Trong số các “dị nhân” khoe mình có tài năng xuất chúng “vượt lên tầm thời đại”, có một số người đã đến tận trụ sở của Liên hiệp UIA để trổ tài “hô phong hoán vũ”.
TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ – tin học ứng dụng (UIA), nhận xét: không hiểu vì sao nước ta hiện nay lại xuất hiện nhiều “dị nhân” đến thế, hoang tưởng nhất là chuyện mấy “dị nhân” tự cho mình có khả năng đặc biệt – xin được “đuổi mưa trong một tuần diễn ra kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”. “Theo tôi, các ông “dị nhân” đặc biệt này không có khả năng gì ngoài khả năng thần kinh hoang tưởng giống như không ít “dị nhân” đã đến tận văn phòng UIA đòi “ngăn bão” rồi “xoay bão sang hướng khác”, thậm chí “biến bão thành áp thấp nhiệt đới”. Gần đây lại xuất hiện khá nhiều “dị nhân” đòi chữa bệnh bằng con lắc. Những “dị nhân” kiểu này nhiều lắm, theo tôi 80% số đó là lừa đảo, 10% số đó là tâm thần hoang tưởng…”, ông Khanh nhận định.
Không làm được việc nhỏ vì… không làm việc nhỏ!
TS Vũ Thế Khanh kể, khi tiếp một “dị nhân” đến trụ sở UIA ở Hà Nội để thuyết trình về việc ông ta có thể dùng khả năng đặc biệt của mình “đẩy bão” từ đất liền ra hẳn ngoài biển khơi, ông đã cười nói với “dị nhân” này: “Bão thì to lớn quá, hãy thử làm một thực nghiệm nhỏ ngay tại đây thôi! Có một chiếc quạt con đang quay, tôi xin mời ông dùng năng lượng đặc biệt của mình để điều khiển cho gió quạt quay sang góc khác”. “Dị nhân” loay hoay phát năng lượng một hồi mà chiếc quạt con vẫn không đổi hướng gió thì đâm ra lúng túng: “Tôi còn khả năng chuyển bão thành áp thấp nhiệt đới”. Ông Khanh đề nghị: “Chiếc quạt này đang chạy tốc độ số 3, ông làm thế nào để chuyển tốc độ của quạt xuống thành số 1, đơn giản thế thôi”, có vậy mà “dị nhân” này loay hoay khá lâu cũng không làm sao để giảm tốc độ quạt xuống, đành ra về.
Tiếp theo, lại có một “dị nhân” khác đến đòi khoe tài “ngăn mưa đuổi bão”, ông Khanh liền bảo cô nhân viên của mình lấy bình phun nước (dùng để tưới cây) phun thẳng vào người “dị nhân” và yêu cầu ông ấy trổ tài đuổi “mưa nhân tạo”. Dị nhân này đành “chịu trận” ướt sũng hết cả quần lẫn áo và cười tươi bảo rằng: “Ta chỉ làm những việc lớn chứ thèm gì làm mấy việc cỏn con này!”.
Dùng con lắc “làm sạch nước hồ Tây”
Với “dị nhân” khoe dùng con lắc cảm xạ học tìm được mọi thứ dưới lòng đất, từ mỏ than đến mỏ dầu, TS Khanh làm một bài trắc nghiệm đề nghị ông này dùng con lắc xem 100 quân bài đang úp trên mặt bàn có bao nhiêu quân bài màu đỏ, bao nhiêu quân bài màu đen. Ông này dùng con lắc khua trên mặt bàn, rồi chỉ ra hơn một nửa số quân bài có màu đỏ, còn lại là màu đen. Lúc đó, ông Khanh mới lật các quân bài lên làm “dị nhân” ngớ người vì 100 quân bài đều màu đen.
Còn nữa, lại có một “thầy lang vườn” đòi dùng cảm xạ học để chữa các bệnh hiểm nghèo chỉ bằng cách dùng con lắc. Ông Khanh cho biết, ông ta xưng tên là “Thần y Hơ Phượng”, có lẽ do xem phim Thần y Hơ Jun của Hàn Quốc nên bắt chước đặt tên. Ông Khanh cho ông này chữa bệnh thử nghiệm trong vòng một tháng. Đầu tiên, TS Khanh cho “thầy lang” này chữa bệnh huyết áp thấp cho một bệnh nhân. Thật ra không có bệnh nhân nào hết, mà ông Khanh bảo người của trung tâm xuống nhà dưới ngâm tay vào một xô nước đá, rồi lên buồng chữa bệnh, giả vờ lăn đùng ra ngất để cho “thầy” dùng con lắc ngoáy ngoáy chẩn đoán và trị bệnh. “Thầy” phán: “Huyết áp thằng này thấp quá, chỉ có 50/16, thân nhiệt làm sao chỉ có 17 độ thế này, sắp toi mất rồi!”. Nghe vậy “bệnh nhân” suýt chết vì tức cười, bởi “thầy” chỉ dựa vào chỉ số vòng quay của con lắc để xác định thân nhiệt và huyết áp. Sau đó, “thầy” dùng con lắc khua liên tục trên khắp cơ thể người bệnh để điều trị. Sau nửa tháng, “thầy” mới “ngã ngửa” khi biết người này chỉ là giả bệnh. Thế là “dị nhân” liền biến mất tăm.
Mới đây nhất, cũng tại trụ sở của UIA, có một “dị nhân” đến khoe tài dùng con lắc với “công năng đặc dị” của cảm xạ học để biến nước hồ Tây bị ô nhiễm thành thứ nước hồ trong suốt không mùi vị. TS Khanh lấy một cốc nước nhỏ trong đó có ngâm nửa quả chanh, đề nghị “dị nhân” làm một thí nghiệm là dùng con lắc để khử hết vị chua của cốc nước. “Dị nhân” mất đến ngót tiếng đồng hồ, khua con lắc đến mỏi nhừ tay mà cốc nước vẫn còn nguyên vị chua của chanh. “Dị nhân” đành rút lui êm đẹp và xin ông Khanh một đặc ân là không công bố tên tuổi của ông ta cho mọi người biết.
Các nhà nghiên cứu cảm xạ học nói gì?
Được biết, trong số các “dị nhân” nói trên, có một số người xưng danh là các nhà cảm xạ học. Để làm rõ thêm các vấn đề nói trên, chúng tôi gặp bác sĩ Dư Quang Châu, Chủ nhiệm bộ môn Cảm xạ học của UIA, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng cảm xạ địa sinh học thuộc Đại học Hồng Bàng, TP.HCM. Ông Châu cho biết ở châu Âu từ thời trung cổ đã có một số người có khả năng dùng con lắc để phát hiện các nguồn nước ngầm. Nhưng việc dùng con lắc để chữa bệnh chắc chắn là không đúng.
“Còn những người tự nhận có khả năng đặc biệt ghê gớm như ông Vũ Thế Khanh nói ở trên thì trong cảm xạ học gọi đó là những người mắc chứng tâm thần hoang tưởng. Là người đưa bộ môn cảm xạ học vào VN, đã viết 17 cuốn sách về bộ môn này, cho đến bây giờ, tôi có thể khẳng định những người học trò bộ môn cảm xạ học mà tôi đào tạo, thực sự chưa có người nào có khả năng đó. Và nếu có người nào đó mạo nhận cảm xạ học để làm điều hoang tưởng thì đó không đúng với bản chất của cảm xạ học và là chuyện không có thật”, ông Châu phân tích.
Nguyễn Việt Chiến
Nguồn: Thanh niên online (ngày 24/09/2010)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét