Pháp hành thiền định và pháp hành thiền tuệ khác biệt nhau, song có thể hỗ trợ lẫn nhau được. Những điểm khác biệt tìm thấy trong pháp hành thiền định và pháp hành thiền tuệ được trình bày từng điểm như sau:
1- Ý nghĩa (Aṭṭha):
Thiền định: Thiền định là định tâm nơi một đối tượng thiền định duy nhất, để dẫn đến sự chứng đắc các bậc thiền sắc giới, các bậc thiền vô sắc giới.
Thiền tuệ: Thiền tuệ là trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp, hiện thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn.
2- Chi pháp (Dhammaṅga):
Thđ [12]: Chi pháp của thiền định là nhất tâm tâm sở.
Tht [13]: Chi pháp của thiền tuệ là tuệ chủ tâm sở.
3- Trạng thái riêng (Visesalakkhaṇa):
Thđ: Thiền định có trạng thái riêng là không phóng tâm.
Tht: Thiền tuệ có trạng thái riêng là thấy rõ, biết rõ thực tánh của tất cả các pháp.
4- Phận sự (Rasa):
Thđ: Thiền định có phận sự tập trung tâm trên một đối tượng.
Tht: Thiền tuệ có phận sự diệt vô minh che án thực tánh của các pháp.
5- Quả hiện hữu (Paccuppaṭṭhāna):
Thđ: Thiền định có tâm an trú một đối tượng duy nhất, đó là quả hiện hữu.
Tht: Thiền tuệ có trí tuệ thiền tuệ sáng suốt thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp, đó là quả hiện hữu.
6- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna):
Thđ: Thiền định có thọ lạc là nguyên nhân gần.
Tht: Thiền tuệ có định tâm là nguyên nhân gần.
7- Ðối tượng (Ārāmmaṇa):
Thđ: Thiền định có 40 đề mục thiền định làm đối tượng.
Tht: Thiền tuệ có danh pháp, sắc pháp thuộc về Chân nghĩa pháp làm đối tượng.
8- Pháp (Dhamma):
Thđ: Ðối tượng thiền định thuộc về Chế định pháp (Paññatti-dhamma).
Tht: Ðối tượng thiền tuệ thuộc về Chân nghĩa pháp (Paramattha-dhamma).
9- Sanh – diệt (Udaya – vaya):
Thđ: Ðối tượng thiền định không có sự sanh, sự diệt.
Tht: Ðối tượng thiền tuệ có sự sanh, sự diệt.
10- Thời gian (Kāla):
Thđ: Thiền định có đối tượng Chế định pháp, nên thuộc về kālavimutti: ngoại 3 thời, không thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai.
Tht: Thiền tuệ có đối tượng Chân nghĩa pháp ở 3 thời, thời hiện tại là chính; thời quá khứ, thời vị lai là phụ.
11- Căn môn (Dvāra):
Thđ: Thiền định chỉ dùng đến 2 môn: nhãn môn hoặc thân môn là phụ, ý môn là chính.
Tht: Thiền tuệ dùng đến 6 căn môn: nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn, ý môn. Ý môn là chính.
12- Trạng thái chung (Sāmaññalakkhaṇa):
Thđ: Thiền định có đối tượng là Chế định pháp nên không có trạng thái riêng và trạng thái chung nào.
Tht: Thiền tuệ có đối tượng là Chân nghĩa pháp nên có trạng thái riêng của mỗi pháp và có 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp.
13- Bản tánh (Carita):
Thđ: Thiền định, phân chia hành giả có 6 loại tánh: tánh tham, tánh sân, tánh si, tánh suy diễn, tánh tín, tánh giác.
Tht: Thiền tuệ, phân chia hành giả có 2 loại tánh: tánh tham ái, tánh tà kiến.
14- Ấn chứng (Nimitta):
Thđ: Thiền định có 3 ấn chứng: ấn chứng ban đầu tiến hành (pari-kammanimitta), ấn chứng thô ảnh tương tự (uggahanimitta), ấn chứng quang ảnh trong sáng (paṭibhāganimitta).
Tht: Thiền tuệ hoàn toàn không có ấn chứng nào.
15- Tâm định (Samādhi):
Thđ: Thiền định có 2 loại tâm định: tâm cận định (upacāra-samādhi), tâm an định (appanāsamādhi).
Tht: Thiền tuệ chỉ có 1 tâm định là sát na định (khaṇikasamādhi).
16- Chứng đắc (Adhigama):
Thđ: Tiến hành thiền định để chứng đắc 5 hoặc 4 bậc thiền sắc giới, 4 bậc thiền vô sắc giới.
Tht: Tiến hành thiền tuệ để chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn.
17- Tâm (Citta):
Thđ: Thiền định đạt đến đại hành tâm (mahāgatacitta). Ðó là sắc giới tâm, vô sắc giới tâm.
Tht: Thiền tuệ đạt đến siêu tam giới tâm (lokuttaracitta). Ðó là 4 Thánh Ðạo Tâm, 4 Thánh Quả Tâm.
18- Diệt phiền não (Pahāna):
Thđ: Sắc giới thiền, vô sắc giới thiền có khả năng diệt chế ngự được phiền não (vikkhambhanapahāna).
Tht: Siêu tam giới, đó là 4 Thánh Ðạo Tuệ có khả năng diệt đoạn tuyệt được phiền não (samucchedapahāna); 4 Thánh Quả Tuệ có khả năng diệt vắng lặng được phiền não (paṭipassadhipahāna); Niết Bàn diệt danh pháp, sắc pháp, giải thoát khỏi khổ (nissaraṇapahāna).
19- Mục đích:
Thđ: Mục đích của thiền định đạt đến tâm an trụ trong bậc thiền, thọ hưởng sự an lạc trong bậc thiền; bậc thiền thiện tâm cho quả tái sanh trong cõi sắc giới, cõi vô sắc giới tuỳ theo bậc thiền sở đắc của mình.
Tht: Mục đích của thiền tuệ chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, pháp giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.
20- Quả báu (Ānisaṃsa):
Thđ: Thiền định, khi chứng đắc 5 bậc thiền sắc giới, 4 bậc thiền vô sắc giới có nhiều quả báu như sau:
a) Kiếp hiện tại:
Nhập định để thọ hưởng sự an lạc trong bậc thiền.
Có khả năng luyện ngũ thông (abhiññā).
Làm nền tảng (đối tượng) để tiến hành thiền tuệ.
Hỗ trợ cho bậc Thánh nhân nhập Thánh Quả Ðịnh.
Chứng đắc 9 bậc thiền hỗ trợ cho bậc Thánh Bất Lai, bậc Thánh Arahán nhập diệt thọ Tưởng Ðịnh....
b) Kiếp vị lai:
Nếu bậc thiền định không bị hư mất, sau khi chết, bậc thiền ấy chắc chắn sẽ cho quả tái sanh làm phạm thiên ở cõi trời sắc giới, hoặc vô sắc giới tùy theo bậc thiền sở đắc của hành giả.
Tht: Thiền tuệ siêu tam giới, đó là 4 Thánh Quả Tâm có nhiều quả báu như sau:
a) Kiếp hiện tại:
Bậc Thánh nhân nhập Thánh Quả Ðịnh thọ hưởng sự an lạc Niết Bàn tịch tịnh.
Bậc Thánh Bất Lai và bậc Thánh Arahán chứng đắc đủ 9 bậc thiền có khả năng nhập diệt thọ Tưởng Ðịnh, suốt 7 ngày đêm, giải thoát khổ của danh pháp, sắc pháp....
b) Kiếp vị lai:
Bậc Thánh Nhập Lưu sau khi chết vĩnh viễn không tái sanh trong 4 ác giới, do thiện nghiệp cho quả chỉ còn tái sanh cõi thiện dục giới nhiều nhất 7 kiếp nữa... sẽ tịch diệt Niết Bàn.
Bậc Thánh Nhất Lai sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả chỉ còn tái sanh 1 kiếp nữa... sẽ tịch diệt Niết Bàn.
Bậc Thánh Bất Lai sau khi chết, không còn trở lại tái sanh cõi dục giới, do bậc thiền cho quả chỉ còn tái sanh cõi sắc giới, (cõi vô sắc giới)... sẽ tịch diệt Niết Bàn ở cõi trời sắc giới ấy.
Bậc Thánh Arahán, ngay kiếp hiện tại này, đến khi hết tuổi thọ, tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt sự khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.
21- Tính chất quả báu:
Thđ: Quả báu của thiền định: các bậc thiền định sắc giới có thể hư mất, hoặc hưởng hết tuổi thọ ở cõi trời sắc giới, vô sắc giới ấy, rồi phải tái sanh nơi cảnh giới khác tùy theo nghiệp của hành giả.
Tht: Quả báu của thiền tuệ siêu tam giới, đó là 4 Thánh Quả Tâm vĩnh viễn không bao giờ bị hư mất.
22- Ðối tượng - chủ thể:
Thđ:
Ðối tượng thiền định paññatti chuyển biến từ parikamma-nimitta đến uggahanimitta; từ uggahanimitta đến paṭibhāganimitta; mỗi đối tượng thiền định có ấn chứng khác biệt nhau.
Chủ thể định tâm: từ khi chưa biết ấn chứng đến khi an trú trong ấn chứng ấy; dẫn đến sự chứng đắc các bậc thiền sắc giới, vô sắc giới......
Tht:
Ðối tượng thiền tuệ paramattha thực tánh hoàn toàn không chuyển biến. Mọi đối tượng đều có trạng thái chung giống hệt nhau.
Chủ thể: chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác từ khi chưa thấy, chưa biết rõ thực tánh của các pháp, đến khi thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp; dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn....
23- Con đường:
Thđ: Pháp hành thiền định ví như con đường vòng tròn, tử sanh luân hồi trong tam giới không cùng tận.
Tht: Pháp hành thiền tuệ ví như con đường thẳng, tiến đến Niết Bàn, giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới....
24- Pháp hành:
Thđ: Pháp hành thiền định có trong Phật giáo và có ngoài Phật giáo.
Tht: Pháp hành thiền tuệ chỉ có trong Phật giáo mà thôi.
Nhận xét về pháp hành thiền định – pháp hành thiền tuệ
Nhận xét qua những điều khác biệt giữa pháp hành thiền định và pháp hành thiền tuệ thấy rằng:
Trong tam giới pháp (lokiyadhamma) thiền định và thiền tuệ có nhiều điểm khác biệt với nhau, không thể gặp nhau được; song có thể gián tiếp hỗ trợ lẫn nhau.
Trong siêu tam giới pháp (lokuttaradhamma) có Niết Bàn làm đối tượng, thì thiền định và thiền tuệ có điểm giống nhau, gặp nhau được.
Như trường hợp Thánh Ðạo Tâm và Thánh Quả Tâm phát sanh có Niết Bàn làm đối tượng. Trong Thánh Ðạo Tâm và Thánh Quả Tâm có hợp đủ 8 chánh:
Có chánh định: định tâm trong các bậc thiền siêu tam giới có Niết Bàn là đối tượng, thuộc về thiền định siêu tam giới.
Có chánh kiến: trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới chứng ngộ Niết Bàn là đối tượng, thuộc về thiền tuệ siêu tam giới.
Như vậy, thiền định và thiền tuệ có chung Niết Bàn làm đối tượng, cả hai đồng sanh trong siêu tam giới tâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét