GIỚI THIỆU BỘ PHÂN TÍCH ĐẠO (PATISAMBHIDAMAGGA) CỦA NGÀI XÁ LỢI PHẤT

Paṭisambhidāmagga là tựa đề của tập Kinh thứ mười hai thuộc Tiểu Bộ.
Chúng tôi đề nghị từ dịch tương  đương của tiếng Việt là Phân Tích Đạo. Magga (Đạo) ở đây có nghĩa là đường lối, cách thức, nghệ thuật, phương pháp. Về từ  Paṭisambhidā (Phân Tích), chúng tôi ghi nhận đây là danh từ, có cấu trúc như sau:  paṭi+sam+√bhid+ā với nghĩa nôm na là “sự chia chẻ toàn diện về một vấn đề nào đó.” “Vấn đề” ở đây là một số giáo lý quan trọng của Phật Giáo và “sự chia chẻ toàn diện” là nghệ thuật phân tích được đề cập về bốn khía cạnh: về ý nghĩa, kết quả, hiệu quả (attha), về pháp, nguyên nhân, giáo lý, sự việc (dhamma), về ngôn từ, tên gọi (nirutti), và về phép biện giải, sự sáng suốt về vấn đề ( paṭibhāna). 
Chú Giải của tập Kinh này có tên là Saddhammappakāsinī.


Di tích đền thờ Ngài Sariputta tại Nalanda (ảnh 2010)

LỜI GIỚI THIỆU

của Tỳ Khưu Indacanda


---ooOoo—
Paṭisambhidāmagga là tựa đề của tập Kinh thứ mười hai thuộc Tiểu Bộ.
Chúng tôi đề nghị từ dịch tương  đương của tiếng Việt là Phân Tích Đạo. Magga (Đạo) ở đây có nghĩa là đường lối, cách thức, nghệ thuật, phương pháp. Về từ  Paṭisambhidā (Phân Tích), chúng tôi ghi nhận đây là danh từ, có cấu trúc như sau:  paṭi+sam+√bhid+ā với nghĩa nôm na là “sự chia chẻ toàn diện về một vấn đề nào đó.” “Vấn đề” ở đây là một số giáo lý quan trọng của Phật Giáo và “sự chia chẻ toàn diện” là nghệ thuật phân tích được đề cập về bốn khía cạnh: về ý nghĩa, kết quả, hiệu quả (attha), về pháp, nguyên nhân, giáo lý, sự việc (dhamma), về ngôn từ, tên gọi (nirutti), và về phép biện giải, sự sáng suốt về vấn đề ( paṭibhāna). 
Chú Giải của tập Kinh này có tên là Saddhammappakāsinī.
Bài kệ mở đầu của tập Chú Giải này cho chúng ta biết được tác giả của Paṭisambhidāmagga là ngài Sāriputta (PṭsA. 1, 01). Và bài kệ kết thúc xác nhận tập Chú Giải  Saddhammappakāsinī  được thực hiện do công của vị trưởng lão tên là Mahābhidhāna ở tại một liêu phòng đã được xây dựng bởi viên quan đại thần tên Uttaramantī thuộc tu viện Mahāvihāra (Tích Lan), và thời điểm được ghi nhận là ba năm sau ngày băng hà của đức vua Moggallāna (PṭsA. 2, 703-704), tính ra ở vào khoảng  đầu thể kỷ thứ 6 sau Tây Lịch. Vì ‘abhidhāna’ là từ đồng nghĩa của ‘ nāma’ nên tác giả của tập Chú Giải này được mặc nhiên công nhận là vị Mahānāma. Học Giả G. P. Malalasekera, trong tài liệu nghiên cứu The Pāli Literature of Ceylon  (Nền văn học Pāli của xứ Tích Lan), còn xác định rằng vị Mahānāma này cũng chính là tác giả của bộ sử thi Mahāvaṃsa của nước Sri Lanka (trang 141). 
Về nội dung, tập Kinh  Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo gồm có ba Phẩm ( vagga):
1.      Phẩm Chính Yếu (Mahāvagga),
2.      Phẩm Kết Hợp Chung (Yuganaddhavagga), và
3.      Phẩm Tuệ (Paññāvagga).
Mỗi phẩm gồm có mười bài giảng (kathā) của mười  đề tài khác nhau được trình bày chi tiết và được phân tích theo nhiều khía cạnh, không những về phương diện giáo lý căn bản mà còn đề cập đến phương pháp thực hành trong công việc tu tập nữa. Trong quá trình in  ấn, tập Kinh Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo  được phân làm hai: Tập Một trình bày chỉ một Phẩm Chính Yếu  (Mahāvagga) nhưng lại có số lượng trang gấp  đôi, còn lại Phẩm Kết Hợp Chung (Yuganaddhavagga), và Phẩm Tuệ (Paññāvagga) được xếp vào Tập Hai. Mở đầu Phẩm chánh yếu là phần Tiêu Đề (Matika) giới thiệu:
·        về 73 loại trí từ Phàm đến Thánh, trong số  đó  đặc biệt sáu loại trí cuối cùng chỉ dành riêng cho đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác mà không phổ biến đến các vị Thinh Văn. Các trí này được giải thích ở phần Giảng về Trí (Ñāṇakathā) kế tiếp. Theo sự hiểu biết của chúng tôi, sự liệt kê đầy  đủ về 73 loại trí này chỉ có riêng ở tập Kinh Paṭisambhidāmagga  - Phân Tích Đạo mà không được tìm thấy  ở nơi nào khác thuộc Tam Tạng  Pāḷi. Riêng phần Giảng về Trí này đã chiếm hết một nửa nội dung của Tập Một, nghĩa là một phần ba của toàn bộ tập Kinh Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo.
Chín chủ đề còn lại giảng giải
·        về các quan điểm sai trái (diṭṭhi),
·        về niệm hơi thở vào hơi thở ra ( ānāpānasati),
·        về các quyền (indriya),
·        về sự giải thoát (vimokkha),
·        về cõi tái sanh (gati),
·        về nghiệp (kamma),
·        về sự lầm lạc (vipallāsa),
·        về Đạo (magga), và
·        về tịnh thủy nên được uống (maṇḍapeyya). 
Sự trình bày và giảng giải  ở tập Kinh Paṭisambhidāmagga  - Phân Tích Đạo này chi tiết hơn và có nhiều điểm khác biệt so với các tập Kinh khác. Đặc biệt,  đối với các độc giả chuyên chú về tu tập thiền Chỉ Tịnh và Minh Sát, tập Kinh này có nhiều tư liệu giúp cho quý vị vững tin hơn trong việc thực hành và không còn có sự lầm lẫn hoặc phân biệt về hai phương pháp tu tập hầu tránh khỏi những sự phân vân hay tranh luận không cần thiết. Có một số lời giảng về các pháp phát sanh trong lúc tu tập về thiền xét ra rất cần thiết và bổ ích cho các hành giả  đang chuyên chú tầm cầu mục  đích cao thượng.  Đánh giá về nội dung của tập Kinh này, có quan điểm cho rằng tập Kinh  Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo có thể được xem như là một tập sách giáo khoa về Phật học của truyền thống Theravāda.
Xét về hình thức, tập Kinh Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo được ghi lại ở thể văn xuôi, rải rác có một số bài kệ  được xen vào.  Tuy nhiên, do hình thức trình bày với Các Tiêu Đề (Mātikā) ở phần mở  đầu và có sự tương tợ về phương thức lý luận nên đã có quan điểm cho rằng tập Kinh  Paṭisambhidāmagga  - Phân Tích Đạo  này nên được xếp vào Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhammapiṭaka), thay vì Tiểu Bộ thuộc Tạng Kinh. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng tập Kinh  Paṭisambhidāmagga  - Phân Tích Đạo  đã  được sắp xếp vào Tiểu Bộ thuộc Tạng Kinh cũng có thể vì có chứa  đựng một số bài kinh được bắt đầu với những câu văn quen thuộc: “ Evaṃ me sutaṃ: Ekaṃ samayaṃ ...” (Tôi đã được nghe như vầy: Một thời, ...).   
Về khía cạnh dịch thuật, có một số điểm cần được nêu lên như sau: Bản dịch này đã  được chúng tôi hoàn tất vào cuối năm 2005 nhưng e ngại không dám phổ biến vì có nhiều nghi vấn chưa được giải quyết xong. Điều khó khăn chủ yếu cho chúng tôi khi ghi lại
tiếng Việt cho tập Kinh này là việc sử dụng văn tự để mô tả các pháp vô hình vô tướng không thể dùng năm giác quan để quan sát, mà chỉ dùng kiến thức hạn hẹp và sự tu tập thấp thỏi để liên hệ và miêu tả lại. Thêm vào đó, việc dùng trí tuệ phàm nhân để diễn tả lại pháp đắc chứng của các bậc Thánh là điều có thể gọi là hồ đồ; vì thế chúng tôi chỉ cố gắng căn cứ vào văn tự và viết lại tiếng Việt theo khả năng hiểu biết về văn phạm của mình. Điều không thể tránh khỏi là những sai sót xảy ra do nguyên nhân này không hẳn là ít. Một điểm khó khăn khác là phải chọn lựa từ dịch Việt cho một số từ vựng có ý nghĩa rất gần gũi với nhau, vấn đề quan trọng là việc chọn lựa ấy phải được thống nhất và phù hợp với nhiều ngữ cảnh xuyên suốt toàn bộ tập Kinh; điều này cũng gây ra cho chúng tôi nhiều sự lúng túng và đã để lại nhiều điểm vụng về trong lời dịch Việt của tập Kinh này.
Có lời đề nghị rằng: “Sau khi hoàn tất bản dịch, nên quên đi câu văn  Pāḷ i và trau chuốt lại theo cấu trúc của tiếng Việt;” vấn đề không đơn giản như vậy, vì sau khi được trau chuốt lại câu văn tiếng Việt mới này lại gợi lên nhiều cách diễn giải khác nữa và xét ra lại xa rời với văn bản gốc  Pāḷi do việc hoán chuyển nhiệm vụ của các loại tự và vị trí các nhóm từ ở trong câu. Thật ra, mục tiêu của chúng tôi là cố gắng hiểu đúng văn bản  Pāḷ i và tạo  điều kiện cho người khác hiểu  được như thế, chúng tôi không đủ sức để vươn đến các tiêu chuẩn cao hơn đối với công việc phiên dịch các văn bản cổ ngữ của Ấn Độ. Một số sai sót trong quá trình phiên dịch  đương nhiên không thể tránh khỏi, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về trình độ yếu kém. Về mọi trường hợp, nếu có những  đoạn văn nào kém phần chính xác hoặc không rõ nghĩa, xin quý vị tham khảo văn bản  Pāḷi để hiểu được ý nghĩa của lời Phật dạy một cách tận tường. 
Về kỷ thuật trình bày, tập Kinh Song Ngữ Pāḷi Việt này của chúng tôi được trình bày theo khuôn mẫu Tam Tạng Pāḷi-Sinhala, ấn bản Buddha Jayanti Tripitaka của nước Sri Lanka (Tích Lan). Văn bản Pāḷi-Roman được trình bày ở đây đã được chúng tôi phiên âm lại từ
văn bản Pāḷi-Sinhala của bộ Tam Tạng nói trên và đã cố gắng giữ đúng theo số trang của văn bản gốc để tiện việc đối chiếu so sánh.
Ở phần thư mục từ đặc biệt, các số trang trích lục đã được chúng tôi kiểm tra lại và bổ túc thêm. Riêng về phần Phụ Chú, trước đây chính là những cước chú đã được chúng tôi ghi lại trong quá trình phiên dịch nhưng do việc không thể trình bày trong khuôn khổ của trang Kinh bị hạn chế nên một số cước chú đành phải được tách ra và xếp thành mục Phụ Chú.
Một đôi nơi lời dịch không tương ứng với văn bản Pāḷi vì các lý do sau: một số từ đã được dịch theo Chú Giải để ý nghĩa được rõ ràng, một số phần trùng lặp đã được giản lược nhiều hơn so với văn bản gốc, các phần trùng lặp này được ghi lại bằng nhiều ký hiệu ...(như trên)..., ...(nt)..., hoặc ..., nhưng đều có giá trị giống nhau.
Về các từ hoặc các đoạn văn có ghi dấu [*] báo hiệu sẽ có lời giải thích ở phần Phụ Chú theo số trang thích hợp. Nhân đây, chúng tôi cũng xin thành tâm tán dương công đức của Ven.  Mettāvihārī đã hoan hỷ cho phép chúng tôi sử dụng văn bản đã được phiên âm sẵn  đang phổ biến trên mạng internet. Điều này đã tiết kiệm cho chúng tôi nhiều thời gian và công sức trong việc nhận diện mặt chữ và đánh máy; tuy nhiên việc kiểm tra đối chiếu lại với văn bản chánh cũng đã chiếm khá nhiều thời gian. 
Trước khi chấm dứt, chúng tôi xin thành kính tri ân về sự nhiệt tâm khích lệ và hỗ trợ của Quý Ngài Trưởng Lão: Ven. Devahandiye Paññāsekara Nāyaka Mahāthera  đã quan tâm tạo  điều kiện thuận tiện cho chúng tôi về mọi mặt cũng như đã cung cấp cho chúng tôi những văn bản Sinhala quan trọng,
·        Ven. Kirama Wimalajothi Nāyaka Mahāthera trong cương vị giám đốc Buddhist Cultural Centre đã khuyến khích và dành cho chúng tôi mọi ưu tiên về việc in ấn,
·        Ven. Giác Chánh Mahāthera đã nhiệt tâm khuyến khích, chỉ bảo, và vận động cho Công Trình Ấn Tống Tam Tạng Song Ngữ Pāḷi Việt về nhiều mặt.
·        Không thể quên không đề cập đến sự nhiệt tình khích lệ và góp ý của hai vị Đại Đức Tâm Quang và Đại Đức Dhammapālo (Trần Văn Tha); trong những công việc có tính cách dài hạn, chính những sự hỗ trợ về tinh thần mới là điều kiện quan trọng để duy trì tâm lực. Nhân đây, chúng tôi cũng xin thành tâm ghi nhận công đức của các vị sau đây:
·        Ông B. N. Jinasena, Thư Ký chánh văn phòng của Bộ Tôn Giáo Sri Lanka,
·        Ông B. Nandasiri, quản trị viên của Buddhist Cultural Centre, phụ trách nhà sách chi nhánh tại Baudhaloka Mawatha - Colombo 07,
·        Ông Palita Liyanage quản trị viên phụ trách ấn loát của Buddhist Cultural Centre đã hướng dẫn và giúp đỡ cho chúng tôi trong mọi công việc về in ấn, và các nhân viên nhà in của trung tâm đã dành mọi ưu tiên về kỹ thưật cũng như đã phối trí thời gian cho công việc ấn tống tập Kinh này được hoàn tất nhanh chóng. 
Trước khi chấm dứt, chúng tôi thành tâm tùy hỷ và tán dương công đức của các thí chủ đã nhiệt tâm đóng góp tài chánh cho việc ấn tống tập Kinh Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo này được thành tựu, mong sao phước báu Pháp thí này luôn dẫn dắt quý  vị vào con đường tu tập  đúng theo Chánh Pháp, thành tựu Chánh Trí, chứng ngộ Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử nữa. 
Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc soạn thảo và ấn tống tập Kinh này được thành tựu đến thầy tổ, song thân, và tất cả chúng sanh trong tam giới. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ, và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau. 
Kính bút,
ngày 31 tháng 12 năm 2006
Tỳ Khưu Indacanda (Trương đình Dũng)
Nguồn:
Lời giới thiệu của Kinh Paṭisambhidāmagga  (tập I )
Patisambhidamaggapāi I - Phân Tích Đạo, tập I (2006) (Pdf. 4.3 Mb)
dịch từ Pali sang Tiếng Việt bởi Tỳ Khưu Indacanda
Bạn có thể download tập II tại đây:
Patisambhidamaggapāi II - Phân Tích Đạo, tập II (2006) (Pdf. 2.8 Mb)
Trang Web chính:                                      
http://www.paliviet.info/
Các bản dịch của Tỳ khưu Indacanda:
http://www.paliviet.info/TTPV/TTPV_BanDich.htm

---ooOoo---
Trước đây PATISAMBHIDAMAGGA thường được dịch là "Vô Ngại Giải Đạo" nghĩa là con đường, cách, phương pháp giảng giải thông suốt, không chướng ngại.  Nay Tỳ Khưu Indacanda đã dịch lại là "Phân Tích Đạo" con đường hay phương pháp phân tích. Cách dịch này cũng giống như cách dịch của tỳ Khưu Nanamoli đã dịch Patisambhidamagga ra tiếng Anh là "The path of Discrimination".
Bản dịch từ The Path of Discrimination sang tiếng Việt do cư sĩ Nguyễn Văn Ngân tại đây:
http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-vng/vng00.htm Nhờ vào công đức của các dịch giả, bản tiếng Việt của Phân Tích Đạo (Patisambhidamagga) tương truyền là công trình của Ngài Xá Lợi Phất, mới có thể xuất hiện và đến với Đạo Phật Nguyên Thủy Việt Nam vào khoảng năm 2006, nghĩa là rất mới đây thôi!. Ngoài các bài luận giảng quan trọng khác như về các Trí và các Tuệ, các bạn đọc có thể tham khảo thêm trong Phân Tích Đạo (Patisambhidamagga) về pháp thực hành Quán Niệm Hơi Thở (Anapanasati) do chính Ngài Sariputta (Xá Lợi Phất) giảng dạy. Với phương pháp luận “phân tích” mang tính khoa học, có lẽ đây là tài liệu vô cùng quí báu mà thế hệ đời sau như chúng ta phải vô cùng biết ơn và học hỏi.
(Phạm Doãn)
(http://vn.360plus.yahoo.com/phamdoan52/article?mid=2314)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét