CẦU NGUYỆN, THIỀN ĐỊNH VÀ TU TẬP (K. Sri Dhammananda)

CẦU NGUYỆN, THIỀN ĐỊNH VÀ TU TẬP

-ooOoo-
ĐỨC TIN, TIN TƯỞNG VÀ THÀNH TÂM
Chánh Kiến chỉ đường đến tin tưởng; tin tưởng mở đường đến trí tuệ.
Đức tin theo ý nghĩa hữu thần không tìm thấy trong đạo Phật vì Phật Giáo nhấn mạnh đặc biệt vào sự hiểu biết. Đức tin hữu thần là ma túy cho các đầu óc đa cảm, và đòi hỏi phải tin vào những gì không được biết. Kiến thức phá vỡ đức tin và đức tin bị tự phá vỡ khi đức tin huyền bí bị khảo sát dưới ánh sáng của lý trí. Tin tưởng không thể đạt được bằng đức tin vì đức tin đặt nhẹ về lý trí, nhưng chỉ đạt bằng sự hiểu biết.

Nhắc đến bản chất đức tin ngu dốt và mù quáng, Voltaire nói: "Đức tin là tin vào điều gì mà lý trí của bạn nói là không có thật; bởi nếu lý trí của bạn chấp nhận nó, thì vấn đề đức tin mù quáng khỏi cần phải đặt ra".
Tuy nhiên tin tưởng không giống như đức tin. Tin tưởng không phải là sự chấp nhận tinh thần vào cái không thể biết được. Tin tưởng là một hoài bão chắc thực, không phải vào một cái vượt ngoài hiểu biết, mà là vào cái có thể được xét qua kinh nghiệm hiểu biết bản thân. Tin tưởng giống như sự hiểu biết mà người học sinh tiếp thu nơi thầy giáo giảng trong lớp về định luật vũ trụ bình phương của lực hấp dẫn chứng minh bởi Newton. Người học sinh không nên chấp nhận đức tin mù quáng nơi thầy giáo và sách vở của ông. Người học sinh nghiên cứu sự kiện, khảo sát luận cứ khoa học, và đánh giá tính chất xác thực của tài liệu. Nếu có nghi ngờ, người học sinh nên dè dặt xét đoán cho đến khi tự mình tra cứu thấy sự trung thực của tài liệu. Với người Phật Tử, tin tưởng là một sản phẩm của lý trí, kiến thức và kinh nghiệm. Khi được phát triển, tin tưởng không bao giờ là niềm tin mù quáng. Tin tưởng trở thành sức mạnh của tâm. Trong cuốn "Đức Phật Dạy Gì", Hòa thượng Walpola Rahula viết:
"Vấn đề đức tin sanh khởi khi ta không thấy - thấy trong mọi nghĩa của tiếng này. Đến khi bạn thấy được, vấn đề đức tin biến mất. Nếu tôi nói với bạn tôi đang có một hạt ngọc trong nắm tay tôi, đức tin phát khởi vì chính bạn chưa nhìn thấy viên ngọc này. Nhưng nếu tôi mở bàn tay ra và đưa cho bạn xem hạt ngọc, chính mắt bạn nhìn thấy, vấn đề đức tin không sanh khởi. Cho nên trong kinh Phật giáo cổ xưa có câu như sau: "Thấy rõ, giống như một người thấy một hạt ngọc trong lòng bàn tay".
Ý NGHĨA CỦA SỰ CẦU NGUYỆN
Thiên nhiên vốn vô tư; những lời cầu nguyện không làm cho thiên nhiên hãnh diện. Thiên nhiên không ban thưởng đặc ân do lời yêu cầu nào.
Con người không phải là một sinh vật bị sa cơ có nhu cầu phải cầu xin, trông chờ vào tình thương. Theo Phật Giáo, con người là chủ tể đầy tiềm năng của chính mình. Chỉ vì vô minh sâu xa nên con người không nhận ra được tiềm năng phong phú của mình. Vì Đức Phật đã chỉ cho sức mạnh tiềm ẩn này, con người phải trau dồi tâm ý, và cố gắng phát triển tâm ý bằng cách chứng nghiệm được khả năng bẩm sinh này.
Phật Giáo cho con người trách nhiệm và phẩm giá hoàn toàn. Phật Giáo làm cho con người thành chủ tể của chính mình. Theo Phật Giáo, không có chúng sanh nào ngồi trên cao xét xử công việc và định mệnh mình. Có nghĩa là đời sống, xã hội, thế giới của chúng ta, là cái mà bạn và tôi muốn làm ra chứ không phải là cái mà một đấng không biết nào khác muốn làm ra như vậy.
Xin nhớ là thiên nhiên không thiên vị; những lời cầu nguyện không làm cho thiên nhiên hãnh diện. Thiên nhiên không cho ân huệ đặc biệt gì theo lời yêu cầu.
Vì vậy trong Phật Giáo, cầu nguyện là thiền định tự nó thay đổi tùy theo đối tượng. Cầu nguyện trong thiền định là sự tu sửa lại bản tính của mình. Đó là sự chuyển hóa bản chất bên trong ta bằng cách thanh lọc ba khả năng: tư tưởng, lời nói và hành động. Do thiền định, ta có thể hiểu được rằng "ta sẽ trở thành cái mà ta nghĩ " theo như những khám phá của tâm lý học. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta thấy tâm ta khuây khỏa; đó là ảnh hưởng tâm lý do chúng ta tạo ra nhờ niềm tin và thành tâm. Đọc một vài câu kệ, chúng ta cũng kinh nghiệm được kết quả như vậy. Tên và những ký hiệu tượng trưng trong tôn giáo rất quan trọng đến mức độ giúp ta phát triển thành tâm và tin tưởng.
Chính Đức Phật đã giải thích rõ ràng chẳng có cách làm nào như đọc tụng kinh điển, hành xác, nằm đất, liên tục cầu nguyện, sám hối, tán tụng, bùa ngải, bùa phép, thần chú, và cầu khẩn có thể mang lại hạnh phúc thực sự của Niết Bàn.
Về việc dùng cầu nguyện để đạt mục tiêu tối hậu, Đức Phật có lần cho thí dụ về một người muốn qua sông. Nếu người đó cứ ngồi và cầu cho bờ sông bên kia sẽ đến với mình và mang mình qua sông, nhất định lời cầu nguyện chẳng bao giờ được đáp ứng. Nếu muốn qua sông, người đó phải cố gắng, tìm gỗ và làm một cái bè, tìm một cây cầu, hoặc làm một cái thuyền hay lội qua sông. Dù bằng cách nào đi nữa thì người đó phải ra tay làm việc mới qua sông được. Giống như vậy, nếu muốn vượt qua dòng sông Luân Hồi, cầu nguyện không thôi chưa đủ. Người đó phải hết sức cố gắng bằng cách sống một cuộc đời đạo hạnh, kiềm chế đam mê, lắng đọng tâm tư, và quét sạch tất cả những bất tịnh và ô trược trong tâm. Chỉ lúc ấy, người đó mới đạt mục tiêu cuối cùng. Cầu nguyện suông không bao giờ mang ai tới mục tiêu cuối cùng được.
Nếu cần cầu nguyện thì chỉ nên cầu nguyện cho tâm thêm mạnh chứ không phải cầu xin để được lợi lộc. Lời cầu nguyện dưới đây của một thi sĩ nổi danh dạy chúng ta phải cầu nguyện như thế nào.
Người Phật Tử hãy coi lời nguyện này như thiền định để trau dồi tâm ý:
"Đừng cho tôi nguyện cầu xin tránh thoát tai ương
Mà chỉ để không sợ khi đối đầu với chúng
Đừng cho tôi khẩn cầu êm đi cơn đau đớn
Mà chỉ để tim tôi vượt thắng được cơn đau
Đừng cho tôi khát khao được cứu khỏi lo sầu
Mà chỉ để kiên nhẫn thắng tự do ham muốn"
.
THIỀN ĐỊNH
Thiền định là phương pháp tâm lý để mở mang, rèn luyện và thanh tịnh tâm ý.

Thay vì cầu nguyện, người Phật Tử hành thiền để trau dồi tâm ý, và phát triển tinh thần. Không ai có thể đạt Niết Bàn hoặc giải thoát mà không phát triển tâm ý qua thiền định. Bất cứ một số lượng công đức nào cũng không thể giúp cho một người đạt được mục tiêu cuối cùng nếu tâm không được thanh lọc tương ứng. Đương nhiên một cái tâm không được huấn luyện rất khó nắm giữ, hay quyến dụ thuyết phục con người phạm tội lỗi, và trở thành nô lệ cho giác quan. Tưởng tượng và xúc cảm bao giờ cũng khiến con người lầm lạc nếu tâm trí không được huấn luyện đứng đắn. Người biết tu tập thiền định có thể kiểm soát tâm mình khi bị các giác quan dẫn dắt sai lầm.
Hầu hết những khó khăn mà chúng ta phải đương đầu ngày nay là do tâm không được huấn luyện và trau dồi. Thiền đã được thiết lập để chữa trị các bệnh tâm và bệnh thân. Giới khoa học và những nhà tâm lý học lỗi lạc trên khắp thế giới đều công nhận rằng khủng hoảng tinh thần, lo lắng, thống khổ, băn khoăn, căng thẳng, và sợ hãi là những nguyên nhân của nhiều chứng bệnh như loét bao tử, viêm dạ dầy, đau thần kinh, và bệnh tâm thần. Và cả đến những bệnh ẩn tàng sẽ càng ngày càng nặng thêm vì những tình trạng của các bệnh tâm thần như vậy.
Khi cái thức về "TÔI" quá ư bực bội, quá nhiều lo lắng, hay phiền muộn, kéo dài quá lâu hay quá căng thẳng, thì tình trạng xáo trộn phát triển nơi thân. Viêm và loét dạ dầy, lao phổi, bệnh do động mạch, và và cả loạt những rối loạn chức năng là những sản phẩm của tâm thần và xúc cảm không quân bình. Về trường hợp các trẻ em, răng sâu và mắt có tật thường liên quan đến các rối loạn xúc cảm mà ra.
Nhiều bệnh và rối loạn như thế có thể tránh được nếu ta có thể dành ít phút trong một ngày để làm lắng dịu các giác quan bằng thực hành thiền định. Do thiếu hiểu biết nhiều người không tin việc này hoặc quá lười biếng không chịu hành thiền. Một số người lại nói thiền định chỉ phí phạm thì giờ. Chúng ta phải nhớ rằng tất cả giáo chủ tinh thần trên thế giới này đạt được đến mức độ cao nhất của lẽ sống đều do tu tập thiền định. Ngày nay các Ngài được hàng triệu người tôn kính do công trình phục vụ vĩ đại cho nhân loại bằng kiến thức và hạnh kiên nhẫn siêu việt mà các Ngài đạt được bằng tu tập thiền định.
Thiền định không nên là một công việc bắt buộc phải "răng nghiến, tay siết" ; thiền định phải là điều gì lôi cuốn ta, cho ta tràn ngập niềm vui và cảm hứng. Chừng nào mà ta còn miễn cưỡng, thì ta chưa sẵn sàng hành thiền được. Thay vì hành thiền ta đã vi phạm bản chất thực sự của chúng ta. Thay vì để chúng thoải mái và tự nhiên qua đi, ta lại cứ giữ chặt cái ta, cái sức mạnh của ý muốn trong ta. Thiền định theo đường lối như vậy trở nên trò chơi của tham vọng, của phô trương thành quả cá nhân. Thiền định giống như tình yêu là một kinh nghiệm tự phát chứ không phải là điều bị bắt buộc hay đạt được bằng nỗ lực hăm hở.
Cho nên Thiền Phật Giáo không ngoài mục đích đem tâm trở về hiện tại, vào một trạng thái hoàn toàn tỉnh thức, bằng cách quét sạch tất cả những chướng ngại đã được tạo ra bởi thói quen hay truyền thống.
Đức Phật đạt Giác Ngộ do sự phát triển tâm ý của Ngài. Ngài không tìm đến sức mạnh thánh thần để giúp đỡ Ngài. Ngài đạt trí tuệ nhờ sự tự nỗ lực bằng tu tập thiền định. Muốn tâm và thân lành mạnh, và muốn cuộc sống an lạc, ta phải học hỏi cách tu tập thiền định.
BẢN CHẤT CỦA ĐỜI SỐNG HIỆN ĐẠI
Ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới mà con người cật lực làm việc về vật chất lẫn tinh thần. Nếu không hết sức làm việc, sẽ không có chỗ cho ta trong xã hội hiện đại này. Mọi nơi, mọi lúc đều có cạnh tranh mạnh mẽ. Người này muốn hạ người kia trong mọi khía cạnh của cuộc sống, và con người không được nghỉ ngơi chút nào cả. Tâm là hạt nhân của đời sống . Khi không có an lạc và thư thái thực sự trong tâm, toàn bộ đời sống sẽ sụp đổ. Thông thường con người cố vượt qua đau khổ bằng cách thỏa mãn các giác quan: uống rượu, cờ bạc, ca hát và khiêu vũ - lúc nào cũng có ảo tưởng là họ thật sự vui huởng hạnh phúc thực sự của đời sống. Kích động giác quan không phải là con đường thực sự để được nghỉ ngơi. Nếu chúng ta càng thỏa mãn giác quan bằng lạc thú nhục dục, càng ngày ta càng phải lệ thuộc vào giác quan. Thèm muốn thỏa mãn chẳng bao giờ chấm dứt. Con đường thực sự để buông thủ, thoải mái là phải lắng đọng giác quan bằng sự kiểm soát tâm ý. Nếu chúng ta có thể kiểm soát tâm ý, chúng ta có thể kiểm soát được mọi thứ. Khi kiểm soát hoàn toàn được tâm và tâm được thanh tịnh, tâm sẽ giải thoát khỏi những xáo trộn tâm thần. Khi tâm giải thoát khỏi những xáo trộn tinh thần, tâm có thể nhìn thấy nhiều điều mà ta không thể nhìn thấy bằng mắt trần. Cuối cùng, chúng ta có thể đạt giải thoát và tìm thấy an lạc và hạnh phúc.
Muốn hành thiền, ta phải cương quyết, cố gắng, và nhẫn nại. Không nên mong cầu đạt được kết quả tức khắc. Chúng ta phải nhớ phải mất nhiều năm một người mới trở thành bác sĩ, luật sư, nhà toán học, triết gia, sử gia hoặc khoa học gia. Cũng giống như vậy, muốn thành một người hành thiền thuần thục, phải có một thời gian cho người đó kiểm soát được cái tâm lăng xăng xao lãng và lắng đọng được giác quan. Hành thiền giống như bơi ngược dòng sông. Cho nên ta phải nhẫn nại đừng nản chí vì không thấy ngay kết quả. Đồng thời người hành thiền phải trau dồi giới đức. Chỗ thích hợp cho việc thiền tập là một khía cạnh quan trọng khác. Người hành thiền phải có một đối tượng để thiền tập, nếu không có một đối tượng, cái tâm lăng xăng khó mà kiềm chế được. Đối tượng không được tạo tham, sân, ảo tưởng hay xúc động trong tâm người hành thiền.
Khi chúng ta bắt đầu hành thiền, chúng ta điều chỉnh lại tâm ý từ cách suy nghĩ cũ, thường bằng tưởng tượng, sang cách suy nghĩ mới lạ, không bị ngăn ngại. Trong lúc hành thiền khi chúng ta thở trong chánh niệm, chúng ta hít vào năng lượng vũ trụ. Khi chúng ta thở ra trong chánh niệm với tâm từ - Metta, chúng ta thanh lọc bầu không khí. Ở đây, trí năng cần thiết để thắng lướt sự dao động về xúc cảm và tinh thần cũng như trực giác cần thiết để vượt qua sự giới hạn của trí thức, và sự trừu tượng của ý niệm.
Chúng ta dành hầu hết thì giờ cho thân: nào ăn, nào mặc, nào tẩy sạch, tắm rửa, trang điểm, nghỉ ngơi, nhưng chúng ta dành bao nhiêu thì giờ cho tâm của chúng ta cũng vào những mục đích ấy?
Một số người lấy hình ảnh Đức Phật làm đối tượng và tập trung vào hình ảnh này. Một số khác tập trung vào hơi thở vào và hơi thở ra. Dù là phương pháp nào đi nữa, nếu bất cứ ai cố gắng tu tập thiền định, chắc chắn người ấy tìm được sự thoải mái. Thiền giúp ta rất nhiều để có sức khỏe tinh thần và vật chất và để kiểm soát tâm khi cần thiết.
Con người có thể giúp ích hữu hiệu nhất cho xã hội đơn giản bằng cách không làm các điều tội lỗi. Tâm được rèn luyện và phát triển do thiền tập có thể giúp ích đắc lực nhất cho người khác. Thiền định không làm mất thì giờ quý báu của con người. Tâm tiến bộ của người hành thiền có thể giải quyết rất nhiều khó khăn của nhân loại và rất hữu ích để soi sáng người khác. Thiền định giúp cho ta sống an lạc dù nhiều xáo trộn đang lan tràn trong thế giới hiện đại này. Chúng ta không thể cầu mong được rút lui trong rừng sâu để sống trong tháp ngà - "xa hẳn đám đông điên loạn". Bằng cách tu tập thiền định đúng cách, chúng ta có thể có được một trú xứ cho sự quên lãng tạm thời. Thiền định có mục đích huấn luyện con người để có thể đương đầu, hiểu biết và chiến thắng ngay trong thế giới này mà chúng ta đương sống. Thiền định dạy chúng ta tự điều chỉnh để có thể chịu đựng nhiều chướng ngại của cuộc sống trong thế giới hiện đại này.
Một số người hành thiền để thỏa mãn những tham muốn vất chất; họ muốn đạt nhiều hơn nữa lợi lộc vật chất. Họ muốn dùng thiền để có một công việc tốt hơn. Họ muốn kiếm được nhiều tiền hơn nữa hoặc điều động công việc làm ăn hữu hiệu hơn. Có lẽ họ không hiểu rằng mục đích của thiền không phải là tăng thêm mà là giảm bớt tham muốn. Những động lực thiên về vật chất không thích hợp cho thiền định chính đáng, mục đích của thiền vượt ra ngoài những công việc giữa thế gian. Ta nên thiền tập để đạt một điều gì mà cả đến tiền bạc cũng không sao mua hay mang lại được.
Tu tập thiền định, bạn có thể học hỏi cách tiếp xử như một người lịch thiệp dù bị những người khác quấy rầy. Nhờ thiền định bạn biết cách thư giãn thân thể, lắng đọng tâm tư; nội tâm an tĩnh và hạnh phúc.
Giống như một máy xe bị khét nóng và hư hại sau khi đã chạy trong một thời gian dài, cần phải cho máy mát xuống để khỏi hư, cũng vậy tâm làm việc quá nhiều khi phải nỗ lực tinh thần đến một mức độ chịu đựng nào đó, thì chỉ nhờ hành thiền mới có sự buông thủ, mát mẻ được. Thiền định làm cho tâm thêm sức mạnh để kiểm soát xúc cảm của con người khi bị nhiễu loạn bởi các tư tưởng và cảm nghĩ tiêu cực như ghen ghét, sân hận, kiêu hãnh và đố kỵ.
Tu tập thiền định, bạn có thể biết chọn lựa quyết định thích hợp khi bạn đến ngã tư cuộc đời, và đang bị lạc hướng không biết nên quay sang ngả nào. Những đức tính này không thể mua ở đâu được. Không có tiền của hay tài sản nào có thể mua được các đức tính ấy, mà chỉ do thiền định bạn mới có được. Và cuối cùng, đối tượng tối hậu của thiền Phật Giáo là nhổ tất cả những ô trược trong tâm để đạt mục tiêu cuối cùng: Niết Bàn.
Tuy nhiên, ngày nay người ta đã lạm dụng việc tu tập thiền định. Họ muốn lập tức có kết quả nhanh chóng, giống như họ muốn được trả lại ngay về mọi điều mà họ làm trong đời sống hàng ngày. Trong Phật Giáo, cũng như trường hợp của các văn hóa đông phương khác, kiên nhẫn là một đức tính quan trọng nhất. Tâm phải được kiểm soát từ những mức độ thấp, và ta không nên cố gắng đem nó lên những trình độ cao hơn mà không có huấn luyện thích nghi. Chúng ta đã nghe nói về các nam nữ thanh niên quá cuồng nhiệt, có những thể hiện phàm tục vì họ đã áp dụng thái độ sai lầm về thiền. Thiền là đường lối dịu dàng để chiến thắng những ô trược làm tâm sa đọa. Nếu họ muốn "thành công hay đạt "thành quả" để khoe khoang với người khác là đã đạt được những mức độ thiền như thế này thế kia, họ đã lạm dụng phương pháp trau dồi tinh thần. Ta phải rèn luyện giới hạnh, phải hiểu rõ rằng muốn thành công trong kỷ luật thiền, những thành quả thế tục không được coi ngang với sự phát triển tâm linh. Một cách lý tưởng nên hành thiền dưới sự hướng dẫn của một vị thầy có kinh nghiệm để giúp đỡ thiền sinh trên con đường học tập đúng cách. Nhưng trên tất cả, ta không bao giờ nên vội vã để đạt thành quả quá nhiều quá nhanh.
Ý NGHĨA VÀ TỤNG KINH PARITTA
Tụng Paritta là đọc một vài đoạn trong Kinh do Đức Phật thốt ra bằng tiếng Pali để cầu an và chúc phúc các đệ tử thành tâm
.
Tụng Paritta hay Tụng Kinh là cách hành trì rất phổ biến của Phật Giáo trên toàn thể thế giới, nhất là tại các xứ Phật Giáo Nguyên Thủy mà tiếng Pali được sử dụng để đọc tụng. Nhiều những bài kinh quan trọng từ giáo lý căn bản của Đức Phật được chọn ra do các đệ tử của Ngài. Nguồn gốc những kinh này được ghi vào khoảng hai nghìn năm qua trên những lá "ola". Sau này, những kinh này được sưu tập vào một cuốn gọi là " Paritta Kinh Tụng". Tên những bộ kinh nguyên thủy được chọn ra là Anguttara Nikaya (Tăng Chi Bộ Kinh), Majjhima Nikaya (Trung Bộ Kinh), Digha Nikaya (Trường Bộ Kinh), Samyutta Nikaya (Tương Ưng Bộ Kinh) và Khuddaka Nikaya(Tiểu Bộ Kinh) trong Kinh Tạng.
Những kinh mà người Phật Tử tụng để cầu an được gọi là Paritta Kinh Tụng. Nơi đây "cầu an" có nghĩa là tự chúng ta bảo vệ khỏi các hình thái của ma quỷ, bất hạnh, đau ốm, và ảnh hưởng của những hệ thống hành tinh cũng như để đặt tin tưởng nơi tâm. Tiếng vang của lời tụng tạo bầu không khí vui tuơi khắp vùng. Nhịp điệu trong lúc tụng cũng rất quan trọng. Ta có thể nhận thấy khi các thầy tỳ kheo tụng những kinh ấy, âm điệu thay đổi để hòa hợp với loại kinh dành cho những đoạn khác nhau. Người ta đã sớm thấy được rằng trong suốt quá trình phát triển tinh thần một số các âm điệu của giọng tụng có thể tạo được những trạng thái tâm lý an lạc và thanh thản rất có ý nghĩa trong tâm thức những người đang thành khẩn lắng nghe. Hơn nữa, giọng trầm bổng kêu gọi đến chư thiên, trong khi một số âm điệu tạo nhiều ảnh hưởng đến chúng sinh thấp kém như súc vật, rắn, hoặc ma, hoặc quỷ. Cho nên một âm điệu êm dịu và đúng cách là một khía cạnh quan trọng của việc tụng kinh Paritta.
Việc sử dụng các nhịp điệu này không phải chỉ giới hạn riêng cho Phật Giáo. Trong mọi tôn giáo, khi các tín đồ đọc tụng lời cầu nguyện của họ qua kinh thánh, họ cũng áp dụng những nhịp điệu. Chúng ta có thể nhận thấy việc này khi nghe Quran đọc bởi người Hồi Giáo và Kinh Vệ Đà tụng bởi các nhà tu thuộc Ấn Độ Giáo bằng tiếng Phạn. Một vài bài tụng rất hay cũng được hành trì tại một số giáo phái Cơ đốc, nhất là Gia Tô La Mã và hệ phái Chính Thống Giáo Hy Lạp.
Khi các kinh được tụng đọc, ba oai lực lớn và hùng mạnh được hoạt hóa. Đó là sức mạnh của Phật, Pháp và Tăng. Phật Giáo là sự phối hợp của "Tam Bảo" này và khi cùng cầu nguyện có thể mang phúc lành to lớn cho nhân loại.
(1) Phật: Đức Phật đã trau dồi tất cả những phẩm hạnh cao quý, trí tuệ và giác ngộ, đã phát triển sức mạnh tinh thần và trao cho chúng ta Giáo Lý cao thượng của Ngài. Dù Đấng Đạo Sư không còn hiện diện với chúng ta, Giáo Lý của Ngài vẫn được lưu truyền cho phúc lợi của nhân loại. Cũng giống như người khám phá ra điện đã không còn nữa, nhưng cách sử dụng kiến thức của ông, hiệu quả trí tuệ của ông vẫn còn với chúng ta. Nguồn ánh sáng mà chúng ta được hưởng ngày nay là kết quả trí tuệ của ông. Những khoa học gia khám phá ra năng lượng nguyên tử đã không còn nữa, nhưng kiến thức của họ vẫn ở với chúng ta. Cũng giống như vậy, Giáo Lý Cao Quý cho chúng ta do trí tuệ và giác ngộ của Ngài, là sức mạnh hữu hiệu nhất cho ta nguồn cảm hứng. Khi bạn nhớ tới Ngài, kính trọng Ngài, bạn phát triển tin tưởng nơi Ngài. Khi bạn đọc tụng hay nghe những lời do Ngài thốt ra, bạn cầu mong sức mạnh ở nơi phước báu của Ngài.
(2) Pháp: Giáo Pháp là oai lực của chân lý, công bằng và hòa bình khám phá ra bởi Đức Phật, oai lực này mang niềm an ủi tinh thần đến cho những thiện tín thuần thành để duy trì an lạc và hạnh phúc. Khi bạn mở rộng lòng từ bi, thành tâm và hiểu biết, sức mạnh của Giáo Pháp sẽ bảo vệ bạn và giúp bạn phát triển tín tâm vững mạnh hơn nữa. Rồi tâm tự nó trở thành một sức mạnh lớn để bảo vệ chính bạn. Khi biết bạn là người duy trì Giáo Pháp, mọi người và các chúng sinh khác sẽ kính trọng bạn. Sức mạnh của Pháp bảo vệ bạn khỏi các loại ảnh hưởng xấu và các sức mạnh tội lỗi. Những ai không hiểu được oai lực của Pháp và không biết làm sao sống theo Pháp, thường bao giờ cũng tự đầu hàng trước tất cả những hình thức của mê tín dị đoan và tự lệ thuộc vào ảnh hưởng của nhiều loại thượng đế, ma quỷ, và sức mạnh thần bí bắt họ phải thi hành những nghi thức và nghi lễ kỳ quặc. Cách hành trì như vậy, chỉ làm tăng trưởng nơi họ nhiều sợ hãi và ngờ vực phát sanh từ vô minh. Nhiều số tiền lớn đã chi dùng trong các hình thức trên, nhưng người đã vun bồi được tín tâm nơi Giáo Pháp thì dễ dàng tránh khỏi được việc này. Pháp cũng được mô tả là "thiên nhiên" hay "hiện tượng tự nhiên" và "định luật vũ trụ". Những ai đã biết bản chất của những sức mạnh ấy, có thể tự bảo vệ nhờ Giáo Pháp. Khi tâm được thanh tịnh bằng sự hiểu biết hoàn hảo, các xáo trộn không thể tạo sợ hãi trong tâm được.
(3) Tăng: Tăng Già tức đoàn thể thánh thiện của các vị tăng đã từ bỏ đời sống thế tục để phát triển sự nghiệp trí tuệ. Chư tăng được coi là đệ tử của Đức Phật, đã trau dồi các phẩm hạnh cao cả để đạt thánh quả hoặc A La Hán quả. Chúng ta dâng lòng thành kính tới cộng đồng Tăng Già, là các vị đang thừa hành nhiệm vụ chăm lo bảo vệ và tiến dẫn Giáo Pháp cho thế giới từ trên 2500 năm qua. Những công đức cống hiến bởi cộng đồng Tăng Già đã hướng dẫn nhân loại sống một cuộc đời chánh đáng và cao thượng. Những công đức ấy là mối liên lạc sống động với Bậc Đại Giác đã mang thông điệp đến cho chúng ta qua lời tụng thốt ra từ kim khẩu Ngài.
Tụng kinh chúc phúc khởi sự từ thời Đức Ph?t. Sau này tại nhiều xứ Phật Giáo như Sri Lanka, Thái và Miến Điện, cách hành trì này được phát triển thêm nữa bằng cách tụng niệm kéo dài suốt cả đêm hay một vài ngày. Với tâm thành tín cao độ, Phật Tử tham dự các khóa tụng kinh bằng cách hết sức chú ý lắng nghe. Trong nhiều dịp Đức Phật và các đệ tử của Ngài tụng kinh để an ủi tinh thần những người đau khổ vì bệnh dịch, nạn đói, đau yếu và các thiên tai khác. Có lần Đức Phật được biết một đứa bé mắc bệnh do ảnh hưởng của tà ma, Đức Phật đã chỉ thị cho chư tăng tụng kinh để bảo vệ đứa bé thoát khỏi sức mạnh của chúng.
Khóa lễ tụng kinh cầu phước rất hữu hiệu. Đương nhiên có những trường hợp, tụng niệm không kết quả vì nạn nhân đã phạm một số nghiệp rất xấu. Tuy nhiên một số nghiệp xấu nhẹ có thể qua được nhờ oai lực của âm ba vang động phối hợp với những đức hạnh và lòng từ bi cao cả của các vị thánh thiện tụng niệm. Điểm này, sự vượt qua được nghiệp quả xấu không có nghĩa là nhổ hết cả nghiệp quả, mà chỉ tạm thời đình chỉ nghiệp quả đó thôi.
Những thiện tín thường khi bị quá sức hay mệt mỏi, cảm thấy khuây khỏa và bình tĩnh sau khi nghe tụng kinh. Kinh nghiệm trên không giống như trường hợp nghe nhạc vì nhạc có thể làm cho tâm kích động và xúi giục cảm xúc của người nghe mà không tạo được lòng thành tâm và tin tưởng.
Trong hơn 2500 năm qua, những người Phật Tử thuần thành đã kinh nghiệm những hiệu quả tốt lành do tụng kinh. Chúng ta nên hiểu thế nào và tại sao những lời thốt ra từ kim khẩu Đức Phật với mục đích chúc phúc lại quá hữu hiệu ngay cả sau khi Ngài đã nhập diệt. Trong giáo lý của Đức Phật ghi nhận là từ khi Ngài có hoài bão trở nên một Đức Phật, trong những tiền kiếp của Ngài, Ngài đã hết sức duy trì nguyên tắc đặc biệt là không "nói dối". Không lạm dụng và không sử dụng sai lệch lời nói, Ngài nói năng từ tốn, không làm tổn thương đến cảm nghĩ của người khác. Sức mạnh của Chân Lý trở thành nguồn oai lực trong những lời do Đức Phật thốt ra với lòng từ bi rộng lớn. Tuy nhiên, sức mạnh của lời Đức Phật không thôi không thể bảo đảm phước lành mà không có thành tâm và và hiểu biết của người Phật Tử thuần thành.
Hiệu quả huyền diệu chứng nghiệm bởi nhiều người trong việc tự khỏi bệnh và các xáo trộn tinh thần qua trung gian của Kinh Phật, khiến cho họ mở mang niềm tin và lòng tin tưởng trong hình thức khóa lễ tụng niệm này.
PHẬT TỬ CÓ TÔN THỜ THẦN TƯỢNG KHÔNG?
Phật Tử không tôn thờ thần tượng mà là tôn thờ lý tưởng .

Mặc dù người Phật Tử theo tập tục giữ hình ảnh Đức Phật để tỏ lòng tôn kính Ngài, nhưng họ không phải là người tôn thờ thần tượng. Sùng bái thần tượng thông thường có nghĩa là dựng lên hình ảnh của nam hay nữ thần không biết rõ nào đó trong nhiều kiểu và cỡ khác nhau, và cầu nguyện thẳng với các hình ảnh ấy. Người cầu nguyện xin thần linh hướng dẫn và bảo vệ họ. Họ cầu xin nam hay nữ thần ban cho họ sức khỏe, của cải, tài sản, và cung cấp cho họ những nhu cầu cần thiết, họ xin được tha tội.
Việc lễ lậy hình ảnh Đức Phật lại là một vấn đề hoàn toàn khác hẳn. Phật Tử tôn kính hình ảnh Đức Phật là một hành động để tỏ thiện ý tới một bậc thánh thiện cao cả, uyên bác, nhân đức, và từ bi nhất chưa từng có trên thế giới này. Đó là một sự kiện lịch sử vì con người vĩ đại này đã sống trên thế giới và đã triệt để phục vụ nhân loại. Sự lễ lạy Đức Phật thực sự có nghĩa dâng lòng kính trọng, tán tụng và thành tâm lên Ngài, và lên những gì mà Ngài tượng trưng chứ không phải lên một hình tượng bằng đá hay bằng kim khí.
Hình ảnh của Ngài chỉ là thị giác giúp hồi tưởng tới Đức Phật trong tâm và quán tưởng tới những phẩm hạnh vĩ đại của Ngài đã gây cảm hứng cho triệu triệu người từ thế hệ này đến thế hệ khác khắp tất cả thế giới văn minh. Phật Tử dùng hình tượng Ngài như một biểu tượng tôn giáo và là một đối tượng để tâm tập trung tinh thần hầu đạt bình an trong tâm khảm. Khi người Phật Tử nhìn vào hình ảnh Đức Phật, họ dẹp ra một bên tư tưởng đấu tranh, và chỉ nghĩ đến an lạc, thanh thản, bình tĩnh, và tịch tịnh. Tượng Ngài giúp cho tâm hồi tưởng đến con người vĩ đại này, và truyền cảm hứng cho các người thành tâm theo gương sáng và chỉ thị của Ngài, người Phật Tử thuần thành cảm thấy như Vị Giáo Chủ có mặt trong hiện tại. Cảm nghĩ này khiến hành động lễ lạy của họ trở nên sống động và có ý nghĩa. Hình ảnh thanh tịnh của Đức Phật gây ảnh hưởng và cảm hứng để họ giữ vững chánh đạo về giới hạnh và tư tưởng.
Người Phật Tử hiểu biết không bao giờ xin ân huệ từ hình tượng Đức Phật và cũng chẳng bao giờ xin được tha thứ về những lỗi lầm đã phạm. Người Phật Tử hiểu biết luôn luôn cố gắng kiểm soát tâm mình, theo lời khuyên của Đức Phật để dứt bỏ những đau khổ thế tục, và tìm được sự giải thoát.
Người nào chỉ trích hình thức lễ bái thần tượng của người Phật Tử đã giải thích sai lầm về những gì người Phật Tử làm. Nếu người ta có thể cất những bức ảnh của cha mẹ hay ông bà để làm kỷ niệm dấu yêu, nếu người ta có thể giữ các bức hình của các vua, hoàng hậu, thủ tướng, những anh hùng, triết gia, và thi hào vĩ đại, thì chắc chắn không có lý gì tại sao người Phật Tử không thể giữ hình tướng vị Giáo Chủ của họ để tưởng nhớ và tôn kính Ngài.
Có gì hại nếu người ta đọc tụng một vài câu kệ tán dương các phẩm hạnh cao cả của Vị Giáo Chủ của họ? Nếu người ta có thể đặt các vòng hoa trên các mộ của nguời thân yêu để bầy tỏ lòng biết ơn, có điều gì hại nếu người Phật Tử dâng cúng một vài bông hoa, nén nhang, trầm hương vân vân.. lên vị Đạo Sư kính mến của họ, người đã hiến dâng cả cuộc đời để giúp đỡ nhân loại khổ đau? Người ta đã tạc tượng các anh hùng chiến thắng mà thật ra chính là những kẻ giết người, những người chịu trách nhiệm về cái chết của cả triệu triệu người vô tội. Để giữ được uy quyền, những kẻ chiến thắng đó đã phạm tội giết người bằng hận thù, tàn bạo và tham lam. Họ đã xâm chiếm các quốc gia nghèo nàn và tạo biết bao khổ đau không thể kể hết được, chiếm hữu đất đai, tài sản và gây bao tàn phá cho người vô tội. Nhiều kẻ chiến thắng này được coi như anh hùng quốc gia; các cuộc lễ kỷ niệm được tổ chức cho họ, và hoa được dâng trên bia mộ họ. Có sai quấy gì không nếu người con Phật dâng lòng thành kính lên Vị Đạo Sư đã được thế giới vinh danh, người đã hy sanh lạc thú trần gian để tìm Giác Ngộ và chỉ cho mọi người Con Đường Giải Thoát?
Hình ảnh là tiếng nói của tiềm thức. Cho nên hình ảnh của Vị Giác Ngộ thường tạo trong nội tâm ta như một hiện thân của toàn hảo, hình ảnh xuyên thấu vào chiều sâu của tâm thức (nếu đủ mạnh) có thể hành hoạt như một cái thắng tự động chống lại những thôi thúc dao động. Sự quán tưởng tới Đức Phật tạo niềm hỉ lạc, làm tâm sung mãn, và nâng con người ra khỏi trạng thái bồn chồn, căng thẳng và khủng hoảng. Như vậy lễ bái Đức Phật không phải là lời cầu nguyện theo nghĩa thông thường mà là thiền định. Cho nên, không phải tôn sùng thần tượng mà là tôn sùng lý tưởng. Do đó người Phật Tử có thể tìm thấy sức mạnh sung mãn để xây đắp chốn linh thiêng cho đời mình. Người Phật Tử thanh lọc tấm lòng cho đến khi cảm thấy xứng đáng được mang hình ảnh ở nơi linh thiêng sâu thẳm nhất. Người Phật Tử dâng lòng tôn kính lên bậc vĩ nhân được tượng trưng bằng hình ảnh. Họ cố gắng đạt cảm hứng từ nhân phẩm cao quý của Ngài và tích cực noi gương Ngài. Người Phật Tử không coi hình ảnh Đức Phật như một thần tượng chết bằng gỗ hay bằng kim khí, hay bằng đất sét. Hình ảnh đó tượng trưng một cái gì sống động cho những ai hiểu biết và được thanh tịnh về tư tưởng, lời nói và hành vi của mình.
Hình ảnh của Đức Phật không ngoài gì hơn là biểu tượng các phẩm hạnh vĩ đại của Ngài. Không phải là trái tự nhiên mà sự tôn kính sâu xa Đức Phật đã được bầy tỏ trong một vài tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tuyệt mỹ mà thế giới từng biết đến. Thật cũng khó hiểu tại sao một số người lại hạ thấp những ai dâng lòng tôn kính lên hình ảnh tượng trưng các bậc đạo sư thánh thiện.
Hình ảnh trầm lặng và thanh thoát của Đức Phật là một quan niệm chung về cái đẹp lý tưởng. Hình ảnh của Đức Phật là tài sản chung cao quý của nhà văn hóa Á Châu. Không có hình ảnh của Đức Phật, nơi đâu ta có thể tìm thấy được một nhân phẩm thanh tịnh, sáng chói và đầy tinh thần giải thoát?
Không những chỉ người Á Châu hay Phật Tử trân trọng hình ảnh Đức Phật. Anatole France trong cuốn tự thuật của ông viết: "Vào ngày 1 Tháng 5 năm 1890, tôi may mắn đến thăm Viện Bảo Tàng Ba Lê. Nơi đây có các tượng thần thánh Á Châu ngồi trong thầm lặng và đơn giản, mắt tôi bỗng nhiên hướng về bức tượng Đức Phật đang ra hiệu cho nhân loại khổ đau biết mở tâm hiểu biết và từ bi. Nếu có một vị thượng đế nào đang đi trên trái đất này, tôi cảm thấy phải là Ngài. Tôi cảm thấy giống như đang quỳ xuống bên Ngài, và cầu nguyện với Ngài như với một vị Thượng Đế".
Có một vị tướng lãnh tặng bức hình Đức Phật như để một di sản cho Winston Churchill. Vị tư?ng này nói: "Khi ông bị xao xuyến và bối rối, tôi muốn ông hãy nhìn bức hình này, ông sẽ thấy tâm ông được lắng dịu ". Cái gì đã làm bức thông điệp của Đức Phật lôi cuốn được những con người đã trau dồi trí thức? Có lẽ ta tìm được câu trả lời nơi vẻ thanh thoát của hình ảnh Đức Bổn Sư.
Không phải bằng màu sắc và đường nét mà người ta thể hiện niềm tin của mình nơi Đức Phật và sự từ bi trong Giáo Lý của Ngài. Bàn tay con người đã rèn tạc kim khí và thạch đá để tạo hình Đức Phật là một trong những sáng tạo vĩ đại nhất của thiên tài nhân loại. Hãy chiêm ngưỡng bức tượng trứ danh tại Abhayagiri Vihara ở Sri Lanka, hay bức tượng Phật tại Sarnah, hay những tượng trứ_danh tại Boro-budur. Mắt đầy ánh từ bi, và bàn tay biểu hiện tâm vô úy, thiện chí và ân phước, bàn tay như đang gỡ mối dây tư tưởng, hay như đang vẫy gọi trần gian đến chứng kiến việc tìm thấy Chân Lý của Ngài. Giáo Pháp đi đến đâu thì hình ảnh của Vị Đại Đạo Sư đi đến đấy, không chỉ là một vật dụng để sùng bái mà cũng là một đối tượng để thiền định và tôn kính. Keyserling nói: "Tôi biết trên thế gian này không có cái gì hùng vĩ hơn hình ảnh Đức Phật. Hình ảnh ấy là một hiện thân tuyệt đối toàn hảo của tinh thần trong lãnh vực thị giác".
Một đời sống thật cao đẹp, một con tim thật trong sạch và khả ái, một cái tâm thật sâu sắc và giác ngộ, một nhân cách truyền cảm và vị tha - một cuộc sống toàn bích như vậy, một tấm lòng từ ái như vậy, một cái tâm trầm tĩnh như vậy, một nhân cách thanh tịnh như vậy quả thực đáng được tôn kính, đáng được vinh danh, đáng được cúng dường. Đức Phật là sự toàn bích cao cả nhất của nhân loại.
Hình ảnh Đức Phật là một biểu tượng tôn giáo, không phải của một người, mà của Phật Quả mà tất cả ai cũng có thể đạt được dù chỉ có một số ít. Phật Quả không phải chỉ cho một người mà cho nhiều người: "Chư Phật thời quá khứ, chư Phật vị lai, Đức Phật hiện tại; mỗi ngày tôi thành kính tôn thờ".
Tuy nhiên không bắt buộc là mỗi người Phật Tử đều phải có tôn tượng Đức Phật để tu hành. Những ai có thể kiểm soát được tâm ý và giác quan, vẫn có thể tu tập không cần đến hình ảnh làm đối tượng. Nếu người Phật Tử thật sự muốn chiêm ngưỡng Đức Phật với tất cả vẻ uy nghi lộng lẫy về nhân dáng, lý tưởng của Ngài, thì phải đem giáo lý của Ngài mà tu tập trong đời sống hàng ngày. Chính do sự thực hành giáo pháp của Ngài mà họ có thể đến gần Ngài hơn, và cảm thấy sự chói sáng tuyệt vời của trí tuệ và từ bi bất diệt của Ngài. Chỉ kính trọng hình ảnh mà không theo Giáo Lý Tối Thượng của Ngài thì không phải là con đường tìm giải thoát.
Chúng ta cũng phải nỗ lực để hiểu tinh thần Đức Phật. Giáo lý của Ngài là con đường duy nhất cứu độ thế giới xáo trộn này. Mặc dù khoa học và kỹ thuật đã tiến bộ vượt bực, con người trên thế giới ngày nay vẫn đầy sợ hãi, lo âu và thất vọng. Câu giải đáp cho thế giới sôi động của chúng ta nằm trong Giáo Lý của Đức Phật.
Ý NGHĨA VÀ SỰ NHỊN ĂN
Nhiều người trên thế giới bị chết bất thần vì ăn quá độ.
Trong Phật Giáo, nhịn ăn được coi như một phương pháp thực hành tự thu thúc. Đức Phật khuyên các tỳ kheo không nên ăn thực phẩm đặc (nặng) sau giờ ngọ (12 Giờ trưa). Cư sĩ tu Bát Quan Trai vào ngày rằm cũng không dùng thực phẩm nặng sau giờ ngọ.
Đôi khi có những lời phê bình cho cách tu tập này là lập dị. Đây không phải là những kiểu lập dị của tôn giáo mà là sự hành trì căn cứ trên tuệ giác về giới đức và tâm lý .
Trong Phật Giáo, nhịn ăn là giai đoạn tiên khởi cho tinh thần kỷ luật tự giác để trau dồi hạnh thu thúc. Trong mỗi tôn giáo đều có một phương thức nhịn ăn. Nhịn ăn và hy sinh một bữa trong một ngày hay trong một thời gian, chúng ta có thể đóng góp thực phẩm cho người đói hay cho những người thiếu thốn không có đủ bữa cơm hàng ngày.
Leon Tolstoy viết: "Kẻ ăn quá nhiều không thể tranh đấu chống lại lười biếng, kẻ tham ăn và biếng nhác không bao giờ có thể tranh đấu chống lại nhục dục". Cho nên, theo tất cả giáo lý về giới đức, nỗ lực về tự kiềm chế bắt đầu với việc tranh đấu chống lại tính tham ăn, bắt đầu với sự nhịn ăn cũng như điều kiện đầu tiên cho một cuộc sống tốt đẹp là tự kiềm chế, vậy điều kiện đầu tiên của cuộc sống tự kiềm chế là nhịn ăn.
Các bậc hiền triết tại nhiều quốc gia thực hành hạnh tự kiềm chế bằng một phương thức nhịn ăn có quy củ, và đã đạt được đỉnh cao tinh thần không thể tưởng tượng được.
Một nhà tu khổ hạnh bị đánh đá và tra khảo, tay và chân bị cắt do lệnh của một vị vua ngông cuồng. Nhưng nhà tu khổ hạnh này, theo chuyện trong Phật Giáo, đã chịu đựng tra tấn bình thản không chút gì giận dữ hay sân si. Người đạo hạnh như vậy đã phát triển sức mạnh tinh thần do sự diệt dục.
ĂN CHAY
Ta không nên phán đoán sự thanh tịnh hay bất tịnh của một người đơn giản bằng cách chỉ nhìn xem người ấy ăn gì.
Trong Kinh Amagandha, Đức Phật nói:

"Chẳng phải thịt, chẳng phải nhịn ăn, chẳng phải lõa thể,
Chẳng phải cạo đầu, chẳng phải bện tóc, chẳng phải trát đất,
Chẳng phải da xù xì, chẳng phải thờ thần lửa
Chẳng phải tự hành xác nơi đây trong thế giới này
Chẳng phải thánh ca, chẳng phải hiến cúng, chẳng phải tế thần
Chẳng phải hội mừng mùa màng
Có thể làm một kẻ tâm đầy hoài nghi trở thành trong sạch."
Ăn cá hay ăn thịt tự nó không làm cho một người trở thành bất tịnh. Một người tự làm mình không trong sạch bởi niềm tin mù quáng, gian dối, thèm muốn, tự đề cao, ô danh và những dụng ý tội lỗi. Do những tư tưởng và hành động xấu xa của mình tự làm mình bất tịnh. Không có một giới luật khắt khe nào trong Phật Giáo nói là tín đồ của Đức Phật không nên ăn cá thịt. Đức Phật chỉ khuyên là không nên liên quan vào việc giết chóc có dụng ý hoặc không nên yêu cầu người khác giết bất cứ chúng sanh nào cho mình. Tuy nhiên những ai ăn chay và không ăn thịt của thú vật đáng được ca ngợi.
Mặc dù không chủ trương các thầy tu phải ăn chay, Đức Phật vẫn khuyên các thầy không nên ăn mười loại thịt vì sự tôn trọng và bảo vệ cho chính các thầy. Mười loại thịt ấy là: người, voi, ngựa, chó, rắn, sư tử, hổ, báo, gấu, linh cẩu. Một số các thú vật tấn công người khi chúng ngửi mùi thịt sống cùng loại với chúng. (Vinaya Pitaka - Tạng Luật)
Một đệ tử của Ngài là Đề Bà Đạt Đa yêu cầu Đức Phật bắt các đệ tử của Ngài ăn chay, nhưng Ngài từ chối. Vì Đạo Phật là một tôn giáo tự do, nên Ngài khuyên là để cá nhân các đệ tử tự mình quyết định việc ăn chay. R‚ ràng Đức Phật không coi việc ấy là một luật lệ đạo lý quan trọng. Đức Phật cũng không đả động gì về vấn đề ăn chay của các cư sĩ Phật Giáo trong giáo lý của Ngài.
Jivaka Komarabhacca, một vị lương y bàn thảo về vấn đề tranh luận này với Đức Phật: "Bạch Đức Thế Tôn, con có nghe thấy rằng thú vật bị giết để dành cho Ẩn Sĩ Cồ Đàm, và Ẩn Sĩ Cồ Đàm cố ý ăn thịt thú vật bị giết để dành cho Ngài. Thưa Thế Tôn, có phải người ta nói thú vật bị giết là để cho Ẩn Sĩ Cồ Đàm, và Ẩn Sĩ Cồ Đàm cố ý ăn thịt thú vật bị giết vì mục đích để dâng cho Ngài Cồ Đàm. Họ buộc tội sai cho Đức Phật phải không? Hay đó là họ nói sự thật? Những lời tuyên bố và những lời giải thích thêm của Ngài phải chăng là đề tài bị người khác báng nhạo bằng một thái độ nào đó?"
"Này Jivaka, những ai nói: 'Thú vật bị giết là để cho Ẩn Sĩ Cồ Đàm, và Ẩn Sĩ Cồ Đàm cố ý ăn thịt thú vật bị giết để dâng cho mình', không nói đúng điều ta nói, họ đã buộc tội ta không đúng. Này Jivaka, ta đã nói là không nên ăn thịt, nếu nhìn thấy, nghe thấy hay nghi ngờ thịt đó do thú vật bị giết để dâng cho các thầy tỳ kheo. Ta cho phép các thầy tỳ kheo dùng thịt trong ba điều kiện: Nếu không nhìn thấy, không nghe và không nghi ngờ thịt do thú vật bị giết để cung cấp cho các thầy tỳ kheo" (Kinh Jivaka).
Trong một số quốc gia, Phật Tử Trường Phái Đại Thừa chỉ ăn chay. Sự tuân hành này dưới danh nghĩa tôn giáo đáng tán dương nhưng chúng ta phải nhấn mạnh là họ cũng không nên buộc tội những người không ăn chay. Họ phải hiểu rằng không có giới luật trong Giáo Lý nguyên thủy của Đức Phật bắt tất cả người Phật Tử phải ăn chay. Chúng ta phải nhận thức Phật Giáo là con đuờng Trung Đạo. Phật Giáo là một tôn giáo tự do, và lời khuyên của Đức Phật là không cần thiết đi đến cực đoan để thực hành lời Ngài dạy.
Ăn chay không thôi không thể giúp cho một người trau dồi nhân phẩm. Có những người mộ đạo thuần thành khả ái, nhữn nhặn và lễ phép giữa những người không ăn chay. Cho nên ta không nên bỏ qua quan điểm là một người trong sạch, mộ đạo là phải ăn chay.
Mặt khác, nếu bất cứ ai nghĩ rằng con người nếu không ăn thịt cá thì không thể sống khỏe mạnh, không cần thiết phải theo điều đó vì không đúng: hàng triệu người ăn chay trên khắp thế giới mạnh hơn và có sức khỏe hơn những người ăn thịt.
Những ai phê bình Phật Tử ăn thịt không hiểu thái độ của đạo Phật về thực phẩm. Mỗi chúng sanh cần có thực phẩm. Chúng ta ăn để sống. Như vậy con người cần phải cung cấp cho thân xác thực phẩm cần thiết để giữ cho được khỏe mạnh và có đủ năng lực làm việc. Tuy nhiên, do kết quả của sự gia tăng của cải, càng ngày càng nhiều người, nhất là trong các quốc gia phát triển, đơn giản ăn để thỏa mãn khẩu vị của họ. Nếu ta tham đắm vào bất cứ loại thực phẩm nào, hay giết thú vật để thỏa mãn thói tham ăn thịt của mình thì điều đó là sai quấy. Nhưng nếu một người ăn thịt chẳng phải vì tham lam, và không trực tiếp liên can vào hành động giết mà chỉ là để trợ sức cho xác thân vật chất, người đó thực hành hạnh tự chế.
NGÀY TRĂNG TRÒN (RẰM) VÀ CÁC TẬP TỤC ĐẠO GIÁO.
Những sự kiện nổi bật trong cuộc đời Đức Phật đều sẩy ra vào những ngày trăng tròn.
Nhiều người muốn biết ý nghĩa tôn giáo của ngày trăng tròn (ngày 15 âm lịch) và ngày trăng mới xuất hiện (mồng một âm lịch). Với người Phật Tử, những ngày này có một ý nghĩa tôn giáo đặc biệt nhất là ngày trăng tròn vì một số biến cố quan trọng và nổi bật liên quan với đấng Thế Tôn đều sẩy ra vào những ngày rằm. Đức Phật sanh ra vào ngày trăng tròn. Ngài xuất gia vào ngày trăng tròn. Ngày Ngài Giác Ngộ, ngày Ngài thuyết giảng bài Pháp đầu tiên, ngày Ngài nhập Niết Bàn, và những biến cố quan trọng trong suốt cuộc sống 80 năm tại thế của Ngài, đều xẩy ra vào ngày trăng tròn.
Phật Tử trên khắp thế giới rất kính trọng những ngày trăng tròn. Vào ngày này, họ nhiệt tình giữ giới luật, tu tập thiền định, và tránh đời sống nhục dục thế gian. Vào ngày này họ chú ý hướng vào việc phát triển tinh thần. Ngoài những người Phật Tử, có những người đạo khác cũng tin tưởng có một ý nghĩa tôn giáo nào đó liên quan đến những tuần trăng. Họ cũng tuân theo một số kỷ luật như nhịn ăn và cầu nguyện vào ngày trăng tròn.
Niềm tin cổ xưa của Ấn nói trăng kiểm soát nước, và lưu hành qua vũ trụ, hỗ trợ tất các các sinh vật, trăng là bộ phận tương ứng của nước trên thiên giới "amrta" để các thần thánh dùng. Sương và mưa trở thành nhựa cây, nhựa trở thành sữa bò, và sữa biến thành máu - nước Amrta, nhựa, sữa, máu tượng trưng những trạng thái khác nhau của một loại thuốc trường sanh. Cái bình hay cái ly tách đựng chất lỏng bất diệt này là trăng.
Người ta cũng tin rằng mặt trăng, giống như các hành tinh khác, ảnh hưởng một mức độ nào đó đến con người. Người ta nhận thấy một số người đau thần kinh có những cảm nghĩ say mê và xúc động vào những ngày trăng tròn. Chữ "người điên" (lunatic) nguồn gốc từ chữ (lunar) mặt trăng, rất có ý nghĩa và cho thấy rõ ràng ảnh hưởng của trăng đến đời sống con người. Một số người đau đớn bởi những hình thức bệnh hoạn khác cũng thấy bệnh nặng thêm vào thời điểm này. Các nhà nghiên cứu tìm thấy một số các tuần trăng không những ảnh hưởng đến người và vật, mà cũng ảnh hưởng đến đời sống cây cỏ và các thành phần khác. Nước thủy triều lên xuống là kết quả trực tiếp của ảnh hưởng áp đảo bởi trăng.
Thân xác chúng ta gồm có 70 phần trăm chất lỏng. Các thầy thuốc nhận thấy chất nuớc trong thân chảy mạnh hơn vào ngày trăng tròn. Những người bệnh suyễn, viêm cuống phổi, và cả đến một số bệnh ngoài da thấy bệnh nặng thêm do ảnh hưởng của trăng. Trên năm ngàn năm qua, người ta đã nhận thấy ảnh hưởng của trăng về trồng trọt. Người nông dân chú ý đặc biệt đến ảnh hưởng của con trăng về mùa màng của họ. Họ biết một số các hạt giống hay thóc bị ảnh hưởng khi lúc nở hoa vào lúc trăng tròn. Y khoa cũng xác định những phản ứng khác biệt của một số thuốc dưới khía cạnh khác nhau của trăng vì ảnh hưởng của mặt trăng với con người.
Về quan điểm có thể có ảnh hưởng của trăng, những nhà hiền triết thời xưa khuyên người ta nên giảm bớt những công việc ràng buộc vào ngày đặc biệt này và hãy nên coi nhẹ mọi sự để ngày đó êm ả trôi qua. Ta nên để tinh thần được nghỉ ngơi vào ngày này và dành nó cho mục tiêu tinh thần. Tất cả những ai phát triển tâm ý đến một mức độ cao nào đó có thể đạt giác ngộ khi trí óc đang ở trong trạng thái tỉnh thức. Những ai không rèn luyện tâm ý bằng kỷ luật tôn giáo có khả năng bị ảnh hưởng mạnh mẽ của trăng. Đức Phật đạt giác ngộ vào ngày trăng tròn vì Ngài đã phát triển và điều hòa sự kiện này một cách đứng đắn trong một thời gian dài.
Ngày xưa, một số các quốc gia Phật Giáo lấy ngày trăng tròn và ngày trăng mới là những ngày lễ chung và dân chúng được khuyến khích dành những ngày này vào việc trau dồi tinh thần. Chỉ từ sau khi thuộc địa thực dân xuất hiện, những ngày lễ công cộng này đã bị đổi vào Ngày Chủ Nhật. Trên phương diện này, một số các quốc gia Phật Giáo đang cố gắng tái lập hệ thống ngày lễ theo hệ thống âm lịch cũ. Ta nên lấy ngày trăng tròn là ngày tôn giáo để tập trung vào an lạc và hạnh phúc bằng cách lắng đọng các giác quan. Nhiều Phật Tử tu tập Bát Quan Trai Giới vào ngày trăng tròn, giải thoát các ràng buộc gia đình, tránh các lạc thú trần tục đạt an lạc nội tâm cho việc nâng cao tinh thần. Ảnh hưởng của trăng vào đời sống và trái đất đã và đang được phân tích một cách khoa học.
Một nhà văn viết: "Tôi đọc một bài trong một tạp chí khoa học Hoa Kỳ mới đây, tác giả đã đem những gì đã nghiên cứu được cho tới nay về mặt trăng và cho thấy vật thể lâu đời lâu kiếp này của bầu trời ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta một cách cụ thể ra sao, nhất là vào tuần trăng thứ tư khi trăng qua chu kỳ 28 ngày."
Sự nghiên cứu này, chủ trương bởi các Trường Đại Học Hoa Kỳ, Yale, Duke và Northwestern với tính cách hoàn toàn độc lập, những đại học này đã khám phá bằng chứng hết sức ngạc nhiên là mặt trăng giữ một vai trò lớn trong đời sống hàng ngày của chúng ta, và cả đến đời sống của tất cả mọi sinh vật.
Chúng ta được đoan quyết là không có gì huyền bí trong hiện tượng về các tuần trăng đã thật sự thôi thúc các hành động về thân như sửa đổi sự trao đổi chất, nạp điện, và độ acid (vị chua) trong máu.
Một trong những thí nghiệm then chốt thực hành để thiết lập sự kiện là thí nghiệm các đàn cua, chuột nhắt và một số cây. Tất cả đều được đặt vào phòng không bị ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, nhưng để chúng chịu sức ép của không khí, ẩm thấp, ánh sáng và khí hậu trong điều kiện được kiểm soát.
Hàng trăm lần quan sát cho thấy một sự kiện đặc biệt là tất cả thú vật và cây cối hoạt động trên một chu kỳ 28 ngày. Sự thay đổi chất giảm xuống với ngày trăng mới mọc cao hơn 20 phần trăm vào ngày trăng tròn. Sự sai biệt này được mô tả là một mức biến đổi nổi bật.
Có lần một nữ y tá tại Florida nói với một bác sĩ là bà ta nhận thấy hiện tượng máu chảy sẩy ra nhiều hơn vào những ngày trăng tròn. Giống như tất cả các bác sĩ hoài nghi về những loại tin tưởng này nên ông bác sĩ chỉ cười về câu nói này.
Nhưng bà y tá, không nao núng sờn lòng, đã đem những hồ sơ giải phẫu cho thấy rõ ràng, vào những ngày trăng tròn, nhiều bệnh nhân đã phải quay về phòng mổ nhiều hơn bất cứ thời gian nào khác để điều trị vì máu chảy quá nhiều sau giải phẫu. Để thỏa mãn cho chính mình, vị bác sĩ nọ bắt đầu thiết lập hồ sơ theo dõi cho riêng mình và đã đi đến kết luận tương tự. Khi ta xét đến tất cả những sự kiện này, ta có thể hiểu được tại sao tổ tiên và các vị đạo sư chúng ta khuyên hãy thay đổi nếp sống bình thường hàng ngày để cho tâm và thân được nghỉ ngơi vào ngày trăng tròn hay ngày trăng mới mọc. Tu tập tôn giáo là một phương pháp rất thích đáng cho ta kinh nghiệm an lạc tinh thần và thư giãn thân thể. Người Phật Tử chỉ đơn thuần gìn giữ trí tuệ trong quá khứ khi tinh tấn dành nhiều thì giờ hơn nữa cho những sinh hoạt tinh thần trong những Ngày Trăng Mới và Ngày Trăng Tròn.
-ooOoo-
Vì sao tin Phật
Hòa thượng K. Sri Dhammananda
Thích Tâm Quang dịch Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét