QUY LUẬT VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP - Sayadaw U Sīlānanda


NGHIỆP VẬN HÀNH NHƯ THẾ NÀO
- phân loại nghiệp
- phản tỉnh về nghiệp
- phần hỏi và đáp
- tìm hiểu quy luật vận hành của nghiệp

  QUY LUẬT VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

NGHIỆP VẬN HÀNH NHƯ THẾ NÀO? - Sayadaw U Sìlananda
Nghiệp là gì? Đức Phật tuyên bố: “Này các Tỳ Khưu, chính ý chí (tư tâm sở - cetana, 1 trong 52 tâm sở có mặt trong tất cả các tâm) ta gọi là nghiệp.”
Nghiệp, theo nghĩa phổ thông, là hành động hay việc làm, song như một thuật ngữ, nghiệp có nghĩa là ý chí hay ý lực. Khi bạn làm một điều gì, ý chí nằm đằng sau hành động ấy, và chính ý chí hay ý lực này được gọi là nghiệp. Điều này đã được đức Phật giải thích rằng, do có ước muốn làm, lúc đó người ta mới hành động qua thân, qua lời nói, và qua tâm ý. Bất luận bạn làm điều gì, đều có một loại nghiệp nào đó, tức là phải có một ý lực, ý chí, và ý hành nào đó. Ở đây ý chí hay tư là một trong năm mươi hai tâm sở cùng sanh với tâm.
Khi bạn làm một việc gì, chẳng hạn cúng dường hương hoa đến Đức Phật, phải có ý chí thúc đẩy bạn làm, và ý chí đó được gọi là nghiệp. Vì thế nghiệp là nhân chứ không phải là quả. Có một số người cho rằng nghiệp là nhân, là hành động và đồng thời cũng là quả. Tuy nhiên trong đạo Phật Nguyên-thủy, nghiệp chẳng bao giờ là quả hay kết quả cả. Nghiệp chỉ có nghĩa là nhân mà thôi.
Nghiệp thuộc về danh uẩn. Chúng ta biết có năm uẩn là: sắc, thọ, tưởng, hành, và thức. Tư hay ý chí thuộc về hành uẩn. Hành uẩn là danh (phần tinh thần), và cũng như các tâm sở khác, nó chỉ kéo dài một sát-na ngắn ngủi. Nó xuất hiện, dừng lại một chút, rồi diệt. Nhưng tư hay ý hành không giống với các tâm sở khác ở chỗ nó có khả năng để lại một tiềm lực nào đó. Khi nó diệt, nó không biến mất hoàn toàn. Nó để lại một sức mạnh hay tiềm lực để cho ra quả, khi những cơ hội thuận tiện cho quả ấy xuất hiện. Một người làm nghiệp ở đời này, nhưng kết quả có thể xảy ra hoặc đời này hoặc đời kế, có khi ở một đời nào đó sau đời kế không chừng.
Nghiệp hay ý chí (tư) có tiềm lực cho quả, và tiềm lực này là một năng lực rất lớn. Nghiệp không chấm dứt cùng với cái chết (thể xác) của đời này; nó cứ tiếp tục và tiếp tục mãi. Thế nhưng chúng ta không thể nói rằng nghiệp được chứa ở đâu trong thân hay tâm của chúng ta vì mọi vật đều vô thường và thay đổi liên tục. Nghiệp cũng vô thường và biến diệt như vậy, nhưng nó để lại một tiềm lực trong dòng tương tục của các chúng sanh, để rồi khi những cơ hội được xem là thuận tiện cho quả, những quả ấy sẽ xuất hiện.
Nhắc lại một lần nữa, nghiệp không tích chứa ở đâu trong thân - tâm này, nhưng khi nó diệt, nó để lại một tiềm lực cho quả. Giống như chúng ta có thể nói, một cái cây có tiềm năng cho trái vậy. Lúc đầu chẳng có trái nào trên cây cả, nhưng khi thời gian thích hợp xảy ra, trái xuất hiện.
Chúng ta có thể dùng một minh hoạ khác, đó là lối so sánh cổ điển của đạo Phật về mặt trời, phân bò, và ngọc (ngọc ở đây giống như kính lúp). Khi có mặt trời, và khi bạn đặt một kính lúp trên đống phân bò, bạn sẽ có lửa. Ta không thể nói rằng lửa mới sinh được chứa sẵn ở đâu đó trong phân bò khô, hay trong mặt trời hoặc kính lúp. Tuy nhiên khi những vật này gặp nhau, chúng ta có lửa. Như vậy, có thể nói rằng khi những điều kiện thuận lợi cho lửa xuất hiện, lửa sẽ xuất hiện. Quả của nghiệp cũng thế.
Nghiệp và quả của nghiệp không phải là một thứ. Sẽ không đúng khi nói rằng nghiệp chín muồi dần thành quả. Một loại triết học của Ấn giáo (Hindu) dạy rằng, quả đã có trong nghiệp dưới hình thức không hiển lộ rõ, và nghiệp tự nó chín muồi thành quả. Vì thế nhân và quả về bản chất là như nhau trong học thuyết đó. Nhưng đạo Phật không chấp nhận. Đạo Phật dạy rằng nghiệp và quả không lẫn vào nhau, nghĩa là trong nghiệp không có quả, và trong quả không có nghiệp, mặc dù phải nói là không quả nào hiện hữu mà không có nghiệp. Quả hoàn toàn tuỳ thuộc vào nghiệp, nhưng quả không hiện hữu trong nghiệp, cũng như nghiệp không tồn tại trong quả. Nghiệp và quả thuộc về những thời gian khác nhau. Quả có mặt hoàn toàn tuỳ thuộc vào nghiệp đã làm trong quá khứ, và khi những điều kiện kết hợp lại theo cách nào đó thuận lợi cho quả xuất hiện (giống như mặt trời, phân bò, và ngọc), quả sẽ xuất hiện vậy thôi.
Danh từ kỹ thuật chỉ quả của nghiệp là vipāka - dị thục quả, chúng ta thường gọi là quả của nghiệp hay nghiệp quả. Kamma hay ý chí từ quá khứ để lại một tiềm lực cho quả phát sinh trong hiện tại. Nhưng nghiệp quá khứ không ảnh hưởng gì đến ý chí hiện tại. Phản ứng của chúng ta trước những quả quá khứ sẽ tạo ra những quả xấu hoặc tốt trong tương lai, tuỳ thuộc vào tính chất của ý chí hay tư - cetanā. Nếu chúng ta phản ứng với như lý tác ý (yoniso manasikāra), thì quả báo trong tương lai sẽ là thiện hay tốt đẹp. Song nếu chúng ta phản ứng với phi lý tác ý (ayoniso manasikāra) quả của ý chí như vậy sẽ là xấu, và sẽ cho quả bất thiện trong tương lai. Vì thế, đối với quả của nghiệp quá khứ chúng ta không thể làm được gì nhiều, song chúng ta có thể phản ứng lại quả đó với như lý tác ý, và nhờ vậy có được những quả tốt trong tương lai. Như lý tác ý sẽ cho phép chúng ta làm nghiệp thiện, trong khi phi lý tác ý sẽ khiến chúng ta làm nghiệp ác. Quả báo tương lai chắc chắn sẽ tuỳ thuộc vào ý chí (nghiệp) của chúng ta trong hiện tại.
Tuy nhiên, không phải mọi việc xảy ra đều do nghiệp. Đôi khi chúng ta không nên cho rằng mọi chuyện đều do nghiệp cả. Chẳng hạn, khi ai đó bị một điều gì không may, đừng vội kết luận: “Đó là nghiệp của bạn, bạn phải chịu đựng nỗi bất hạnh thế này, thế nọ là vì nghiệp bạn đã tạo.” Mặc dù nghiệp có thể được xem là một quy luật chi phối toàn bộ thế gian này, song nó chỉ là một trong những quy luật (năm niyāma). Các định luật thiên nhiên và tinh thần khác cũng chi phối cuộc sống của mọi chúng sinh.
Ngoài ra chúng ta còn phải biết phân biệt đâu là quả của nghiệp quá khứ, đâu là nghiệp hiện tại nữa. Nghiệp hiện tại không phải là quả của nghiệp quá khứ. Quả của nghiệp quá khứ là tâm quả (vipāka). Tâm quả là thành quả của nghiệp quá khứ, nhưng tâm quả ấy không ảnh hưởng gì đến việc thực hiện những hành động thiện hay bất thiện trong hiện tại. Nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện không phải là kết quả của nghiệp quá khứ; đúng hơn, chúng ta đang tích luỹ nghiệp mới trong kiếp hiện tại, và nghiệp đó sẽ cho quả trong tương lai.
Phân Loại Nghiệp
Nghiệp được sắp thành nhiều nhóm và loại khác nhau. Một trong những cách phân loại là chia nghiệp thành thiện (tốt) và bất thiện (xấu). Có mười thiện nghiệp, tức mười ‘tư’ thiện hay hành động thiện. Sở dĩ gọi đó là thiện nghiệp vì chúng xuất hiện cùng với những trạng thái tâm thiện, những tâm sở thiện, và cho ra quả thiện.
- Thiện nghiệp thứ nhất là bố thí (dāna). Chúng ta cần thực hành hạnh bố thí vì, nhờ chia sẻ với người khác những gì chúng ta có, chúng ta tạo được thiện nghiệp (kusala kamma) cũng gọi là công đức. Thiện nghiệp này sẽ cho quả trong các kiếp tương lai. Bố thí còn giúp chúng ta thực hành hạnh xả ly. Chẳng hạn, tôi có thể còn dính mắc vào chiếc máy đánh chữ này, song nếu cho nó đến người khác, tôi không chỉ bỏ cái máy, mà còn bỏ cả sự dính mắc của tôi vào cái máy ấy nữa. Hành vi dứt bỏ sự dính mắc này gọi là vô tham (alobha). Và khi tâm chúng ta thoát khỏi tham (lobha), nó được giải thoát, trong sáng và định tĩnh. Như vậy, chúng ta được khuyến khích nên thực hành hạnh bố thí càng thường xuyên càng tốt.
- Thiện nghiệp thứ hai là trì giới. Trì giới là thọ giới và giữ gìn giới. Đối với người Phật tử tại gia, ngũ giới là đòi hỏi tối thiểu: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm (tà hạnh trong các dục), không nói dối, không uống rượu và các chất say. Vào những ngày trai giới, cần giữ thêm ba giới nữa cho đủ tám giới. Ba giới mới thêm đó là: không ăn sau giờ ngọ (12 giờ trưa), không nghe nhạc và trang điểm, và không nằm ngồi trên những giường cao và sang trọng. Giới (sīla) là nền tảng của định (samādhi) hay thiền.
- Thiện nghiệp thứ ba là tu thiền hay tu tập tâm. Đây là thiện nghiệp thù thắng nhất mà chúng ta có thể làm trong đời này: hành thiền minh sát vipassanā.
Thiện nghiệp thứ tư là cung kính, tỏ lòng kính trọng người khác, nhất là người lớn tuổi. Ở phương Đông, người trẻ kính trọng người già là chuyện tất nhiên. Theo cách này, tương quan giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò, v.v… được quy định bởi phép cung kính này.
- Thiện nghiệp thứ năm là phục vụ, làm điều tốt cho người khác; chẳng hạn giúp một cụ già hay phụ nữ băng qua đường, hoặc mang giúp họ những vật nặng. Một loại phục vụ khác là công quả cho Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Khi bạn quét dọn, lau chùi, hoặc tu sửa chùa chiền, đó là sự phục vụ hay công quả tốt đẹp nhất.
- Thiện nghiệp thứ sáu là hồi hướng công đức . Khi bạn có được chút công đức (phước thiện) nào, bạn nên chia sẻ điều này với những người khác. Chia sẻ công đức hay hồi hướng công đức tự nó là một phước báu, vì thế ta nên chia sẻ với mọi người. Hồi hướng công đức không có nghĩa rằng ta lấy một phần công đức của mình đem cho người khác. Thực ra, nó chỉ có nghĩa là chúng ta để cho mọi người có cơ hội thâu thập công đức cho chính bản thân họ mà thôi. Xưa có một thiện nam hỏi Đức Phật Độc-giác (Pacceka Budha) rằng nếu một người chia phước đến người khác, công đức của họ có vì thế mà giảm đi hay không? Đức Phật Độc-giác bảo anh ta: “Nếu như anh có một cây đèn, từ cây đèn đang cháy này, anh thắp sáng cây đèn khác, ánh sáng của nó sẽ không giảm đi khi châm sang cây đèn đó, mà càng trở nên sáng hơn cùng với việc thắp sáng cây đèn mới này. Cũng vậy, khi anh hồi hướng hay chia phần phước đã làm đến mọi người, phước của anh không giảm mà thực sự còn tăng trưởng thêm vì có một phước báu mới (từ việc mở rộng lòng quảng đại này)”
- Thiện nghiệp thứ bảy là tuỳ hỉ công đức hay hoan hỉ với phước sự của người khác, có nghĩa là khi người khác làm được những việc phước thiện, bạn chỉ cần nói lên lời “sādhu, sādhu, sādhu”, tức là “lành thay, lành thay, lành thay”, hoặc khi người khác chia phước đến bạn, bạn nói “sādhu, sādhu, sādhu” để chứng tỏ rằng bạn rất hoan hỉ với việc phước của họ, và nhờ tâm hoan hỉ này, bạn tạo được cho mình một phước báu.
- Thiện nghiệp thứ tám là thính pháp hay lắng nghe pháp. Đây là một phước báu lớn, một thiện nghiệp lớn. Nhờ nghe pháp, bạn sẽ hiểu pháp, và khi đã hiểu pháp bạn có thể tránh làm các điều bất thiện và làm được những điều thiện.
- Thiện nghiệp thứ chín là thuyết pháp , đàm luận pháp. Thiện nghiệp này có liên quan đến thiện nghiệp thứ tám.
- Thiện nghiệp thứ mười là uốn nắn tri kiến . Chúng ta phải có sự hiểu biết đúng về nghiệp. Nghiệp là tài sản riêng của chúng ta, chúng ta là chủ nhân của nghiệp và không ai khác có trách nhiệm đối với hành động hay nghiệp của chúng ta được.
Như vậy có mười thiện nghiệp. Tuy nhiên, nếu cô đọng, chúng thực sự chỉ có ba: bố thí, trì giới, và tu thiền. (1) Cung kính và phục vụ được kể trong nhóm Giới (sīla); (2) Hồi hướng công đức và tuỳ hỉ công đức được kể trong nhóm Thí (dāna); và (3) Thính pháp, thuyết pháp, và uốn nắn tri kiến được sắp vào nhóm Thiền hay tu tập tâm (bhāvanā)
Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu về các bất thiện nghiệp hay nghiệp xấu. Sở dĩ gọi là nghiệp xấu, vì chúng sẽ cho quả xấu, và đi kèm với trạng thái tâm bất thiện.
1. Nghiệp bất thiện thứ nhất là sát sanh, giết các chúng sinh.
2. Thứ hai là trộm cắp, lấy những gì người khác không cho.
3. Thứ ba là tà dâm.
4. Thứ tư là nói dối.
5. Thứ năm là nói lời gây chia rẽ.
6. Thứ sáu là nói lời thô ác.
7. Thứ bảy là nói lời vô ích, không có ý nghĩa hoặc giá trị.
8. Thứ tám là tà tham (visama lobha), là muốn chiếm hữu tài sản người khác. Đây không phải là loại tham thường có đối với tài sản của riêng mình. Hình thức tham ở đây là muốn chiếm hữu tài sản của người khác, và được xem là hình thức tham tồi tệ nhất.
9. Thứ chín là sân hay ác ý. Đó là muốn làm tổn thương người khác, muốn gây thương tích cho người khác.
10. Nghiệp bất thiện thứ mười là tà kiến, là tin rằng các pháp vốn thường, lạc, ngã, tịnh.
Trên đây là mười pháp bất thiện cho những quả báo xấu và cần phải tránh nếu chúng ta không muốn những quả xấu ấy. Tránh những nghiệp này cũng được xem là nghiệp tốt; bởi vì tự thân việc tránh không sát sanh, trộm cắp và những nghiệp xấu khác thực sự đã là nghiệp tốt rồi.
Phản Tỉnh Về Nghiệp
Chúng ta cũng cần hiểu biết về quy luật của nghiệp. Điều này rất quan trọng trong đạo Phật, vì hiểu biết về nghiệp là một phần của thiện nghiệp mà chúng ta gọi là uốn nắn tri kiến. Hơn nữa có chánh kiến về nghiệp sẽ dẫn đến an tịnh, một trong bảy chi phần giác ngộ. Để cảm nghiệm được sự an tịnh, chúng ta phải làm nhiều công việc, và phản tỉnh về nghiệp là một trong những việc ấy (ở đây phản tỉnh về nghiệp có nghĩa là suy xét về nghiệp kể như tài sản riêng của mình). Đôi khi chúng ta dao động và bất an vì không được những điều mình muốn, hoặc những điều không muốn lại xảy ra. Trong tình huống ấy, suy xét về nghiệp giúp ta gạt bỏ được sự bất an và có được an tịnh, vì chúng ta không thể làm bất cứ gì để thay đổi nghiệp quá khứ được. Chúng ta phải chấp nhận những gì chúng ta đáng được, kể như kết quả của ý chí quá khứ, của nghiệp quá khứ.
Phản tỉnh về nghiệp là cách tốt nhất để loại trừ sự oán giận. Có khi bạn đang hành thiền tâm từ, oái oăm thay bạn lại cảm thấy oán giận vì phải rải tâm từ đến một người có thể đáng ghét đối với bạn. Cách để loại trừ oán giận trong trường hợp này là suy xét về nghiệp kể như tài sản riêng của mình. Bạn suy xét: “Ta được sanh ra ở đây là do kết quả của nghiệp, và người khác có mặt ở đây cũng vì lý do ấy, không có điều gì ta có thể làm về việc này được. Nhưng nếu oán giận người, ta đã tạo một nghiệp bất thiện mới, nghiệp này sẽ cho ta những quả báo xấu trong bốn đoạ xứ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, và Atula)”
Nhờ phản tỉnh như vậy, ta có thể loại trừ được lòng oán giận. Hiểu biết về nghiệp cũng thúc đẩy tinh thần tự lực. Bởi lẽ nghiệp là của riêng mỗi người và chúng ta là nhà kiến trúc cho số phận của mình. Chúng ta phải nương tựa chính bản thân mình chứ không dựa vào ai khác. Để có được những quả báo tốt, chúng ta phải làm được nghiệp tốt. Vì các chúng sinh sẽ gặt hái những kết quả theo nghiệp họ đã tạo, không ai có thể giúp người khác trong việc gặt hái những kết quả đó. Ngoài lời dạy về tinh thần tự lực này ra, sự hiểu biết về nghiệp còn dạy cho chúng ta tinh thần trách nhiệm cá nhân nữa. Chúng ta phải có trách nhiệm đối với chính bản thân, và bất luận điều gì chúng ta đã và đang làm, chỉ một mình chúng ta chịu trách nhiệm về hành động đó. Khi chúng ta gặp những hoàn cảnh thuận lợi, đó là kết quả của những gì chúng ta đã làm trong quá khứ. Cũng thế, khi chúng ta rơi vào những nghịch cảnh, chúng ta phải chịu trách nhiệm về việc đó mà không thể đổ thừa cho ai được.
Như vậy, nếu bạn muốn có được kết quả tốt, bạn chỉ cần làm điều tốt hay tạo thiện nghiệp trong đời này. Theo cách đó, sự hiểu biết về nghiệp còn cho chúng ta niềm hy vọng vì chúng ta có thể dựa vào bản thân để định hướng cho những kiếp tương lai bằng cách tạo trữ thiện nghiệp trong kiếp hiện tại này. Như vậy, nghiệp không phải là số phận hay định mệnh, vì chúng ta có thể tránh được những kết quả của nghiệp xấu bằng cách tạo thiện nghiệp. Chúng ta cũng không phải sợ ai phán xét hoặc sợ ai lôi chúng ta vào địa ngục. Theo đạo Phật, không ai có thể tống chúng ta vào địa ngục ngoại trừ chính chúng ta, tất nhiên chúng ta cũng có thể đưa mình lên thiên giới được nữa.
Có sự hiểu biết và niềm tin vào quy luật của nghiệp là một đòi hỏi cơ bản đối với người Phật tử. Đạo Phật rất nhấn mạnh đến điểm này. Với niềm tin và sự hiểu biết ấy, chúng ta làm những việc thiện, và những việc thiện này là những việc thiện thù thắng nhất vì được làm với sự hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp. Khi làm một việc thiện với sự hiểu biết về nghiệp, việc làm đó kể như có đủ ba nhân thiện, đó là vô tham, vô sân, và vô si. Khi những thiện sự của chúng ta được kèm theo bởi ba nhân thiện này, chúng sẽ cho quả trong các kiếp sống tương lai, quan trọng hơn hết là được tái sinh làm người có đủ ba nhân. Thường những người được sinh ra với ba nhân thiện này có thể đắc thiền hoặc đạo quả Niết-bàn trong đời hiện tại. Như vậy có sự hiểu biết về nghiệp khi đang làm các việc công đức là điều hết sức quan trọng trong đạo Phật.
PHẦN HỎI VÀ ĐÁP
Hỏi: Ý định hồi hướng công đức (chia phước) có khích lệ được người khác thâu thập công đức cho bản thân họ không?
Đáp: Có. Khi bạn hoan hỷ với những việc làm công đức của người khác, lòng hoan hỷ ấy tự thân nó đã là một công đức rồi. Tuy nhiên, việc chia phước hay hồi hướng công đức này sẽ có hiệu quả nhất đối với người đã quá vãng. Chẳng hạn, một người chết và tái sinh làm ngạ quỷ (peta), nếu thân bằng quyến thuộc của người đó làm phước và hồi hướng hay chia phước ấy đến ngạ qủy, bằng cách nói: ‘Mong các hàng ngạ quỷ hãy đến và hoan hỷ với phước sự mà chúng tôi đã làm đây’. Lúc đó, ngạ quỷ do nghe được những lời hồi hướng và tỏ ra hoan hỷ với những công đức ấy, có thể sẽ nhận được những kết quả tốt đẹp tức thì. Hàng ngạ quỷ thì có được những kết quả tức thì, song chúng ta trong kiếp này không có được những kết quả nhanh chóng như vậy.
Có một câu chuyện kể về những quyến thuộc của Đức Vua Tầnbàsala (Bimbisara) của Ấn-độ, người đã trở thành đệ tử của đức Phật và đắc thánh quả Tu-đà-hoàn. Trong một kiếp quá khứ, vua và rất nhiều quyến thuộc của ông đã phạm phải một ác nghiệp. Một số thiện tín đang chuẩn bị một buổi lễ trai tăng có Đức Phật làm toạ chủ, những quyến thuộc của Tầnbàsala đã tự tiện ăn trước những món ăn trong đó (tức là ăn trước khi người ta dâng cúng đến Đức Phật và Tăng chúng). Do việc này, họ đã phải tái sinh làm ngạ quỷ không có chỗ nương thân và nuôi dưỡng. Trải qua vô lượng kiếp, đến thời Đức Phật Thích Ca, khi vua Tầnbàsala cúng dường Trúc-lâm Tịnh xá đến Đức Phật, và các ngạ quỷ đó hy vọng rằng ông sẽ hồi hướng phước cho họ. Nhưng Vua Tầnbàsala không biết cách hồi hướng nên hàng ngạ quỷ không được gì cả. Điều này làm họ giận dữ, và họ đã hiện ra những tướng đáng sợ cho Vua Tầnbàsala thấy suốt đêm đó. Đức Vua kể lại chuyện cho Đức Phật, và ngài khuyên ông khi làm những phước sự nên hồi hướng công đức đến cho quyến thuộc của mình. Đức Vua theo lời khuyên và làm phước hồi hướng đặc biệt đến cho họ. Các ngạ quỷ nhận được phước nói lên lời “sādhu, sādhu, sādhu” (lành thay, lành thay, lành thay) và họ được hoá sanh chư thiên tức thì.
Hỏi: Chúng ta có thể thoát khỏi những quả của nghiệp xấu không?
Đáp: Có nhiều nghiệp khác nhau. Có số cho quả trong đời kế, có số cho quả trong những đời sau đó nữa. Các nghiệp cho quả trong các kiếp tương lai thì ai cũng có cả một kho nghiệp như vậy. Chúng ta đã trôi lăn trong vòng luân hồi này không biết bao nhiêu đại kiếp, và đã làm rất nhiều điều thiện lẫn điều ác. Một số nghiệp ấy có thể đã cho quả, nhưng một số có thể vẫn chưa cho quả. Theo một cách nói nào đó thì cả nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu đều đang chờ cơ hội để cho quả. Nghiệp xấu sẽ cho quả khi chúng có những cơ hội và hoàn cảnh thuận lợi để cho quả. Vì thế, nếu bạn làm nghiệp xấu ở đời này, thì nghiệp xấu từ quá khứ sẽ có nhiều khả năng cho quả hơn do nghiệp xấu mới làm này. Tuy nhiên, nếu trong đời hiện tại bạn làm nhiều nghiệp tốt, bạn có thể ngăn, chứ không hoàn toàn xoá bỏ được nghiệp xấu từ quá khứ. Đó là lý do tại sao mọi người được khuyên nên làm điều thiện.
Đức Phật một lần đã đặt ý nghĩa này trong hình thức một tỷ dụ. Nếu bạn bỏ một muỗng muối vào một ly nước, nước đó sẽ trở nên rất mặn. Song nếu bạn bỏ cũng muỗng muối ấy vào một hồ nước, nước hồ sẽ không bị mặn như vậy. Cũng vậy, khi bạn có một số lớn nghiệp tốt, bạn có thể làm mất tác dụng hoặc làm giảm nhẹ được những hậu quả của nghiệp xấu.
Chỉ khi bạn đạt đến quả vị Alahán (Alahán: vị đã đạt đến tột đỉnh của sự phát triển tâm linh, đã giải thoát và sẽ không còn tái sinh trở lại), bạn mới có thể trừ tiệt hoàn toàn mọi hệ quả của nghiệp. Nhưng ở đây chúng ta vẫn có thể ngăn chặn quả của nghiệp xấu bằng cách làm những điều thiện. Nhờ làm việc thiện, chúng ta tạo ra những hoàn cảnh bất lợi để ngăn không cho nghiệp xấu từ quá khứ trả quả; hay nói khác hơn, nhờ thiện nghiệp chúng ta làm thường xuyên mà những ác nghiệp trong quá khứ không có cơ hội thuận lợi để cho quả vậy.
Hỏi: Có phải quả và nhân (hành động) thực sự là những giai đoạn tâm khác nhau không?
Đáp: Theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), chúng là những tâm sở khác nhau. Chúng ta có bốn thực tại: tâm, tâm sở, sắc pháp, và Niết bàn. Các tâm sở xuất hiện cùng lúc với tâm, và nghiệp chỉ là một trong những tâm sở ấy (nghiệp tức là tư tâm sở). Tâm và tâm sở tạo nghiệp (tư) đều diệt mất (sau khi làm xong nhiệm vụ), nhưng nghiệp để lại một tiềm lực cho quả trong tương lai.
Hỏi: Những tâm sở hay trạng thái tâm tiêu cực như sân hận, ác ý, luôn luôn cho những quả xấu có phải không?
Đáp: Phải. Nhưng mức độ quả khác nhau tuỳ theo sức mạnh của ác ý hay sân hận (lúc tạo nghiệp). Đôi khi ý nghĩ sân hận hoặc mức độ ác ý rất nhỏ, rất thoáng qua, và vì thế quả báo sẽ không thể hiện rõ rệt. Nhưng có lúc cường độ tâm sân mạnh đến độ bạn có thể giết người và tất nhiên phải chịu quả báo rất xấu. Kinh sách thường nói rằng giết một con bò nghiệp nặng hơn giết một con chó hay con mèo, vì con bò to hơn nên muốn giết nó phải đầu tư nỗ lực nhiều hơn. Nếu chúng sinh bị giết không giới đức, bạn chịu quả báo nhẹ hơn. Nếu một người giết một người cực ác, nghiệp bất thiện họ tạo không xấu bằng khi người bị giết đó là một người giới đức. Vì thế, tuỳ theo giới hạnh của người bị giết, và tuỳ nỗ lực cần phải có để thực hiện việc giết, kết quả sẽ khác nhau. Do có những mức độ khác nhau của nghiệp thiện và nghiệp bất thiện, nên mức độ quả tương xứng cũng khác nhau vậy.
Tìm Hiểu Quy Luật Vận Hành Của Nghiệp
Đến đây tôi sẽ trình bày những định nghĩa của một số từ được sử dụng trong bài giảng này dựa trên tự điển Phật học của Nyanatiloka.
Khi nói đến Citta, tôi muốn nói đến tâm. Có 89 loại tâm (hoặc 121 theo một cách tính khác). Khi nói Cetasika, tôi muốn đề cập đến các tâm sở hay những trạng thái tâm lý vốn liên quan mật thiết với tâm (citta) đang sinh và được quy định bởi sự hiện diện của nó (các tâm sở ấy). Một thuật ngữ khác, Rūpa có nghĩa là sắc hay phần vật chất. Triết học Vi-diệu-pháp mô tả mọi hiện tượng trong ba phương diện này: Citta (tâm), Cetasika (tâm sở), và Rūpa (sắc). Trong ba phương diện vừa kể, các tâm sở gồm thọ, tưởng, và năm mươi tâm hành; tổng cộng có năm mươi hai tâm sở.
Một thuật ngữ khác mà tôi dùng ở đây là Cetanā (tư). Cetanā hay tư, ý chí, là một trong bảy tâm sở biến hành liên quan chặt chẽ với tất cả tâm. Bảy tâm sở này là: xúc (phassa), thọ (vedanā), tưởng (saññā), tư (cetanā), nhất hành (ekaggatā), mạng quyền (jāvita), và tác ý (manasikāra). Cuối cùng, tôi sẽ giải thích thêm một từ nữa, đó là kamma hay nghiệp.
Kamma là gì? Như đã giải thích ở trên, kamma là hành động hay việc làm. Về cơ bản, kamma là hành động hay công việc hoặc việc làm, nhưng theo nghĩa Phật học, kamma được định nghĩa như cái mà qua đó những hành động được làm, hay cái nhờ đó các hành động được thực hiện. Hành động tự nó không gọi là kamma (nghiệp).
Để hiểu rõ hơn, chúng ta thử hình dung khi làm một điều gì, trong tâm chúng ta phải khởi lên một loại tâm và loại tâm đó được đi kèm theo bởi cái chúng ta gọi là ý chí (tư tâm sở - cetanā ), và cetanā hay ý chí ấy mới gọi là nghiệp. Đức Phật đã công bố một cách rành mạch:
“Ý chí (cetanā - tư) là cái Như Lai gọi là nghiệp. Do có ý chí, người ta mới thực hiện những hành động bằng thân, bằng lời nói, hoặc bằng tâm.” Bất cứ khi làm một hành động nào, trong tâm chúng ta đều phải có một loại tâm, hoặc thiện hoặc bất thiện, khởi lên, và loại tâm ấy được kèm theo bởi ý chí hay cetanā, chính cetanā này là cái mà chúng ta gọi là nghiệp. Vì thế nghiệp là ý chí trong tâm chúng ta. Ý chí này có thể kết hợp với các tâm thiện hoặc bất thiện. Cetanā hay ý chí có mặt trong tất cả tâm, nó là một trong bảy tâm sở biến hành liên quan mật thiết với 89 hay 121 loại tâm. Nhưng khi nói tới nghiệp, chúng ta chỉ muốn nói tới cetanā đi kèm với các loại tâm thiện hay bất thiện mà thôi.
Mọi người có lẽ đã quen với mười hai mắc xích của Pháp Duyên-khởi (Thập Nhị Nhân Duyên) mà trong đó chúng ta sẽ thấy từ saṅkhāra, thường có nghĩa là hành. Ở đây hành có nghĩa là nghiệp, và chính nghiệp này tạo ra những kết quả trong đời này hoặc trong các đời tương lai. Như vậy, chúng ta có chuỗi (duyên khởi): vô minh làm duyên cho hành, hành làm duyên cho thức, thức làm duyên cho danh sắc, danh sắc làm duyên cho lục nhập, lục nhập làm duyên cho xúc, xúc làm duyên cho thọ, thọ làm duyên cho ái, ái làm duyên cho thủ, thủ làm duyên cho hữu (tiến trình trở thành hay sanh hữu), hữu làm duyên cho sinh, và sinh làm duyên cho già và chết.
Trước khi đi xa hơn, tôi muốn đề cập thêm một chút nữa về kamma. Kamma (nghiệp) không phải là kết quả của hành động, mà chỉ là nhân, mặc dù theo cách phổ thông, chúng ta thường sử dụng từ này trong nghĩa của quả. Nghiệp cũng không phải là định mệnh hay sự tiền định, mặc dù trong ý nghĩa nào đó, nó dường như thế thật. Song cần hiểu rằng nghiệp không phải là số phận hay định mệnh theo nghĩa có một đấng tạo hoá hay tác nhân bên ngoài nào bắt chúng ta phải chịu khổ hay vui trong cuộc đời này, mà nghiệp phải được xem như một yếu tố quyết định quan trọng của đời sống hiện tại cũng như tương lai của chúng ta.
Thêm một điều nữa, chúng ta không nên gán cho giáo lý nghiệp báo này ý niệm về nghiệp chung. Không hề có sự hoạt động của một nghiệp chung tác động trên một nhóm người. Tuy nhiên, có thể có chuyện một nhóm người cùng làm một việc gì đó với nhau và thọ lãnh những quả của nghiệp riêng của họ cùng nhau. Trong trường hợp đó, quả nghiệp của mỗi cá nhân cũng đang hoạt động mà thôi.
Quy luật của nghiệp là quy luật của nhân và quả, quy luật này nói rõ rằng có nhân tất có quả, không quả nào không có nhân. Chúng ta cũng có thể mô tả nghiệp như quy luật của hành động và phản ứng. Có hành động tất có phản ứng của hành động.
Giống như định luật hấp dẫn, vận hành của nghiệp là một quy luật tự nhiên. Không ai có thể can thiệp vào quy luật này, ngay cả Đức Phật. Trong tích truyện Phật giáo, chúng ta biết chuyện Đức Phật đã không thể cứu được quyến thuộc của ngài khỏi bị thảm sát như thế nào. Khi nghiệp quá khứ đã chín muồi, ngay cả Đức Phật cũng không che chở cho họ khỏi bị quả báo của nghiệp họ đã tạo.
Yếu tố đầu tiên của Bát-Thánh-đạo là chánh kiến. Một trong những đòi hỏi cơ bản của chánh kiến là hiểu biết quy luật của nghiệp.
Như vậy, có phải mọi việc đều do nghiệp cả không? Trong từ điển Phật học, Ngài Nyanatiloka có viết: “Theo tinh thần Phật giáo, sẽ là sai lầm hoàn toàn khi tin rằng mọi việc đều là kết quả của nghiệp quá khứ”. Bất kỳ hành động có chủ ý tạo nghiệp thiện hoặc bất thiện nào đều không phải là kết quả của nghiệp quá khứ vì chính tự thân hành động đó đã là nghiệp. Điều này có nghĩa rằng, ý chí (hay tư) trong hiện tại không bị ảnh hưởng bởi quả của nghiệp quá khứ.
Tâm có nhiều loại. Một trong số các loại tâm là tâm quả. Tâm quả là kết quả của nghiệp, nhưng các loại tâm khác không phải là quả của nghiệp. Vì thế không phải mọi việc đều do nghiệp cả.
Chẳng hạn, khi chúng ta thấy một điều gì vừa ý, tâm thấy đó là do nghiệp gây ra. Nhưng phản ứng của chúng ta đối với cái thấy đó hay với đối tượng đó không còn do nghiệp tạo nữa. Phản ứng của chúng ta là một nghiệp mới chúng ta đang làm. Thấy một vật vừa lòng là quả của thiện nghiệp, thấy một vật không đáng ưa là quả của bất thiện nghiệp. Nếu chúng ta thấy một bông hồng xinh đẹp, đó là quả của thiện nghiệp. Bông hồng không phải là quả của nghiệp, nó chỉ là một vật của tự nhiên; nhưng tâm thấy bông hồng này là kết quả của thiện nghiệp. Rồi đến phản ứng của bạn, nếu bạn có sự chấp thủ đối với bông hồng, phản ứng của bạn là bất thiện (akusala), còn nếu phản ứng của bạn là để thấy thực chất của bông hồng, đó là thấy nó vô thường, không có một cốt lõi, và chịu sự chi phối của quy luật sanh - diệt. Phản ứng như vậy không bị chấp trước vào nó và đó là thiện (kusala). Phản ứng hoặc thiện hoặc bất thiện đó của bạn sẽ cho quả trong tương lai. Bất luận điều gì bạn gặp trong đời này là quả của nghiệp quá khứ, nhưng phản ứng của bạn đối với nó không còn là quả nữa. Phản ứng là một nghiệp mới.
Ai là người tác nghiệp? Ai thọ hưởng hay cảm thọ quả của nghiệp? Điều này rất khó giải thích, vì đạo Phật không chấp nhận có một thực thể gọi là người hay chúng sinh, hoặc một Ātman (trong Pāḷi: atta nghĩa là tự ngã hay linh hồn) bên trong con người. Tuy nhiên có thể nói rằng một người làm điều thiện sẽ gặt quả thiện trong tương lai. Cách giải thích có vẻ như mâu thuẫn khi nói rằng đạo Phật chấp nhận cả tính đồng nhất lẫn khác biệt. Có một dòng tâm và vật chất (hay danh-sắc) tương tục nhưng không giống hệt nhau tồn tại trong một thời gian lâu dài. Trong từng khoảnh khắc (sát-na), danh và sắc sanh lên và diệt mất. Vì thế, phải nói là có một cái gì đó giống như tương tục, nhưng cái đó không giống hệt như cái đã hiện hữu trước, không có gì từ sát-na này được đem sang sát-na kế. Như vậy trong phân tích cùng tột không có người tác nghiệp và cũng không có người cảm thọ quả, vì ngoài nghiệp không có người tác nghiệp, và ngoài sự xuất hiện của quả không có người cảm thọ quả. Ngoài hành động ra, chẳng có ai để chúng ta gọi là một tác nhân của hành động cả. Theo ngôn ngữ quy ước, tất nhiên, chúng ta phải nói rằng chúng sinh thọ quả của thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp, nhưng từ “chúng sinh” chỉ là một cách dùng đã được mọi người sử dụng cho tiện mà thôi.
Gì là những kết quả của nghiệp? Chỉ có hai điều được xem là quả của nghiệp. Một là tâm (citta) và các tâm sở (cetasika), hai là sắc (rūpa).
Các loại tâm quả và tâm sở đi kèm với chúng là những kết quả của nghiệp. Một số sắc, chứ không phải tất cả, trong thân chúng ta cũng do nghiệp tạo ra. Như vậy khi nói quả của nghiệp, chúng ta muốn nói đến điều này: sắc do nghiệp sanh. Một bông hồng không phải là quả của nghiệp, nó đơn giản có mặt do những nguyên nhân tự nhiên. Nhưng thấy bông hồng hay cảm nghiệm bông hồng – tâm thấy qua đó bạn thấy bông hồng – là do nghiệp tạo và con mắt, hay đúng hơn thần kinh nhãn qua đó bạn thấy (bông hồng) cũng là kết quả của nghiệp. Tuy nhiên, phản ứng của bạn đối với bông hồng không còn là quả của nghiệp nữa mà là nghiệp mới. Theo cách này có thể hiểu rằng trong lúc thọ quả của nghiệp chúng ta cũng tạo ra nghiệp mới, và nghiệp mới này sau đó sẽ lại cho quả. Cứ như vậy, nhân và quả mãi diễn tiến và diễn tiến không ngừng.
Quy luật của nghiệp công bố rằng các chúng sinh sẽ gặt hái những gì họ đáng gặt hái. Đó là một quy luật công bằng, không phải do một đấng nào hay một năng lực siêu nhiên nào điều khiển.
Tôi xin chấm dứt bài giảng này với một minh họa về tiến trình tâm và vị trí của nghiệp trong đó.
Đây là tỷ dụ trái xoài thường được dùng trong Vi-Diệu-Pháp để minh họa cách vận hành của tâm từ trạng thái hữu phần, thụ động sang trạng thái tâm tích cực và tạo tác nghiệp thiện hoặc bất thiện. Ở đây tôi sẽ đánh số mỗi sát-na trong tiến trình:
Một người kia trùm kín đầu ngủ dưới gốc cây xoài (0), khi ấy một trái xoài chín, đứt cuống rơi xuống đất, sượt qua tai người đó (1, 2, 3). Bị tiếng động đánh thức (4), anh ta mở mắt ra và nhìn (5). Quơ tay lấy trái xoài (6), mắn mó, mân mê nó (7), ngửi nó (8), ăn nó với sự thích thú (9-15), và nuốt (16-17). Rồi anh ta lại ngủ tiếp (0).
Khi một đối tượng được giới thiệu qua một trong năm cửa giác quan (năm căn môn), như trong trường hợp của ví dụ trái xoài này, sẽ có mười bảy sát na tâm diễn tiến theo tuần tự.
Chúng ta có dòng hữu phần - bhavaṇga - (0, 1, 2, 3), một loại tâm trôi chảy ngầm hay không hoạt động và một chuỗi các loại tâm sau: ngũ môn hướng tâm (4); nhãn thức (5); tiếp thọ (6); suy đạc (7); xác định (8); tốc hành tâm (9-15); đồng sở duyên (16-17); và rồi bhavaṇga trở lại (0).
Trong chuỗi tâm này, những sát-na tạo nghiệp là bảy tốc hành tâm, gọi theo PāḷiJavana. Trong những sát-na (tốc hành) này, con người kinh nghiệm trọn vẹn đối tượng, và cũng chính ở những sát-na này mà người ta sẽ tạo tác nghiệp. Sát-na đầu tiên của bảy tốc hành tâm, người ta có loại nghiệp mà nếu hoàn cảnh thuận tiện sẽ cho quả trong kiếp hiện tại. Sát-na tốc hành thứ bảy cũng là sát-na cuối cùng, người ta có loại nghiệp sẽ cho quả trong những kiếp sống sau kiếp kế, tức từ kiếp thứ ba trở đi nếu tính kiếp hiện tại là thứ nhất.
Nếu sát-na tốc hành đầu tiên không cho quả trong kiếp này, nó trở thành vô hiệu lực; nếu sát-na thứ bảy không cho quả trong kiếp kế, nó cũng trở thành vô hiệu lực. Nhưng năm sát-na giữa thứ nhất và thứ bảy có thể cho quả bất cứ lúc nào cho tới khi người ta đắc Alahán và viên tịch. Do đó, bảy sát-na tốc hành (javana) được xem là những sát-na quan trọng nhất trong tiến trình tâm của Abhidhamma. Vì trong những sát-na đó, chúng ta phản ứng lại với đối tượng như thế nào (hoặc thiện hoặc bất thiện) chúng ta sẽ gặt quả báo y như vậy.
CHƯƠNG IV:
NGHIỆP PHÂN TÍCH THEO VI DIỆU PHÁP
Bốn Loại Nghiệp (Kamma-catuka)
Kamma, hình thức Sanskrit: karma, nghĩa đen là hành động hay việc làm. Theo lẽ thường hành động tốt cho ra quả báo tốt và hành động xấu cho quả báo xấu.
Hành động có thể được thực hiện bằng thân (kāya), bằng lời nói (vacī) và bằng ý nghĩ (mano). Tuy nhiên thân và khẩu không tự ý phát động mà cần phải có tâm (citta) thúc đẩy qua sắc do tâm sanh (citta rūpa).
Tâm cũng chỉ là cái biết về một đối tượng, nó không tự ra lệnh hay điều khiển việc thực hiện một hành động được. Chính cetanā - tư hay ý chí hướng dẫn tâm và các pháp đồng sanh với nó (tâm sở) thực hiện hành động. Vì vậy cetanā mới chịu trách nhiệm cho việc thực hiện một hành động.
Do đó, nghiệp là chủ ý hay tư (cetanā) thiện và bất thiện. Ý chí hay tư, có gốc ở vô minh (moha), tham ái hoặc chấp thủ (lobha), và sân hận (dosa) là ý chí ác. Ý chí được kèm theo bởi vô tham (alobha), vô sân (adosa) và trí tuệ (paññā) là thiện.
Nói khác hơn, tư (cetanā) hiện diện trong mười hai tâm bất thiện (akusala citta) là bất thiện nghiệp, trong khi tư hiện diện trong tám tâm đại thiện (mahā kusala citta), năm tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala citta) và bốn tâm thiện vô sắc giới (arūpāvacara kusala citta) là những thiện nghiệp.
Ở đây cần hiểu rằng cetanā và các pháp đồng sanh với nó (là tâm và các tâm sở ngoài cetanā) diệt sau khi thực hiện xong những mục đích của chúng. Nhưng trước khi diệt, chúng để lại sản nghiệp của chúng trong dòng tâm thức. Sản nghiệp này là tiềm lực nghiệp sẽ tạo ra quả xứng đáng của nó vào một thời điểm thích hợp nào đấy và quả tất nhiên sẽ rơi chính trên người tạo nghiệp.
Điều này gần giống định luật thứ ba của Newton về sự chuyển động trong lĩnh vực vật lý. Định luật này tuyên bố: “Mọi hành động đều có phản ứng tương đương và đối nghịch.” Như vậy, khi một người thực hiện một hành động tốt hoặc xấu, họ sẽ chờ đợi một phản ứng tương đương và đối nghịch trong đời này hoặc trong một kiếp tương lai nào đó.
Hơn nữa, phản ứng đối nghịch ấy có thể xảy đến rất nhiều lần vì nghiệp đã được nhân lên hơn một tỷ lần do đặc tính của tâm. Như thế nào? Theo Vi Diệu Pháp, tâm có thể khởi lên với vận tốc hơn một tỷ lần trong một cái nháy mắt. Vì thế, trong việc đập một con muỗi thôi, hàng tỷ tâm có chủ ý muốn giết con muỗi đi kèm sẽ khởi lên. Những tâm này cùng với ý muốn giết sẽ làm lắng đọng hàng tỷ hạt giống hay chủng tử nghiệp trong dòng tâm thức.
Một hạt giống rau xanh sẽ sinh ra một cây mới cùng loại với cây đã cho ra hạt giống ấy như thế nào, ở đây cũng vậy, một hạt giống hay chủng tử nghiệp sẽ tạo ra một chúng sinh mới trong một cảnh giới tương xứng với nghiệp nguyên thủy của nó. Một nghiệp bất thiện sẽ cho quả tái sinh trong một khổ cảnh trong khi một nghiệp thiện sẽ cho quả tái sinh trong lạc cảnh.
Trong hành động giết con muỗi có nhiều tỷ bất thiện nghiệp được tạo ra như thế nào thì việc thực hiện một thiện nghiệp, như bố thí cũng thế, nhiều tỷ thiện nghiệp được tạo ra.
Do đó, số thiện nghiệp cũng như bất thiện nghiệp đã tích lũy trong đời này cũng như vô lượng đời quá khứ nhiều đến nỗi không thể nào ghi lại hết được, dù có bằng siêu máy tính (super computer). Tuy nhiên hết thảy những nghiệp ấy đều nằm trong dòng tâm thức của mỗi người và theo họ đến bất cứ nơi đâu họ xuất hiện trong một đời sống mới.
Ví như mỗi vật đều có một cái bóng đi kèm theo thế nào, mỗi nghiệp cũng có quả báo tương xứng đi kèm theo như vậy. Kamma hay nghiệp là hành động và vip?ka hay dị thục quả là sự phản ứng của nó. Đó là nhân và quả. Nghiệp tựa như hạt giống, quả (vipāka) giống như cây. Chúng ta gieo thế nào sẽ gặt thế ấy hoặc trong đời này, hoặc trong một đời tương lai nào đó. Những gì chúng ta gặt hôm nay là những gì chúng ta đã gieo hoặc trong hiện tại hoặc trong quá khứ vậy thôi.
Nghiệp tự nó là một quy luật và vận hành trong lãnh vực riêng của nó không có bất kỳ sự can thiệp nào của một tác nhân bên ngoài. Sẵn có trong nghiệp là tiềm lực sẽ tạo ra quả thích đáng. Nghiệp là nhân, dị thục quả là quả. Nhân tạo ra quả, quả giải thích nhân. Luật nhân quả này ngự trị khắp mọi nơi. Mặc dù không thể biết được nghiệp riêng trong một người, song chúng ta có thể phân nghiệp thành vài loại như đức Phật đã mô tả và đoán trước được khi nào và ở đâu mỗi loại sẽ cho quả ra sao.
I. Nghiệp Bốn Loại Phân Theo Phận Sự (Kicca Kamma Catuka).
1. Sanh nghiệp - Janaka kamma: Nghiệp tạo ra các danh uẩn và sắc uẩn vào sát-na thụ thai cũng như trong suốt đời của một cá nhân.
2. Trì nghiệp - Upatthambhaka kamma: Nghiệp hỗ trợ cho sanh nghiệp cũng như cho hiệu quả của sanh nghiệp trong suốt đời cá nhân ấy.
3. Chướng nghiệp - Upapālaka kamma: Nghiệp cản trở, làm suy yếu, gián đoạn, hay chậm trễ quả của sanh nghiệp.
4. Đoạn nghiệp - Upaghātaka kamma: Nghiệp không những cắt đứt hiệu quả của sanh nghiệp mà còn hủy diệt luôn sanh nghiệp và tạo ra quả riêng của nó. Nói cách khác, nghiệp này làm cho người ta chết đột ngột và phải tái sinh hợp theo đoạn nghiệp.
Trường hợp của Đềbàđạtđa (Devadatta) có thể nêu như một ví dụ về hoạt động của bốn nghiệp kể trên. Sanh nghiệp tốt tạo điều kiện cho ông được tái sinh trong một gia đình hoàng tộc. Sự sung túc và phát đạt của ông là do hoạt động của sanh nghiệp và trì nghiệp. Chướng nghiệp xen vào khi ông bị trục xuất khỏi tăng đoàn (Sangha) và chịu nhục nhã. Rồi cực trọng nghiệp phá hòa hợp tăng của ông đã hoạt động như đoạn nghiệp đưa ông xuống địa ngục Atỳ.
II. Nghiệp Bốn Loại Phân Theo Ưu Tiên Cho Quả - (Pākadānaparīyāya kamma catukka)
1- Cực trọng nghiệp - Garuka kamma: Là loại nghiệp mạnh đến nỗi không nghiệp nào khác có thể chặn được phận sự của nó trong kiếp kế. Nói cách khác, nó là nghiệp chắc chắn sẽ cho quả trong đời sau.
Cực trọng nghiệp xấu có năm – pañcānantariya kamma - hay còn gọi là ngũ vô gián nghiệp, đó là: (1) phá hòa hợp tăng, (2) làm cho Đức Phật chảy máu, (3) giết một vị Alahán, (4) giết cha, (5) giết mẹ. Ngoài ra tà kiến cố định như đoạn kiến v.v… cũng được xếp vào loại này.
Ngược lại, năm thiện nghiệp sắc giới (tức năm bậc thiền tế sắc) và bốn thiện nghiệp vô sắc giới (tức bốn thiền vô sắc) là những cực trọng nghiệp tốt. Các đạo siêu thế (Lokuttara magga) cũng có năng lực cực trọng như thế, vì nó đóng kín vĩnh viễn các cánh cửa đi vào bốn ác đạo.
2- Cận tử nghiệp - Āsanna kamma: là nghiệp được thực hiện hay nhớ lại vào lúc lâm chung.
3- Thường nghiệp - Āciṇṇa-kamma: là nghiệp được thực hiện một cách đều đặn, hoặc cũng có thể được thực hiện chỉ một lần, nhưng lúc nào cũng nhớ đến nó.
4- Tích lũy nghiệp - Kaṭattā-kamma: hay nghiệp không rõ rệt, nghĩa là nghiệp được làm một lần rồi quên ngay.
Vào lúc cuối cùng của đời người, nếu chúng ta có bất kỳ một cực trọng nghiệp nào, nghiệp này sẽ tạo ra quả của nó khi chúng ta chết và làm duyên cho kiếp sống kế của chúng ta.
Nếu không có cực trọng nghiệp, đây là trường hợp rất thường, lúc đó chúng ta sẽ dựa vào cận tử nghiệp để làm duyên cho kiếp sau. Để có được cận tử nghiệp tốt, con cháu hoặc quyến thuộc của người sắp chết phải chuẩn bị các thiện sự như cúng dường y áo đến các vị sư, hoặc cho người sắp chết được nghe pháp trên giường bệnh. Cũng có thể nhắc cho người sắp chết nhớ đến những thiện sự họ đã làm trong quá khứ v.v…
Câu chuyện về người cha của Trưởng lão Soma ở Tích Lan có thể xem là một điển hình trong trường hợp này. Sinh thời người cha sống bằng nghề săn bắn. Về già, không còn đi săn được nữa, ông xuất gia làm sư trong chùa của người con (tức trưởng lão Soma). Không bao lâu ông ngã bệnh và cứ mơ thấy lũ chó địa ngục leo lên đồi để cắn ông. Ông rất sợ và vì thế ông nhờ người con đuổi lũ chó đi giùm. Con ông, ngài Soma, là một bậc Alahán, biết rằng cha mình đã thấy một gati nimitta (thú tướng) chắc chắn sẽ bị ném vào địa ngục. Ngài nhờ các đệ tử của mình nhanh chóng hái những bông hoa trồng trong chùa và đem rải quanh ngôi tháp thờ Xá lợi, sau đó khiêng cha ngài đến tháp. Trưởng lão Soma nhắc cha đảnh lễ ngôi tháp và hoan hỷ với việc cúng dường hoa nhân danh ông.
Vị sư già trấn tĩnh lại, hết lòng đảnh lễ ngôi tháp và sung sướng khi nhìn thấy những bông hoa được cúng dường đến ngôi tháp nhân danh ông. Ngay lúc đó, thú tướng (gati nimitta) của ông thay đổi. Ông nói với người con, “Các kế mẫu xinh đẹp của con từ cõi trời đã đến rước cha đi đấy”. Người con cảm thấy hài lòng với kết quả của những cố gắng của mình. Đây là cách trả hiếu cho cha mẹ tốt nhất chúng ta có thể làm được.
Tuy nhiên, để chắc chắn có được một cận tử nghiệp tốt, chúng ta nên tu tập thường nghiệp trong lúc còn sống. Thường nghiệp thù thắng nhất là thiền chỉ hoặc thiền minh sát mà chúng ta thực hành hàng ngày. Khi việc hành thiền trở thành thói quen, nó sẽ được nhớ lại và thực hành vào lúc gần chết.
Vua Dutthāgamani của Tích Lan (Ceylon) có thói quen cúng dường vật thực đến chư tăng trước khi dùng bữa. Một lần, bào đệ của ngài tạo phản và đánh đuổi ngài chạy vào rừng sâu. Trong khi ẩn náu trong rừng, vua hỏi người hầu cận xem có mang gì để ăn không. Người hầu cận trả lời rằng ông có mang theo một tô cơm thượng vị. Đức vua nhận tô cơm và chia làm bốn phần - một cho ngài, một cho người hầu cận, một cho con ngựa, và một để cúng dường. Xong ngài nhờ người hầu cận đi mời các vị sư đến nhận phần cúng dường.
Tất nhiên họ không tìm đâu ra một vị sư ở quanh đó, nhưng do sự khăng khăng của đức vua, người hầu cận phải mời thật lớn. Lạ thay! Một vị sư bằng đường hư không bay đến. Vị sư là một bậc Alahán đã đắc các năng lực thần thông (abhiññā). Đức vua sung sướng đến nỗi không những chỉ cúng dường phần thứ tư của tô cơm mà còn dâng luôn phần của mình. Người hầu cận cũng theo gương đức vua, cúng dường phần của mình. Nhìn sang con ngựa, nó cũng gật đầu ra ý rằng cũng muốn cúng dường phần của nó nữa. Đức vua trong tâm trạng hân hoan được một lúc thì cảm thấy đói bụng trở lại, biết rằng vị Alahán có thiên nhĩ thông (dibba sota) có thể nghe được lời cầu khẩn của mình, vua liền nguyện xin ngài gởi cho phần ăn thừa của bữa cơm. Vị Alahán đã gởi bình bát khất thực của ngài qua hư không. Đức Vua nhận bình bát khất thực ấy và thấy trong đó đầy đủ vật thực do năng lực thần thông của vị Alahán. Đức vua, người hầu cận, và con ngựa ăn uống thỏa mãn.
Sau đó đức vua khôi phục lại quyền lực và hiến dâng một phần tài sản khổng lồ của mình cho Phật giáo để xây dựng ngôi đại tháp Mahā cetiya, rất nhiều tu viện, và các công trình phục vụ tôn giáo khác. Tất cả những thiện sự của ngài đều được ghi vào sổ sách. Khi Đức Vua lâm chung, ngài nghe lại những văn bản mà quần thần đọc. Đến khoản nói về việc cúng dường bữa cơm đến vị Alahán trong rừng, ngài yêu cầu người đọc dừng lại. Đức Vua trong tâm trạng vô cùng hoan hỷ khi nhớ lại việc làm đó và ngài băng hà. Nghiệp lành này đã cho ngài tái sinh lên cung trời Đâu Suất (Tusitā).
Ngược lại, Cunda - một người đồ tễ - sống hơn năm mươi năm bằng nghề mổ heo. Khi sắp chết, lửa địa ngục bốc lên thiêu đốt khiến ông kêu la “eng éc” như heo suốt bảy ngày. Sau khi chết ông rơi vào địa ngục liền. Như vậy, thường nghiệp (ācinna kamma) trở thành cận tử nghiệp (āsanna kamma) và tạo ra quả của nó lúc cuối đời.
Lối So Sánh Với Chuồng Bò
Ví như có nhiều con bò bị nhốt chung trong một chuồng lớn suốt đêm. Đến sáng người ta mở cửa cho chúng ra đồng. Vậy con bò nào sẽ đi ra trước?
Mọi con bò đều muốn đi ra ngay khi có thể. Nếu có một con lớn và khỏe nhất, nó sẽ oai vệ bước tới cửa và đi ra trước. Con bò to khoẻ ấy cũng giống như cực trọng nghiệp chắc chắn sẽ cho quả của nó trong kiếp kế. Bây giờ, nếu không có con bò lớn và khỏe nhất, thì con bò đứng gần cửa nhất sẽ phóng ra đầu tiên. Con này cũng giống như cận tử nghiệp cho quả của nó trong kiếp kế. Đôi khi một con có tinh thần cảnh giác, luôn luôn lưu ý đến thời gian mở cửa, có thể đi đến đó ngay trước khi cửa được mở và đi ra ngoài trước tiên khi cửa chuồng vừa được mở. Con này cũng giống như thường nghiệp cho quả của nó trong kiếp kế. Cũng có khi một con yếu bất thường, bị những con khỏe hơn xô đẩy, có thể đi ra khỏi chuồng đầu tiên. Con này cũng tựa như trường hợp một tích lũy nghiệp bất ngờ có cơ hội làm duyên cho kiếp kế vậy.
Hoàng hậu Mạc Lợi (Mallika) vợ Đức Vua Kosala đã sống một cuộc đời đức hạnh, nhưng vào lúc chết lại nhớ tới lời nói dối của bà với đức vua trước đó rất lâu, vì thế tích lũy nghiệp xấu này đã đẩy bà xuống khổ cảnh trong bảy ngày.
III. Nghiệp Bốn Loại Phân Theo Thời Gian Cho Quả- ( Pākakāla kamma catuka)
1. Hiện báo nghiệp - Diṭṭhadhamma vedanāya kamma: nghiệp cho quả trong kiếp hiện tại.
2. Sanh báo nghiệp - Upapajjavedaniya kamma: nghiệp cho quả trong kiếp kế (kiếp thứ hai)
3. Hậu báo nghiệp - Aparāpariyavedaniya kamma: nghiệp cho quả từ kiếp thứ ba trở đi cho đến kiếp cuối cùng khi người ấy chứng đắc Niết Bàn.
4. Vô hiệu nghiệp - Ahosi kamma: Nghiệp không còn cho quả nữa.
Trong việc nghiên cứu các tiến trình tâm (vīthis) chúng ta thấy tâm đại thiện (mahā kusala citta) và tâm bất thiện (akusala citta) làm nhiệm vụ như javana (tốc hành) bảy lần trong những trường hợp bình thường. Tư tâm sở (cetanā) kết hợp với tốc hành tâm đầu tiên được định danh là Diṭṭhadhamma vedanīya kamma - hiện báo nghiệp, tức nghiệp sẽ cho quả của nó ngay trong đời này. Nếu không cho quả trong đời này nó sẽ trở thành vô hiệu lực.
Đềbàđạtđa và Cunda (người đồ tể) bị lửa địa ngục thiêu sống ngay trong kiếp hiện tại của họ. Cặp vợ chồng nghèo Kālavaliya, sau khi cúng dường cơm đến tôn giả Xá Lợi Phất, trở thành người rất giàu trong vòng bảy ngày.
Trong bảy sát-na tốc hành, tốc hành tâm thứ nhất là yếu nhất. Yếu thứ nhì là tốc hành tâm thứ bảy. Tư tâm sở kết hợp với tốc hành tâm này gọi là uppapajjavedaniya kamma hay sanh báo nghiệp. Nó sẽ tạo quả trong kiếp kế (đời thứ hai). Nếu không cho quả trong đời thứ hai, nó cũng trở thành vô hiệu nghiệp (ahosi). Năm tốc hành tâm giữa rất mạnh và tư hay ý chí kết hợp với chúng gọi là aparapāriya vedaniya-kamma - hậu báo nghiệp. Vì có hàng triệu lộ tâm (vīthis) khởi lên trong một hành động thiện hay bất thiện, nên sẽ có nhiều triệu loại nghiệp này xảy ra trong thời gian tạo tác. Vì thế hậu báo nghiệp này sẽ hoạt động một cách vô định từ kiếp thứ ba trở đi cho đến kiếp cuối cùng nhập Niết Bàn của cá nhân ấy. Không một ai, ngay cả Chư Phật và Chư Vị Alahán, được ngoại lệ khỏi loại nghiệp này.
Do vậy đối với mỗi hành động đã làm, chúng ta sẽ trông đợi những quả không chỉ trong đời này mà cả ở vô số kiếp tương lai trong quá trình lang thang luân hồi của chúng ta. Vì thế, hãy cẩn thận!
IV. Nghiệp Bốn Loại Phân Theo Nơi Quả Nghiệp Xảy Ra ( Pākathāna kamma Catukka)
1. Bất thiện nghiệp - Akusala kamma: nghiệp cho quả trong bốn cảnh khổ (apāya - địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và atula)
2. Thiện nghiệp dục giới - Kāmāvacara kusala kamma: nghiệp cho quả trong bảy cõi vui dục giới (kāmaloka: cõi người và sáu cõi chư thiên dục giới)
3. Thiện nghiệp sắc giới - Rūpāvacara kusala kamma : nghiệp cho quả trong mười sáu cõi sắc (Rūpa loka)
4. Thiện nghiệp vô sắc giới - Arūpāvacara kusala kamma: nghiệp cho quả trong bốn cõi vô sắc (arūpā loka)
GHI CHÚ:
- Ở đây cần lưu ý rằng về cơ bản, nghiệp bất thiện = 12 cetanā (tư tâm sở) kết hợp với 12 tâm bất thiện.
- Thiện nghiệp dục giới = 8 cetanā đi kèm với 8 đại thiện tâm (mahā kusala citta)
- Thiện nghiệp sắc giới = 5 cetanā đi kèm với 5 tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala citta)
- Thiện nghiệp vô sắc giới = 4 cetanā đi kèm với 4 tâm thiện vô sắc giới (arūpāvacara kusala citta)
- Quả nghiệp có hai: Dị thục danh uẩn (vipāka namakkhandha) và Dĩ tác sắc (katattā rūpa)
- Dị thục danh uẩn là tâm quả (vipāka citta) và các tâm sở của nó.
- Dĩ tác sắc là sắc do nghiệp sanh và sắc do thời tiết sanh.
Sắc do nghiệp sanh (kammaja rūpa) là sắc được tạo ra bởi nghiệp.
Sắc do thời tiết sanh (utiya rūpa) là sắc được tạo ra bởi nhiệt.
Hơn nữa, quả nghiệp khởi sanh ở thời tục sinh (patisandhi kāla), tức sát-na sanh của kiết sanh thức hay tâm tục sinh (patisandhi citta) cũng như thời chuyển khởi hay thời bình nhật (pavatti-kāla) tức từ sát-na trú của tâm tục sinh cho đến lúc chết.
Nghiệp Môn và Ba Loại Nghiệp
Nơi nghiệp phát sinh hay phương tiện qua đó nghiệp phát sinh gọi là nghiệp môn (kamma dvīra). Có ba nghiệp môn:
1. Thân môn (kāya dvāra): Sự chuyển động của thân gọi là thân biểu tri (kāyaviññatti) nơi đây thân nghiệp (kāya kamma) phát sinh.
2. Khẩu môn (vacī dvāra): Chuyển động của miệng tạo ra lời nói gọi là khẩu biểu tri (vacīviññatti) ở đây khẩu nghiệp (vacī kamma) phát sinh.
3. Ý môn (mano dvāra): Tất cả các tâm ở đây ý nghiệp (mano kamma) phát sinh.
Hợp theo ba nghiệp môn này, có ba loại nghiệp:
1. Thân nghiệp (kāya kamma) được thực hiện bằng chuyển động của thân gọi là thân biểu tri
2. Khẩu nghiệp (vaci kamma) được thực hiện bằng sự chuyển động của miệng gọi là khẩu biểu tri.
3. Ý nghiệp (mano kamma) được thực hiện bằng tâm qua sự suy nghĩ, mưu tính, thiền, v.v…
Mười Bất Thiện Nghiệp Đạo
(Akusala kamma pathas)
Kamma patha” có nghĩa là đường hướng hành động hay nghiệp đạo. Đó là tên chỉ một nhóm mười loại nghiệp thiện hoặc bất thiện. Những nghiệp bất thiện được chia thành ba nhóm hợp với ba loại nghiệp:
* Thân nghiệp bất thiện - akusala kāya kamma
1. Sát sinh - pānātipāta
2. Trộm cắp hay lấy tài sản của người khác một cách bất hợp pháp - adinnādānā.
3. Tà dâm - kamesu micchācārā.
* Khẩu nghiệp bất thiện - akusala vacākamma
4. Nói dối - musāvādā
5. Nói chia rẽ - pisunavācā
6. Nói lời thô ác - pharusavācā
7. Nói chuyện phù phiếm - samphappalāpa
* Ý nghiệp bất thiện - akusala mano kamma
8. Ý tham - abhijjhā
9. Ác ý - vyāpāda
10. Tà kiến - micchā diṭṭhi
Mười bất thiện nghiệp này cũng gọi là mười ác hạnh (ducarita). Trong đó, sát sinh, nói lời thô ác và ác ý được làm bởi các tâm căn sân (dosa mūla citta). Tà dâm, ý tham và tà kiến được làm bởi các tâm căn tham (lobha mūla citta). Trộm cắp, nói dối, nói chia rẽ, và nói chuyện phù phiếm được làm bởi hoặc các tâm căn tham hoặc các tâm căn sân.
GHI CHÚ
Ba bất thiện nghiệp đạo cuối cùng - ý tham, ác ý, và tà kiến thường chỉ nảy sinh trong tâm chứ khơng bộc lộ qua thân hoặc khẩu. Nghiẹp như vậy chỉ nảy sinh qua ý môn (manodvāra), mà ở đây là một tên chung cho tâm trong tính toàn vẹn của nó.
* Ý tham (abhijjhā) là tâm sở tham, khởi sanh như ước muốn có được tài sản của người khác. Mặc dù tham khởi lên đối với tài sản của người khác, nó sẻ khơng trở thành nghiệp đạo trừ phi người ta sanh khởi ước muốn chiếm hữu tài sản đó.
* Ác ý (vyāpāda) là tâm sở sân, cũng sẽ trở thành một nghiệp đạo khi nó khởi lên với ước muốn cho người khác hay chúng sinh khác gặp tai họa và khổ đau.
* Tà kiến ( micchādiṭṭhi ) trở thành một nghiệp đạo khi nó chấp nhận quan niệm bàc bỏ hoàn toàn phương diện đạo đức, nghĩa là phủ nhận giá trị của luân lý và quả báo của nghiệp.
Kinh Tạng (sutta pitaka) thường đề cập đến ba quan kiến như vầy:
1. Hư vô tà kiến (natthika diṭṭhi): phủ nhận việc tái sinh dưới bất kỳ hình thức nào sau khi chết, như vậy đã phủ nhận ý nghĩa đạo đức của hành động.
2. Vô hành tà kiến (akiriya diṭṭhi): cho rằng mọi hành động đều không có tính hiệu quả trong việc tạo ra những quả báo và như vậy làm cho việc phân biệt đạo đức, như phải-trái, thiện-ác, v.v… khơng còn giá trị gì nữa.
3. Vô nhân tà kiến (ahetuka diṭṭhi): cho rằng không có nhân hay duyên cho sự thanh tịnh hay phiền não của chúng sinh, rằng chúng sinh ô nhiễm hay thanh tịnh là do tình cờ, do số phận, hoặc do quy luật tất yếu mà thôi. (Xem thêm D.2, M.60, M.76)
Mười Thiện Nghiệp Đạo
(Kusala kamma pathas)
Mười thiện nghiệp đạo này cũng gọi là mười thiện hạnh (sucaritas) và cũng được chia thành ba nhóm hợp theo ba loại nghiệp:
* Thân nghiệp thiện – Kusala kāya kamma
1. Không sát sinh – Pānātipātā virati
2. Không trộm cắp - Adinādāna virati
3. Không tà dâm - Kamesu micchācāra virati
* Khẩu nghiệp thiện - Kusala vacī kamma
4. Không nói dối - Musāvādā virati
5. Không nói chia rẽ - Pisunavācāvitary
6. Không nói lời thô ác - Pharusavācā vitari
7. Không nói chuyện phù phiếm - Samphappalāpa vitari. Nói cách khác, ta nên dùng lời nói chân thật, lời nói có tính cách hòa giải (lấy lại được tình bạn), lời nói nhu mì, và lời nói có hiểu biết.
* Ý nghiệp thiện - Kusala mano kamma
8. Không tham - Anabhijjhā
9. Không ác ý - Avyāpāda
10. Chánh kiến - Sammā diṭṭhi
GHI CHÚ
Trên phương diện thực tại cùng tột, bảy thiện nghiệp đạo đầu được xem là đồng nhất với hai tiết chế tâm sở, đó là chánh nghiệp và chánh ngữ, và các tư tâm sở khởi lên cùng với các tiết chế tâm sở ấy cũng vậy. Ba thiện nghiệp đạo cuối cùng, không tham, không ác ý, và chánh kiến, là những phương thức của ba thiện căn, vô tham, vô sân, và vô si.
Phước Nghiệp Sự (Puñña-kiraya vatthu)
Nếu muốn tích lũy thiện nghiệp trong đời này, mười phước nghiệp sự cho quả thiện cần phải được thực hiện bằng mọi phương tiện.
1. Bố thí (dāna)
2. Trì giới (sīla): ngũ giới hoặc bát quan trai giới
3. Tu thiền (bhāvanā): cả thiền chỉ lẫn thiền quán
4. Cung kính (pacāyama): kính trọng các bậc trưởng lão và các bậc thánh
5. Phục vụ (veyāvacca)
6. Hồi hướng công đức (pattidāna)
7. Tuỳ hỷ công đức (pattāanumodana)
8. Thính Pháp (dhamma savana)
9. Thuyết Pháp (dhamma desanā)
10. Uốn nắn tri kiến (diṭṭhijjukamma)
Mười phước nghiệp sự trên có thể sắp thành ba nhóm:
- Nhóm Bố thí gồm bố thí, hồi hướng công đức, tuỳ hỷ công đức.
- Nhóm Trì Giới gồm trì giới, cung kính, phục vụ.
- Nhóm Tu thiền gồm tu thiền, thính pháp, thuyết pháp, uốn nắn tri kiến.
Ở đây, uốn nắn tri kiến cũng có thể kể vào trong cả ba nhóm được, vì chỉ khi có chánh kiến về nghiệp và quả của nghiệp, chúng ta mới thực hiện việc bố thí, trì giới và tu thiền đúng nghĩa.
Nhóm bố thí tiêu biểu cho vô tham - alobha và đối nghịch với ganh tị - issā và bỏn xẻn - macchariya. Nhóm này được so sánh với đôi chân.
Nhóm giới tiêu biểu cho vô sân - adosa và đối nghịch với tham - lobha và sân - dosa. Nhóm này được ví như thân mình.
Nhóm tu thiền tiêu biểu cho vô si - amoha hay trí tuệ - paññā và đối nghich với si hay vô minh - moha. Nhóm này được so sánh với cái đầu.
Để có được đôi chân, thân mình và cái đầu hoàn hảo, chúng ta phải thực hiện cả ba nhóm – thí, giới, tuệ – của phước nghiệp sự.
Mười phước nghiệp sự được thực hiện với tám đại thiện tâm (mahā kusala citta), trừ phi chúng ta đắc thiền hay đạo quả. Vì thế chúng ta thường phát sinh những thiện nghiệp dục giới mà thôi.
Thiện nghiệp sắc giới và thiện nghiệp vô sắc giới thuần là ý nghiệp và chúng thuộc về nhóm tu thiền (bhāvanā).
Thiện Nghiệp Nhị Nhân Và Thiện Nghiệp Tam Nhân (Dvihetuka Kusala Kamma & Tihetuka Kusala Kamma)
Nếu một người làm việc thiện với sự hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp, đó là nghiệp tác trí – kammassakatañāṇa, lúc đó các tâm đại thiện hợp trí (ñāna sampayutta makā kusala citta) sẽ phát sinh. Tư (cetanā) kết hợp với các tâm này có đủ ba nhân thiện, vô tham, vô sân, và vô si đi kèm. Vì thế họ có được thiện nghiệp tam nhân. Sẽ tốt hơn nữa, nếu trong khi làm những việc thiện, chúng ta có thể phát triển minh sát trí - vipassanā ñāṇa bằng cách suy xét rằng mọi vật đều vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã. Thiện nghiệp có được cũng có ba nhân thiện đi kèm như vậy.
Ngược lại, nếu chúng ta thực hiện một thiện sự không có chút hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp, hoặc không có minh sát trí, thời chúng ta đang làm việc thiện ấy với các tâm đại thiện ly trí - ñāṇa vippayutta mahā-kusala citta. Như vậy cetanā hay tư của chúng ta sẽ chỉ có hai nhân thiện đi kèm - đó là vô tham và vô sân, chứ không có vô si. Vì thế chúng ta chỉ có được thiện nghiệp nhị thân.
Thiện Nghiệp Thù Thắng Và Thiện Nghiệp Hạ Liệt (Ukkaṭṭha kusala kamma & Omaka kusala kamma)
Nếu trước và sau khi làm một việc thiện, chúng ta phát triển được các tâm thiện, thời tư thiện (cetanā) là nghiệp có được trong lúc làm thiện sẽ được vây quanh bởi các tư thiện (ý nghĩ thiện), vì thế tiềm lực của nó sẽ tăng trưởng thêm. Loại nghiệp như vậy gọi là thiện nghiệp thù thắng. Để có loại nghiệp này, chúng ta phải suy nghĩ đến thiện sự mình đã làm và phải hoan hỷ vì có cơ hội làm nó. Lại nữa, sau khi làm xong, chúng ta cũng phải ngập tràn tâm hoan hỷ về sự tốt đẹp của việc làm ấy.
Ngược lại, nếu chúng ta cảm thấy thờ ơ, miễn cưỡng hoặc ganh tị, bỏn xẻn trước một thiện sự như bố thí, v.v… và rồi hối tiếc sau khi làm, thời tư thiện sẽ bị vây quang bởi các cetanā bất thiện, và tiềm lực của nó cũng vì thế sẽ suy giảm. Thiện nghiệp có được trong trường hợp này được gọi là thiện nghiệp hạ liệt.
Giải thích thêm:
Thiện nghiệp được phân thành hai loại theo khả năng cho quả của chúng. Loại thiện nghiệp thù thắng được làm với một cái tâm đã khéo gội rửa sạch phiền não và có mặt ba nhân thiện: vô tham, vô sân và vô si, trước và sau khi làm một thiện sự; chẳng hạn để bát đến một vị giới đức với tài sản có được một cách chân chính, trước và sau khi để bát tâm đều hoan hỷ. Loại hạ liệt được làm với một cái tâm mà trước và sau khi thực hiện một thiện sự bị ô nhiễm bởi phiền não như tự khen mình, chê bai người khác (tự tán, hủy tha) và sau đó là hối tiếc.
Nghiệp Cho Quả Như Thế Nào?
Mặc dù khi nói đến những dị thục quả trực tiếp của nghiệp chúng ta chỉ nói đến các tâm quả (vipāka-citta), song cần phải hiểu rằng những tâm quả này luôn luôn có những tâm sở tương ứng sanh cùng với tâm đi kèm. Một tâm quả cùng với các tâm sở đồng sanh của nó sẽ cung cấp bốn dị thục danh uẩn (vipāka nāmakkhandha). Nghiệp cũng không ngừng tạo ra các sắc nghiệp (sắc do nghiệp sanh) ở từng sát-na tiểu, và dựa trên sắc nghiệp (kammaja rūpa) này, sắc thời tiết (utuja rūpa) cũng sanh. Như vậy, bốn danh uẩn và sắc uẩn hợp lại tạo thành ngũ uẩn gọi là một cá nhân.
1. Quả Của Nghiệp Bất Thiện
Mười một tư bất thiện (akasalā cetanā), ngoại trừ tư (cetanā) yếu kết hợp với tâm tương ứng trạo cử (uddahacca-sampayutta citta), vào thời tục sinh (paṭisandhi- kāla) tạo ra tâm quan sát thọ xả quả bất thiện (akusala-vipāka-upekkhā-santiraṇa citta), tâm này hình thành apāya paṭisandhi – tức thức tái sinh trong bốn cõi khổ.
Tuy nhiên, trong thời bình nhật (pavatti kāla) cả mười hai cetanā bất thiện này tạo ra bảy tâm quả bất thiện trong mười một cõi dục giới. Và trong mười lăm cõi sắc giới (trừ vô tưởng), chúng chỉ tạo ra bốn tâm quả bất thiện trừ tỷ thức (ghānaviññāna), thiệt thức (jivhāviññāna), và thân thức (kāya viññāna).
Ghi chú 
Nghiệp bất thiện trừ trạo cử hay phóng dật ở đây cần hiểu là tâm căn si kèm với phóng dật (si phóng dật) là tâm yếu nhất trong mười hai tâm bất thiện, vì vậy nó không thể đảm nhiệm vai trò tạo ra tái sinh. Bất cứ tâm nào trong mười một tâm bất thiện còn lại đều có thể tạo ra tâm quan sát quả bất thiện vốn làm những nhiệm vụ như kiết sanh, hữu phần, và tử tâm cho những chúng sinh tái sinh trong bốn cõi khổ. Tuy nhiên, trong thời bình nhật, cả mười hai tâm bất thiện này đều có thể tạo ra bảy tâm quả bất thiện ở bất cứ nơi đâu trong dục giới; đó là: ngũ thức tâm, tâm tiếp thâu và tâm quan sát.
2. Quả Của Thiện Nghiệp Dục Giới
Trước hết, có hai loại thiện nghiệp dục giới (kāmāvacara kusala kamma) là thiện nghiệp nhị nhân và thiện nghiệp tam nhân. Nghiệp nhị nhân (Divhetuka kamma) lại còn phân làm hai: thù thắng và hạ liệt. Nghiệp tam nhân cũng chia làm hai: thù thắng và hạ liệt như vậy. Vì thế, gom hết lại, chúng ta có bốn nhóm:
Ở đây, bốn ñāṇa vippayutta mahā kusala citta (bốn tâm đại thiện ly trí) tạo ra bốn dvihetuka mahā kusala kammas (bốn nghiệp đại thiện nhị nhân), trong khi bốn ñāṇa sampayutta mahā kusala cittas (bốn tâm đại thiện hợp trí) tạo ra bốn tihetuka mahā kusala kammas (bốn nghiệp đại thiện tam nhân).
Vì bốn nghiệp đại thiện nhị nhân có thể hoặc thù thắng hoặc hạ liệt, nên chúng ta có bốn nhóm:
4 dvihetuka ukkaṭṭha mahā kusala kamma (4 nghiệp đại thiện nhị nhân thù thắng), và
4 dvihetuka omaka mahā kusala kamma (4 nghiệp đại thiện nhị nhân hạ liệt)
Tương tự, từ bốn nghiệp đại thiện tam nhân, chúng ta có:
(3) 4 tihetuka ukkaṭṭha mahā kusala kamma (4 nghiệp đại thiện tam nhân thù thắng)
(4) 4 tihetuka omaka mahā kusala kamma (4 nghiệp đại thiện tam nhân hạ liệt)
Trong bốn nhóm trên (2) là thấp nhất, (1) và (4) là trung bình, và (3) là tốt nhất. Quả báo chúng cho sẽ tính như sau:
Nhóm (1) và (4): 4 nghiệp đại thiện nhị nhân thù thắng (4 dvihetuka ukkaṭṭha mahā kusala kamma) và 4 nghiệp đại thiện tam nhân hạ liệt (4 tihetuka omaka mahā kusala kamma), vào thời tục sinh tạo ra 4 ñāna vipayuatta mahāvipāka cittas (4 tâm đại quả ly trí) vốn hình thành 4 kāma sugati dvihetuka patisandhi (4 kiết sanh thức nhị nhân thiện thú dục giới) trong bảy cõi vui dục giới (một cõi người và sáu cõi trời dục giới).
Vào thời bình nhật, chúng tạo ra tám tâm quả thiện vô nhân (8 ahetuka kusala vipāka cittas) và bốn tâm đại quả ly trí (ñāṇa vippayutta mahāvipaka cittas) trong bảy cõi vui dục giới.
Chúng cũng tạo ra tám tâm quả thiện vô nhân (8 ahetuka kusala vipāka citta) trong bốn cõi khổ; và tạo ra năm quả thiện vô nhân trừ tỷ thức, thiệt thức, và thân thức trong mười lăm cõi sắc giới (không kể cõi chúng sinh vô tưởng - asañña satta).
Nhóm (2): Bốn nghiệp đại thiện nhị nhân hạ liệt (4 dvihetuka omaka mahā kusala kamma), vào thời tục sinh tạo ra tâm quan sát thọ xả quả thiện (kusala vipāka upekkhā santirana), tâm này hình thành kiết sanh thức vô nhân thiện thú dục giới (kāma sugati ahetuka paṭisandhi) trong cõi nhân loại và cõi tứ đại thiên vương (catumahārājka) thấp hơn.
Vào thời bình nhật, chúng tạo ra tám tâm quả thiện vô nhân (8 ahetuka-kusala vipāka citta) trong mười một cõi dục; trong mười lăm cõi sắc giới (trừ vô tưởng), chúng tạo ra năm tâm quả thiện vô nhân, trừ tỷ thức, thiệt thức và thân thức.
Nhóm (3): Bốn nghiệp đại thiện tam nhân thù thắng (4 tihetuka ukkaṭṭha mahā kusala kamma) vào thời tục sinh, tạo ra bốn tâm đại quả hợp trí (4 ñāna sampayutta mahā kusala citta) những tâm này hình thành kiết sanh thức tam nhân thiện thú dục giới (4 kāma sugati tihetuka paṭisandhi) trong bảy cõi vui dục giới; chúng cũng tạo ra tám tâm quả thiện vô nhân trong bốn cõi khổ; và tạo ra năm tâm quả thiện vô nhân (trừ tỷ thức, thiệt thức, thân thức) trong mười lăm cõi sắc giới, không kể cõi chúng sinh vô tưởng.
3. Quả Của Thiện Nghiệp Sắc Giới
Trong bốn như ý túc: dục (chanda), tâm (citta), cần (vīriya) và tuệ (paññā) kết hợp với tâm thiền (jhāna citta), lúc nào cũng có một yếu tố ưu thắng hơn. Dựa trên tính chất của yếu tố ưu thắng này, các bậc thiền có thể được phân biệt như: thấp (paritta), trung bình (majjhimā), và cao thượng (panāta).
* Thiện Nghiệp Sơ Thiền
- Thiện nghiệp sơ thiền bậc thấp (paritta first jhāna kusala kamma) cho quả tái sinh trong cõi Phạm Phụ Thiên (Brahma purohitā) với tâm quả sơ thiền kể như thức tái sinh.
- Thiện nghiệp sơ thiền bậc trung (majjhimā-first jhāna kusala kamma) cho quả tái sinh trong cõi Phạm Phụ Thiên (Brahma purohitā) với tâm quả sơ thiền kể như thức tái sinh.
- Thiện nghiệp sơ thiền bậc cao (panīta first jhāna kusala kamma) cho quả tái sinh trong cõi Đại Phạm Thiên (Mahā brahma) với tâm quả sơ thiền kể như thức tái sinh.
* Thiện Nghiệp Nhị Thiền và Tam Thiền
- Thiện nghiệp nhị thiền bậc thấp (paritta second jhāna kusala kamma) và thiện nghiệp tam thiền bậc thấp (paritta third jhāna kusala kamma) cho quả tái sinh trong cõi Thiểu Quang Thiên (Parittābhā) với tâm quả nhị thiền và tâm quả tam thiền lần lượt kể như thức tái sinh.
- Thiện nghiệp nhị thiền bậc trung và thiện nghiệp tam thiền bậc trung cho quả tái sinh trong cõi Vô Lượng Quang Thiên (Appamāṇābhā) với tâm quả nhị thiền và tâm quả tam thiền lần lượt kể như thức tái sinh.
- Thiện nghiệp nhị thiền bậc cao và thiện nghiệp tam thiền bậc cao cho quả tái sinh trong cõi Quang Âm Thiên (ābhassarā) với tâm quả nhị thiền và tâm quả tam thiền lần lượt kể như thức tái sinh.
* Thiện Nghiệp Tứ Thiền
- Thiện nghiệp tứ thiền bậc thấp cho quả tái sinh trong cõi Thiểu Tịnh thiên (Parittasubhā) với tâm quả tứ thiền kể như thức tái sinh.
- Thiện nghiệp tứ thiền bậc trung cho quả tái sinh trong cõi Vô Lượng Tịnh Thiên (Appamāṇasubhā) với tâm quả tứ thiền kể như thức tái sinh.
- Thiện nghiệp tứ thiền bậc cao cho quả tái sinh trong cõi Biến Tịnh Thiên (subhakiṇhā) với tâm quả tứ thiền kể như thức tái sinh.
* Thiện Nghiệp Ngũ Thiền
Thiện nghiệp ngũ thiền cho quả tái sinh trong cõi Quảng Quả Thiên (vehapphalā) với tâm ngũ thiền kể như thức tái sinh.
Sau khi đắc ngũ thiền, nếu một người hành sañña virāga bhāvana (thiền ly dục đối với tưởng và thức, tức là không còn mong muốn có tưởng và thức) thời nghiệp này sẽ cho quả tái sinh trong cõi Vô Tưởng Thiên (Asaññā-satta) chỉ có sắc tục sinh (rūpa-paṭisandhi). Riêng các bậc Anahàm (Thánh tam quả) có thiện nghiệp ngũ thiền sẽ tái sinh cõi Tịnh Cư Thiên (sudhāvāsa) với tâm quả ngũ thiền kể như thức tái sinh.
Ở đây cần hiểu rằng tuỳ vào căn ưu thắng mà việc tái sinh xảy ra trong năm cõi tịnh cư như sau:
- Bậc có tín căn ưu thắng sanh về cõi Vô Phiền (Avihā)
- Bậc có tấn căn ưu thắng sanh về cõi Vô Nhiệt (Atappā)
- Bậc có niệm căn ưu thắng sanh về cõi Thiện Kiến (Sudassana)
- Bậc có định căn ưu thắng, sinh về cõi Thiện Hiện (Sudassā)
- Bậc có tuệ căn ưu thắng, sinh về cõi sắc Cứu Kính Thiên (Akaniṭṭhā)
4. Quả Của Thiện Nghiệp Vô Sắc
- Thiện nghiệp không vô biên xứ Ākāsānañcāyatana kusala kamma) cho quả tái sinh trong cõi không vô biên xứ Ākāsānañcāyatana) với tâm quả không vô biên xứ kể như thức tái sinh.
- Thiện nghiệp thức vô biên xứ (viññānañcāyatana kusala kamma) cho quả tái sinh trong cõi thức vô biên xứ, với tâm quả thức vô thiên xứ kể như thức tái sinh.
- Thiện nghiệp vô sở hữu xứ (Ākiñcaññāyatana kusala kamma) cho quả tái sinh trong cõi vô sở hữu xứ với tâm quả vô sở hữu xứ kể như thức tái sinh.
- Thiện nghiệp phi tưởng phi phi tưởng xứ (nevasaññānāsaññāyatama kusala kamma) cho quả tái sinh trong cõi phi tưởng phi phi tưởng xứ kể như thức tái sinh.
Bốn Nguyên Nhân Của Sự Chết (Maraṇupatti-catuka)
Bốn nguyên nhân của chết có thể được so sánh với bốn cách tắt của một ngọn đèn dầu. Ngọn lửa của cây đèn có thể tắt khi:
- Tim lụn,
- Dầu hết,
- Cả tim và dầu đều hết, hoặc
- Gió thổi thình lình hoặc do cố tình dập tắt mặc dù tim và dầu vẫn còn.
Cũng vậy, một người có thể chết theo một trong bốn cách sau:
- ā yukkhaya-maraṇa , chết do thọ mạng đã tận (thọ tận tử)
- Kammakkhaya-maraṇa , chết do sanh nghiệp lực đã tận (nghiệp tận tử)
- Ubhayakkhaya-maraṇa , chết do cả thọ mạng lẫn sanh nghiệp đều đã tận (lưỡng câu tận tử)
- Upacchedaka-maraṇa , chết do sự can thiệp của một đoạn nghiệp. Đó là cái chết thình lình như khi gặp tai nạn xe cộ hay tự tử.
Giải Thích Thêm
Cái chết thường được định nghĩa như sự chấm dứt của mạng căn (jīvitindriya) trong giới hạn của một kiếp sống.
Trường hợp chết do thọ mạng đã tận là loại chết xảy ra đối với những chúng sinh trong những cõi mà thọ mạng được giới hạn bởi một định mức rõ rệt (như cõi tứ đại thiên vương là 9 triệu năm) Trong cõi nhân loại cũng vậy, cái chết này cần phải hiểu như cái chết trước tuổi già do những nguyên nhân tự nhiên. Nếu sanh nghiệp vẫn chưa tận khi cái chết xảy ra do đã đạt đến tuổi tối đa, thời nghiệp lực có thể tạo ra một tái sinh khác trong cùng cõi đó (nhân loại) hoặc trong một cõi cao hơn như trường hợp của các vị chư thiên (devas).
Trường hợp chết do nghiệp lực (sanh nghiệp) đã tận là loại chết xảy ra khi sanh nghiệp đã cạn hết năng lực của nó mặc dù thọ mạng bình thường vẫn chưa hết và có điều kiện thuận lợi khác để kéo dài sự sống.
Khi cả thọ mạng lẫn nghiệp lực đồng thời chấm dứt, thì đây gọi là cái chết do cả hai đều tận.
Trường hợp chết do sự can thiệp của một đoạn nghiệp, đây là một thuật ngữ chỉ cái chết xảy ra khi một đoạn nghiệp rất mạnh cắt đứt năng lực của sanh nghiệp ngay cả trước khi thọ mạng tận.
Ba loại chết đầu gọi là chết đúng thời (Kālamaraṇa), loại chết sau cùng (do đoạn nghiệp) là chết phi thời (Kkāla-maraṇa). Ví như một ngọn đèn dầu có thể tắt do hết tim, do hết dầu, do cả tim lẫn dầu cùng hết, hoặc do một nguyên nhân bên ngoài nào đó, như một cơn gió thổi qua làm tắt.
Sự Xuất Hiện Của Các Đối Tượng Liên Quan Đến Nghiệp
Bây giờ, đối với một người sắp chết, do sức mạnh của nghiệp sẽ làm duyên hay tạo điều kiện cho kiếp sau, một trong ba đối tượng sau luôn luôn xuất hiện qua một trong sáu môn:
- Nghiệp (Kamma): ở đây nghiệp tạo ra tái sinh trong đời sau đi vào ý môn.
- Nghiệp tướng (Kamma nimitta): là các cảnh sắc, âm thanh, mùi vị, v.v… đang hay đã được quan sát trong lúc tạo nghiệp sẽ cho quả (tái sinh).
- Thú tướng (Gati-nimitta): là các cảnh tượng về con người hay những toà nhà có liên quan đến nơi người sắp chết sẽ tái sinh theo nghiệp thành công vì lẽ nghiệp là hình thức của một tư (cetanā) quá khứ, nên nó sẽ xuất hiện theo ý môn.
Nghiệp thành công ở đây phải hiểu là nghiệp đã tìm được cơ hội cho quả tái sinh do tranh đua với những nghiệp khác.
Nếu nghiệp tướng (kamma nimitta) thuộc về nghiệp quá khứ, nó cũng tự xuất hiện qua ý môn. Nếu thuộc nghiệp hiện tại, nó có thể đi vào qua bất kỳ môn nào trong sáu môn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) tùy vào hình thức của nó. Chẳng hạn, nếu là cảnh sắc (sắc trần) nó sẽ đi vào qua nhãn môn, nếu là cảnh thinh (âm thanh) nó sẽ đi vào qua nhĩ môn v.v…
Gatinimitta (thú tướng) thuộc hiện tại, vì thế, tùy vào hình thức của nó, nó có thể xuất hiện qua bất kỳ môn nào của sáu môn.
Giải thích thêm về Maraṇāsanna Nimitta (đối tượng hay tướng liên quan đến nghiệp vào thời cận tử)
Trong kiếp hiện tại, một người sẽ còn sống bao lâu thiện nghiệp (kasala kamma) vốn đã cho họ quả tái sinh trong kiếp này còn tiếp tục hỗ trợ hay nâng đỡ họ, tức là nghiệp này còn tiếp tục tạo ra các tâm hữu phần (bhavaṅga cittas) như quả của nghiệp.
Ngay trước khi nghiệp hỗ trợ đó tàn lụi, trong số rất nhiều thiện nghiệp và bất thiện nghiệp đang tranh nhau để tìm cơ hội cho quả, một nghiệp sẽ nổi lên như kẻ chiến thắng.
Nghiệp thành công này có thể xuất hiện trong tâm hữu phần (ý môn) của người đó như một nghiệp (kamma). Khi điều này xảy ra, người đó có thể nhớ lại một nghiệp tốt hay xấu mà họ đã làm trong quá khứ liên quan đến nghiệp thành công. Tâm thiện hoặc bất thiện, đã kinh nghiệm vào sát- na đặc biệt ấy, bây giờ khởi lên như một tâm mới. Nói khác hơn, đó là sự tái diễn của tâm thức mà người ấy đã kinh nghiệm trong khi thực hiện hành động (tức lúc tạo tác nghiệp).
Thỉnh thoảng, đối tượng có thể là một tướng hay một biểu tượng kết hợp với nghiệp thành công xuất hiện ở một trong các cửa giác quan (sáu môn). Nó có thể là một trong năm trần cảnh được quan sát qua một trong năm môn tương ứng như đối tượng hiện tại, hoặc được quan sát qua ý môn như đối tượng quá khứ. Đối tượng quá khứ hay hiện tại kết hợp với nghiệp thành công này gọi là nghiệp tướng (kamma nimitta). Chẳng hạn, một người lúc sắp chết được nghe pháp, và thiện nghiệp này trở thành nghiệp thành công để cho quả tái sinh kiếp kế. Trong trường hợp này, những lời pháp hiện tại được nắm bắt qua tai trở thành nghiệp tướng.
Trường hợp khác, giả sử một vị giáo sư sắp chết, qua con mắt tâm của mình (mano viññāna), ông thấy những người học trò mà ông đã dạy, đây cũng là nghiệp tướng dưới hình thức của một đối tượng quá khứ xuất hiện tại ý môn. Hoặc trong trường hợp một người đồ tể sắp chết nghe thấy tiếng kêu la của trâu bò mà ông đã giết. Thinh trần hay cảnh thinh (âm thanh) quá khứ này cũng là nghiệp tướng xuất hiện đến ông ngang qua ý môn.
Đôi khi những biểu tượng về nơi chốn mà người sắp chết sẽ tái sinh vào theo nghiệp thành công có thể xuất hiện tại ý môn. Chẳng hạn, những chúng sinh chư thiên hoặc các toà thiên cung có thể xuất hiện đến người sắp chết nếu họ sẽ tái sinh vào một trong các cõi chư thiên; hoặc nếu họ sắp tái sinh vào địa ngục, thì hình ảnh những người bất hạnh trong địa ngục hoặc những người tàn ác, hung dữ sẽ xuất hiện đến cho họ. Những đối tượng liên quan đến nơi thọ sinh này gọi là thú tướng (gatinimitta).
Như vậy, khi một người sắp chết, một trong ba loại ‘maraṇāsanna-nimitta’ (tướng liên quan đến nghiệp lúc sắp chết), đó là ‘kamma’ (nghiệp), ‘kamma nimitta’ (nghiệp tướng), và ‘gatinimitta’(thú tướng), sẽ luôn luôn xuất hiện tại một trong sáu căn môn. Người đó chẳng bao lâu sẽ chết và tái sinh trong kiếp kế. Lúc đó tâm tục sinh hay kiết sanh thức (paṭisandhi-citta), tâm hữu phần (bhavaṇga citta) và tâm tử (cuti-citta) của người ấy trong kiếp sống mới sẽ cùng bắt lấy maraṇāsanna-nimitta (tướng cận tử) của kiếp quá khứ.
Cần nhấn mạnh rằng, đối tượng (một trong ba tướng cận tử) tự xuất hiện đến tiến trình javana (tốc hành tâm) của người sắp chết, chứ không phải ở tâm tử (cuti citta). Tâm tử, tâm cuối cùng của một đời sống, bắt cùng đối tượng như tâm tục sinh và tâm hữu phần của kiếp sống sắp chấm dứt ấy bắt. Đối tượng của tiến trình tâm tốc hành (javana) cuối cùng lúc đó làm việc như đối tượng tâm tục sinh và tâm hữu phần trong kiếp kế, và nó cũng trở thành đối tượng của tâm tử ở cuối kiếp sống đó.
Tâm Lộ Cận Tử (Maraṇāsanna Vīthi)
Khi tướng cận tử (Maraṇāsanna-nimitta) xuất hiện tại một trong sáu môn, tâm chuyển hướng hay hướng tâm (āvajjana-citta) sẽ bắt lấy đối tượng và một dòng tâm thức, gọi là tâm lộ cận tử (maraṇāsanna vīthi) tiếp tục trôi chảy phù hợp với nghiệp (kamma) được xem là sẽ tạo ra sự tái sinh kế tiếp, một tâm bất thiện (akusala) hoặc một tâm thiện (kusala) bình thường làm nhiệm vụ năm lần như những tâm tốc hành (javanas) trong các tâm lộ này. Những tốc hành tâm ấy được gọi là “những tốc hành tâm cận tử” (maraṇāsanna-javanas).
A. Tâm Lộ Cận Tử Nhãn Môn Cảnh Rất Lớn (Ati-mahantā-rammaṇa cakkhu-dvāra maraṇāsanna vīthis)
Ở đây sẽ trình bày hai tâm lộ cận tử điển hình đối với một cảnh sắc (sắc trần) có cường độ rất lớn đập vào nhãn môn.
(1) Ti-Na-Da-“Pa-Ca-Sam-Na-Vo-ja-ja-ja-ja-ja-Dā-Dā-Bh-Cuti-Paṭi”-Bha-
(2) Ti-Na-Da-“Pa-Ca-Sam-Na-Vo-ja-ja-ja-ja-ja-Dā-Dā-Cuti-Paṭi”-Bha
Giải thích
Nghiệp tướng (kamma-nimitta) hiện tại hoặc thú tướng (gati-nimitta) đập vào nhãn môn ở sát-na sanh của tâm hữu phần vừa qua thứ nhất (Ti = atīta-bhavaṅga). Do có cường độ rất lớn, tướng này trở nên rõ rệt ở sát-na sanh của hữu phần rung động (Na = bhavaṅga calana). Tâm hữu phần (bhavaṅga) rung động trong hai sát na (Na-Da = bhavaṅgagupaccheda) và bị cắt đứt. Lúc đó tâm hướng ngũ môn (Pa = pañcadvārāvajjana), quan sát tướng (nimitta), và nhãn thức (Ca = cakkhuviññāna), tiếp thâu (Sam = saṃpaṭicchana), quan sát (Na = santiraṇa), đoán định (vo = voṭṭhapana), năm tốc hành (ja = javanas), hai đồng sở duyên (Dā = tadālambaṇa) và một hữu phần (Bh = bhavaṇga) nối nhau sanh lên. Rồi tâm tử (cuti) xuất hiện khi người đó chết. Trong lộ tâm thứ (2), tâm tử (cuti) trực tiếp theo sau đồng sở duyên (tadālambaṇa) mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của tâm hữu phần (bhavaṅga).
Liền sau sự diệt của tử tâm, tâm tục sinh (piṭisandahi citta) khởi lên trong kiếp sống mới kế tiếp mà không có bất kỳ sự gián đoạn nào trong dòng tâm thức và cũng không có bất kỳ một sai sót nào trong thời gian. Đời sống kế tiếp có thể xuất hiện ở một nơi rất xa, như cõi phạm thiên chẳng hạn, song cũng không có sai sót nào về thời gian.
Như vậy, vì dòng tâm thức trôi chảy liên tục, nên không thể có chướng ngại trong vấn đề thời gian và không gian. Ý niệm về sự phi thời gian (vô tận) và phi không gian (vô biên) được thấy rõ ở đây. Cũng như quan niệm cho rằng linh hồn người chết phiêu diêu đây đó trước khi nhập vào kiếp sống mới là không đúng. Theo Vi Diệu Pháp, không có linh hồn hay con người nào cả, chỉ có một dòng danh (nāma) và sắc (rūpa) trôi chảy không ngừng phù hợp với quy luật duyên sanh (tức thập nhị nhân duyên - Paticcasamuppāda).
B Tâm Lộ Cận Tử Nhãn Môn Cảnh Lớn (Mahantā-rammana cakkhu-dvāra Maraṇāsanna Vīthis)
(1) Ti-Ti-Na-Da-“Pa-Ca-Sam-Na-Vo-ja-ja-ja-ja-ja-bha- Cuti-Pati”-Bha-
(2) Ti-Ti-Ti-Na-Da-“Pa-Ca-Sam-Na-Vo-ja-ja-ja-ja-ja-Cuti-Pati”-Bha-
C. Tâm Lộ Cận Tử Ý Môn Cảnh Rất Rõ (Ati-Vibhūta-rammaṇa Mano-dvāra Maraṇāsanna Vīthis)
(1) Na-Da-“Ma-ja-ja-ja-ja-ja-Dā-Dā-Bha-Cuti-Pati”-Bha-
(2) Na-Da-“Ma-ja-ja-ja-ja-ja-Dā-Dā-cuti-Pati”-Bha-
Giải thích
Khi nghiệp (kamma) tạo ra sự tái sinh kế tiếp hoặc khi nghiệp tướng (kamma nimitta) hoặc thú tướng (gati nimitta) liên hệ đến nghiệp đó xuất hiện tại ý môn, dòng hữu phần rung động hai lần và bị cắt đứt (Na-da). Tiếp đó ý môn hướng tâm (Ma-mano-dvārāvajjana) chuyển hướng dòng tâm thức về phía đối tượng, quan sát đối tượng và thực hiện quyết định của nó. Rồi đến năm tốc hành tâm (javanas) được theo sau bởi hai đồng sở duyên (tadālambaṇas) và một bhavaṅga hoặc không có bhavaṅga. Kế tử tâm (cuti) xảy ra khi người ấy chết. Liền sau sự chết, tâm tục sinh hay kiết sanh thức (paṭisandhi) sanh lên trong đời sống mới không có bất kỳ sự gián đoạn nào trong dòng tâm thức. Sau đó dòng hữu phần (bhavaṅga) tiếp tục trôi chảy trong kiếp sống mới.
D. Tâm Lộ Cận Tử Ý Môn Cảnh Rõ
(Vibhūtā-rammaṇa Mano-dvāra Maraṇāsanna Vīthis)
(1) Na-Da-“Ma-ja-ja-ja-ja-ja-Bha-Cuti-Paṭi”-Bha-
(2) Na-Da-“Ma-ja-ja-ja-ja-ja-Cuti-Paṭi”-Bha-
Tâm Tục Sinh Hay Kiết Sanh Thức (Paṭisandhi citta)
Tâm tục sinh khởi sanh trong kiếp sống mới như quả của nghiệp, đây là nghiệp thành công đã tìm được cơ hội để làm duyên cho kiếp sống mới. Tâm tục sinh nối liền sự sống mới với sự sống cũ, vì thế được gọi là paṭisandha citta - tâm tục sinh (tục có nghĩa là nối).
Tâm tục sinh sẽ được đi kèm bởi các tâm sở của nó. Đó chính là những hạt nhân cũng như kẻ tiên phong và lãnh đạo của những pháp kết hợp với nó. Nếu đời sống mới xảy ra trong cõi ngũ uẩn (pañca-vokāra) nó sẽ có một sắc ý vật (hadaya-vatthu) do cùng nghiệp ấy (nghiệp cho quả tái sinh) cung cấp. Nếu đời sống mới xảy ra ở cõi tứ danh uẩn (catu-vokāna) tức là cõi vô sắc (arūpa), thời sẽ không có sắc ý vật này.
Tâm tục sinh nắm lấy các đối tượng mà các tốc hành tâm cận tử (maraṇā-sannajavanas) đã quan sát. Nếu các tốc hành tâm này đã quan sát nghiệp tướng, thì tâm tục sinh cũng quan sát nghiệp tướng. Hơn nữa, tất cả những tâm hữu phần (bhavaṅga cittas) trong kiếp sống mới cũng quan sát cùng một đối tượng như thế.
Trường hợp tâm tục sinh trong cõi sắc giới, đối tượng của nó là một khái niệm và luôn luôn phải là một nghiệp tướng (kamma nimitta), nghiệp tướng ở đây có thể là tợ tướng (paṭibhāga-nimitta) của đề mục kasina thường xuất hiện tại ý môn vào lúc chết.
Trường hợp tâm tục sinh trong cõi vô sắc cũng vậy, đối tượng của arūpa-paṭisandhi (kiết sanh vô sắc) luôn luôn là nghiệp tướng, nghiệp tướng này có thể là khái niệm như hư không vô biên (ākāsa) hoặc các đại hành tâm (mahaggata cittas).
Riêng những chúng sinh vô tưởng chỉ có mạng căn cửu pháp tự an lập theo cách tái sinh. Vì vậy họ được gọi là sắc tái sinh, để phân biệt với những chúng sinh sống nơi các cõi vô sắc thường gọi là danh tái sinh và những trường hợp còn lại gọi chung là danh sắc tái sinh.
Chú thích :
Mạng căn cửu pháp hay Đoàn mạng quyền (jivitanavaka kalapa) có 9 sắc là đất, nước, gió, lửa, màu, mùi, vị, dưỡng chất, và mạng căn (pathavi, àpo, tejo, vàyo, gandha, rasa, ojà, jìvitindriya)
Các Cảnh Giới Tái Sinh Sau Khi Chết
Chết là sự chấm dứt tạm thời của một hiện tượng tạm thời. Nói tới chết nghĩa là nói tới sự tiêu diệt của mạng căn (jāvindriya), hơi nóng (usma = tejodhātu: hoả đại), và thức (viññāna) của một cá nhân trong một kiếp sống đặc biệt nào đó. Chết không phải là sự hủy diệt hoàn toàn của một chúng sinh. Chết ở một nơi nghĩa là sinh ở nơi khác, cũng như, theo quy ước mà nói, mặt trời mọc ở một nơi nghĩa là (mặt trời) lặn ở nơi khác vậy.
Có những cảnh giới ở đấy sự tái sinh diễn ra sau khi chết ở một nơi nào đó.
1) Khi một vị Phạm Thiên (brahma) trong cõi vô sắc chết, họ có thể tái sinh lại cùng cảnh giới ấy hoặc lên một cảnh giới cao hơn, chứ không sanh vào một cảnh giới vô sắc thấp hơn. Thêm nữa, họ có thể tái sinh nơi cõi dục với ba nhân thiện hoặc như một vị Chư Thiên, hoặc một con người. Như vậy:
- Sau khi chết trong cõi không vô biên xứ, thời 4 kiết sanh vô sắc (arūpa paṭisandhis) và 4 kiết sanh tam nhân dục giới (kāma tihetuka paṭisandhis) là có thể.
- Sau khi chết trong cõi thức vô biên xứ, 3 kiết sanh vô sắc (trừ kiết sanh không vô biên xứ) và 4 kiết sanh tam nhân dục giới là có thể.
- Sau khi chết trong cõi vô sở hữu xứ, kiết sanh vô sở hữu xứ, kiết sanh phi tưởng phi phi tưởng xứ và 4 kiết sanh tam nhân dục giới là có thể.
- Sau khi chết ở cõi phi phi tưởng xứ, kiết sanh phi phi tưởng phi phi tưởng xứ và 4 kiết sanh tam nhân dục giới là có thể.
2) Khi một vị Phạm Thiên trong cõi sắc giới (trừ cõi vô tưởng và tịnh cư thiên) chết, họ có thể tái sinh trong bất kỳ cõi nào trừ bốn cõi khổ, tùy thuộc vào nghiệp của họ. Tất nhiên họ cũng sẽ không tái sinh làm người hạ cấp hoặc Atula hạ cấp. Nói khác, 4 kiết sanh nhị nhân dục giới, và 4 kiết sanh tam nhân dục giới, 6 kiết sanh sắc giới, và 4 kiết sanh vô sắc giới ngoại trừ 2 kiết sanh vô nhân là có thể.
3) Khi một người hay một vị Chư Thiên cõi dục chết, họ có thể tái sinh trong bất kỳ cõi nào nếu họ là người tam nhân, vì họ có khả năng phát triển các bậc thiền (jhānas) để được tái sinh làm một vị phạm thiên, hoặc họ cũng có thể phạm vào những nghiệp bất thiện để bị ném vào các khổ cảnh.
Khi một người hoặc một vị chư thiên thuộc loại người nhị nhân (dvihetuka) chết, bất cứ kiết sanh nào trong 10 kiết sanh dục giới là có thể.
4) Khi những người vô nhân (ahetuka) chết trong cõi người cũng như trong cõi tứ đại thiên vương thấp kém, cả 10 kiết sanh dục giới là có thể.
Khi những người từ 4 cõi khổ (địa ngục, súc sinh, dạ quỷ và Atula) chết, cả 10 kiết sanh dục giới là điều có thể xảy ra đối với họ.
Giải thích thêm
Các vị phạm thiên trong các cõi vô sắc có thể tu tập thiền vô sắc tương đương với mức tái sinh của họ hoặc có thể tu tập các bậc thiền (jhānas) cao hơn, chứ không tu tập các bậc thiền thấp hơn. Như vậy, khi chết, họ có thể tái sinh lại cõi đó hoặc lên một cõi vô sắc cao hơn chứ không thấp hơn được. Tuy nhiên nếu họ hoại thiền (mất thiền chứng), họ sẽ tái sinh trong cõi dục theo năng lực cận định của họ (upacāra samādhi) và như vậy họ sẽ tái sinh với một trong những tâm quả dục giới tam nhân.
Những người chết từ cõi vô tưởng tái sinh trong cõi dục với một tâm quả dục giới có hai hoặc ba nhân. Khi một người chết ở một nơi nào đó trong cõi sắc giới, họ có thể tái sinh trong một cõi vô sắc nếu họ có một thiền chứng vô sắc, hoặc có thể tái sinh vào một cõi sắc giới nếu họ có một thiền chứng sắc giới, hoặc có thể tái sinh trong cõi dục giới nếu họ phát khởi một nghiệp rất mạnh hướng đến cõi đó và tái sinh với tâm tái sinh có hai hoặc ba nhân.
Những người chết với ba nhân trong cõi dục có thể tái sinh vào bất cứ cõi nào, vì một chúng sinh cõi dục với tam nhân có thể thực hiện bất kỳ một nghiệp nào. Những người chết trong cõi dục với hai nhân hoặc vô nhân chỉ tái sinh trong cõi dục, họ có thể tái sinh bằng hai tâm quan sát (santirana) vô nhân hoặc với bất kỳ tâm quả dục giới có hai hoặc ba nhân nào.
(Dịch từ “The Essence of Buddha Abhidhamma” của Dr. Mehm Tin Mon, với phần chú thích thêm từ “A comprehensive Manual of Abhidhamma”, bản của Bhikkhu Bodhi.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét