Níp-bàn (Nibbana) - Đại Đức Siêu Minh – Cư sĩ Đức Tài)

 I. ĐỊNH NGHĨA:
Danh từ Níp bàn là chữ phiên âm của NIBBĀNA, do không có chữ nghĩa nào thật chuẩn xác, nói lên nghĩa lý huyền dịu, thâm sâu của từ pāli “NIBBĀNA”, nên phải dùng cách phiên âm vậy.
Theo Pāli có chú giải về níp bàn như sau:
* Vānato Nikkhantaṇti = Nibbānaṃ: những pháp nào xa lìa ái mà nhân ràng buột các kiếp sống, các pháp xa lìa như thế gọi là Níp bàn.
* Nibbāyanti sabbe vaṭṭadukkhasantāpa etasmimti = Nibbānaṃ: khổ luân hồi và các sự nóng nảy, sôi nổi không có gọi là Níp bàn.
*  Nibbāyanti Ariyajanā etasmimti = Nibbānaṃ: chư Thánh xuất thế, sau khi ngũ uẩn không còn tái tục nữa, cho nên pháp mà diệt tắt dứt sanh tử, gọi là Níp bàn tức vô dư Níp bàn.
Vậy: Níp bàn là vắng lặng, bất động, vô ấn chứng hay có trạng thái an vui tuyệt đối, hoặc vượt ra ngoài phiền não ngũ uẩn và tất cả đời (đời bản thể, đời chúng sanh, đời vũ trụ). Có chỗ dịch là viên tịch: hoàn toàn vắng lặng; mà pāli gọi là trạng thái vắng lặng Santilakkhanaṃ.

 II. CHI PHÁP
- Níp bàn là pháp vô vi
- Níp bàn là ngoại uẩn (ngoài ngũ uẩn)
- Níp bàn là pháp xứ (thập nhị xứ)
- Níp bàn là pháp giới (thập bát giới)
- Níp bàn là diệt đế (tứ đế)
Về cảnh:
- Níp bàn là cảnh pháp (tất cả pháp trừ cảnh ngũ)
- Níp bàn là cảnh siêu lý (tâm, sở hữu, sắc pháp, níp bàn)
- Níp bàn là cảnh danh pháp (tâm, sở hữu, níp bàn)
- Níp bàn là cảnh ngoại thời (níp bàn, chế định)
Về chơn đế:
tâm (1) + sở hữu (52) + sắc thành tựu (rõ 18) + và níp bàn (1):
1 + 52 + 18 + 1 = 72 (pháp chơn đế)
III. PHÂN TÍCH:
Níp bàn – Nibbāna dù có phân ra nhiều ý nghĩa, nhiều cách, nhiều thứ, nhiều bậc, nhiều tỷ dụ, nhiều danh nghĩa và lý giải nhiều phần; nhưng tựu trung vẫn mang một nghĩa lý là tịch tịnh (hoàn toàn vắng lặng); hoặc bất động và vô ấn chứng.
Theo thứ tự bảng phân chia hay sơ đồ về Níp bàn, các cách, thứ, bậc, tỷ dụ và danh nghĩa nào dễ hiểu, dễ nhận nên khỏi phân tích thêm, còn những cách thứ……..khó nhận, đem ra giải lý như sau:
* Vô vi: tâm, sở hữu và sắc đều do duyên tạo, nên phải có nhân cần thiết. Còn Níp bàn là không bị tạo bởi trong đời, tức không có duyên chi tạo nên gọi là vô vi.
* Siêu uẩn: vượt khỏi ngũ uẩn quá khứ, hiện tại, vị lai. Níp bàn không còn uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Gọi là siêu uẩn
* Vô thượng: pāli gọi là Anuttaraṃ: bởi không có pháp nào vượt qua nổi, pháp không có chi sánh bằng; ý nói pháp là Níp bàn và đạo quả không chi làm hư đặng, mới gọi là vô thượng.
Tóm lại: Chư Đại Giác tìm rốt ráo là Níp bàn. Riêng biệt, siêu uẩn, vô vi và vô thượng.
Các Bậc Đại Giác bởi mà
Tìm đường diệt khổ ấy là vô vi
Chẳng sanh chẳng diệt hằng thì
Cho nên đều gọi tên ghi Níp bàn.
Xin nêu ra bài kệ của Hoà thượng Tịnh Sự, đề cập đến phần nghĩa và giải về níp bàn như sau:
Như Lai thành đạo các hàng
Siêu lý bốn Pháp dạy tràng chúng sanh
Tâm biết sở hữu nêu danh
Với cùng sắc pháp cao thanh Níp bàn
1. PHẦN TỶ DỤ (thí dụ) có 10, xin nêu 2 tỷ dụ sau:
* Điều thứ nhất: Níp bàn tỷ dụ như bông sen, bởi bông sen có đặc tính và 10 công đức như sau:
- Là nhuyễn nhừ, mềm dịu (Sīliddhamūdu)
- Là chứa để sự đẹp (Subhaniyaṃ)
- Là có mùi thơm (Sukhandhaṃ)
- Là đáng ưa thích (Payaṃ)
- Là đồ rất đáng mong mỏi (Patthitaṃ)
- Là đồ rất đua nhau khen (Pasattaṃ)
- Là nước và bùn không thấm đặng (Salakaddama anupalittaṃ)
- Là chưng diện bằng lá non, nhụy và bẹ (Anupattakesa rakaṇṇikahi).
- Là ong Bầu đua nhau hưởng nhuỵ (Bhamarakhaṇasevitaṃ)
- Là tiến hoá từ trong nước, trong ngần, sáng suốt, sạch sẽ (Sītavasalilasaṃ vaddhaṃ).
* Điều thứ tám: Níp bàn tỷ dụ như hư không, vì hư không có 10 công đức như sau:
- Là bất lão (Najīyati)
- Là bất tử (Na Mīyati)
- Là bất biến chuyển (Na cavati)
- Là vô sanh (Na uppajjati)
- Là không bị ép chế (Appasayhaṃ)
- Là không cướp giựt đặng (Acorakahanīyaṃ)
- Là không có chỗ nương đỡ (Anissītaṃ)
- Là đường đi của loài phi cầm (Vihiṅkakamanaṃ)
- Là không có chi cả (Nirāvaranaṃ)
- Là không bờ mé (Anantaṃ)
* Hữu dư Níp bàn: tức còn lại uẩn, là sắc nghiệp và tâm quả còn sanh do phiền não quá khứ chưa dứt hết, ám chỉ đắc tứ đạo – quả rồi mà còn sống.
* Vô dư Níp bàn:
- Không còn uẩn, tức là sắc nghiệp và tâm quả đều tuyệt hết, ý nói sau khi níp bàn
- Ngũ uẩn tức là sắc nghiệp và tâm quả không còn sót lại, đó gọi là vô dư.
2. PHẦN TỎ NGỘ:
* Suññatanibbāna – Chơn không Níp bàn hay tiêu diệt Níp bàn :
Đây là người tu tuệ (huệ) giác ngộ lý vô ngã do nhiều duyên hợp thành có ra, đến khi đắc đạo quả nhận thấy níp bàn, thì cái có trước kia đã thành tiêu mất, nên tỏ ngộ níp bàn là pháp tiêu diệt vô ngã; vì vậy níp bàn đối với vị này hay bậc ấy gọi là tiêu diệt níp bàn (chơn không níp bàn).
* Animittanibbāna – Vô tướng níp bàn hay vô chứng níp bàn:
Do người tu huệ tỏ ngộ pháp vô thường, thoạt có, thoạt không, đó là ấn chứng hằng có ra. Đến khi đắc đạo quả đặng níp bàn thì những ấn chứng thường hiện trước kia không còn, nên cho rằng níp bàn chẳng phải như trong đời, là không có hiện tượng chi cả. Vì thế níp bàn đối với bậc có sự nhận định như trên, gọi là vô tướng níp bàn hay vô chứng níp bàn (níp bàn không có ấn chứng).
* Appanihitanibbāna – Vô trước níp bàn hay phi nội níp bàn:
Do bậc tu huệ tỏ ngộ níp bàn chẳng phải ở trong vòng vây, tức ngoài ra vòng vây. Ở đây, nói người hành tỏ ngộ bởi tuệ quán nhận ra, thấy rõ pháp hữu vi bằng cách khổ não, chẳng khác nào kẻ bị trong vòng vây bực bội khó chịu. Đến khi đắc đạo quả thoạt thấy níp bàn, thì nhận định không có chi là vòng vây, cho nên bậc đắc níp bàn như thế gọi là phi nội níp bàn (thoát khỏi vòng vây khổ não đặng níp bàn) hoặc gọi vô trước níp bàn.
3. PHẦN DANH NGHĨA
a. Phá hữu:
* Bhavabhandaṃ: phá trừ cửu hữu và không còn nương sanh, không còn phân biệt cõi nương ở, nương sanh theo chúng sanh thường đời (sattavāsa).
* Cửu hữu (Bhāva) là chín cõi:
- Là cõi dục giới [(cõi khổ (4), cõi vui (7)]
- Là cõi sắc giới (16 cõi Phạm thiên hữu sắc)
- Là cõi vô sắc giới (4 cõi Phạm thiên vô sắc)
- Là cõi ngũ uẩn [(cõi dục giới (11), cõi sắc giới hữu tưởng (15)]
- Là cõi nhất uẩn (cõi vô tưởng)
- Là cõi hữu tưởng (29 cõi, trừ vô tưởng và phi tưởng phi phi tưởng)
- Là cõi vô tưởng [(cõi sắc giới vô tưởng (1)]
- Là cõi tứ uẩn ([(cõi vô sắc (4)]
- Là cõi phi tưởng phi phi tưởng.
Nói về chúng sanh nương sinh nương ở (Sattavāsa)
- Thân dị tưởng dị: nhân loại cũng có hạng chư thiên và ngạ quỉ.
- Thân dị tưởng đồng: sơ thiền, tư tưởng giống nhau mà thân khác nhau
- Thân đồng tưởng dị: cõi Tứ thiên vương, Chư thiên Quang Minh ở
- Thân đồng tưởng đồng: Chư Phạm thiên mỹ lệ, ở cõi tam thiền
- Vô tưởng vô thọ: Phạm thiên cõi trời vô tưởng
- Không vô biên xứ: Phạm thiên cõi vô sắc không vô biên xứ
- Thức vô biên xứ: Phạm thiên cõi vô sắc hữu xứ
- Vô sở hữu xứ: Phạm thiên cõi vô sắc vô sở hữu xứ
- Phi tưởng phi phi tưởng: Phạm thiên cõi phi tưởng phi phi tưởng
Tóm lại: Phá hữu tức là không còn nương sanh, nương ở trong 9 cõi kể trên; hoặc vượt thoát khỏi chín cõi hiện hữu, nên gọi là phá hữu.
b. Tuyệt dứt hay bí mật:
Danh nghĩa níp bàn là tuyệt dứt hay bí mật (lenaṃ) nghĩa là huyền diệu, nhiệm mầu, sâu sắc, tế nhị, không thể dùng văn chương ngôn ngữ diễn tả cho đầy đủ, đạo lý vượt ngoài phạm vi ngôn từ (ngôn ngữ đạo ngạn)
Ở đây, ngụ ý hay ám chỉ người đắc níp bàn tự nhận biết, khỏi cần ai nói cho biết mới biết “Paccattaṃ veditabba viññū hīti: Pháp mà Bậc Thánh xuất thế chứng đắc tự biết”
Ví như: người uống nước nóng lạnh như thế nào, thì tự biết, và cách khó trình bày ra cho người khác hiểu (nóng vừa, nóng ấm, ……..lạnh vừa, lạnh buốt……).
- Á mộng hướng thuỳ thuyết: người câm sau khi chiêm bao, đối với người khác không thể trình bày tất cả những sự vật trong khi mộng, (ở đây chỉ nói góc độ khó diễn đạt lại sự việc……). Người sau khi đắc chứng Níp bàn, khó mà diễn tả đối với kẻ khác, nếu có trình bày hoặc diễn đạt trạng thái Níp bàn, thì chỉ là bằng pháp học hay tỷ dụ, dẫn dụ, thí dụ…….một cách tạm tương đối; bằng không thì là cách nói gượng, hoặc có gượng nói theo pháp học hay thí dụ đó tôi (dùng lời nói để người khác tạm hình dung mường tượng ra sự vật, sự việc……)
Kết luận: ba đặc tính níp bàn
* Trạng thái – Níp bàn: yên tịnh, vắng lặng
* Phận sự – Níp bàn: không lay động biến chuyển, bất động
* Sự thành tựu – Níp bàn: không có ấn chứng, hiện tượng chi cả

NÍP BÀN: VẮNG LẶNG – BẤT ĐỘNG – VÔ ẤN CHỨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét