Bản đồ hành trình tâm linh (Sách) Giới thiệu và Mục lục
Bản đồ hành trình tâm linh- Chương 1: Chuẩn bị tâm
Bản đồ hành trình tâm linh - Chương 2 - Các kỹ năng và hiểu biết cơ bản
Bản đồ hành trình tâm linh - Chương 3 - Con đường bước vào thiền Vipassana
Bản đồ hành trình tâm linh - Chương 4 - Tiếp Cận Tuệ Giác Thứ Nhất
Bản đồ hành trình tâm linh - Chương 5: Tuệ giác thứ nhất và thứ hai: Hay biết tâm và đối tượng; Phân biệt nhân duyên
Bản đồ hành trình tâm linh - Chương 6: Tuệ tri vô thường, khổ và vô ngã bằng kinh nghiệm trực tiếp
Bản đồ hành trình tâm linh - Chương 7 - Tuệ thứ tư : Kinh nghiệm sự sanh diệt của các hiện tượng. Phân biệt đạo và phi đạo.
Bản đồ hành trình tâm linh - Chương 8 Từ Tuệ Diệt đến Tuệ Giản trạch.
Bản đồ hành trình tâm linh (Chương 9)
Bản đồ hành trình tâm linh - Chương 10: Niết bàn và sau đó
Bản đồ hành trình tâm linh - Chương 11: Những suy nghĩ cuối cùng và chuẩn bị cho kỳ nhập thất
Chương 10: Niết bàn và sau đó
Khi làm bất cứ việc gì, tôi thích phải chuẩn bị trước. Sự chuẩn bị là rất quan trọng. Trong bất cứ việc gì chúng ta làm; chuẩn bị trước là điều rất quan trọng, chuẩn bị cho cả thân lẫn tâm. Bất cứ việc gì bạn muốn làm, nếu được chuẩn bị trước về tâm lý, thì những phần còn lại sẽ diễn ra rất tự nhiên. Nếu chúng ta đã chuẩn bị kỹ thì sẽ không phải vật lộn nhiều nữa. Tôi đã mong đợi kỳ nhập thất này và hy vọng là sẽ thưởng thức được nó. Tôi hy vọng các bạn sẽ kinh nghiệm được sự tĩnh lặng, bình an, sự sáng suốt và niềm vui. Sáng suốt cũng có nghĩa là thấy mọi việc một cách rõ ràng. Tôi sẽ tiếp tục lại bài giảng tuần trước về các tầng tuệ giác.
Chúng ta hãy quay trở lại với một số tầng tuệ trước đó. Bạn thấy rằng trong quá trình thiền tập, bạn sẽ tới một thời điểm mà tại đó sự sanh diệt trở nên vô cùng mỏi mệt, bạn không còn muốn ở lại với chúng thêm chút nào nữa. Bạn muốn lánh xa nó, chạy trốn và thoát ra khỏi nó. Giai đoạn này gọi là Muncitukamyata – nana (Tuệ Muốn Giải Thoát). Đôi lúc bạn nghĩ: “Nếu tôi ngừng hành thiền, nếu tôi không thấy những thứ sanh diệt này nữa thì tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn”. Khi làm như vậy, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, bởi vì định, xả và tâm xả ly đã rất mạnh, đến mức mặc dù ngừng hành thiền, song bạn vẫn cảm thấy an lạc hơn, bạn có thể kinh nghiệm được sự an lạc này: “Ồ, quả thật là an lạc quá”, và bạn thưởng thức sự an lạc đó. Nhưng làm như vận không đúng. Đúng là thiền thì rất thích thú, nhưng nếu chỉ thưởng thức thì bạn sẽ đánh mất nó. Nó giống như một trò đuổi bắt, bạn nhận ra rằng ngừng hành thiền không phải là lối thoát thực sự, bởi vì bạn vẫn ở trong tiến trình sanh và diệt. Sau một thời gian, thậm chí bạn còn đánh mất sự sáng suốt và cảm thấy tâm mình lại trở nên khổ sở và trạo cử, bất an. Bạn hiểu ra: “Tôi không muốn cảm thấy sự trạo cử, bất an này thêm chút nào nữa”, bởi vì tâm trạo cử rất khổ não, tâm trí xao lãng, tán loạn là một nỗi thống khổ. Sự tĩnh lặng, yên tĩnh và bình an là điều tốt đẹp hơn nhiều. Do đó, bạn quay trở lại với thiền. Bạn chú tâm vào bất cứ cảm giác nào trên thân, bất cứ loại cảm thọ nào, bất cứ ý nghĩ hay cảm xúc nào. Nhưng ở đây hầu hết chỉ có những cảm xúc rất vi tế; mong muốn được giải thoát cũng giống như một loại cảm xúc. Bạn cảm thấy mình bị mắc kẹt trong tiến trình, vì vậy bạn muốn thoát ra khỏi nó, “Hãy đưa tôi ra khỏi đây”.
Điều này cũng giống một loại cảm xúc. Đôi khi nó có thể tạo nên một sự bất an nho nhỏ nào đó, nhưng bạn hiểu rằng cách duy nhất để thoát khỏi nó là quán sát nó kỹ lưỡng và sâu sát hơn nữa.
Con người thường tìm kiếm lối thoát ra khỏi những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Khi gặp khó khăn hay sự bực bội nào đó, chúng ta cố gắng tìm cách thoát ra khỏi chúng. Nhiều người cố gắng thoát ra bằng những phương pháp thật kinh khủng. Muốn thoát khỏi thì được thôi, nhưng thế nào mới là hành động đúng để thoát ra khỏi nó?
Điều đúng đắn phải làm là quán sát tiến trình một cách sâu sát hơn nữa, hiểu biết nó một cách kỹ lưỡng hơn. Bất kể việc gì, ngay cả đó là những hoàn cảnh rất đau khổ trong cuộc đời bạn, nếu muốn thoát khỏi hay vượt qua nó, cách tốt nhất là chú ý nhiều hơn nữa, nghiên cứu, xem xét nõ kỹ càng hơn nữa, hiểu biết mọi ngọn ngành chi tiết của nó, một cách đầy đủ. Hiểu biết đầy đủ là cách duy nhất để vượt qua. Không có con đường nào tốt hơn, bất kể trong hoàn cảnh nào, dù trong thiền hay trong cuộc sống thế gian. Đây chính là thái độ đúng đắn.
Khi đạt đến điểm này trong thiền, bạn hiểu rằng cách duy nhất để vượt qua bất kỳ hoàn cảnh đau khổ nào là chú ý đến nó nhiều hơn nữa, thấu hiểu nó một cách sâu sắc hơn, kỹ lưỡng hơn và hiểu hoàn toàn đầy đủ về nó. Rồi sau đó, ngay cả trong cuộc sống của bạn cũng vậy, khi đối diện với một hoàn cảnh khó khăn, đừng cố gắng chạy trốn nó, đừng quay lưng lại với nó; đừng nhắm mắt làm ngơ. Bạn hãy cố gắng nhìn nó một cách sâu sát hơn nữa: “Bây giờ đang có điều gì diễn ra? Tôi muốn thấu hiểu nó một cách sâu sắc hơn”.
Tuệ giác bạn đạt được trong thiền có thể được áp dụng trong cuộc sống hàng ngày, trong những vấn đề của thế gian. Bạn rèn luyện một thái độ chân chánh để sống cả cuộc đời, chứ không chỉ ở trong thiền. Cho cả cuộc đời của bạn, đây chính là thái độ đúng đắn.
Khi tăng cường chú ý một cách “tự nguyện” như vậy, điều này rất quan trọng, bởi vì bạn tự nguyện nhìn lại nó, bởi vì bạn chú tâm một cách thật sâu sát nên không có tham muốn sanh khởi nữa, không còn trạo cử bất an nữa. Thậm chí bạn cũng không muốn giải thoát khỏi nói nữa, bởi vì bạn đã chú ý một cách sâu sắc. Hãy thấy thật rõ điểm này. Bạn chú tâm một cách hoàn toàn đến mức không còn tham muốn nào khởi lên nữa. Sự chú tâm hoàn toàn như vậy khiến tâm rất quân bình, không còn xao lãng, phân tán. Trước đó, khi hành thiền bạn muốn chạy thoát khỏi nó: “Tôi không muốn làm việc này chút nào, tôi không muốn thấy nó nữa; tôi phải làm gì bây giờ đây? Tôi sẽ ngừng hành thiền chăng?”. Bạn không thực sự hoàn toàn chú tâm. Nhưng khi đạt đến trạng thái quân bình này, bạn chú tâm hoàn toàn, “Dù bất cứ chuyện gì xảy ra, ngay cả nếu phải chết trong lúc này thì cũng OK”. Bạn không còn muốn làm bất cứ điều gì nữa, bạn chỉ muốn chú tâm một cách hoàn toàn đầy đủ, khi đó thiền lực của bạn đã thực sự chín muồi. Đỉnh cao của thiền chính là đây: “Tôi không muốn thêm bất cứ điều gì nữa, dù bất cứ điều gì xảy đến, ngay cả nếu phải chết trong tiến trình này, tôi vẫn sẵn sàng quán sát nó, tiếp tục nhìn nó… nhìn nữa…”.
Loại chú ý toàn tâm toàn ý đó làm cho tâm thực sự ổn định và lắng đọng trở lại. Trong mọi hoàn cảnh ngang trái của cuộc đời, khi bạn đã quyết định rằng: “Hoàn cảnh nào bây giờ thật khó khăn và đau khổ, nhưng tôi sẽ thực sự chú ý toàn tâm toàn ý, thực sự nhìn nó”. Vào khoảnh khắc quyết định như vậy, bạn sẽ thấy tâm mình tĩnh lặng trở lại, không còn trạo cử, bất an nữa. Quyết định đó rất quan trọng. Khi bạn chú tâm hoàn toàn, một cách tự nguyện, tâm sẽ trở nên tĩnh lặng và quân bình, không thái quá, không dính mắc. Trước kia, mỗi khi tâm tĩnh lặng, bạn cảm thấy rất hạnh phúc, rất nhiều hỷ lạc đến mức đôi lúc tâm bạn xáo động và dính mắc vào trạng thái hỷ lạc đó. Nhưng giờ đây, mặc dù tận hưởng sự an lạc còn lớn hơn nhưng bạn không bị dính mắc vào nó. Sự quân bình và xả của bạn rất mạnh.
Nó rất an lạc, nhưng không có dính mắc vào sự an lạc đó, và cũng không còn mong muốn thoát ra khỏi nó nữa.
Điều này có vẻ như rất nghịch lý, nhưng khi bạn sẵn lòng quan sát nó, mọi thứ sẽ trở về cân bằng. Khi bạn chú ý hơn nữa, mọi thứ sẽ trở nên ngày càng rõ ràng, tâm sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, chánh niệm ngày càng vững mạnh và sự nhận biết trở nên rất sắc bén đến mức với mỗi nhận biết, không hề có bất cứ một suy nghĩ nào xen vào, bạn thấy rõ bản chất của nó, hoặc là vô thường, khổ hoặc là thấy nó không phải là chúng sanh nào, không bản ngã, không có tự ngã, không có cốt lõi trường tồn, không thể làm chủ. Bạn có thể thấy bất kỳ đặc tướng nào trong số những đặc tướng này, rất rõ ràng với mỗi nhận biết mà không hề suy nghĩ. Điều đáng kinh ngạc là trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi – mỗi sự nhận biết đều rất ngắn – khi nhận biết rất sắc bén… trong khoảnh khắc đó… trí tuệ và sự sáng suốt trở nên rất rõ ràng, mà không hề có chút suy nghĩ nào.
Trong cả cuộc đời chúng ta, khi hiểu biết việc gì, chúng ta hiểu nó thông qua một tiến trình suy nghĩ. Chúng ta suy nghĩ về nó và hiểu nó, nhưng ở trong khoảnh khắc này, dù không hề có một thoáng suy nghĩ, nhưng mọi sự hay biết đều mang lại rất nhiều trí tuệ, rất nhiều sáng suốt. Điều này xảy ra vì không có suy nghĩ, bởi vì khi suy nghĩ, tâm bạn bị chia xẻ.
Chỉ khi ngừng suy nghĩ thì tâm bạn mới trọn vẹn, mới hoàn toàn. Khi bạn ngừng suy nghĩ và chú tâm nhiều hơn, mọi nhận biết sẽ trở nên rất rõ ràng. Và ở 3 sát na cuối cùng, rất sắc bén với sự sáng suốt đầy uy lực, sau đó tâm buông bỏ! Tâm đã sẵn sàng bỏ.
Vào khoảnh khắc đó bạn không còn thấy hay kinh nghiệm được bất cứ tiến trình thân tâm nào nữa. Tâm bạn rơi vào… sự đoạn diệt... Trong sát na đó, mọi thứ đi đến chấm dứt, và một sự an lạc và tĩnh lặng vô cùng sâu sắc… trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi. Khi bạn ra khỏi đó… một vài khoảnh khắc an lạc và tĩnh lặng vẫn còn tiếp tục, có thể 3 hoặc 4 sát na tâm. Sau đó suy nghĩ lại khởi lên và chúng ta lại nghĩ về nó… có điều gì đó vừa xảy ra, rất luy lực, nhưng cũng rất tĩnh lặng và an lạc.
Từ kinh nghiệm đó, bạn thấu hiểu được bản chất của nó một cách rõ ràng. Đây chính là niềm an lạc, là hạnh phúc đích thực, sự vắng lặng và giải thoát đích thực. Rồi sau đó bạn quán sát lại bản thân mình, có một điều gì đó đã đổi thay! Cho dù bạn chưa từng đọc một cuốn sách nào, hay không có một chút kiến thức nào về nó đi nữa, nhưng khi quán xét lại bản thân mình, bạn vẫn biết rằng có một điều gì đó đã thay đổi. Nó làm thay đổi tính cách của bạn, thay đổi cách nhìn của bạn. Bạn biết không có cái gì là trường tồn cả, không có bản ngã, không có cái tôi. Giới đức của bạn đã trở thành tự nhiên, việc giữ gìn ngũ giới trở nên tự nhiên đối với bạn. Bạn không còn phải cố gắng để thu thúc, kiềm chế không phạm giới nữa, và bạn biết rằng mình sẽ không bao giờ phạm giới nữa; nó trở nên hết sức tự nhiên. Bạn biết rằng mình không còn nghi ngờ gì về vô ngã, về những kiếp sống tương lai hay về Phật, Pháp, Tăng nữa. Thông thường, ngay cả đối với những người không có kiến thức, họ cũng tự động cảm thấy một sự biết ơn rất sâu sắc, một lòng tri ân sâu sắc và mạnh mẽ đối với Đức Phật và Giáo Pháp, đối với chư Tăng đã có công gìn giữ Giáo Pháp. Một cảm giác biết ơn vô cùng lớn tràn ngập trong tâm hành giả. Có người nói với tôi rằng, anh cảm thấy biết ơn vô hạn đến nỗi đã khóc lên với những giọt nước mắt sung sướng… “Giáo pháp này quả thật là giáo pháp chân chánh và đích thực! Đây chính là sự giải thoát đích thực!”. Rất nhiều ý nghĩ có thể đến, trên đây chỉ là một trong số những ý nghĩ chính.
Khi đạt đến giai đoạn này, bạn đã tận diệt được tà kiến (miccha-ditthi) chấp vào một cái tôi, một bản ngã trường tồn. Không có cái gì là bản ngã trường tồn cả. Tất cả mọi thứ đều ở trong dòng biến dịch. Và hoài nghi (vicikiccha) tôi có còn phải tái sanh không hoặc nghi ngờ điều ấy điều nọ, tất cả mọi hoài nghi đều tan biến, không còn tin rằng có một đường lối thực hành nào khác ngoài Bát Chánh đạo, không còn tin rằng hành thiền an chỉ định (samatha) có thể dẫn đến giải thoát. Một số người khi hành thiền an chỉ định và thể nhập được vào một cảnh giới nào đó, họ cho đó là giải thoát, tin rằng đó là Niết Bàn.
Tuy nhiên khi đã thân chứng điều này bằng thiền Vipassana, bạn sẽ hiểu rằng không có con đường nào khác đưa tới giải thoát. Con đường duy nhất để giải thoát là quán sát những tiến trình thân tâm này một cách cặn kẽ, đầy đủ. Ngoài ra không có con đường nào khác để giải thoát.
Để có thể quán sát được tiến trình thân tâm này, bạn phải làm thanh tịnh bản thân mình, giữ gìn giới hạnh trong sạch. Bạn cần phải định tâm vào một vài đề mục nào đó, có thể là thân hoặc tâm, hay bất cứ một đề mục nào như một nền tảng căn bản, như hơi thở chẳng hạn. Bình ổn tâm và làm cho nó trở nên trong sáng và thuần khiết: thanh tịnh tâm, thanh tịnh ý (tâm tịnh). Chỉ nhờ quán sát tiến trình thân tâm này, bạn mới ngày càng thanh tịnh hóa bản thân mình: kiến tịnh, đạo phi đạo tri kiến tịnh (phân biệt đâu là chánh đạp đâu là tà đạo). Chỉ bằng thanh tịnh hóa bạn mới có thể giải thoát, không có con đường nào khác. Nếu chúng ta muốn giải thoát, chúng ta phải thanh tịnh hóa bản thân, bạn sẽ hiểu rằng đây là con đường duy nhất dẫn đến giải thoát.
Ghen ghét, tỵ hiềm (issa) và biển lận (maccharia – bủn xỉn, keo kiệt) cũng đã bị vượt qua. Nghĩa là bạn sẵn lòng chia sẻ bất cứ cái gì mình có với người khác và không ghen tỵ với người. Nếu bạn dư thừa cái gì và có người cần, bạn sẽ sẵn lòng và vui vẻ bố thí. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cho đi tất cả mọi thứ mình có. Nếu có người thực sự đang cần, bạn sẽ sẵn lòng bố thí, chia sẻ cho họ. Khi người khác thành đạt và hạnh phúc, bạn không ghen tỵ với họ. Tôi không biết chính xác ý nghĩa của từ jealous và envy trong tiếng Anh, nhưng ở đây thì nó có nghĩa là như vậy. Khi người khác thành đạt mà bạn không được như vậy, bạn cảm thấy ra sao? Bạn thấy không vui: “Ôi dào, nếu tôi ở địa vị ấy thì tôi sẽ là người đạt được điều đó chứ không phải là hắn”, bạn sẽ nghĩ như vậy. Nhưng khi đã đắc đạo, bạn sẽ không bao giờ còn nghĩ như vậy nữa.
Bạn sẽ thực sự nghĩ rằng người đó thật may mắn, người đó đang được hưởng tất cả những điều tốt đẹp ấy, bạn cảm thấy rất vui cho người ấy. Tâm hỷ này (mudita) trở nên rất tự nhiên.
Trước khi đắc đạo, hầu hết mọi người chúng ta, không ít thì nhiều, đều cảm thấy không vui khi thấy người khác thành công hơn mình. Một cái tâm thật xấu xa! Và chúng ta được gì từ việc đó? Chúng ta không thể yêu mến được người đó, chúng ta không thể khâm phục người đó. Tại sao con người lại cảm thấy cô đơn thế nhỉ? Bởi vì thói ghen tỵ, tham lam nên chúng ta mới cảm thấy cô đơn đến vậy. Trên thế giới này có quá nhiều thù hận và hiểm nguy. Tại sao thế? Bởi vì có kẻ có được những thứ mà tôi không có. Tôi muốn có và tôi sẽ chiếm bằng được nó, ngay cả phải dùng những phương cách bất hợp pháp. Nhiều người tinh ranh, gian trá đến mức họ có thể bóp méo toàn bộ sự việc và đánh bóng tô son, làm cho nó trở nên thật đẹp đẽ. Đó bạn có thấy không, cái tâm mình nó lừa đảo và ma giáo như vậy đó.
Khi bạn thấy thật rõ ràng, bạn sẽ không thể làm điều đó được nữa, không còn chút lừa đảo, ma giáo nào nữa. Bạn trở nên rất trung thực; bạn có thể thấy được mọi việc một cách rất rõ ràng. Bạn vẫn có thể khao khát, ham muốn cái gì đó, bởi vì tầng đạo quả thứ nhất không tận diệt được tất cả ham muốn và khát vọng. Tham vẫn còn đó, nhưng không còn đủ mạnh để khiến bạn phạm giới nữa. Bạn sẽ không sát sanh hay trộm cắp để lấy được cái gì đó cho mình, bạn sẽ không nói dối, tà dâm hay uống rượu và dùng các chất say nữa. Không còn ham muốn làm tất cả những việc ấy nữa.
Bạn không cần phải tự kiềm chế mình; chỉ đơn giản vì bạn không còn muốn làm điều đó nữa. Nó trở nên thật tự nhiên và dễ dàng đến mức bạn không cần phải cố gắng để tự kiểm soát mình.
Trước khi đắc đạo, chúng ta biết rằng phạm giới là điều không tốt và chúng ta phải cố gắng thật nhiều để giữ giới. Đôi khi, sự cám dỗ quá mạnh, chúng ta phải vật lộn với nó. Thật là mệt mỏi, có lúc chúng ta cũng phải đầu hàng nó, rồi lại hối hận và xin giới lại. Một người bạn của tôi nói: “Tại sao bạn cứ phải xin giới lại mỗi ngày như thế? Ngày nào bạn cũng phạm giới hay sao?”. Sau tầng giác ngộ thứ nhất, điều đó sẽ trở thành tự nhiên, bạn không còn ý muốn phạm giới nữa. Bạn có cảm thấy mình được giải thoát đến thế nào không? Mặc dù vẫn còn ham muốn hưởng thụ ngũ dục, nhưng bởi vì ghen tỵ, đố kỵ hay tham lam không còn nữa, nên bạn rất tự do và giải thoát. Và ngay cả khi bạn hưởng thụ những thú vui đó, nó cũng không còn như xưa nữa. Trước kia bạn nghĩ rằng đây là hạnh phúc đích thực, vui thú đích thực, sự sung sướng đích thực, nhưng bây giời, ngay cả khi tự buông thả mình thụ hưởng dục lạc, bạn vẫn biết rằng đấy không phải là những điều thực sự có thật. Bạn không bị mắc kẹt trong đó. Ngay cả khi hưởng thụ, bạn vẫn có phần nào tự do tự tại để hưởng thụ nó. Và khi có điều gì không may xảy đến, bạn hành thiền và có thể thấy đây lại là một trạng thái tâm khác, bạn lại trở nên tự do, giải thoát một cách rất dễ dàng.
Trước khi hành thiền, chúng ta cứ nghĩ rằng mọi thứ trên đời này đều bền vững và trường tồn, rằng chúng thật đáng vui thích và có thể mang lại hạnh phúc cho mình. Chúng ta thực sự tin vào sự thường còn, bền vững: một con người trường tồn, một bản ngã trường tồn. Nhưng sau đó thì tà kiến chấp ngã (miccha-ditthi) này đã không còn nữa. Nhưng miccha-sanna (tưởng điên đảo) và miccha-citta (tâm điên đảo) vẫn còn dư sót. Đôi khi đối tượng hiện ra có vẻ như là thường còn, bền vững nhưng khi nhìn thật ký thì chúng ta thấy nó không phải là như vậy. Giống như bạn đang sống trên đường ranh giới, khi bạn sẵn lòng, bạn có thể thấy nó…
Khi cảm thấy hạnh phúc, khi hưởng thụ thú vui dục lạc, kinh nghiệm dường như vẫn cũ nhưng khi thực sự nhìn vào nó, bạn sẽ biết: “Không, cái này sẽ không bao giờ mang lại hạnh phúc thực sự cho mình. Trong đó không hề có hạnh phúc”.
Mặc dù đôi lúc bạn vẫn hưởng thụ, nhưng bạn cũng có thể buông bỏ nó một cách dễ dàng bởi vì bạn biết rằng ở đó không có hạnh phúc đích thực và bền vững.
Một người bạn của tôi nói: sau khi đắc đạo người ta mới có thể thực sự thưởng thức được mọi vui thú; điều đó thật tuyệt vời bởi vì bạn không còn bị mắc kẹt trong đó nữa. Quả thực rất khó nói về điều đó, nhưng đây đúng là cách nó được cảm nhận như vậy.
Đó là lý do tại sao chúng ta thấy nhiều người vẫn hưởng thụ vui thú ngay cả khi họ đã đắc đạo. Họ không còn bị mắc kẹt trong đó nữa.
Với vô thường, khổ và vô ngã cũng vậy. Không còn ngã kiến nữa (atta-ditthi), nhưng người đó vẫn ứng xử như một con người bình thường. Họ vẫn nói “tôi”, “bạn”. Họ sử dụng cùng một thứ ngôn ngữ như cũng nhưng luôn luôn biết rằng không có cái gì là bản ngã thực sự và thường hằng cả. Đây chính là điều khác biệt của họ thấy sự khác biệt này rất sâu sắc. Nhưng điều này sẽ tận diệt ở tầng đạo quả thứ tư.
Bạn trở nên rất tự tại và giải thoát; có lúc bạn khóc, lúc khác bạn cười, nhưng bạn không bị mắc kẹt trong nó. Bạn có thể vượt qua nó hết sức dễ dàng. Ngay cả lúc khóc, bạn cũng cảm thấy rất thoải mái. Phải chăng lại có thể được như vậy hay sao?
Dù sao, khi đạt đến chỗ đó bạn sẽ hiểu được nó như thế nào. Rất khó để diễn tả những điều này bằng ngôn từ. Như vậy, bạn đã tận diệt được tà kiến (ditthi), nghi (vicikiccha), giới cấm thủ (silabbataparamasa), tật đố (issa-ghen tỵ, đố kỵ) và biển lận (macchariya-bủn xỉn, keo kiết).
Bạn không còn muốn lấy bất cứ thứ gì từ người khác một cách bất hợp pháp nữa. Nếu có dư, bạn cũng sẵn lòng chia sẻ cho người khác. Rất hào phóng, nhưng không hoang phí.
Bạn sẽ không đi mà ném tiền qua cửa sổ, vứt bỏ mọi thứ mình cần ra đường. Nếu biết có người nào đó đang thực sự cần, bạn sẽ đem cho họ. Sự quán xét này sẽ còn tiếp tục lại nhiều lần, trong cả một thời gian dài; quán xét về giới hạnh của mình: “Tôi không thể phạm một giới nào được nữa, tôi không muốn phạm”. Và quán xét về những loại phiền não bạn đã tận diệt. Bạn sẽ thấy không còn tà kiến, nghi, giới cấm thủ, đố kỵ và bủn xỉn nữa, và bạn cũng thấy được những loại phiền não vẫn còn dư sót trong người. Bạn sẽ thấy vẫn còn ham muốn thụ hưởng dục lạc, bạn vẫn còn bị buồn bực, thất vọng. Nhưng mặc dù vẫn còn ham muốn, song bạn sẽ không phạm bất cứ giới nào nữa. Mặc dù có thể nổi giận, nhưng bạn sẽ không đi giết người hoặc sát sanh. Tham muốn và sân hận trong bạn không còn đủ mạnh để hãm hại bất cứ chúng sanh nào hay làm hại chính bản thân mình. Càng suy tưởng đến Phật, Pháp, Tăng bạn càng cảm nhận được lòng tri ân, biết ơn vô hạn. Rất khó để diễn tả được trạng thái tình cảm này. Đôi khi có người chỉ quán xét một khía cạnh nào đó, không nhất thiết phải quán xét tất cả mọi phương diện. Có người chỉ quán xét một kinh nghiệm nào đó, chẳng hạn như khoảnh khắc tâm được giải thoát, hay về bản chất của sự giải thoát… nó thật là tự do, tự tại, thật là giải thoát… không còn sanh diệt nữa, chỉ có một sự yên lặng, một sự vắng lặng hoàn toàn. Đây chính là sự hồi tưởng về Niết Bàn: khoảnh khắc hành giả chứng nghiệm Niết Bàn. Niết Bàn là gì? Làm thế nào để diễn tả về Niết Bàn? Nơi đó không có sanh diệt, không có tiến trình tâm lý, không có tiến trình vật lý, bạn không còn kinh nghiệm bất cứ một tiến trình tâm nào, không còn kinh nghiệm bất cứ tiến trình thân nào nữa. Thậm chí bạn cũng không suy nghĩ rằng: “Ồ… điều này thật là an lạc biết bao”… bởi vì trong khoảnh khắc đó, bạn không thể suy nghĩ được bất cứ điều gì… Tâm trở nên vô cùng tĩnh lặng, an lạc và chứng nghiệm sự an lạc đó mà không hề suy nghĩ về nó… Chỉ sau đó bạn mới nghĩ lại về nó.
Vậy thực chất Niết Bàn là gì? Nó có phải là trạng thái không tồn tại không? Không, không phải như vậy! Nó không phải là hư không, trống rỗng. Bởi vì nếu nó là không có gì thì bất cứ ai cũng có thể chứng nghiệm được vào bất cứ lúc nào, chỉ cần nghĩ về hư không là được… và cảm thấy rất tự do. Không, bạn không thể làm như thế được, bởi vì khi nghĩ về hư không thì là có suy nghĩ rồi.
Khi chứng nghiệm Niết Bàn, không hề có một suy nghĩ nào… ngay cả suy nghĩ về Niết Bàn cũng không. Thực chất Niết Bàn là gì? Hầu hết trong kinh điển đều lấy hình tượng ẩn dụ là ngọn lửa tắt. Một ngọn lửa đang cháy và… phụt tắt, còn lại gì? Không phải là hư không, trống rỗng!!
Hoặc tôi tạo ra âm thanh… bạn chú tâm vào âm thanh đó… bây giờ âm thanh đó không còn nữa, thì có cái gì ở đó? Chỉ là sự vắng lặng… sự tĩnh lặng đó có thực hay không? Làm thế nào bạn hiểu được điều đó? Bạn có cảm thấy sự yên lặng không? Có chứ, đúng không. Nó cũng tương tự như sự vắng lặng hay ngọn lửa tắt. Không còn cháy nữa. Để hiểu được sự vắng lặng hay bản chất của ngọn lửa tắt, đầu tiên bạn phải chú ý đến những điều đang diễn ra trước đó. Để thấu hiểu sự yên lặng trước hết bạn phải chú ý vào âm thanh… đó là tiến trình. Để hiểu được điều gì diễn ra sau khi ngọn lửa tắt, trước hết bạn phải chú ý vào ngọn lửa. Có một tiến trình dẫn đến cảnh giới đó; nó không phải là một ý tưởng về hư không. Nó chính là bản chất của tiến trình đi đến chấm dứt… sự chấm dứt của tiến trình chính là chân hạnh phúc, là an lạc đích thực bởi vì bất cứ khi nào có cái gì đang diễn ra, sanh và diệt, thì không có vắng lặng, không có an lạc.
Một khi đã chứng nghiệm được điều đó, thì mặc dù có những lúc bạn không chứng nghiệm lại được, bạn có thể bị lôi theo những công việc của đời thường hay chạy theo những đam mê, phấn khích, nhưng mỗi khi chú ý, bạn sẽ biết rằng điều này không phải là thật, không phải là chân hạnh phúc. Bạn luôn có thể quay trở lại với trạng thái vắng lặng và an lạc đó.
Sau khi đã chứng nghiệm được cảnh giới này, lúc hành thiền trở lại, bạn hãy quyết định trong tâm rằng: “Tôi sẽ hành thiền và quay lại với sự vắng lặng và trạng thái an lạc đó – nơi toàn bộ tiến trình đều chấm dứt”.
Bạn có thể quyết định thời gian – 5 phút, 10 phút – an trú trong trạng thái đó. Bạn hành thiền với quyết định trong tâm: “Tôi sẽ chứng nghiệm lại trạng thái vắng lặng, an lạc ấy trong 5 phút”, rồi sau đó quên nó đi. Khi hành thiền, bạn đừng nghĩ về bất cứ một điều gì nữa. Chỉ chú tâm tới bất cứ những gì đang diễn ra trên thân tâm mình, làm bất cứ công việc nào bạn vẫn quen khi hành thiền. Đề mục nào không quan trọng, bất cứ cái gì cũng có thể là đề mục thiền cả. Chú tâm tới bất cứ đối tượng nào bạn đã quen chú ý – đó là những đề mục thường đến với bạn một cách tự nhiên và dễ dàng. Quan sát… quan sát nó… và nó trở nên ngày càng rõ nét hơn, rất nhanh, rất nhanh và rồi chợt dừng lại… bạn lại đạt đến trạng thái an lạc đó và an trú ở đó trong suốt khoảng thời gian mà bạn đã quyết định trước. Sự quyết định này rất quan trọng, bởi vì nếu đã quyết định trước, bằng cách luyện tập, bạn sẽ an trú trong đó suốt toàn bộ 5 phút hay 10 phút như đã ấn định và bạn có thể tiếp tục luyện tập và kéo dài thời gian đó ra nửa giờ, một giờ, hai giờ hay suốt cả ngày!
Bạn phải luyện tập thì mới có thể nhập được vào trạng thái đó và an trú ở trong đó. Nếu không luyện tập thường xuyên, bạn sẽ thấy rất khó có lại nó.
Nhưng ngay cả khi luyện tập và thể nhập vào trạng thái đó, nếu không ấn định trước thời gian an trú trong đó, tâm bạn sẽ bị dội ngược trở lại nhiều lần, vào rồi lại ra… vào rồi ra… nó có thể sẽ diễn ra như vậy suốt. Nếu muốn an trú lâu trong đó, bạn phải quyết định trước: “Tôi sẽ thể nhập vào trạng thái đó trong 5 phút, nhưng nếu có điều gì nguy hiểm xảy ra, tôi sẽ xuất ra khỏi nó”. Đây cũng là một hình thức tự nhắc nhở, khi bạn an trú sâu trong trạng thái đó, nếu có bất cứ nguy hiểm nào xảy đến, bạn sẽ tự động xuất định và đối phó với tình huống nguy hiểm. Nếu không quyết định trước như vậy, bạn sẽ không thể xuất định được.
Trong kinh điển, có rất nhiều chỉ dẫn chi tiết: đâu là những việc cần làm, thế nào là cách quyết định thích hợp, cách hành thiền thích hợp, và những điều cần quán xét trước khi nhập định, chẳng hạn trong trường hợp nào sẽ xuất định. Đôi lúc bạn phải quyết định rằng: “Nếu sư phụ gọi, tôi sẽ tỉnh lại ngay”. Ban phải thực hiện những quyết định cần thiết và tiếp tục thực hành. Ngay cả một vị Alahán đôi lúc cũng còn thấy khó thể nhập lại vào trạng thái đó, nếu như có việc gì đó làm vị ấy phải lo lắng, quan tâm.
Có một câu chuyện về hai nhà sư nọ: một vị là thầy tế độ, niên cao lão hạp, vị kia là học trò, còn rất trẻ. Cả hai thầy trò đều đã đắc đạo, khi họ đến tá túc tại một ngôi chùa nọ, vị trưởng lão cao hạ được ưu tiên ở một chỗ tốt. Bởi vì những cốc liêu tốt nhất thường được dành riêng cho các vị trưởng lão, những chỗ kém tiện nghi nhất dành cho những vị sư nhỏ hạ, mới tu. Vị sư trẻ, vì nhỏ hạ nên dĩ nhiên là được phân ở một chỗ không tốt lắm. Nhưng vị ấy rất hài lòng với chỗ mình ở, không lựa chọn. Vị ấy trú tại đấy, hành thiền và thọ hưởng thiền lạc, bình an và tĩnh lặng suốt 3 tháng an cư mùa mưa nơi đó. Nhưng vị trưởng lão thì cứ lo lắng cho học trò mình: “Tội nghiệp cậu học trò bé bỏng của tôi, ở chỗ đó không được tốt lắm, có thể nó không được thoải mái”. Bởi vì lo lắng, vị trưởng lão không thể nhập được vào trạng thái thiền lạc đó. nên
Khi muốn hành thiền, trước hết bạn phải nghĩ rằng: Không có điều gì là quan trọng cả, buông bỏ tất cả!
Đó là lý do tại sao nhiều lần tôi phải nhấn mạnh điều này bằng nhiều cách khác nhau như vậy. Khi hành thiền, bạn phải nghĩ rằng không có gì là thực sự quan trọng cả. Như vậy, về mặt tâm lý bạn đã tự tách mình ra khỏi mọi thứ. Không chỉ thể nhập vào trạng thái thiền lạc đó, mà ngay cả khi tọa thiền một tiếng đồng hồ, bạn cũng cần tự nhắc mình rằng: “Không có điều gì thực sự quan trọng cả, tôi không cần lo lắng về bất cứ điều gì”. Không lo lắng về công việc, không lo lắng về nhà cửa, chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, nó chẳng hại đến ai cả, hãy quên hết tất cả mọi người trong 1 tiếng ngồi thiền. Khi bạn tham gia khóa thiền tích cực này, hãy buông bỏ hết mọi thứ trong 9 ngày của khóa thiền.
Không có gì thực sự nghiêm trọng xảy đến cả đâu. Không có gì là quan trọng cả, chúng ta đã từng làm những công việc đó trong vô số kiếp quá khứ. Tại sao lại cho nó là quan trọng đến thế? Tại sao không thể buông bỏ tất cả trong 9 ngày.
Nếu trước mỗi thời thiền bạn đều làm như vậy, bạn sẽ thấy thời thiền đó rất dễ dàng và tự nhiên bạn sẽ không bị tán tâm, xao lãng. Vì vậy, hãy ra quyết định cho mình. Chúng ta đã từng làm những công việc y như vậy trong bao nhiêu năm, bao nhiêu kiếp rồi? Tại sao còn cho chúng là quan trọng đến thế? Và chúng ta sẽ còn tiếp tục phải làm những công việc như vậy, không biết là trong bao nhiêu kiếp sống tới nữa. Do đó, ra quyết định, chuẩn bị cho tâm và tách biệt tâm khỏi mọi công việc là rất quan trọng… nhưng “Nếu có điều gì nghiêm trọng xảy ra, tôi sẽ đối phó với nó ngay”. Đôi khi, con người chúng ta thường lo nghĩ về những điều hết sức vặt vãnh, tự bắt mình suốt ngày phải lo lắng. Khi họ nói ra những nỗi lo toan đó, nó nghe thật buồn cười.
Nếu muốn tiến sâu hơn vào các tầng đạo quả tiếp theo, khi hành thiền bạn phải quyết định: “Tôi sẽ không thể nhập vào trạng thái đã từng có đó nữa, trong một thời gian nhất định nào đó: một ngày, hai ngày, mười ngày”. Bạn phải quyết định như vậy. Sự quyết định này rất quan trọng. Nếu hành giả hành thiền với ý định chứng đạt tầng đạo quả cao hơn, vị ấy nên quyết định rằng: “Tôi sẽ không thể nhập vào trạng thái đó nữa, mà sẽ hành thiền để chứng đạt được tầng đạo quả tiếp theo”. Và khi bạn nói: “Tôi sẽ không thể nhập vào trạng thái ấy nữa”, bạn phải ấn định thời gian, trong bao nhiêu giờ, bao nhiêu ngày, vì nếu không làm vậy, khi hành thiền bạn sẽ lại thể nhập vào trạng thái đó nữa. Và nếu cứ thể nhập mãi vào trong đó, bạn sẽ không thể tiến lên tầng đạo quả cao hơn. Do đó, quyết định là việc rất quan trọng.
Đức Phật dạy chư Tỳ kheo tập quyết định ngay cả trước khi đi ngủ. Khi đi ngủ, bạn hãy tự nhắc mình: “Bây giờ tôi sẽ hành thiền, thư giãn và buông xả tất cả mọi sự”.
Ngủ cũng là một cách buông bỏ. Bạn đã bao giờ nghĩ đến điều đó chưa? Đi ngủ cũng là một loại buông bỏ. Chúng ta không nghe, chúng ta không nhìn, chúng ta không cảm nhận bất cứ cái gì nữa. Chúng ta không còn biết những gì đang diễn ra xung quanh mình nữa. Nếu thực sự nghĩ về điều đó, nó rất đáng sợ, chúng ta hoàn toàn mất liên hệ với thế giới. Như vậy, đây chính là một loại buông bỏ và thực ra chúng ta vẫn thường xuyên làm. Một số người không ngủ được, một trong những nguyên nhân là họ không thể buông xả, họ muốn kiểm soát cơ thể, kiểm soát môi trường xung quanh mình. Họ cảm thấy không an toàn và an tâm. Vì vậy ở chỗ nào bạn cảm thấy không an tâm, không an toàn, bạn sẽ không ngủ được. Đức Phật dạy khi đi ngủ, vị Tỳ kheo nên hành thiền, thư giãn và buông xả và quyết định: “Tôi sẽ thức dậy và lúc 4 giờ sáng mai”. Nếu thường xuyên làm như vậy, bạn sẽ thấy là mình thức dậy vào đúng 4 giờ sáng. Bạn để chuông báo thức và trước khi chuông kêu bạn đã dậy. Nhìn đồng hồ thì vừa đúng giờ. Nhưng thường là bạn thức dậy trước chuông. Tôi thường để chuông báo thức, nhưng chỉ để phòng hờ vì tôi luôn luôn thức dậy trước khi chuông đổ. Hãy tạo thành một thói quen như thế. Bạn cũng có thể quyết định: “Lúc thức dậy vào buổi sáng, tôi sẽ tỉnh thức và chánh niệm, tôi sẽ không mơ màng hay vẩn vơ nghĩ ngợi điều gì, chỉ với một trạng thái tâm thật trong sáng, tỉnh thức và chánh niệm”. Điều đó nghĩa là ngay lúc thức dậy bạn đã hành thiền ngay. Chúng ta có thể quyết định được điều đó. Nếu ngày hôm nay nó chưa xảy ra, hãy cứ tiếp tục quyết định như vậy rồi nó sẽ xuất hiện và bạn sẽ rất vui vì điều đó. Khoảnh khắc bạn thức dậy là đã chánh niệm ngay, không hề nghĩ ngợi điều gì. Tâm sẽ rất trong sáng và tỉnh táo, không còn lờ đờ nữa. Hầu hết mọi người khi thức dậy vẫn còn rất buồn ngủ. Đó không phải là cách thức dậy tốt.
Quyết định là rất quan trọng. Bởi vì một khi đã toàn tâm toàn ý quyết định điều gì, tâm bạn sẽ tuân thủ.
Đây chính là cách chúng ta huấn luyện tâm mình để có được những kết quả tích cực. Chúng ta có thể làm được điều đó, có rất nhiều cách để huấn luyện tâm. Đây chỉ là một số thông tin bổ sung cho các bạn mà thôi.
Như vậy, hành giả hành thiền trở lại và quyết định: “Trong một khoảng thời gian nhất định, tôi sẽ không thể nhập vào Thánh quả định của tầng thánh thứ nhất nữa, mà sẽ tiếp tục tiến lên để thành đạt được tầng đạo quả thứ hai”. Nếu bạn vẫn chưa thành đạt được đạo quả trong thời gian đó thì cũng không sao, bạn vẫn có thể thể nhập vào Thánh quả định mà mình đã đạt được. Bạn có thể an hưởng thiền lạc như vậy trong vài giờ, vài ngày rồi sau đó lại tiếp tục huấn luyện quyết định tiến tiếp lên tầng đạo quả cao hơn. Tại sao bạn cần thọ hưởng thiền lạc của Thánh quả định? Bởi vì nó rất an lạc. Đầu tư tâm sức để tiến lên tầng đạo quả cao hơn là việc làm ích lợi, nhưng cũng là một gánh nặng. Buôn bỏ mọi sự và thể nhập vào nơi vắng lặng này, một không gian an lạc, nó có tác dụng nghỉ ngơi rất tốt.
Kilesesu ditthi vicikicca pathamananavajjha; doso tatiyananavajjho; lobha-moha-mana-thina-uddhacca-ahirika-anottappani catutthananavajjhani. ~Vsm 684
Trong số các loại phiền não (kilesesu: các trạng thái tâm bất thiện), nghi (vicikiccha) và tà kiến (ditthi) bị tận diệt bởi tầng đạo quả đầu tiên (pathamananavajjha), sân (doso) được tận diệt ở tầng thánh thứ ba (tatiyananavajjho). Tầng thánh thứ hai không đoạn trừ được loại phiền não nào cả, mà chỉ làm suy yếu những phiền nào còn lại. Bạn có thể nhận thấy rằng, trong tầng thánh thứ ba, chỉ có sân bị đoạn tận, ngay cả tham ái cũng vẫn còn. Không còn luyến ái với ngũ dục, song vẫn còn khao khát một cảnh giới sinh tồn cao thượng, thanh tịnh và an lạc. Do đó, chúng ta không cho rằng tầng thánh thứ ba tận diệt được tất cả tham ái bởi vì mong muốn một cảnh giới sinh tồn cao cũng là một loại tham ái. Hãy xem nó rất vi tế như vậy đấy. Tham ái cuối cùng này, khao khát (lobha) một kiếp sống an lạc, thanh tịnh được đoạn diệt ở tầng thánh thứ tư (catutthananavajjhani). Bởi vì vẫn còn một loại mong muốn, nên nó cho thấy ở đó vẫn còn một dạng tâm si nào đó. Chỗ nào có tâm mong cầu, dù nhỏ bé đến đâu, ở đó vẫn còn tâm si. Đó là lý do si (moha) chỉ được đoạn trừ hoàn toàn ở tầng đạo quả thứ tư.
Ngay ở tầng đạo quả đầu tiên, một số phần tử vô minh nhất định đã bị loại bỏ, chỉ những phần vô minh rất vi tế là còn sót lại. Tầng đạo quả thứ tư tận diệt hoàn toàn tâm tham, bởi vì ngay cả tham muốn một kiếp sinh tồn an lạc và thanh tịnh cũng không còn. Moha (si) hay Avijja (vô minh) bị đoạn diệt hoàn toàn ở đạo quả thứ tư, cùng với mana (mạn). Đoạn trừ mạn là gì? Là không so sánh mình với người, không cống cao ngã mạn. Đôi khi chúng ta cảm thấy rất hài lòng về những gì mình đã đạt được: “Ồ, tôi đã thành đạt được điều đó”. Đó cũng là một loại ngã mạn. Không so sánh mình với người khác mà chỉ hài lòng về những gì mình đã làm được, ngay cả điều đó cũng bị đoạn trừ ở tầng đạo quả thứ tư. Thử tưởng tượng xem với một trạng thái tâm như thế bạn sẽ được giải thoát như thế nào, hoàn toàn giải thoát. Thina-middha, hôn trầm thụy miên chỉ hoàn toàn tận diệt ở tầng đạo quả thứ tư, do đó trước khi đạt đến giai đoạn đó, hành giả vẫn có thể bị hôn trầm. Một vị Alahán không bao giờ còn bị hôn trầm, buồn ngủ nữa. Vị ấy có thể thức được rất lâu, thậm chí đến vài ngày nếu muốn, nhưng nếu vị ấy muốn ngủ thì cũng có thể ngủ được ngay bất cứ lúc nào, tùy ý. Nếu chúng ta làm được như thế thì thật là tuyệt. Uddhacca nghĩa là tâm xáo động, trạo cử, bất an. Thậm chí sau tầng đạo quả thứ ba (tầng Thánh Anahàm), tâm hành giả vẫn có thể bị trạo cử, chỉ sau tầng đạo quả thứ tư thì mới không còn trạo cử nữa; chỉ cần sự tĩnh lặng và chánh niệm hoàn toàn. Ngay cả một vị Thánh Anahàm cũng không thể chán niệm hoàn toàn 100% được. Chánh niệm hoàn toàn chỉ diễn ra sau tầng đạo quả thứ tư.
Vô tàm (ahirika-không biết xấu hổ tội lỗi), vô quý (anottappa-không biết ghê sợ tội lỗi); bởi vì sau tầng đạo quả thứ ba vẫn còn dư sót lại một chút mạn (mana), vẫn còn lại một chút tâm tham. Theo Vi diệu pháp (Abhidhamma), điều đó nghĩa là vị ấy vẫn còn một chút vô tàm, vẫn hãnh diện về những thành quả của chính mình. Từ xấu hổ (tàm) ở đây không cùng nghĩa với từ xấu hổ thường dùng trong cuộc sống hàng ngày. Khi hành thiền bạn sẽ hiểu được điều đó.
Khi tâm bạn thấy điều gì đó là xấu, nó xấu hổ về điều đó. Bạn cảm thấy xấu hổ không phải vì ai đó phát hiện ra điều đó, mà bởi vì bạn biết điều đó là không tốt đẹp. Chúng ta hầu như không thể kinh nghiệm được điều này bởi vì nó chỉ được vượt qua ở tầng đạo quả thứ tư. Vì vậy, chúng ta vẫn còn rất vô tàm.
Micchaditthi-musavado micchakammanto miccha-ajivo ti ime athamananavajjha; micchasankappo pisunavaca pharusavaca ti ime tatiuyananavajjha. Cetana yeva c’ettha vaca ti veditabba. Samphappalapa-micchavayama-sati-samadhi-vimuttinanani catutthananavajjhani ~Vsm 684-5
Tà kiến (miccha-ditthi), vọng ngữ (musavada), tà nghiệp (miccha-kammanta) – làm những việc gây hại cho người như sát sanh, trộm cắp; tà mạng (miccha-ajiva), tất cả bị tận diệt ở tầng đạo quả đầu tiên (ime pathamananavajjha). Điều đó thật là tuyệt vời! Tà tư duy (micchasankappo), nói vu khống, nói lời chia rẽ, đâm thọc (pisunavaca), nói lời thô ác (pharusavaca) bị tận diệt bằng đạo quả thứ ba (ime tatiyananavajjaha). Tận diệt nghĩa là ý định làm những việc đó đã hoàn toàn bị đoạn tận (cetana yeva c’ettha vaca ti veditabba) chứ không chỉ cố gắng thu thúc, tự chế nữa. Chúng ta đa phần chỉ cố gắng thu thúc, tự chế không nói những điều như vậy, tự chế không nói chia rẽ, đâm thọc. Nhưng ở tầng đạo quả thứ ba thì ngay cả ý định nói những lời như thế cũng không hề có nữa. Tầng đạo quả thứ tư tận diệt (catutthananavajjhani) lời nói phù phiếm, vô ích (samphappalapa), tà tinh tấn (miccha-vayama), tà niệm (miccha-sati), tà tinh tấn (miccha-samadhi), tà giải thoát (miccha-vimutti) và tà tuệ (miccha-nana). Đôi khi chúng ta nhớ lại những việc trong quá khứ: “Ồ, tôi đã làm điều ấy điều nọ, đã hưởng thụ cái này cái kia”, ngay cả những loại hồi tưởng như vậy cũng không còn nữa. Chúng ta sẽ không còn suy nghĩ về quá khứ, chỉ nghĩ những điều chúng ta thấy có lợi ích, chẳng hạn trước đây chúng ta đã học Pháp học và bây giờ nhớ lại: “Đức Phật đã nói điều ấy điều ấy… Đây là một loại chánh niệm (samma-sati). Ngay cả ở tầng đạo quả thứ ba, hành giả vẫn còn muốn hồi tưởng lại những điều đã xảy ra trước kia, không phải hồi tưởng về Phật Pháp mà là hồi tưởng về những chuyện khác. Khi suy nghĩ về một điều gì đó ngoài Phật Pháp, thì đó là suy nghĩ vô ích, hồi tưởng vô ích (miccha-sati-tà niệm).
Cả tà định (miccha-samadhi) cũng vậy, tâm bị cuốn hút vào bất cứ loại suy nghĩ nào, trong bất cứ đối tượng nào, thậm chí cả vào việc đọc sách nữa – điều này sẽ không còn nữa ở tầng đạo quả thứ tư. Tâm không bị cuốn hút vào những việc vô ích nữa.
Tà giải thoát (miccha-vimutti) nhiều khi hành giả chứng nghiệm được những trạng thái hỷ lạc trong thiền mà thực ra đó không phải là trạng thái giải thoát thực sự, nhưng họ lại tin rằng đó chính là giải thoát. Khi đã hoàn toàn giác ngộ, vị ấy biết rằng tất cả những điều đó rồi cũng sẽ biến mất, chúng không phải là sự giải thoát thực sự.
Tà tuệ (miccha-nana): con người ta thường rất thông minh khi làm việc ác. Họ có thể vạch kế hoạch rất tài, rất khéo và rất thông minh trên một phương diện nào đó, đó là tà tuệ, tà trí. Điều này cũng bị tận diệt ở tầng đạo quả thứ tư.
Mọi việc sẽ tiến triển như vậy (theo như kinh điển), ở mỗi giai đoạn sẽ diễn ra những gì những gì. Biết tất cả những điều đó rất thú vị, song tôi chỉ muốn chú trọng đến tầng đạo quả đầu tiên, bởi vì đó là điều chúng ta đang hy vọng đạt được, chặng đường sau đó sẽ là rất khó khăn. Hầu hết các thiền sư đều nhấn mạnh là không được dừng lại ở đó, phải tiếp tục tiến lên, nhưng tôi biết có rất ít người tiếp tục đi tiếp. Họ cảm thấy quá thỏa mãn và chỉ hưởng thụ.
Niết Bàn không phải là một nơi chốn, thậm chí cũng không phải là một trạng thái tâm nữa. Khi một người đã thành đạt được tầng đạo quả thứ tư và nhập diệt (parinibbana), vị ấy không còn tồn tại ở bất cứ nơi nào nữa. Tôi thấy trong một số cuốn sách nói: sau khi nhập diệt, vị Alahán vẫn an trú và thọ hưởng trong cảnh giới hạnh phúc đó mãi mãi. Bạn có biết tại sao họ nói như vậy không? Bởi vì họ vẫn dính mắc vào một cảnh giới an lạc, hạnh phúc; vẫn muốn tiếp tục được sống, tôi rất hiểu điều này. Cũng không có gì là quá khó hiểu về điều đó, song bạn có thể thấy được sự dính mắc vẫn còn, muốn tiếp tục được sống. Thậm chí họ còn nói là Đức Phật vẫn còn tồn tại dưới một hình thức nào đó, ở một nơi nào đó, có thể là trong dãy núi Himalaya. Không, đây là những điều rất quan trọn cần phải hiểu rõ, dù chỉ là hiểu trên mặt kiến thức, bởi vì hiện nay có rất nhiều tà kiến và những tư tưởng sai trái, lệch lạc đang phổ biến xung quanh chúng ta.
Dù là hạnh phúc, an lạc thế nào, dù người đó thanh tịnh đến đâu, Đức Phật vẫn nói rằng đó không phải là sự giải thoát đích thực. Niết Bàn không phải là một cảnh giới, cũng không phải là một trạng thái nào cả.
Bản chất của Niết Bàn hoàn toàn ngược với bản chất của các hiện tượng tâm – vật lý. Điều này cũng rất quan trọng. Một số người nói Niết Bàn và luân hồi (samsara) cũng chẳng có gì khác nhau. Không, rất rõ ràng là không phải như vậy… Nhưng để hiểu được Niết Bàn, bạn phải hiểu luân hồi đã. Luân hồi (samsara) nghĩa là tiến trình tâm – vật lý, nó được gọi là luân hồi chứ thực chất chẳng phải là một câu chuyện nào cả… Luân hồi thực sự, vòng luân hồi chuyển vận vòng quanh thực sự chính là tiến trình tâm lý và vật lý đang diễn tiến trong từng giây từng phút này; đó mới là luân hồi. Sự chấm dứt của nó chính là Niết Bàn. Bạn vẫn có thể nói Niết Bàn có quan hệ với tiến trình tâm lý và vật lý, nhưng Niết Bàn không nằm trong tiến trình đó. Nó nằm ngoài tiến trình, ở bên lề của tiến trình. Bạn chỉ có thể nói Niết Bàn có quan hệ với luân hồi ở chừng đó mà thôi.
Vì thế Đức Phật mới nói: “Ta tuyên bố Niết Bàn chỉ ở trong tấm thân này” (~SN i.62) điều đó không có nghĩa là Niết Bàn nằm ở bên trong thân. Mà có nghĩa bằng cách liễu tri tấm thân này, liễu tri ngũ uẩn, liễu tri tiến trình tâm – vật lý này một cách hoàn toàn đầy đủ, chúng ta sẽ đến được Niết Bàn. Ngoài ra không có con đường nào khác.
Khi nói rằng đạo quả này tận diệt được những loại phiền não này, nghĩa là thế nào? Liệu chúng ta có thể tận diệt được những phiền não trong quá khứ không? Không thể, bởi vì nó đã xảy ra rồi, bởi vì nó đã thuộc về quá khứ. Chúng ta có thể diệt được những phiền não đang diễn ra trong hiện tại không? Chúng ta thường nghĩ rằng mình có thể làm được điều đó. Nhưng bạn có nghĩ là nếu không diệt được thì nó vẫn còn đó không? Bất cứ việc gì đang xảy ra bây giờ, chẳng hạn bạn đang giận, bạn có thể làm được gì nó nào… cơn giận vẫn cứ tiếp diễn từ sát na này qua sát na kia. Thực chất mỗi trạng thái tâm là một cơn giận riêng biệt, vì chúng tiếp diễn rất nhanh, nên chúng ta nghĩ nó là một cơn giận rất ghê gớm. Không có cái gì là một cơn giận ghê gớm như vậy cả, chúng chỉ là những cơn giận nhỏ góp lại mà thôi. Diễn ra trong một sát na ngắn ngủi rồi tự biến mất, nó không bao giờ ở lại. Chúng ta không thể nói: Ơi này, cái giận ơi, mày hãy ở lại đây đi… ở lại với tao nào. Nó sẽ đi mất. Chúng ta không cần phải diệt cái giận đang diễn ra trong hiện tại. Như vậy khi nói tầng đạo quả này tận diệt loại phiền não này, điều đó không có nghĩa là nó diệt phiền não sẽ sanh khởi trong hiện tại. Có phải nó diệt phiền não sẽ sanh khởi trong tương lai? Bạn đâu có biết được những phiền não sẽ diễn ra trong tương lai, bởi vì nó vẫn chưa xảy ra mà. Chúng ta không thể diệt được cái chưa xảy đến. Điều này có nghĩa đạo quả không tận diệt nhưng phiền não ở cả trong quá khứ, hiện tại lẫn tương lai. Nó tận diệt cái tiềm năng sanh khởi của phiền não. Tiềm năng sanh khởi phiền não có ở đó nhưng nó chưa xuất đầu lộ diện ra mà thội, nếu bạn tận diệt được tiềm năng này, nó sẽ chấm dứt… sẽ không thể khởi sanh lên được nữa.
Do bởi những phiền não quá khứ, do bởi nghiệp quá khứ mà chúng ta có mặt ở đây, trên cõi đời này. Và chính cái nghiệp chúng ta đang mang này, chúng ta mang nó dưới dạng nào? Chúng ta mang theo phiền não dưới hình thức nào? Chỉ dưới hình thức một tiềm năng mà thôi. Đây là những điều rất vi tế, khó hiểu nổi, nó vẫn chưa được hiển lộ, chỉ là những tiềm năng. Hãy nghĩ đến những hạt giống như là một dạng tiềm năng, nó có tiềm năng để trở thành một cái cây lớn. Bây giờ bạn muốn hủy diệt cái cây ấy đi. Ở trong quá khứ, nó đã xuất hiện và đã chết đi, bạn không cần phải diệt nó làm gì. Trong hiện tại, cái cây đang chết dần, thì chỉ cần mặc cho nó tự chết mà thôi. Nhưng trong tương lai thì nó vẫn chưa trở thành một cái cây. Vậy nếu bạn muốn diệt nó thì chỉ cần tiêu diệt hạt giống của nó là đủ. Tiềm năng cũng giống như hạt giống cây vậy. Bạn có thể nói một cách xác quyết rằng, chẳng hạn bây giờ đang là 5 giờ kém 5 phút, chính xác 1 giờ sau sẽ có một loại phiền não nào khởi lên được không? Không ai có thể nói được điều đó, bởi vì nó không chắc chắn. Nhưng luôn có tiềm năng cho bất cứ cái gì sanh khởi. Nếu bạn triệt tiêu được cái tiềm năng đó, nó sẽ chấm dứt.
Tiềm năng này không phải ở trong quá khứ, bạn cũng không thể nói nó ở trong hiện tại bởi vì nó vẫn chưa được thể hiện ra. Tiềm năng này là một thứ rất khó để hiểu… nó có thể hiển lộ, nó chỉ là khả năng tiềm tàng, tiềm tàng để hiển lộ. Do đó, chính loại phiền não này là thứ bị đạo quả tận diệt, và vì thế chúng ta gọi là cảnh giới Niết Bàn. Chúng ta không thể nói Niết Bàn là quá khứ, hiện tại hay vị lai.
Niết Bàn là phi thời gian, vượt ra ngoài thời gian, không ở trong vòng quay của thời gian nữa. Đây là một điều rất dễ nhầm lẫn và khó phát biểu. Có thể một số nhà vật lý học hạ nguyên tử sẽ hiểu được điều đó.
Nghiệp cũng là một tiềm năng. Khi đạt đến một giai đoạn giác ngộ nào đó, một số loại nghiệp nhất định sẽ không thể cho quả được nữa. Những nghiệp bất thiện mà chúng ta đã chồng chất trong quá khứ, sau một tầng đạo nữa nhất định nào đó sẽ không còn cho quả nữa. Nghiệp nằm ở đâu? Chúng ta đang mang theo nghiệp bằng cách nào? Chúng ta mang nó theo mình như là một dạng tiềm năng. Đây là điều rất khó để hiểu được. Chẳng hạn như chúng ta có tiềm năng – khả năng tiềm tàng là sẽ tức giận, bây giờ thì chưa tức. Nhưng bất cứ một người nào đó cũng có thể ấn cái nút của chúng ta và làm chúng ta tức giận. Chúng ta không thể nói trước lúc nào mình sẽ tức giận. Chúng ta đang triệt tiêu cái tiềm năng khiến cho sự tức giận bùng nổ, hạt giống sanh khởi phiền não trong mình. Đôi lúc, ngay cả một nhà sư học vấn uyên thâm cũng chưa chắc đã có thể hiểu được điều này, để hiểu nó cần phải mất cả một thời gian dài.
Để hiểu được thì cách tốt nhất là thực hành. Đó là lý do tại sao Đức Phật nói rằng Niết Bàn là điều không thể nghĩ bàn. Bạn không thể hiểu nó bằng suy nghĩ. Niết Bàn không phải là một cái gì đó sanh lên hay xảy ra. Chúng ta cũng không thể nói được khi nào Niết Bàn sẽ xảy đến. Niết Bàn là một thực tại mà người nào có đủ trí tuệ sẽ chứng nghiệm. Nó phụ thuộc vào mức độ sáng suốt của trí tuệ. Trí tuệ càng sáng suốt, bạn sẽ chứng nghiệm càng rõ ràng.
Do đó, ở tầng đạo quả đầu tiên, kinh nghiệm Niết Bàn không giống với tầng đạo quả thứ hai, thứ ba và thứ tư. Bản chất của Niết Bàn thì vẫn như vậy, nhưng bởi mức độ thuần khiết khác nhau của trí tuệ, bạn chứng nghiệm nó khác nhau. Cũng giống như khi nhìn, mắt càng sáng thì nhìn càng rõ nét hơn. Ngay cả tìm một ví dụ để diễn tả điều này cũng rất khó.
Vì vậy, Đức Phật nói rằng không có ví dụ nào diễn đạt được về Niết Bàn. Không có ngôn từ nào, không có ý niệm nào, không có ngôn ngữ nào có thể thực sự diễn tả được nó. Niết Bàn nghĩa là “dập tắt”. Trong kinh Tam Bảo (Ratana-sutta) nói: “Nibbanti dhira yathayam padipo”, Niết Bàn như ngọn lửa tắt, không còn triền cái, chướng ngại (niravana), không còn tham ái, không còn khao khát mong cầu.
Hỏi & đáp: Đức Phật đã thuyết một bài kinh, Kinh Tấm gương – Dhammadasa Sutta. Trong đó, Đức Phật nói rằng một vị Thánh Tu-đà-hoàn có những phẩm chất như sau: vị ấy có niềm tin bất động nơi Phật, Pháp, Tăng; vị ấy không bao giờ phạm giới. Nếu bạn thấy mình đã có đủ những phẩm chất ấy, bạn có thể tự nói với mình: “Tôi là một vị Thánh Tu-đà-hoàn”. Nhưng nếu không có kiến thức về những điều đó – kiến thức sách vở thôi, hoặc giả chưa bao giờ bạn nghe nói đến điều đó cả, thì mặc dù đã chứng nghiệm Niết Bàn, nhưng bạn sẽ không biết gọi nó là cái gì. Bạn có tất cả những phẩm chất và kinh nghiệm đó, nhưng có được kinh nghiệm và phẩm chất không nhất thiết cần phải biết nó là cái gì. Chẳng hạn, tôi đưa cho bạn một cái gì đó để ăn. Tôi bảo bạn nhắm mắt lại và há mồm ra, tôi đút vào miệng bạn. Bạn có thể tả được vị của nó. Tôi hỏi bạn vị của nó thế nào. Bạn sẽ trả lời: “Ồ, nó hơi ngọt ngọt, hơi chua chua, nó ngon lắm”. Và nếu tôi hỏi bạn đó là món gì, bạn sẽ nói: “Tôi không biết, tôi biết được vị của nó, nhưng không biết tên của nó là gi”. Như vậy bạn biết được hương vị, nhưng không biết tên nó là gì, điều đó rất là tự nhiên. Thánh quả Tu-đà-hoàn là một từ để chỉ một kinh nghiệm. Để cho chắc chắn, tôi xin trích dẫn một đoạn của Ngài Ledi Sayadaw: “Hãy chờ đợi cho đủ lâu; thậm chí phải đợi trong rất nhiều năm; bởi vì bạn sẽ phải chịu sự kiểm tra, thử thách ở thế gian và trong cuộc sống hàng ngày của chính bạn”. Do đó, bạn không thể nói một cách xác quyết ngay rằng: “Ồ, có thể mình đã đắc được đạo quả đầu tiên rồi”, đừng vội vàng kết luận bất cứ điều gì. Hãy đợi cho đủ lâu, bạn sẽ phải chịu thử thách và rồi có thể sẽ thấy ra rằng: “Ồ, không phải vậy, mình vẫn phải hành thiền tiếp thôi”. Đây được gọi là tà giải thoát (miccha-vimuti): bạn chưa giải thoát nhưng cứ nghĩ là mình đã được giải thoát. Nhưng thật ra, bất cứ ai cũng có thể phạm phải sai lầm như vậy. Chúng ta đừng lên án họ. Nếu trung thực, thì sau này anh ta sẽ nhận ra được điều đó, bởi vì trên thế giới này có biết bao nhiêu người và biết bao nhiêu hoàn cảnh đang “bấm nút” kích nổ của bạn trong mọi lúc, và bạn phản ứng lại. Nếu bạn chân thực, bạn sẽ biết được điều đó. Nhưng nếu bạn không chân thực thì sẽ chẳng ai nói cho bạn biết điều đó cả. Nó giống như một trò lừa đảo vậy, lừa một cách rất tinh vi.
Hỏi & đáp: Mỗi người kinh nghiệm uẩn (khandha) khác nhau và theo cách khác nhau. Có người kinh nghiệm cảm thọ sanh diệt nhiều hơn. Có người kinh nghiệm tâm sanh diệt hơn. Nó phụ thuộc cả vào cá tính của hành giả nữa. Đối với những người mới hành thiền thì nên bắt đầu từ cảm thọ. Bất cứ cái gì bạn cảm nhận được ở trên thân cũng đều là cảm thọ. Và trong tâm thì là cảm xúc. Tôi nhấn mạnh hơn đến cảm thọ bởi vì đối với những người mới hành thiền thì đây là chỗ họ bắt đầu. Đối với những người mới thì rất khó có thể bắt đầu từ các suy nghĩ hay các trạng thái tâm được. Về sau thì điều đó tùy thuộc vào cá tính của mỗi người. Ngay cả lúc đầu bạn bắt đầu thực hành từ niệm thân (kayanupasana) – các cử động của thân, hay các cảm thọ (vedananupassana); khi đã thực hành đủ lâu, nó sẽ hướng tới niệm xứ mà bạn có thiên hướng thực hành theo. Điều đó sẽ xảy ra một cách rất tự nhiên. Trong thân, chúng ta cảm nhận được thọ lạc – cảm giác dễ chịu (sukha-vedana), thọ khổ - cảm giác khó chịu (dukkha-vedana) và thọ xả - cảm giác trung tính (upekkha-vedana). Trong tâm, chúng ta cảm nhận được các loại cảm xúc: cảm xúc khó chịu và cảm xúc dễ chịu. Và đôi khi cả hai (thọ và tâm) lại có liên quan với nhau. Khi bạn cảm thấy đau đớn trong thân thì cũng cảm nhận được cảm xúc khó chịu trong tâm, bạn cảm thấy rất khổ sở: “Ôi, sao mà đau thế!”. Như vậy chúng đều có liên quan với nhau. Nhưng không phải luôn luôn lúc nào cũng có liên quan với nhau, không nhất thiết là như thế, bởi vì nếu bạn là một thiền sinh giỏi, không kể đến một vị Alahán, thì mặc dù thân đau nhưng tâm vẫn bình an. Các vị Thánh Alahán không còn bị tác động bởi sự đau đớn trong cơ thể nữa. Điều đó tùy thuộc vào việc bạn huấn luyện tâm mình như thế nào.
Hỏi & đáp: Tận diệt gốc rễ của tham và sân diễn ra ở tầng đạo quả thứ ba, hoàn toàn nhổ rễ mọi tham muốn dục lạc thế gian. Nhưng vẫn còn mong muốn về một kiếp sinh tồn an lạc. Ham muốn dục lạc được đoạn trừ bằng tầng đạo quả thứ ba. Tất cả sân bị tận diệt cũng ở tầng đạo quả thứ ba. Khi mới thực hành bạn không thể tận diệt được nó. Khi nó xảy ra thì chúng ta chú tâm vào nó, quan sát nó một cách cặn kẽ và bằng cách chú ý một cách sâu sát, nó sẽ trở nên yếu dần đi. Rồi có những lúc nó không hề khởi lên, tâm trở nên rất trong sáng và bình an, lúc đó hãy chú tâm nhiều hơn nữa đến các cảm thọ và cảm xúc trung tính này. Khi có tâm tham hay tâm sân mạnh xảy đến thì điều quan trọng là phải quan sát nó, nhưng khi nó quá mạnh thì chúng ta không còn sáng suốt được nữa, mặc dù vẫn có thể chú tâm.
Những tuệ giác bậc cao thực sự chỉ có thể xảy ra khi tham và sân không còn ở đó nữa, hoặc ít nhất cũng phải tạm thời vắng mặt. Đó là lý do tại sao ở tầng tuệ thứ 11 (Tuệ Xả Hành) chỉ có một tâm xả hoàn toàn; không tham cầu, không sân hận, không bất mãn, không trạo cử bất an. Tâm trở nến rất thanh tịnh, thuần khiết và rồi đột phá. Như vậy trước thời điểm đột phá thì điều này là rất cần thiết. Nhưng ở trong giai đoạn đầu thực hành, tham sân có thể xuất hiện trở lại nhiều lần, chúng ta phải vượt qua chúng. Thậm chí ngay cả những bất mãn trong quá trình thiền tập, ngay cả những dính mắc của chúng ta vào trạng thái an lạc của thiền cũng đều phải vượt qua, buông bỏ và xả ly. Đó là lý do vì sao việc quan sát và buông bỏ chúng là điều rất quan trọng. Mỗi khi có tâm sân khởi lên, chúng ta có thể thấy nó khởi len bởi vì chúng ta có những chờ mong, ước muốn, dính mắc và khao khát nào đó, nên chúng ta mới phải buồn bực, thất vọng. Chúng ta có thể thấy được cả hai điều đó. Khi cái này có thì cái kia có. Khi mong muốn một điều gì đó thì có sự bất an, lo lắng không biết mình có đạt được điều đó hay không; điều này quả thật là một nỗi khổ. Thực chất, mong muosn, khao khát là đau khổ, là bất mãn. Bất cứ khi nào chúng ta khao khát, mong cầu một điều gì là khi đó chúng ta cảm thấy mình thiếu thốn, bất mãn và sự bất mãn này chính là đau khổ. Ở tầng tuệ thứ 11, những điều như vậy không còn diễn ra nữa, không còn mong cầu, khao khát, không sân hận, bất mãn, chỉ có một sự quân bình và sáng suốt hoàn toàn.
Hỏi & đáp: Trong khuôn khổ một khóa thiền tích cực như thế này, tôi không có đủ thời gian để giải thích tất cả những câu hỏi “tại sao”, mà chỉ có thể nói cho các bạn biết những điều cần phải làm. Khi đã có chuẩn bị là đã làm được một nửa công việc rồi. Chuẩn bị tốt là đã hoàn thành được một nửa công việc. Vì vậy, hãy chuẩn bị khi đến đây, bây giờ hãy ngồi thiền và cũng chuẩn bị cả cơ thể mình nữa. Bây giờ đang ngồi đây, trong khóa thiền tích cực này, bạn sẽ thấy là không dễ để ngồi cho trọn một tiếng đồng hồ được đâu, tâm bạn sẽ bị trạo cử, phóng đi đây đó hoài. Bạn cần phải bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ, chuẩn bị tâm của mình, chuẩn bị cơ bắp và hệ thống thần kinh của mình nữa. Bạn không thể cứ chờ đợi nó sẽ phải diễn ra đúng như mình nghĩ, ngay cả một vận động viên chạy cũng cần phải chuẩn bị nữa là chúng ta. Vì vậy, hãy hành thiền mỗi ngày, ngay từ bây giờ. Đây là một kinh nghiệm rất lý thú; nó không phải là công việc bạn làm thường xuyên. Chỉ có 9 ngày hành thiền tích cực; 9 ngày quý báu. Tôi không muốn phung phí, dù chỉ là một phút, nhưng tôi cần tất cả các bạn cùng tham gia. Làm thế nào để tất cả chúng ta cùng hợp sức cho khóa thiền thành công tốt đẹp nhất đến mức có thể. Tôi muốn có một bầu không khí thân ái và thoải mái. Có người nói khóa thiền tích cực là một “cách ứng xử”. Đây là điều rất đặc biệt. Tôi thực sự hy vọng các bạn sẽ kinh nghiệm được một điều gì đó, một điều thật quý báu nào đó cho mình. Thời gian thật ra không thành vấn đề. Chỉ trong một vài ngày, song một số người cũng có thể kinh nghiệm được những điều rất ý nghĩa và sâu sắc.
Bản đồ hành trình tâm linh (Sách) Giới thiệu và Mục lục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét