ngã sở kiến. Đối với những người này, nói chi đến những vật bên ngoài, ngay cả đối với những phần trong thân thể của họ, như mắt, tai, mũi, lưỡi v.v… cũng như đối với các sắc, thinh, hương… hay những trần cảnh bên ngoài, họ cũng không có ảo tưởng.
Những người đã đoạn trừ thân kiến, mặc dù vẫn tích góp của cải và nuôi dưỡng gia đình, song họ làm vậy không phải vì ảo tưởng về ngã sở (attaniyasaññā) mà do tàn dư của năng lực tham ái mà thôi.
Bậc Thánh Và Thánh vức (Ariya bhūmi)
Những người đã dập tắt hoàn toàn thân kiến chẳng bao giờ mơ tưởng đến việc thực hiện những nghiệp đưa đến địa ngục do tham ái đối với thân thuộc của họ hay đối với những vật ở bên ngoài, họ cũng sẽ chẳng bao giờ mơ tưởng đến việc thực hiện những nghiệp khiến họ phải tái sinh trong những cõi ác.
Họ là những người đã đạt đến hữu dư y Niết bàn (sa-upādisesa Nibbāna – trạng thái Niết-bàn vẫn còn ngũ uẩn), và sẽ trải qua những cảnh giới nhân-thiên trong nhiều kiếp, không còn trở lại mức độ của phàm nhân nữa. Thực sự, họ là những chúng sinh chắc chắn sẽ đạt đến các tầng thánh mỗi lúc mỗi cao hơn (Ghi chú: Điều này muốn nói đến các vị Thánh Tu-đà-hoàn – Sotāpanna).
Khi họ muốn đạt đến trí của bậc 'Nhất lai', họ sẽ nỗ lực để đắc đến Nhất lai Thánh đạo (sakadā-gāmi magga), và đạt đến tầng thánh thứ hai. An trú trong tầng thánh này họ sẽ trải qua các cõi Phạm Thiên trong nhiều đại kiếp, thọ hưởng như các vị Đại Phạm Thiên.
Khi muốn đạt đến Bất Lai Thánh Đạo (anāgāmi-magga) họ sẽ nỗ lực để đắc thánh đạo ấy và đạt đến tầng thánh thứ ba. An trú trong tầng thánh này họ sẽ trải qua các cõi Phạm Thiên trong nhiều đại kiếp, thọ hưởng như các vị Đại Phạm Thiên.
Khi họ cảm thấy rằng ngay cả làm các vị Đại Phạm Thiên như vậy cũng chẳng có gì đáng để thỏa mãn hoặc bám víu vào (lúc này họ ghê tởm làm Phạm Thiên cũng như ghê tởm nước bọt), họ sẽ nỗ lực để đạt đến Alahán Thánh đạo, tầng thánh thứ tư và cuối cùng, trở thành một vị Alahán. Ở đó họ không cần phải nỗ lực thêm nữa vì họ đã trở thành các vị Lậu tận - Ứng cúng Alahán (khināsava-dakkhineyya - arahanta: bậc Alahán đã dập tắt mọi phiền não và xứng đáng với mọi sự cúng dường). Họ sẽ sống như các bậc Alahán trong tầng thánh thứ tư trong nhiều đại kiếp, vào lúc chết họ sẽ vất bỏ thân năm uẩn này và đắc Vô dư Niết bàn (anupā-disesa-nibbāna).
Ở đây, Asaṅkhata-nibbāna (Vô vi Niết bàn - Niết bàn vượt ra ngoài mọi sự trở thành và duyên sanh) được gọi là Hữu dư Niết bàn (sa-upādisesa-nibbāna). Tại sao Niết bàn này được gọi là hữu dư? Vì rằng nó được đạt đến trong khi các uẩn tạo thành con người, chư Thiên và Phạm Thiên vẫn còn. Ngược lại Niết bàn không còn năm uẩn hay không còn sự tương tục của tiến trình tâm-vật lý nầy được gọi là Vô dư y Niết bàn (Anūpādisese Nibbāna).
Trên nguyên tắc hai loại Niết bàn này không khác, vì cả hai đều là asaṇkhata (vô vi - không tạo tác) và amata (bất tử). Vô tướng pháp (animitta-dhamma: pháp không có khởi đầu cũng chẳng có chấm dứt) chỉ có một loại chứ không có hai.
Năm Loại Chánh Kiến (sammā-diṭṭhi)
Trong thời buổi hiện nay, những người giới đức mong muốn đạt đến cảnh giới siêu thế cần phải nỗ lực để an lập mình vào năm loại chánh kiến sau:
1. Kammassakatā-sammādiṭṭhi (chánh kiến rằng các chúng sinh là chủ nhân của nghiệp).
2. Nāma-rūpa-pariggaha-sammādiṭṭhi (chánh kiến phát sanh từ việc thấu triệt những đặc tính của các hiện tượng tâm-vật lý (Danh-sắc).
3. Hetu-paccaya-pariggaha-sammādiṭṭhi (chánh kiến phát sinh từ việc thấu triệt căn nguyên và các nhân khác của các hiện tưởng tâm-vật lý (Danh-sắc).
4. Vipassanā-ñāṇa-sammādiṭṭhi (chánh kiến phát sanh từ nhận thức với trí tuệ minh sát).
5. Lokuttarā-magga-phala-sammādiṭṭhi (chánh kiến phát sanh từ việc chứng các thánh đạo thánh quả).
Trong năm loại chánh kiến này, chánh kiến siêu thế (lokuttarā-sammadiṭṭhi) còn được chia thành bốn:
a. Sotāpatti-magga-phala-sammādiṭṭhi (chánh kiến phát sanh từ nhập lưu thánh đạo và nhập lưu thánh quả).
b. Sakadāgāmi-magga-phala-sammādiṭṭhi (chánh kiến phát sanh từ nhất lai thánh đạo và nhất lai thánh quả).
c. Anāgāmi-magga-phala-sammādiṭṭhi (chánh kiến phát sanh từ bất lai thánh đạo và bất lai thánh quả).
d. Arahatta-magga-phala­-sammādiṭṭhi (chánh kiến phát sanh từ Alahán thánh đạo và Alahán thánh quả).
Trong giáo pháp của Đức Phật, bốn loại trên được gom thành một, vì thế chỉ có năm loại chánh kiến.
* Chánh Kiến Rằng Các Chúng Sanh Là Chủ Nhân Của Nghiệp (Kammassakatā-sammādiṭṭhi) Luôn Luôn Tồn Tại
Kammassakata-sammādiṭṭhi đã giải thích rõ ở trên là loại chánh kiến hiện hữu trong vô lượng vô biên vũ trụ và thời gian cho dù đức Chánh Biến Tri không xuất hiện.
Chính do sự hiện hữu rất dễ nhận ra của chánh kiến này trong thế gian mà những cõi vui có mặt, tức những cõi nhân, thiên và Phạm Thiên có mặt. Các bậc thượng thủ thinh văn, các bậc Độc giác Phật và các bậc Toàn Giác Phật tương lai cũng có mặt do chánh kiến về các chúng sinh là chủ nhân của nghiệp này.
Những ai có trí tuệ phát sinh từ loại chánh kiến về nghiệp này sẽ thoát ra khỏi các loại tà kiến. Nó là 'Đại nhãn' - con mắt lớn) của cõi thế gian. Tuy nhiên, thân kiến của những người chỉ thuần có chánh kiến này vẫn còn nguyên vẹn không thay đổi.
Thân kiến này cũng được chia thành bốn loại:
1. Ati-oḷārika-attādiṭṭhi (thân kiến rất thô)
2. Oḷārika-attādiṭṭhi (thân kiến thô)
3. Sukhuma-attādiṭṭhi (thân kiến vi tế)
4. Ati-sukkhuma-attādiṭṭhi (thân kiến rất vi tế)
Bốn cấp độ của thân kiến này phải được đoạn trừ lần lượt rằng: chánh kiến phân tích danh sắc (nāma-rūpa pariggaha-sammādiṭṭhi), chánh kiến phân biệt nhân duyên (hetupacaya sammādiṭṭhi), chánh kiến thuộc minh sát trí (vipassanā ñāṇa-sammādiṭṭhi) và chánh kiến thuộc đạo quả siêu thế (lokuttarā-magga-phala-sammādiṭṭhi).
Trong bốn loại chánh kiến ấy, chánh kiến phát sanh từ sự thấu triệt các hiện tượng tâm-vật-lý được gọi là chánh kiến phân tích danh-sắc (nāma-rūpa-pariggaha sammādiṭṭhi). Chánh kiến phát sanh từ sự thấu triệt căn nguyên và các nhân khác của các hiện tượng tâm-vật lý, chánh kiến về duyên khởi của các hiện tượng ấy được gọi là chánh kiến phân biệt nhân duyên (hetu-pacaya-pariggaha-sammādiṭṭhi). Chánh kiến phát sanh từ việc quán tính chất vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattā) được gọi là chánh kiến thuộc tri kiến minh sát (vipassanā ñāṇa dassana-sammādiṭṭhi). Còn trí phát sinh từ sự chứng đắc các đạo quả siêu thế được gọi là chánh kiến thuộc đạo quả siêu thế (lokuttarā-magga-phala-sammādiṭṭhi).
Bốn loại chánh kiến này chỉ có thể đắc được trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật. Ngoài ra ở bất cứ thời kỳ nào khác, những chánh kiến này là bất khả đắc.
* Ngã Kiến Rất Thô (ati-oḷārika diṭṭhi) Ngược Với Trí Phát Sanh Từ Thanh Tịnh Kiến (Diṭṭhi-visuddhiñāṇa)
Một số người chủ trương rằng năm uẩn là tự ngã (attā) hay linh hồn. Một số khác cho rằng ngoài năm uẩn này có một linh hồn điều khiển chúng. Tất cả các loại ảo tưởng như vậy được gọi là thân kiến rất thô (ati-oḷārika-attā-diṭṭhi). Tà kiến này chỉ những ai có chánh kiến phân tích danh sắc (nāma-rūpa pariggaha-sammādiṭṭhi) mới có thể loại trừ được.
Ghi chú :
Trí tuệ phát sinh từ việc thấu triệt đặc tính của các hiện tượng tâm vật lý hay còn gọi là Danh Sắc phân tích trí (nāma rūpa pariggaha ñāṇa), trí tuệ xác định các hiện tượng tâm vật lý (nāma rūpa navutthāna ñāṇa), và trí tuệ phát sinh từ việc thanh tịnh tri kiến (diṭṭhi visuddhi) là như nhau. Những loại trí ấy chỉ là những từ đồng nghĩa của chánh kiến phân tích Danh-Sắc (nāma rūpa pariggaha sammādiṭṭhi). Liên quan đến chánh kiến này, trong Paramattha saṅkhepa có nói: 'Thân kiến sẽ bị xua tan và thanh tịnh kiến sẽ phát sanh nếu người ta có thể xác lập Danh và Sắc (nāma rūpa) lần lượt theo tính chất, nhiệm vụ, sự cần thiết, khuynh hướng và căn bản của chúng'.
* Ngã Kiến Thô (oḷārika-attā diṭṭhi) Và Trí Phát Sanh Từ Sự Thấu Triệt Căn Nguyên Và Các Nhân Khác Của Các Hiện Tượng Tâm-Vật Lý Hay Nhân Duyên Phân Biệt Trí (paccaya-pariggaha ñāṇā)
Một số người chủ trương một cách mê lầm rằng có 'người làm mọi hành động' - (người tạo nghiệp) và cũng có 'người thọ nhận các hậu quả'. Ảo tưởng về Tác Nhân Kiến (kāraka diṭṭhi: tà kiến cho rằng có một người làm và thọ nhận các quả báo) này được gọi là ngã kiến thô.
Những người có chánh kiến phân biệt nhân duyên có thể xua tan kāraka diṭṭhi (tác nhân kiến) và vedāka-diṭṭhi (thọ giả kiến). Chánh kiến này cũng có thể xua tan vô nhân kiến (ahetuka-diṭṭhi) do những người chấp theo 'thuyết vô nhân' của hiện hữu, và dị nhân kiến (visama hetu-diṭṭhi) do những người tin rằng Thượng Đế là người sáng tạo chủ trương. Người có chánh kiến này cũng có thể tiêu diệt tám loại nghi và mười sáu loại nghi thuộc về tri thức hay đạo đức.
Ghi chú :
Trí phân biệt nhân duyên là Đoạn nghi thanh tịnh trí (kankhāvitarana-visuddhi-ñāṇa). Ở đây, trí phát sinh từ việc thấu triệt căn nguyên và các nhân khác của các hiện tượng tâm vật lý và trí phát sanh từ sự thanh tịnh do mọi hoài nghi đã được loại trừ là như nhau. Chúng chỉ là những từ đồng nghĩa của chánh kiến phân biệt nhân duyên (paccaya pariggaha sammādiṭṭhi.
Đại sư Ledi Sayadaw trong Luận giải về các Chân lý tuyệt đối (Paramattha-saṅkhepa) có nói: ‘Nếu một người thấu triệt duyên khởi của các hiện tượng tâm vật lý của hiện hữu, họ sẽ đắc được trí liên hệ đến sự thanh tịnh vượt qua mọi hoài nghi, xua tan mười sáu loại nghi, tám loại nghi, và các loại tà kiến khác.’
Hai loại chánh kiến: Chánh kiến phân tích danh sắc và chánh kiến phân biệt nhân duyên, có thể nhổ bật gốc ngã kiến thô vốn khởi lên trong các chúng sinh một cách tích cực. Song chúng không thể bứng gốc thân kiến vi tế ngủ ngầm trong họ, chúng cũng không thể bứng gốc khuynh hướng hoài nghi của họ. Chúng ta biết, khuynh hướng này, thân kiến vi tế này là nhân căn để hay hạt giống của mọi tà kiến.
* Thân Kiến Vi Tế Và Minh Sát Trí (sukhuma-attā diṭṭhi và Vipassanā-ñāṇa)
Khi, do quán vô thường, khổ, và vô ngã mà người ta đạt được minh sát trí, thân kiến vi tế và các trạng thái nghi đã bị dập tắt, song thân kiến cực kỳ vi tế và những hoài nghi ngủ ngầm vẫn còn nguyên vẹn.
* Thân Kiến Cực Kỳ Vi Tế Và Đạo Quả Trí (Ati-sukhuma attā-diṭṭhi và Magga-phala-ñāṇa)
Khi chánh kiến thuộc Nhập lưu thánh đạo và Nhập lưu thánh quả, tức chánh kiến đầu tiên trong bốn loại chánh kiến siêu thế, phát sanh, thân kiến cực kỳ vi tế và những hoài nghi ngủ ngầm đã bị trục xuất. Một khi thân kiến và nghi đã bị trục xuất hoàn toàn, những hành động độc ác, thấp hèn khiến người ta phải tái sinh trong bốn ác đạo cũng hoàn toàn bị dập tắt. Từ khoảnh khắc ấy 'tuệ nhãn', nhờ đó mà người ta có thể chứng ngộ Tứ thánh đế, sẽ khởi lên trong họ một cách thường trực và kiên định. Cho dù họ có phải trải qua các cõi nhân, thiên, và Phạm Thiên trong vòng luân hồi này, song họ sẽ thong dong như những người lương thiện và giới đức, đã an lập trong chánh kiến, giới hạnh, thiền định và trí tuệ; tất cả những điều này sẽ là thường và không bao giờ bị tiêu hoại. Họ sẽ luôn luôn là người hiền lương, giới đức thuộc các giai tầng cao, thọ hưởng sự giàu sang, vinh dự to lớn và có đông đảo kẻ hầu người hạ… Họ sẽ luôn luôn có khả năng thể nhập Tứ Thánh Đế.
Trên đây là lời giải thích về những lợi ích của Phật Pháp (Buddha's sāsana) mà một vị Nhập lưu (sotāpanna), người đã đạt đến thánh đạo và thánh quả đầu tiên, thọ hưởng.
Ví Dụ Cái Bát Sắt
Bần tăng xin nêu ra đây một ví dụ. Giả sử người kia kiếm được một cái bát sắt còn chắc chắn nhưng rất hoen gỉ. Anh liền bóc lớp gỉ bên ngoài ra bằng một cái đục và thấy được chất sắt màu sẫm. Bước thứ hai, anh ta đánh bóng bề mặt sẫm của cái bát sắt bằng bột đá và bột gạch thì thấy được lớp màu nguyên thủy của cái bát. Bước thứ ba, anh đánh bóng những tạp chất còn lại trên mặt bát bằng một loại bột đá rất mịn để mặt bát trở nên sáng hơn. Lúc ấy cái bát sắt sẽ không còn những tạp chất thô trên bề mặt.
Mặc dù cái bát đã hết tạp chất thô ở mặt ngoài, song những tạp chất tế và cực kỳ vi tế nằm ngầm bên trong bát vẫn không suy suyễn, nghĩa là chúng không mất đi mà còn nguyên vẹn như hồi nào đến giờ. Những tạp chất vi tế và cực kỳ vi tế nằm ngầm bên trong cái bát này là căn nguyên của các tạp chất thô có thể hình thành trên mặt ngoài của cái bát bất cứ lúc nào. Thỉnh thoảng khi cái bát bị ẩm hay tiếp xúc với nước acit hoặc nước muối - những nhân tố sinh ra tạp chất - thì những tạp chất tế và cực kỳ vi tế nằm ngầm trong cái bát sẽ giúp cho sự tăng trưởng của những tạp chất thô và cực thô trên bề mặt bát, và một lần nữa cái bát trở nên sẫm màu hoàn toàn.
Chủ nhân của cái bát trước đó đã đánh bóng mặt ngoài rồi liền nhúng nó vào dung dịch acit hay một hóa chất nào đó nhiều lần, và bỏ nó vô một cái nồi nấu kim loại được đốt nóng tới một nhiệt độ cao. Lúc ấy các tạp chất vi tế chứa trong cái bát đã trở nên trong sạch, nhưng các tạp chất cực kỳ vi tế trong cái bát sắt chưa hết, chúng vẫn còn nguyên như trước. Cái bát chưa loại hết được mọi tạp chất. Nếu nó tiếp xúc với các điều kiện có thể tạo thành tạp chất mới, thì một lớp bất tịnh mới sẽ lại hình thành trên bề mặt.
Cuối cùng, chủ nhân của cái bát đã được làm cho khá sạch trước đó, lại nhúng nó vào trong một dung dịch acit mạnh hơn hay một loại hóa chất được pha chế đặc biệt trong bảy ngày rồi nướng nó trên một ngọn lửa rất nóng trong bảy ngày và bảy đêm. Lúc đó tất cả những tạp chất cực kỳ vi tế chứa trong cái bát bị loại trừ hoàn toàn. Từ khoảnh khắc đó những tạp chất này không còn cơ hội để hình thành lại trong cái bát sắt. Cái bát giờ đây trở thành vô nhiễm có ánh sáng luôn luôn rạng rỡ. Nó đã trở thành một cái bát được xem là chói sáng như một vầng nhật nguyệt.
Ở đây, cái bát lúc gỉ sét còn tích tụ trong một thời gian dài cũng giống như kẻ phàm phu còn chấp chặt thân kiến trong vòng luân hồi bất tận vậy.
Khi những lớp dày của tạp chất thô đã được bóc ra bằng một cái đục, cũng giống như kẻ phàm phu kia đã tẩy trừ được tiền định kiến (pubbekata-hetu-diṭṭhi – quan niệm cho rằng mọi cảm thọ mà các chúng sinh thọ hưởng trong kiếp hiện tại là do nhân, do duyên nghiệp quá khứ), tạo hóa kiến (issaranimmāna-hetu-diṭṭhi – quan niệm cho rằng mọi cảm thọ mà các chúng sinh thọ lãnh trong kiếp hiện tại là do Thượng Đế tạo ra) và Vô nhân kiến (ahetuka-diṭṭhi – quan niệm về sự 'vô nhân và vô duyên' của hiện hữu) bằng chánh kiến về nghiệp (kammassakatā-sammādiṭṭhi – chánh kiến phát sinh từ việc hiểu rằng các chúng sinh là chủ nhân ông của nghiệp).
Cái bát sắt khi mặt ngoài của nó đã được đánh bóng bằng bột đá và bột gạch, cũng giống như kẻ phàm phu đã nhổ bật gốc được thân kiến rất thô bằng chánh kiến phân tích danh sắc (nāma-rūpa-pariggaha sammādiṭṭhi – chánh kiến phát sanh từ sự thấu triệt các đặc tính của những hiện tượng tâm-vật lý).
Cái bát sắt khi được đánh bóng cao cấp hơn một lần nữa bằng một loại bột rất mịn cũng giống như kẻ phàm phu đã xua tan được thân kiến kém thô hơn bằng chánh kiến phân biệt nhân duyên (hetu-paccaya-sammādiṭṭhi – chánh kiến phát sinh từ việc thấu triệt căn nguyên và các nhân khác của những hiện tượng tâm-vật lý).
Cái bát sắt khi những tạp chất vi tế nằm ngầm trong đó đã được làm cho trong sạch tới một mức nào đó bằng cách xử lý với acit mạnh và dung dịch hóa chất được pha chế đặc biệt rồi đốt nóng tới cao độ trong một cái nồi nấu kim loại, cũng giống như một người đã loại trừ được thân kiến bằng chánh kiến thuộc tri kiến minh sát (vipassanā-ñāṇa dassana-sammādiṭṭhi – chánh kiến phát sinh từ sự nhận thức với tuệ minh sát.)
Cái bát khi đã được chuyển đổi thành cái bát vô nhiễm bằng cách xử lý với acit cực mạnh hay một dung dịch hóa chất trong bảy ngày và bảy đêm, và được nướng trên một ngọn lửa cực nóng trong bảy ngày và bảy đêm khác, như vậy đã loại trừ tất cả những tạp chất một cách tuyệt đối, cũng giống như một vị thánh thuộc siêu thế vức, vị đã tuyệt trừ thân kiến cực kỳ vi tế bằng chánh kiến thuộc đạo quả siêu thế (lokuttarā magga-phala-sammādiṭṭhi – chánh kiến phát sanh từ sự chứng đắc các thánh đạo và thánh quả).
Những người giới đức mong muốn thọ hưởng những lợi ích của Phật Pháp nên cố gắng hết sức để chứng ngộ năm loại chánh kiến này.
Làm Thế Nào Để Có Được Danh Sắc Phân Tích Trí (Nāma-rūpa-pariggaha-ñāṇa)
Về năm loại Chánh kiến, phương pháp để có được kammassakattā-sammādiṭṭhi đã được giải thích tỉ mỉ trong một chương trước. Những người nỗ lực để có chánh kiến phân tích Danh-sắc (nāma-rūpa pariggaha-sammādiṭṭhi) nên ghi nhận thật kỹ và quán chỉ một danh pháp, danh pháp này nổi bật nhất trong số các hiện tượng tâm lý (Danh pháp), và cũng là một hiện tượng chính kết hợp bất khả phân với tất cả các tâm (bảy tâm sở biến hành : xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư, nhất tâm và mạng quyền).
Nếu một người tu tập các căn tinh thần (ngũ căn : tín, tấn, niệm, định, tuệ) bằng cách tập trung trên một tâm sở cơ bản và quan trọng, tâm sở vốn kết hợp bất khả phân với tất cả tâm, thì các hiện tượng tâm lý khác cũng sẽ được bao hàm bởi sự quán này, chứ không cần phải quán riêng chúng.
Lời này là thực. Trong Nidānavagga của Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta-nikaaya), đức Phật tuyên bố rằng nếu một người tuệ tri xúc thực (phassa-āhāra – duyên của xúc), họ sẽ liễu tri ba loại thọ, lạc, khổ, bất lạc bất khổ (xả) và sẽ thành tựu cứu cánh (giải thoát).
Đức Phật, trong kinh này cũng tuyên bố, nếu một người tuệ tri tư niệm thực (mamo-sancetanāhāra – duyên của hành), họ sẽ liễu tri ba loại ái và thành tựu cứu cánh; và nếu một người tuệ tri thức thực (viññāṇāhara – duyên của thức), họ sẽ liễu tri danh sắc và thành tựu cứu cánh (giải thoát).
Trong Mahā-taṅhāsankhaya sutta Ngài cũng dạy cho Đế Thích Thiên Vương (Sakka) rằng, nếu một người có thể tuệ tri thọ (vedanā), họ có thể thành tựu cứu cánh. Ngoài ra, có nhiều bản kinh khác đức Phật dạy phương pháp quán dựa trên một danh pháp (hiện tượng tâm lý) duy nhất mà thôi.
Trong việc quán sắc (các hiện tượng vật lý) cũng vậy, nếu một người quán tứ đại, họ có thể quán đại chủng nào dễ thấy nhất, và các hiện tượng vật lý (sắc pháp) khác cũng sẽ nằm trong tầm quán này.
Trong chương nói về Kiến tịnh (Diṭṭhi-visuddhi) của bộ chú giải Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi-magga Aṭṭhakathā), tiến trình để tuệ tri các đặc tính của các hiện tượng tâm-vật-lý (Danh-Sắc) đã được trình bày rất đầy đủ và chi tiết, song những điều trình bày ở đó chỉ dành cho những người rất mực thông minh và đặc biệt cho những người đã hiểu rõ Vi Diệu Pháp. Nó không dành cho người mới bắt đầu thực hành thiền quán.
Lời này là thực, vì đức Chánh Biến Tri đã không dạy Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka) này ở cõi nhân loại, nơi mà Ngài chỉ đề cập đến những pháp như các thiện nghiệp, năm uẩn, v.v… Tạng Diệu Pháp chỉ được Ngài dạy cho các vị chư Thiên trên Thiên giới Đạo Lợi (Tāvatimsa) mà thôi.
Nói chung, ở cõi nhân loại, đức Chánh Đẳng Giác chỉ dạy những hiện tượng tâm-vật-lý hay các Danh pháp và Sắc pháp nào thích hợp với chúng sinh ở đây, cũng như để giúp cho họ khả năng đạt đến trí thuộc chánh kiến siêu thế (lokuttarā-sammā diṭṭhi-ñāṇa) bằng cách quán các hiện tượng ấy. Ngài không dạy họ chi tiết tất cả các hiện tượng tâm vật lý làm gì.
Khi một người theo đuổi những công trình nghiên cứu về Phật giáo, họ sẽ hiểu tất cả những lời dạy trong Tạng Diệu Pháp. Tuy nhiên, khi một người đang quán các hiện tượng tâm-vật-lý nhằm có được chánh kiến thuộc tri kiến minh sát (vipassanā-ñāṇa dassana-sammādiṭṭhi) - tức là chánh kiến về tính chất vô thường, khổ, và vô ngã qua trí tuệ minh sát, họ không cần thiết phải biết tất cả những gì chứa đựng trong Tạng Diệu Pháp. Họ chỉ cần xem xét kỹ coi pháp môn kinh (suttanta-method) nào trong số các pháp môn đã được giảng dạy trong Trung bộ (Majjhima-Nikāya) hoặc Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikāya) phù hợp nhất với mục đích của mình, rồi cố gắng để đạt đến Danh Sắc phân tích trí bằng pháp môn đó.
Để làm được như vậy, trước tiên hành giả phải có được những chỉ dẫn từ một bậc thầy thiền quán có khả năng và đã đắc danh-sắc phân tích trí (nāma-rūpa pariggaha-ñāṇa). Ngược lại, nếu hành giả chỉ dựa vào tri thức của mình và quán theo ý thích, có thể hành giả cũng thành tựu được mục tiêu mong mỏi, nhưng phải mất một thời gian khá lâu, hoặc có thể không hoàn thành tựu mục đích ấy cũng có.
Làm Thế Nào Để Có Nhân Duyên Phân Biệt Trí (Paccaya-pariggaha-ñāṇa
Trí phát sinh từ sự tuệ tri căn nguyên và những nhân khác của các hiện tượng tâm-vật lý)
Trong nỗ lực để đạt đến Chánh kiến phân biệt nhân duyên (hetu-paccaya-pariggaha-sammādiṭṭhi – chánh kiến phát sinh từ sự tuệ tri căn nguyên và các nhân khác của các hiện tượng tâm-vật-lý), hành giả phải quán các pháp sau hợp với tinh thần kinh văn: 'āhāra-samudaya rūpa samudayo' v.v…
1. Do có vật thực, các sắc sanh
2. Do có xúc, thọ sanh
3. Do có danh Sắc, thức sanh
4. Do nhãn căn và cảnh sắc làm duyên, nhãn thức sanh
5. Các hiện tượng tâm-vật-lý (danh-Sắc) khởi sanh theo nguyên lý Duyên Sanh.
Làm Cách Nào Để Đắc Minh Sát Tuệ
Khi tu tập các căn (ngũ căn tinh thần) để đạt đến tuệ minh sát, hành giả phải quán như sau:
1. Do vật thực diệt, các sắc diệt
2. Do xúc diệt, thọ diệt
3. Do các hành nghiệp diệt, thức diệt
4. Do thức diệt, danh sắc (hay các hiện tượng tâm-vật-lý) diệt.
5. Do danh Sắc diệt, lục nhập diệt.
6. Do lục nhập diệt, xúc diệt.
7. Do xúc diệt, thọ diệt.
8. Do thọ diệt, ái diệt.
Như vậy, bất cứ khi nào các nhân diệt, các quả cũng sẽ diệt.
Theo lời Đức Phật dạy: ‘yadaniccam, tam dukkham’, pháp nào thực sự vô thường (anicca), pháp ấy hoàn toàn không có lạc (sukha), và trong thực tế đó chỉ là khổ (dukkha) thuần túy.
Yam dukkham tadanattā’, pháp (dhamma) nào chỉ thuần khổ (dukkha), thời không thể nương vào (pháp ấy) như là tự ngã (atta). Pháp thuần chỉ có khổ này không nên xem như một pháp có thể bị thống trị bởi ý muốn của con người vậy.
HỎI VÀ ĐÁP VỀ NGHỆP - Ledi Sayadaw
1. Nghiệp của cha mẹ có quyết định hay ảnh hưởng gì đến nghiệp của con cái không?
Đáp: Về phương diện thể chất, nghiệp của con cái thường do nghiệp của cha mẹ quyết định. Như vậy, cha mẹ khỏe mạnh thường sanh con cái khỏe mạnh, và cha mẹ bệnh hoạn thường sanh ra con cái bệnh hoạn. Ngược lại, về phương diện đạo đức, nghiệp của cha hay mẹ không ảnh hưởng hay quyết định nghiệp của con cái họ bằng bất cứ cách nào. Nghiệp của đứa con là phần riêng của nó, nghiệp này hình thành cá tính của đứa trẻ và là tổng số của những công đức và phi công đức (việc làm thiện - ác) đã tích lũy trong vô lượng kiếp quá khứ của nó. Chẳng hạn, nghiệp của Đức Phật tương lai, tức Thái-tử Sĩ-đạt-đa, chắc chắn không bị ảnh hưởng bởi nghiệp của cha mẹ ngài - vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Magia. Có thể nói nghiệp thù thắng và mạnh mẽ của Đức Phật vượt xa nghiệp của cha mẹ, dù nghiệp của hai người có hợp lại cũng kém quyền lực hơn nghiệp riêng của ngài.
2. Nếu nghiệp của cha mẹ không ảnh hưởng đến nghiệp của con cái, chúng ta sẽ giải thích thế nào về việc các cha mẹ mắc những chứng bệnh hiểm độc, lại dễ truyền những tai ương ấy sang con cái của họ?
Đáp: Sở dĩ đứa trẻ tiếp nhận một căn bệnh đại loại như vậy là do năng lực của những đặc tính của cha mẹ, nhất là năng lực ‘utu’ của cha mẹ (các điều kiện thuận lợi cho sự nảy mầm). Chẳng hạn, lấy hai hạt giống từ một cây tơ, đem trồng một hạt trong đất xấu, khô cằn, và hạt kia trong đất màu mỡ, ẩm ướt. Kết quả sẽ là hạt giống thứ nhất mọc lên thành một cây con èo uột, hư hỏng, trong khi hạt thứ hai phát triển mạnh mẽ và tươi tốt thành một cây khỏe mạnh.
Như vậy, từ quan sát trên chúng ta thấy rằng hai hạt giống lấy từ một cây, song phát triển khác nhau tùy theo đất mà chúng được trồng vào. Nghiệp quá khứ của đứa trẻ (lấy trường hợp của con người) có thể so sánh với hạt giống; khí chất của người mẹ với đất; và của người cha với hơi ẩm làm màu mỡ cho đất. Một cách khái quát, để minh hoạ cho vấn đề đang bàn, chúng ta sẽ nói rằng, nếu sự nảy mầm của một cây, sự phát triển và sự sống của nó kể như một đơn vị, thời hạt giống chịu trách nhiệm trong đó chỉ có một phần mười, trong khi đất sáu phần mười và hơi ẩm ba phần mười còn lại. Như vậy, mặc dù năng lực nảy mầm tiềm ẩn sẵn trong hạt giống (đứa trẻ), song sự phát triển của nó được quyết định một cách mạnh mẽ và được tăng trưởng nhanh chóng nhờ đất (người mẹ) và sự ẩm ướt (người cha).
Bởi vậy, ngay như những điều kiện của đất và sự ẩm ướt còn phải được xem như những yếu tố có trách nhiệm chính yếu trong việc phát triển và trong tình trạng (khỏe mạnh) của cây, huống nữa những ảnh hưởng của cha mẹ (hoặc tổ tông, trong trường hợp loài thú) cũng phải được xét đến đối với việc thụ thai và phát triển của con cháu họ.
Phần đóng góp của cha mẹ (hay tổ tông) trong nghiệp quyết định những yếu tố thể chất (vật lý) của con cháu sẽ như sau: nếu họ là người, con cháu họ sẽ là người. Nếu họ là súc vật, con cháu phải cùng chủng loại. Nếu họ là người Hoa, con cháu họ phải là người Hoa. Như vậy, con cháu luôn luôn phải cùng chủng loại như chủng loại của tiền nhân của họ. Từ những gì đã trình bày ở trên chúng ta thấy rằng, mặc dù nghiệp của đứa trẻ tự thân nó rất mạnh, vẫn hoàn toàn không thể không bị ảnh hưởng bởi nghiệp của cha mẹ. Nói chung, nó rất dễ thừa hưởng những đặc tính thể chất của cha mẹ. Tuy thế, cũng có thể xảy ra trường hợp, do nghiệp của đứa trẻ quá mạnh nên ảnh hưởng về nghiệp của cha mẹ không thể làm lu mờ được. Tất nhiên, không cần phải nói, những ảnh hưởng độc hại về thể chất của cha mẹ cũng có thể bị mất tác dụng nhờ áp dụng các phương tiện y học.
Phàm những chúng sinh do quan hệ giới tính sinh ra đều là kết quả của ba yếu tố: một, nghiệp cũ thuộc các kiếp sống trước; hai, trứng của người mẹ và ba, tinh dịch của người cha. Khuynh hướng thể chất của cha mẹ có thể hoặc không thể xem là yếu tố có cùng sức mạnh như ba yếu tố trên. Ở một mức độ nào đó, yếu tố này có thể làm yếu đi hay mất tác dụng của yếu tố khác. Song nghiệp của đứa trẻ và những đặc tính thể chất của nó, như chủng tộc, màu da, v.v… vẫn sẽ là sản phẩm của ba yếu tố trên.
3. Khi một người chết, có phải ‘linh hồn’ của họ sẽ thong dong tự tại đây đó không?
Đáp: Khi một người lìa đời, sẽ liền tái sinh làm người, hoặc làm chư thiên, phạm thiên, hoặc làm một sinh vật hạ liệt, hoặc làm cư dân của một trong các cõi địa ngục. Những người hoài nghi và ngu dốt tin rằng có những giai đoạn trung gian hay trung ấm thân (antarabhava) giữa những kiếp sống ấy, và họ còn cho rằng có những chúng sinh không phải là người, không phải chư thiên hay phạm thiên, cũng chẳng phải thuộc một trong những trạng thái hiện hữu như trong kinh điển công nhận mà đang trong giai đoạn trung gian (thân trung ấm). Một số người quả quyết rằng những chúng sinh chuyển tiếp này vẫn có ngũ uẩn. Một số xác nhận rằng những chúng sinh này là những ‘linh hồn’ hay hồn ma bóng quế tách ra không có sắc chất bao bọc, và một số còn nói là những linh hồn đó có khả năng thấy như các vị Chư Thiên, và rằng những linh hồn này có năng lực biến đổi theo ý muốn, tức biến từ người sang Chư Thiên hoặc súc sinh, v.v… Một số khác lại chủ trương những thuyết hoang đường cho rằng những chúng sinh này có thể tự xưng là sống ở cõi khác hơn cõi họ đang sống; chẳng hạn như chúng sinh giả mạo này là người nghèo, họ sẽ tự xưng mình là người giàu, hoặc đang ở địa ngục, họ tự xưng là sống trên thiên giới, v.v… Việc tin vào các giai đoạn trung ấm giữa các kiếp sống này là hư ngụy, giả dối, và bị chỉ trích trong giáo lý đạo Phật. Theo đạo Phật, một người sống trong đời này do nghiệp của họ được định trước phải làm người trong kiếp kế sẽ tái sinh y như vậy; một người do nghiệp của họ đã định trước là một vị Chư Thiên trong kiếp kế, sẽ hóa sinh thiên giới sau khi chết; và một người mà đời sau phải ở địa ngục sẽ có mặt nơi một trong các địa ngục trong kiếp kế, vậy thôi.
Ý niệm về một thực thể hay ‘linh hồn’ hoặc hồn ma ‘đi’, ‘đến’, ‘biến đổi’, ‘đầu thai’ từ kiếp này sang kiếp khác được những kẻ ngu dốt chấp nhận, và tất nhiên không được biện minh bằng pháp (dhamma). Thực ra, không có gì gọi là ‘đến’, ‘đi’, ‘biến đổi’ như vậy giữa các kiếp sống. Quan niệm được xem là phù hợp với pháp có thể minh hoạ bằng hình ảnh chiếu ra từ một máy chiếu phim, hay âm thanh phát ra từ máy hát dĩa, và sự liên hệ của chúng với phim nhựa hoặc hộp âm thanh, hay đĩa hát tương ứng. Chẳng hạn, một người chết và tái sinh thiên giới. Mặc dù hai cõi này khác nhau, tuy thế sự liên kết hay sự tương tục giữa hai kiếp sống vào lúc chết không bị gián đoạn ở một điểm thời gian nào cả. Đối với một người mà kiếp sống tương lai của họ là ở nơi địa ngục thấp nhất cũng vậy. Khoảng cách giữa địa ngục và cõi nhân loại có vẻ như quá lớn. Song sự tương tục của ‘chuyến đi’ từ một kiếp sống này đến một kiếp sống khác không bị gián đoạn ở một điểm thời gian nào, và cũng không có vật chất hay hư không nào xen vào làm gián đoạn khuynh hướng nghiệp của người này từ thế giới loài người đến các vùng địa ngục. ‘Chuyến đi’ từ một kiếp sống này đến một kiếp sống khác xảy ra tức thì, và sự chuyển tiếp giữa hai trạng thái còn nhanh hơn cả cái nháy mắt hoặc điện chớp rất nhiều.
Như vậy, nghiệp quyết định cảnh giới tái sinh và tình trạng sống trong cảnh giới ấy của tất cả các chúng sinh hữu tình (trong vòng luân hồi, mọi người đều phải đi qua các cảnh giới hiện hữu cho đến khi chứng đắc Niết-bàn tối hậu mới thôi).
Nghiệp trong hình thức quả của nó có nhiều loại và có thể tác động theo nhiều cách khác nhau. Bố thí (dāna) cho người ta đặc ân tái sinh làm người, hoặc làm chư thiên trong sáu cõi trời dục giới tùy theo mức độ công đức của việc thiện đã làm. Đối với việc giữ giới cũng có kết quả tương tự. Năm thiền chứng và các trạng thái giác ngộ được sinh trong các Phạm-Thiên giới, cao nhất là phi tưởng phi phi tưởng xứ - Phạm Thiên giới thứ hai mươi. Ngược lại, đối với các nghiệp xấu, người phạm tội tùy mức độ cũng phải sinh vào các địa ngục, thấp nhất là địa ngục A-tỳ. Như vậy, nghiệp quá khứ, hiện tại, và vị lai của chúng ta đã, đang, và sẽ luôn luôn là tổng số của những hành động hay việc làm thiện, ác, hoặc không thiện không ác của chúng ta. Như trên đã nói, chính nghiệp quyết định những thay đổi trong kiếp sống của chúng ta là vậy.
Do đó, những ‘hồn ma’ hay ngạ quỷ không phải là những chúng sinh trong một giai đoạn trung gian hay giai đoạn chuyển tiếp của kiếp sống, mà thực sự họ là những chúng sinh bất hạnh, và thuộc về một trong năm cõi: nhân giới, thiên giới, địa ngục giới, súc sanh giới, và ngạ quỷ giới. Họ rất gần với thế giới loài người. Do điều kiện của họ rất bất hạnh, nên họ thường được xem như những quỷ đói. Thực ra không phải là tất cả những người chết ở thế gian này đều tái sinh làm ngạ quỷ, mặc dù những người gặp phải cái chết thình lình hoặc dữ tợn rất dễ phải tái sinh trong những cảnh giới thấp nhất này.
4. Việc một người tái sinh và có thể nói chính xác về kiếp quá khứ của mình có hay không?
Đáp: Chắc chắn có, đây không phải là sự kiện hiếm thấy, nhất là nó lại phù hợp với giáo lý về tái sinh của đạo Phật. Một người như vậy được gọi là Jatisara puggalo hay người nhớ được tiền kiếp. (Jati: sanh hay sự sống; sara: nhớ; và puggalo: người)
Những trường hợp sau (đa số mọi người đều rơi vào những trường hợp này) không thể nhớ được những kiếp trước khi tái sinh làm người:
- Trẻ em chết yểu;
- Những người chết già và lão suy;
- Những người nghiện ma túy và có thói quen uống rượu;
- Những người mà mẹ của họ trong thời kỳ thụ thai thường đau yếu hoặc phải lao động vất vả, hay trong thời kỳ thai nghén thường sống phóng dật hoặc có hành động khinh suất, khiến đứa bé trong bào thai bị ngất đi và hoảng hốt mất cả trí nhớ về tiền kiếp của chúng.
Những trường hợp sau đây thường có được trí nhớ về tiền kiếp:
- Những người không tái sinh nhân giới mà hóa sanh hoặc đi lên thiên giới, phạm thiên giới, hoặc địa ngục giới.
- Những người chết một cách thình lình do tai nạn trong lúc còn khỏe mạnh cũng có thể có khả năng nhớ tiền kiếp, với điều kiện người mẹ mà họ nhập thai phải là người khỏe mạnh, sống đạo đức và hiền hậu.
- Những người sống cuộc đời kiên trì giới hạnh, và trong những tiền kiếp đã nỗ lực để đạt đến, hay đã nguyện đắc túc mạng trí, sẽ đạt được sở nguyện của họ.
- Cuối cùng là chư Phật, chư vị Alahán, và các bậc thánh đắc túc mạng trí (pubbenivāsa abhinnā) này.
Thực Chứng Vô Ngã và Nghiệp Quá Khứ
Phàm các chúng sinh trôi lăn trong vòng tử sinh miên viễn và vô thỉ gọi là luân hồi (samsāra) này hãn hữu lắm mới gặp được giáo pháp của một vị Phật. Thậm chí họ không gặp được Phật pháp trong thời gian cả trăm ngàn đại kiếp hoặc có khi trong vô lượng vô biên đại kiếp. Trong khi đó, số kiếp sống và số đại kiếp họ bị đau khổ bởi điều ác và lầm lỗi lại quá nhiều. Vì thế mà trong cơ cấu tâm của một chúng sinh, lúc nào cũng có vô số nghiệp có thể dẫn đến việc họ phải bị ném vào địa ngục A tỳ (Avicī). Tương tự, cơ cấu tâm của họ lúc nào cũng có vô số nghiệp có thể dẫn họ vào Đẳng hoạt địa ngục (Sanjiva) và những địa ngục còn lại khác (có tám địa ngục chính), hoặc trong cơ cấu tâm của họ lúc nào cũng có vô số nghiệp có thể dẫn họ phải tái sinh trong các loài ngạ qủy, Atula và súc sinh.
Có thể nói thân kiến - Atta-diṭṭhi (tà kiến chấp năm uẩn là tự ngã) là thủ lĩnh hay người đứng đầu của những nghiệp bất thiện cũ vốn không ngừng đi theo các chúng sinh trong vòng luân hồi. Bao lâu thân kiến còn tồn tại, những nghiệp bất thiện cũ này còn tràn đầy sức mạnh. Mặc dù những chúng sinh ấy có thể vẫn hưởng hạnh phúc và thành đạt như các vị chư thiên hoặc như đức trời Đế Thích (Sakka) trên thiên giới, họ buộc phải sống với đầu (của họ) luôn xoay về phía bốn ác đạo: địa ngục, ngạ qủy, súc sinh, và Atula. Cũng vậy, dù cho những chúng sinh này có thể hưởng hạnh phúc và thành đạt trên cõi phạm thiên sắc giới (Rūpa-brahma loka), họ buộc phải sống với đầu luôn xoay về phía bốn ác đạo.
Tựa như những trái dừa trong vườn có khuynh hướng rơi xuống đất cho dù chúng có được dính chặt trên ngọn cây. Chừng nào những cuống dừa còn vững chắc, chúng còn ở trên cây, song ngay khi những cuống ấy yếu đi, chúng chắc chắn phải rơi xuống đất. Cũng thế, các vị chư thiên và Phạm Thiên còn bị ngã kiến (atta-diṭṭhi) chi phối, được có cơ hội sống trên cõi Chư Thiên và Phạm Thiên chỉ bao lâu những ‘cái cuống’ sinh lực (ám chỉ thọ mạng trên cõi Phạm Thiên) làm Chư Thiên và Phạm Thiên còn nguyên vẹn. Khi những cái cuống này đã làm xong nhiệm vụ, họ chắc chắn phải rơi xuống cảnh giới thấp hơn, chẳng khác gì những trái dừa trên cây. Điều này thực sự là vậy, vì thân kiếân (sakkāya-diṭṭhi) hay ngã kiến (atta-diṭṭhi) vốn luôn hiện hữu trong cơ cấu tâm của một chúng sinh là một gánh nặng được xem là nặng hơn cả núi Tu-di to lớn, bởi lẽ thân kiến này gom góp trong các khe núi của nó không biết bao nhiêu là nghiệp bất thiện.
Như vậy, những chúng sinh nào trong cơ cấu tâm của họ thân kiến còn tồn tại buộc phải đi xuống hay rơi xuống bốn ác thú thế gian, mặc dù họ có thể đang sống trong cõi Phạm Thiên cao nhất. Đối với những chúng sinh đang sống trong Cõi Phạm Thiên thấp hơn, hoặc sống trên thiên giới, hay nhân giới, thì còn thê thảm hơn nữa, và có lẽ chẳng cần phải bàn thêm ở đây. Mặc dù những chúng sinh này có thể sống như các Vị Phạm Thiên Vương, Thiên Vương, hoặc Đế Thích Thiên Vương, cơ cấu tâm của họ vẫn chứa đựng và có sẵn tám đại địa ngục. Tương tự, cơ cấu tâm của họ luôn chứa đựng và có sẵn vô số các địa ngục nhỏ hơn, các ngạ quỷ giới, Atula giới và súc sinh giới. Chính do các chúng sinh này không biết rằng khuynh hướng hướng về những cõi thấp kém và ngập tràn đau khổ này luôn luôn hiện diện trong cơ cấu tâm của họ, nên các Vị Phạm Thiên Vương, thiên vương này mới đi tìm lạc thú và sự hưởng thụ nơi những cõi sống đó vậy.
Tuy nhiên, những nghiệp bất thiện cũ từng đi cùng với các chúng sinh qua vòng tử sanh luân hồi này sẽ hoàn toàn tiêu vong ngay khi thân kiến, được xem là cái đầu của họ, biến mất vĩnh viễn.
Nói gì đến nghiệp bất thiện cũ từng đi cùng với các chúng sinh từ những kiếp sống trước và từ những thế gian trước, ngay cả những nghiệp bất thiện họ đã phạm trong kiếp hiện tại, như sát sanh, trộm cắp, v.v… và những dị thục quả của chúng cũng hoàn toàn biến mất ngay khi thân kiến bị thủ tiêu. Tất nhiên, vẫn còn những cơ hội cho những chúng sinh này sợ sự phá hoại của các loài côn trùng, rắn rít, song sẽ không còn bất kỳ cơ hội nào cho họ để phải sợ những quả dị thục của nghiệp quá khứ nữa.
Những chúng sinh mà cơ cấu tâm hoàn toàn thoát khỏi thân kiến, đầu của họ luôn xoay về những cảnh giới cao hơn của chư thiên và phạm thiên, mặc dù họ hiện đang sống trong nhân giới, hoặc trong các cõi chư thiên và phạm thiên thấp. Họ giống như hơi nước liên tục bốc lên từ những khu rừng và núi non trong những tháng cuối mùa mưa vậy.
Điều này cho thấy những lợi ích của việc đoạn diệt thân kiến liên quan đến nghiệp quá khứ là rất lớn.
Thực Chứng Vô Ngã và Nghiệp Tương Lai
Phàm con người, Chư Thiên, và Phạm Thiên, khi thân kiến còn trong cơ cấu tâm, có thể là những chúng sinh giới đức và rất tốt hôm nay, nhưng cũng có thể phạm vào những ác hạnh (duccarita) như đại trọng nghiệp giết cha, giết mẹ, giết các vị Alahán, hoặc nghiệp trộm cắp, tà dâm, v.v… vào ngày mai, ngày mốt, hoặc tháng tới, năm tới hay trong những kiếp sau đó. Có thể hôm nay họ sống trong nếp sống của Phật giáo, nhưng ngày mai hay một ngày nào đó, họ có thể vượt ra ngoài giới hạn ấy và thậm chí có thể trở thành kẻ hủy diệt Phật giáo nữa là khác.
Tuy nhiên, với những người hay Chư Thiên, Phạm Thiên nào nhận thức rõ được đặc tính vô ngã (anatta) và nhờ vậy bứng gốc hoàn toàn thân kiến ra khỏi cơ cấu tâm của họ, sẽ không còn phạm vào những ác hạnh và nghiệp bất thiện khác ngay cả trong giấc mơ, kể từ sát-na họ đoạn tuyệt thân kiến, mặc dù họ có thể còn tiếp tục lưu chuyển trong vòng sinh tử luân hồi thêm nhiều kiếp và nhiều đại kiếp nữa. Từ ngày họ thoát khỏi thân kiến cho đến kiếp cuối cùng chứng đắc Niết-bàn tối hậu, họ luôn luôn sống trong nếp sống Phật giáo, vì họ không còn phải hiện hữu trong bất kỳ kiếp sống nào hoặc bất kỳ cảnh giới nào Phật giáo đã biến mất ở đây nữa.
Điều này cho thấy những lợi ích của việc diệt đoạn tuyệt thân kiến liên quan đến nghiệp tương lai là lớn vô cùng.
Nghiệp Quá Khứ Trở Thành Vô Hiệu Lực Như Thế Nào?
Việc vô lượng nghiệp quá khứ trở thành vô hiệu lực kể từ sát-na đoạn trừ hoàn toàn thân kiến như thế nào có thể được minh hoạ như sau:
Trong một xâu chuỗi hột, nhiều hột được xâu lại với nhau bằng một sợi chỉ chắc chắn, nếu một hột được bứt ra, tất cả những hột khác cũng sẽ rơi theo hột đó. Nhưng nếu sợi chỉ được tháo ra, lúc đó có lấy bất kỳ hột nào đi cũng không ảnh hưởng gì đến những hột khác vì không còn một sự nối kết nào giữa chúng nữa.
Một chúng sinh còn thân kiến thường chứa trong tâm sự chấp thủ mạnh mẽ đối với các uẩn trong những kiếp quá khứ và những đại kiếp quá khứ bằng cách biến chúng thành cái ‘Tôi’. Họ nghĩ ‘Ta đã từng có cơ hội làm người, làm chư thiên hoặc phạm thiên trong những kiếp quá khứ và đại kiếp quá khứ.’ Như vậy, họ đã xâu được sợi chỉ gọi là thân kiến xuyên qua các kiếp sống. Và bất cứ nơi đâu họ tái sinh, những nghiệp bất thiện họ đã phạm trong những kiếp và đại kiếp quá khứ cũng như những nghiệp chưa tạo ra dị thục quả sẽ đi kèm theo chúng sinh ấy. Những nghiệp bất thiện này giống như những hột trong xâu chuỗi được nối kết với nhau bằng sợi chỉ bền chắc do chính họ tạo ra vậy.
Tuy nhiên, những ai nhận thức rõ được đặc tính vô ngã (anatta), và những ai đã tự thân đoạn trừ thân kiến, sẽ thấy rằng danh uẩn và sắc uẩn (rūpa-nāmakkhandha) sanh và diệt ngay cả trong từng khoảnh khắc ngắn ngủi của một oai nghi ngồi, như những hiện tượng tách biệt chứ không phải là một chuỗi liên tục kết dính lại với nhau. Ý niệm về ‘tự ngã của tôi’ giống như sợi chỉ, không còn hiện diện trong người ấy nữa. Các uẩn của họ xuất hiện như xâu chuỗi đã rút chỉ. Họ nhận thức rõ rằng nghiệp bất thiện mà họ đã phạm trong quá khứ không phải với tư cách là ‘người’ hay ‘chúng sinh’, không phải là ‘tôi’ hay ‘nghiệp của tôi’, mà chỉ thấy nó như là cái sinh và diệt tức thì. Đó là lý do vì sao khi thân kiến diệt thì lập tức những nghiệp quá khứ này cũng hoàn toàn biến mất vậy.
Ở đây, cần phải thấy rằng chỉ có nghiệp bất thiện biến mất mà thôi. Những nghiệp thiện quá khứ không mất đi do sự biến mất đơn thuần của thân kiến được. Thực sự, chỉ khi đạt đến Alahán thánh đạo, lúc mà ái (tanhā) đã hoàn toàn bị đoạn trừ, thiện nghiệp cũng biến mất hoàn toàn từ đó.
Tai Hại Của Thân Kiến (sakkāya diṭṭhi)
Thân kiến là một tai hoạ cực kỳ thâm sâu và rộng lớn. Một người phạm vào nghiệp giết cha hay giết mẹ sẽ luôn ở trong tâm trạng vô cùng kích động và lo âu sợ hãi trước viễn cảnh không tránh khỏi bị tái sinh vào địa ngục A tỳ, điều này đã vô tình biến cái nghiệp giết cha hay giết mẹ ấy thành ‘tự ngã’ (atta) và do chấp chặt ý nghĩ ‘Ta đã thực sự làm điều sai trái, ta đã thực sự gây ra trọng tội’ mà trở nên đau khổ cùng cực. Nếu người này hiểu rõ và thực sự chứng được đặc tính vô ngã (anatta pariññā) và nhờ sự thực chứng này, từ bỏ tâm chấp thủ vào ý nghĩ ‘Ta đã thực sự phạm trọng tội’, thời nghiệp giết cha, giết mẹ ấy có thể không còn sức mạnh tạo ra dị thục quả đối với người đó nữa. Nhưng khốn thay, con người lại không bỏ được sự chấp chặt vào những ý nghĩ như vậy.
Mặc dù nghiệp có thể không mong muốn đi kèm với chúng sinh đó, cũng không muốn tạo ra những quả dị thục chút nào, song nó buộc phải hay miễn cưỡng phải làm như vậy bởi vì người ấy đã trở thành chủ nhân của nó do chấp chứa ý nghĩ ‘Đó là nghiệp ta đã phạm, đó là nghiệp của ta’. Chính hành vi sở hữu mạnh mẽ này mà nghiệp buộc phải tạo ra quả của nó. Cho đến mức độ như vậy, hàng phàm nhân còn chấp thân kiến bị lừa đảo và đi sai đường.
Đối với các nghiệp bất thiện còn lại khác cũng vậy. Chính do hành vi sở hữu mạnh mẽ của thân kiến mà nghiệp bất thiện đeo bám theo các chúng sinh suốt kiếp luân hồi và tạo ra dị thục quả của chúng, dù họ có tái sinh ở bất cứ nơi đâu. Nhiều người cảm thấy họ không thể vứt bỏ được nghiệp bất thiện của mình ngay cả trong lúc đang bị những dị thục quả của chúng đàn áp, và vì vậy họ phải chịu đựng những mất mát to lớn. Những người này đã xem nghiệp bất thiện ấy như ‘nghiệp bất thiện tôi đã làm’, và vô tình họ đã trở thành chủ nhân của nghiệp, mặc dù chính do dị thục quả nghiệp ấy tạo ra mà họ phải cảm thọ khổ đau trong địa ngục. Những nghiệp này cứ tiếp tục cho quả đến nỗi họ không thể thành tựu việc giải thoát khỏi những kiếp sống địa ngục được. Thân kiến quả là một tai hoạ và sai lầm to lớn cho đến mức như vậy.
Tương tự, con người rất sợ những thảm hoạ của bệnh tật, già suy, và tử vong. Dù trong lòng sợ hãi là thế, họ vẫn chấp chặt vào những sự kiện già, đau, chết trong quá khứ qua những ý nghĩ: ‘Biết bao lần trong quá khứ ta phải chịu già suy, ta phải chịu bệnh hoạn, ta phải chịu tử vong rồi.’ Như vậy, họ tự thấy mình không thể vất bỏ những ý nghĩ ấy, nên hiện tượng già, đau, chết cứ bám theo họ, bất chấp ước muốn của họ, và mãi mãi gây ra sự bức bách. Chính do sự chấp thủ này mà hiện tượng già, đau, chết buộc phải xuất hiện. Thân kiến quả là một tai hoạ và sai lầm to lớn cho đến mức như vậy.
Trong kiếp sống hiện tại cũng thế, khi gặp phải những hiểm nguy bên ngoài và bên trong, hoặc bức bách bởi ốm đau bệnh tật, con người liền phát triển một sự chấp thủ đối với bệnh tật, ốm đau ấy, xem đó như ‘Tôi cảm thấy đau đớn. Tôi cảm thấy khó chịu. Tôi bị những cảm thọ nhiệt não bức bách’, và như vậy họ đã trở thành chủ nhân của bệnh tật ấy. Hành vi sở hữu này là một trói buộc mà về lâu về dài sẽ ngăn sự giải thoát của chính họ khỏi bệnh tật, ốm đau. Chính do hành vi trói buộc của thân kiến quá đỗi mạnh mẽ này mà con người, trong cái vòng luân hồi vô thỉ và vô tận này, đã xem những bệnh tật, ốm đau ấy là những người đồng hành không thể tách ra được của họ cho đến tận hôm nay. Như vậy chính thân kiến phát triển sự chấp thủ và chiếm hữu ngay cả những tật bệnh và ốm đau ấy để bức bách con người trong đời hiện tại. Mặc dù những hiểm nguy và khổ đau này không muốn đeo theo các chúng sinh đó, song chúng cũng không thể làm khác được, mà phải bám theo họ liên tục hết kiếp này sang kiếp khác do tác động của thân kiến lôi kéo.
Đối với các kiếp tương lai cũng vậy, những chấp thủ phát sinh do ý nghĩ: ‘Ta sẽ phải gặp già suy. Ta sẽ phải gặp tử thần,’ là những hành vi của thân kiến chiếm hữu những sự kiện có thể xảy ra trong tương lai như già, đau, chết từ hiện tại và cột chúng vào mọi người. Do đó, bao lâu hành vi trói buộc này chưa được đoạn trừ, chắc chắn con người sẽ phải gặp những sự kiện ấy trong tương lai. Thân kiến quả là một tai hoạ và sai lầm to lớn cho đến mức như vậy.
Sự Chấp Thủ Nông Cạn và Sâu Xa
Những chấp thủ của ái (taṅhā) và mạn (māna) không phải là những chấp thủ thuộc tà kiến (diṭṭhi). Ái phát triển sự chấp thủ đối với mọi hiện tượng trong tam giới dưới hình thức ‘Đó là sở hữu của tôi’. Mạn (māna) cũng phát triển sự chấp thủ đối với mọi hiện tượng trong tam giới như thế nhưng dưới hình thức ‘Đó là tôi’ hay ‘Chính tôi”. Trong trường hợp những người còn thân kiến, ái và mạn tuân theo thân kiến chủ đạo ấy. Còn đối với các bậc nhập lưu, nhất lai, bất lai đã diệt trừ thân kiến, ái và mạn tuân theo tưởng điên đảo (saññā vipallāsa) và tâm điên đảo (citta vipallāsa). Nói chung, những chấp thủ do tưởng điên đảo và tâm điên đảo tạo ra là nông cạn và hời hợt. Còn những chấp thủ do thân kiến tạo ra thì thật là sâu xa.
Đến đây chấm dứt phần mô tả bằng cách nào nghiệp bất thiện lại diệt hoàn toàn cùng với sự biến mất của thân kiến (sakkāya-diṭṭhi).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét