Giới (Chánh Ngữ - Chánh Nghiệp - Chánh Mạng)


Con đường xưa
Hòa thượng Piyadassi
Minh Châu và Ðặng Tấn Hậu trích dịch 
-oOo-
Chánh Ngữ (Samma-vaca)
Chánh Nghiệp (Samma-kammata)
Chánh Mạng (Samma-ajiva)
3 điều này gọi là Giới 

Chánh Ngữ (Samma Vacca)

Chánh ngữ hay lời nói chân chánh là pháp tu thứ ba trong Bát Chánh Ðạo thuộc nhóm giới luật. Trước khi bàn về chánh ngữ, tưởng cũng nên bàn chung về giới luật trong đạo phật.
Tất cả tôn giáo và triết học đều ít nhiều dạy con người cách sống đạo đức trong xã hội. Tuy vậy, điều gì đúng cho người nầy không nhất thiết đúng cho người kia. Hành động đúng sai hay sai tùy theo mỗi chủng tộc trên thế giới. Do đó, giới đức có thể không giống nhau.
Giới luật Phật Giáo rất nhiều nhưng mục đích chỉ có một. Ðó là kiểm soát thân và khẩu. Giới luật Ðức Phật ban truyền vừa nhắm vào đời sống đạo đức vừa có tính cách hổ trợ cho sự chứng ngộ giải thoát. Ðức Phật dạy chúng ta làm điều thiện, xa rời việc ác vì tâm động không dẫn đến giải thoát. Tâm định mới dẫn đến chánh kiến. Giới luật có công năng kiểm soát thân-khẩu, là phương tiện giúp ta định tâm dễ dàng. Tâm định sẽ giúp sự quán chiếu đạt tới trí tuệ bát nhã, là mục tiêu tối hậu của Phật Giáo.
Mục tiêu giải thoát tối hậu không thể đạt được trong khoảnh khắc. Sự giác ngộ giải thoát đòi hỏi huân tập lâu ngày và tiến bộ từng giai đoạn. Tiến trình tu chứng là tiến trình từng bước một. Tâm không thể sáng suốt an định nếu hành động, lời nói, tư tưởng đầy ô nhiễm. Vì thế, điểm bắt đầu trong tiến trình tu chứng là giử giới trong sạch trước khi bước vào con đường thiền định và trí tuệ.
Phật dạy người muốn tu hãy giử giới, luôn tỉnh thức xem xét lời nói và sáu căn của mình vì đây là nơi ô nhiễm, tham ái phát sanh. Nhìn thấy sắc tướng, nghe âm thanh v.v. người nầy sẽ không để tâm rung động hấp dẫn hay ghét bỏ mà luôn ghi nhận một cách khách quan, quân bình. Trong công cuộc mưu sinh, người giử giới tránh các nghề nghiệp làm tổn hại đến sanh linh. Sống trong chánh niệm, người giử giới biết tri túc, ăn xài vừa đủ, không phải để chưng diện tấm thân mà để nuôi dưởng và dùng tấm thân nầy để phục vụ chúng sanh.
Người giới hạnh có thể thiền định không ngừng nghỉ, dần dần sẽ vượt qua các chướng ngại và phát triển trí tuệ, quán chiếu sự vật và thấy ba đặc tướng vô thường, khổ não và vô ngã. Phật dạy ngài Mogharaja: "Hãy giử chánh niệm, nhìn thế giới nầy là tánh không, hãy từ bỏ cái ta, người nầy sẽ chiến thắng ma vương". Khi hành giả trau dồi trí tuệ, người nầy sẽ có cái nhìn chân chánh, nhận thức "cái nầy không đáng cho ta ham thích". Phật dạy: "Cái gì không phải là mình hay của mình, chúng ta hãy bỏ qua. Thân không phải ta, ta nên bỏ qua, không nên bám víu vào thân. Thọ không phải ta, ta nên bỏ qua, không nên bám víu vào thọ v.v.". Tất cả những thiền định hay quán niệm kể trên, ta không thể thực hiện nếu không có căn bản giới luật trong sạch.
Nên nhớ giới luật nhà Phật không phải giáo điều cũng không phải tội cấm. Giới luật là phương pháp sống mà Ðức Phật đã từ bi chỉ dạy cho những người muốn thanh lọc thân-tâm, tránh tạo ác nghiệp cho mình. Có người cho giới luật Ðức Phật ra đã lỗi thời. Có người muốn được đặc ân của đời sống tu sĩ mà không muốn giử giới nên họ tự ý sửa đổi giới luật. Có người luận bàn giới nầy tiêu cực, giới kia tích cực, tự ý chế giảm v.v. Những việc làm nầy vô bổ, chỉ chứng tỏ sự thiếu hiểu biết về giới luật.
Năm giới căn bản (Ngũ Giới - Panca Sila) là bài học vở lòng trong đạo Phật.
1. Không sát sanh
2. Không trộm cắp
3. Không tà dâm
4. Không nói dối
5. Không dùng các chất sai.
Một người muốn trở nên người phật tử phải thọ Tam Quy và Ngũ Giới. Ðây là các giới mà ta nên thực hành hằng ngày và suốt đời. Phật giáo không bắc buộc ai tuân theo, nhưng người muốn có đời sống thánh thiện cần phải nghiêm trì giới luật.
Ðức Phật không phải thần linh thưởng phạt, bắt buộc phật tử giử giới. Chính ta chịu trách nhiệm quả do nghiệp của mình gây ra. Khi phạm giới, người phật tử không nên mặc cảm tội lỗi. Chỉ nên nhận thức sự yếu kém nhất thời của mình và quyết định không tái phạm. Hành giả tu Phật ý thức không phạm giới, họ sẽ kiểm soát được thân-khẩu, họ đang bước trên con đường thanh tịnh và hạnh phúc. Giử giới trong sạch là khi giới làm yếu dần tam độc, tham-sân-si. Thí dụ, giới thứ nhất không sát sanh chế ngự sân hận; giới thứ ba không tà dâm chế ngự ái dục; giới thứ hai không trộm cắp và giới thứ tư không nói dối chế ngự tham ái và sân hận; giới thứ năm chế ngự ái dục. Cả năm giới điều liên hệ với ảo tưởng nhất là giới thứ năm không dùng chất say. Có người luận uống rượu chút đỉnh không sao. Thật ra, khi một người dùng các chất say, tâm trí dể mê mờ, thấy sự vật sai lầm, người ấy thường gây nghiệp ác.
Mười giới sa di gồm có năm giới căn bản cộng thêm năm giới:
6. Không ăn phí thời
7. Không nghe đàn nhạc múa hát
8. Không điểm trang, đeo bông hoa, nữ trang
9. Không nằm giường cao
10. Không thọ lãnh vòng vàng, tiền bạc.
Hàng cư sĩ tập hạnh trong sạch thọ bát quan trai trong 24 giờ sẽ giử tám giới:
1. Không sát sanh
2. Không trộm cắp
3. Không tà dâm
4. Không nói dối
5. Không dùng các chất sai
6. Không ăn phí thời
7. Không nghe đàn nhạc múa hát
8. Không nằm giường cao
Vì các giới nhà Phật thường bắt đầu trình bày dưới hình thức "không làm điều ác", một số người thiếu hiểu biết hấp tấp cho giới luật nhà Phật tiêu cực. Ðức Phật dạy: "không sát sanh, hãy từ ái cứu giúp chúng sanh. Không trộm cắp, hãy bố thí cho chúng sanh. Không nói lời sân hận, hãy hiền hòa xoa dịu nỗi khổ chúng sanh". Không có giới nào trong nhà Phật gọi là tiêu cực vì định nghĩa của giới là tích cực sửa đổi.
Một người quan niệm "không trộm cắp" là giới tiêu cực, bố thí là giới tích cực. Người nầy chuyên cần bố thí mà không giử giới "không trộm cắp". Ðiều nầy có thể được không? Một người hành bố thí mà trộm cắp thật không hiểu gì về lý nghiệp báu vì không có luật bù trừ trong giáo lý nhân quả.
Ta phải dọn dẹp cỏ hoang trước, sau đó bỏ phân bón để trồng trọt. Cùng thế đó, theo đạo Phật ,một người phải thanh lọc thân-khẩu, sau đó, làm điều lành. Phật dạy:
Không làm ác
Phát triển điều lành
Giử tâm ý trong sạch
Ðó là lời Phật dạy
Muốn làm điều lành, trước hết phải chấm dứt điều ác. Người thực hành hai điều trên sẽ định tâm dể dàng. Người không nghiêm trì giới luật không thể nào hành thiền thành công.
Chánh Ngữ
Chánh ngữ là lời nói chân chánh. Lời nói là một khả năng tuyệt diệu của con người để diễn tả tư tưởng. Lời nói dịu dàng từ ái mang đến hạnh phúc cho thế gian. Ngược lại, lời nói ác độc, có khả năng tạo ra thù hận, chiến tranh, tranh chấp, gây hại không kể xiết. Phật dạy: "Nầy chư vị tỳ khưu! người nói nhiều có năm điều tai hại: nói láo, nói đâm thọc, nói lời dử, nói lời vô bổ và tái sanh về cảnh xấu".
Các giới thuộc về chánh ngữ gồm có bốn:
1. Không nói dối;
2. Không nói đâm thọc;
3. Không nói lời ác độc;
4. Không nói lời vô bổ.
Ðức Phật nhiều lần nhấn mạnh về sự quan trọng của lời nói chân thật. Từ trẻ thơ cho đến lớn, ta quen tánh nói dối, không nghĩ đến sự tai hại của lời nói không chân thật. Trong Kinh Từ Bi, Ðức Phật đặt tánh chân thật lên hàng đầu các đức tánh cao thượng. Lúc Rahula 7 tuổi vừa mới xuất gia. Ðức Phật dùng chậu nước rửa chân để ví dụ, giảng dạy cho Rahula hiểu người không ghê sợ nói dối thật nhỏ nhoi, ít oi, đáng đổ đi như nước dơ trong chậu. Người nói dối sẽ không biết ghê sợ tội lỗi nào. Ðức Phật nhắc nhở không bao giờ nói lời không chân thật dầu đó là lời nói đùa.
Nói lời đâm thọc là lỗi thứ hai. Danh từ Nam Phạn pisunavaca nghĩa đen là lời nói chia rẽ, gây nghi kỵ. Nói lời dèm xiểm hại đến thanh danh kẻ khác là một lỗi nặng vừa không chân thật, vừa có ý hại người.
Lỗi thứ ba là nói lời ác độc. Lời nói có thể mang lại hạnh phúc hay đau khổ, được hay mất, danh thơm hay tiếng xấu, khen hay chê. Một lời từ ái có thể làm mềm lòng những con tim chai đá. Hãy suy nghĩ chính chắn trước khi buông ra lời nói ác, tạo khổ não cho người, vì lời nói thốt ra không bao giờ rút lại được.
Lỗi thứ tư là nói lời vô bổ, không ích lợi cho bất cứ ai. Phật dạy: "Nầy tỳ khưu! chư tăng ni chỉ có hai điều để nói khi ngồi lại với nhau: nói về giáo pháp hay im lặng". Theo Phạn ngử, chử "mâu ni (muni)" cũng có nghĩa là im lặng. Ta không thường nghe câu "im lặng là vàng, lời nói là bạc" hay sao?
Tóm lại, chánh ngữ là: nói chánh pháp, nói lời an lành và lời nói chân thật, nói lời không làm người khác đau khổ. Chân lý là lời nói bất tử. Lời Phật là chân lý dẫn đến Niết Bàn, chấm dứt sanh tử.
-oOo-

Chánh Nghiệp (Samma Kammanta)

Chánh nghiệp là hành động chân chánh nhằm gây ra quả lành, không tạo nghiệp ác. Chánh nghiệp là pháp tu thứ tư trong Bát Chánh Ðạo thuộc nhóm giới đức nhằm kiểm soát thân. Hành động có tác ý là nghiệp, sẽ sanh ra quả báu ví như bánh xe lăn theo dấu chân con bò. Người giàu kẻ nghèo, người mạnh kẻ yếu; tất cả do nghiệp của ta gây ra.
Chánh nghiệp gồm có ba: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, vì lòng từ bi không tổn hại sinh mạng, không lấy của người và giử đời sống trong sạch. Người sống với chánh nghiệp vừa rèn luyện đức hạnh chính mình, vừa tạo hòa bình, an vui cho kẻ khác. Người có chánh nghiệp là người sống trong bình an, không lo sợ. Người có chánh nghiệp là người có tâm từ bi. Người không có lòng từ bi, khó nghiêm trì giới luật vì bị tâm tham-sân-si lôi cuốn. Ngược lại, một người đã thấm nhuần từ bi không thể có hành động nào tổn hại đến chúng sanh.
Muốn giử giới trong sạch, ta phải tập theo dõi, kiểm soát tâm. Tâm không uốn nắn thật có đủ cách xúi dục thân và khẩu tạo hành động bất thiện đưa đến nghiệp quả ác. Chánh nghiệp không phải là đức tánh tự nhiên của một người. Ngược lại, người giử giới là một vị đã bỏ nhiều thời giờ, công sức tinh tấn trong việc rèn luyện tâm, suy niệm, luôn tỉnh thức, cảnh giác và thiền định. Phương pháp trau dồi chánh nghiệp là thu thúc lục căn. Một người chạy theo dục vọng, không thể giử giới, không thể kiểm soát tâm. Chưa thực hành được bước vở lòng, người ấy không thể học hỏi tu hành gì được. Ngược lại, một người đã được cha mẹ dạy giử giới trong sạch từ nhỏ, người ấy quen thuộc sống trong giới hạnh một cách tự nhiên dể dàng.
Nên nhớ, giử giới trong sạch hoàn toàn tùy thuộc vào quyết tâm từng cá nhân. Ðức Phật, thầy tổ khuyên răn nhưng không ai bắt buộc ta giử giới được. Vào thời Ðức Phật còn tại thế đã có vấn đề các vị sư xuất gia phá giới. Ðệ tử bạch Phật nên đối đải thế nào với hạng sư ấy. Ðức Phật dạy: "Nầy Kesi! con huấn luyện ngựa bằng cách nào? Dổ dành trước, dổ không được, con dùng roi quất nó, nếu vẫn không được, con giết phứt nó đi. Cùng thế đó, Như Lai dạy đệ tử giử giới qua ba cách trên. Dổ dành là ta dạy đời sống phẩm hạnh mang đến hạnh phúc, an vui, được mọi người xưng tán. Trừng phạt là ta dạy giử giới tạo nghiệp lành, sẽ tái sanh vào cảnh trời, thần và người; không giử giới tạo nghiệp ác sẽ tái sanh vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Ðối với kẻ không dạy được qua hai cách trên, ta giết đi, tức là ta không kể tới và không khuyên răn nữa, kẻ ấy thật đã hết thuốc chữa".
Không sát sanh:
Giới đầu tiên là không hại sanh mạng chúng sanh, bao gồm tất cả sinh vật kể cả con người và cầm thú. Ðời sống chúng sanh quý báu, tất cả đều quý chuộng mạng sống của chính mình, ta không nên tổn hại đến.
Mọi người sợ đao trượng
Mọi người thích sống còn
Hãy so sánh tự thân
Không giết, không bảo giết
Sát sanh là tạo nghiệp ác, dầu vật bị giết nhỏ như con kiến, con ve, dầu sát sanh vì lý do giải trí (câu cá, săn bắn) hay vì học hỏi (thí nghiệm) hoặc vì sức khỏe (vệ sinh). Khi đã phạm giới sát sanh, tốt hơn nên nhận thức việc làm ấy để sám hối. Không nên tìm lý do tự bào chữa, cho là vì lý do nầy hay lý do khác, sự sát sanh nầy không tạo nghiệp, chỉ tự lừa dối mình một cách ngu xuẩn.
Người hay sát sanh sẽ khổ trong đời nầy và tái sanh vào cảnh khổ. Người không giết hại hay cứu giúp chúng sanh sẽ tái sanh vào nhàn cảnh hoặc tái sanh thành người không bệnh tật, đời sống lâu dài.
Nói đến sát sanh, tưởng ta nên bàn đến vấn đề ăn chay. Ðức Phật không bao giờ cấm ăn thịt miễn là thịt đó không do ta biểu giết, không thấy vật bị giết, và không nghi ngờ người ta giết đặc biệt để mình ăn. Người ăn trứng non, trứng lộn là phạm giới sát sanh. Ngoài ra, ăn chay hay mặn tùy ý thích cá nhân hay phong tục. Ăn chay được rất tốt nhưng không nên vì đó gây khó khăn tạo thêm việc làm cho người nấu ăn; cũng không nên chỉ trích người không ăn chay thiếu lòng từ bi.
Không trộm cắp
Phạm giới không trộm cắp không nặng bằng phạm giới sát sanh nhưng cũng làm người đau khổ không ít. Kẻ trộm cướp đôi khi trở nên hung bạo và phạm luôn giới sát sanh. Nhà buôn thường rất dể phạm giới trộm cắp vì tất cả hình thức gạt gẩm gian lận thuộc giới trộm cắp. Trộm cắp có nhiều hình thức khác nhau. Lấy vật không cho là trộm cắp. Hàng xấu nói tốt là trộm cắp. Hàng rẻ bán mắc là trộm cắp. Người thợ lãnh lương nhưng không làm việc là trộm cắp. Người chủ trả lương không tương xứng cho thợ cũng gọi là trộm cắp. Thật khó sống an lành trong thế giới lừa đảo. Cách hay nhất là thành thật với chính mình. Nếu hiểu biết mọi vật trên thế gian đều tạm bợ, giả tạo, tập sống tri túc với những gì mình có, tâm tham lam càng ngày càng giả, ta sẽ giử giới không trộm cắp dể dàng hơn.
Không tà dâm
Không tà dâm là giới thứ ba trong chánh nghiệp. Dục vọng làm con người nô lệ thể xác, làm bậc hiền triết trở thành kẻ hạ lưu. Người trí trở thành ngu.
Giới không tà dâm áp dụng cho cư sĩ và tăng sĩ khác nhau. Ðức Phật không đòi hỏi người cư sĩ sống độc thân. Ngài dạy ta không nên có hành động sai lầm về sắc dục như điếm đàng, hoang dâm vô độ, gian thông vợ chồng người, sắc dục sái thời, sái chổ v.v. là nhân dẫn đến địa ngục. Một người già lấy vợ trẻ, đêm ngủ không được vì ghen tuôn, cũng phạm giới tà dâm. Ðức Phật khuyên hàng cư sĩ thỉnh thoảng thọ bát quan trai để giảm tham ái sắc dục.
Ðối với hàng tăng sĩ, giới không tà dâm là hoàn toàn không đụng chạm sắc dục. Ðức Phật giảng sắc dục là sức lôi cuốn hấp dẫn mạnh nhất đối với con người, nên đây là giới khó giử. Vì thế, ngài thường khuyên hàng tăng sĩ cần tinh tấn thiền định để hóa giải những đòi hỏi thể xác và chuyển sinh lực sắc dục vào phỉ lạc thiền định. Từ thời Ðức Phật còn tại thế, cũng có nhiều tăng sĩ không kiểm soát được thân giới, phạm tà hạnh. Ðối với những người nầy, Ðức Phật khuyên nên cởi y trở về đời sống cư sĩ. Việc làm nầy được xem như hoàn toàn tự nhiên, không mặc cảm tội lỗi. Ngược lại, nếu tiếp tục đắp y mà phạm giới tà dâm là đi thẳng xuống địa ngục.
Tóm lại, Phật dạy:
Ai sống hại sanh linh
Nói láo trong đời nầy
Lấy của người không cho
Qua lại với vợ người
Lại rượu chè say sưa
Người sống đời sống ấy
Tất chính ngay đời nầy
Tự đào bỏ thiện căn
Hãy ghi nhớ bài học Ðức Phật dạy Rahula. Hằng ngày soi kinh để nhìn thẳng vào hành động chính mình. Việc nào ta làm mang lại an lành cho mình và chúng sanh là điều tốt nên làm. Việc nào ta làm không mang lại an lành cho mình và chúng sanh là điều ác nên tránh.
-oOo-

Chánh Mạng (Samma Ajiva)

Chánh mạng là đời sống chân chánh, là pháp tu thứ năm trong Bát Chánh Ðạo thuộc nhóm giới đức. Chánh mạng là không hành nghề tổn hại đến chúng sanh để làm giàu cho mình như buôn bán vủ khí, buôn bán thú, buôn bán nô lệ, buôn bán các chất sai và buôn bán thuốc độc.
Ðối với các bận lãnh đạo, vua quan phải nêu gương đời sống chân chánh. Ðức Phật dạy mười đức tánh cần có: bố thí, giới luật, hy sinh, chân thật hiền hòa, không sống xa hoa, tự chế, không sân, không hung bạo, nhẫn nhục rộng lượng. Phật dạy bậc lãnh đạo phải sống trong giáo pháp, tránh làm điều ác: "Nếu người lãnh đạo sống chân chánh, nhiều người sẽ noi theo, và xã hội sẽ an lạc. Bậc vua chúa hãy đối xử thần dân như con và tránh xa bốn điều tai hại khi cai trị: tham lam, sân hận, lo sợ, ảo tưởng".
Ngày nay, có quá nhiều nghề nghiệp không chân chánh trong xã hội. Nhiều người buôn bán vủ khí, buôn bán rượu, buôn bán gái điếm, hành nghề đồ tể, viết báo đồi trụy, quảng cáo dối trá. Người Phật tử nên nghĩ đến nghiệp quả và tinh thần giới hạnh trong việc chọn lựa công ăn việc làm.
Chánh mạng mang lại hạnh phúc cho cá nhân và xã hội. Ðời sống không chân chánh sẽ dẫn đến sầu não. Khi một người bốc lột người khác, xã hội sẽ không có hòa bình an vui. Ðức Phật không chờ đợi người cư sĩ phải giử giới giống như tăng sĩ nhưng ít ra cũng phải giử năm giới và có nghề nghiệp chân chánh để nuôi gia đình. Lường gạt, trộm cắp không phải nghề chân chánh.
Trong bản kinh Sigala Sutta, Ðức Phật dạy rỏ lối sống và bổn phận của người cư sĩ: giữa cha con, vợ chồng, bạn bè, chủ tớ, thầy trò. Ngài còn chỉ rỏ bổn phận cư sĩ đối với đạo Pháp và tăng sĩ. Ngài khuyến khích người cư sĩ sống chân chánh tùy theo khả năng. Nếu cá nhân trong sạch, xã hội sẽ không đến nổi tệ.
Trong một bài pháp giảng cho ông Cấp Cô Ðộc, vị thí chủ đã xây dựng Kỳ Viên Tịnh Xá. Ðức Phật đề cập đến bốn hạnh phúc của hàng cư sĩ:
- hạnh phúc kinh tế đầy đủ dựa vào tự lực cánh sinh và chánh mạng (atthi sukha);
- hạnh phúc có tài sản (bogha sukha);
- hạnh phúc không nợ nần (anana sukha);
- hạnh phúc có đời sống trong sạch không lỗi lầm (anavajja sukha).
Hạnh phúc chỉ đến cho người có đời sống bình dị, hòa bình và tri túc. Ðức Phật thường nhắc nhở người cư sĩ nên có đời sống kinh tế căn bản đầy đủ để dể dàng chủ tâm tu học.
Lần nọ, có người nông phu đến nghe pháp lúc bụng đói. Ðức Phật bảo người mang thức ăn cho ông nông phu ăn trước khi ngài thuyết pháp.
Ðói khát, bệnh tối thượng
Các hành, khổ tối thượng
Hiểu chân thực như vậy
Niết Bàn, lạc tối thượng.
Ðối với hàng tăng sĩ. Ðức Phật đặt chánh mạng lên hàng đầu. Trong kinh Anguttara Nikaya, ngài chỉ rỏ: "Nầy tỳ khưu! vị nào lừa dối người, ngoan cố, tự kiêu, loạn động, vị ấy không phải đệ tử Như Lai. Vị ấy đã xa rời chánh pháp, vị ấy không thể trưởng thành trong giáo pháp. Ðời sống xuất gia không phải để lường gạt người, không phải để được lợi, không phải để được tiếng tăm, không phải để khoe khoan. Ðời sống xuất gia chỉ để thu thúc lục căn diệt trừ tham ái và giải thoát".
Ðã xuất gia, người tăng sĩ không còn trách nhiệm nuôi dưỡng gia đình nên vấn đề nghề nghiệp đối với một vị sư chỉ là thiền định và thuyết pháp. Hàng tăng sĩ có bốn thứ vật dụng cần được cư sĩ hộ trì là Y, Thuốc, Chổ ở và Lương Thực. Ngoài ra người tăng sĩ không nên bận tâm đến tiền bạc, tài sản vì đó chỉ là chướng ngại cho đường tu hành giải thoát.
-oOo-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét