KINH PHẠM VÕNG - thuộc Trường Bộ Kinh (Tỳ-kheo GIÁC LỘC dịch Việt, Bhikkhu BODHI Anh ngữ))



KINH PHẠM VÕNG
CÂU CHUYỆN HAI DU SĨ
PARIBBĀJAKAKATHĀ
1. Tôi đã nghe như vầy. Một dịp nọ Thế Tôn khởi hành từ Vương Xá đến Nālanda cùng với đại chúng tỳ-kheo, khoảng năm trăm vị. Đồng thời du sĩ Suppiya cũng du hành trên con đường đó cùng với người đệ tử, thanh niên Brahmadatta. Trên đường đi, du sĩ Suppiya dùng đủ lý lẽ để hủy báng Phật, Pháp, Tăng. Nhưng người đệ tử, thanh niên Brahmadatta, dùng đủ lý lẽ để ca tụng Phật, Pháp, Tăng. Như vậy hai thầy trò, theo sau Thế Tôn và chúng tỳ-kheo, đã nói những lời hoàn toàn mâu thuẫn nhau.
2. Bấy giờ Thế Tôn cùng với chúng tỳ-kheo vào trú xá hoàng gia ở vườn Ambalatthika để nghỉ qua đêm. Du sĩ Suppiya cùng với thanh niên Brahmadatta cũng vào trú xá hoàng gia đó để nghỉ qua đêm. Tại đây, du sĩ Suppiya cũng dùng nhiều lý lẽ để hủy báng Phật, Pháp, Tăng, trong khi người đệ tử dùng nhiều lý lẽ để ca tụng Tam Bảo. Hai thầy trò ngụ gần Thế Tôn và chúng tỳ-kheo, đã nói những lời hoàn toàn mâu thuẫn nhau.
3. Khi bình minh lóng dạng, một số tỳ-kheo, sau khi thức dậy đã tụ họp trong nhà họp (ngôi nhà hình tròn, nóc nhọn). Câu chuyện sau đây diễn ra trong nhóm tỳ-kheo đó: "Chư hiền giả, thật kỳ diệu, thật hy hữu, Thế Tôn bậc Toàn tri, Toàn kiến, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Ngài đã thâm nhập hết thảy tâm hướng sai biệt của chúng sanh. Du sĩ Suppiya dùng nhiều lý lẽ để hủy báng Phật, Pháp, Tăng trong khi người đệ tử, thanh niên Brahmadatta dùng nhiều lý lẽ để ca tụng Tam Bảo. Hai thầy trò theo sau Thế Tôn và chúng tỳ-kheo, đã nói những lời hoàn toàn mâu thuẫn nhau."
4. Khi ấy Thế Tôn biết được cuộc thảo luận của các tỳ-kheo kia. Ngài bước vào nhà họp, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn và hỏi: "Chư tỳ-kheo, hiện giờ các ngươi đang bàn chuyện gì? Đề tài của câu chuyên liên quan đến vần đề nào?"
Các tỳ-kheo đáp: Bạch Thế Tôn, khi bình minh ló dạng chúng con tựu trong nhà họp. Câu chuyện sau đây khởi lên giữa chúng con: "Chư hiền giả, thật kỳ diệu, thật hy hữu, Thế Tôn bậc Toàn tri, Toàn kiến, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Ngài đã thâm nhập hết thảy tâm hướng sai biệt của chúng sanh. Du sĩ Suppiya dùng nhiều lý lẽ để hủy báng Phật, Pháp, Tăng trong khi người đệ tử, thanh niên Brahmadatta dùng nhiều lý lẽ để ca tụng Tam Bảo. Hai thầy trò theo sau Thế Tôn và chúng tỳ-kheo, đã nói những lời hoàn toàn mâu thuẫn nhau." Bạch Thế Tôn, đây là câu chuyện chúng con đang tàn thì Thế Tôn đến.
5. Chư tỳ-kheo, nếu những ai hủy báng Ta, hủy báng Pháp hoặc hủy báng Tăng, các ngươi không nên tỏ ra bực tức, bất mãn hoặc phẫn nộ đối với họ. Vì trong tình thế đó các ngươi chỉ tạo ra một chướng ngại cho chính mình. Nếu các ngươi giận dữ hoặc bất bình khi những ai hủy báng chúng ta, các ngươi có thể nhận thức những lời của họ là đúng hay là sai không?
"Bạch Thế Tôn, chắc chắn không?"-Chư tỳ-kheo, những ai hủy báng Ta, Pháp hoặc Tăng, các ngươi nên giải thích điều nào là sai lầm và chỉ ra chỗ sai đó, rằng: "Vì sao đây là sai, không xác thực, không có điều nào như thế về phía chúng tôi, điều này không bao giờ có nơi chúng tôi."
6. Chư tỳ-kheo, nếu những ai ca tụng Ta, Pháp hoặc Tăng, các ngươi không nên tỏ ra hân hoan, hài lòng và thỏa thích. Vì trong tình thế đó, các ngươi chỉ tạo ra một chướng ngại cho chính mình. Nếu những ai ca tụng Ta, Pháp hoặc Tăng, các ngươi nên thừa nhận điều nào là thật, rằng "Vì sao đây là thật, xác đáng, có điều như thế về phía chúng tôi, điều này đương nhiên có nơi chúng tôi."
7. Chư tỳ-kheo, chỉ liên quan đến những vấn đề nhỏ nhặt, tầm thường, không ngoài những tiểu tiết nhỏ về giới luật thuần túy mà một phàm phu đề cập đến khi ca tụng Như Lai. Những tiểu tiết về giới luật thuần túy là gì mà kẻ phàm phu đề cập đến?
8-27 (Giải thích về Giới ...)
NHỮNG SUY ĐOÁN VẾ QUÁ KHỨ
(PUBBANTAKAPPIKA)
28. Chư tỳ-kheo, có các pháp khác, sâu xa, khó thấy, khó hiểu, an tịnh, cao thượng, vượt qua phạm vi luận lý, chỉ người có trí mới có thể hiểu biết mà Như Lai, sau khi tự mình chứng ngộ với tuệ toàn tri đã tuyên thuyết cho những kẻ khác; và chính vì đối với các pháp này mà những ai ca tụng một cách đúng đắn các đức hạnh như thực của Như Lai sẽ bàn đến. Các pháp này là gì?
29. Chư tỳ-kheo, có một số sa-môn và bà-la-môn là những nhà suy đoán về quá khứ, nắm lấy những quan điểm về quá khứ và ở trên mười tám lập trường khẳng định các tà kiến liên quan đến quá khứ. Và do cái gì, liên quan đến điều gì, những sa-môn và bà-la-môn này dựng lên các suy đoán của họ?
CHỦ THUYẾT THƯỜNG KIẾN
(SASSATAVĀDA)
30. Chư tỳ-kheo, có một số sa-môn và bà-la-môn là những nhà thường kiến, và đứng trên bốn lập trường tuyên bố ngã và thế giới là thường hằng. Và do cái gì, liên quan đến điều gì, những sa-môn và bà-la-môn này tuyên bố các quan điểm của họ.
31. Chư tỳ-kheo, trong trường hợp thứ nhất có vị sa-môn hoặc bà-la-môn, do nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, chuyên cần và chánh tác ý nên đạt đến tâm định và do đó vị ấy nhớ lại nhiều đời sống quá khứ: một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời hoặc một trăm ngàn đời, nhiều trăm đời, nhiều ngàn đời, nhiều trăm ngàn đời. Vị ấy nhớ: "Lúc đó tôi có tên như thế, thuộc về một gia tộc như thế, hình dáng như thế, thức ăn như thế, tuổi thọ như thế. Sau khi từ bỏ cõi đó, tôi sanh ở cõi khác. Tại đấy, tôi cũng có tên như thế, thuộc về một gia tộc như thế, hình dáng như thế, thức ăn như thế, kinh nghiệm hạnh phúc và đau khổ như thế, tuổi thọ như thế. Từ cõi đó, tôi tái sanh ở đây. Như vậy, vị ấy nhớ lại nhiều đời sống quá khứ cùng với các đặc điểm và các chi tiết liên quan (như tên, tuổi, gia tộc).
Vị ấy nói như vầy: Ngã và thế giới là thường hằng, bất sanh, kiên cố như đảnh núi, đứng vững như thạch trụ và mặc dù chúng sanh này luân hồi, diệt và sinh, tuy nhiên ngã và thế giới vẫn y như vật thường trụ. Vì sao? Bởi vì do nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, chuyên cần và chánh tác ý nên đạt đến tâm định và do đó tôi nhớ lại nhiều đời sống quá khứ cùng với các đặc điểm và các chi tiết liên quan. Vì lẽ đó tôi biết: ngã và thế giới là thường hằng, bất sanh, kiên cố như đảnh núi, đứng vững như thạch trụ và mặc dù những chúng sanh này luân hồi, diệt và sinh, tuy nhiên ngã và thế giới vẫn y như vật thường trụ.
32. Trong trường hợp thứ hai, do cái gì, liên quan đến điều gì, một số sa môn và bà-la-môn là những nhà thường kiến tuyên bố ngã và thế giới là thường hằng?
Chư tỳ-kheo, ở đây có vị sa-môn hoặc bà-la-môn, do nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, chuyên cần và chánh tác ý nên đạt đến tâm định và do đó vị ấy nhớ lại nhiều đời sống quá khứ: một thành và hoại kiếp, hai, ba, bốn, năm, hoặc mười thành và hoại kiếp. Vị ấy nhớ lại: "Lúc đó tôi có tên như thế, thuộc về một gia tộc như thế, hình dáng như thế, thức ăn như thế, kinh nghiệm hạnh phúc và đau khổ như thế, tuổi thọ như thế. Sau khi bỏ cõi đó, tôi tái sanh ở nơi khác. Tại đấy, tôi cũng có tên như thế, thuộc về một gia tộc như thế, kinh nghiệm vui và khổ như thế, tuội thọ như thế. Diệt từ cõi đó, tôi tái sanh ở đây. Như vậy vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các đặc điểm và các chi tiết liên quan.
Vị ấy nói như vầy: Ngã và thế giới là thường hằng, bất sanh, kiên cố như đảnh núi, đứng vững như thạch trụ. Và mặc dù những chúng sanh này luân hồi, diệt và sinh. Tuy nhiên ngã và thế giới vẫn y như vật thường trụ. Vì sao? (Phần còn lại giống đoạn 31, ngoại trừ khoảng thời gian).
33. Trong trường hợp thứ ba, do cái gì, liên quan đến điều gì, một số sa-môn và bà-la-môn là những nhà thường kiến, tuyên bố ngã và thế giới là thường hằng?
Chư tỳ-kheo, ở đây một số sa-môn hoặc bà-la-môn, do nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, chuyên cần và chánh tác ý nên đạt đến tâm định và do đó vị ấy nhớ lại nhiều đời sống quá khứ: mười thành và hoại kiếp, hai mươi, ba mươi hoặc bốn mươi thành và hoại kiếp…. (như trên). Như vậy vị ấy nhớ lại nhiều đời sống quá khứ cùng với các đặc điểm và các chi tiết liên quan.
Vị ấy nói như vầy: "Ngã và thế giới là thường hằng, bất sanh, kiên cố như đảnh núi, đứng vững như thạch trụ. Và mặc dù những chúng sanh này luân hồi, diệt và sinh. Tuy nhiên ngã và thế giới vẫn y như vật thường trụ. Vì sao? (Như đoạn 31, ngoại trừ khoảng thời gian.)
34. Trong trường hợp thứ tư, do cái gì, liên quan đến điều gì, một số sa-môn và bà-la-môn là những nhà thường kiến, tuyên bố ngã và thế giới là thường hằng?
Chư tỳ-kheo, ở đây có vị sa-môn hoặc bà-la-môn là nhà suy luận, nhà khảo sát. Vị ấy tuyên bố quan điểm như vầy, được rút ra do suy luận, được tìm ra từ những khảo sát, theo tư tưởng mơ mộng của mình, như vầy: "Ngã và thế giới là thường hằng, bất sanh, kiên cố như đảnh núi, đứng vững như thạch trụ. Và mặc dù những chúng sanh này luân hồi, diệt và sinh. Tuy nhiên ngã và thế giới vẫn y như vật thường trụ."
35. Chư tỳ-kheo, đứng trên bốn lập trường này mà những sa-môn và bà-la-môn kia tuyên bố ngã và thế giới là thường hằng. Bất cứ sa-môn và bà-la-môn nào tuyên bố ngã và thế giới là thường hằng, tất cả làm như thế trên bốn lập trường này, hoặc trên một trong chúng. Không có quan điểm nào bên ngoài bốn lập trường.
36. Chư tỳ-kheo, điều này Như Lai hiểu và Ngài hiểu: "Những quan điểm này nhận lầm như vậy và nắm giữ sai lạc như vậy, dẫn đến một sanh thú như thế, đến một kết quả như thế ở đời sau. Ngài cũng hiểu pháp nào vượt qua điều này. Tuy hiểu biết như thế Ngài không nắm giữ sai lạc và bởi vì tà chấp đã được giải thoát. Ngài đã tự chứng ngộ trạng thái an tịnh toàn hảo. Sau khi hiểu như thực sự sinh khởi và sự diệt tận của các cảm thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly chúng, Như Lai đã giải thoát không có chấp thủ.
37. Chư tỳ-kheo, đây là các pháp sâu xa, khó thấy, khó hiểu, an tịnh và cao thượng, vượt qua phạm vi luận lý, tế nhị, chỉ người có trí mới có thể hiểu biết, mà Như Lai sau khi tự mình chứng ngộ với tuệ toàn tri, đã tuyên thuyết cho những kẻ khác; và chính vì đối với các pháp này mà những ai ca tụng một cách đúng đắn các đức hạnh như thực của Như Lai sẽ bàn đến.
CHỦ THUYẾT THƯỜNG KIẾN PHIẾN DIỆN
(EKACCASASSTAVĀDA)
38. Chư tỳ-kheo, có một số sa-môn và bà-la-môn là những nhà thường kiến đối với vài điều, và không phải những nhà thường kiến đối với những điều khác, họ đứng trên bốn lập trường tuyên bố ngã và thế giới là một phần thường hằng và một phần không thường hằng, Do cái gì, liên quan đến điều gì những sa môn và bà-la-môn này tuyên bố các quan điểm của họ.
39. Chư tỳ-kheo, đến một thời, sau một thời kỳ dài thế giới này tiêu hoại. Trong khi thế giới tiêu hoại, phần lớn chúng sanh tái sanh vào cõi Quang Âm Thiên. Các Phạm thiên này sống ở đấy, do tâm tạo, nuôi sống bằng ý, thân tỏa hào quang, phi hành qua hư không, trú trong tịnh lạc. Chư vị tiếp tục sống như vậy trong một thời gian rất lâu.
40. Chư tỳ-kheo, sau một thời kỳ dài, đến một thời khi thế giới này bắt đầu hình thành trở lại, một Phạm cung trống không xuất hiện. Lúc đó có chúng sanh, do hết tuổi thọ hoặc hết phước, từ bỏ Quang Âm Thiên và tái sanh trong Phạm cung trống không. Vị này sống ở đấy, do tâm tạo, nuôi sống bằng hỷ, thân tỏa hào quang, phi hành qua hư không, trú trong tịnh lạc và tiếp tục sống như vậy trong một thời gian rất lâu.
41. Sống một mình nơi Phạm cung quá lâu, vị Phạm thiên này sanh tâm chán nản và xao xuyến nên mong ước: "Các chúng sanh khác hãy đến nơi này!" Ngay lúc đó, do hết tuổi thọ hoặc hết phước, các chúng sanh khác từ bỏ Quang Âm Thiên và tái sanh trong Phạm cung để làm bạn với vị Phạm thiên đầu tiên. Họ sống ở đấy, do tâm tạo, nuôi sống bằng hỷ, thân tỏa hào quang, phi hành qua hư không, trú trong tịnh lạc và tiếp tục sống như vậy trong một thời gian rất lâu.
42. Bấy giời chúng sanh mà tái sinh ở đấy trước tiên tự nghĩ: Ta là Phạm Thiên, Đại Phạm Thiên, Thắng Giả, Vô Địch, Đại Thấu Thị, Đại Thần Lực, Thượng Đế, Sáng Thế, Tạo Hóa, Chí Thánh, Thần Định Mạng, Đấng Tự Tại, Cha của tất cả chúng sanh đã sanh và sẽ sanh. Những chúng sanh này do ta tạo ra. Vì sao? Bởi vì trước đó ta đã mong ước: "Các chúng sanh kia hãy đến nơi này!" Sau khi ta đã khởi tâm như thế, bây giờ các chúng sanh này đã đến.
Các chúng sanh mà tái sanh ở đấy sau vị ấy cũng nghĩ: Vị này là Phạm Thiên, Đại Phạm Thiên, Thắng Giả, Vô Địch, Đại Thấu Thị, Đại Thần Lực, Thượng Đế, Sáng Thế, Tạo Hóa, Chí Thánh, Thần Định Mạng, Đấng Tự Tại, Cha của tất cả chúng sanh đã sanh và sẽ sanh. Chúng ta do Ngài tạo ra. Vì sao? Bởi vì chúng ta thấy rằng vị ấy sanh ở đây trước và chúng ta xuất hiện sau Ngài.
43. Chư tỳ-kheo, ở đây chúng sanh mà tái sanh trước có tuổi thọ dài hơn, dung sắc tuyệt diệu hơn, oai lực hùng hậu hơn các chúng sanh sinh sau.
44. Chư tỳ-kheo, bấy giờ, sự kiện này xảy ra, một chúng sanh sau khi từ bỏ cõi đó, tái sanh ở đời này, sau đó vị ấy xuất gia và do nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, chuyên cần và chánh tác ý nên đạt đến tâm định và nhờ định này vị ấy nhớ lại đời sống trước đó của mình, nhưng không nhớ hơn kiếp đó. Vị ấy nói như vầy: "Chúng ta được sáng tạo do Phạm Thiên, Đại Phạm Thiên, Thắng Giả, Vô Địch, Đại Thấu Thị, Đại Thần Lực, Thượng Đế, Sáng Thế, Tạo Hóa, Chí Thánh, Thần Định Mạng, Đấng Tự Tại, Cha của tất cả chúng sanh đã sanh và sẽ sanh. Ngài là vĩnh cửu, bền vững, thường hằng, không bị thay đổi và sẽ y như vật thường trụ. Nhưng chúng ta do Ngài tạo ra và xuất hiện ở đời này-Chúng ta là vô thường, không bền vững, thọ mạng ngắn, bị biến hoại. Chư tỳ-kheo, đây là trường hợp thứ nhất.
45. Trong trường hợp thứ nhì, do cái gì, liên quan đến điều gì, một số sa-môn và bà-la-môn là những nhà thường kiến đối với vài điều và không phải nhà thường kiến đối với những điều khác, tuyên bố ngã và thế giới là một phần thường hằng và một phần không thường hằng?
Chư tỳ-kheo, có những chư thiên gọi là "bị sa đoạ do vui đùa". Những vị này phung phí nhiều thời gian say đắm trong hoan lạc vui đùa. Do đó họ quên ăn và từ bỏ cõi đó.
46. Chư tỳ-kheo, bấy giờ, sự kiện này xảy ra, có chúng sanh sau khi từ bỏ cõi đó, tái sanh ở đời này, sau đó vị ấy xuất gia và do nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, chuyên cần và chánh tác ý nên đạt đến tâm định và nhờ định này vị ấy nhớ lại đời sống trước đó của mình, nhưng không nhớ hơn kiếp đó. Vị ấy nói như vầy: "Những chư thiên nào không bị sa đọa do vui đùa, không phung phí thời gian say đắm trong hoan lạc vui đùa. Do đó họ không quên ăn, và bởi vì họ không quên ăn nên không từ bỏ cõi đó. Những chư thiên đó là vĩnh cửu, bền vững, thường hằng, không thay đổi và sẽ y như vật thường trụ."
47. Chư tỳ-kheo, có những chư thiên gọi là "bị sa đoạ do ý." Những chư thiên này nhìn nhau với tâm ganh tỵ quá đáng. Do đó tâm của họ bị sa đọa bởi sân hận đối với nhau, khiến cho thân và tâm của họ bị kiệt lực và họ phải từ bỏ cõi đó.
48. Chư tỳ-kheo, bấy giờ, sự kiện này xảy ra, có chúng sanh sau khi từ bỏ cõi đó, tái sanh ở đời này, sau đó vị ấy xuất gia và do nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, chuyên cần và chánh tác ý nên đạt đến tâm định. Do định này vị ấy nhớ lại đời sống trước đó của mình, nhưng không nhớ hơn kiếp đó. Vị ấy nói như vầy: "Những chư thiên nào không bị sa đọa do ý, không nhìn nhau với tâm ganh tỵ quá đáng. Kết quả là tâm của họ không bị sa đọa bởi sân hận đối với nhau, thân và tâm họ không bị kiệt lực và họ không từ bỏ cõi đó. Những chư thiên đó là vĩnh cửu, bền vững, thường hằng, không thay đổi và sẽ y như vật thường trụ. Nhưng chúng ta là những chư thiên bị sa đọa do ý. Chúng ta nhìn nhau với tâm ganh tỵ quá đáng, kết quả là tâm chúng ta bị sa đọa bởi sân hận đối với nhau. Do đó thân và tâm chúng ta bị kiệt lực và phải từ bỏ cõi đó. Xuất hiện ở đời này, giờ đây chúng ta là không vĩnh cửu, không bền vững, thọ mạng ngắn, chịư sự biến hoại. Chư tỳ-kheo, đây là trường hợp thứ ba.
49. Trong trường hợp thứ tư: Chư tỳ-kheo, ở đây có sa-môn hoặc bà-la-môn là những nhà suy luận, nhà khảo sát. Vị ấy tuyên bố quan điểm của mình, được rút ra do suy luận, được tìm ra nhờ những khảo sát, theo tư tưởng mơ mộng của mình, như vầy: "Điều mà gọi là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân" - ngã đó là không vĩnh cửu, không bền vững, không thường hằng, bị thay đổi. Nhưng điều mà gọi là "Tâm, ý hoặc thức" - ngã đó là vĩnh cữu, bền vững, thường hằng, không bị biến hoại và sẽ y như vật thường trự.
50. Chư tỳ-kheo, đứng trên bốn lập trường này, những sa-môn và bà-la-môn kia tuyên bố ngã và thế giới một phần thường hằng và một phần không thường hằng. Bất cứ sa-môn và bà-la-môn nào tuyên bố ngã và thế giới là thường hằng phiến diện, tất cả làm thế trên bốn lập trường, hoặc một trong bốn lập trường. Không có quan điểm nào ở bên ngoài chúng.
51. Chư tỳ-kheo, điều này Như Lai hiểu và Ngài hiểu: "Những quan điểm này, nhận lầm như vậy, nắm giữ sai lạc như vậy, dẫn đến một sanh thú như thế, đến một kết quả như thế ở đời sau. Ngài cũng hiểu pháp nào vượt qua điều này. Nhờ hiểu biết như thế, Ngài không nắm giữ sai lạc và bởi vì tà chấp đã được giải thoát, Ngài đã tự chứng ngộ trạng thái an tịnh toàn hảo. Sau khi hiểu như thực sự sinh khởi và sự diệt tận của các cảm thọ, vị ngọt, và sự xả ly chúng, Như Lai đã giải thoát không có chấp thủ."
52. Chư tỳ-kheo, đây là các pháp sâu xa, khó thấy, khó hiểu, an tịnh và cao thượng, vượt qua phạm vi luận lý, chỉ người có trí mới có thể hiểu biết, mà Như Lai sau khi tự mình chứng ngộ với tuệ toàn tri, đã tuyên thuyết cho những kẻ khác; chính vì đối với các pháp này mà những ai ca tụng một cách đúng đắn các đức hạnh của Như Lai sẽ bàn đến.
NHỮNG LÝ THUYẾT VỀ THẾ GIỚI HỮU BIÊN VÀ VÔ BIÊN
(ANTĀNANTAVĀDA)
53. Chư tỳ-kheo, có một số sa-môn và bà-la-môn là những nhà hữu biên và vô biên và ở trên bốn lập trường tuyên bố thế giới là hữu biên hoặc vô biên. Do cái gì, liên quan đến điều gì, những sa-môn và bà-la-môn này tuyên bố các quan điểm của họ?
54. Chư tỳ-kheo, trong trường hợp thứ nhất, có vị sa-môn hoặc bà-la-môn, do nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, chuyên cần và chánh tác ý nên đạt đến tâm định. Do định này, vị ấy trú và nhận thức thế giới là hữu biên. Vị ấy nói như vầy: "Thế giới là hữu biên và hạn cuộc. Vì sao? Bởi vì tôi đã đạt đến tâm định, đến mức trú và nhận thức thế giới là hữu biên. Vì lẽ đó tôi biết thế giới là hữu biên và hạn cuộc."
55. Trong trường hợp thứ hai: Chư tỳ-kheo, ở đây có vị sa-môn hoặc bà-la-môn, do nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, chuyên cần và chánh tác ý nên đạt đến tâm định. Do định này, vị ấy trú và nhận thức thế giới là vô biên. Vị ấy nói như vầy: "Thế giới là vô biên và vô hạn." Những sa-môn và bà-la-môn mà tuyên bố thế giới là hữu biên và hạn cuộc là nói sai. Thế giới là vô biên và vô hạn. Vì sao? Bởi vì tôi đạt đến tâm định đến mức tôi trú và nhận thức thế giới là vô biên. Vì lẽ đó tôi biết: Thế giới là vô biên và vô hạn."
56. Trong trường hợp thứ ba: Chư tỳ-kheo, ở đây vị sa-môn hoặc bà-la-môn nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, chuyên cần và chánh tác ý nên đạt đến tâm định. Do tâm định này, vị ấy trú và nhận thức thế giới là hữu biên ở các hướng trên và dưới, nhưng vô biên về bề ngang. Vị ấy nói như vầy: "Thế giới vừa hữu biên vừa vô biên." Những sa-môn và bà-la-môn mà tuyên bố thế giới là hữu biên và hạn cuộc, họ nói sai; những sa-môn và bà-la-môn mà tuyên bố thế giới là vô biên và vô hạn, họ cũng nói sai. Thế giới vừa hữu biên vừa vô biên. Vì sao? Bởi vì tôi đạt đến tâm định, đến mức trú và nhận thức thế giới là hữu biên ở các hướng trên và dưới nhưng vô biên về bề ngang. Vì lẽ đó tôi biết: Thế giới vừa hữu biên vừa vô biên.
57. Trong trường hợp thứ tư: Chư tỳ-kheo, ở đây có vị sa-môn hoặc bà-la-môn là nhà suy luận, nhà khảo sát. Vị ấy tuyên bố quan điểm của mình, được rút ra do suy luận, được tìm ra nhờ những khảo sát, theo tư tưởng mơ mộng của mình như vầy: "Thế giới không hữu biên cũng không vô biên." Những sa-môn và bà-la-môn mà tuyên bố thế giới là hữu biên và hạn cuộc, những sa-môn và bà-la-môn mà tuyên bố thế giới là vô biên và vô hạn, những sa-môn và bà-la-môn mà tuyên bố thế giới vừa hữu biên vừa vô biên - tất cả chư vị này đều nói sai. Thế giới không hữu biên cũng không vô biên.
58. Chư tỳ-kheo, trên bốn lập trường này mà những sa-môn và bà-la-môn là những nhà hữu biên và vô biên tuyên bố thế giới là hữu biên hoặc vô biên. Bất cứ sa-môn hoặc bà-la-môn nào tuyên bố thế giới là hữu biên hoặc vô biên, tất cả làm thế trên bốn lập trường này, hoặc trên một trong bốn lập trường. Không có quan điểm nào ở bên ngoài chúng.
59-60. Chư tỳ-kheo, điều này Như Lai hiểu… chính vì đối với các pháp này mà những ai ca tụng một cách đúng đắn các đức hạnh của Như Lai sẽ bàn đến.
NHỮNG LÝ THUYẾT VỀ NGỤY BIỆN VÔ TẬN
(AMARĀ VIKKHEPAVĀDA)
61. Chư tỳ-kheo, có một số sa-môn và bà-la-môn là những nhà ngụy biện vô tận. Khi được hỏi về điểm này nọ, ở trên bốn lập trường họ dùng đến những lời lẫn tránh và mập mờ không có chỗ kết thức. Do cái gì, liên quan đến điều gì, những sa-môn và bà-la-môn này làm thế?
62. Chư tỳ-kheo, ở đây có vị sa-môn hoặc bà-la-môn không hiểu như thực pháp nào là thiện và pháp nào là bất thiện. Vị ấy nghĩ: "Ta không hiểu như thực pháp nào là thiện và pháp nào là bất thiện. Nếu ta tuyên bố điều gì là thiện hoặc bất thiện thì lời tuyên bố có thể sai lạc và sẽ làm cho ta phiền muộn và phiền muộn đó sẽ là một chướng ngại cho ta." Do vậy, vì lo sợ và chán ghét việc nói sai, vị ấy không tuyên bố bất cứ điều gì là thiện hoặc bất thiện. Nhưng khi vị ấy hỏi về điểm này nọ, vị ấy dùng những lời lẫn tránh và mập mờ không có chỗ kết thúc: "Tôi không nói như vầy, tôi cũng không nói theo cách kia, tôi cũng không nói theo cách khác. Tôi không nói rằng nó không là thế, tôi cũng không nói rằng không phải cái này, không phải cái kia." Chư tỳ-kheo, đây là trường hợp thứ nhất.
63. Trong trường hợp thứ hai : Chư tỳ-kheo, ở đây có vị sa-môn hoặc bà-la-môn không hiểu như thực pháp nào là thiện và pháp nào là bất thiện. Vị ấy nghĩ: "Ta không hiểu như thực pháp nào là thiện và pháp nào là bất thiện. Nếu ta tuyên bố điều gì là thiện hoặc bất thiện thì dục và tham hoặc sân và hận có thể phát sanh trong tâm ta. Nếu dục và tham hoặc sân và hận phát sanh trong tâm ta, điều đó sẽ là thủ do ta gây ra. Thủ như thế sẽ làm cho ta phiền muộn và phiền muộn đó sẽ là một chướng ngại cho ta." Do vậy, vì lo sợ và chán ghét thủ, vị ấy không tuyên bố bất cứ điều gì là thiện hoặc bất thiện. Nhưng khi được hỏi về điểm này nọ, vị ấy dùng những lời lẫn tránh và mập mờ không có chỗ kết thúc: "Tôi không nói như vậy, tôi cũng không nói theo cách kia, tôi cũng không nói theo cách khác. Tôi không nói rằng nó không là thế, tôi cũng không nói rằng không phải cái này, không phải cái kia."
64. Trong trường hợp thứ ba: Chư tỳ-kheo, có vị sa-môn hoặc bà-la-môn không hiểu như thực pháp nào là thiện và pháp nào là bất thiện. Hiện giờ có những sa-môn và bà-la-môn thông thái, đa tài, hùng biện, đi đó đây đả phá các quan điểm của những người khác với trí tuệ của mình. Nếu ta tuyên bố điều gì là thiện hoặc bất thiện, những sa-môn, bà-la-môn này có thể thẩm vấn những quan điểm của ta, buộc ta giải thích và bác bỏ những lời của ta. Trong trường hợp đó, ta không sao trả lời được và điều đó sẽ làm cho ta bực tức và sự bực tức đó sẽ là một chướng ngại cho ta. Do vậy, vì lo sợ và chán ghét việc bị thẩm vấn, vị ấy không tuyên bố bất cứ điều gì là thiện hoặc bất thiện. Nhưng khi được hỏi về điểm này nọ, vị ấy dùng những lời lẫn tránh và mập mờ không có chỗ kết thúc.
65. Trong trường hợp thứ tư : Chư tỳ-kheo, ở đây có vị sa-môn hoặc bà-la-môn do đần độn và ngu xuẩn, khi người ta hỏi về điểm này nọ, vị ấy dùng những lời lẫn tránh và mập mờ không có chỗ kết thúc: "Nếu bạn hỏi tôi có thế giới khác hay không - nếu tôi nghĩ rằng có một thế giới khác, tôi sẽ tuyên bố rằng có. Nhưng tôi không nói như vậy, tôi cũng không nói theo cách kia, tôi cũng không nói theo cách khác. Tôi cũng không nói rằng không phải cái này, không phải cái kia."
Cũng vậy, khi được hỏi bất cứ câu hỏi nào sau đây, vị ấy dùng những lời lẫn tránh và mập mờ không có chỗ kết thúc:

A)
1. Có phải không có thế giới khác?
3. Có phải vừa có vừa không có thế giới khác?
4. Có phải không có cũng không phải không có thế giới khác?
B)
1. Có phải có những chúng sanh hóa sanh?
2. Có phải không có những chúng sanh hóa sanh?
3. Có phải vừa có vừa không có những chúng sanh hóa sanh?
4. Có phải không có cũng không phải không có những chúng sanh hóa sanh?
C)
1. Có phải có quả dị thục của các nghiệp thiện ác?
2. Có phải không có quả dị thục của các nghiệp thiện ác?
3. Có phải vừa có vừa không có quả dị thục của các nghiệp thiện ác?
4. Có phải không có cũng không phải không có quả dị thục của các nghiệp thiện ác?
D)
1. Có phải Như Lai tồn tại sau khi chết?
2. Có phải Như Lai không tồn tại sau khi chết?
3. Có phải Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết?
4. Có phải Như Lai không tồn tại cũng không phải không tồn tại sau khi chết?
66. Chư tỳ-kheo, ở trên bốn cơ sở này mà những sa-môn và bà-la-môn là những nhà ngụy biện vô tận, dùng đến những lời lẫn tránh và mập mờ không có chỗ kết thúc khi được hỏi về điểm này nọ. Bất cứ sa-môn hoặc bà-la-môn nào mà dùng đến những lời lẫn tránh và mập mờ không có chỗ kết thúc, tất cả làm như thế trên bốn lập trường này, hoặc trên một trong bốn lập trường. Không có quan điểm nào ở bên ngoài chúng.
NHỮNG LÝ THUYẾT VỀ SỰ SINH KHỞI NGẪU NHIÊN
(ADHICCASAMUPPANNAVĀDA)
67. Chư tỳ-kheo, có một số sa-môn hoặc bà-la-môn ở trên hai lập trường tuyên bố ngã và thế giới sinh khởi một cách ngẫu nhiên. Và do cái gì, liên quan đến điều gì, những sa-môn và bà-la-môn này tuyên bố các quan điểm của họ?
68. Chư tỳ-kheo, có những vị trời gọi là "Chúng sanh vô tưởng". Khi tưởng sinh khởi, các vị này từ bỏ cõi đó. Chư tỳ-kheo, bấy giờ sự kiện này xảy ra, một chúng sanh, sau khi từ bỏ cõi đó, tái sanh ở đời này. Sau đó vị ấy xuất gia, do nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, chuyên cần và chánh tác ý nên đạt đến tâm định. Do định này, vị ấy nhớ lại lúc tưởng sinh khởi, nhưng không nhớ điều gì hơn giai đoạn đó. Vị ấy nói như vầy: "Ngã và thế giới sinh bởi ngẫu nhiên. Vì sao? Bởi vì trước đây ta không có, nhưng bây giờ ta có. Từ chỗ không có ta hiện hữu ở đời. Chư tỳ-kheo, đây là trường hợp thứ nhất.
69. Trong trường hợp thứ nhì: Chư tỳ-kheo, ở đây có vị sa-môn hoặc bà-la-môn là nhà suy luận, nhà khảo sát. Vị ấy tuyên bố quan điểm của mình được rút ra do suy luận, được tìm ra từ những khảo sát, theo tư tưởng mơ mộng của mình, như vầy: "Ngã và thế giới sinh khởi ngẫu nhiên."
70. Chư tỳ-kheo, trên hai lập trường này mà những sa-môn và bà-la-môn tuyên bố ngã và thế giới sinh khởi ngẫu nhiên. Bất cứ sa-môn hoặc bà-la-môn nào tuyên bố ngã và thế giới sinh khởi một cách ngẫu nhiên, tất cả làm thế trên hai lập trường này, hoặc trên một trong hai lập trường. Không có quan điểm nào ở bên ngoài chúng.
Chư tỳ-kheo, điều này Như Lai hiểu… Chính vì đối với các pháp này mà những ai ca tụng một cách đúng đắn các đức hạnh của Như Lai sẽ bàn đến.
71. Chư tỳ-kheo, trên mười tám lập trường này, mà những sa-môn và bà-la-môn là những nhà suy đoán về quá khứ, nắm lấy những quan điểm về quá khứ, khẳng định các tà kiến liên quan đến quá khứ. Bất cứ sa-môn hoặc bà-la-môn nào là những nhà suy đoán quá khứ, nắm lấy những quan điểm về quá khứ, và khẳng định các tà kiến liên quan đến quá khứ, tất cả chư vị làm thế trên mười tám lập trường này, hoặc trên một trong mười tám lập trường. Không có quan điểm nào ở bên ngoài chúng.
72. Chư tỳ-kheo, điều này Như Lai hiểu… giải thoát không có chấp thủ.
73. Chư tỳ-kheo, đây là các pháp sâu xa…. sẽ bàn đến.
NHỮNG SUY ĐOÁN VỀ TƯƠNG LAI
(APARANTAKAPPIKA)
74. Chư tỳ-kheo, có một số sa-môn và bà-la-môn là những nhà suy đoán về tương lai, nắm lấy những quan điểm về tương lai, và ở trên bốn mươi bốn lập trường khẳng định các tà kiến liên quan đến tương lai. Do cái gì, liên quan đến điều gì, những sa-môn và bà-la-môn dựng lên các suy đoán của họ?
NHỮNG LÝ THUYẾT VỀ TƯỞNG BẤT TỬ
(SANNIVĀDA)
75. Chư tỳ-kheo, có một số sa-môn và bà-la-môn mà đề xướng lý thuyết về tưởng bất tử và ở trên mười sáu lập trường tuyên bố ngã tồn tại hữu tưởng sau khi chết. Và do cái gì, đối với cái gì, những sa-môn và bà-la-môn này tuyên bố các quan điểm của họ?
76. Họ tuyên bố: "Ngã bất biến sau khi chết, hữu tưởng:
A)
1. Có sắc.
2. Vô sắc.
3. Vừa có sắc vừa vô sắc.
4. Không có sắc cũng không phải không có sắc.
B)
1. Hữu biên.
2. Vô biên.
3. Vừa hữu biên vừa vô biên.
4. Không hữu biên cũng không vô biên.
C)
1. Đồng nhất tưởng.
2. Sai biệt tưởng
3. Hữu hạn tưởng.
4. Vô hạn tưởng.
D)
1. Hoàn toàn lạc.
2. Hoàn toàn khổ.
3. Vừa lạc vừa khổ.
4. Không lạc cũng không khổ.
77. Chư tỳ-kheo, ở trên mười sáu lập trường này, những sam và bà-la-môn đề xướng lý thuyết về tưởng bất tử, tuyên bố ngã tồn tại hữu tưởng sau khi chết. Bất cứ sa-môn hoặc bà-la-môn nào đề xướng lý thuyết về tưởng bất tử, tất cả vị đó làm thế trên mười sáu lập trường này, hoặc trên một trong mười sáu lập trường. Không có quan điểm nào ở bên ngoài chúng.
Chư tỳ-kheo, điều này Như Lai hiểu… và chính vì đối với các pháp này mà những ai ca tụng một cách đúng đắn các đức hạnh của Như Lai sẽ bàn đến.
NHỮNG LÝ THUYẾT VỀ VÔ TƯỞNG BẤT TỬ
(ASANNĪVĀDA)
78. Chư tỳ-kheo, có một số sa-môn và bà-la-môn đề xướng lý thuyết vô tưởng bất tử, ở trên tám lập trường tuyên bố ngã tồn tại vô tưởng sau khi chết. Do cái gì, liên quan đến điều gì, những sa-môn và bà-la-môn này tuyên bố các quan điểm của họ?
79. Họ tuyên bố: "Ngã bất biến sau khi chết, vô tưởng:
A)
1. Có sắc.
2. Vô sắc.
3. Vừa có sắc vừa vô sắc.
4. Không có sắc cũng không phải không có sắc.
B)
1.Hữu biên
2. Vô biên.
3. Vừa có sắc vừa vô sắc.
4. Không có sắc cũng không vô sắc.
C)
1. Hữu biên.
2. Vô biên.
3. Vừa hữu biên vừa vô biên.
4. Không hữu biên cũng không vô biên.
83. Chư tỳ-kheo, ở trên tám lập trường này, những sa-môn và bà-la-môn đề xướng lý thuyết phi tưởng phi phi tưởng bất tử, tuyên bố ngã tồn tại phi tưởng phi phi tưởng sau khi chết. Bất cứ sa-môn hoặc bà-la-môn nào đề xướng lý thuyết về phi tưởng phi phi tưởng bất tử, tất cả vị đó làm thế trên tám lập trường này, hoặc trên một trong tám lập trường. Không có quan điểm nào ở bên ngoài chúng.
Chư tỳ-kheo, điều này Như Lai hiểu… và chính vì đối với các pháp này mà những ai ca tụng một cách đúng đắn các đức hạnh của Như Lai sẽ bàn đến.
CHỦ THUYẾT ĐOẠN KIẾN
(UCCHEDAVĀDA)
84. Chư tỳ-kheo, có một số sa-môn và bà-la-môn là những nhà đoạn kiến, ở trên bảy lập trường tuyên bố sự đoạn diệt, hủy diệt, tiêu hoại của một chúng sanh. Do cái gì, liên quan đến điều gì, những sa-môn và bà-la-môn này tuyên bố các quan điểm của họ?
85. Chư tỳ-kheo, ở đây có vị sa-môn hoặc bà-la-môn khẳng định lý thuyết về quan điểm sau đây: "Ngã có sắc, nó gồm có tứ đại và do cha mẹ sinh ra. Vì ngã này bị đoạn diệt, tiêu hoại với sự diệt của thân thể, và không tồn tại sau khi chết, ở trường hợp này ngã hoàn toàn bị diệt." Theo cách này một số tuyên bố sự đoạn diệt, hủy diệt và tiêu hoại của một chúng sanh.
86. Đối với vị ấy có người nói: "Có một ngã như thế như bạn khẳng định. Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng không phải ở điểm đó mà ngã hoàn toàn bị tiêu diệt. Vì có một ngã khác-có thiên tánh, có sắc, thuộc dục giới, sống nhờ đoàn thực. Bạn không biết cũng không thấy, nhưng tôi biết nó và thấy nó. Vì ngã này bị đoạn diệt, tiêu hoại với sự diệt của thân và không tồn tại sau khi chết, ở trường hợp này ngã hoàn toàn bị diệt." Theo cách này một số khác tuyên bố sự đoạn diệt, hủy diệt và tiêu hoại của một chúng sanh.
87. Đối với vị ấy có người nói: "Có một ngã như thế như bạn khẳng định. Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng không phải ở trường hợp đó mà ngã hoàn toàn bị tiêu diệt. Vì có một ngã khác-có thiên tánh, có sắc, do tâm tạo, đầy đủ chân tay và các giác quan, không thiếu bất cứ căn nào. Bạn không biết cũng không thấy ngã đó, nhưng tôi biết nó và thấy nó. Vì ngã này bị đoạn diệt, tiêu hoại với sự diệt của thân và không tồn tại sau khi chết, ở trường hợp này ngã hoàn toàn bị diệt." Theo cách này một số khác tuyên bố sự đoạn diệt, hủy diệt và tiêu hoại của một chúng sanh.
88. Đối với vị ấy có người nói: "Có một ngã như thế như bạn khẳng định. Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng không phải ở trường hợp đó mà ngã hoàn toàn bị diệt. Vì có một ngã khác thuộc về không vô biên xứ, (được đạt đến) do vượt qua hoàn toàn các sắc tưởng, do biến mất các tưởng chống đối, do không chú ý đến các tưởng sai biệt, (do quán) "Hư không là vô biên". Bạn không biết cũng không thấy ngã đó, nhưng tôi biết nó và thấy nó. Vì ngã này bị đoạn diệt, tiêu hoại với sự diệt của thân và không tồn tại sau khi chết, ở trường hợp này ngã hoàn toàn bị diệt." Theo cách này một số khác tuyên bố sự đoạn diệt, hủy diệt và tiêu hoại của một chúng sanh.
89. Đối với vị ấy có người nói: "Có một ngã như thế như bạn khẳng định. Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng không phải ở trường hợp đó mà ngã hoàn toàn bị diệt. Vì có một ngã khác thuộc về thức vô biên xứ, (được đạt đến) do vượt qua hoàn toàn không vô biên xứ, (do quán) 'Thức là vô biên'. Bạn không biết cũng không thấy ngã đó, nhưng tôi biết nó và thấy nó. Vì ngã này bị đoạn diệt, tiêu hoại với sự diệt của thân và không tồn tại sau khi chết, ở trường hợp này ngã hoàn toàn bị diệt." Theo cách này một số tuyên bố sự đoạn diệt, hủy diệt và tiêu hoại của một chúng sanh.
90. Đối với vị ấy có người nói: "Có một ngã như thế như bạn khẳng định. Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng không phải ở trường hợp đó mà ngã hoàn toàn bị diệt. Vì có một ngã khác thuộc về vô sở hữu xứ, (được đạt đến) do vượt qua hoàn toàn thức vô biên xứ, (do quán) 'Không có vật gì'. Bạn không biết cũng không thấy ngã đó, nhưng tôi biết nó và thấy nó. Vì ngã này bị đoạn diệt, tiêu hoại với sự việt của thân và không tồn tại sau khi chết, ở điểm này ngã hoàn toàn bị diệt." Theo cách này một số tuyên bố sự đoạn diệt, hủy diệt và tiêu hoại của một chúng sanh.
91. Đối với vị ấy có người nói: "Có một ngã như thế như bạn khẳng định. Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng không phải ở trường hợp đó mà ngã hoàn toàn bị diệt. Vì có một ngã khác thuộc về phi tưởng phi phi tưởng xứ, (được đạt đến) do vượt qua hoàn toàn vô sở hữu xứ, (do quán) 'Đây là tịnh lạc, đây là thâm diệu'. Bạn không biết cũng không thấy ngã đó, nhưng tôi biết nó và thấy nó. Vì ngã này bị diệt, tiêu hoại với sự diệt của thân và không tồn tại sau khi chết, ở điểm này ngã hoàn toàn bị diệt." Theo cách này một số tuyên bố sự đoạn diệt, hủy diệt và tiêu hoại của một chúng sanh.
92. Chư tỳ-kheo, ở trên bảy lập trường này mà các sa-môn và bà-la-môn là những nhà đoạn kiến, tuyên bố sự đoạn diệt, hủy diệt và tiêu hoại của một chúng sanh. Bất cứ sa-môn hoặc bà-la-môn nào tuyên bố sự đoạn diệt, hủy diệt và tiêu hoại của một chúng sanh, tất cả vị đó làm thế trên bảy lập trường này, hoặc trên một trong bảy lập trường. Không có quan điểm nào ở bên ngoài chúng.
Chư tỳ-kheo, điều này Như Lai hiểu… và chính vì đối với các pháp này mà những ai ca tụng một cách đúng đắn các đức hạnh của Như Lai sẽ bàn đến.
NHỮNG LÝ THUYẾT VỀ NIẾT BÀN HIỆN TẠI
(DITTHADHAMMANIBBĀNAVĀDA)
93. Chư tỳ-kheo, có một số sa-môn và bà-la-môn đề xướng lý thuyết về Niết-bàn hiện tại, ở trên năm lập trường tuyên bố về Niết-bàn hiện tại của một chúng sanh. Do cái gì, liên quan đến điều gì, những sa-môn và bà-la-môn này tuyên bố các quan điểm của họ?
94. Chư tỳ-kheo, ở đây, có vị sa-môn hoặc bà-la-môn khẳng định lý thuyết hoặc quan điểm sau đây: "Khi ngã này được thụ hưởng và cung cấp với năm loại dục lạc, thỏa thích trong chúng - ở trường hợp này ngã đạt đến tối thượng Niết-bàn hiện tại." Theo cách này một số tuyên bố Niết-bàn hịên tại của một chúng sanh.
95. Đối với vị ấy có người nói: "Có một ngã như thế như bạn khẳng định. Tôi không phủ nhận điều ấy. Nhưng không phải ở trường hợp đó mà ngã đạt đến tối thượng Niết-bàn hiện tại. Vì sao? Bởi vì các dục lạc là vô thường, khổ, bị thay đổi, và qua sự thay đổi và biến hoại của chúng, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh khởi. Nhưng khi ngã, được ly thoát hoàn toàn các dục lạc, viễn ly các bất thiện pháp, nhập và trú trong sơ thiền, có tầm, tứ, hỷ, lạc sanh từ sự viễn ly các triền cái-ở trường hợp này ngã đạt đến tối thượng Niết-bàn hiện tại. Theo cách này một nhóm khác tuyên bố tối thượng Niết-bàn hiện tại của một chúng sanh.
96. Đối với vị ấy có người nói: "Có một ngã như thế như bạn khẳng định. Tôi không phủ nhận điều ấy. Nhưng không phải ở trường hợp đó mà ngã đạt đến tối thượng Niết-bàn hiện tại. Vì sao? Bởi vì thiền đó chứa tầm và tứ; do vậy nó được coi là thô. Nhưng khi nào, với sự tịnh chỉ tầm và tứ, ngã nhập và trú trong nhị thiền, nội tâm an tịnh và chuyên nhất, có hỷ và lạc do định sanh - ở trường hợp này ngã đạt đến tối thượng Niết-bàn." Theo cách này một nhóm khác tuyên bố tối thượng Niết-bàn hiện tại của một chúng sanh.
97. Đối với vị ấy có người nói: "Có một ngã như thế như bạn khẳng định. Tôi không phủ nhận điều ấy. Nhưng không phải ở trường hợp đó mà ngã đạt đến tối thượng Niết-bàn hiện tại. Vì sao? Bởi vì thiền đó chứa hỷ và hứng khởi: do vậy nó được coi là thô. Nhưng khi nào với sự diệt hỷ, người ta trú trong xả, có niệm và tỉnh giác, thân hưởng an lạc, nhập và trú tam thiền, mà các bậc thánh thường ca tụng là: "Vị ấy trú một cách an lạc, trong xả và niệm" - ở trường hợp này ngã đạt đến tối thượng Niết-bàn hiện tại của một chúng sanh.
98. Đối với vị ấy có người nói: "Có một ngã như thế như bạn khẳng định. Tôi không phủ nhận điều ấy. Nhưng không phải ở trường hợp đó mà ngã đạt đến tối thượng Niết-bàn hiện tại. Vì sao? Bởi vì thiền đó chứa lạc trú thường xuyên nơi tâm; do vậy nó được coi là thô. Nhưng khi nào với sự từ bỏ lạc và khổ, với sự biến mất hỷ và ưu trước, người ta nhập và trú trong tứ thiền, không có lạc và khổ và chứa niệm thanh tịnh do nhờ xả - ở trường hợp này ngã đạt đến tối thượng Niết-bàn hiện tại". Theo cách này một nhóm khác tuyên bố tối thượng Niết-bàn hiện tại của một chúng sanh.
99. Chư tỳ-kheo, ở trên năm lập trường này mà những sa-môn và bà-la-môn đề xướng lý thuyết về Niết-bàn hiện tại. Bất cứ sa-môn hoặc bà-la-môn nào tuyên bố tối thượng Niết-bàn hiện tại của một chúng sanh, tất cả vị đó làm thế trên năm lập trường này, hoặc trên một trong năm lập trường. Không có quan điểm nào ở bên ngoài chúng.
Chư tỳ-kheo, điều này Như Lai hiểu… và chính vì đối với các pháp này mà những ai ca tụng một cách đúng đắn các đức hạnh của Như Lai sẽ bàn đến.
100. Chư tỳ-kheo, ở trên bốn mươi bốn lập trường này mà những sa-môn và bà-la-môn là những nhà suy đoán về tương lai, nắm lấy các quan điểm về tương lai, khẳng định các tà kiến liên quan đến tương lai. Bất cứ sa-môn hoặc bà-la-môn nào là những nhà suy đoán về tương lai, nắm lấy những quan điểm về tương lai, khẳng định các tà kiến liên quan đến tương lai, tất cả vị đó làm thế trên bốn mươi bốn lập trường. Không có quan điểm nào ở bên ngoài chúng.
Chư tỳ-kheo, điều này Như Lai hiểu… và chính vì đối với các pháp này mà những ai ca tụng một cách đúng đắn các đức hạnh của Như Lai sẽ bàn đến.
101. Chư tỳ-kheo, ở trên sáu mươi hai lập trường này mà những sa-môn và bà-la-môn là những nhà suy đoán về quá khứ, tương lai, quá khứ lẫn tương lai, nắm lấy những quan điểm về quá khứ và tương lai, khẳng định các tà kiến liên quan đến quá khứ và tương lai.
102. Chư tỳ-kheo, bất cứ sa-môn hoặc bà-la-môn nào là những nhà suy đoán về quá khứ, tương lai, hoặc quá khứ lẫn tương lai, nắm giữ những quan điểm vế quá khứ và tương lai, khẳng định các tà kiến liên quan đến quá khức và tương lai, tất cả vị đó làm thế trên sáu mươi hai lập trường này, hoặc trên một trong sáu mươi hai lập trường. Không có quan điểm nào ở bên ngoài chúng.
103. Chư tỳ-kheo, điều này Như Lai hiểu và Ngài hiểu: "Những quan điểm này nhận lầm như vậy, nắm giữ sai lạc như vậy, dẫn đến một sanh thú như thế, đến một kết quả như thế ở đời sau." Ngài cũng hiểu pháp nào vượt qua điều này. Nhờ hiểu biết như thế Ngài không nắm giữ sai lạc và bởi vì tà chấp đã được giải thoát, Ngài đã tự chứng ngộ trạng thái an tịnh toàn hảo. Sau khi hiểu như thực sự sinh khởi và sự diệt tận của các cảm thọ, vị ngọt và sự xuất ly chúng. Như Lai đã giải thoát không có chấp thủ.
104. Chư tỳ-kheo, đây là các pháp sâu xa, khó thấy, khó hiểu, an tịnh và cao thượng, vượt qua phạm vi luận lý, chỉ người có trí mới có thể hiểu biết, mà Như Lai sau khi tự mình chứng ngộ với tuệ toàn tri, đã tuyên thuyết cho những kẻ khác; chính vì đối với các pháp này mà những ai ca tụng một cách đúng đắn các đức hạnh của Như Lai sẽ bàn đến.
SỰ LUÂN CHUYỂN CỦA CÁC DUYÊN VÀ SỰ GIẢI THOÁT
105. Chư tỳ-kheo, nơi đây khi những sa-môn và bà-la-môn kia ở trên bốn lập trường tuyên bố ngã và thế giới và thường hằng-đó chỉ là cảm thọ của những người không biết và không thấy; đó chỉ là sự giao động và khuynh đảo của những người bị chìm đắm trong ái.
106. Khi những sa-môn và bà-la-môn kia ở trên bốn lập trường tuyên bố ngã và thế giới là một phần thường hằng và một phần không thường hằng-đó chỉ là sự giao động và khuynh đảo của những người bị chìm đắm trong ái.
107. Khi những sa-môn và bà-la-môn kia ở trên bốn lập trường tuyên bố thế giới là hữu biên hoặc vô biên.
108. Khi những sa-môn và bà-la-môn kia ở trên bốn lập trường dùng đến những lời lẫn tránh và mập mờ không có chỗ kết thúc.
109. Khi những sa-môn và bà-la-môn kia ở trên hai lập trường tuyên bố ngã và thế giới sinh khởi một cách ngẫu nhiên.
110. Khi những sa-môn và bà-la-môn kia ở trên mười tám lập trường nắm giữ những quan điểm về quá khứ, khẳng định các tà kiến liên quan đến quá khứ.
111. Khi những sa-môn và bà-la-môn kia ở trên mười sáu lập trường đề xướng lý thuyết hữu tưởng bất tử, tuyên bố ngã tồn tại có tưởng sau khi chết.
112. Khi những sa-môn và bà-la-môn kia ở trên tám lập trường đề xướng lý thuyết về vô tưởng bất tử, tuyên bố ngã tồn tại vô tưởng sau khi chết.
113. Khi những sa-môn và bà-la-môn kia ở trên tám lập trường đề xướng lý thuyết phi tưởng phi phi tưởng bất tử, tuyên bố ngã tồn tại phi tưởng phi phi tưởng sau khi chết.
114. Khi những sa-môn và bà-la-môn kia ở trên bảy lập trường tuyên bố sự đoạn diệt, hủy diệt và tiêu hoại của một chúng sanh.
115. Khi những sa-môn và bà-la-môn kia ở trên năm lập trường đề xướng lý thuyết Niết-bàn hiện tại, tuyên bố tối thượng Niết-bàn hiện tại của một chúng sanh.
116. Khi những sa-môn và bà-la-môn kia ở trênbốn mươi lập trường nắm giữ những quan điểm về tương lai khẳng định các tà kiến liên quan đến tương lai.
117. Khi những sa môn và bà-la-môn kia ở trên sáu mươi hai lập trường nắm giữ những quan điểm về quá khứ và tương lai, khẳng định các tà kiến liên quan đến quá khứ và tương lai-đó cũng chỉ là cảm thọ của những người không biết và không thấy; đó cũng chỉ là sự giao động và khuynh đảo của những người bị chìm đắm trong ái.
DO DUYÊN XÚC
(PHASSAPACCAYAVĀRA)
118. (131) Chư tỳ-kheo, khi những sa-môn và bà-la-môn kia ở trên bốn lập trường tuyên bố ngã và thế giới là thường hằng-đó là do duyên xúc. Sự kiện rằng, họ có thể kinh nghiệm cảm thọ đó mà không có xúc - trường hợp như thế không thể xảy ra.
119. (132) Khi những sa-môn và bà-la-môn kia ở trên bốn lập trường tuyên bố ngã và thế giới là một phần thường hằng và một phần không thường hằng-đó cũng do duyên xúc. Sự kiện rằng, họ có thể kinh nghiệm cảm thọ đó mà không có xúc - trường hợp như thế không thể xảy ra.
120. (133)-129(142). Khi những sa-môn và bà-la-môn kia là những nhà hữu biên và vô biên, tuyên bố các quan điểm của họ; khi những nhà ngụy biện, khi những nhà sinh khởi ngẫu nhiên; khi các nhà suy đoán về quá khứ và nắm giữ các quan điểm vế quá khứ, khẳng định trên mười tám lập trường về các tà kiến liên quan đến quá khứ; khi những người mà đề xướng lý thuyết hữu tưởng bất tử, vô tưởng bất tử, hoặc phi tưởng phi phi tưởng bất tử thuyên bố những quan điểm của học, khi những nhà đoạn kiến tuyên bố các quan điểm của họ; khi những người đề xướng lý thuyết Niết-bàn hiện tại, tuyên bố các quan điểm của họ; khi những người mà là những nhà suy đoán về tương lai, nắm giữ các quan điểm về tương lai, khẳng định trên bốn mươi bốn lập trường về các tà kiến liên quan đến tương lai-đó cũng là do duyên xúc. Sự kiện rằng, họ có thể kinh nghiệm cảm thọ đó mà không có xúc - trường hợp như thế không thể xảy ra.
130 (143). Khi những sa-môn và bà-la-môn là những nhà suy đoán về quá khứ, suy đoán về tương lai, suy đoán về quá khứ lẫn tương lai, nắm giữ các quan điểm về quá khứ và tương lai, khẳng định trên sáu mươi hai lập trường các tà kiến liên quan đến quá khứ và tương lai-đó cũng do duyên xúc. Sự kiện rằng, họ có thể kinh nghiệm cảm thọ đó mà không có xúc - trường hợp như thế không thể xảy ra.
SỰ GIẢI THÍCH VỀ LUÂN CHUYỂN
144. Chư tỳ-kheo, ở đây những sa-môn và bà-la-môn là những nhà thường kiến, ở trên bốn lập trường tuyên bố ngã và thế giới là thường hằng; những nhà thường kiến phiến diện; những nhà hữu biên và vô biên; những nhà ngụy biện vô tận; những nhà sinh khởi ngẫu nhiên; những nhà suy đoán về quá khứ; những người đề xướng lý thuyết về hữu tưởng bất tử; về vô tưởng bất tử; về phi tưởng phi phi tưởng bất tử, những nhà đoạn kiến, những người đề xướng lý thuyết Niết-bàn hiện tại; những nhà suy đoán về tương lai, những nhà suy đoán về quá khứ, những nhà suy đoán về quá khứ lẫn tương lai, nắm giữ các quan điểm về quá khứ và tương lai, ở trên sáu mươi hai lập trường khẳng định các tà kiến liên quan đến quá khứ và tương lai - tất cả những sa-môn và bà-la-môn kia kinh nghiệm những cảm thọ này chỉ có các xúc chạm thường xuyên qua sáu xúc xứ. Với thọ làm duyên ái sinh; với ái làm duyên, thủ sinh, với thủ làm duyên, hữu sinh, với hữu làm duyên, sanh sinh, với sanh làm duyên, già và chết, sầu, bi, khổ, ưu và não sinh."
SỰ CHẤM DỨT LUÂN CHUYỂN
(VIVATTAKATHĀDI)
145. Chư tỳ-kheo, khi một tỳ-kheo hiểu như thực sự sinh khởi và sự diệt tận của sáu xúc xứ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự thoát ly chúng, lúc đó vị ấy hiểu những gì vượt xa tất cả những quan điểm này.
146. Chư tỳ-kheo, bất cứ sa-môn hoặc bà-la-môn nào, là những nhà suy đoán về quá khứ, những nhà suy đoán về tương lai, những nhà suy đoán về quá khứ lẫn tương lai, nắm giữ những quan điểm về quá khứ và tương lai, khẳng định các tà kiến liên quan đến quá khứ và tương lai - tất cả bị kẹt trong lưới của kinh này với sáu mươi hai loại. Bất cứ khi nào họ trồi lên, họ trồi lên và bị tóm trong lưới này, bị kẹt và nằm gọn ngay trong lưới này.
Chư tỳ-kheo, y như người đánh cá lão luyện hoặc đệ tử của người đánh cá, sau khi tung ra một cái lưới có mắt lưới thật khít qua một hồ nước nhỏ, có thể nghĩ: "Bất cứ sinh vật lớn nào mà có trong hồ này, bất cả bị kẹt trong lưới này, bị kẹt và nằm gọn ngay trong lưới này."-Cũng vậy, tất cả những sa-môn và bà-la-môn kia bị mắc kẹt trong lưới này với sáu mươi hai loại của nó. Bất cứ khi nào họ trồi lên, họ trồi lên và bị tóm trong lưới này, bị mắc kẹt và nằm gọn ngay trong lưới này.
147. Chư tỳ-kheo, thân của Như Lai tồn tại, bị cắt đứt khỏi những ràng buộc của hữu ái. Chừng nào thân của Ngài còn, các trời và người còn thấy Ngài. Nhưng với sự diệt của thân và sự chấm dứt mạng căn, các trời và người sẽ không thấy Ngài nữa.
Chư tỳ-kheo, y như khi cuống của một chùm xoài bị cắt, tất cả trái treo trên cuống cũng rơi theo nó, cũng vậy, thân của Như Lai tồn tại bị cắt đứt khỏi những ràng buộc của hữu ái. Chừng nào thân Ngài còn, các trời, người còn thấy Ngài. Nhưng với sự diệt của thân và sự chấm dứt mạng căn, các trời và người sẽ không thấy Ngài nữa.
148. Khi Thế Tôn đã thuyết xong, đức Ānanda thưa: "Bạch Thế Tôn, thật kỳ diệu thay! Thật hy hữu thay! Bạch Thế Tôn, tựa của thiên khái luận này là gi?"
"Này Ānanda, người có thể nhớ thiên khái luận này có tựa là Lưới Lợi Ích, Lưới Chân Lý, Lưới Cao Thượng, Lưới Quan Điểm. Ngươi cũng có thểnhoó nó là 'Khúc Vô Thượng Khải Hoàn".
149. Thế Tôn đã dạy như vậy. Các tỳ-kheo vô cùng thỏa thích và hoan hỷ về lời dạy của Thế Tôn. Khi Thế Tôn vừa giảng xong thiên khái luận này thi mười ngàn thế giới chuyển động.
DỨT KINH VĂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét