Đạo Phật không phải là một tôn giáo?

Đạo Phật không phải là một tôn giáo?

Wiki định nghĩa như sau về “tôn giáo”:
Tôn giáo hay đạo, đôi khi đồng nghĩa với tín ngưỡng, thường được định nghĩa là niềm tin vào những gì siêu nhiên, thiêng liêng hay thần thánh, cũng như những đạo lý, lễ nghi, tục lệ và tổ chức liên quan đến niềm tin đó. Những ý niệm cơ bản về tôn giáo chia thế giới thành hai phần: thiêng liêng và trần tục[1]. Trần tục là những gì bình thường trong cuộc sống con người, còn thiêng liêng là cái siêu nhiên, thần thánh. Đứng trước sự thiêng liêng, con người sử dụng lễ nghi để bày tỏ sự tôn kính, sùng bái và đó chính là cơ sở của tôn giáo. Trong nghĩa tổng quát nhất, có quan điểm đã định nghĩa tôn giáo là kết quả của tất cả các câu trả lời để giải thích nguồn gốc, quan hệ giữa nhân loại và vũ trụ; những câu hỏi về mục đích, ý nghĩa cuối cùng của sự tồn tại. Chính vì thế những tư tưởng tôn giáo thường mang tính triết học. Số tôn giáo được hình thành từ xưa đến nay được xem là vô số, có nhiều hình thức trong những nền văn hóa và quan điểm cá nhân khác nhau. Tuy thế, ngày nay trên thế giới chỉ có một số tôn giáo lớn được nhiều người theo hơn những tôn giáo khác.
Trong từ điển Việt Nam “tôn giáo” được định nghĩa là:
Sự công nhận một sức mạnh coi là thiêng liêng quyết định một hệ thống ý nghĩ tư tưởng của con người về số phận của mình trong và sau cuộc đời hiện tại, do đó quyết định phần nào hệ thống đạo đức, đồng thời thể hiện bằng những tập quán lễ nghi tỏ thái độ tin tưởng và tôn sùng sức mạnh đó.
Thực tế, Đạo Phật không phải là 1 tôn giáo theo như định nghĩa của mọi người. Đạo Phật không chấp nhận rằng có 1 thế lực, sức mạnh, thần linh, chúa trời, thần thánh, lễ nghi, tục lệ nào có thể quyết định vận mệnh của chúng ta. Do vậy, Đạo Phật không có các tập quán lễ nghi nào tỏ thái độ tin tưởng và tôn sùng sức mạnh, thế lực nào đó.
Theo Đạo Phật, mọi vật vận hành theo luật nhân quả. Do ta gieo nhân là các hành động (hành nghiệp) có chủ ý ở quá khứ mà chúng ta sẽ gặt hái các quả trong hiện tại hay trong tương lai; tương tự, hành động có chủ ý ở hiện tại sẽ cho quả ở tương lai. Hành động ở đây bao gồm ý hành, thân hành và khẩu hành. Ý hành là các suy nghĩ trong tâm, thân hành là các hành động bằng thân thể và khẩu hành là lời nói. Quả ở hiện tại hay ở tương lai có cơ hội trổ ra hay không còn tùy thuộc vào các duyên cần thiết. Khi nhân duyên chín muồi thì quả chắc chắn sẽ trổ mà không thể ngăn cản được. Nhân giống như hạt giống, nếu hạt giống tốt được gieo ở mảnh đất có độ ẩm thích hợp, dinh dưỡng đầy đủ, tưới nước vừa đủ (các yếu tố này là duyên) thì quả chắc chắn sẽ trổ.
Các hành động chịu sự chi phối bởi tham ái, sân hận và si mê là các hành động bất thiện (bất thiện nghiệp). Các hành động có động cơ là vô tham, vô sân, có hoặc không có kết hợp với vô si là hành động thiện (thiện nghiệp).
Hành động vô si theo Đạo Phật không phải là từ trí tuệ sắc sảo về 1 ngành nghề nào cả, mà chính là hành động xuất phát từ trí tuệ hiểu biết và tin tưởng về luật nhân quả, tin vào nghiệp và quả của nghiệp. Do vậy ông tiến sĩ thực hiện bố thí mà không có hiểu biết, tin tưởng về nhân quả thì hành động thiện đó vẫn là ly trí (có si).
Thiện nghiệp (là nhân) khi có duyên đầy đủ sẽ cho quả tốt lành (điều tốt đẹp) như là được sanh ra ở cảnh giới tốt đẹp (cõi người, cõi trời), sanh ra vào thời kỳ hòa bình, có dung sắc xinh đẹp, mắt gặp cảnh đẹp, tai nghe tiếng hay, mũi ngữi mùi thơm, lưỡi nếm vị ngon, thân xúc chạm vật khả ái…
Khi bất thiện nghiệp có duyên thích hợp thì sẽ cho quả xấu ngược lại các điều trên.
Khi ta gặp các quả thiện hay bất thiện thì đó không phải là hành nghiệp của ta. Mà chính thái độ của ta đối với cảnh (cảnh ở đây là sắc, thanh, hương, vị, xúc và đối tượng của tâm) là có nhân tham, sân, si hay vô tham, vô sân, vô si hay không mà chúng ta lại tiếp tục tạo ra các nghiệp mới, có thể là thiện hoặc bất thiện.
Ví như khi ta gặp cảnh đẹp như vườn hoa xinh tươi mà tâm ta không khởi lên sự tham ái, si mê là chúng ta đã tránh tạo bất thiện nghiệp. Gặp được cảnh đẹp là quả của thiện nghiệp quá khứ, tâm phản ứng lại là tạo nghiệp mới ở hiện tại.
Do vậy mà không có các thế lực, sức mạnh siêu nhiên, chúa trời, thần linh, thần thánh, lễ nghi nào quyết định số phận, vận mệnh của ta. Nếu có tồn tại 1 vị chúa trời có thể tác động đến vận mệnh của ta thì đó chính là nghiệp của ta. Nhưng vì nghiệp là do ta tạo ra nên không thể có vị chúa trời nào cả. Nghiệp đích thực là của thừa kế, là tài sản của ta.
Khi nhân sanh thì quả sanh, khi nhân diệt thì quả diệt. Do vậy luật nhân quả là vô thường. Cái gì phải chịu sanh và diệt thì cái ấy phải chịu khổ. Vì luật nhân quả phải chịu sanh và diệt nên luật nhân quả là khổ. Vì không thể có một cái tự ngã nào lại muốn mình chịu khổ cả nên luật nhân quả là vô ngã. Vì luật nhân quả là vô ngã nên luật nhân quả không thể nào là 1 nhân vật chúa trời hay đấng tạo hóa nào được. Như vậy, luật nhân quả là vô thường, khổ và vô ngã.
Đạo Phật không chấp nhận thuyết định mệnh. Quyền quyết định tạo thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp nằm trong tay ta, dù chúng ta có hiểu biết hay ko hiểu biết gì về thiện hay bất thiện nghiệp. Thiện nghiệp có thể làm duyên cho bất thiện nghiệp trổ sanh và bất thiện nghiệp cũng có thể làm duyên cho thiện nghiệp trổ sanh. Vấn đề ở chỗ là chính ta phản ứng lại với quả của thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp đó như thế nào. Ví như câu chuyện về việc ta gặp cảnh đẹp là quả của thiện nghiệp, khi tâm ta phản ứng bằng hành động tham ái, si mê thì ta đã thực hành bất thiện nghiệp. Ví dụ nữa là nếu ta có dung sắc xấu xí là quả của bất thiện nghiệp sân hận ở quá khứ, và khi biết được như vậy thì ta cố gắng tránh sân hận với mọi người xung quanh ở hiện tại này, và như vậy là quả bất thiện nghiệp làm duyên cho thiện nghiệp trổ sanh.
Tất nhiên là quả của thiện nghiệp sẽ là duyên rất tốt, rất thuận lợi cho việc tạo thiện nghiệp. Ví như ta giàu có (quả của thiện nghiệp quá khứ) thì ta sẽ dễ dàng bố thí (thiện nghiệp ở hiện tại) cho người khác hơn.
Tương tự, quả của bất thiện nghiệp sẽ tạo duyên rất tốt cho việc tạo bất thiện nghiệp. Ví như ta phải bị sanh ra vào thời kỳ chiến tranh, loạn lạc, nghèo khổ… thì ta sẽ rất dễ dàng tạo rất nhiều bất thiện nghiệp vào lúc đó.
Đức Phật không phải là 1 đấng tối cao quyết định vận mạng của chúng ta. Đức Phật ra đời và dạy chúng ta 4 chân lý cao thượng là Khổ Đế, Khổ Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế.
Khổ Đế: là chân lý về Khổ, là cái ta cần phải biết rõ.
Khổ Tập Đế: là chân lý về Nguyên Nhân, Nguồn gốc của Khổ, là cái chúng ta cần phải diệt trừ.
Diệt Đế: là chân lý về Khổ Diệt chính là Niết-bàn, là cái cần phải chứng ngộ.
Đạo Đế: là chân lý về con đường đi đến Khổ Diệt, đó là con đường Bát Thánh Đạo, là cái chúng ta cần phải tu tập để biết rõ Khổ Đế, diệt trừ Khổ Tập Đế, chứng ngộ Diệt Đế.
Đức Phật chỉ có dạy cho chúng ta hiểu biết chân lý mà thôi, Đức Phật không sáng tạo ra chân lý, chân lý tự nó vẫn hoạt động và tồn tại kể cả khi Đức Phật không xuất hiện hay khi chúng ta tin hay không tin vào chân lý đó. Đức Phật dạy thế nào là điều nên làm và thế nào là điều không nên làm. Nếu làm điều nên làm thì sẽ có kết quả tốt đẹp, còn không thì sẽ gặp cảnh khổ; và quyền quyết định làm như thế nào là do ta quyết định. Do vậy mà Đức Phật không tu hành giùm ta, không giác ngộ giùm ta, không giải thoát giùm ta. Nếu như, ngày xưa khi ta học lớp 1, rồi khi ta lớn lên dù nhiều hay ít cũng có lòng biết ơn, tôn trọng vị thầy của ta khi xưa. Dù rằng, không vị thầy này dạy ta viết chữ thì cũng có người khác dạy ta mà thôi. Cũng vậy, chúng ta cũng tôn trọng các vị thầy ở lớp 2, 3… đại học,… và các vị thầy gặp trong cuộc sống…
Tuy vậy, nếu không có Đức Phật thì thậm chí việc làm tốt đẹp hay không tốt đẹp ta cũng còn không biết nữa. Vì rằng quan điểm, tục lệ, lối sống, tập quán của con người chắc chắn không thể hoàn toàn phù hợp với chân lý. Và điều cực kỳ quan trọng là nếu không có Đức Phật thì ta không thể biết con đường thoát khỏi khổ cảnh. Do vậy mà Đức Phật là vị thầy tối thượng trong tất cả chúng sanh.
Vì lý do như vậy mà chúng ta phải biết tôn kính Đức Phật, vì đó là vị thầy tối thượng: Thiên Nhân Sư, vị thầy của chư thiên và nhân loại. Và để nói đầy đủ về các phẩm chất của Đức Phật, ta phải dùng các danh hiệu sau:
1) Ứng Cúng: người không còn ô nhiễm, bậc A-la-hán, bậc xứng đáng cúng dường, Bậc Ứng Cúng.
2) Chánh Đẳng Giác: Bậc Tự Giác Ngộ hoàn toàn, không ai chỉ dạy.
3) Minh Hạnh Túc, người có trí tuệ và đức hạnh thành tựu một cách trọn vẹn.
4) Thiện Thệ, vị đã ra đi một cách trọn vẹn, đã Niết-bàn.
5) Thế Gian Giải: người hiểu biết rõ ràng về thế gian.
6) Vô Thượng Sĩ: không gì hơn được.
7) Ðiều Ngự Trượng Phu: người có khả năng điều khiển, huấn luyện kẻ khác. 8) Thiên Nhân Sư: vị thầy của chư thiên và loài người.
9) Phật: bậc đã giác ngộ, đức Phật.
10) Đức Thế Tôn: Ngài là bậc tối-thượng hơn cả chúng sanh và có những ân-đức cao quí không ai bì. Vì lý do trên mà các Phật tử thờ cúng Đức Phật để tỏ lòng kính trọng chứ không phải như các tôn giáo khác là thờ cúng vị thần linh, chúa trời, sức mạnh siêu nhiên là các thế lực được cho là quyết định vận mạng của họ.
Với tâm từ,
Bùi Thiếu Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét