Giới học (Thích Chơn Thiện)

Giới học


Giới học là một trong ba học: Giới, Ðịnh, Tuệ. Ba học còn được gọi là ba vô lậu học. Gọi là vô lậu học là vì ba học này đưa đến đoạn trừ các lậu hoặc, đưa đến giải thoát mà không phải đưa đến các phước báo sanh thiên.
Ý Nghĩa Của Giới
Thông thường, Giới được hiểu là ngăn ngừa điều quấy, dứt dừng điề ác ("phòng phi chỉ ác"), hoặc ngưng điều ác và làm điều thiện ("chỉ ác, tác thiện").
Trong Bát Chánh đạo, Giới là giới uẩn gồm có chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Ở đây chỉ sự ngăn ngừa các hành động lỗi lầm của thân và khẩu. Khi các hành động lỗi lầm không được làm thì tránh được nhiều sự tổn hại cho những người khác. Ðây đã nói lên ý nghĩa "tác thiện" của giới.
Chữ Giới trong Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (Sk: Pràtimoksa, Pàli: Patimokkha) có nghĩa là Biệt giải thoát hay Xứ xứ giải thoát, Tùy thuận giải thoát. Biệt giải thoát là giải thoát từng phần; giữ giới nhiều thì giải thoát nhiều, giữ giới ít thì giải thoát ít. Tùy thuận giải thoát là giải thoát tùy thuộc vào quả hữu vi hay vô vi của người hành.
Từ điển của Rhys Davids cắt nghĩa Giới (Silà) có gốc từ ngữ căn Sìl. Ngữ căn Sìl có hai nghĩa: Upadhàranà (luân lý, đạo đức của Phật giáo, cách cư xử, tư cách đạo đức) và Samàdhi (Ðịnh).
Từ Patimokkha thì có nghĩa là, theo cách phân tích từ ngữ, trói buộc các hành động, giữ gìn, thúc liễm các hành động của thân và khẩu không để cho rơi vào đường ác, sai lầm, tổn hại mình và người. Ví như buộc mồm trâu để ngăn nó ăn lúa mạ.
Giới trong nghĩa của ngày trai giới (Pàli: Uposatha, Sk. Upavasatha, Hán dịch là Bố-sa-tha), có nghĩa là tịnh trú, trưởng dưỡng, trưởng tịnh và thiện túc.
Tăng Chi (III - A) định nghĩa ngày trai giới là ngày thực hành hạnh sống của vị A-la-hán (chỉ giữ tám giới).
Trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Thế Tôn dạy: Giới là nền tảng của bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Bồ-đề phần và Tám Thánh đạo phần. Ví như đất là nền tảng, không có nó thì các loài động vật không thể di chuyển, cũng thế, không có Giới thì ba mươi bảy phẩm trợ đạo không thể được tu tập viên mãn.
Qua các định nghĩa trên, Giới giúp cho hành giả đạt được hai mục tiêu: không làm các điều ác (chư ác mạc tác), làm các việc lành (chúng thiện phụng hành). Mục tiêu thứ ba của Phật giáo là giữ tâm ý thanh tịnh, loại bỏ hết các lậu hoặc (tự tịnh kỳ ý) và cũng là mục tiêu cứu cánh, cần phải nhờ đến việc thực hành định uẩn và tuệ uẩn.
Thời Gian Và Lý Do Thiết Lập Giới
Theo tài liệu sử của Edward J. Thomas trong cuốn "Ðời sống của đức Phật" (The Life of Buddha), Giáo hội Ni được thành lập từ năm thứ năm sau ngày Thế Tôn thành Ðạo. Do đó, qua năm thứ sáu một số giới luật đã bắt đầu hình thành, và hình thành tương đối rõ là vào năm thứ mười sau ngày thành Ðạo. Luật tạng thì ghi mãi đến năm thứ mười ba sau ngày thành Ðạo giới luật mới hẳn nhiên được hình thành, do Tôn giả Ưu-ba-ly (Upàli) đặc trách. Bấy giờ Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (Patimokkha) ra đời.
Vì sao Giới bổn không được thiết lập ngay từ năm đầu của Giáo hội? -- Theo truyền thống, chư Thế Tôn chỉ thiết lập các giới điều, khi nào thấy cần thiết, khi nào đầy đủ nhân duyên. Khi có một hiện tượng vi phạm gây nên một ảnh hưởng không tốt cho sinh hoạt của Tăng chúng thì Thế Tôn mới kiết giới, thành lập thêm một giới điều để ngăn ngừa hiện tượng xấu ấy xảy ra về sau. Giới bổn cũng thế, trong những năm đầu, chư Tỷ-kheo sinh hoạt thanh tịnh trong khuôn khổ của Chánh pháp nên Thế tôn không đề cập đến Giới bổn, mà chỉ trình bày Giới dưới những hình thức đơn giản và tổng quát nhất là hình thức hộ trì các căn, hoặc dưới hình thức chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng của Bát Thánh đạo. Mãi đến năm thứ mười ba sau ngày thành Ðạo, bấy giờ có nhiều hiện tượng sinh hoạt đi ra ngoài đời sống phạm hạnh, Thế Tôn mới thành lập giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa.
Một hôm, Tôn giả Upàli bạch Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, do những mục đích nào các học pháp được thiết lập cho các đệ tử của Như Lai và Giới bổn Patimokkha được tuyên đọc?".
Thế Tôn dạy, do mười mục đích mà các học pháp được thiết lập và Giới bổn Pàtimokkha được tuyên đọc:
- Ðể Tăng chúng được cực thịnh,
- Ðể Tăng chúng được an ổn,
- Ðể chặn đứng các người cứng đầu,
- Ðể các thiện Tỷ-kheo được sống an ổn,
- Ðể chế ngự các lậu hoặc ngay trong hiện tại,
- Ðể chặn đứng các lậu hoặc trong tương lai,
- Ðể đem lại tịnh tín cho những người không tin,
- Ðể làm tịnh tín tăng trưởng cho những người có lòng tin,
- Ðể diệu pháp được tồn tại,
- Ðể luật được chấp nhận. (Tăng Chi bộ Kinh 3B, tr. 73).
Qua mười mục đích trên, Giới bổn chỉ giới hạn ở hai phần "chỉ ác" và "tác thiện" trong ba phần - chỉ ác, tác thiện và tự tịnh kỳ ý - mà Phật giáo nhắm đến.
Như thế, Giới qua Nikàya, chỉ gồm vào các giới của tại gia và xuất gia. Ðây là nội dung của Nhiếp luật nghi giới hay gọi là Biệt giải thoát giới.
Nội Dung Các Loại Giới
Có nhiều hình thức phân loại Giới. Cách phân loại thứ nhất, giới mang ý nghĩa rộng rãi của "Ðại thừa". Ở đây giới có ba loại:
- Loại một gọi là Nhiếp luật nghi giới, gồm có các giới của tại gia và xuất gia: ngũ giới, bát quan trai giới, thập thiện giới và cụ túc giới.
- Loại hai gọi là Nhiếp thiện pháp giới, lấy việc thực hành tất cả việc thiện làm giới.
- Loại ba gọi là Nhiêu ích hữu tình giới, lấy việc làm lợi ích cho tất cả chúng sanh làm giới.
Cách phân loại thứ hai cũng mang ý nghĩa rất rộng rãi của Ðại thừa, gồm có:
- Biệt giải thoát giới, đấy là nội dung của Nhiếp luật nghi giới.
- Ðịnh cộng giới, là giải thoát do định sinh, lấy định làm giới. Do tu Thiền định mà thâm tâm thanh tịnh, giới thể được cụ túc.
- Ðạo cộng giới, là giải thoát do tuệ sinh, lấy tuệ làm giới. Do tu vô lậu nghiệp mà được trí vô lậu, giới thể được viên mãn.
Qua sự phân loại giới trên, nhiếp thiện pháp giới và nhiêu ích hữu tình giới là thuộc Ðại thừa giới; biệt giả thoát giới và định cộng giới thì được gọi là hữu lậu giới; đạo cộng giới được gọi là vô lậu giới.
Luận Câu Xá thì gọi biệt giải thoát luật nghi (hay biệt giải thoát giới) là Dục giới triền giới; gọi định sanh luật nghi (hay định cộng giới) là Sắc giới triền giới; và gọi đạo sanh luật nghi (hay đạo cộng giới) là Vô lậu giới.
Trong giới hạn của phần giới được trình bày ở đây, chúng ta không đi vào các chi tiết của giới, cũng không đi vào các giới luật xuất gia, mà chỉ trình bày những nét cơ bản của Giới học.
Tính Chất Và Nền Tảng Của Giới
Cứ theo từng giới cấm một, cũng như toàn thể Giới bổn, đặc biệt là mười giới căn bản chung cho cả tại gia và xuất gia liên hệ đến thân, khẩu và ý, chúng ta có thể tìm ra tính chất của giới và nền tảng trên đó Giới được thiết lập.
Ở đây, đơn cử giới bất sát (không được sát sanh). Căn bản của giới này là không giết người, thứ đến là không giết hại các loài chúng sanh khác. Về phần người giữ giới, khi giữ gìn giới này thì ngăn trừ được sân tâm, nuôi dưỡng được từ tâm, khiến cho tâm được an tịnh, an lạc ngay trong hiện tại; từ đây, người giữ giới không tạo các nghiệp ác để phải chịu thọ quả khổ đau trong tương lai. Về phần các người khác và chúng sanh khác, khi giới bất sát được giữ gìn thì đời sống của họ được thêm phần bảo đảm an toàn, an ổn, khỏi phải gánh chịu các hậu quả do lòng sân hận, ác hại của người khác gây ra trong hiện tại.
Ðối với giới "bất dâm", "bất đạo", người giữ giới ngăn được lòng tham và không tạo thêm ác nghiệp gây ra khổ đau trong hiện tại và tương lai; tha nhân và các loài chúng sanh khác thì tránh được các tổn hại và sống an ổn.
Kết quả việc giữ giới như thế tựu trung tính chất của nó là đem lại an vui cho mình và cho người, điều hòa được sinh hoạt của tập thể, tạo nên lòng tin cho kẻ khác. Ðem lại lợi ích an lạc và giải thoát cho tự thân người giữ giới, đấy là trí tuệ; đem lại lợi ích an lạc cho tha nhân và các loài khác, đấy là từ bi. Trí tuệ và từ bi là nền tảng trên đó Giới được thiết lập.
Hướng đi của giới là đem lại lợi ích, an lạc cho mình và người, nên giới giúp đỡ người tu tập thấy nhẹ nhàng thân và tâm, an lạc trong từng bước đi. Giới đúng nghĩa của nó, không có ý nghĩa nào trói buộc hay tù túng cả. Ngoài một số hành động, nếu làm, hẳn nhiên phá đổ hạnh thanh tịnh nên tuyệt đối bị cấm chỉ, các sinh hoạt còn lại của người tu tập giải thoát đều được tùy duyên mà châm chước, khai mở. Ngay cả trong các trường hợp bị cấm chỉ, nếu vì "nghịch duyên" mà bị rơi vào (như là các "các tai nạn" liên hệ giới xảy đến), ngoài sự tác ý của hành giả, thì sẽ không phạm, nếu người bị nạn không khởi lên tham tâm hay sân tâm tùy thuận theo sự kiện đang xảy ra (ví dụ bị cưỡng hiếp, nếu không khởi lên lạc tâm thì không phạm).
Về các giới trọng thì tính chất khai mở của chúng còn có phần hạn chế, nhưng với các giới nhẹ thì tánh chất của chúng rất là cởi mở, linh động, phóng khoáng.
Luật tạng ghi rằng một lần các Phật tử và ngoại đạo chê trách các vị Tỷ-kheo đứng mà tiểu tiện, cho rằng cung cách đó là thô tháo, thiếu lịch nhã. Khi sự việc này được trình lên Thế Tôn, Thế Tôn bèn dạy: "Vậy thì từ nay các Tỷ-kheo, ngồi mà tiểu tiện". Nhưng ở một quốc độ khác, khi chư Tỷ-kheo ngồi tiểu tiện thì lại bị chê rằng các đệ tử của Thế Tôn toàn là nữ giới. Khi sự việc này trình lên Thế Tôn, Thế Tôn lại dạy: "Nếu vậy, thì đứng mà tiểu vậy". Thế có nghĩa là tùy theo quốc độ, tùy theo văn hóa mà thích ứng. Ðấy là một trường hợp điển hình nói lên tính chất linh động và cởi mở của Giới.
Như vậy giới trong giáo lý Phật giáo, không mang tính cố chấp, cứng nhắc như là giới điều (dogma), mà mang nghĩa tự nguyện, thiết thực đem lại lợi ích cho mình và người, nhằm nuôi dưỡng và phát triển tín tâm của mình và người.
Giới của Phật giáo một mặt ngăn ngừa các lậu hoặc trong hiện tại và tương lai, một mặt biểu hiện một nếp sống văn minh, lịch nhã, phù hợp với nền văn hóa và văn minh của loài Người.
Vị Trí Của Giới Trong Hệ Thống Giáo Lý Phật Giáo
Trường Bộ Kinh và Trường A-hàm đề cập đến Giới nhiều hơn là các bộ Kinh còn lại. Ðiển hình là Kinh Phạm Võng (của Nikàya) và Kinh Phạm Ðộng (của Trường A-hàm) xác định rõ vị trí của Giới trong hệ thống giáo lý Phật giáo. Trong hai kinh này, Thế Tôn xác nhận chỉ có các kẻ phàm phu mới ca ngợi, tán thán Như Lai về Giới đức. Lời ca ngợi, tán thán Như Lai như thật chân chánh là ca ngợi, tán thán về Tuệ đức: Như Lai đã chứng tri, giác ngộ và tuyên thuyết các pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt khỏi tầm luận lý suông, rất tế nhị, chỉ có các bậc trí tuệ mới nhận hiểu.
Qua lời xác nhận ấy của Thế Tôn, ta thấy Giới chỉ mới là bước đi căn bản của Phật giáo. Thực sự nói rõ hơn, Giới chỉ là bước đầu của năm bước đi: Giới, Ðịnh, Tuệ, Giải thoát và Giải thoát tri kiến (tri kiến biết rằng đã giải thoát).
Giới là bước đi đầu, nhưng là bước đi nền tảng. Nếu hành giả rơi vào giới cấm thủ (giữ giới sai lạc của ngoại đạo), hỏng từ bước đi đầu này, thì không thể nào thực hiện được bốn bước đi kế tiếp.
Ðấy là ý nghĩa của từ ngữ Giới trong Nikàya và A-hàm.
Qua đến Bắc tạng (Ðại thừa) thì từ Giới mang ý nghĩa rộng rãi bao la hơn nhiều: Giới bao gồm cả Ðịnh và Tuệ. Biệt giải thoát giới (hay Nhiếp luật nghi giới) và Ðịnh cộng giới là thuộc Hữu lậu giới, Ðạo cộng giới thuộc về Tuệ giải thoát hay Vô lậu giới.
Ðại Tạng Bát-nhã thì xếp Giới vào trong một sáu chi phần tu tập của Bồ-tát gọi là "Lục Ba-la-mật". Giới Ba-la-mật thì đã đồng nghĩa với đoạn trừ hết chấp thủ tướng, hay đồng nghĩa với đoạn trừ hết lậu hoặc, đây là Tuệ giải thoát.
Tuy có cái nhìn khác nhau trong sự phân loại và trình bày về Giới học của Nam tạng và Bắc tạng, nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ vào nội dung thì thấy rõ không có sự mâu thuẫn thực sự nào cả. Nam tạng thì trình bày giới hạn Giới ở mức độ như đã được trình bày, qua giới hạn đó thì Nam tạng bàn đến phần Ðịnh và Tuệ. Sự phân ranh giới hạn này có tính cách hình thức và quy ước hơn là nội dung tâm thức của người hành trì giới. Ở Bắc tạng, thì Ðịnh và Tuệ có thể cùng được tu chung với Giới; ở người hành trì Giới, đạt đến giới Ba-la-mật hẳn là đòi hỏi người hành trì Giới phải có đầy đủ Ðịnh và Tuệ. Thiếu Ðịnh và Tuệ thì hành giả không thể nào đạt được kết quả hành giới mà ly hết thảy các tướng chấp thủ.
Thực sự, cả Nam tạng và Bắc tạng đều xác nhận không thể tách rời riêng rẽ Giới, Ðịnh, Tuệ. Nhìn vào tám chi phần trong Bát Thánh đạo thì thấy hiển nhiên điều đó. Giới (hay chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng) không thể gọi là Chánh giới, nếu không có mặt của Tuệ (chánh kiến và chánh tư duy). Thực hiện Giới cũng chính là thực hiện Tuệ, thực hiện Tuệ cũng chính là thực hiện viên mãn Giới.
Hiểu Ý Nghĩa Ðúng Ðắn Của Giới Và Phạm Giới
Vấn đề phạm giới đưa đến kết quả nặng, nhẹ khác nhau giữa những người tu tập có tâm lý giải thoát khác nhau, dù họ phạm cùng một lỗi. Hậu quả họ đón nhận cũng khác nhau trong hiện tại và tương lai.
Phẩm Hạt Muối (Tăng Chi Bộ Kinh I) ghi sự cắt nghĩa rõ ràng của Thế Tôn về trường hợp này. Một người dân đen đánh trộm một con dê của một nhà giàu, có thế lực có thể bị đánh đập đổ máu ngay tại chỗ và bị tù tội. Nhưng một đại quan của triều đình bắt trộm một con dê của nhà giàu, có thế lực ấy thì không bị đánh đập, cũng không bị tù tội. Ví như một nắm muối thả vào một hồ nước lớn hay con sông lớn thì độ mặn không đáng kể, nhưng nếu để nắm muối ấy vào một ghè nước thì độ mặn lại đáng kể. Cũng thế, cùng phạm một tội, với người tâm tư bủn xỉn, không tu tập Giới, Ðịnh, Tuệ thì kết quả có thể đi vào địa ngục; nhưng với người có tu tập Giới, Ðịnh, Tuệ, có từ tâm rộng rãi thì xem như kết quả không có (triệt tiêu).
Kinh Ðại Nghiệp Phân Biệt (Trung Bộ Kinh III) trình bày, một người có chánh kiến và chánh tín trước lúc chết có thể sanh Thiên giới dù trong đời sống đã tạo nên mười ác nghiệp; trái lại một người có tà kiến và đầy nghi tâm trước khi chết có thể đi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, dù sanh tiền thường tạo mười thiện nghiệp. Sự có mặt của chánh kiến của phàm phu đã có ảnh hưởng lớn như thế trong việc thác sinh, huống nữa là sự có mặt của Tuệ giác.
Thường về mặt giới tướng, sự phạm tội được buộc tội nếu hội đủ ba điều kiện:
- Sửa soạn để phạm.
- Hành động cụ thể về sự vi phạm.
- Cố ý.
Trong ba điều kiện để buộc tội ấy, hai điều kiện là thuộc phần tác ý của tâm. Thành thử vấn đề của giới đặt ra một cách rõ ràng là để giúp cho con người giữ gìn tâm thức được trong sạch, thanh tịnh, lương thiện. Phạm giới có nghĩa là xác định tâm thức bị hoen ố. Như thế, vấn đề giữ giới thực ra là vấn đề giữ cho ý thức thanh tịnh, căn bản là theo dõi ý và chế ngự ý. Với ai mà tu giữ ý thức được thanh tịnh, giác tĩnh thì hẳn nhiên người ấy có giới thể được tròn đầy.
Giới dù cho có thiết lập nên nhiều giới điều, căn bản vẫn là có gốc ở ý thức. Giữ niệm được thanh tịnh thì giới thanh tịnh. Có thể phát biểu rằng chỉ có một giới căn bản là ý giới: rời xa các ác pháp, bất thiện pháp, rời xa tham ái, sân hận và chấp thủ.
Giới có công năng rõ ràng, qua phần trình bày ở trên, là đem lại an lạc và hạnh phúc lâu dài cho mình và cho người trong hiện tại và tương lai. Giữ giới là giữ gìn nguồn an lạc hạnh phúc ấy; phạm giới là gây tổn hại đến nguồn an lạc, hạnh phúc ấy.
Giới, như thế không phải dành riêng cho hàng xuất gia hay chỉ dành riêng cho hàng Phật tử tại gia, cũng không phải chỉ dành riêng cho những người lớn tuổi mà là chung cho tất cả mọi người trong mọi lứa tuổi, cho những ai muốn sống đem lại an lạc, hạnh phúc cho mình và người trong hiện tại và trong cả tương lai.
Nếu hạnh phúc là đối tượng mà nhân loại mãi đi tìm, thì hẳn đúng giới là những gì mà nhân loại cần nắm giữ trên đường đi đến hạnh phúc ấy. Ðã đến lúc con người cần loại bỏ hết thảy ngộ nhận về giới của giáo lý Phật giáo để tiến lại gần hơn với giơùi và nắm giữ giới thân ái như nắm giữ chính hạnh phúc của mình./.
-oOo-

Sáu Giới - Mười Hai Xứ - Mười Tám Giới


Sáu giới là sáu yếu tố làm nên con người và thế giới. Ðấy là những yếu tố: đất, nước, gió, lửa, không gian và thức.
Mười hai xứ thì gồm có sáu xứ ở trong: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý căn, và sáu xứ ở ngoài: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Ðây là thế giới của tướng trạng.
Mười tám giới là hình thức triển khai của sáu giới, gồm có sáu căn, sáu trần và sáu thức (nhãn thức, nhĩ, tỉ, thiệt, thân và ý thức).
Kinh Giới Phân Biệt (Trung Bộ Kinh III), Kinh Phân Biệt Giới (Trung A-hàm, số 162) và Kinh Phân Biệt Lục Xứ (Trung A-hàn, số 163) trình bày rõ về sáu giới và mười hai xứ.
Thực sự mười hai xứ và mười tám giới được bao hàm trong sáu giới. Thế Tôn đã trình bày sáu giới theo phương pháp phân tích, chỉ rõ sáu giới chính là con người và thế giới. Ðây cũng là mười hai xứ và mười tám giới. Con người luôn luôn được nhìn gắn chặt với thế giới. Nói khác đi, con người và thế giới cũng chính là sáu giới, mười hai xứ hay mười tám giới ấy, chúng không phải hai, không khác. Chúng đều có cùng pháp tính Duyên khởi tính. Bằng phương pháp phân tích này, người nghe có thể giác ngộ rằng ngã và pháp đều Vô ngã để rời khỏi chấp thủ tướng, nguyên nhân của sinh tử, khổ đau. Thế Tôn đã dạy nhìn sáu giới, mười hai xứ hay mười tám giới: không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta, để từ đây sinh tâm từ bỏ, yếm ly.
Những tư duy "tôi là các căn, các trần hay các thức", những ý niệm "tôi là", "tôi đã là", "tôi sẽ là" đều là vọng tưởng rơi vào ngã mạn, không phù hợp với giáo lý giải thoát của Thế Tôn.
Như đã được trình bày ở Duyên khởi và Năm uẩn, chi phần "sáu xứ", chi phần "xúc", chi phần "thức" (hay thức uẩn) tự nó là Duyên sinh, nên Vô ngã. Tại đây, A-hàm và Nikàya đều có một cái nhìn giống nhau. Chúng ta không thể hiểu lầm cho rằng A-hàm, hay Nikàya chủ trương các giới, các xứ là thực hữu hay hằng hữu.
Cái mà giáo lý Phật giáo gọi là thế giới, hay con người, chỉ là sự tổ hợp của các căn, các trần và các thức. Tự thân của căn, trần, thức đã là Duyên sinh, Vô ngã, nên thế giới và con người đều Vô ngã.
Chính giáo lý về sáu giới, mười hai xứ, mười tám giới đặt trọng tâm ở điểm Vô ngã này, mục đích là để soi sáng cho người nghe thấy rõ nhân Vô ngã, pháp Vô ngã để trừ bỏ mọi chấp trước, vọng tưởng.
Thế Tôn đã dạy Kinh Sáu Giới cho một tu sĩ trẻ tuổi là Phất-ca-la-sa-lợi (Pukkusàti) tại một chái nhà lá của thợ làm đồ gốm trong một đêm trú mưa để khai ngộ người tu sĩ trẻ tuổi này. Nghe xong, Phất-ca-la-sa-lợi đắc A-na-hàm quả ngay (tại chỗ).
Chúng ta cũng bàn đến Sáu giới này trong phần các chủ trương về Duyên khởi như Tứ đại hay Lục đại Duyên khởi. Tưởng ở đây chúng ta không phải đi sâu vào nội dung của từng giới (địa, thủy, hỏa, phong, không và thức)./.
-oOo-


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét