Bốn mươi lăm năm hoằng pháp của Ðức Phật (tóm tắt)


Bốn mươi lăm năm hoằng pháp của Ðức Phật
Bình Anson
Năm đầu tiên (528 TTL): Sau khi thành đạo vào đêm rằm tháng Vesakha (tức tháng Tư âm lịch), Đức Phật đến ngụ tại khu vườn nai (Lộc uyển), vùng Chư thiên đọa xứ (Isipatana) tức Sa-nặc (Sarnath) ngày nay, gần thành Ba-na-lại (Benares). Tại đó, Ngài giảng bài kinh đầu tiên, kinh Chuyển Pháp Luân, hóa độ năm anh em đạo sĩ Kiều-trần-như (Kodañña), cư sĩ Da-xá (Yasa), gia đình và các bạn của Da-xá.
Năm thứ 2-4 (527-525 TTL): Ngụ tại thành Vương-xá (Rajagaha), kinh đô của xứ Ma-kiệt-đà (Magadha). Ngài cảm hóa vua Bình-sa (Bimbisara). Vua cúng dường khu rừng Trúc Lâm (Veluvana), ngoài cửa Bắc của thành Vương-xá, làm nơi trú ngụ của Ðức Phật và chư Tăng. Ngài thường đến núi Linh Thứu (Gijjhakuta) để giảng đạo.Trong thời gian nầy, Ngài hóa độ Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, y sĩ Kỳ-bạt (Jivaka) và trưởng giả Tu-đạt Cấp Cô Độc (Sudatta Anathapindika). Y sĩ Kỳ-bạt cúng dường khu vườn xoài làm tinh xá, và trưởng giả Cấp Cô Độc cúng dường tinh xá Kỳ Viên (Jetavana). Ngài trở về thăm phụ vương Tịnh Phạn (Suddhodana), và nhận hoàng tử La-hầu-la (Rahula) vào hàng sa di.
Năm thứ 5 (524 TTL): Ngụ tại Vệ-xá-li (Vesali), thủ đô của xứ Licchavi, và tại thành Vương-xá. Tại thành Vệ-xá-li, Đức Phật cứu độ dân chúng đang bị nạn hạn hán và bệnh dịch tả hoành hành. Vua Tịnh Phạn qua đời trong năm này. Ðức Phật thành lập giáo đoàn Tỳ khưu ni theo lời thỉnh cầu của bà di mẫu Maha Pajapati Gotami (Kiều-đàm-di).
Năm thứ 6 (523 TTL): Ngụ tại đồi Mankula, thành Câu-diệm-bi (Kiều-thượng-di, Kosambi), xứ Vamsa, Ngài thu phục và giáo hóa các người ngoại đạo.
Năm thứ 7 (522 TTL): Theo Chú giải bộ Pháp Tụ và Chú giải kinh Pháp Cú (kệ 181), trong mùa hạ năm này, Đức Phật trú tại cõi trời Ðao-lợi (Tavatimsa). Ngài dạy Thắng Pháp (Abhidhamma, Vi diệu pháp) cho chư thiên và mẫu hậu Ma-da (Maha Maya). Mỗi ngày, Ngài trở về cõi người, tại thành Sankassa, tóm tắt lại cho tôn giả Xá-lợi-phất để tôn giả khai triển và giảng rộng ra cho hàng đệ tử.
Năm thứ 8 (521 TTL): Ngụ tại rừng Bhesakala, núi Cá Sấu (Sumsumaragiri), xứ Vamsa, Ngài giảng pháp cho bộ tộc Bhagga.
Năm thứ 9 (520 TTL): Ngụ tại thành Câu-diệm-bi. Nhân khi bị bà thứ hậu Magandhiya của vua Udena oán ghét và bêu xấu, Ðức Phật dạy tôn giả A-nan (Ananda) về hạnh kham nhẫn.
Năm thứ 10 (519 TTL): Ngụ tại rừng Parileyya gần thành Câu-diệm-bi. Không khuyên giải được các xung đột và tranh cãi giữa hai nhóm tu sĩ, Ðức Phật bỏ vào rừng sống độc cư trong suốt 3 tháng hạ, và hóa độ được một voi chúa và một chú khỉ. Hai con thú nầy đã giúp đỡ Ngài trong các công việc hằng ngày.
Năm thứ 11 (518 TTL): Ngụ tại làng Ekanala, phía nam thành Vương-xá, Ngài hóa độ vị điền chủ Kasibharadvaja.
Năm thứ 12 (517 TTL): Ngụ tại Veranja, phía nam thành Xá-vệ, Ðức Phật dạy tôn giả Xá-lợi-phất rằng Ngài sẽ thiết chế giới luật vì có hoen ố phát sinh trong hàng Tăng chúng. Nếu không như thế, Giáo Pháp sẽ không tồn tại lâu dài.
Năm thứ 13 (516 TTL): Ngụ tại núi đá Caliya.
Năm thứ 14 (515 TTL): Ngụ tại tinh xá Kỳ-viên, thành Xá-vệ (Savatthi). Xá-vệ là kinh đô của xứ Kosala (Kiều-tất-la), triều vua Ba-tư-nặc (Pasenadi). Tôn giả La-hầu-la tròn 20 tuổi và thọ Cụ túc giới, trở thành một vị Tỳ khưu. Đức Phật hóa độ bà Tỳ-xá-khư (Visakha), về sau là vị nữ thí chủ bậc nhất trong hàng đệ tử cư sĩ.
Năm thứ 15 (514 TTL): Ngụ tại thành Ca-tì-la-vệ (Kapilavatthu) của bộ tộc Thích-ca. Vua Thiện Giác (Suppabhuddha), cha của công chúa Da-du-đà-la (Yosodhara), băng hà.
Năm thứ 16 (513 TTL): Ngụ tại vùng Alavi, phía bắc thành Ba-na-lại. Ngài hàng phục quỷ ăn thịt người Alavaka, sau đó, quỷ xin quy y Tam Bảo và nguyện hộ trì Chánh Pháp.
Năm thứ 17 (512 TTL): Ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, thành Vương-xá.
Năm thứ 18 và 19  (511-510 TTL): Ngụ tại núi đá Caliya.
Năm thứ 20 (509 TTL): Ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, thành Vương-xá. Vào một buổi sáng, trên đường đi khất thực, Ngài hóa độ tướng cướp Vô Não (Angulimala). Ðức Phật bị ngoại đạo vu cáo là đã mưu sát bà Sundari.
Năm thứ 21 (508 TTL): Ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, thành Vương-xá. Tôn giả A-nan (Ananda) chính thức nhận lời làm thị giả hầu cận Ðức Phật.
Năm thứ 22-44 (507-485 TTL): Trong thời gian 23 năm này, Đức Phật thường ngụ tại tinh xá Kỳ-viên. Ngài cũng đến ngụ tại tinh xá Ðông viên (Pubbarama), phía đông thành Xá-vệ, do bà Tỳ-xá-khư cúng dường. Hai vị đại trưởng lão Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên lần lượt tịch diệt vào năm 485 TTL.
Năm thứ 45 (484 TTL): Ngụ tại làng Beluva, phía nam thành Vệ-xá-li, Ngài trải qua một cơn bệnh rất trầm trọng. Sau khi bình phục, vào buổi trưa ngày rằm tháng Magha (tháng Giêng âm lịch), tại điện thờ Capala, Ngài tuyên bố sẽ nhập diệt sau 3 tháng. Đức Phật tiếp tục du hành qua các làng khác và nhập diệt tại làng Kusinara (Câu-thi-na) của bộ tộc Malla, vào đêm trăng rằm tháng Vesakha (tương đương với tháng Tư âm lịch).
*



Niên lịch:
  • Phật lịch (PL), Buddhist Era (BE)
  • Tây lịch (TL), Trước Tây lịch (TTL), Dương lịch (DL), Công nguyên (CN), Trước Công nguyên (TCN), Common Era (CE), Before Common Era (BCE).
  • Phật lịch tính từ khi Đức Phật bát-niết-bàn, 544 năm trước Tây lịch.
  • PL = TL + 544 - Thí dụ: 2554 PL = 2010 TL + 544
  • Phật Đản = 544 + 80 = 624 năm trước Tây lịch
  • Niên lịch đó tính theo truyền thống & sử liệu Sri Lanka. Theo các sử liệu khác, Phật Đản có thể sớm hơn 100-150 năm.
Phật Đản:
  • Tam Hợp (Lễ Vesak): Rằm tháng Tư ÂL, gồm 3 dịp: Đản sinh, Thành đạo, Bát niết-bàn. Dựa theo sử liệu Sri Lanka.
  • Theo truyền thống Bắc tông: Đản sinh: mồng 8 tháng Tư ÂL; Thành đạo: mồng 8 tháng Chạp ÂL; Bát niết-bàn: rằm tháng Hai ÂL, dựa theo sử liệu và kinh điển trong Hán tạng.
  • Theo kinh Du Hành, Trường A-hàm 2, Đức Phật đản sinh, thành đạo, bát-niết-bàn đều cùng ngày mồng 8 tháng 2. Dựa theo lịch Ấn Độ, tháng 2 là tháng tương đương với tháng Vesak (= tháng 4 AL). Như vậy, ngày mồng 8 tháng 4 AL cũng có thể được xem là ngày Tam Hợp.
  • Phật Đản được quy định thống nhất là ngày trăng tròn tháng 5 DL (= Rằm tháng Tư ÂL), từ năm 1950, tại Đại hội Liên hữu Phật giáo Thế giới, Colombo, Sri Lanka.
  • Phật Đản Liên Hiệp Quốc (UN Vesak) được công nhận từ năm 2000, vào ngày trăng tròn tháng 5 DL (= ngày rằm tháng Tư ÂL) mỗi năm.
Đức Phật lịch sử:
  • Thích-ca Mâu-ni: Sakya Muni, nhà Hiền triết của tiểu quốc Thích-ca.
  • Tên là Sĩ-đạt-đa (Siddhattha,Tất-đạt-đa), dòng họ Cồ-đàm (Gotama). Cha là vua Tịnh Phạn (Suddhodana), mẹ là Hoàng hậu Ma-da (Maya), di mẫu là Ba-xà-ba-đề Kiều-đàm-di (Pajapati Gotami). Hai bà Ma-da và Ba-xà-ba-đề là chị em, thuộc dòng họ Devadaha.
  • Đản sinh năm 624 TTL tại vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini), nay thuộc Nepal. Thời niên thiếu tại thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu), nay thuộc Nepal-Ấn Độ.
  • Lập gia đình năm 16 tuổi, vợ là Công chúa Gia-du-đà-la (Yasodhara). Có một người con trai, là La-hầu-la (Rahula).
  • Xuất gia tầm đạo năm 29 tuổi, sống đời khất sĩ trong 6 năm, học và thực hành nhiều pháp môn với nhiều đạo sư.
     
  • Từ bỏ pháp tu khổ hạnh, nhận phần cháo sữa do bà Sujata cúng dường, Ngài vượt sông Ni-liên-thuyền (Neranjara), đến tọa thiền tại gốc cây bồ-đề -- assatha (ficus religiosa). Ngài nhập định tham thiền, quán niệm hơi thở, an trú vào bốn tầng thiền-na (jhana), rồi hướng tâm hồi tưởng các tiền kiếp. Vào cuối canh một đêm đó, Ngài chứng đạt trí tuệ "túc mạng minh". Sau đó, Ngài hướng tâm quán triệt nguyên do đưa đến sự sinh tử của mọi loài, về luật nghiệp quả, và vào cuối canh hai, Ngài chứng đạt "thiên nhãn minh". Sau đó, Ngài quán triệt sự chấm dứt các lậu hoặc, quán triệt Khổ, Khổ tập, Khổ diệt, và con Ðường diệt khổ (Tứ Diệu Ðế), và chứng đạt "lậu tận minh".
     
  • Từ đó trong suốt 45 năm, Ngài đi truyền giảng con đường giải thoát, thu nhận đệ tử, có người xuất gia theo Ngài và lập thành Tăng đoàn, có người cũng còn tại gia, gọi là các cư sĩ. Vùng truyền giáo của Ngài là vùng Ðông Bắc Ấn Ðộ giáp biên giới xứ Nepal, dọc theo các nhánh sông thượng nguồn sông Gange (sông Hằng).
     
  • Ðức Phật tịch diệt năm 544 trước TL, lúc Ngài 80 tuổi, tại khu rừng cây sala, gần thành Kusinara (Câu-thi-na). Ðêm đó, sau khi nhập và xuất tám tầng thiền-na, Ngài nhập Niết Bàn Vô Dư Y -- hay Bát-niết-bàn (Parinibbana). Lúc đó là canh cuối của đêm rằm tháng tư. Lời dạy cuối cùng của Ngài là: "Nầy các vị Tỳ khưu, nay Ta khuyên bảo chư vị: tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật".
Căn bản Phật pháp:
  • Tứ diệu đế, bát chánh đạo, tam vô lậu học, 37 phẩm trợ đạo
  • Tam pháp ấn: khổ, vô thường, vô ngã
  • Tái sinh và nghiệp quả
  • Lý duyên sinh
  • Tam giới, lục đạo luân hồi 
  • Niết-bàn
Các vị đại đệ tử:
  Tỳ-khưu Tỳ-khưu-ni
Thị giả A-nan (Ananda)  
Trí tuệ Xá-lợi-phất (Sariputta) Thức-ma (Khema)
Thần thông Mục-kiền-liên (Moggalana) Liên Hoa Sắc (Uppalavana)
Đầu đà Ca-diếp (Kassapa) Cơ-lê-xá Kiều-đàm-di (Kisa Gotami)
Luật Ưu-ba-ly (Upali) Ba-la-giá-na (Patacara)
Thọ giới đầu tiên Kiều-trần-như (Kodanna) Ba-xà-ba-đề Kiều-đàm-di (Pajapati Gotami)
     
  Nam cư sĩ Nữ cư sĩ
Đại thí chủ Cấp Cô Độc (Anatthapindika) Tỳ-xá-khư (Visakha)
Quy y Nhị Bảo Tam-quả (Tapassu Bhallika) Sujata
Quy y Tam bảo Cha của Da-xá (Yasa) Mẹ của Da-xá (Yasa)
Thuyết pháp Chất-đa (Citta-gahapati) Cửu-thọ-đa-la (Khujjuttarra)
Hành thiền Ha-xỉ̉ A-la-bà (Hatthaka Alavaka) Tu-tỳ-da nữ (Uttarā Nandamātā)
     
Các thánh tích:
  • Lumbini (Lâm-tì-ni) - Nơi đản sinh.
  • Bodh Gaya (Bồ-đề Đạo tràng) - Nơi thành đạo.
  • Sarnath (Lộc uyển) - Nơi chuyển pháp luân.
  • Kusinara (Câu-thi-na) - Nơi bát-niết-bàn.
     
  • Kapilavatthu (Ca-tì-la-vệ) - Quê hương của Ngài.
  • Sankassa - Nơi Ngài từ cung trời Đao-lợi trở về dạy A-tỳ-đàm cho ngài Xá-lợi-phất.
  • Rajgir/Rajagaha (Vương xá) - Kinh đô của vương quốc Ma-kiệt-đà (Magadha).
  • Gijjakuta (núi Linh thứu) -  Nơi Ngài thường giảng đạo trong những năm đầu tiên.
  • Veluvana (Trúc lâm) - Tinh xá do vua Bình-sa (Bimbisara) dâng cúng.
  • Kosambi (Câu-diệm-bi) - Nơi Ngài giảng pháp lục hòa kính.
  • Savathi (Xá-vệ), kinh đô của xứ Kosala (Kiều-tất-la), vua Ba-tư-nặc (Pasenadi), và Tinh xá Kỳ Viên (Jetavana), nơi Ngài ngự trong 20 năm cuối.
  • Vesali (Vệ-xá-ly) - Kinh đô của bộ tộc Licchavi, nơi thành lập Ni đoàn, do bà Kiều-đàm-di lãnh đạo.
  • Varanasi (Benares, Ba-na-lại) - Kinh đô của bộ tộc Kasi, thành phố lớn bên bờ sông Hằng.
  • Mathura - Trung tâm văn hóa điêu khắc.
  • Indapatta - Kinh đô của bộ tộc Kuru, nơi Ngài giảng kinh Niệm xứ và kinh Đại duyên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét