Đặc tính của Tham Sân Si (Nina Van Gorkhom)

Ðặc tính của Tâm Tham

-ooOoo-
Tâm có nhiều loại khác nhau. Chúng được người ta phân loại là tâm thiện, tâm bất thiện, tâm quả, tâm tố. Tất cả những loại tâm này phát sinh thường xuyên. Tuy nhiên, chúng ta biết rất ít về chúng. Hầu hết chúng ta không biết có tâm thiện, tâm bất thiện, tâm quả, tâm tố không? Nếu chúng ta học cách phân loại tâm của chúng ta, chúng ta sẽ có sự hiểu biết nhiều về tâm của mình và tâm của người khác. Chúng ta sẽ có nhiều tâm từ và tâm bi đối với những người khác, thậm chí khi họ cư xử mất lịch sự với mình. Chúng ta không thích tâm bất thiện của người khác; khi người ta keo kiệt hoặc nói những lời thô lỗ chúng ta cảm thấy khó chịu.
Tuy nhiên chúng ta có biết những khoảnh khắc nào chúng ta có tâm bất thiện không. Khi chúng ta không thích lời nói thô lỗ của kẻ khác, lúc đó chúng ta có tâm sân. Thay vì để ý tâm bất thiện của người khác, chúng ta nên ghi nhận tâm bất thiện của chúng ta. Nếu một người không học Vi Diệu Pháp thì không thể biết được tâm bất thiện. Người ta nhầm lẫn điều bất thiện cho là thiện và như vậy sẽ huân tập điều bất thiện mà họ không biết. Nếu chúng ta hiểu nhiều về những loại tâm khác nhau, chúng ta có thể thấy các loại tâm của chúng ta phát sinh thường xuyên như tâm thiện, tâm bất thiện, và do đó chúng ta sẽ hiểu rõ chính chúng ta hơn.
Chúng ta nên biết, sự khác nhau giữa tâm thiện và tâm bất thiện. Chú giải bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì) quyển I, phần 1, chương I, 38 đề cập đến ý nghĩa của danh từ "thiện". Danh từ thiện có nhiều ý nghĩa như vô bệnh, không lỗi lầm, khéo léo và cho quả lành.
Khi chúng ta bố thí, trì giới, tu tiến, đây là tâm thiện. Tất cả những loại tâm thiện khác nhau như tùy hỷ, phục vụ, cung kính, trì giới, học pháp và dạy pháp, thực hành thiền chỉ quán, tất cả những pháp trên bao gồm trong việc bố thí, trì giới hoặc tu tiến. Thiện pháp thì "cho những kết quả lành"; mỗi hành động thiện sẽ mang lại kết quả an vui. Chú giải bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì, quyển 1, phần I, chương I, 39) đề cập đến bất thiện pháp như sau:
"Bất thiện pháp nghĩa là "hành động xấu". Ví như đối nghịch với bạn hữu là kẻ thù, hoặc đối nghịch với tham ... là vô tham... như vậy "bất thiện pháp" thì đối nghịch với "thiện pháp".

Những hành động bất thiện sẽ mang lại những kết quả đau khổ. Không ai mong muốn mình có một cuộc đời bất hạnh, nhưng nhiều người không hiểu hành động bất thiện sẽ dẫn đến đau khổ. Khi tâm bất thiện phát sinh chúng ta không phân biệt được và vì không phân biệt nên chúng ta thực hiện những hành động bất thiện.
Lúc học Vi Diệu Pháp, chúng ta biết rằng có ba loại tâm bất thiện là:

Tâm tham căn,
Tâm sân căn,
Tâm si căn,
Tâm Si phát sinh cùng với tất cả các tâm bất thiện. Tâm bất thiện có căn tham, đúng ra nó có 2 căn: tâm si và tâm tham. Cho nên chúng được đặt tên là tâm tham căn, bởi vì nó không chỉ có tâm si mà còn có tâm tham nữa. Như vậy nguồn gốc tâm tham người ta gọi là tâm tham căn. Tâm bất thiện có căn sân, chúng cũng có 2 căn: si và sân. Cho nên nguồn gốc tâm sân người ta gọi là tâm sân căn. Tâm bất thiện có căn si nó chỉ có một căn là si. Mỗi tâm của ba loại tâm bất thiện này bao gồm có những loại tâm bất thiện khác nữa và như vậy chúng ta thấy rằng có nhiều loại tâm khác nhau.
Bây giờ trước tiên chúng ta phải giải quyết tâm tham căn. Tham là pháp chân đế mà nó cũng là sở hữu tâm; đây là sự thật cho nên người ta có thể biết được.
Tham là sự dính mắc. Thanh tịnh đạo (XIV, 162) có đề cập đến như sau:
...tham có tướng trạng là dính mắc trần cảnh, giống như nhựa bẩy chim (bẩy khỉ), chức năng của nó là chấp thủ, giống như miếng thịt đặt trong chảo nóng. Nó được hiển lộ sự không xả ly, giống như thuốc nhuộm chế bằng khói đèn. Nhân gần của nó là thấy thỏa thích trong các pháp dẫn đến dính mắc. Bị lôi cuốn theo dòng sông ái dục, tham ái được xem như là pháp đưa chúng sanh đến khổ cảnh, như dòng nước chảy vào đại dương.
Danh từ Lobha đôi khi được dịch là tham hoặc là "ái dục"; nó có thể được dịch bằng những từ khác nhau, bởi vì có nhiều mức độ tham. Tham ái có thể biểu hiện bằng cách thô thiển, trung bình hoặc vi tế. Hầu hết người ta có thể nhận thức tham khi nó biểu hiện rõ ràng, nhưng không nhận thức nó ở mức độ vi tế. Ví dụ chúng ta có thể nhận thức tham khi chúng ta có ý định ăn quá nhiều thực phẩm ngon hoặc khi chúng ta ham muốn uống rượu hoặc hút thuốc. Chúng ta thương yêu một ai khi người mình thương bị mất thì chúng ta cảm thấy đau khổ. Vậy thì chúng ta có thể biết rằng tham ái dẫn đến đau khổ. Ðôi khi tham ái thì rất rõ, nhưng có nhiều mức độ tham ái và thường chúng ta không biết rằng chúng ta có tham ái. Tâm sinh diệt rất nhanh chóng và chúng ta không thể biết nó, khi tham ái phát sinh vì những điều mà chúng ta cảm nhận trong đời sống hằng ngày là do bởi sáu căn, đặc biệt là nếu mức độ tham muốn không mạnh bằng ái dục hoặc tham đắm. Mỗi khi có cảnh sắc, thinh, hương, vị, xúc lạc thì tham có thể phát sinh. Nó phát sanh nhiều lần trong một ngày.
Tham có thể phát sinh khi có đầy đủ nhân duyên; nó khó kiểm soát được. Trong nhiều kinh điển Ðức Phật nói đến tham, ngài chỉ rõ sự nguy hiểm cả sự khắc phục nó. Dục lạc có thể được cảm nhận xuyên qua 5 căn, trong nhiều kinh điển gọi là "ngũ dục". Chúng ta xem trong kinh Ðại Khổ Uẩn (Mahàdukkhakkhandhasutta), Trung Bộ Kinh, tập I, số 13, Ðức Phật lúc ngụ gần Sàvatthì, trong vườn Kỳ Ðà, ngài dạy chư Tỳ khưu như sau:
Và này chư Tỳ khưu, thế nào là vị ngọt trong dục lạc? Này các Tỳ khưu có 5 món dục lạc. Thế nào là năm? Sắc do nhãn căn nhận biết, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ tương ưng với dục, lôi cuốn. Thinh do nhỉ căn nhận biết ... hương do tỷ căn nhận biết ... vị do thiệt căn nhận biết ... xúc do thân căn nhận biết, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ tương ưng với dục , lôi cuốn. Này các Tỳ khưu đây là năm loại dục lạc. Bất cứ hỷ lạc nào phát sinh đến do năm dục lạc này. Ðây là vị ngọt của dục lạc.
Vị ngọt của dục lạc không phải là hạnh phúc thật sự. Người không biết giáo pháp của Ðức Phật có thể suy nghĩ rằng tham ái là thiện, đặc bi?t khi nó phát sinh với hỷ thọ. Người ta không biết sự khác biệt giữa tham ái và từ bi, cả hai hiện tượng này có thể phát sinh với hỷ thọ. Tuy nhiên một tâm đồng sinh với hỷ thọ không nhất thiết phải là tâm thiện. Khi chúng ta biết nhiều về tâm bất thiện và tâm thiện, chúng ta sẽ nhận biết những tướng trạng của chúng, chúng ta nên lưu ý rằng hỷ thọ có thể phát sinh với tâm tham căn thì khác hỷ thọ phát sinh với tâm thiện. Thọ là sở hữu phát sinh với tất cả tâm. Khi tâm là bất thiện, thọ cũng là bất thiện, khi tâm là thiện, thọ cũng là thiện. Chúng ta có thể biết sự khác biệt giữa tướng trạng của hỷ thọ phát sinh khi chúng ta tham đắm cảnh sắc, thinh ... khả ái, và tướng trạng của hỷ thọ phát sinh khi chúng ta bố thí.
Ðức Phật cho chúng ta thấy rằng tham thì dẫn đến đau khổ. Khi chúng ta xa lìa người mình yêu, hoặc mất mát vật gì mình quí mến, chúng ta bị đau khổ. Nếu chúng ta tham đắm tài sản khi gặp phải sự khó khăn thì chúng ta sân hận, hoặc khi cần điều gì mà không thành tựu thì dẫn đấn sụ bực bội. Chúng ta xem trong Kinh Ðại Khổ Uẩn được trích dẫn ở trên mà Ðức Phật đã dạy cho chư Tỳ khưu về sự nguy hiểm của các dục lạc:
Và nầy chư Tỳ khưu, thế nào là sự nguy hiểm của các dục lạc? Ở đây, này chư Tỳ khưu có một thanh niên nuôi sống bằng nghề thủ công ... người đó phải chịu lạnh, chịu nóng, chịu sự đau khổ do sự xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, nắng, các loài bò sát, chịu sự đói khát. Nầy chư Tỳ khưu, đây là sự nguy hiểm của các dục lạc, nó thiết thực trong hiện tại, là nguồn gốc của đau khổ.
Nầy chư Tỳ khưu, nếu một thanh niên cố gắng, nỗ lực, tinh cần như vậy, mà nếu tài sản không đến tay mình, vị ấy than phiền, buồn chán, khóc than, đấm ngực, bất tỉnh, và người đó suy nghĩ "thật sự nỗ lực của ta là vô ích, sự chuyên cần của ta thật sự không có kết quả". Nầy chư Tỳ khưu, đây cũng là sự nguy hiểm các dục lạc, thiết thực trong hiện tại.
Lại nữa nầy chư Tỳ khưu, khi dục lạc làm nhân ... vua tranh đoạt với vua, Sát đế lỵ tranh đoạt với Sát đế lỵ, Bà la môn tranh đoạt với Bà la môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bằng hữu tranh đoạt với bằng hữu. Những ai tranh luận, tranh cải, tranh đoạt và đánh nhau bằng tay, bằng đá, bằng gậy, bằng vũ khí, những hành động này dẫn đến đau khổ tử vong. Nầy chư Tỳ khưu, đây cũng là sự nguy hiểm của các dục lạc, thiết thực trong hiện tại.
Ðức Phật cũng giải thích về vị ngọt và sự nguy hiểm trong "sắc pháp". Chúng ta hãy xem:
"Nầy chư Tỳ khưu, thế nào là vị ngọt trong sắc pháp? Nầy chư Tỳ khưu, ví như một thiếu nữ trong gia đình quí tộc, Bà la môn, hay gia chủ ở khoảng tuổi 15 hay 16 tuổi, không quá cao, không quá thấp, không quá ốm, không quá mập, không quá đen, không quá trắng - Nầy chư Tỳ khưu, có phải thiếu nữ ấy có sắc đẹp và sự duyên dáng cao nhất vào thời điểm đó?"

"Bạch hóa Thế Tôn, đúng vậy."


"Nầy chư Tỳ khưu, bất cứ loại hạnh phúc và lạc thú nào phát sinh vì sắc đẹp và sự duyên dáng, đây là vị ngọt trong sắc pháp.
Và nầy chư Tỳ khưu, thế nào là sự nguy hiểm trong sắc pháp? Như vậy ở đây nầy chư Tỳ khưu, người ta có thể thấy cùng một cô thiếu nữ đó trong một thời gian sau khoảng độ tuổi 80, 90 hoặc 100 thì cô ấy già yếu, lưng còm, đi phải chống gậy, tay chân run rẩy, suy yếu, thời thanh xuân đã qua, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, sói đầu, tứ chi thay hình đổi dạng..."
"Lại nữa, nầy chư Tỳ khưu, người ta có thể thấy cùng cô thiếu nữ đó, thể xác của cô ta bị quăng vào nghĩa địa một ngày, hai ngày, ba ngày thì nó trương phồng, biến màu, hôi thúi. Nầy chư Tỳ khưu, các thầy suy nghĩ như thế nào? Có phải sắc đẹp và sự duyên dáng xưa kia của cô ta đã biến mất và sự nguy hiểm đã xuất hiện?"

"Bạch hóa Thế Tôn, đúng vậy."


"Nầy chư Tỳ khưu, đây cũng là sự nguy hiểm trong sắc pháp."
Ðiều mà Ðức Phật dạy cho chư Tỳ khưu, chúng ta nghe có vẻ khô khan, nhưng đó là sự thật. Sinh, già, bịnh, chết là sự thật nhưng chúng ta khó chấp nhận. Chúng ta không dám suy nghĩ thân của mình và thân thể người mà mình yêu thương sẽ là tử thi. Chúng ta chấp nhận sự sinh, nhưng chúng ta khó chấp nhận hậu quả của sự sinh là già, bịnh, chết. Khi nhìn vào gương và lúc trang điểm xác thân, chúng ta có ý định giữ nó tồn tại và muốn nó thuộc về chúng ta. Tuy nhiên, thân thể chỉ là sắc tứ đại hoại diệt ngay khi chúng phát sinh. Không có thành phần của thân thể nào mà tồn tại cả.
Với tà kiến, người ta có thể dính mắc vào xác thân, tiếng Pàli gọi là Ditthi. Tà kiến là một sở hữu mà có thể phát sinh với tâm tham căn. Ðôi khi tham không có tà kiến, đôi khi có tà kiến.
Có những loại tà kiến khác nhau. Chấp vào bản ngã là một loại tà kiến. Chúng ta bám bíu vào thân tâm với ngã kiến. Một số người tin rằng, có một bản ngã tồn tại ngay trong kiếp này và sẽ tiếp tục tồn tại sau kiếp sống khác. Ðây là thường kiến. Một số người khác tin rằng có kiếp này mà không có kiếp khác. Ðây là đoạn kiến. Hình thức khác của tà kiến là tin rằng không có nghiệp quả. Có một số người trong những quốc gia khác suy nghĩ rằng họ có thể rửa sạch những tội lỗi đơn thuần chỉ bằng nước hoặc cầu nguyện. Họ tin rằng kết quả của những hành động ác mà họ đã phạm có thể tránh khỏi. Họ không biết rằng mỗi hành động có thể mang lại những kết quả riêng của nó. Chúng ta có thể tự làm thanh tịnh những lỗi lầm của chúng ta nếu như trí tuệ được tu tập thì có thể đoạn trừ chúng. Nếu người ta nghĩ rằng những việc làm không mang lại những kết quả tương xứng thì người ta có thể dễ tin rằng tu tập thiện nghiệp thì vô ích. Loại đức tin này có thể dẫn đến những hành vi xấu và làm băng hoại xã hội.
Có tám loại tâm tham căn và những loại tâm này có 4 loại phát sinh với tà kiến, tiếng Pàli gọi là Ditthigatasampayutta; (từ sampayutta có nghĩa: tương ưng). Bốn tâm còn lại phát sinh không có tà kiến (từ Pàli gọi là Ditthigatavippayutta; vippayutta nghĩa là: bất tương ưng).
Ðối với cảm thọ câu sinh với tâm tham căn, tâm tham căn có thể phát sinh vừa thọ hỷ vừa thọ xả, không bao giờ phát sinh với cảm thọ ưu. Ðối với 4 loại tâm tham căn câu sinh với tà kiến, hai loại phát sinh với hỷ thọ (từ Pàli Somanassasahagata; sahagata nghĩa là câu sinh), hai loại phát sinh với thọ xả (Upekkhà). Ví dụ khi người ta dính mắc vào tà kiến cho rằng có một bản ngã sẽ tồn tại, tâm có thể câu sinh với thọ hỷ hoặc thọ xả. Ðối với 4 loại tâm tham căn phát sinh không có tà kiến, hai loại câu sinh với thọ hỷ và hai loại với thọ xả. Như vậy tám loại tâm tham căn là có 4 loại phát sinh với thọ hỷ và 4 loại phát sinh với thọ xả.
Về việc phân tích tâm tham căn, ở đây người ta còn phân tích thêm nữa. Tâm tham căn có thể là không cần nhắc bảo (Asankhàrika) hoặc cần nhắc bảo (Asankhàrika). Danh từ Asankhàrika có thể được dịch là "không ai xúi bảo", "không ai sai khiến", "tự ý". Thanh tịnh đạo (XIV, 91) nói đến tâm tham căn là nói đến sự nhắc bảo "khi hành động với tâm yếu ớt cần nhắc bảo." Tâm tham căn cần được nhắc bảo có thể được khuyến khích do lời động viên hoặc yêu cầu của người khác, hoặc chúng có thể phát sinh do sự suy nghĩ trước của chính mình. Thậm chí khi chính mình là động cơ thúc đẩy, thì chúng là những tâm "yếu ớt cần được nhắc bảo".
Ðối với tâm tham căn phát sinh với tà kiến, có hai loại không cần nhắc bảo, và hai loại thì cần được nhắc bảo. Ðối với tâm tham căn phát sinh không có tà kiến, có hai loại không cần nhắc bảo và hai loại cần được nhắc bảo. Như vậy tám loại tâm tham căn, có 4 loại không cần nhắc bảo, và 4 loại cần nhắc bảo.
Ðể học thuật ngữ Pàli và ý nghĩa của chúng thì thật là hữu ích, bởi vì việc phiên dịch tiếng anh không diễn đạt ý nghĩa rõ ràng lắm.
Tám loại tâm tham căn là:
1. Một tâm câu hành hỷ, tương ưng tà kiến, không cần nhắc bảo
(Somanassasahagatam, ditthigatasampayuttam asankhàrikam ekam [1]).
2. Một tâm câu hành hỷ, tương ưng tà kiến cần được nhắc bảo
(Somanassasahagatam, ditthigatasampayuttam sasankhàrikamekam).
3. Một tâm câu hành hỷ, bất tương ưng tà kiến, không cần nhắc bảo
(Somanassasahagatam, ditthigatavippayuttam asankhàrikamekam).
4. Một tâm câu hành hỷ, bất tương ưng tà kiến, cần được nhắc bảo
(Somanassasahagatam, ditthigatavippayuttam sasankhàrikamekam).
5. Một tâm câu hành xả, tương ưng tà kiến, không cần nhắc bảo
(Upekkhàsahagatam, ditthigatasampayuttam asankhàrikamekam).
6. Một tâm câu hành xả, tương ưng tà kiến, cần được nhắc bảo
(Upekkhàsahagatam, ditthigatasampayuttam sasankhàrikamekam).
7. Một tâm câu hành xả, bất tương ưng tà kiến, không cần nhắc bảo
(Upekkhàsahagatam, ditthigatavippayuttam asankhàrikamekam).
8. Một tâm câu hành xả, bất tương ưng tà kiến, cần được nhắc bảo
(Upekkhàsahagatam, ditthigatavippayuttam sasankhàrikamekam).
Như chúng ta biết, tâm tham căn có thể không cần nhắc bảo hoặc cần được nhắc bảo. Chú giải bộ Pháp Tụ (quyển II, phần IX, chương III, 225) nêu một ví dụ về tâm tham căn, câu sinh tà kiến, cần được nhắc bảo. Một thanh niên gia đình quí tộc lập gia đình với một thiếu nữ tà kiến và do đó anh ta chung sống với người tà kiến. Dần dần anh ta chấp nhận tà kiến và như vậy tà kiến làm anh ta thỏa mãn.
Tâm tham căn bất tương ưng tà kiến cần được nhắc bảo phát sinh, ví dụ, khi một người lần đầu tiên không ham thích uống rượu, nhưng do sự mời của bạn bè nên anh ta uống.
Như chúng ta biết, tâm tham căn có thể là câu hành hỷ và câu hành xả. Tâm tham căn tương ưng tà kiến câu hành hỷ có thể phát sinh, ví dụ như khi chúng ta thích nhìn cảnh đẹp hoặc nghe một âm thanh hay. Ở thời điểm như vậy chúng ta có thể tham bất tương ưng tà kiến về những sự thật. Khi chúng ta thích mặc quần áo đẹp, đi xem phim, hoặc trò chuyện với những người khác về những điều lạc thú, lúc đó có nhiều khoảnh khắc thú vị mà không có ý niệm về "bản ngã".
Tâm tham căn bất tương ưng tà kiến, câu hành xả có thể phát sinh, ví dụ giống như khi cầm một vật gì khác. Bởi vì thường thường chúng ta không hoan hỷ với những hành động này, ở thời điểm như vậy có thể là tham tương ưng thọ xả. Do đó chúng ta thấy rằng, tham thường sai khiến hầu hết những hành động thông thường trong đời sống hằng ngày của chúng ta.


CÂU HỎI:
1/- Khi nào có tâm tham thì luôn luôn có thọ hỷ phải không?
2/- Tà kiến chỉ phát sinh với tâm tham căn phải chăng?
3/- Có bao nhiêu loại tâm tham căn? Tại sao biết tâm tham căn thì hữu ích?


Chú thích:
[1] Eka.m (ê-kăng) nghĩa là "một". Chữ .m ở cuối từ được phát âm như là ng.
-ooOoo-

Ðặc tính của Sân hận

-ooOoo-
 Khi chúng ta giận dữ với người khác, chúng ta tự làm hại chính mình do bởi tâm sân. Ðức Phật đã chỉ rõ những kết quả nguy hại của sân hận (Dosa). Chúng ta xem trong Tăng Chi Bộ Kinh (Pháp 7 chi, chương 6, kinh số 10, Sân hận) về sự nguy hại kẻ thù đối với kẻ thù. Có nói:
... Này chư Tỳ khưu, trường hợp kẻ thù muốn kẻ thù của mình như sau: "Mong rằng kẻ kia bị xấu xí" và tại sao? Này chư Tỳ khưu, kẻ thù không muốn kẻ thù của mình có sắc đẹp. Này chư Tỳ khưu, hạng người này sân hận, bị sân hận chinh phục, bị sân hận chi phối, và dù cho người đó khéo tắm rửa, khéo chải chuốt, khéo cạo râu tóc, khéo mặc quần áo, nhưng người ấy vẫn xấu xí, bị phẫn nộ chinh phục . Này chư Tỳ khưu, đây là điều thứ nhất được kẻ thù ưa thích làm nhân cho cho kẻ thù trở thành người nam hay người nữ sân hận.
Lại nữa, có trường hợp kẻ thù muốn kẻ thù của mình như sau: "Mong rằng kẻ kia khó ngủ" Tại sao? Này chư Tỳ khưu, một kẻ thù không muốn kẻ thù của mình ngủ một cách ngon lành, Này chư Tỳ khưu, hạng người này sân hận, bị sân hận chinh phục, bị sân hận chi phối và dù người ấy nằm trên giường có chăn êm nệm ấm, đầy đủ tiện nghi ăn ngủ, nhưng người đó nằm thao thức trong niềm đau nỗi khổ do sân hận hành hạ. Này chư Tỳ khưu , đây là điều thứ hai...
Như vậy chúng ta xem thêm những điều nguy hại nữa, một kẻ thù mong muốn kẻ thù của mình trở thành một người nam hay nữ sân hận. Chúng ta thấy rằng kẻ thù mong muốn kẻ thù của mình không có hưng thịnh, giàu sang và danh vọng. Xa hơn nữa, chúng ta thấy rằng kẻ thù mong muốn kẻ thù của mình không có bằng hữu và như vậy dẫn đến sân hận. Tăng Chi có nói:
Nầy chư Tỳ khưu, hạng người nầy thì sân hận... bất cứ bạn bè, thân hữu, bà con ruột thịt nào anh ta đã có, họ sẽ xa lánh anh ta, vì anh ta bị sân hận khống chế...
Kẻ thù muốn kẻ thù của mình tái sinh đau khổ và như vậy dẫn đến sự sân hận. Chúng ta xem:
... Nầy chư Tỳ khưu, hạng người nầy thì sân hận... hành động bất thiện về thân, khẩu, ý; hành động, lời nói và suy nghĩ như vậy cho nên khi thân hoại mạng chung người đó tái sinh vào khổ cảnh, đọa xứ, ác thú, địa ngục.
Chúng ta muốn sống hòa bình và an lạc giữa các quốc gia và chúng ta bị phiền nhiễu khi con người phạm những hành vi tội lỗi, chúng ta nên quan tâm nguyên nhân chính yếu về chiến tranh và sự bất hòa giữa con người: đó là những điều phiền não mà con người đã huân tập. Khi chúng ta sân hận, chúng ta suy nghĩ rằng người khác hoặc những hoàn cảnh bất hạnh là nguyên nhân cho sự sân hận của chúng ta. Tuy nhiên sự huân tập sân hận của chúng ta là nguyên nhân chính yếu cho sự sân hận phát sinh nhiều lần. Nếu chúng ta muốn mình ít có sân hận, chúng ta nên biết đặc tính của sân hận và nên ghi nhận nó khi nó phát sinh.
Sân có nhiều mức độ; có thể ít hoặc nhiều. Chúng ta có thể biết sân, khi nó phát sinh mạnh mẽ, nhưng chúng ta có biết là chúng ta có sân khi nó ngấm ngầm không? Qua sự nghiên cứu về Vi Diệu Pháp, chúng ta học nhiều về đặc tính của sân. Sân là một sở hữu bất thiện phát sinh với tâm bất thiện. Tâm có nguồn gốc sân hận gọi là tâm sân căn (Dosa mùla citta). Ðặc tính của sân thì khác với đặc tính của tham. Khi có tham, tâm thích cảnh mà nó biết vào thời điểm đó, trái lại khi có sân, tâm không thích thú cảnh mà nó biết. Chúng ta nhận thức sân khi chúng ta giận dữ với người khác và khi chúng ta nói những ngôn từ thô lỗ với người đó. Nhưng khi chúng ta sợ điều gì có sân hận bởi vì chúng ta không thích thú cảnh mà người ta sợ. Có nhiều điều trong cuộc sống mà chúng ta sợ như vậy; chúng ta lo sợ về tương lai bệnh hoạn, tai nạn và chết chóc. Chúng ta tìm kiếm nhiều phương pháp để điều trị sự đau khổ nhưng con đường độc nhất là phát huy trí tuệ để đoạn trừ những khuynh hướng ngủ ngầm của sân hận.
Tâm tham là duyên cho tâm sân; chúng ta không muốn mất người mà chúng ta thương yêu, nhưng khi điều nầy thật sự xảy xa chúng ta cảm thấy buồn rầu. Buồn rầu là sân, nó là tâm bất thiện. Nếu chúng ta không biết những điều nầy rõ ràng, chúng ta tin rằng, con người và vạn vật sẽ vĩnh cửu. Tuy nhiên con người và vạn vật sinh và diệt ngay lập tức. Khoảnh khắc tiếp theo chúng đã diệt rồi. Nếu chúng ta thấy vạn vật rõ ràng như vậy chúng ta sẽ ít bị buồn phiền quấy rối. Buồn phiền không giải quyết được gì.
Trong trưởng Lão Ni kệ (Therìgathà, 33) chúng ta thấy rằng hoàng hậu Ubbirì khóc than vì mất đứa con gái Jìvà của bà. Mỗi ngày bà đi đến nghĩa địa. Bà gặp Ðức Phật, ngài dạy bà ta rằng, trong nghĩa địa đó có khoảng 84 ngàn đứa con gái của bà trong kiếp quá khứ đã chôn ở trong đó. Ðức Phật dạy:

Hỡi ơi nàng Ubbirì (Úb bí ri)
Nàng khóc trong rừng Ích chi
Khóc than đứa con (Jìvà) thân yêu
Hãy nhìn trong nghĩa địa nầy
Ðã chôn hàng ngàn đứa con
Mà nàng thương yêu ấp ủ
Tên chúng được đặt giống Jìvà
Như vậy nàng khóc đứa con
Jìvà thân yêu quí mến nào
?
Sau đó nàng Ubbirì suy xét về giáo pháp do Ðức Phật thuyết giảng như vậy, bà phát sinh trí tuệ và thấy các pháp rõ ràng; ngay sau đó bà đắc chứng quả vị A la hán.
Có những sở hữu bất thiện khác có thể phát sinh với tâm sân căn. Hối tiếc (Kukkucca) là một sở hữu bất thiện phát sinh với tâm sân căn vào lúc chúng ta hối tiếc điều bất thiện đã làm hoặc điều thiện chưa làm. Khi có hối tiếc, chúng ta suy nghĩ về quá khứ thay vì nhận biết giây phút hiện tiền. Khi chúng ta làm điều gì sai trái, thường có sự hối tiếc.

Ganh tị (Issà) là một sở hữu khác nữa mà có thể phát sinh với tâm sân căn. Tâm ganh tị là khi chúng ta không thích người khác sống cảnh giàu sang .Lúc đó tâm không hoan hỷ cảnh hiện diện. Thường xuyên, chúng ta nên nhận biết tâm ganh tị phát sinh ngay khi nó còn vi tế. Ðây là cách thức để nhận biết rằng: không biết chúng ta có thật sự quan tâm đến người khác hay chúng ta chỉ quan tâm đến chính chúng ta, khi chúng ta giao du với những người khác.
Bỏn xẻn (Macchariya) cũng là một sở hữu khác nữa mà có thể phát sinh với tâm sân căn. Lúc có bỏn xẻn, tâm chúng ta cũng có sân. Khi người khác bố thí, tâm chúng ta không hoan hỷ.
Tâm sân luôn luôn phát sinh với thọ ưu (Domanassavedanà). Hầu hết người ta không thích có tâm sân bởi vì họ không thích có thọ ưu. Khi có nhiều trí tuệ, chúng ta muốn đoạn trừ tâm sân dần dần bởi vì chúng ta không thích thọ ưu, nhưng dĩ nhiên là vì chúng ta nhận thức những kết quả tai hại của tâm bất thiện.
Tâm sân phát sinh vì biết cảnh xuyên qua sáu căn. Nó có thể phát sinh khi chúng ta thấy cảnh sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, tâm suy nghĩ những điều trái ý nghịch lòng. Bất cứ khi nào có thọ ưu không kể là nặng hay nhẹ, hiển nhiên là lúc đó có tâm sân. Thường thì tâm sân phát sinh khi nó biết cảnh bất lạc xuyên qua sáu căn, ví dụ khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Bất cứ lúc nào thân thọ bất lạc thì lúc đó tâm sân phát sinh, nó chỉ ở mức độ thấp thôi.
Sân hận phát sinh khi nhân duyên đầy đủ. Nó phát sinh với điều kiện là vẫn còn dính mắc vào những cảnh mà nó có thể nhận biết xuyên qua 5 căn. Mọi người chỉ muốn thụ hưởng những lạc thú và khi họ mất mát nó thì tâm sân có thể phát sanh.
Ðiều kiện khác nữa về tâm sân là không hiểu biết về chánh pháp. Nếu chúng ta không hiểu biết về nghiệp quả, có thể sân dễ dàng phát sinh vì thọ ưu nhận biết cảnh xuyên qua một trong sáu căn và như vậy tâm sân phát sinh một lần nữa. Cảm thọ bất lạc xuyên qua một trong sáu căn là quả bất thiện do bởi hành động bất thiện mà chúng ta đã tạo. Ví dụ khi nghe những ngôn từ thô lỗ của người khác, chúng ta có thể giận dữ với người đó. Những ai hiểu biết về giáo pháp họ hiểu rằng, nghe những ngôn từ thô lỗ là quả bất thiện chớ không phải do người khác tạo. Hành động bất thiện của chính chúng ta tạo tác. Ngay khoảnh khắc tâm quả đoạn diệt, thì nó không còn tồn tại. Chúng ta có muốn tiếp tục duy trì cảm thọ ưu không? Nếu có chánh niệm trong giây phút hiện tiền, chúng ta ít khi nghĩ đến sự sân hận của người khác gây ra.
Khi chúng ta học Vi Diệu Pháp, chúng ta thấy có hai loại tâm sân căn: Một là không cần nhắc bảo (Asankhàrika) và hai là cần được nhắc bảo (Sasankhàrika).
Tâm sân cần được nhắc bảo, ví dụ như khi một người sân hận sau khi bị người khác xúi dục hành động sai quấy. Tâm sân thì luôn luôn câu hành với thọ ưu. Tâm sân căn có hai loại là:
Câu hành thọ ưu, tương ưng hận, không cần nhắc bảo (Domanassa sahagatam Patigha sampayuttam [1], Asankhàrikamekam)
Câu hành thọ ưu, tương ưng hận, cần được nhắc bảo (Domanassa sahagatam Patigha sampayuttam, sasankhàrikamekam)
Như chúng ta biết, tâm sân có nhiều mức độ; nó có thể thô hoặc vi tế hơn. Khi tâm sân có hình thức thô, nó tạo ra nghiệp bất thiện do thân khẩu ý. Hai loại nghiệp bất thiện do tâm sân căn khai khiến thân hành động: sát sinh và trộm cắp. Nếu chúng ta muốn trên thế gian nầy ít có sự tàn nhẫn, chúng ta nên cố gắng gìn giữ giới không sát sinh. Khi sát sinh, chúng ta sẽ huân tập nhiều tâm sân. Ðời sống của một vị Tỳ khưu phải là đời sống vô hại; vị ấy không làm tổn thương bất cứ sinh linh nào trên thế gian. Tuy nhiên không phải ai cũng có đời sống giống như các thầy Tỳ khưu. Phiền não thì vô ngã, chúng phát sinh vì nhân duyên. Mục đích lời dạy của Ðức Phật không phải là ban hành những giới luật để cấm chế con người vi phạm những hành động tội, nhưng để giúp con người phát huy trí tuệ, đoạn trừ phiền não. Có những giới luật dành cho người cư sĩ, nhưng đây là những giới dành cho việc tu tập hơn là những điều răn.
Ðối với trộm cắp, giới này có thể hành động do tâm tham căn hoặc tâm sân căn. Người ta hành động do tâm sân căn khi cố ý hãm hại người khác. Lấy của không cho được gọi là nghiệp bất thiện.
Bốn loại nghiệp bất thiện do tâm sân căn sai khiến khẩu hành động: Nói dối, nói đâm thọc, nói lời thô lỗ và nói nhảm nhí. Nói dối, nói đâm thọc và nói lời nhảm nhí có thể thốt ra bởi tâm tham căn hoặc tâm sân căn. Ví dụ, nói đâm thọc là lời nói do tâm sân căn thực hiện khi cố ý làm hại người khác, như xuyên tạc danh dự và nói xấu kẻ khác. Hầu hết người ta nghĩ rằng, sử dụng vũ khí là để tránh khỏi sự hiểm họa, nhưng họ quên rằng lời nói cũng có thể là một loại vũ khí, vũ khí đó có thể làm tổn thương nghiêm trọng. Lời nói độc ác gây ra nhiều thiệt hại trên thế gian; nó gây sự bất hòa giữa con người với con người. Khi nói lời hung ác chúng ta tự làm hại mình, vì lúc đó chúng ta tạo nghiệp bất thiện và nó có khả năng trổ quả bất thiện.
Chúng ta xem trong kinh tập (Sutta Nipàta, chương III đại phẩm Kokàliya, Tiểu bộ kinh) khi Ðức Phật ngự tại Sàvatthi, vị Tỳ khưu Kokàliya đến viếng ngài. Kokàliya nói xấu về ngài Sàriputta và ngài Moggallàna. Ông nói rằng Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên có ác dục. Ba lần Ðức Phật khuyên ông ta không nên nói như thế. Sau khi Kokàliya ra đi, toàn thân bị ung nhọt càng lúc càng lớn và vỡ chảy mủ và máu. Ông ta chết và tái sinh vào địa ngục Paduma (sen hồng). Sau đó Ðức Phật dạy chư Tỳ khưu về lời nói độc ác của Kokàliya và sự tái sinh vào địa ngục của ông ta. Chúng ta xem (vs. 657, 658) Ðức Phật dạy:
"Chắc chắn khi con người sinh ra trong miệng có ngôn ngữ xấu tiềm ẩn, với kẻ ngu tự hại đời mình bằng lời nói hung ác.
Người đáng khen thì lại chê, kẻ đáng chê lại khen, việc làm đó huân tập ác nghiệp trong tâm. Vì ác nghiệp nên họ không tìm thấy được hạnh phúc..."
Ðối với nghiệp bất thiện do tâm sân căn sai khiến ý suy nghĩ, cố ý hãm hại người khác.
Người ta thường nói về sự bạo động và những phương pháp trừ diệt. Chúng ta có thể nói rằng ai thoát khỏi sân hận thì sẽ không bao giờ sát sinh. Chúng ta không biết có bao nhiêu sân hận mà chúng ta đã huân tập trong nhiều kiếp sống. Khi hội đủ nhân duyên, chúng ta có thể vi phạm những hành động tội lỗi, chúng ta không nhận thức được chúng ta có khả năng làm việc đó. Khi chúng ta biết sân hận là xấu xa, chúng ta tìm cách đoạn trừ sân hận.
Muốn thể hiện những hành động tốt đối với người khác thì chúng ta không thể đoạn trừ khuynh hướng ngủ ngầm của sân hận, nhưng ít ra vào những khoảnh khắc này chúng ta cũng không có huân tập sân hận nhiều hơn nữa. Ðức Phật đã khuyến khích người ta tu tập tâm từ (Mettà). Chúng ta xem trong Từ Bi Kinh (Karanìya mettà-sutta, Kinh Tập, kệ 143-152) [2] Ðức Phật đã dạy như sau:

Người trí mong cầu an lạc
Mong muốn sống đời hạnh phúc
Phải có tài năng cao cả
Và hạnh thẳng thắn, công minh
Hòa ái, dịu dàng , khiêm cung
Luôn nhẫn nại và thanh đạm
Sống giản dị, ít bận rộn
Lục căn luôn luôn tịnh lặng
Gìn giữ chu toàn, bền lâu
Không luyến ái mùi thế gian

Không làm điều quấy nhỏ nhoi
Mà bậc hiền trí chê cười.
Mang nguồn vui cho tất cả
Nguyện cầu mọi loài chúng sinh
Tâm tư luôn luôn hạnh phúc.
Dù hữu hình hay vô hình
Kẻ yếu hay người mạnh khỏe
Hạng to lớn hay dài cao
Dù trung bình hay thấp nhỏ
Cũng như thấy hoặc không thấy
Dù ở xa hay ở gần
Ðã sinh rồi hoặc chưa sinh
Nguyện cầu cả thảy chúng sinh
Luôn luôn hưởng sự an bình.

Bất cứ nơi đâu người nào
Chẳng khinh khi hay dối trá
Khi phẩn nộ hay giận thầm
Không nên làm khổ cho nhau.
Như từ mẫu yêu con một
Dám hy sinh bảo vệ con
Tất cả chúng sinh như nhau
Lòng từ rộng lớn bao la
Rãi khắp trong tam giới nầy
Tình thương rộng lớn vô biên
Phía trên, dưới và khoảng giữa
Không thù không oán kẻ khác
Lúc đi đứng hoặc ngồi nằm
Tâm linh luôn luôn tỉnh thức
Kiên quyết gìn giữ chánh niệm
Ðây là đời sống cao thượng.

Chớ nên lạc vào bờ mê
[3]
Trí tuệ giới hạnh vẹn toàn
Xa lìa dục lạc ham muốn
Chắc chắn người đó không còn
Sinh tử luân hồi trở lại
.
Ðức Phật đã dạy chúng ta không nên giận hờn với người làm không vừa ý chúng ta. Chúng ta xem trong tạng Luật (Ðại phẩm - Mahàvagga X, 349) Ðức Phật dạy cho chư Tỳ khưu:
Người nào ôm ấp tâm niệm này: "Người đó đã mắng nhiếc, làm hại, đánh bại, cướp bóc tôi": hận thù trong người đó không nguôi.
Người nào không ôm ấp tâm niệm này: "Người đó đã mắng nhiếc, làm hại, đánh bại, cướp bóc tôi": hận thù trong người đó lắng dịu.
Hơn nữa, thù hận không thể dập tắt được hận thù. Ở đây và bất cứ lúc nào, không hận thù mới làm lắng dịu được thù hận: đây là một định luật vĩnh cửu.
Ðôi khi chúng ta dường như có tâm từ thay vì sân hận. Ví dụ, khi người ta đối xử tệ bạc với chúng ta, chúng ta có thể cảm thấy rất đau khổ và chúng ta tiếp tục suy ngẫm về sự buồn khổ của chúng ta. Cho đến khi nào sân hận chưa được đoạn trừ thì nó vẫn còn có nhân duyên phát sinh. Do chánh niệm tất cả sự thật phát sinh, trí tuệ được phát huy có thể đoạn trừ sân hận.
Sân hận chỉ có thể được đoạn trừ qua từng giai đoạn. Bậc thánh Nhập lưu (Sotàpanna) chưa đoạn trừ sân hận và ở giai đoạn chứng đạt tiếp theo là bậc thánh Nhất lai (Sakadàgàmi) sân hận cũng chưa được đoạn diệt hoàn toàn. Bậc thánh Bất lai (Anàgàmi) đã đoạn tận sân hận một cách hoàn toàn, vị ấy không còn sân hận tùy miên nữa.
Chúng ta chưa đoạn trừ sân hận, nhưng khi sân hận phát sinh, chúng ta có thể chánh niệm ghi nhận những đặc tính của nó để biết nó là một loại danh pháp phát sinh do nhân duyên. Do không có chánh niệm khi sân hận xuất hiện, sân hận dường như bền lâu và chúng ta lầm tưởng rằng nó là bản ngã. Nhờ chánh niệm về danh và sắc mà chính chúng nó xuất hiện mỗi pháp một lúc, chúng ta sẽ nhận thức rằng, có sự khác biệt giữa những đặc tính của danh và sắc, không có một danh sắc nào trường tồn và chúng ta cũng biết rằng, đặc tính của sân hận cũng là danh sắc, nó thì vô ngã.
Khi trí tuệ hiểu biết rõ ràng hơn về chân lý được phát huy, chúng ta sẽ không suy ngẫm lâu dài về cảm thọ ưu, vì nó chỉ là một loại danh pháp không trường tồn. Chúng ta sẽ chú tâm nhiều hơn vào giây phút hiện tiền, thay vì suy nghĩ về dĩ vảng và tương lai. Chúng ta cũng ít kể cho người khác biết về những nỗi ưu phiền đã xảy đến chúng ta, vì sự việc đó có thể là điều kiện cho cả chúng ta lẫn những người khác tạo thêm nhiều sân hận. Khi một người nào đó giận dữ với chúng ta, chúng ta sẽ thông cảm nhiều hơn về hoàn cảnh của người ấy; người đó chán nản và không cảm thấy an vui. Những ai đối xử tệ bạc với chúng ta, họ đáng được thương hại bởi vì thật sự họ đã làm cho chính họ bất hạnh.
Chánh kiến như thật giúp hầu hết chúng ta có lòng từ bi bác ái rộng lớn bao la với những người khác thay vì sân hận.


CÂU HỎI:



1/- Tại sao tham làm duyên cho sân?
2/- Nói dối, nói đâm thọc, nói lời nhảm nhí là nghiệp bất thiện do tâm tham căn hoặc tâm sân sai khiến khẩu hành động. Vậy khi nào những hành động đó được thực hiện do tâm sân căn?
3/- Có nghiệp bất thiện do tâm sân căn sai khiến ý hành động không?
Ghi chú:
[1] Patigha: hận là một danh từ khác thay thế cho sân
[2]) Sử dụng bản dịch của trưởng lão Tỳ khưu Nànamoli, Hội  Xuất bản Phật giáo ấn hành, tạp chí số 7, Kandy, Sri Lanka
[3] Tà kiến
-ooOoo-

Si mê

-ooOoo-
 Khi chúng ta có tâm bất thiện căn tham hoặc tâm bất thiện căn sân, chúng ta có thể biết, nhưng chúng ta biết khi nào chúng ta có tâm bất thiện căn si không? Ðặc tính của si mê là gì? Chúng ta có thể nghĩ: một người nào đó si mê vì họ không có nhiều học vấn, không thể nói các loại ngoại ngữ, không biết điều gì về lịch sử và chánh trị. Chúng ta gọi một người nào đó si mê vì họ không biết những điều xảy ra trên thế gian. Ðó là loại si mê có cần phải đoạn trừ không? Nếu điều đó đúng, có nghĩa là trong đời sống sẽ có nhiều thiện hạnh hơn nếu người ta nói được nhiều thứ tiếng hoặc biết về lịch sử và chánh trị không, chúng ta có thể khẳng định rằng: điều nầy không đúng.
Ðể hiểu rõ đặc tính của si, chúng ta nên biết si là gì và khi nào có si. Trong đời sống hằng ngày của chúng ta có những điều thế gian khái niệm, ngôn ngữ thông thường được bày tỏ bẳng những ngôn từ tục đế và có những pháp chân đế. Khi chúng ta suy nghĩ về khái niệm trong ngôn từ tục đế là "thế gian", chúng ta có thể vẽ con người, sinh vật và vạn vật và chúng ta gọi chúng bằng những tên gọi thích hợp. Nhưng chúng ta có biết những hiện tượng xung quanh và chính chúng ta rõ ràng: chúng chỉ là danh và sắc, không thường hằng?
Pháp chân đế là sự thật. Danh và sắc là những pháp chân đế. Danh và sắc xuất hiện trong đời sống hằng ngày mà chúng ta có thể cảm nhận trực tiếp bởi sáu căn, bất kể là chúng ta đặt tên cho chúng như thế nào. Thế gian là sự thật. Khi chúng ta thấy cảnh sắc, nghe cảnh thinh, thân xúc chạm. Cảnh sắc và sự thấy là chân đế. Những đặc tính của chúng thì không thể thay đổi và chúng có thể được người ta cảm nhận trực tiếp; dù chúng ta có thể gọi là "cảnh sắc" là "sự thấy", hay là chúng ta đặt cho nó một tên gọi khác nữa, thì điều đó cũng không thành vấn đề. Nhưng khi chúng ta chấp vào những ý niệm được biểu thị do những danh từ chế định như "cây" hoặc "bàn ghế", thì chúng ta không nhận thức được bất cứ đặc tính thật sự nào. Sự thật là gì khi chúng ta nhìn cây cối? Chúng ta cảm nhận trực tiếp điều gì? Cảnh sắc là pháp chân đế; nó là một loại sắc pháp mà người ta có thể biết bằng mắt. Người ta có thể cảm nhận đặc tính cứng qua sự xúc chạm; đây là một loại sắc pháp mà con người có thể cảm nhận trực tiếp qua thân căn, đó là sự thật. "Cây cối" là một ý niệm mà chúng ta có thể biết, nhưng nó không phải là pháp chân đế, không phải là sự thật mà nó có đặc tính luôn thay đổi. Cảnh sắc và đặc tính cứng là pháp chân đế, chúng có tướng trạng riêng mà chúng ta có thể cảm nhận trực tiếp, bất kể chúng được đặt tên như thế nào.
Thế gian được người ta cảm nhận qua sáu căn, đó là sự thật. Nhưng nó không tồn tại; chúng thì vô thường. Khi chúng ta thấy cảnh sắc, nhưng nó diệt ngay lập tức. Khi chúng ta nghe cảnh thinh, nhưng nó cũng không tồn tại. Cảnh hương, cảnh vị, cảnh xúc, cảnh pháp cũng tương tự như trên. Tuy nhiên thường thường chúng ta chỉ biết thế gian bằng những khái niệm, vì từ lâu chúng ta đã huân tập si mê và tà kiến. Không hiểu biết về pháp chân đế là loại si mê mà cần phải được đoạn trừ; nó dẫn đến đau khổ. Si mê làm duyên cho ngã kiến và tất cả những loại phiền não khác. Chừng nào còn vô minh thì chúng ta vẫn còn sai lầm, chúng ta không biết những điều thật của cuộc đời: pháp hữu vi luôn luôn sinh và diệt.
Thế gian theo nghĩa chân đế là lời dạy của các bậc thánh đã sử dụng. Bậc thánh đã phát huy trí tuệ hiểu biết vạn pháp rõ rãng; vị ấy thật sự hiểu biết "thế gian". Chúng ta xem trong Tương Ưng Bộ Kinh (IV, Saơàyatana-vagga, tuơng ưng xứ, năm mươi kinh thứ hai, chương IV, 84 biến hoại). Ðại Ðức Ànanda bạch Phật như sau:
‘Thế gian! Thế gian! được nói đến, bạch Thế Tôn, thế gian được nói đến như thế nào?’
‘nầy Ànanda, cái gì biến hoại thì được gọi là thế gian theo ý nghĩa bậc thánh. Và này Ànanda, cái gì biến hoại? Này Ànanda, mắt ..... cảnh sắc.. lưỡi.. ý [1] thì biến hoại, cảnh pháp, ý thức, ý xúc, bất cứ cảm thọ vui buồn, không vui, không buồn nào phát sinh do duyên ý xúc, tất cả đều biến hoại. Này Ànanda, điều gì biến hoại như vậy được gọi là thế gian theo ý nghĩa bậc thánh.’’
Có người nghĩ rằng, mình thật sự hiểu được chính mình mà không cần biết thế gian khi nó xuất hiện do sáu căn. Người đó có thể nghĩ rằng, mình biết được sân hận và lòng tham muốn của mình, nhưng trong thực tế là mình chưa có cảm nhận chúng rõ ràng: chúng là những loại danh pháp khác nhau và không có bản ngã. Chừng nào người đó còn tà kiến thì chưa thực sự biết được chính mình và chưa đoạn trừ những phiến não. Người ấy cố chấp vào tư tưởng, ý niệm về bản ngã; người ấy chưa cảm nhận trực tiếp bất kỳ pháp chân đế nào. Ðể biết khi có tham sân si thì thật là khó và để nhận biết những mức độ vi tế hơn của bất thiện pháp thì càng khó hơn. Khi chúng ta khởi sự tu tập ‘tuệ quán, hiểu biết về những sự thật, chúng ta cảm nhận được phương pháp mà ít khi chúng ta biết về bản thân mình.
Khi có si mê chúng ta sống trong sự tối tăm. Lòng từ bi bao la của Ðức Phật đã thúc đẩy ngài hoằng dương chánh pháp cho chúng sinh. Giáo pháp là ánh sáng có thể xua tan bóng tối. Nếu chúng ta không biết giáo pháp, chúng ta không biết về thế gian, về bản thân của mình; chúng ta không biết về những hành động thiện ác và những kết quả của chúng; chúng ta không biết con đường để đoạn trừ những phiền não.
Học Vi Diệu Pháp sẽ giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn về đặc tính của si mê. Chú giải bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì, tập hai, phần IX, chương một, 249) đề cập về si mê:
"Si mê" có đặc tính mờ ám hoặc tương phản với tri kiến; bản chất thì không thông suốt, chức năng thì che phủ bản chất sự vật; biểu hiện của nó trái với chánh hạnh; nguyên nhân chính là không khéo tác ý và nó được xem như là nguồn gốc của tất cả bất thiện pháp...
Si mê có nhiều mức độ. Khi học giáo pháp chúng ta ít bị si mê; chúng ta hiểu nhiều về pháp chân đế, nghiệp, quả hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta đoạn trừ si mê. Si mê không đơn thuần đoạn trừ bằng cách suy nghĩ về chân lý; nó chỉ có thể đoạn trừ bằng cách phát huy trí tuệ và hiểu biết "thế gian theo ý nghĩa của bậc thánh": nhãn căn, cảnh sắc, nhãn thức, nhỉ căn, cảnh thinh, nhĩ thức và tất cả pháp chân đế xuất hiện do sáu căn.
Khi học vi diệu pháp, chúng ta thấy rằng si mê phát sinh với tất cả tâm bất thiện. Tâm tham căn có nguồn gốc si mê và tham ái; tâm sân căn có nguồn gốc si mê và sân hận. Có hai loại tâm bất thiện mà chỉ có nguồn gốc si mê, chúng được gọi là tâm si căn. Một là tâm căn si câu hành với hoài nghi (Vicikicchà), hai là tâm si căn câu hành với trạo cử (Uddhacca). Cảm thọ mà câu hành với tâm si căn thì luôn luôn thọ xả (Upekhà). Khi tâm si căn phát sinh, người ta không có cảm thọ vui hoặc buồn. Cả hai loại tâm si căn này thì không cần nhắc bảo.
Ðặc tính của si mê chúng ta không nên lầm lẫn với đặc tính của tà kiến, mà nó chỉ phát sinh với tâm tham căn. Khi tà kiến sinh khởi, ví dụ điều gì vô thường họ cho là thường hằng, hoặc họ tin rằng có một bản ngã. Si mê không phải là tà kiến, nó không biết rõ pháp chân đế. Si mê làm duyên cho tà kiến, nhưng đặc tính của si mê thì khác biệt với đặc tính của tà kiến.

Có hai loại tâm si căn:



- Câu sanh thọ xả, tương ưng hoài nghi (Upekkhà sahagatam, vicikicchà sampayuttau).
- Câu sinh với thọ xả, tương ưng với trạo cử (Upekkhà sahagatam uddhacca sampayuttam).
Khi chúng ta có loại tâm si căn mà nó tương ưng với hoài nghi, thì chúng ta hoài nghi về Phật pháp tăng [2]. Chúng ta có thể hoài nghi rằng Ðức Phật có thật sự giác ngộ chân lý không, hoặc ngài có dạy con đường chấm dứt sinh tử luân hồi không, hoặc có ai khác cũng có thể giác ngộ không. Chúng ta có thể hoài nghi về kiếp quá khứ và tương lai, về nghiệp quả. Hoài nghi có nhiều mức độ. Khi bắt đầu tu tập tuệ quán, chúng ta có thể hoài nghi về sự thật của khoảnh khắc hiện tiền; chúng ta có thể hoài nghi có danh hoặc sắc không. Ví dụ, khi nghe âm thanh chỉ có thể biết một sự thật vào lúc đó, vì chỉ có một cảnh do tâm nhận biết. Chúng ta có hoài nghi pháp hữu vi phát sinh vào lúc hiện tại là danh pháp (là nghe) hoặc sắc pháp (là âm thanh) không. Danh và sắc sinh diệt quá nhanh và khi sự hiểu biết đúng đắn về những đặc tính khác nhau của chúng mà người không tu tập thì không biết pháp hữu vi xuất hiện vào lúc hiện tại. Người ta sẽ hoài nghi về pháp chân đế cho đến khi nào trí tuệ biết rõ ràng những đặc tính của danh và sắc khi chúng xuất hiện xuyên qua sáu căn.
Chú giải bộ Pháp Tụ (cuốn II, phần IX, chương III, 259) đề cập đến hoài nghi:
Ở đây hoài nghi có nghĩa là bất trị (Về tri kiến). Hoặc vì bị đau nhức và mệt mõi cho nên nghĩ không ra lẽ - như vậy là hoài nghi. Ðặc tính của nó là nghi ngờ. Chức năng của nó là tâm dao động. Sự biểu hiện của hoài nghi là do dự hay không có lập trường, nhân gần của nó là phi như lý tác ý, và nó được xem như là chướng ngại vật.
Hoài nghi thì khác với tà kiến. Ví dụ khi có tà kiến người ta chấp pháp hữu vi thì thường hằng hoặc chúng có bản ngã. Khi hoài nghi phát sinh người ta tự hỏi tâm thì khác với thân phải không, hoặc pháp hữu vi thì thường hay vô thường. Không có con đường nào khác để đoạn trừ hoài nghi, trái lại tu tập trí tuệ thì sẽ được. Người ta hoài nghi về Phật và giáo pháp của ngài họ có thể nghĩ rằng hoài nghi có thể chấm dứt do bởi việc nghiên cứu những sự kiện lịch sử. Họ muốn khám phá nhiều chi tiết hơn về thời gian và địa điểm mà Ðức Phật hoằng pháp. Họ muốn biết chính xác về thời gian kinh điển được ghi chép. Họ không thể đoạn trừ hoài nghi của họ bằng cách nghiên cứu những sự kiện lịch sử; điều này không dẫn đến mục đích của đạo Phật mà mục tiêu của đạo Phật là phải đoạn trừ phiền não.
Người sống vào thời của Ðức Phật cũng đã suy nghĩ những điều vớ vẩn mà không đưa đến mục đích của giáo pháp. Họ tự hỏi thế gian là hữu biên hay vô biên, hoặc thế gian là thường hằng hay vô thường, hoặc Như Lai có tồn tại sau khi chết hay không. Chúng ta xem trong tiểu kinh Màlunkyà (Trung bộ kinh, II, số 63) Màlunkyàputta không hài lòng về Ðức Phật không giải thích về những quan điểm lý thuyết. Ông muốn hỏi Ðức Phật về những quan điểm này và nếu Ðức Phật không giải thích cho ông ta về những quan điểm này thì ông ta sẽ hoàn tục. Ông ta bạch với Ðức Phật về vấn đề này và Ðức Phật hỏi ông ta. Có bao giờ Như Lai nói với Màlunkyàputta:
Hãy đến đây, này Màlunkyàputta sống đời phạm hạnh [3] dưới sự chỉ dạy của ta và ta sẽ giải thích cho ông là thế gian có thường hằng hay không thường hằng...Như Lai có tồn tại sau khi chết ... không tồn tại ... vừa tồn tại hoặc không tồn tại...không tồn tại hoặc không không tồn tại sau khi chết?
Chúng ta xem thấy rằng Màlunkyàputta trả lời: "b?ch Thế Tôn không". Thế Tôn cũng hỏi ông ta, ông có nói là ông sẽ sống đời phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Như Lai nếu Như Lai sẽ giải thích cho ông về những quan điểm này và một lần nữa Màlunkyàputta đã trả lời: "bạch Thế Tôn, không". Rồi sau đó Ðức Phật so sánh trường hợp của ông ta với hoàn cảnh của một người bị trúng mũi tên độc và anh ta không chịu rút mũi tên độc, cho đến lúc nào anh ta biết được người bắn là ai: họ là hạng Bà la môn, hạng người cao quý, một thương buôn hoặc một thương nhân; tên họ và gia tộc, dung mạo của người bắn; cho đến khi nào anh ta biết cây cung, dây cung, chất liệu làm nên cây cung, và họ sử dụng loại mũi tên nào. Tuy nhiên anh ta sẽ chết trước khi biết những điều này. Tương tự với người chỉ muốn sống đời phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn nếu Thế Tôn giải thích những quan điểm vớ vẩn này cho ông ta. Chúng ta xem Ðức Phật dạy:
Này Màlunkyàputta, sống đời phạm hạnh không có liên quan gì đến thế gian là thường hằng. Này Màlunkyàputta sống đời phạm hạnh không có liên quan gì đến thế gian là vô thường. Này Màlunkyàputta, dù có quan điểm cho rằng thế gian là thường hay vô thường, thì vẫn có sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não mà sự đoạn trừ đã được chỉ dạy ngay trong hiện tại .. .
Do vậy, này Màlunkyàputta, hãy thọ trì điều gì Như Lai không giải thích, và hãy thọ trì những điều gì Như Lai đã giải thích. Và này Màlunkyàputta, Như Lai không giải thích điều gì? Như Lai không giảii thích thế gian thì thường hằng ... thế gian không thường hằng... Và này Màlunkyàputta, tại sao Như Lai không giải thích những điều này? - Vì nó không liên quan với mục đích, không phải là nền tảng của đời sống Phạm hạnh, và không ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, chứng ngộ, Níp bàn. Do đó, này Màlunkyàputta Như Lai không giải thích những điều trên. Và này Màlunkyàputta, điều gì Như Lai đã giải thích? -"Ðây là khổ, đây là nguyên nhân của sự khổ, đây là sự chấm dứt khổ, đây là con đường dẫn đến chấm dứt khổ." Và này Màlunkyàputta, tại sao Như Lai giải thích những điều đó? Vì nó liên quan đến mục đích, có nền tảng cho đời sống phạm hạnh, và ly dục, đoạn diệt, thắng trí, giác ngộ và Níp bàn...
Hoài nghi không thể được đoạn trừ bằng cách nghiên cứu về những vấn đề không dẫn đến mục đích; nó chỉ có thể được đoạn trừ bằng cách nhận biết chính danh và sắc hiện diện trong hiện tại. Thậm chí khi có hoài nghi, người ta có thể nhận biết hoài nghi như chỉ là một loại danh pháp phát sinh do nhân duyên và nó thì không có bản ngã. Như vậy sự thật của khoảnh khắc hiện tại người ta sẽ biết rõ ràng hơn.
Loại tâm si căn thứ hai là câu hành thọ xả, tương ưng trạo cử. Trạo cử phát sinh với tất cả tâm bất thiện. Khi có trạo cử thì không có tâm chánh niệm. Chánh niệm pháp sinh với mỗi tâm thiện; chánh niệm thì ghi nhớ, không quên về điều thiện. Chánh niệm không những có trong thiền quán mà còn có trong mỗi loại tâm thiện. Khi có chánh niệm người ta mới bố thí, trì giới, tham thiền, thuyết pháp, tu tập thiền chỉ và thiền quán. Chánh niệm trong thiền quán là chú tâm đến đặc tính của danh và sắc.
Khi có trạo cử, thì không có tâm thiện; lúc đó người ta không thực hành bố thí, trì giới, hoặc tham thiền. Trạo cử làm xao lãng tâm thiện. Trạo cử thì đối nghịch với tâm thiện. Trạo cử cũng phát sinh với tâm si căn tương ưng hoài nghi, vì nó phát sinh với mỗi tâm bất thiện. Tuy nhiên, loại tâm si căn thứ hai được gọi là tương ưng trạo cử; nó thì khác biệt với loại tâm si căn thứ nhất mà nó được gọi là tương ưng hoài nghi.
Loại tâm si căn thứ hai thì tương ưng với trạo cử phát sinh nhiều lần trong một ngày, nhưng thật là khó để biết đặc tính của nó. Nếu người không tu tập thiền quán thì không biết được loại tâm này. Khi chúng ta thất niệm và "suy nghĩ vớ vẩn", loại tâm này thì không tốt. Khi chúng ta "suy nghĩ vớ vẩn" không chỉ có loại tâm si căn thứ hai (tương ưng trạo cử), mà cũng còn có cả tâm tham căn và tâm sân căn.
Tâm si căn có thể phát sinh do những điều mà chúng ta biết được xuyên qua sáu căn. Khi chúng ta nghe âm thanh, tâm si căn có thể phát sinh. Khi loại tâm si căn thứ hai tương ưng trạo cử phát sinh thì có vô minh và sự thất niệm với đối tượng mà được chúng ta biết ở thời điểm đó. Chúng ta không thể thấy sự nguy hiểm của loại tâm này vì nó tương ưng thọ xả và như thế nó mờ ám. Tuy nhiên, tất cả những loại tâm bất thiện thì đều nguy hiểm.
Si mê là điều nguy hiểm, nó là gốc rễ của tất cả tâm bất thiện. Khi chúng ta bị si mê, chúng ta huân tập nhiều tâm bất thiện. Si mê làm duyên cho tâm tham; khi chúng ta không biết pháp chân đế rõ ràng thì chúng ta bị dính mắc vào những điều mà chúng ta biết do các căn. Si mê cũng làm duyên cho tâm sân; khi bị si mê, chúng ta sân hận đối với những hoàn cảnh bất lạc. Si mê tương ưng với mỗi tâm bất thiện và nó trợ duyên cho thập ác nghiệp (sát sinh, trộm cắp, nói dối . v. v....) mà do thân, khẩu, ý tạo tác [4]. Chỉ khi nào có chánh niệm về những sự thật do sáu căn phát sinh, người ta tu tập trí tuệ mới có thể đoạn trừ được si mê.
Bậc thánh Tu đà huờn đã đoạn trừ tâm si căn tương ưng hoài nghi; vị ấy không còn hoài nghi về pháp chân đế, vị ấy biết thế gian theo ý nghĩa của bậc thánh. Vị ấy không còn hoài nghi về đức Phật, Giáo pháp và Tăng già. Vị ấy không còn hoài nghi con đường dẫn đến chấm dứt phiền não. Bậc thánh Tu đà huờn, Tư đà hàm và A na hàm vẫn còn có loại tâm si căn tương ưng hoài nghi. Chỉ có bậc thánh A la hán mới đoạn trừ tất cả tâm bất thiện.
Vô minh là không thấy đặc tính của pháp chân đế, không hiểu được Tứ thánh đế. Vì vô minh chúng ta không thấy được khổ đế: chúng ta không cảm nhận danh và sắc là vô thường và do đó chúng ta không thấy chúng là khổ não. Chúng ta không thấy tập đế là nguyên nhân của sự khổ. Vì chấp thủ danh sắc cho nên còn sinh tử luân hồi. Và như vậy còn khổ não. Chúng ta không biết được diệt đế là Níp bàn. Chúng ta không biết được đạo đế là Bát chánh đạo. Bát chánh đạo được tu tập là nhờ thiền quán.
Chúng ta xem Tương Ưng Bộ Kinh (IV, Sanàyatana- vagga, Tương ưng về Jambukhàdaka, 9) lúc đó Jambukhàdaka hỏi ngài Sàriputta (Xá Lợi Phất):
"Vô minh, Vô minh! Thưa Tôn giả Sàriputta, đã được đề cập đến. Thưa Tôn giả, vô minh là gì?"
"Này hiền giả, không hiểu biết Tứ thánh đế, này hiền giả, điều này được gọi là vô minh."
"Nhưng Thưa Tôn giả, có con đường nào, đạo lộ nào để đoạn trừ vô minh không?"
"Này hiền giả, có con đường này đoạn trừ vô minh ấy."
"Thưa Tôn giả, đó là con đường nào, đạo lộ nào đưa đến chấm dứt vô minh?"
"Này hiền giả, Ðó là Bát chánh đạo ..."
Bát chánh đạo dẫn đến đoạn trừ sự si mê.


CÂU HỎI:



1/- Vô minh là gì? Tại sao phải đoạn trừ nó?
2/- Làm thế nào có thể đoạn trừ được si mê?
3/- Khi hoài nghi về pháp chân đế thì cũng có si mê phải không?
4/- Nhờ hiểu biết cảnh qua sáu căn si mê có thể phát sinh?
Chú thích:
[1] Kinh văn Pàli đuợc tóm tắt,nhưng cũng bao gồm: tai... mũi... thân căn,tất cả những sự thật này xuất hiện do sáu căn.
[2] Sangha là đoàn thể các vị Tỳ khưu, nhưng cũng có ý nghĩa là ‘Thánh tăng’, các vị thánh tăng đã giác ngộ giải thoát.
[3] Ðời sống phạm hạnh là đời sống cao thượng của vị Tỳ khưu tu tập Bát chánh đạo để trở thành một vị A la hán. Nói rộng hơn, tất cả những người tu tập Bát chánh đạo đều giác ngộ, không phân biệt người cư sĩ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét