Lời Ban Biên Tập:Thiền sư Goenka đã nói: “giải thoát chỉ có thể đạt được bằng thực hành và không bao giờ đạt được bằng sự bàn luận xuông”. Một khóa tu thiền Vipassana là một cơ hội để thực hiện những bước cụ thể hướng đến sự giải thóat. Thiền Vipassana do Ngài Goenka dạy đã có mặt hầu hết tại các quốc gia trên thế giới, đem lại an lạc và giải tỏa những căng thẳng, muộn phiền cho những người thực tập và hiện nay đang được truyền bá tại Việt Nam. Những khoá đầu tiên đã được tổ chức tại chùa Nguyên Thuỷ Q2 và tịnh xá Ngọc Thành Q. Thủ Đức.  Bài viết dưới đây là cảm nghĩ của một thiền sinh tham dự một trong các khoá thiền này
 goenka
TÔI ĐI HỌC THIỀN
Diệu Đức

Tấp tểnh người đi tớ củng đi
Cũng lều cũng chõng cũng đi . . . học thiền Vipassana.

Học để thanh lọc tâm, để  nhìn thấy sư việc “đúng như thật”, để “biết mình” … như Đức Phật đã chỉ dạy cách đây hơn 2.500 năm, sao mà quá khó!
Ai cũng được học 


Lời Phật dạy: ai cũng khổ và nỗi khổ không của riêng ai, nên 55 thiền sinh
chúng tôi (15 thiền sinh cũ đã học ít nhât 1 khóa 10 ngày) đến từ khắp nơi: trong nước, xa nhất là Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Huế…; nước ngoài thì có Mỹ, Pháp… tuổi đời từ 21 đến 74 và đủ các thành phần xã hội: học sinh, sinh viên, nông dân, công nhân, nhà khoa học, nhà văn, nha báo, nhà giáo, tu sĩ, đảng viên, đoàn viên, Phật giáo, ngoài Phật giáo…; có những cặp là vợ chồng, ba cha con, mẹ con, bà cháu, anh chị em, bạn bè 40-50 năm trước cùng dưới một mái trường nay cùng chung một thiền đường…
Đây la khóa thiền Vipassana tích cực 10 ngày lần thứ ba do Hội Vipassana Thế giới mà người đứng đầu là Thiền sư S.N. Goenka (VHPG đã giới thiệu trên nhiều số báo) và Hội Vipassana Việt Nam tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Thành (Q. Thủ Đức TP.HCM), từ ngày 30.10 đến ngày 10,11.2008, Thiền sư Uduwana Ratanapala Thero (tu sĩ Phật giáo, người Sri Lanka) trực tiếp hướng dẫn. Khoá 1 và 2 được tổ chức tại chùa Nguyên Thủy (Q.2, TP.HCM) vào tháng 5.2008. Khóa 4 bắt đầu vào ngày 12.11, chấm dứt vào ngày 23.11.2008, tại Tịnh xá Ngọc Thành.
Gian khó cái sự học
Theo quy định khóa thiền (được thiền sinh nghiên cứu kỹ trước khi nộp đơn xin tham dự), các thiền sinh thức dậy từ 4 giờ sáng và ngủ lúc 9giờ 30 tối. Khoảng thời gian này có 5 giờ để vệ sinh cá nhân, ăn uống, nghỉ ngơi và không làm bất cứ việc gì khác ngoài ngồi thiền. Giữa 2 giờ ngồi thiền được giải lao 5 phút. Đặc biệt là  9 ngày đầu tuyệt đối giữ im lặng, không xúc chạm, không nhìn ngang liếc dọc…, một sự im lặng thánh thiện để luôn giữ cho tâm bình an, tĩnh lặng, quân bình…
Biết tôi hay lo, ông xã tôi dặn phải buông bỏ hết moi thứ trước khi vào cổng chùa. Tôi bắt đầu ngồi thiền với tâm thế hăng hái, hứng khởi, quyết tâm… Thế mà…
Ngày thứ nhất. Thở vào, tôi ý thức được hơi thở vào; thở ra, tôi ý thức được hơi thở ra. Vào – ra – vào – ra… Giữ sự chú tâm trong vùng dưới lỗ mũi và trên môi trên đâu chưa đươc 10 hơi thở là tôi từ thiền đường đã… về đến nhà Phan Xích Long, rồi ra tận Đà Nẵng, Huế, về Túy Vân quê hương và chẳng cần phi thuyền hỏa tiễn, tôi đã… bay sang Mỹ, Pháp, Úc… Ý thức được cái tâm hay lang thang của mình, tôi lại kéo nó về với hơi thở. Vào – ra – vào – ra  chưa được 1 phút lại lo cây cối không ai tưới nước, của không khóa, bếp gas không tắt, Má đang bệnh, con gái sắp sinh…Đủ thứ hầm bà lằng kéo về trong cái tâm hay lăng xăng cua mình.  Nhưng chừng được 40 phút thì cái tâm không lang thang nữa, nó về với 2 cái chân đang tê dần, đau đớn, khổ sở. Những giây phút cuối 1 giờ ngồi thiền  trôi qua thật nặng nề. Tôi nhúch nhích, cựa quậy rồi he hé mắt nhìn người chung quanh để cái tâm tò mò, hơn – thua, tham đắm, chê bai trỗi dậy… Cuối cùng tiếng chuông báo hết giờ – tiếng chuông  “giải thoát” – cũng đến. Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Môt ngày, hai ngày, rồi ba ngày theo dõi hơi thở như thế trôi qua chậm chạp. Đến ngày thứ tư, chúng tôi học thiền Vipassana bằng cách quan sát cảm giác trên từng bộ phân cơ thể rồi toàn bộ cơ thể, từ cảm giác thô đến tinh tế với  tâm luôn bình an, tĩnh giác…mà không tham đắm, chê bai, đối kháng. Ngày cuối cùng thiền tâm từ là thoải mái và hiệu quả nhất đối với tôi, một thiền sinh có lẽ kém cỏi nhất lớp, với cái tâm luôn vọng tưởng, đến ngày cuối mà chẳng có cảm giác một luồng luân lưu thông suốt nào trên cơ thể. (Con xin sám hối với Thiền sư và đại chúng. Nếu được học khóa sau chắc con không đến nỗi).
Ôi chao, cái sự học thiền sao mà quá khó so với việc học chữ, học nghề!
Học được gi? 
Gian khó là thế, đau đớn là thế, kém cỏi là thế…! Thế mà khi được hỏi học được gì qua khóa thiền, tôi không ngần ngại trả lời: được, được nhiều thứ lắm!
Đó là những bài Kinh Phật với giọng đọc trâm hùng, thành kinh, đôi lúc nguyện cầu thiết tha; những lời hướng dẫn hành thiền cụ thể, rõ ràng, chi tiết trong mỗi giơ ngồi thiền của Thiền sư S.N. Goenka (tất cả đều qua đĩa CD). Đặc biệt là 11 bài pháp thoại vào các buổi tối, Thiền sư Goenka đã giảng  những lới Phật dạy rất sâu sắc, với những ví dụ cụ thể, sinh động và cách nói lặp lại ở cuối đoạn rất hiệu quả, chứng tỏ Ngài Goenka không những là vị thiền sư nổi tiếng mà còn là nhà tâm lý, nhà sư phạm tài ba.
Đó là sự an nhiên tự tại, tâm từ bi của Thiền sư U. Ratanapala. Ngồi trên tòa cao, Thiền sư như một pho tượng uy nghiêm, hiền từ. Mỗi lần trình pháp hay nêu thắc mắc, được ngồi gần Thầy, tôi thấy như có luồng không khí mát mẻ dẽ chịu  chung quanh. Nét mặt hoan hỷ, giọng nói đầy từ ái, Thầy chỉ dẫn cụ thể từng chút, từng chút. Hôm chia tay, Thầy từ tốn nói lời sám hối vơi chùa, với đại chúng làm cho tôi cảm thấy xâu hổ với “cái ngã mạn” của mình.
Đó là sự khiêm tốn, giản di, kiên trì của Sư bà Kiến Liên, trụ trì Tinh xá Ngọc Thành, là thiền sinh cũ của khóa tu này. Ngoài tấm gương sáng cho thiền sinh tu tập trong khóa thiền, Sư bà còn chạy ngược chạy xuôi dể xin giấy phép , lo đối nội đối ngoại, lo chỗ ăn ở cho hơn 70 người…Và dù đã 74 tuổi, lại la sư trụ trì nhưng mỗi lần nói trước đại chúng, Sư bà tự xưng minh là “trò”.
Đó là sự chu đáo, khoa học, an nhiên, tận tụy  của anh chi Thảo Lan Đinh. Anh chi  vừa là người tổ chức, điều hành, quản lý, phiên dịch và vừa là người phục vụ tròn trong tròn ngoài cho khóa thiền đạt kết quả tốt đẹp, dù thân mẫu anh qua đòi trước lúc khai mạc khóa thiền chỉ mới hơn 10 ngày: một bài học thực tế cho chúng tôi về sự không vướng mắc!
Đó là  sự chịu khổ chịu khó, tính toán giỏi và đầy tư tâm của những người phục vụ khóa thiền (phải là thiền sinh cũ) như chị Thủy, Linh , Phương…; anh Nam, Hiếu…Dù công việc rất nặng nhọc, bận rộn, phải thức khuya dậy sơm hơn thiền sinh chúng tôi, phục vụ cho chúng tôi từng ly từng tý nhưng trên nét mặt các anh chị luôn tươi vui, đầy từ ái.
Đó là sự thương yêu, biết chia sẻ, cảm thông của những người bạn tu.  Hơn 9 ngày dù không nói với nhau lời nào nhưng qua những ánh mắt đầy thương yêu, trìu mến, thân thiện… chúng ta đã “thấy và biết”  như đang là về những điều này, phải không các anh chị?
Đó là anh Trần Văn Cảnh (định cư tại Pháp, làm việc ở Bộ Ngoại giao Pháp, đã nghỉ hưu), hiện nay anh đang hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ tại ĐH Nông Lâm TP.HCM, là thiền sinh cũ. Anh chia sẻ: “Tôi học thiền này bên Pháp, rất lợi lạc nên tôi xin tham dự tiếp khóa này. Nhà tôi dự khóa sau vì bận chăm Bà cụ. Khòa sau, tôi chăm Bà và xin phục vụ khóa thiên bán thời gian“. Phục vụ khóa thiền có nghĩa là bưng-bê-kê-dọn: bưng bàn kê ghế; lau dọn thiền đường, phòng ăn, phòng ngủ, phòng vê sinh; nấu cơm, nấu nước; lau chén lau bát; đánh chuông báo giờ, đem thuốc, đem nước đến tận tay người bệnh…với tâm từ luôn rông mở. Ôi! Có bài học nào cao quý hơn!
Nhiều năm qua, Thiền Vipassana đã đem lại  lợi lạc cho hàng triệu người trên thế giới, đã có  trên 100 trung tâm thiền của Thiền sư Goenka hoạt động khắp nơi và ngày càng phát triển. VHPG  đã giới thiêu vấn đề này trên nhiều số báo. Bản thân tôi, do thiếu phước, thiếu Balamật, sơ cơ, vọng tưởng nên kết quả tu học không đáng kể. Xin nêu lên đây một nhân chứng như là “hình ảnh trực quan sinh động” trong việc tu tập, đó là Ph. B., người bạn học của tôi, người đã lặn lội sang Campuchia học Vipassana hơn 3 năm trước. Sau 1 năm mới gặp lại, Thầy Thích Nhuận Châu (dịch giả) nửa đùa (vui) nửa thật: Ồ! Anh B. lâu ngày quá! Thế mà tôi tưởng vị đại sư nào ở Tây Tạng mới qua!”. Anh Nguyên Tường Bách (tác giả Mùi hương trầm) mỗi lân về nước, gặp B. đều trầm trồ:” Thấy B. mỗi ngày mỗi sáng ra, lành thêm…Chúc mừng nhé!”. Chị 7 Hà (nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư), bạn đạo, trong lần tiếp xúc đầu tiên, nhận xét: “Tu như B. mới là tu!” Còn ông xã tôi thì: “Lạ thật! Từ một “sĩ phu nhậu” đã nói lời “adieu” và có một cưộc sống khác hẳn!”.
Thì ra …không có gì là lạ cả! Vì đó là Vipassana! Vì đó là Pháp bảo!…
Bạn không tin ư? Hãy đi một lần rồi sẽ biết!
Ước mong   
Buổi tối trước khi kết thúc khóa thiền, chúng tôi được xem phim Thiền Vipassana trong nhà tù  nói về những khóa tu dành cho tù nhân, cảnh sát tại Ấn Độ. Thật là xúc động khi Vipassana đã chuyển hóa nhũng tù nhân thành người lương thiện, giúp những người bảo vệ an ninh trật tự xã hội phát triển tâm từ, nhiệt tình tận tâm hơn với công việc của mình; và hàng trăm trung tâm thiền Vipassana  trên khắp thế giới hoạt động ngày càng thu hút nhiều người đến học đạo. Thấy nước người ta vậy mà ham! Ham muốn cho đất nước Việt Nam thân yêu minh cũng sẽ có những trung tâm thiền như vậy, bởi thêm một người vào chùa, vào nhà thờ, vào thánh đường… thì xã hội bớt đi một mối lo. Hiện nay, tại một số chùa, nhà thờ thánh đường… ở nước ta cũng có thiền đường; Số người đến thiền đường ngày càng đông. Thầy Thích Nhật Từ cũng đã mở các khóa thiền cho tù nhân…  Nhưng so với dân số nước ta thi tỷ lê đó không đáng kể. Đặc biệt, số người trẻ rất ít. Chợt nhớ đến câu thơ ứng khẩu của một thiền sinh khóa 3 ứng khẩu sau lời động viên rất hay, rất có duyên của Sư bà Kiến Liên với mấy thiền sinh trẻ vào ngày cuối khóa:
Đừng để cuối đời mới học đạo
Mồ hoang đâu thiếu kẻ xuân xanh!

Ít người trẻ đến với đạo, thiếu chùa, thiếu nhà thờ, thiếu thiền đường (Ban tổ chức 2 khóa thiền vừa rồi phải từ chối hàng trăm đơn xin tham dự khóa thiền)… là nỗi lo chung của xã hội, của đất nước.
Được biết, một số người phát tâm theo hạnh Ngài Cấp Cô Độc hiến tặng 3ha đất ở Bảo Lộc để xây dựng  trung tâm thiền Vipassana. Vấn đề còn lại là xin giấy phép và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc tu tập. Nếu trung tâm thiền này sớm hoạt động thì các khóa thiền sẽ được mở thường xuyên hơn, được nhiều người tu học hơn, không còn lặn lội ra nước ngoài nữa, đồng thời sẽ có nhiều khóa dài ngày: 10, 20, 30, 45 hay có những khóa ngắn ngày cho những người còn nghèo thời gian…
Mong lắm thay!
Diệu Đức 
Nguồn: Thư Viện Hoa sen