Giải mã hiện tượng "nhập đồng"
Các nhà nghiên cứu cho rằng, lên đồng là hình thức mà các thầy đồng trong trạng thái ngây ngất (Ectacy) để có thể thông quan với thần linh…
Cuốn sách: "Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận" của GS Ngô Đức Thịnh có đề cập đến một loại hình tôn giáo tín ngưỡng phổ quát trên thế giới có tên là Shaman giáo. Trong đó, lên đồng tuy là một nghi thức của đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, mang tính bản địa của người Việt, nhưng cũng lại mang nhiều nét đặc trưng của loại hình tôn giáo Shaman này.
Thanh đồng "biểu diễn"
Các nhà nghiên cứu cho rằng, Shaman giáo là một hình thái tôn giáo mang tính phổ biến của xã hội loài người, là hình thái tôn giáo đặc trưng của thời hưng thịnh chế độ bộ lạc. Với Shaman giáo, con người thông quan với thế giới siêu nhiên thông qua các thầy Shaman (thầy đồng), người mà theo quan niệm dân gian có những khả năng phù phép, phép thuật, tự đưa mình vào trạng thái ngây ngất để có thể thông quan với thế giới thần linh.
Trong cuộc thảo luận Quốc tế về đạo Mẫu và Shaman trong các tộc người ở Việt Nam và châu Á, tổ chức tháng 11/2001 tại Hà Nội, các nhà khoa học Quốc tế và Việt Nam đã đi đến một quan niệm chung về Shaman, đó là hình thức mà các thầy đồng trong trạng thái ngây ngất (Ectacy) để có thể thông quan với thần linh, cầu giúp việc chữa bệnh và mưu cầu may mắn tài lộc.
Tuy giới nghiên cứu trong và ngoài nước đang còn nhiều quan điểm khác nhau về Lên đồng có phải Shaman giáo hay không, nhưng trong công trình "Đạo Mẫu ở Việt Nam" (1996, 2001, 2007) và công trình "hát văn" (xuất bản năm 1990) thì cho rằng nghi lễ Lên đồng của đạo Mẫu là một hiện tượng Shaman giáo.
Lên đồng là một hiện tượng tâm lí sinh học
Ban đầu, các ông đồng, bà đồng không phải là những người tự nguyện đến với tín ngưỡng này, mà chủ yếu là họ bị “cơ đày”, bị đẩy tới việc phải "ra đồng". Người ta hay dùng cụm từ: có căn số, để chỉ những người có "duyên" có "số" với nhà Thánh. Mà căn số thì lại là một sự bí hiểm. Nó là sự kết hợp giữa các yếu tố tâm sinh lí của bản thân con người đó với các yếu tố xã hội.
Các ông đồng, bà đồng đều là những người bình thường, khi bị cơ đày họ có những hành vi lệch chuẩn, điên loạn hoặc ốm đau, chạy chữa bằng thuốc gì cũng không khỏi, có khi nguy hại đến tính mạng, phải trình đồng thì mới khỏi.
Với loại bệnh được cho là bị hành mà có như điên loạn, phát dại phát rồ, nhóm các nhà nghiên cứu cùng với GS Ngô Đức Thịnh đã làm phiếu điều tra và đáng ngạc nhiên là kết quả chỉ ra rằng khi đã ra trình đồng thì chắc chắn khỏi, để quay về đời sống bình thường.
Vậy bản chất của căn số là gì? GS Ngô Đức Thịnh cho rằng: "Về lĩnh vực này thì phải nghiên cứu liên ngành chứ chỉ nghiên cứu ở góc độ văn hóa không thì cũng không được. Những người mắc căn bệnh có nguồn gốc tâm sinh lí, họ được cho là những người "nhẹ vía" nên dễ bị những dồn nén về mặt xã hội. Những người như vậy thường tìm đến lên đồng để chữa căn bệnh này và thực tế lại chứng minh là lên đồng chữa khỏi. Từ đó dẫn đến một luận điểm, là không thể cấm được hoạt động lên đồng, vì người ta muốn quay trở về làm một con người bình thường trong xã hội thì tại sao lại cấm người ta".
GS Ngô Đức Thịnh đã nghiên cứu trường hợp một bà đồng ở Lạng Sơn, là người Tày. Bà này là hội trưởng Hội Phụ nữ xã, ông chồng là hiệu trưởng một trường THPT của huyện, anh con trai là trưởng phòng văn hóa của huyện. Khi bị “cơ đày”, bà này đi khắp các bệnh viện ở Hà Nội để chạy chữa mà không kết quả gì.
"Tôi đã chứng kiến năm đấy vừa ra Tết rét căm căm, tôi đi công tác về ngủ đêm ở gia đình bà đó, nửa đêm ông chồng choàng tỉnh không thấy bà đó đâu, đi tìm thì thấy bà đó đang nhảy xuống suối tắm, mà trời thì lạnh, nước suối như thể đóng băng. Lúc về nhà, gia đình đốt lên một đống lửa để sưởi ấm cho bà, thì lập tức, bà ta đứng phắt lên nhảy múa say sưa quanh đống lửa. Ông chồng kể, có những đêm không thấy vợ đâu, đi tìm thì thấy ngồi vắt vẻo trên cây. Tuy nhiên, cả gia đình đều chống lại việc bà đó ra đồng. Bản thân bà ấy ban đầu cũng không muốn mình trở thành một bà đồng. Bây giờ sau khi ra đồng thì bà đó đã khỏi".
Nói chung, vấn đề căn số còn là một bí ẩn, cũng không biết lấy căn cứ nào để xác định. Nhưng mỗi ông đồng, bà đồng có một căn (một ghế), ví dụ như căn Quan, căn Cô, căn Cậu, hay căn ông Hoàng...
Những ông đồng, bà đồng cầm căn vị thánh nào, thì biểu hiện của họ trong đời thường hay ngay trong khi lên đồng cũng mang đậm bản tính của vị thánh đó. Người có căn Quan thì rất chững chạc, cứng rắn. Căn Cô thì nhí nhảnh vui tươi, ẻo lả. Căn ông Hoàng thì thung dung, hào hoa, đĩnh đạc.
(Theo Bee.net.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét