Tuệ phát sinh do tu tập Thiền Định và Tuệ Quán

I. Thiền Định

1. Tuệ của thiền định
2. Ánh sáng tâm trí
3. Các pháp chân đế: 28 loại sắc pháp và các tổ hợp sắc (rūpa-kalāpa), Sát-na tâm và các lộ trình của tâm
4. Sự cần thiết của thiền định
5. Đạo Phật sử dụng thiền định như công cụ để thực hiện tuệ quán
6. Giải thích một số các chất vấn: Visuddhimagga, Jhāna, Cận định, Sát-na định, Ly dục ly ác pháp, định thế gian (hiệp thế) và xuất thế gian (thánh định).
7. Mục đích của thiền định để thực hiện cái gọi là “như thực rõ biết”
8. Đức Phật đã tu tập thiền định và ca ngợi sự tu tập thiền định

II. Tuệ Quán

1. Phương pháp Tuệ Quán (Vipassanā)
2. Nguyên lý của Tuệ quán: Thấy như thực (yathābhūtaṁ pajānāti, seeing as it is)
3. Thế nào là “hành thâm bát nhã”.
4. Mối liên hệ giữa Tuệ Quán và Thiền Định
5. Bốn đạo lộ
6. Việc kiểm chứng các trải nghiệm trong khi tu tập
7. Định và Tuệ trong phương pháp luận khoa học: Quy nạp và Diễn dịch

*****
I. Thiền Định
Các tôn giáo ở Ấn Độ đã tu tập và tích lũy một kho tàng kiến thức to thật lớn về các loại Yoga và thiền định. Bản thân Đức Phật cũng đã tu tập nhiều loại thiền định Bà La Môn trong sáu năm sống giữa các đạo sĩ vùng Bắc Ấn. Thiền Định là nền tảng cho mọi khuynh hướng phát triển tâm linh từ xưa cho đến nay.
1. Tuệ của thiền định
Trái với một số quan điểm cho rằng thiền định không phát sinh ra Tuệ, sự thực là Thiền Định có mang lại những tuệ nhất định, mà trong Đạo Phật gọi là Jhāna-ñāṇa, tức tuệ của Jhāna (tuệ của thiền định). Khi nhập vào an-chỉ định (appana samadhi), chủ thể nhận thức và đối tượng được nhân thức trở thành một [17]. Có người đã nhân ra ngay trong chánh định, một tuệ về trạng thái bất nhị. Chính cái cảm giác “một là tất cả, tất cả là một”, khiến các đạo sĩ đắc định thỏa mãn, tự tin rao giảng về một sự “giải thoát vĩ đại”. Thực ra, “Một là tất cả, Tất cả là một” chỉ có nghĩa là “Tiểu ngã là Đại ngã, Đại ngã là Tiểu ngã” đó là một giải thoát của cái tôi nhỏ bé đến cái tôi rộng lớn hơn trong các tầng trời mà chưa phải là giải thoát khỏi sáu nẻo luân hồi, theo cái nhìn của Đạo Phật. Mahathera Henepola Gunaratana trong cuốn “Con đường Thiền Chỉ và Thiền Quán” (bản dịch của Ỳ Khưu Pháp Thông) đã nhận định:

“Trái với các bậc Alahán Tuệ giải thoát, những vị Alahán Câu phần giải thoát hưởng được hai loại giải thoát. Nhờ thành thục các thiền chứng vô sắc họ được giải thoát khỏi sắc thân (rūpakāya) hay thân vật lý, nghĩa là các vị có thể an trú trong các thiền tương ứng với các cảnh giới vô sắc ngay trong kiếp sống này. Nhờ chứng Alahán quả, các vị được giải thoát khỏi thân tâm lý hay danh thân (nāmakāya), tức ngay trong hiện tại thoát khỏi mọi phiền não và bảo đảm sự giải thoát tối hậu khỏi các sanh hữu tương lai. Các vị Alahán tuệ giải thoát chỉ có được loại giải thoát thứ hai trong hai loại giải thoát này mà thôi.”

Hơn thế nữa, thiền định khi phát triển đúng cách có khả năng đem lại năm tuệ đặc biệt gọi là “thắng trí” tức thần thông. Trong lịch sử, Đức Phật đã không hài lòng với những tuệ và thần thông phát sinh từ các tầng thiền định nên Ngài đã phải thực hiện thêm một phương pháp riêng gọi là Tuệ Quán (Vipassanā). Nói như vậy không có nghĩa là Đức Phật đã loại trừ thiền định, vốn là công phu trong sáu năm tu tập của ngài, mà chỉ có nghĩa là ngài đã cộng thêm vào công phu thiền định, một phương pháp tu tập gọi là tuệ quán, để đạt đến giải thoát tối thượng.
2.  Ánh sáng tâm trí
Bản chất của thiền định (Jhāna) trong Phật Giáo Nguyên Thủy là sự vắng lặng và tập trung. Nhưng bên cạnh đó, một công năng to lớn của thiền định từ lâu không được bàn tới, là tạo ra “ánh sáng tâm trí”. Các đạo sĩ Ấn Độ rất quen thuộc với các loại thiền định và ánh sáng tâm trí, ví dụ hiện nay giáo phái San Mat vẫn đang tu tập ánh sáng này. Nếu Đạo Phật còn sống trên đất Ấn có lẽ Phật tử sẽ không ngạc nhiên gì nhiều với cái gọi là “ánh sáng tâm trí”. Rất tiếc Đạo Phật lại không còn được tồn tại trên chính vùng đất đã sản sinh ra nó. Khi đi ra ngoài Ấn Độ, sự thực hành thiền định trong Đạo Phật ít đi, lâu ngày “ánh sáng tâm trí” trở nên một điều xa lạ. Có thể hiểu “ánh sáng’ ở đây theo cả hai nghĩa, nghĩa bóng hoặc nghĩa đen. Ajhan Brahm đã cố gắng mô tả loại ánh sáng này trong cuốn sách nhỏ “The Jhāna” [18]. Định tâm mạnh mẽ sẽ tạo ra ánh sáng mạnh mẽ, và chính nhờ ánh sáng ấy mà hành giả có thể đi sâu hay thể nhập vào sự thực chân đế (paramattha sacca). Ánh sáng tâm trí đã được Đức Phật giải thích trong Tăng Chi Kinh, chương nói về Hào quang (ābhāvagga) như sau:

- Này các Tỳ khưu, có bốn lại hào quang. Thế nào là bốn? Hào quang của mặt trăng, hào quang của mặt trời, hào quang của lửa và hào quang của trí tuệ (paññābhā).
- Này các Tỳ khưu, có bốn lại ánh sáng rực rỡ. Thế nào là bốn? Ánh sáng rực rỡ của mặt trăng, ánh sáng rực rỡ của mặt trời, ánh sáng rực rỡ của lửa, ánh sáng rực rỡ của trí tuệ (paññā pabhā).
- Này các Tỳ khưu, có bốn loại ánh sáng. Thế nào là bốn? Ánh sáng của mặt trăng, ánh sáng của mặt trời, ánh sáng của lửa, ánh sáng của trí tuệ (paññā-āloko).
- Này các Tỳ khưu, có bốn loại sáng chói. Thế nào là bốn? Sự sáng chói của mặt trời, sự sáng chói của mặt trăng, sự sáng chói của lửa, sự sáng chói của trí tuệ (paññā-obhāso).
- Này các Tỳ khưu, có bốn loại rực rỡ. Thế nào là bốn? Sự rực rỡ của mặt trăng, sự rực rỡ của mặt trời, sự rực rỡ của lửa, sự rực rỡ của trí tuệ (paññā-pajjoto) [AN. 11.139]
3. Các pháp chân đế
Ánh sáng của Định của Định rất mạnh mẽ, đặc biệt là nó có khả năng “nhận biết rõ ràng” hoặc “nhận biết như thực” những thực thể vi tế gọi là “các pháp chân đế” (paramattha dhamma). Đây là sự thực nội hàm trong mọi hiện hữu mà tri giác bình thường không nắm bắt được. Bằng thiền quán kết hợp với năng lực của cận định khi vừa xuất ra từ chánh định, vị thiền sư nhận biết, hay đôi khi còn gọi là “nhìn thấy”, cơ thể vật chất (sắc, rūpa) và tâm (danh, citta) của chính mình như sau:
· 28 loại sắc pháp và các tổ hợp sắc (rūpa-kalāpa)
Ánh sáng của Định của Định rất mạnh mẽ, đặc biệt là nó có khả năng “nhận biết rõ ràng” hoặc “nhận biết như thực” những thực thể vi tế gọi là “các pháp chân đế” (paramattha dhamma). Đây là sự thực nội hàm trong mọi hiện hữu mà tri giác bình thường không nắm bắt được. Bằng năng lực đặc biệt của tâm khi vừa xuất ra từ an-chỉ định (appanā-samādhi) hoặc khi vừa xuất ra khỏi cận định (upacāra samādhi), vị thiền sư nhận biết, hay đôi khi còn gọi là “nhìn thấy”, cơ thể vật chất (sắc, rūpa) và tâm (danh, citta) của chính mình như sau:

· 28 loại sắc pháp và các tổ hợp sắc (rūpa-kalāpa)

Thế giới vật chất thực sự không có tính khối (thể tích), mà được cấu tạo bởi các thành phần cơ bản gọi là “sắc pháp”. Có 28 loại sắc pháp căn bản. Các sắc pháp lại tập hợp chung với nhau thành các tổ hợp Kalapa (rūpa-kalāpa). Có ba loại tổ hợp rūpa-kalāpa, một loại có 8 thành phần cơ bản gọi là “tổ hợp tám”, một loại có 9 thành phần cơ bản gọi là “tổ hợp chín”, và một loại có 10 thành phần cơ bản gọi là “tổ hợp mười”:

1 – Các tổ hợp tám (sắc) – aṭṭhaka (tám sắc căn bản)
2 – Các tổ hợp chín (sắc) – navaka (tám sắc căn bản cộng với sắc thứ chín)
3 – Các tổ hợp mười (sắc) – dasaka (chín sắc cộng với sắc thứ mười)

Nói chung sắc thân của chúng ta bao gồm ba loại tổng hợp sắc này trộn lẫn với nhau theo những cách khác nhau vậy thôi [19].

               
Tổ hợp tám sắc: không có sự sống

Tổ hợp chín sắc: có sự sống (vì có sắc mạng căn)

Tổ hợp mười sắc: có sự sống và có rất nhiều loại vì yếu tố thứ10 gồm nhiều loại khác nhau.

Nhận biết vật chất, ở mức độ các sắc pháp và tổ hợp Kalāpa, gọi là… thấy “như thực”. Cách thấy biết và phân tích vật chất ra thành nhiều thành phần cơ bản trong Đạo Phật, rất giống như cách khoa học phân tích vật chất gồm các nguyên tử, nguyên tố và hợp chất khác nhau. Các thiền sư nhìn thấy các tổ hợp kalāpa và các sát na tâm sinh ra rồi diệt đi rất nhanh, nên suy ra các pháp chân đế được nhìn thấy có thể là các thành phần còn nhỏ hơn nguyên tử, tức là ở cấp độ hạt. Mới đây khoa học cũng tìm thấy các hạt Higgs là các hạt vừa sinh ra liền biến mất! Trong tương lai, cấu tạo vật chất theo mô hình kalāpa cũng có khả năng gợi ý một hướng phát triển mới cho khoa học..
· Sát-na tâm và các lộ trình của tâm
Năng lực của thiền quán khi phối hợp với chánh định cũng có thể nhận biết và phân biệt từng sát-na tâm cụ thể cũng như từng lộ trình của tâm (cittavīthi). Abhidhamma mô tả chi tiết 121 tâm và chi tiết các giai đoạn của các lộ trình tâm:

- Tri giác qua năm giác quan (năm môn) đã được mô tả đến từng sát-na tâm, qua một tiến trình gọi là ngũ môn lộ trình tâm. Theo sơ đồ bên dưới, Tri giác qua thị giác sẽ là một loạt tâm xuất hiện theo đúng một qui trình không đổi là 17 tâm liên tục kế tiếp nhau gọi là một lộ trình tâm (hay qui trình tâm). Đối với thị giác thì đây gọi là Nhãn môn lộ trình tâm.
- Ý thức (có nhiều loại) ngang qua ý môn cũng có thể được các thiền sư quán sát “như thực” trong từng sát na tâm, qua những tiến trình gọi là Ý môn lộ trình tâm.
4. Sự cần thiết của thiền định:
Bằng thiền quán, với năng lực của tâm khi vừa xuất ra khỏi an-chỉ định (appanā-samādhi) hay cận định (upacāra samādhi), thiền sư có thể biết và thấy các thành phần vi tế của tâm và vật, tức các pháp gọi là chân đế. Sự thấy rõ các pháp chân đế là điều cần thiết để thực hiện thiền quán (Vipassanā) một cách đúng đắn. Thế nào là đúng đắn? Trong suốt các bộ kinh, Đức Phật đã nhắc lại nhiều lần phải nhận biết, phải nhìn giáo pháp của ngài một cách như thật rõ biết với nghĩa “đen”(literal) của nó:
- Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập định. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có định, như thật rõ biết (pajānāti). Và như thật rõ biết gì?
Như thật rõ biết: "Ðây là Khổ". Như thật rõ biết: "Ðây là Khổ tập". Như thật rõ biết: "Ðây là Khổ diệt". Như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
Đã qua một thời gian rất lâu, ý nghĩa “như thật rõ biết” của Đức Phật đã không còn thật rõ biết nữa. Đa số hiểu lầm “như thật rõ biết” là sự hiểu biết bằng các khái niệm của trí óc. Ngay đây, chúng ta thấy rằng phương pháp luận phân tích trong Đạo Phật, có phần tương đồng với phương pháp luận phân tích của khoa học. Mọi vật, mọi hiện tượng trong thế giới, đều được khoa học cắt chẻ chi li. Dĩ nhiên cũng phối hợp với sự tổng hợp. Nếu vật chất không được biết tới cấp độ nguyên tử và hạt cơ bản thì làm sao có điện học và điện tử học. Làm sao ta có nền văn minh đồ sộ như ngày nay! Thứ nữa, những điều vừa trình bày ở trên, cho thấy thiền định là năng lực cần thiết phải có để thực hiện các tuệ minh sát, ngay cả đối với tuệ đầu tiên đó là Tuệ phân biệt Danh và Sắc. Không có thiền định thì không có khả năng nhận biết các sự thực vi tế, các pháp chân đế, do đó không thể thực hiện thành công thiền quán về các tuệ giải thoát! Sự cần thiết của thiền định, chỉ mới vừa được nêu ra trong thời gian gần đây. Có một số thiền sư khi thực hiện thiền quán phối hợp với chánh định, đã thành công đúng như mô tả trong kinh điển và chú giải. Sự phục hồi giáo pháp nguyên thủy gồm đầy đủ tam học Giới-Định- Tuệ, đang dựa vào kết luận rất quan trọng này.
5. Đạo Phật sử dụng thiền định như công cụ để thực hiện tuệ quán
Có một điều rất thú vị, nếu ta lại so sánh phương pháp “dùng Định để đạt Tuệ” với việc khoa học dùng các công cụ để đạt hiểu biết về thế giới khách quan bên ngoài. Vì sự giới hạn của các giác quan, con người không thể trải nghiệm “như thực” toàn bộ thế giới. Do đó để tìm hiểu thế giới chung quanh cho sự phát triển khoa học, con người cần có các công cụ hổ trợ. Ví dụ, thoạt đầu là kính hiển vi thô sơ để nhìn các sinh vật nhỏ, kính thiên văn để nhìn các thiên thể xa v.v…khoa học bây giờ cần đến những công cụ tối tân hơn nữa như kính hiển vi điện tử, các vệ tinh để thám sát, các kính viễn vọng to lớn như Hubble được phóng trên quĩ đạo. Mọi ngành khoa học đều có những công cụ riêng, để thực hiện nghiên cứu khoa học của riêng nó. Tương tự như vậy, vì trí óc người tu bình thường không thể thám sát và nhìn thấy cấu tạo vi tế của vật chất (Sắc) cũng như sự xuất hiện vi tế của tâm (Danh) nên phải cần có một năng lực đặc biệt để quán sát được các pháp “như thực”, đó chính là thiền định.

Đối tượng của Tuệ Quán là các pháp “chân đế” (paramattha), tức là các vật chất rất vi tế, các hiện tượng sinh ra và diệt đi rất nhanh. Do đó Tuệ Quán rất cần năng lực “nhìn xuyên thấu” với “tốc độ cao” của thiền định để làm công cụ. Năng lực của Tuệ quán, phối hợp với tâm vừa xuất ra khỏi an-chỉ định, có thể nhìn thấy rõ Danh (các tâm) và Sắc (vật chất) ở cấp độ vi tế. Có nghĩa là người tu định có thể tri giác từng tâm và các qui trình tâm, ngay cả có thể thấy vật chất ở cấp độ các tổ hợp Kalapa (rūpa kalāpa) tức thành phần cơ bản của vật chất (theo cái nhìn của Định). Năng lực của định có thể quan sát được tính vô thường của ngũ uẩn, những điều mà trí óc bình thường (mind) không thể trải nghiệm trọn vẹn được. Đây là chức năng thật sự của thiền định có trong giáo pháp nguyên thủy. Tuy nhiên, sau một thời gian dài bỏ qua pháp tu thiền định, các trường phái Theravāda trở nên xa lạ với sức mạnh phi thường này của thiền định. Vai trò của thiền định trong tu tập của Đạo Phật mới chỉ được phục hồi và phổ biến trong những năm gần đây!

Có rất nhiều tu sĩ luôn đặt câu hỏi: Làm sao trong tình trạng tâm vắng lặng cố định mà lại quan sát được các hiện tượng tâm và quá trình tâm, những cái vốn luôn vận hành? Đây chỉ là một vấn đề kĩ thuật, nhưng kĩ thuật này đã thất lạc khi thiền định đã bị quên lãng trong một thời gian quá lâu! Tại thời điểm này, khi Đạo Phật nguyên thủy đột nhiên có dấu hiệu hồi sinh, một số không ít các thiền sư có chứng đắc thiền định đã chứng minh được rằng:

- Khi vừa xuất ra từ an-chỉ định (appanā-samādhi) hoặc cận định (upacāra samādhi), tâm có trạng thái đặc biệt mạnh mẽ. Với tâm này, thiền sư có thể quán sát các hiện tượng vi tế của thân và tâm ở mức độ chân đế (paramattha). Thấy các pháp chân đế như thực là điều mà từ lâu rồi ít có người tin. Bằng an-chỉ định của các bậc thiền, người tu trong đời nay đã có thể thực hiện được điều rất khó tin đó. Tùy theo xuất ra từ một bậc thiền cao hay thấp, mà sự quan sát trở nên mạnh mẽ, rõ ràng nhiều hay ít. Trước đây không ai tin rằng có thể kết hợp Cận định với thiền quán mà thường lý luận rằng chỉ có Sát na định (khaṇika samādhi) [20] mới có thể kết hợp với thiền quán. Thực hành thiền quán với năng lực của sát na định dần dần trở thành niềm tin truyền thống của hầu hết các trường phái Theravāda.

Trong cuộc sống phát triển như hiện nay rất khó tu tập thành công các bậc định (theo các chú giải thì ngay từ xưa các thiền định cũng rất khó thực hiện). Đối với một người tu mà không thể đạt được an-chỉ định (appanā-samādhi) của một bậc thiền nào thì Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) đề nghị tuệ quán phải được kết hợp với một mức tối thiểu là cận định (upacāra samādhi) của một bậc định thấp nhất (sơ thiền). Hoặc nếu người tu không có khả năng tu tập bắt đầu với thiền định, thì người đó có thể chọn cách bắt đầu tu tập bằng thiền tứ đại (Catudhātu Vavatthana) [21] vì năng lực của thiền tứ đại cũng tương đương với mức cận định.

Sự phục hồi việc tu tập thiền định trong Đạo Phật, tạo ra một loạt các phản ứng (giống như là một phản ứng tự vệ) từ các các quan điểm cũ, tức quan điểm không ủng hộ thiền định. Vì thế rất có nhiều hoài nghi và chất vấn được đưa ra:
6. Giải thích một số các chất vấn
Visuddhimagga
Cuốn Thanh Tịnh đạo (Visuddhimagga) xuất hiện và được Theravāda bảo tồn cách đây 1500 năm. Đây là một trong những cuốn chú giải tin cậy bên cạnh cuốn Giải Thoát Đạo (Vimuttimagga). Thanh Tịnh Đạo mô tả rất rõ ràng về bản chất cũng như cách tu tập hệ thống tám tám định Jhānas: Bốn định hữu sắc (rūpa jhānas) và bốn định vô sắc (arūpa jhāna). Bên cạnh đó, mô tả đạo lộ tu chứng qua bảy giai đoạn thanh tịnh với sự nhấn mạnh vai trò thiền định và năng lực phi thường của Jhāna khi kết hợp với thiền quán. Thời gian mới đây, khi có một số vị sư thực hành thành công đạo lộ mà Thanh Tịnh Đạo đã mô tả, nghĩa là cả thiền định và bảy giai đoạn thanh tịnh, thì có một số nghi vấn được nêu lên:

- Các tu sĩ đó có thực sự đắc định hay không? Làm sao kiểm chứng? (Vì từ rất lâu, không thấy có ai đắc định!)

- Thanh Tịnh Đạo thực sự là chú giải đáng tin cây hay không? Định Jhāna mà Thanh Tịnh Đạo mô tả có phải là loại định mô tả trong kinh (Suttas) hay không?
Jhānas

“Jhāyati” là một động từ, có hai nghĩa: một là thiêu đốt phiền não, hai là gắn tâm sâu vào đối tượng thiền để thiêu đốt phiền não. Danh từ của jhāyati là jhāna. Một số người đặt vấn đề nghi vấn chung quanh bản chất của Jhāna. Đức Phật đã có thực hành Jhāna hay không hay Jhāna chỉ là một pháp thiền định nào khác mà ngài Phật Âm đã tự ý đem vào? Để hiểu được điều nay, ta thử nhìn toàn diện Định jhāna qua hai phần: hình thức tu tập và nội dung trải nghiệm để xem có gì không phù hợp với kinh:

Hình thức tu tập: Định jhāna được phát triển từ niệm hơi thở đúng theo kinh Anapanasati, thêm vào sự tập trung tại mũi (touching point) đúng như có ghi chép trong kinh Tiểu Bộ (Patisambhidāmagga).

Nội dung trải nghiệm: ánh sáng nimitta và ánh sáng trí tuệ. Nimitta không có ghi trong kinh nhưng ánh sáng trí tuệ thì có mô tả rõ trong Tăng Chi bộ kinh.

Vậy chỉ có nimitta là bị nghi vấn như một thành phần “ngoại đạo”. Thực ra trong kinh Ngủ Gục và Kinh Upali (đã nêu trên), Đức Phật đã có đề cập đến lợi ích của loại ánh sáng do tưởng (ālokasaññaṃ). Nimitta có nguy hiểm gì cho người tu tập không? Hoàn toàn không! Ngược lại chỉ có lợi ích, đó là thâm nhập vào an-chỉ định trở nên dễ dàng hơn. Sự thực về nimitta chỉ có vậy, còn chấp nhận hay không dĩ nhiên là tùy người tu tập. Ít người dám chân thật mà nghĩ rằng chỉ vì sự tu tập thiền định chưa đủ, chưa sâu, nên không thể thấy nimitta và ánh sáng tâm trí! Bên cạnh đó còn có các chất vấn liên quan như: Tại sao trong kinh (suttas) chỉ nói đến hệ thống bốn thiền mà Vi Diệu Pháp, Thanh Tịnh Đạo lại liệt kê đến năm thiền? Tại sao trong sơ- thiền, có nhiều bài kinh không nhắc đến “Định nhất tâm” (ekaggatā) mà Vi Diệu Pháp hay Thanh Tịnh Tịnh Đạo đều có liệt kê như một trong năm thiền chi? Người ta còn nghi ngờ ngay cái tên “jhāna” và cho nó là của ngoại đạo [ 22] .

Nimitta

Theo Thanh Tịnh Đạo, khi thiền lấy hơi thở làm đề mục, lúc đạt cận định, có sự xuất hiện của ánh sáng Nimitta [23]. Nimitta nghĩa là dấu hiệu (sign, “tướng”) của hơi thở và Nimitta của đề mục hơi thở có thể có nhiều hình tướng khác nhau. Các loại đề mục thiền khác nhau có thể cho ra các nimitta (signs) khác nhau. Thực tế là khoảng ba mười năm trở lại đây, có những thiền sư thực hành niệm hơi thở với điểm xúc chạm ở mũi đúng như kinh hướng dẫn, thì trải nghiệm sự xuất hiện Nimitta giống như Thanh Tịnh Đạo đã mô tả ở trên. Thay vì vui mừng vì đã xác định sự chính xác của một cuốn chú giải quí giá đã may mắn tồn tại trong 1.500 năm, thì một số người lại thắc mắc: Sao lại có thể như thế được nhỉ? Tôi có thấy nimitta đâu? Có nhiều cách giải thích về Nimitta, theo một số các thiền sư, nimitta chính là hơi thở được cảm nhận ở mức độ các tổ hợp kalāpa. Khi tâm thanh tịnh và tập trung các tổ hợp này phát sáng. Nimitta và ánh sáng trí tuệ (paññā-āloko) là hai thực thể khác nhau. Có người có Nimitta trước rồi mới có ánh sáng trí tuệ, có người thì ngược lại. Nhờ có Nimitta làm đối tượng, các thiền sư mới có thể thâm nhập (absorbed) vào mức an-chỉ định (appanā-samādhi). Nếu như thiền định được dùng làm phương tiện thực hiện tuệ quán thì Nimitta cũng chỉ được dùng làm phương tiện để thực hiện an-chỉ định (appanā-samādhi). Tâm khi vào mức an chỉ định của tứ thiền có ánh sáng trí tuệ rất mạnh.

Vì có rất nhiều người không tu tập định, hoặc có tu tập định mà không thấy nimitta, nên nghi ngờ nimitta là không có thực, từ đó không coi nimitta như một phương tiện cần thiết để nhập sâu vào an-chỉ định. Các vị thày Theravāda người Tây phương vốn thường không chấp nhận các chú giải (commentaries), do đó phần nhiều cũng không chấp nhận Nimitta, không chấp nhận ánh sáng trí tuệ quá sáng, quá rực rỡ theo như cách mô tả của Thanh Tịnh Đạo. Bhikkhu Sona nói rằng các tu sĩ nên cẩn thận, tránh để các chú giải hướng dẫn sai [24]. Bởi vì nếu căn cứ vào Phân Tích Đạo (đoạn giảng về niệm hơi thở vào, hơi thở ra) và sự trải nghiệm của chính ông thì tâm thiền chỉ có thể sáng tựa “trăng thoát mây che”.[25 ].

Giáo pháp nguyên thủy chỉ dùng sánh sáng tâm trí để nhận biết các pháp chân đế, rồi từ đó đạt được các tuệ cần thiết cho giác ngộ cuối cùng. Giáo phái bí mật San Mat (thuộc đạo Sikh) cũng thiền để có ánh sáng, khi có ánh sáng thì cho là giác ngộ, ngoài ra không có lý luận giải thích gì cả! San Mat [26] khi truyền vào Việt Nam (pháp môn quán âm) thì gọi hiện tượng thấy ánh sáng là thành Phật, vì hầu hết tín đồ San Mat tại Việt Nam là Phật tử. Cùng là ánh sáng xuất hiện trong thiền định nhưng sự hiểu biết đúng về bản chất loại ánh sáng đó thì rất khác nhau. Sự phục hồi của thiền định chắc chắn sẽ điều chỉnh một số hiểu lầm đáng tiếc trong thời gian vừa qua:

Sự hiểu lầm về cận-định và sát na định

Vì bị bỏ quên quá lâu, không thực sự có trải nghiệm, nên sự hiểu biết về thiền định trong Phật giáo hiện nay rất hạn chế. Chỉ có một số ít các trường phái tu tập thiền định mới hiểu rõ cận định thực sự như thế nào! Ai cũng biết cận định (upacāra samādhi) là một trạng thái tâm ngay ngưỡng cửa, trước khi bước vào an-chỉ định (appanā-samādhi). Nhưng vần đề là nếu một người chưa từng nhập vào chánh định, chưa từng đi ngang qua nó, thì rõ ràng khó mà biết được cái ngưỡng cửa đó ra làm sao! Từ sự hiểu lầm đó, nên đã có sự ngạc nhiên và nghi ngờ đối với khả năng của cận định khi phối hợp với thiền quán.
Sát na định vs cận định

- An-chỉ định (appanā-samādhi) là lúc tâm cột chặt vào đối tượng, không phân biệt được chủ thể và đối tượng. Cận định (upacāra samādhi) là trạng thái tâm trước khi đi vào mức an chỉ, tức khi chủ thể còn phân biệt được với đối tượng. Khi vừa xuất ra khỏi an chỉ định hoặc cận định, tâm đặc biệt mạnh mẽ, có thể quan sát được các đối tượng của thiền quán ở mức chân đế và trong sự sinh diệt nhanh chóng của chúng . Vì thiền định bị bỏ phế quá lâu trong các trường phái Theravāda nên ít người biết rằng ở trạng thái định và cận định có rất nhiều ánh sáng trí tuệ (paññā-āloko) như mô tả của Kinh Tăng Chi [AN. 11.139]. Nhờ có ánh sáng trí tuệ, thiền định có khả năng phối hợp với tuệ quán (Vipassanā) để nhìn thấy các pháp vi tế thuộc chân đế như thành phần cấu tạo của tâm và vật chất (danh và sắc).

- Sát na định (khaṇika samādhi) được giảng dạy phổ biến trong đa số các trường phái Theravāda như là khả năng định trong vài sát na, dùng để di chuyển nhanh chóng khi quan sát các đối tượng. Kèm theo cách giải thích này là một ngụ ý không cần đến sự tu tập định [20]. Thực ra sát na định của một người không có tu tập định thì hoàn toàn khác với sát na định của một người có tu tập định. Khác biệt ở chỗ nào? Sát na định của một người có định, có cường độ mạnh hơn, và năng lực nhận biết tinh vi hơn, nhờ ánh sáng tâm trí. Đối với những người có tu tập định thì Sát Na Định được hiểu như sau:
“A meditator uses either access concentration or jhāna concentration as the foundation of vipassanā and undertakes vipassanā defining mentality-materiality as impermanent (aniccā), painful (dukkha) and not-self (anattā). The concentration that is associated with insight knowledge (vipassanā) in this way is called “khanikasamādhi”. [21]
Một thiền giả dùng hoặc cận định hoặc định bậc thiền (jhāna) như là nền tảng của thiền Vipassanā và thọ trì thiền Vipassanā xác định danh và sắc là vô thường (aiccā), khổ (dukkha) và vô ngã (anattā). Định kết hợp với minh sát tuệ (vipassanāñāa) theo cách này được gọi là “khaikasamādhi” (sát-na định).
Ly dục, ly ác pháp
Thiền định trực tiếp sinh ra các tuệ cho sự giải thoát đối với các tôn giáo và giáo phái ở Ấn Độ, và đóng góp gián tiếp cho sự giải thoát của Đạo Phật nguyên thủy, qua phương pháp tuệ quán. Thiền định rất khó thực hiện vì cơ sở của sự đắc định (theo kinh điển) là một trạng thái thanh tịnh do “ly dục, ly ác pháp”. Trong thời đại hiện nay, xã hội phát triển mạnh về đời sống vật chất, con người rất dễ bị xáo động bởi các giá trị vật chất và đánh mất sự thanh tịnh tâm trí. Khi một thời đại mà cả thế giới bị dục và tham khuấy động thì chắc chắn thiền định không đủ duyên để thành tựu. Điều đó lý giải tại sao, trong một thời gian dài, thiền định biến mất trong sự tu tập. Có những thắc mắc có vẻ rất bế tắc, ví dụ: rằng làm sao để tu tập thiền định khi chưa có giác ngộ? Bởi vì sau lúc giác ngộ ta mới có thể ly dục ly ác pháp. Nói cách khác là điều kiện “ly dục ly ác pháp” cho việc tu tập thiền định là hoàn toàn mâu thuẫn và vô lý! Có mâu thuẩn và vô lý hay không, xin nghe lại chuyển kể về việc Đức Phật lúc đạt sơ thiền. Đức Phật đạt sơ thiền dưới gốc cây mận lúc còn là một cậu bé hoàn toàn chưa giác ngộ. Trạng thái gọi là ly dục, ly ác pháp lúc ấy, phải hiểu là ly dục ly ác pháp trong một khoảng thời gian nhất định, lúc cậu ngồi thiền. Trạng thái ly dục ly ác pháp “tạm thời” thường không xảy ra với những người có cuộc sống căng thẳng, hoặc có tâm ô nhiễm nặng nề. Đối với người ít ô nhiễm, cuộc sống tu tập thích hợp, sẽ có một khoảng thời gian đặc biệt nào đó khi tâm tạm thời xa dục xa ác pháp, thì đó là thời điểm của sự đắc thiền. Dĩ nhiên chuyện có thể tu tập thiền định thành công hay không chỉ được xác nhận bởi những người đắc định. Hữu duyên cho ai được tiếp xúc với những vị này!
Định thế gian (hiệp thế) và xuất thế gian (Thánh Định)

Khi chứng trú trong thiền định, người hành thiền cũng cố được tình trạng ly dục ly ác pháp đó. Tuy nhiên khi xuất khỏi thiền định thì trạng thái ô nhiễm có thể quay lại. Bởi vậy, trong trường hợp này, khi người hành thiền định chưa có giác ngộ thì thiền định của người đó được gọi là định “thế gian” (mundane jhāna). Tại sao biết là định thế gian mà vẫn phải thực hành? Vì thực hành định thế gian là rèn luyện một công cụ cần thiết để thực hành thiền quán. Trong sự thực hành chánh pháp, thiền định nên được xem là một phương tiện, hơn là một cứu cánh. Sau khi chứng nghiệm các tầng tuệ và giác ngộ, tức đạt một trong bốn quả sa môn, khi vị ấy nhập vào thiền định thì lúc này định của vị ấy được gọi là định “xuất thế gian” (supramundane jhāna) mà nhiều người gọi là Thánh định. Phải khẳng định rằng một người khi bắt đầu tu tập thì không thể nào tu tập Thánh Định được cả, bởi vì Thánh Định tức Thánh Quả Định (Phalasamāpatti) chỉ có được sau khi giác ngộ! Thánh Quả Định là một loại thiền siêu thế có Níp Bàn làm đối tượng. Mong rằng tất cả những trình bày, phân tích về các vấn đề phức tạp và tế nhị này, có thể giúp xóa đi các định kiến gọi là sự “vô ích” và “nguy hiểm” của thiền định! Và cũng để hiểu rằng tại sao người tu phải chấp nhận một loại Định dùng làm phương tiện gọi là Định thế gian hay hiệp thế (mundane jhāna).
7. Mục đích của thiền định để thực hiện cái gọi là “như thực rõ biết”
Hãy nghe lời Đức Phật giải thích về vai trò của thiền định trong Phẩm Định, chương XII, Tương Ưng sự thật, tập V, chương Đại phẩm:
 “ Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập định.
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có định, như thật rõ biết (yathābhūtaṁ pajānāti) các pháp (dhamma). Và như thật rõ biết gì? Như thật rõ biết: "Ðây là Khổ". Như thật rõ biết: "Ðây là Khổ tập". Như thật rõ biết: "Ðây là Khổ diệt". Như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập định.
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có định, như thật rõ biết các pháp. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ". Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ tập". Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ diệt". Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
8. Đức Phật đã tu tập thiền định và ca ngợi sự tu tập thiền định
Đức Phật có khuyến khích tu tập thiền định hay không? Hãy xem lại kinh điển. Có rất nhiều những bài kinh, đoạn kinh, nói về sự cần thiết và lợi ích của viêc tu tập thiền định. Ví dụ phẩm Thiền Định 1 và 2 (chương Một pháp, Tăng Chi Bộ Kinh), phẩm Định, tương ưng sự thật (chương XXII, Tương Ưng Bộ Kinh), kinh Đại Bát Niết Bàn (Trung Bộ Kinh) và vố số những bài kinh khác trong năm bộ Nikaya… Trong đoạn trích từ Đại Kinh Saccaka dưới đây: Đức Phật kể lại sự tu tập bốn thiền hữu sắc của Ngài:
“…Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Ta biết, trong khi phụ thân Ta, thuộc giòng Sakka (Thích-ca) đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây diêm-phù-đề (jambu), Ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ". Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: "Ðạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng?" Và này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: "Ðây là đạo lộ đưa đến giác ngộ".
Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: "Ta có sợ chăng lạc thọ này, một lạc thọ ly dục, ly pháp bất thiện?" Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: "Ta không sợ lạc thọ này, một lạc thọ ly dục, ly pháp bất thiện".
Rồi này Aggivessana, Ta suy nghĩ: "Nay thật không dễ gì chứng đạt lạc thọ ấy, với thân thể ốm yếu kinh khủng như thế này. Ta hãy ăn thô thực, ăn cơm chua". Rồi này Aggivessana, Ta ăn thô thực, ăn cơm chua. Này Aggivessana, lúc bấy giờ, năm Tỷ-kheo đang hầu hạ Ta suy nghĩ: "Khi nào Sa-môn Gotama chứng pháp, vị ấy sẽ nói cho chúng ta biết". Này Aggivessana, khi thấy Ta ăn thô thực, ăn cơm chua, các vị ấy chán ghét Ta, bỏ đi và nói: "Sa-môn Gotama nay sống đầy đủ vật chất, từ bỏ tinh tấn, trở lui đời sống sung túc".
Và này Aggivessana, sau khi ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
 Cuối cùng trước khi nhập diệt, lời di huấn của Đức Phật để lại trong Kinh Đại Bát Níp Bàn (D.N, Mahaparinibbana):
“ Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ. Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu…. »
                                                II. Tuệ Quán
1. Phương pháp Tuệ Quán (Vipassanā)
Là một sáng tạo riêng của Đức Phật, là con đường dùng trí tuệ để thực hiện giải thoát. Có thể có rất nhiều pháp môn cũng nói về trí tuệ, nhưng ngoài giáo pháp của Đức Phật không có sự mô tả chi tiết về các tuệ, cũng như không hề có sự mô tả về các qui trình thực hiện các tuệ. Cùng đặt cơ sở trên kinh điển như Kinh Quán Niệm hơi thở, Đại Niệm Xứ (Mahāsatipatthāna) v.v.., nhưng hiện nay có rất nhiều qui trình tu tập Vipassanā khác nhau được các trường phái đề xướng. Hoặc nghiêng về quán thân (Kayānupassanā), hoặc nghiêng về quán Tâm (Cittānupassanā), hoặc nghiêng về quán thọ (Vedanānupassanā). Hoặc có kết hợp với thiền định hoặc không kết hợp với thiền định. Hoặc kết hợp với một mưc độ định thật sâu, hoặc kết hợp với một mức định vừa hoặc nhẹ hơn. Dưới đây là liệt kê (chỉ có tính sơ sài) về một số các trường phái Vipassanā kết hợp với mức độ định sâu, vừa hoặc nhẹ như sau :

- Vipassanā kết hợp với định rất sâu :

Sayadaw Pa Auk Tawya, Myanmar

- Vipassanā kết hợp với mức độ định vừa

Ajahn Brahmavamso, người Anh, West Australia

- Vipassanā kết hợp với mức độ định nhẹ

Ayya Khemal, người Đức gốc Do Thái

Bhante Gunaratana, người Sri Lanka, Washington DC, U.S.A

Ajahn Thanissaro, người Mỹ, San Diego, Cali, U.S.A

Theo Kinh Trạm Xe (Rathavinīta Sutta) và theo Thanh Tịnh Đạo, sự tu chứng được thực hiện qua bảy giai đoạn thanh tịnh tâm: Hai giai đoạn đầu là Thanh tịnh tâm bằng Giới và thanh tịnh tâm bằng Định. Năm giai đoạn kế là thanh tịnh tâm bằng tuệ quán để thực hiện 16 tuệ căn bản:

1. Thanh tịnh giới,

Sīla-visuddhi (purification of morality)

2. Thanh tịnh tâm bằng định

Citta-visuddhi (purification of the mind by concentration)

3. Kiến thanh tịnh

Diṭṭhi-visuddhi (purification of view)

4. Đoạn Nghi thanh tịnh

Kaṅkhāvitaraṇa-visuddhi (purification by overcoming doubt)

5. Đạo và Phi Đạo Tri kiến thanh tịnh

Maggāmagga-ñāṇa-dassana-visuddhi (purification by knowledge and vision of what is the path and what is not the path)

6 Đạo Hành Tri Kiến thanh tịnh

Paṭipadā-ñāṇadassana-visuddhi (purification by knowledge and vision of the way)

7. Tri Kiến thanh tịnh

Ñāṇadassana-visuddhi (purification by knowledge and vision)

“Với sự trợ giúp của ánh sáng sáng xuyên thấu, rực tỏa từ một tâm có phối hợp với chánh định (sammāsamādhi), thiền giả thấu suốt vào các pháp chân đế (paramattha), tức là các pháp tạo nên tâm và thân. Thiền giả xác định rõ từng tâm (citta), từng tâm sở (cetasika), và từng loại sắc chân đế (rūpa) bằng phương tiện là các đặc tính (lakkhaṇa), phận sự (kicca), biểu hiện (paccupaṭṭhāna) và các nhân gần (padaṭṭhāna) tương ứng của chúng. Kế tiếp, phân biệt các nhân sanh ra danh-sắc này bao gồm các mối quan hệ nhân quả trong Lý Duyên Khởi (Paṭiccasamuppāda). Sau đó, hành giả quán xét ba đặc tính của các hành theo nhiều cách đặc biệt như đã được miêu tả trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi Magga) để tu tập đúng đắn minh sát tuệ (vipassanāñāṇa) theo từng tuệ một để có thể chứng đạt mục tiêu tối hậu của thiền vipassanā – chứng ngộ Niết-bàn.” [28]

Phải thấy được rằng, sự phân tích rạch ròi và sự mô tả chi li các tuệ và trí, chính là tinh hoa đặc thù của chánh pháp. Đức Phật là người dạy về các tuệ cần thiết để giải thoát và người tu phải dùng trải nghiệm cá nhân để thực chứng chân lý đó. Sự hiểu biết sâu rông về Pháp Học cũng như sự tin tưởng mạnh mẽ (Tín) về pháp học vẫn chưa đủ cho sự giác ngộ. Giống như khi ta chỉ biết một người nhưng chưa hề gặp mặt và nói chuyện (chưa có trải nghiệm) thì ta chưa đủ hiểu biết về người đó. Chỉ sau khi mặp mặt, bắt tay, nói chuyện trao đổi (đã có trải nghiệm) thì mọi sự hiểu biết (tuệ) về người ấy mới được đầy đủ. Phải “Biết cùng với Thấy” (Knowing and Seeing) mới sinh ra tuệ giác đầy đủ. Pháp Học, giảng bởi Đức Phật, chỉ được coi như một triết lý tức lý thuyết đối với người chưa giác ngộ. Nhưng ngay sau khi pháp học được trải nghiệm (experienced) thấy rõ như thực (bằng năng lực của Tuệ kết hợp với Định), người tu bấy giờ trở nên giác ngộ.
2. Nguyên lý của Tuệ quán: Thấy như thực (yathābhūtaṁ pajānāti, seeing as it is)
Chỉ khi nhìn thấy rõ ràng (bằng năng lực của cận định) các pháp “như chúng thực là”, chúng ta mới được hoàn toàn giác ngộ. Rất nhiều sách về tâm linh và tôn giáo cũng nói về trạng thái nhìn “thấy như thực” hoặc “thấy sự vật như nó là” (seeing everything as it is). Tuy nhiên cách giải thích thì hoàn toàn không đúng, ví dụ như là quan sát sự vật mà không dựa vào cảm tính hay tiên kiến (prejudge) chủ quan. Đạo Phật nguyên thủy dùng chữ “thấy như thực” theo một ý nghĩa khác. Đó là thấy “như thực” cái thực tại nội hàm bên trong sự vật. Việc tu tập bắt đầu bằng quan sát ngay trong thân thể của người tu, bởi vì lúc khởi đầu minh sát còn yếu. Khi thuần thục thì có thể chuyển minh sát ra các đối tượng ngoài thân. Thấy cái “thực tại nội hàm bên trong” nếu liên hệ với Phật giáo phát triển, giống như là thấy “Tánh” hay “kiến tánh” (nếu muốn gọi kiểu như vậy). Con mắt xuyên thấu của Tuệ quán (Vipassanā) có thể “nhìn thấy như thực” nghĩa là nhìn thấy sự-vật ở mức độ chân đế: Danh, Sắc cấu tạo như thế nào? Ngũ uẩn, nhân duyên vận hành ra làm sao? v.v…Điều này giác quan và tâm trí trong điều kiện bình thường không thể làm được. Từ lúc Đạo Phật suy tàn, hơn hai ngàn năm cho đến tận hôm nay, biết bao công sức tu tập đã trôi sông trôi biển, vì không hiểu ý nghĩa của việc thấy “như chúng thực sự là”. Vì thế cũng không hiểu “kiến tánh thành Phật” là kiến cái “tánh” nào và bằng “phương pháp” nào!

Thế giới của Danh và Sắc mà chúng ta đang thấy chỉ là hiện tượng bên ngoài. Thấy cái hiện tượng bên ngoài đó không phải là thấy như thực! Chỉ có thiền quán, dựa trên định lực mạnh mẽ, mới biết và thấy sự vật “như chúng thực là”. Triết học Tây phương bế tắc vì không nhìn thấy được sự vật “như chúng thực là”. Họ biết là trong mỗi vật hay hiện tượng có hàm chứa một nội dung mà tri giác (perception) con người không nắm bắt được và gọi đó là vật tự thân (thing-in-itself, chose-en-soi, noumenon) [29]. Vật tự thân nói lên giới hạn của tri giác con người trong điều kiện sinh lý bình thường. Mặc dù khoa học cũng có thể dùng các công cụ tinh xảo để thâm nhập vào vật tự thân, nhưng cái biết và thấy đó chỉ là gián tiếp vì phải qua trung gian của công cụ. Đôi khi cái biết của khoa học cũng chỉ là một giả thuyết (hypothese) hợp lý, như giả thuyết về cấu trúc và các cầu nối giữa những nguyên tử v.v…Đó là những cấu trúc mà con người không trực tiếp nhìn thấy. Tuệ quán (với năng lực của cận định) giúp tri giác con người vượt qua điều kiện bình thường để thâm nhập trực tiếp vào thế giới của vật tự thân. Cái biết và thấy của thiền quán do đó khác với cái biết và thấy của khoa học. Các tổ hợp kalāpa của vật chất, được trải nghiệm qua tuệ quán, khác với mô tả của khoa học về các nguyên tố và hợp chất. Đây là điều kì diệu và phi thường về cái biết và thấy như thực của tuệ quán!

Tuệ tri như chúng thực sự là (yathābhūtaṁ pajānāti’) chính là nguyên lý của tuệ quán và chính là phương pháp của Đạo Phật để nhìn thấy sự thực, tức các pháp chân đế (paramattha), nằm bên dưới các hiện tượng bề mặt. Do biết và thấy các pháp chân đế, do thu đạt được đủ các tuệ cần thiết, người tu tiến dần tới Đại giác ngộ. Trong lịch sử thời giáo pháp nguyên thủy, các bộ Nikaya hoàn toàn không ghi nhận được trường hợp nào không có thiền định, không có tuệ quán, không thấy các pháp như thực, mà lại… hốt nhiên đại ngộ!

3. Thế nào là “hành thâm bát nhã”


Bát Nhã Tâm Kinh: “Quán tự tại bồ tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị….v.v…”

Toàn bộ bài kinh nói về Trí bát nhã ba la mật đa (prajñā paramita), tức tuệ vượt sang bên kia bờ, tức tuệ giải thoát. Nội dung của tuệ giải thoát đề cập ở đây là tính bất nhị (không hai, không đối lâp), được mô tả bằng các phạm trù: sắc-không, có-không, sanh-diệt, cấu-tịnh, minh-vô minh, lão tử-vô lão tử, đắc-vô đắc v.v…thực sự không phải là khó chấp nhận hay bí ẩn, khó hiểu. Nhưng vấn đề ở đây là làm thế nào để có được tuệ này? Bài kinh không cho biết phải làm cách nào để có được trí bát nhả như mô tả rất dài, chỉ có nói vỏn vẹn là phải “hành thâm bát nhã”. Chính vì Bài kinh được Phật giáo phát triển tin rằng có thể đem đến sự giác ngộ nên qua hàng ngàn năm, kinh bát Nhã đã được đọc tụng mỗi ngày và được vô số giảng sư cố gắng thuyết giảng giải minh!Vậy Quán Tự Tại biểu tượng cho điều gì ? Hành thâm bát nhã là thực hành cái gì và ra làm sao? Có phải vì không giải mã được hai điều ấy nên Phật Giáo phát triển cũng phải lụn tàn theo thời gian !

Trong quá khứ, lúc các phương tiện đi lại khó khăn, rất khó tìm được các bản kinh, ngoại trừ triều đình và những người có thế lực. Thêm vào đó các ngụy thư (apocrypha) [30] xuất hiện không có ai kiểm soát. Việc có đủ thông tin để hiểu ý nghĩa kinh điển trong quá khứ là cực kì gian khó. Phải thông cảm với các tu sĩ trong hoàn cảnh đó. Bây giờ, ngay vào thời điểm này, sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật đã tạo thành một thời kỳ bùng nổ thông tin, trong đó gồm cả thông tin về kinh điển các loại. Ai cũng có khả năng sở hữu cả bộ Đại Tạng miễn phí. Ai cũng có thể (nếu thích) so sánh đối chiếu tất cả kinh văn trong trong lịch sử. Một người học Phật, nếu có đủ tự tin và đủ can đảm để vượt thoát “truyền thống”, thì câu hỏi sẽ là:

- Có phải “Quán Tự Tại Bồ Tát” là biểu tượng cho người thực hành thiền quán nhắm vào những hiện tượng đang xảy ra ngay chính bên trong thân và tâm của mình (tự tại), chứ không phải thiền quán cái thế giới hiện tượng bên ngoài kia? Một cách chính xác là thực tập thiền quán phải giữ nguyên tắc là dễ trước khó sau. Người tu phải quán sát thành công tự thân của mình, trước khi có thể quay sự minh sát ra bên ngoài. Nếu chỉ với con mắt phàm phu (không có định), mà lại thực hành việc thiền quán ngay thế giới hiện tượng bên ngoài gọi là “hiện thực sống động”, “thực tại hiện tiền” thì chắc chắn là lực bất tòng tâm. Phải biết rằng, không có năng lực quán (với sự hổ trợ của định) thì quán bên ngoài hay bên trong cũng chẳng thấy gì cả!

- Có phải “hành thâm bát nhã” chính là thiền quán sâu xa về các Tuệ, do nhìn thấy như thực các hiện tượng của thân và tâm ở mức độ “các pháp chân đế”! Hành thâm bát nhã bằng phương pháp nào? Có phải là phương pháp của thiền quán khi phân tích bản chất thực của Danh và Sắc, của tính vô thường, sinh diệt nhanh chóng của các tổ hợp kalāpa và từng sát na tâm, của ngủ uẩn, sự chập thủ ngủ uẩn, của Khổ Đế, của Tập Đế, Diệt Đế, Đạo Đế. v.v…Sở dĩ tại đây phải liên hệ với kinh điển của Phật giáo phát triển, vì kinh Đại Bát Nhã xuất hiện vào giai đoạn sớm, lúc Phật giáo phát triển còn ở Ấn Độ. Nghĩa là “mô hình tu chứng” giữa Phật giáo nguyên thủy và phát triển còn có, nhiều hoặc ít, những liên hệ nào đó.

4. Mối liên hệ giữa Tuệ Quán và Thiền Định

Thông tin đại chúng hiện nay không biết gì nhiều đối với một số sự thực về Đạo Phật. Trái với một lịch sử lâu dài hơn 2500 năm, được rất nhiều người châu Á sùng bái và tu tập dưới hình thức một Đạo Phật “tín ngưỡng”, Đạo Phật “giải thoát” thực sự đã suy tàn và dần dần biến mất. Trước tiên, Đạo Phật biến mất tại Ấn Độ, cái nôi sinh trưởng ra nó [31]. Sau đó Đạo Phật suy tàn tại Sri Lanka, nơi mà nó đã có một thời gian dài tránh khỏi sự đàn áp của đạo Bà La Môn Ấn Độ. Nới trú ngụ sau cùng của giáo pháp nguyên thủy hiện nay là tại Myanmar, một quốc gia lấy Đạo Phật làm quốc giáo. Tất cả những di tích về Đạo Phật mới chỉ tìm thấy trong thời gian khoảng 100 năm trở lại đây. Đặc biệt Lumbini, nơi Đức Phật sinh ra, chỉ mới được Unessco xác nhận là di tích lịch sử vào năm 1997. Các kinh điển Pali quí giá cũng mới được phương Tây dịch ra Anh ngữ, khi Ấn Độ còn là thuộc địa của người Anh. Vì giáo pháp của Đức Phật quá vĩ đại và sâu sắc nên qua thời gian, toàn bộ tinh hoa của giáo pháp nguyên thủy (do Đức Phật dạy) đã không còn được hiểu biết cặn kẽ nữa. Giáo pháp gọi là “nguyên thủy” hiện giờ chỉ dựa vào những suy luận trên Luật, Kinh, Thắng pháp và những cuốn chú giải. Khác với Đạo Phật “dạng tín ngưỡng” lúc nào cũng lan tràn phổ biến khắp nơi, giáo pháp nguyên thủy, tức giáo pháp thực sự do Đức Phật dạy để giúp con người đạt tới giải thoát, nói chung, phải được coi như đang trong thời kỳ phục dựng lại. Một Phật tử chân chánh phải nhìn thấy sự thực này và phải chấp nhận sự thực này nếu muốn phục hồi lại tinh hoa của chánh pháp! Các vị A La Hán cần phải xuất hiện và đồng thời các Phật tử phải phân biệt được và nhận ra sự xuất hiện của các vị A La Hán ấy. Giáo pháp của Đức Phật chỉ phục sinh nếu nó thực sự đưa lại giác ngộ. Nghĩa là, chỉ khi nào sự tu chứng trở nên phổ biến và lần lượt có các vị đắc chứng các quả Thánh!

Sự phục hồi của Vipassanā sau những năm dài thất lạc mới chỉ được khôi phục khoảng năm mươi năm trở lại đây, nhờ công của ngài Mahasi sau lần kiết tập kinh đển lần thứ sáu tại Yangon (1954). Vì mới phục dựng, nên mối quan hệ giữa thiền định và tuệ quán vẫn còn chưa được hiểu hết, không những ở giới cư sĩ mà ngay trong các tăng đoàn của các quốc gia mà Đạo Phật là quốc giáo! Tại thời điểm này, trong các tăng đoàn Theravāda người ta thấy rất nhiều phương pháp tu tập khác nhau. Có quan điểm lại đứng trên lập trường của Phật giáo phát triển, cho rằng chỉ cần giữ đúng nguyên lý tu tập, còn về phương pháp thì có thể khác nhau. Nói đến phương pháp tức là nói đến pháp thực hành (patipatti) chứ không thể nói đến giáo thuyết hay pháp học được. Vậy nguyên lý trong pháp hành của giáo pháp nguyên thủy là gì? Có phải là nguyên lý “nhìn thấy như thực” Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và khi giác ngộ, nhìn thấy như thực các lộ trình tâm của bốn Đạo và bốn Quả sa môn. Trong sự không thống nhất các phương pháp thực hành, xuất hiện quan điểm xem nhẹ thiền định. Trong một thời gian dài, Phật tử Theravāda dường như không còn nắm được ý nghĩa của thiền định nữa. Ví dụ như khi nói về định, các Phật tử thường lập lại lời dạy truyền thống: Định để làm gì? Định như hòn đá đè cỏ, dở hòn đá ra, cỏ mọc trở lại! Sự rập khuôn của người tu, do qui phục những định kiến truyền thống, vô tình đánh mất một nửa pháp hành của Đức Phật! Có người còn sợ, còn hoài nghi thiền định là ngoại đạo Bà La môn. Trong lịch sử, Bà La Môn cũng có thiền định với tám tầng thiền chứng. Dù có giống nhau ở điểm nào nhưng mục đích của thiền định Phật giáo và Bà La môn giáo là hoàn toàn khác nhau. Không có một sự vật hay hiện tượng hay khái niệm nào có thể xuất hiện và tồn tại một cách độc lập với những mối liên hệ xung quanh.. Đạo Phật cũng xuất hiện, tồn tại trong mối tương quan mật thiết với nền văn minh gốc rễ của nó. Lúc bắt đầu đi tu, sa môn Gautama cũng xuất phát từ các giáo thuyết của Bà La Môn, cũng được dạy và tu tập các thiền định của Bà la Môn như những tu sĩ khác trong rừng Khổ Hạnh (Uruvela). Chỉ sau này, khi giác ngộ hoàn toàn, ngài mới phê bình các quan điểm sai lầm của triết học Vệ Đà để hoàn chỉnh một giáo pháp riêng. Đối với pháp hành của Đạo Phật, chỉ có Tuệ Quán (Vipassanā) là phương pháp đặc thù riêng mà các Bà La Môn đương thời và trước đó chưa biết đến. Trong thời điểm hiện tại, sự thực về Đức Phật và giáo pháp của ngài chỉ còn lại trong các bộ kinh, coi như là bằng chứng duy nhất. Do đó, không có chọn lựa nào khác ngoài việc dựa trên kinh điển để tìm lại giáo pháp thực sự của Đức Phật. Trong các bộ Nikaya đã có sự mô tả rõ ràng phương pháp tu tập của Đức Phật, ví dụ kinh Saccaka kể lại việc Đức Phật đã thực hành Thiền quán sau khi đã vào tứ thiền:

“…Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí. Ta biết như thật: “Ðây là Khổ”, biết như thật: “Ðây là Nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Ðây là sự Diệt khổ”, biết như thật: “Ðây là Con đường đưa đến diệt khổ”, biết như thật: “Ðây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”. Nhờ biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, Ta khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát.” Ta đã biết: “Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”. Này Aggivessana, đó là minh thứ ba mà Ta đã chứng được trong canh cuối, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. …”

Như mô tả của đoạn kinh trên: “…Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến …” rõ ràng phải có tâm tương ứng với định mới có thể giúp người tu nhìn thấy rõ “như thực” các pháp chân đế (paramattha). Thực hành tuệ quán trên các pháp chân đế mới có thể thu hoạch các tuệ toàn mãn và nhờ đó mới đạt được giác ngộ. Nhờ có định lực mạnh mẽ người tu có thể nhận thấy rõ từng tâm (citta) trong qui trình tâm (cittavīthi) của mình và biết được sự chuyển biến của tâm lúc giác ngộ, lúc chuyển phàm thành thánh. Không có Định việc thực hành Vipassanā không mang lại đủ tuệ cần thiết cho sự giác ngộ.

5. Bốn đạo lộ

Tuy nhiên, một cách chính xác theo kinh, có khả năng có đến bốn đạo lộ tu tập [32] xét về sự kết hợp giữa Định và Tuệ. Ngài Anan nói với các tỳ khưu, như sau:

- Ở đây, này chư Hiền, Tỳ-khưu tu tập quán, có chỉ đi trước; do vị ấy tu tập quán có chỉ đi trước, con đường được sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

· Lại nữa, này chư Hiền, vị Tỳ-khưu tu tập chỉ, có quán đi trước. Do vị ấy tu tập chỉ có quán đi trước, con đường được sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

· Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-khưu tu tập cả hai chỉ quán gắn liền với nhau. Do vị ấy tu tập cả hai chỉ quán gắn liền với nhau, con đường được sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

· Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-khưu với các dao động đối với các pháp được hoàn toàn dứt sạch. Này các Hiền giả, đây là thời khi tâm của vị ấy an trú, an tọa, nhất tâm, định tĩnh. Với vị ấy, con đường sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt. (Kinh Gắn Liền Cột Chặt, Tăng Chi Bộ kinh, IV.170)

Giải thích:

- Đạo lộ thứ nhất “Định trước Tuệ sau”: người tu phải cố đạt được từ một cho đến tám tầng thiền chứng. Bốn định hữu sắc và bốn định vô sắc là tám tầng thiền chứng (satipattana). Cách tu này rất khó tại thời điểm bắt đầu, sau đó đi rất nhanh qua các tầng tuệ vì năng lực Định đã rất vững mạnh..

- Đạo lộ thứ hai “Tuệ trước định sau” cũng rất phổ biến và người tu tập theo đạo lộ này gọi là “hành giả thuần quán”. Trái với mọi hiểu biết thường cho rằng thuần quán là không tu tập định gì cả. Vì như đã trình bày, nếu không có định, sẽ không thu được một tầng tuệ nào cả. Sayadaw Pa Auk giải thích như sau:

Những hành giả hành thẳng thiền Minh-sát (Vipassanā) không có bất cứ một thiền chứng nào được gọi là thuần quán hành giả hay khô quán hành giả (sukkhavipassaka). Trước tiên họ phải hành thiền tứ đại, vốn là một đề mục thiền căn bản và bắt buộc cho mọi hành giả thuần quán. Với sự trợ giúp của định mạnh và vững chắc do hành thiền tứ đại đem lại, họ sẽ thấy các tổng hợp sắc (rūpakalāpa), hay các phân tử nhỏ của vật chất. Nhờ phân tích các kalāpa và thể nhập vào sắc tối hậu (sắc chân đế), họ phá vỡ được tính rắn chắc của sắc (vật chất). Kế đó họ phân biệt các căn xứ và đối tượng của danh cùng nhau để giúp cho việc quán các trạng thái tâm thiện và bất thiện. Sau đó, họ phải phân biệt các nhân của danh & sắc, và rồi quán sắc, danh và các nhân của chúng như vô thường, khổ và vô ngã. Theo cách này, khi minh sát trí của họ thuần thục, họ sẽ chứng ngộ Niết-bàn. Dĩ nhiên đây chỉ là một sự giải thích tóm tắt về sự thực hành của các hành giả thuần quán mà thôi. (Các câu hỏi và trả lời, Pa Auk Sayadaw).

Còn các Đạo lộ thứ ba và thứ tư, hiện chưa thấy được trường phái nào mô tả!

Pháp Tuệ Quán luôn phải dùng cận định làm nền tảng dù đó là pháp tuệ quán của các hành giả đi theo con đường gọi là “thuần quán”! Xin nhấn mạnh một lần nữa, về thắc mắc rằng trong trạng thái định, tâm cột chặt vào đối tượng, lấy gì quan sát các hiện tượng đang xảy ra? Các thiền sư giải thích:

Khi nhập vào chánh định (appanā-samādhi) hay ở trạng thái cận định- upacāra samādhi) tâm trở nên trong sáng rực rỡ, thiền giả xuất ra khỏi định. Tâm khi vừa xuất ra khỏi định rất mạnh, có thể quan sát tất cả các pháp vi tế ở mức độ gọi là chân đế như đã mô tả ở trên! Quan sát và thấy “như thực” có nghĩa là như vậy!
6.Việc kiểm chứng các trải nghiệm trong khi tu tập

Khi thiền sinh thành tựu một bậc thiền, hoặc một tuệ minh sát thì thiền sinh phải trình các trải nghiệm của mình cho một vị thày phụ trách. Với sự hiểu biết tinh tế và các câu hỏi kiểm tra tế nhị, vị thầy có thể xác nhân sự thành công hay chưa thành công của từng thiền sinh. Nếu thiền sinh nói dối hay cường điệu các trải nghiệm của mình, thì chắc chắn sẽ bị phát hiện. Nói đến điều này để thấy rằng cái gì cũng cần tiêu chuẩn để xác chứng. Một bậc thiền, ví dụ sơ thiền phải được xác nhận với năm thiền chi (mental factors). Thế nào là Hỷ, Lạc, Tầm, Tứ, Định nhất tâm v.v.. . Hiện tại có các thiền sư nổi tiếng nói về sự an lạc khi an trú trong hiện tại, nhưng trạng thái tâm đó được xác nhận như thế nào? Chánh pháp của Đạo Phật không hề mơ hồ về điều này, các tiểu chuẩn đã được liệt kê đầy đủ trong kinh điển để tránh cho người tu tập lầm lẫn giữa một cái an lạc dạng “tâm lý trị liệu” và một cái an lạc thực sự của một bậc thiền được xác chứng. (nhắc lại an lạc không phải là mục đích của thiền định như đa số mọi người lầm tưởng). Một tầng tuệ cũng được duyệt xét bởi vị thày hướng dẫn. Không thể có gian dối trong môi trường giới luật của Đạo Phật chân chính. Một điểm vô cùng đặc biệt trong giáo pháp nguyên thủy, là người tu thiền có thể nhìn thấy cụ thể và rõ ràng lô trình tâm giác ngộ của chính mình. Khi thực hành thành công, dù với niềm vui sướng nhưng thiền sinh luôn được khuyên rằng chỉ nên trao đổi với người cùng tu tập. Lý do: sự công kích mãnh liệt của thế gian! Chính vì lý do này, hiện nay mạch ngầm của chánh pháp vẫn âm thầm chảy! Khi thời điểm thuận lợi đến, nó sẽ dần hé lộ cho người đủ hữu duyên!

7. Định và Tuệ trong phương pháp luận khoa học

Khoa học, cho đến nay, vẫn sử dụng những phương pháp lý luận (logic) chính, như diễn dịch, qui nạp, loại suy, phân tích, tổng hợp, biện chứng. Phương pháp quy nạp (induction) ví dụ như từ một thí nghiệm có tính riêng lẻ ta rút ra được một qui luật chung có tính phổ quát.

Khi nhập vào Định, thiền giả có được rất nhiều trải nghiệm mới lạ mà một tâm trí bình thường không thể có được như các chiều kích mới của không gian và thời gian, sự vắng lặng, tỉnh táo, sáng tỏ, tương quan chủ thể- khách thể thay đổi v.v… Đó là các tuệ do Định sinh ra. Có người đã nhân ra trong an chỉ định (appanā-samādhi) một tuệ về trạng thái bất nhị vì khi nhập vào chánh định, người nhận thức và đối tượng được trở thành một [16]. Từ những trải nghiệm này, khi xuất ra khỏi định, người tu định rút ra được những tri kiến, những quy luật về thế giới hoàn toàn mới mẻ mà trong đời sống trước đây, lúc chưa nhập định, họ chưa hề biết tới. Qui trình rút ra những tri kiến mới mẻ, từ trải nghiệm tâm linh (spiritual experiences) của thiền định, giống như qui trình qui nạp trong lý luận khoa học.

Phương pháp diễn dịch (deduction): ví dụ như từ một lý thuyết (theory) coi như tiền đề (premise), qua thực nghiệm minh chứng, ta xác chứng được lý thuyết đúng hay sai. Trong thực hành Tuệ Quán, với qui trình tu tập các tuệ minh sát được hướng dẫn sẵn (tức một lý thuyết có tính tiền đề) ta thực hiện trải nghiệm thiền quán, sau đó xác nhận tính chân lý của qui trình (và nhờ trải nghiệm “như thực” đó ta giác ngộ). Qui trình này giống hệt như qui trình diễn dịch trong các ngành khoa học hiện nay.

Cách mô tả, diễn giải và biện giải trong Kinh, Vi Diệu Pháp, Phân Tích Đạo, Thanh Tịnh Đạo…đều là phương pháp phân tích khoa học. Trong giáo pháp nguyên thủy có đề cập tới năng lực của bốn Tuệ phân tích của các bậc Thánh, thường gọi là Tứ Tuệ phân tích:

- Tuệ về tính chất khác biệt của các ý nghĩa là trí về sự phân tích các ý nghĩa,

- Tuệ về tính chất khác biệt của các pháp là trí về sự phân tích các pháp,

- Tuệ về tính chất khác biệt của các ngôn từ là trí về sự phân tích các ngôn từ,

- Tuệ về tính chất khác biệt của các phép biện giải là trí về sự phân tích các phép biện giải là (có ý nghĩa) thế nào?

Như vậy, thật bất ngờ, ta thấy phương pháp luận trong Đạo Phật là một phương pháp cũng có logic giống như các phương pháp luận của khoa học. Đề cập đến mối liên hệ giữa cách tu tập trong đạo Phật với các logic khoa học như trên, chỉ nhằm mục đích loại bỏ quan niệm cho rằng trong tu tập cần phải bỏ qua lý trí mà chỉ cần trực giác. Trực giác (tuệ) không thể phát sinh nếu không có tu tập. Tuệ không phải tự dưng đột nhiên mà có nếu không có phương pháp đúng đắn do lý trí hướng dẫn. Dù là pháp học hay pháp hành yếu tố lý trí vẫn có. Qui trình tu tập Định và Tuệ rất xa với thần bí mà rất gần với khoa học.
B.S Phạm Doãn
Tháng 11/2010
Chú thích
[17] Xem The Jhāna, phần III, Chuẩn mốc của các bậc thiền by Ajahn Brahm. http://thienviennguyenthuy.wordpress.com/2010/06/20/d%E1%BB%8Bnh-Jhāna/?preview=true&preview_id=3572&preview_nonce=2748e43101
[18] Xem The Jhāna, phần II, Nimitta giai đoạn cuối của quá trình nhập định
[19] Theo “Biết và Thấy”, bài pháp thoại 4, Làm thế nào để phân biệt sắc. Tác giả Pa Auk Tawya Sayadaw, Tỳ Khưu Pháp Thông dịch ra tiếng Việt.
[20] Sát na định (khaika samādhi) được hiểu là giữ định trong vài sát na rồi di chuyển đến đối tượng khác.U Silananda coi Sát na định cũng như là Chánh định:
http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-dainiemxu/dnx04d.htm (phần chánh định)
http://www.sachnoiphatgiao.org/news.php?act=detail&id=187
[21] “Breakthrough in Tranquillity Meditation (Samatha)” and “Breakthrough in Insight Meditation (Vipassanā)”, Main paper, introduction, by Sayadaw Āciṇṇa and prof. Mehm Tin Mol, Ph.D. Yangon Myanmar 2004.
[22] Thiền Tứ Đại (Catudhātu Vavatthāna) http://thienviennguyenthuy.wordpress.com/2009/09/19/thi%E1%BB%81n-t%E1%BB%A9-d%E1%BA%A1i-catudhatu-vavatthana/
[23] No real differencies in various kinds of Jhānas
http://vn.360plus.yahoo.com/phamdoan52/article?mid=2262
[24] Ánh sáng và Nimitta, Bhikkhu Dhammapāla
http://vn.360plus.yahoo.com/phamdoan52/article?mid=1305
[25] The Mystery of the Breath Nimitta by Bhikkhu Sona
http://www.urbandharma.org/udharma/nimitta.html 
[26] Patisamdhidāmagga, đoạn giảng về niệm hơi thở
http://vn.360plus.yahoo.com/phamdoan52/article?mid=2342&prev=2348&next=2329
[27] http://en.wikipedia.org/wiki/Contemporary_Sant_Mat_movements
[28]  “Breakthrough in Tranquillity Meditation (Samatha Bhāvanā)” and “Breakthrough in Insight Meditation (Vipassanā)”, Đồng tác giả: Pa Auk Tawya sayadaw & Mehm Tin Mol. Ph D. Trang 76-77
[29] Vật tự thân (Thing-in-itself, chose-en-soi, noumenon)
http://www.britannica.com/EBchecked/topic/592145/thing-in-itself
[30] Kinh ngụy tạo(Apocrypha) http://vn.360plus.yahoo.com/phamdoan52/article?mid=2114
[31] Vì sao Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ, Diwan Chand Ahir, 2005
http://vn.360plus.yahoo.com/phamdoan52/article?mid=2328&prev=2329&next=2314
[32] Bốn đạo lộ tu tập http://vn.360plus.yahoo.com/phamdoan52/article?new=1&mid=2308

Nguồn: Phạm Doãn Blog (http://vn.360plus.yahoo.com/phamdoan52)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét