Tiến Trình Giải Thoát Của Đức Phật Khi Ngài Thành Đạo

Tiến Trình Giải Thoát Của Đức Phật Khi Ngài Thành Đạo

Thích Minh Châu

Gia chủ Tapussa cùng với Tôn Giả Ananda đến hỏi Đức Phật, vì sao giới cư sĩ gia chủ “Thọ hưởng các dục, vui thích các dục, ưa thích các dục, hoan hỷ các dục”, xem đời sống viễn ly của các vị xuất gia như là vực thẳm. Tuy vậy trong pháp và luật của Thế Tôn lại có những Tỳ Kheo trẻ tuổi phấn khởi trong sự xuất ly, tịnh tín, an trú, hướng đến xuất ly, và các vị này thấy trong sự xuất ly “Đây là an tịnh”. Chính ở nơi đây là sự sai khác trong Pháp và Luật này giữa các Tỳ kheo và phần đông quần chúng. Sự ngạc nhiên và khâm phục của Tapussa được Thế Tôn chấp nhận, và Đức Phật kể lại kinh nghiệm của Ngài trong tiến trình thành đạo của Ngài dưới gốc cây Bồ Đề. Khi Ngài chưa thành bậc Chánh Giác Ngài diễn tả sự phấn khởi của Ngài trong tiến trình tu tập vượt qua các chướng ngại để đạt được các cảnh giới Thiền, và vượt lên đạt được các cảnh giới Thiền cao hơn, tất cả đòi hỏi một sự phấn đấu kiên cường, sáng suốt bền bỉ và tuần tự.
Và Ngài bắt đầu với cảnh giới Sơ Thiền và đối tượng cần phải gạt bỏ là các dục để chứng được Sơ Thiền. Ngài suy nghĩ: “Lành thay sự xuất ly! lành thay đời sống viễn ly”.
Nhưng tâm của Ngài không có phấn khởi trong sự xuất ly ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, dầu ta có thấy “Đây là an tịnh”. Rồi Thế Tôn suy nghĩ: “Do nhân gì, do duyên gì, tâm ta không có phấn khởi trong xuất ly, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, dầu ta có thấy: “Đây là an tịnh”. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ: “Vì ta không thấy sự nguy hiểm trong các dục, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Lợi ích của xuất ly chưa được chứng đắc, Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy, do vậy tâm Ta không có phấn khởi trong xuất ly ấy. Không tịnh tín, không an trú, không có hướng đến. Này Ananda, về vấn đề ấy ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy sự nguy hiểm trong các dục, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong sự xuất ly, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Thời sự kiện này có thể xảy ra: “Tâm của Ta có thể phấn khởi trong xuất ly, tịnh tín, an trú và hướng đến, vì Ta có thấy “Đây là an tịnh”.
“Rồi này Ananda, sau một thời gian sau khi thấy được sự nguy hiểm trong các dục, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy, sau khi chứng được lợi ích trong sự xuất ly, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong xuất ly, tịnh tín, an trú và hướng đến, vì ta có thấy: “Đây là an tịnh”. Này Ananda sau một thời gian Ta ly dục, chứng đạt và an trú sơ Thiền. Do ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành. Như vậy đối với ta là một chứng bệnh. Ví như này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên, như là một chứng bệnh. Cũng vậy, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành ở nơi Ta, như vậy, đối với Ta là một chứng bệnh”.
“Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy ta hãy chỉ tức các tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với không có tầm ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến dầu Ta có thấy “Đây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy ta suy nghĩ như sau: “Do nhân gì, do duyên gì, tâm Ta không có hứng khởi đối với không có tầm ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, dầu Ta có thấy: “Đây là an tịnh”.
“Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì ta không thấy nguy hiểm trong các tầm, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Lợi ích không có tầm chưa được chứng đắc, Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với không có tầm, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến. Này Ananda, về vấn đề ấy Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong các tầm, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích không có tầm, Ta thưởng thức lợi ích ấy, thời sự kiện này xảy ra: “Tâm của ta có thể hứng khởi không có tầm, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta thấy “Đây là an tịnh”
“Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong các tầm, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, sau khi chứng được lợi ích không có tầm, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong không có tầm, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta thấy “Đây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian Ta diệt tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với tầm vẫn hiện hành nơi ta, như vậy đối với Ta là một chứng bệnh”. Này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy ly hỷ, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Nhưng này Ananda, tâm của Ta không có hứng khởi đối với không có hỷ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, dầu ta có thấy “Đây là an tịnh”.
“Này Ananda, về vấn đề ấy Ta suy nghĩ như sau: “Do nhân gì, do duyên gì, tâm Ta không có hứng khởi đối với không có hỷ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, dầu Ta có thấy “Đây là an tịnh”. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong hỷ, vì ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Lợi ích không có hỷ chưa được chứng đắc, Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm ta không hứng khởi đối với không có hỷ ấy, không tịnh tín, không an trú, không có hướng đến. Này Ananda, về vấn đề ấy Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong hỷ, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong không có hỷ, Ta thưởng thức lợi ích ấy, thời sự kiện này xảy ra: “Tâm của Ta có thể hứng khởi trong không có hỷ, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta có thấy “Đây là an tịnh”
“Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong hỷ, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy, sau khi chứng được lợi ích trong không có hỷ, ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong không có hỷ, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta thấy “Đây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian, Ta ly hỷ… chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với hỷ vẫn hiện hành. Đây đối với Ta là một chứng bệnh. Ví như này Ananda, đối với người sung sướng đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý cùng khởi với hỷ vẫn hiện hình ở nơi Ta, như vậy đối với Ta là một chứng bệnh.”
“Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy đoạn lạc, đoạn khổ… chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Nhưng tâm của ta không có hứng khởi đối với không khổ, không lạc, không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, dầu Ta có thấy “Đây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Do nhân gì, do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với không khổ, không lạc ấy,không có tịnh tín, không có an trú, không có hướng đến, dầu Ta có thấy “Đây là an tịnh”. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy nguy hiểm trong xả lạc, vì ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Lợi ích của không khổ, không lạc chưa được chứng đắc, Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm ta không hứng khởi đối với không khổ, không lạc ấy, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến. Này Ananda, về vấn đề ấy Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong xả lạc, ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong không khổ, không lạc, Ta thưởng thức sự lợi ích ấy, thời sự kiện này xảy ra: “Tâm của Ta có thể phấn khởi trong không khổ, không lạc, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta có thấy “Đây là an tịnh”.
“Rồi này Ananda, sau một thời gian sau khi thấy nguy hiểm trong xả lạc, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, sau khi chứng được lợi ích trong không khổ, không lạc. Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong không khổ, không lạc, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta thấy “Đây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian Ta xả lạc, xả khổ… chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý cùng khởi với xả lạc vẫn hiện hành, như vậy đối với Ta là một chứng bệnh. Ví như này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy, các tưởng tác ý cùng khởi với xả vẫn hiện hành nơi Ta, như vậy đối với Ta là một chứng bệnh”.
Tiếp tục như vậy, Ngài chứng Thiền Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Diệt thọ tưởng định. Tại Không vô biên xứ Thiền, Ngài vượt qua các sắc tưởng, tại Thức vô biên xứ Thiền, Ngài vượt qua Không vô biên xứ, chứng đắc Thức vô biên xứ. Tại Vô sở hữu xứ Thiền, Ngài vượt qua Thức vô biên xứ và chứng đắc Vô sở hữu xứ. Tại Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài vượt qua Vô sở hữu xứ và chứng đắc Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Tại Diệt thọ tưởng định, Ngài vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ và chứng đắc diệt thọ tưởng định: “Ta phấn khởi trong diệt thọ tưởng định, tịnh tín, an trú, hướng đến, vì Ta thấy “Đây là an tịnh”.
Này Ananda, sau một thời gian Ta vượt qua phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú diệt thọ tưởng định. Ta thấy với trí tuệ và các lậu hoặc đi đến đoạn diệt”. Như vậy là tiến trình giải thoát, thành đạo của Đức Phật đi từ Thiền thứ nhất, vượt qua Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư, vượt luôn bốn Thiền ở Vô sắc giới, chứng đạt Diệt thọ tưởng định, với trí tuệ đoạn trừ các lậu hoặc để thành bậc Chánh Giác. Cứ mỗi Thiền chứng đạt, an trú và vượt qua, Thế Tôn cần phải nỗ lực kiên trì đối trị với các trở ngại bệnh chướng của mỗi Thiền và cuối cùng, Ngài tuyên bố: “Cho đến khi nào, này Ananda, chín thứ đệ trú Thiền chứng chưa được Ta thuận thứ, nghịch thứ chứng đạt và xuất khởi, thời này Ananda, trong thế giới này, với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa môn và Bà la môn, chư thiên và loài người cho đến khi ấy, Ta không xác chứng Ta đã chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Cho đến khi nào, này Ananda, chín thứ đệ trú Thiền chứng này đã được Ta thuận thứ, nghịch thứ chứng đạt và xuất khởi, thời này Ananda, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa Môn và Bà La Môn, chư thiên và loài người, cho đến khi ấy Ta mới xác chứng rằng Ta đã chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tri và Kiến khởi lên nơi Ta, Ta biết rằng: “Bất động là tâm giải thoát của Ta. Đây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa”.
(Kinh Tapussa trích trong Tăng Chi Bộ Kinh III, số 41 trang 273, năm 1988)
Như vậy, tiến trình giải thoát của Đức Phật cho thấy sự giải thoát giác ngộ của Ngài là cả một quá trình tuần tự, từ Sơ Thiền cho đến Diệt thọ tưởng định, để cuối cùng đoạn diệt các lậu hoặc, thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Trải qua 9 Thiền chứng như vậy, và tại mỗi Thiền chứng Ngài phải phấn đấu vượt qua các chướng ngại, tiến lên Thiền chứng kế tiếp, để cuối cùng chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Như vậy tiến trình thành đạo của Ngài là một tiến trình tuần tự tiến lên, từng Thiền chứng một tiến lên Thiền chứng kế tiếp, không có vấn đề nhảy vọt, vượt qua nhiều cấp bậc một lần. Tiến trình này cũng chứng tỏ không có vấn đề hoát nhiên đại ngộ. Sự thành đạo của Ngài là cả một quá trình tu chứng kiên trì, lâu dài bền bỉ, luôn luôn hướng thượng như trong Kinh đã diễn tả.
(Trích tập văn Thành đạo PL. 2533 – 1990)
http://daitangkinhvietnam.org/van-hoc-va-nghe-thuat/xuat-gia-thanh-dao-niet-ban/342-tin-trinh-gii-thoat-ca-c-pht-khi-ngai-thanh-o.html
                                                                          hoa-xanh

Buddha-in-Gold 200x200
Chú thích về:
Nirodhasamāpatti - Diệt Thọ Tưởng Ðịnh.
Theo nghĩa từng chữ, danh từ Nirodhasamāpatti “là chứng đắc sự chấm dứt”. Ðuợc gọi như vậy vì trong thời gian nhập thiền luồng tâm tạm thời ngưng trôi chảy. Tâm tạm dừng, nhưng sự sống vẫn còn tồn tại.
Chỉ có vị A Na Hàm hoặc vị A La Hán đã có trau giồi Thiền Sắc Giới và Vô Sắc Giới mới có thể chứng đắc tầng thiền tối thượng nầy. Khi muốn chứng Nirodhasamāpatti, Diệt Thọ Tưởng Ðịnh, trước tiên hành giả nhập sơ thiền và, khi xuất sơ thiền hành giả quán tưởng ba đặc tướng vô thường, khổ, vô ngã của những trạng thái nằm trong tầng sơ thiền nầy. Cùng thế ấy, hành giả tuần tự nhập và xuất những tầng thiền còn lại chí đến tầng “Vô Sở Hữu Xứ” của thiền Vô Sắc, Arūpa jhāna. Khi xuất ra khỏi tầng thiền nầy hành giả lập tâm quyết định bốn điều như sau:
i. bốn món vật dụng cần thiết (tứ vật dụng) của mình không bị tiêu diệt,
ii. phải xuất thiền đúng lúc khi Giáo Hội cần đến mình,
iii. phải xuất thiền đúng lúc khi Ðức Bổn Sư cho gọi,
iv. mình sẽ có còn sống hơn bảy ngày từ giờ phút nầy hay không.
Hành giả phải nghĩ đến tuổi thọ của mình, bởi vì thông thường thiền nầy kéo dài bảy ngày.
Sau khi quyết định như trên, hành giả nhập vào tầng thiền Vô Sắc cao nhất, tức “Phi Tưởng Phi Phi Tưởng”, và ở đó trong hai chặp tốc hành (javana) tâm. Tức khắc tiếp liền theo hành giả nhập Diệt Thọ Tưởng Ðịnh, Nirodha-samāpatti, khi ấy luồng tâm tạm thời dừng lại. Sau bảy ngày, hành giả xuất ra khỏi trạng thái ấy và chứng nghiệm trong một chặp, A Na Hàm Quả trong trường hợp vị ấy là A Na Hàm hoặc A La Hán Quả, nếu là một vị A La Hán. Sau đó, khởi sanh chặp tâm Bhavaṅga.
Muốn có thêm chi tiết xin đọc sách Visuddhimagga (Thanh Tịnh Ðạo).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét