Hư cấu trong lịch sử Thiền Tông

Hư cấu trong lịch sử Thiền Tông


Để ý trong bài viết về sơ lược lịch sử Thiền Tông, thày Nhất Hạnh rất cẩn thận khi bắt đầu lịch sử Thiền Tông Trung quốc bằng tổ Đạo Tín. Nghĩa là, thày không dám khẳng đinh những vị gọi là tổ trước đó như Bồ Đề Đạt ma, Huệ Khả, Tăng Xán… có liên hệ với cái gọi là pháp hệ Thiền Tông.
Chính Thần Hội, một học trò kiệt xuất của tổ Huệ Năng, đã ra công sưu tầm và dựng nên một hệ truyền thừa từ Ma Ha Ca Diếp đến Bồ Đề Đạt Ma (tổ thứ 28), Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, Huệ Năng. Theo cách sắp xếp này, Thần Hội xếp thày mình là tổ thứ sáu của Thiền Tông Trung quốc.

Từ lâu tôi đã ngưỡng mộ Bồ Đề Đạt Ma với hình ảnh của một vị sư cổ quái mắt xanh, chín năm ngồi nhìn vách, một lá vượt sông dài. Người đã xé kinh Đại Bát Niết Bàn ném vào sọt rác. Không gì uyên bác hơn cuộc nói chuyện giữa Bồ Đề Đạt Ma và Lương Võ Đế. Cũng như đa số Phật tử tôi cũng thuộc lòng khẩu quyết của Thiền Tông: Bất lập văn tự. Ngoại giáo biệt truyền. Trực chỉ nhân tâm. Kiến tánh thành Phật. Nhưng với thông tin mới này thì tất cả mọi huyền thoại phải được xem lại.
Văn hóa cùng với Phật học chữ Hán đã vào Việt Nam và có lẽ đã thôi miên người Việt. Kinh điển Phật giáo từ chữ Hán dịch ra chữ Việt dù âm dịch có ngô nghê cách mấy cũng luôn được coi là cái gì đó cực kì linh thiêng. Những truyền thuyết cùng với những huyền thoại trong các loại kinh luận đó dù thế nào đi nữa cũng không thể gây nghi hoặc cho người đọc, vì đó là kinh mà! Và kinh là chân lý tuyệt đối nói ra từ khẩu Phật!
Sự Thật Bồ Đề Đạt Ma không liên quan gì đến cái gọi là Thiền Tông Trung quốc. Trước nhất, ai mà chẳng biết huyền thoại Bồ Đề Đạt Ma chín năm ngồi nhìn vách. Cái động tác ngồi Thiền là cái động tác mà Thiền Tông quyết liệt bài bác. Vậy làm sao Bồ Đề Đạt Ma lại là tổ sư của một môn phái chủ trương không ngồi thiền được. Hai là, pháp thực hành của Bồ Đề Đạt Ma thì hoàn toàn không ai biết. Có lẽ ngài vẫn thực hành pháp thiền giống như pháp thiền của Đức Phật, và ngài chỉ là người muốn kêu gọi  “đạo Phật tụng kinh” thời bấy giờ, hãy thức tỉnh quay lại với cách thực hành đúng đắn.
Có thể Bồ Đề Đạt Ma sang Trung quốc truyền đạo là có thật, nhưng Bồ Đề Đạt Ma hoàn toàn không biết nội dung của “hốt nhiên đại ngộ” là cái gì và cũng không biết đến cái gọi là công án hay thoại đầu của các thiền sư người Tàu. Mọi chuyện chỉ vì sau khi tịch, ngài đã bị Thần Hội viết tên vào phả hệ của Thiền Tông.
Thiền sư nổi tiếng người Nhật, Daisetz Teitaro Suzuki, trong bộ Thiền-luận nổi tiếng khắp thế giới đã không chứng minh được sự có thực của Bồ Đề Đạt Ma như một sơ tổ của Thiền Tông Trung quốc:
- Tính cách lịch sử của Bồ Đề Đạt Ma đôi khi bị nghi ngờ; nhưng đối với Thiền, vấn đề không hệ trọng. Thiền hài lòng với những quan điểm lịch sử cho rằng thiền quả có khởi thủy ở Trung Hoa; bắt đầu với một vị tôn sư nào đó ngài từ Ấn Độ mang mật chỉ tâm truyền đến cho những Phật từ Trung Hoa đương thời…
Nhắc lại, thày Nhất Hạnh không dám gắn tên Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Khả và Tăng Xán vào lịch sử Thiền Tông Trung quốc. Thày Thích Mãn Giác, một người theo và ca ngợi Thiền Tông, còn khẳng định chuyện Bồ Đề Đạt Ma là sơ tổ thiền tông Trung quốc là ngụy tạo. Thày cho rằng vì nhớ ơn nguồn gốc Ấn của Đạo Phật mà Thiền tông thêm vào hình ảnh của một thiền sư người Ấn.
Lịch sự Thiền tông Trung quốc đã là ngụy tạo, thì làm gì có chuyện Ma Ha Ca Diếp là Tổ đầu tiên truyền đạo “Thiền tông”. Có thể có chuyện Ma Ha Ca Diếp niệm hoa, nhưng Ma Ha Ca Diếp chưa từng truyền một đạo nào giống như Thiền tông trung quốc đã nói. Kinh tạng Pali không hề ghi lại một dòng thiền nào bắt đầu với Ma Ha Ca Diếp.
Hai mươi tám vị tổ người Ấn, bắt đầu từ Ma Ha Ca Diếp đến Bồ Đề Đạt Ma tu theo Thiền Tông như vậy là do hoang tưởng mà có. Cũng không phải là hoang tưởng mà chính là xảo thuật đánh lừa người đời sau. Hình như tất cả các môn phái tu tập sau Đạo Phật đều có khuynh hướng dựa vào uy danh của Đức Phật và pháp mạch của Phật giáo để xiển dương. Ngay cả các môn phái bàng môn của của Ấn giáo như Surat Shabd (Thanh hải Vô Thượng sư) cũng tự nhận mình là Đạo Phật!
Thử tưởng tượng vào thế kỉ thứ bảy, học giả nào có thể kiểm chứng những sự kiện như trên. Nhưng bây giờ ngành khảo cổ, ngành nghiên cứu cổ ngữ đã không khó khăn gì khi chứng minh một tài liệu hay sự kiện trong đúng sự thực của nó.
Những sự kiện và thông tin về Thiền Tông bây giờ rối beng lên rồi. Phật giáo Nguyên Thủy thì thường không bàn đến những điều vừa kể trên, vì đây là sự thực họ đã biết từ lâu. Chỉ những phật tử Việt Nam chất phác nên phải biết vì…thời điểm đã đến rồi!
Đối với người Trung quốc họ có thói quen kì lạ là hay lôi kéo những vị tài ba về phía họ. Mới đây họ đã phát hiện ra Thành Cát Tư Hãn cũng là người Trung quốc! Người Mông Cổ đâu phản kháng được gì, khi Mông Cổ bây giờ chỉ là một tỉnh của Trung quốc. Theo nhịp điệu này, trong tương lai rất gần, Đạt Lại Lạt Ma cũng sẽ là người Trung quốc!
Thông tin hơi bị choáng:
Khai quật ở Đôn Hoàng, vùng sa mạc Tân Cương, cho thấy có thể Lục Tổ Huệ Năng là người Việt Nam . Tại Đôn Hoàng cũng tìm thấy bản kinh Pháp Bửu Đàn 12.000 chữ, được coi như bản gốc hơn so với các bản trước đây (đời Nguyên, đời Minh) dài đến 21.000 chữ. Chỉ nhận xét thoáng qua sự cách biệt về số chữ giữa hai bản kinh, ta có thể mường tượng Đạo Phật nói chung hay Thiền Tông nói riêng, được truyền thừa sai lệch đến mức độ nào!
Trong thế giới chính trị của loài người,  ngụy tạo và sửa đổi lịch sử là chuyện thường tình. Trong xã hội đời thường, chuyện sử dụng bằng giả để ngồi ở địa vị cao cũng là chuyện thường tình. Trong thế giới tôn giáo (của những người không chứng ngộ đầy đủ) chắc không tránh khỏi chuyện làm kinh giả, sửa đổi kinh gốc, thêu dệt giáo sử, thậm chí ngụy tạo xá lợi sau khi thày chết để chứng minh thày mình là chân sư chứng đắc!
Thế giới đã phát triển, mặt bằng nhận thức của nhân loại đã nâng cao, tâm linh con người đang có tiến bộ đột biến, vì thế bài viết không thể chủ trương tinh thần phân biệt kiểu đạo Phật Ấn độ thì đúng, đạo Phật Trung Quốc thì sai hoặc người Việt Nam thì hay người Trung quốc thì dở. Mọi màu da, chủng tộc, văn minh, văn hóa, tôn giáo, pháp môn…đều là một, đều là của nhân loại. Tất cả các lãnh vực vật chất hay tinh thần đều luôn tương tác cộng sinh. Trong tinh thần như thế, những thông tin lần lượt đưa lên Blog này trước hết là vì tính thông tin, hai là nhằm ý hướng phá vỡ mọi huyền thoại (desacralisation) xét thấy không cần thiết nữa cho sự tiến bộ tâm linh trong thời điểm đặc biệt này.
BS. Phạm Doãn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét